1. Lời dẫn
Tông phái Gelugpa được thành lập bởi Đại sư Tông-khách-ba còn gọi là sơ tổ, [1] sau này được chia thành hai dòng truyền thừa là Đạt-lai Lạt-ma và Ban-thiền Lạt-ma, mà ngày nay trên toàn thế giới được biết đến Phật giáo Tây Tạng thông qua sự lãnh đạo đầy uy đức của các vị Lạt-ma này. Trong bài viết nầy, chúng tôi sẽ trình bày về những cống hiến vĩ đại của chư tôn đức Lạt-ma Gelugpa đối với sự phát triển Phật giáo Tây Tạng, như đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV (T. Tā-la’i bla-ma, ཏཱ་ལའི་བླ་མ་།), đức Ban-thiền Lạt-ma (T. Pan-chen bla-ma, པཎ་ཆེན་བླ་མ་།), nhà tiên tri Nechung (T. Gnas-chung, གནས་ཆུང་།) và đức Sogyal Rinpoche (T. Bsod-rgyal བསོད་རྒྱལ་།). Họ là những người đại diện tiếng nói cho các nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng để truyền bá thông điệp hòa bình, tinh thần bất bạo động, từ bi, hài hòa với các hoạt động tôn giáo trong đời sống xã hội.
2. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV – biểu tượng của lòng từ bi và trí tuệ
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV, danh xưng Tenzin Gyatso (T. Bstan-‘dzin rgya-mtsho, བསྟན་འཛིན་རྒྱ་མཚོ་།) là người đứng đầu nhà nước và lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng. Ngài sinh vào ngày 6 tháng 7 năm 1935 trong một gia đình nông dân ở làng Takster (hổ gầm), đông bắc Tây Tạng. Năm 2 tuổi, đứa trẻ Lhamo Thondup [2] được công nhận là hóa thân của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII (Thubten Gyatso, 1876-1933). Vào tháng 10 năm 1939 đức Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama) [3] trẻ tuổi đi cùng với nhóm người tìm kiếm và các thành viên gia đình của ngài đã đến Lhasa thủ đô của Tây Tạng. Lễ đăng quang của ngài đã diễn ra vào ngày 22 tháng 10 năm 1940 tại cung điện Potala.
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV
Theo R. Rahul [4] viết rằng: Đức Đạt-lai Lạt-ma bắt đầu được giáo dục tại tu viện từ năm sáu tuổi. Chương trình giảng dạy bao gồm năm môn chính và năm môn phụ. Các môn học chính là lý luận, văn hóa nghệ thuật Tây Tạng, tiếng Phạn, y học và triết học Phật giáo được chia thành năm loại nữa, Trí tuệ Ba-la-mật (S. Prajñāpāramitā), Trung quán tông (S. Mādhyamika), triết học Trung đạo; Luật (S & P. Vinaya), Kinh điển giới luật tu sĩ; A-tì-đạt-ma (S. Abhidharma), siêu hình học; pramāṇa, [5] lý luận và nhận thức luận. Năm môn học nhỏ là thơ, nhạc, kịch, chiêm tinh và thành ngữ; từ đồng nghĩa. Sau đó, ngài được phong làm lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng ở tuổi 15. Năm 23 tuổi, ngài tham dự kỳ thi cuối cùng tại tu viện Jokhang ở Lhasa, trong lễ hội Monlam Chenmo hay Đại lễ cầu nguyện năm 1959, ngài được vinh danh và trao bằng cấp cao nhất Lharampa Géshé (tiến sĩ triết học Phật giáo).
Năm 1959, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV cùng hơn 8.000 người Tây Tạng vượt dãy Himalaya đến lưu trú tại thành phố Dharmsāla, bang Himachal Pradesh miền đông bắc – Ấn-độ. Dưới sự cho phép của Chính phủ Ấn-độ lúc bấy giờ, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của Thủ tướng Jawaharlal Nehru (1889 – 1964). Tại đây, vào ngày 28 tháng 04 năm 1959, ngài thành lập Chính quyền Trung Ương Tây Tạng với mục tiêu “đưa người tị nạn Tây Tạng về quê, phục hồi tự do và hạnh phúc ở Tây Tạng”.
Dựa vào công trình nghiên cứu cá nhân của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney – Úc, thì đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV được xem là một trong ba Thánh nhân [6] người châu Á của thế kỷ XX, ngài sở hữu những thành tích học tập rất xuất sắc. Hơn thế nữa, ngài còn được biết đến bởi những cống hiến vĩ đại và nỗ lực đã dành cho quê hương Tây Tạng, thực hiện nhiều cuộc vận động và cải cách Tây Tạng, thành lập trường Đại học Tây Tạng tại Ấn-độ, góp phần giải quyết những vấn đề của người Tây Tạng tại Ấn-độ. Ngài được công nhận trên toàn cầu như một hiện thân của những nguyện vọng cao nhất về nhân quyền, chấm dứt nỗi khổ niềm đau, nuôi dưỡng hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Để truyền bá thông điệp nhân văn bền bỉ này, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV đã đi không mệt mỏi đến hơn 67 quốc gia, gặp gỡ và trao đổi rất nhiều nguyên thủ lãnh đạo đất nước; ngài đã tổ chức các cuộc đối thoại với những người đứng đầu của các tôn giáo khác nhau, nhiều nhà khoa học nổi tiếng và ngài cũng là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 116 cuốn sách bằng tiếng Anh.
H.E. Richardson [7] diễn tả rằng: để ghi nhận những nỗ lực không ngừng của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV, nhằm truyền bá thông điệp hòa bình, tinh thần bất bạo động (S. Ahiṃsā; T. Mi-‘tshe-ba, མི་འཚེ་བ་།), đem lại phúc lợi bình an cho mọi người, sự hòa hợp giữa tôn giáo, trách nhiệm phổ quát và lòng từ bi. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV đã được vinh danh với hơn 150 giải thưởng và bằng Tiến sĩ danh dự, bao gồm giải thưởng Nobel Hòa bình cao quý năm 1989. Giải thưởng của Hội Phật giáo tại Vương quốc Anh năm 2005. Giải thưởng White Lotus của cộng hoà Kalmykia năm 2006. Điều cao quý hơn, ngài trở thành một trong sáu người duy nhất từng được cấp Quốc tịch Danh dự của Canada. [8] Huy chương vàng của Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ trao tặng năm 2007 và giải thưởng Templeton năm 2012.
Hơn bao giờ hết, với tinh thần từ bi vô biên, tình yêu thương hào phóng đến vô cùng, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV còn khuyến khích động viên người dân toàn cầu vì môi trường xanh của thế giới, quốc gia, xã hội, con người phải biết tuân thủ pháp luật sẽ tạo ra một môi trường sống an toàn, hạnh phúc; ở đó, con người sống bình yên, thân thiện với thiên nhiên – môi trường và nơi ấy, văn hóa đô thị luôn được bồi đắp để trở thành nếp sống văn minh hiện đại – là cái gốc của sự phát triển bền vững. Đây là điều ước muốn chung của con người, không hề viển vông, bởi lẽ nó phù hợp với quy luật của sự phát triển mà rất nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Trong bài phát biểu tại diễn đàn môi trường toàn cầu cho thế hệ tiếp theo ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 6 tháng 4 năm 2015, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV nói:
“…Chăm sóc hành tinh của chúng ta cũng giống như chăm sóc ngôi nhà của chính mình. Vì con người đến từ tự nhiên, không có nghĩa lý gì khi chúng ta đi ngược lại tự nhiên, đó là lý do tại sao tôi nói rằng môi trường không phải là vấn đề của tôn giáo, đạo đức hay luân lý. Nếu chúng ta làm mất cân bằng thiên nhiên, loài người sẽ phải gánh chịu hậu quả. Hơn nữa, với tư cách là những người đang sống hôm nay, chúng ta phải xem xét các thế hệ tương lai: môi trường trong sạch là một quyền của con người như bao quyền khác. Do đó, một phần trách nhiệm của chúng ta đối với những người khác là đảm bảo rằng thế giới mà chúng ta truyền lại vẫn lành mạnh…” [9]
Tiếp biến tinh thần đó, việc con người giữ gìn trái đất xanh cũng đồng nghĩa là chúng ta đang bảo vệ buồng phổi hơi thở của chính mình; thật sự không ai muốn đem đến đau khổ cho nhau, mà sự đau khổ này là do sự thiếu hiểu biết gây ra. Vậy, làm cách nào để thế giới trở nên hoà bình, môi trường sáng xanh sạch đẹp và con người có được cuộc sống lợi lạc bình an? Tốt hơn hết, con người hãy loại bỏ tính đố kỵ, sân hận, ích kỷ và tham lam, thay vào đó – chúng ta nên trau dồi lòng vị tha, tình yêu thương phổ quát, lòng bao dung độ lượng; từ sự khoan dung vô ngã ấy, con người sẽ trở nên hạnh phúc, cảm giác bình yên và mãn nguyện được lưu xuất từ tâm bình đẳng vô ngại.
Tuy nhiên, trong hành tinh xanh này, tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc, muốn được tự do và cố gắng tránh xa mọi khổ đau; con người có quyền tự quyết định số phận của mình với tư cách cá nhân. Đây cũng là vấn đề thiết yếu quan trọng nhất khi con người sống trong một thế giới văn minh tiên tiến toàn cầu hoá. Thực tế, những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ngày nay – xung đột bạo lực, tàn phá thiên nhiên, nghèo đói v.v… chủ yếu là những vấn đề do con người tạo ra. Chúng có thể được giải quyết, nhưng chỉ thông qua nỗ lực của con người; với sự hiểu biết, lòng trắc ẩn, tính cảm thông và sự phát triển của tình đồng loại cùng chung một nhịp đập của con tim, một nhận thức tốt, chúng ta hãy xây dựng một trách nhiệm thế giới xanh vững bền từ hôm nay cũng như cho thế hệ mai sau. Tính tương thuộc ấy, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV đã nói:
“ Trong cái thế giới hỗ tương lệ thuộc mật thiết này, những cá nhân và quốc gia không còn có thể tự giải quyết vấn đề riêng của họ được. Chúng ta cần đến nhau. Bởi thế, chúng ta phải phát huy một ý thức về trách nhiệm hỗ tương… Trách nhiệm của tập thể và của từng cá nhân là bảo vệ và nuôi dưỡng đại gia đình toàn cầu, nâng đỡ những thành viên yếu kém, cũng như bảo trì và săn sóc môi trường sống của tất cả chúng ta.” [10]
Song bên cạnh đó, con người hãy nên tôn trọng và bảo vệ phát triển tính nhân quyền, bình đẳng, dân chủ cũng như hoà bình là những giá trị phổ quát mà thế giới đã công nhận, ủng hộ, đánh giá cao. Vào năm 1987, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV đã đề xuất về năm điểm căn bản kế hoạch hoà bình ở Tây Tạng, ngài nhấn mạnh: “Hòa bình có nghĩa là hòa hợp, hòa hợp giữa con người với nhau, giữa con người với động vật, giữa chúng sinh và môi trường.” Do đó, trong thế giới duyên sinh này, con người không nên sống thờ ơ với những gì đã, đang và sẽ xảy ra với chúng ta. Một khi nhận thức rõ được quy luật sống, giá trị chân lý hoà bình sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho nhau.
Có một niềm khát vọng lớn và ngày càng tăng về sự thay đổi trên thế giới; thay đổi để mở ra cánh cửa hoà bình, phúc lạc, an vui; nhằm giải quyết các vấn nạn uẩn khúc, rộng hơn là giữa các quốc gia, cộng đồng xã hội và trong phạm vi hẹp đối với con người, mỗi cá nhân là tế bào trong xã hội đó. Đồng thời, đề cao phẩm giá đạo đức con người cũng như trách nhiệm của con người. Chúng ta cần sự thay đổi nhằm giáo dục và thúc đẩy nhu cầu cấp thiết trong việc chăm sóc hành tinh và các hệ thống sinh thái. Tính giáo dục ấy, không chỉ về lượng kiến thức, đạo đức, thể lực mà phổ quát hơn là giáo dục con người ngũ uẩn (S. Pañca-skandha; P. Pañca-khandha; T. Phung-po-lnga, ཕུང་པོ་ལྔ་།) toàn diện.
Về giáo pháp và các quan điểm được đề cập trong dòng chảy triết học Phật giáo, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV luôn tích cực xiển dương truyền bá tư tưởng Đại thừa, kết hợp cùng với Kim cương thừa, tạo thành một sức mạnh tinh thần vững chắc trên bầu trời tâm linh Phật giáo Tây Tạng. Ngài luôn khuyên bảo con người nên phát khởi Bồ-đề tâm [11] để cứu độ chúng sanh, một khi tâm từ được mở ra thì khổ đau liền khép lại [12] và làm thế nào để con người thể nhập chứng ngộ Tánh không (S. Śūnyatā; T. Stong-pa nyid, སྟོང་པ་ཉིད་།; H. 性 空)? Đây là một vấn đề không dễ dàng đơn giản chút nào. Người học về Tánh không cũng giống như kẻ bắt rắn bằng hai bàn tay không. Bởi nếu hiểu theo cách thông thường, Tánh không ở đây không có nghĩa là không có hiện hữu một pháp nào đó. Chúng ta có thể cho rằng, Tánh không là không có gì hết, phủ nhận tất cả những gì và cho là, nhưng Tánh không không phải như vậy. Khi nào và nơi đâu vắng bặt sự tư duy, suy nghĩ; hay nói khác, chính sự vắng bóng của tự tánh (S. Svabhāva; T. Rang-bzhin, རང་བཞིན་།; E. By itself; H. 自性) là sự thật tối hậu của vạn pháp. Thấu hiểu được điều này chính là trí tuệ. Chúng ta cũng nên biết, nguyên nhân mà chúng sanh bị trầm luân sanh tử khổ đau là do nhất niệm bất giác, căn bản vô minh (S. Mūlāvidyā; T. Rtsa-ba’i ma-rig pa, རྩ་བ་མ་རིག་པ་།; H. 根本無明), đây được xem là đầu mối của sanh tử. Cho nên, mục đích chính yếu của con đường tu tập tâm linh là đoạn trừ vô minh xuyên qua lưỡi gươm vàng trí tuệ. Một tri thức thông tuệ, đặt nền tảng trên thực tại (P. Sanditthiko), sẽ hiểu rằng chúng sinh và vạn pháp không hiện hữu một cách có tự tánh (không có sự hiện hữu nội tại, không thể tự hiện hữu một cách độc lập). Đây chính là tuệ giác Tánh không.
Từ những sự đồng cảm trong cuộc sống thường nhật, nếu cho phép có thể nói rằng: với sự hiện diện của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV thông qua các cử chỉ ánh mắt hiền hoà và nụ cười từ ái trong mọi cách tiếp cận, tạo nên sức lan toả truyền cảm hứng năng lượng bao dung đến vạn vật muôn loài. Hiện tại, ngài sống trong một ngôi tịnh thất nhỏ tại thành phố Dharmsāla – Ấn-độ. Ở tuổi 88, ngài vẫn thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, toạ thiền, rồi tiếp tục làm việc theo thời khóa biểu của văn phòng chính phủ; tiếp khách và giảng dạy giáo lý cho các khóa tu hoặc chứng minh cho các Đại lễ. Ngài thường nói rằng: “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật giáo bình thường, không hơn, không kém”(I am just a simple Buddhist monk – no more, no less). [13]
3. Đức Ban-thiền Lạt-ma – biểu tượng của hạnh nguyện đại trí, đại hùng và đại lực
Đức Ban-thiền Lạt-ma được coi là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần tôn giáo đáng kính nhất của Tây Tạng. Đức Ban-thiền Lạt-ma và Đạt-lai Lạt-ma có mối quan hệ tâm linh đặc biệt và được gọi là “mặt trời và mặt trăng” trong bầu trời tâm linh Phật giáo Tây Tạng. Mối quan hệ giữa đức nhị vị Lạt-ma này được xem là duy nhất, vì hầu hết thời gian mỗi vị Lạt-ma không chỉ tham gia vào việc tìm kiếm tái sinh của người kia mà còn đảm nhận vai trò như đệ tử và sư phụ với nhau. Cho đến thời gian gần đây, đức Ban-thiền Lạt-ma chỉ đứng thứ hai sau đức Đạt-lai Lạt-ma trong uy quyền tâm linh của tông phái Gelugpa Phật giáo Tây Tạng.
Danh hiệu ‘Panchen’ được tạo thành từ âm tiết đầu tiên của hai từ ‘Pandit’; một từ tiếng Phạn có nghĩa là học giả và ‘Chenpo’, một từ tiếng Tây Tạng có nghĩa là vĩ đại. Vì vậy, nó là một danh hiệu được trao cho các vị học giả vĩ đại hay đại học giả. Tất cả các vị trụ trì của tu viện Tashi Lhünpo (trụ sở của Ban-thiền Lạt-ma và một trong những tu viện lớn của miền trung Tây Tạng) cũng được biết đến bởi danh hiệu này. Trong giai đoạn đương nhiệm của Đạt-lai Lạt-ma thứ V, Ngawang Lobsang Gyatso (1617-1682), trụ trì của Tashi Lhünpo, Lobsang Choekyi Gyaltsen (1570-1662) đã được trao tặng danh hiệu và quyền sở hữu của tu viện Tashi Lhünpo. Kể từ đó, ba hóa thân trước và sau của ngài được biết đến với danh hiệu Ban-thiền Lạt-ma. [14]
Vai trò của đức Ban-thiền Lạt-ma và Đạt-lai Lạt-ma có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày ở Tây Tạng, cả hai dòng truyền thừa Lạt-ma ưu việt này, không chỉ có những đóng góp to lớn cho đời sống tinh thần và vật chất mà còn trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, văn hóa nghệ thuật của người dân Tây Tạng.
Vào thế kỷ XVII, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V – Ngawang Lobsang Gyatso (1617-1682) tuyên bố rằng người thầy của mình, Lobsang Choekyi Gyaltsen (1570-1662) là Ban-thiền Lạt-ma hiện tại sẽ tái sinh trong một đứa trẻ. Do đó, ngài trở thành người đầu tiên của dòng Lạt-ma tái sinh, xuất hiện trở lại là Lobsang Yeshi (1663-1737), Lobsang Palden Yeshi (1738-1780), Palden Tenpai Nyima (1781-1854), Tenpe Wangchuk (1855-1882) và Thubten Choekyi Nyima (1883-1937). Các đức Ban-thiền Lạt-ma từng được coi là hóa thân của đức Phật A-Di-Đà (S. Amitābha; T. Od-dpag-med, འོད་དཔག་མེད་།).
Những bất đồng giữa sự quản lý của Đạt-lai Lạt-ma và Tashi Lhünpo về trách nhiệm đã dẫn đến sự ra đi của Ban-thiền Lạt-ma tới Trung Quốc vào năm 1923. Một cậu bé sinh ra từ cha mẹ Tây Tạng vào khoảng năm 1938 tại tỉnh Thanh Hải – Trung Quốc, Bskal-bzang Tshe-brtan (1938-1989) được chính phủ Trung Quốc công nhận là người kế vị, nhưng không trải qua các bài kiểm tra chính xác thông thường xác định sự tái sinh. Ngài được đưa đến Tây Tạng vào năm 1952 và lên ngôi với tư cách là trụ trì của tu viện Tashi Lhünpo.
Đức Panchen Lama thứ XI, Gedhun Choekyi Nyima
Sau sự viên tịch của đức Ban-thiền Lạt-ma thứ X, Lobsang Trinley Choekyi Gyaltsen (1938-1989), một cuộc tìm kiếm đã được thực hiện để khám phá sự tái sinh của ngài. Năm 1995, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV công nhận Gedhun Choekyi Nyima (T. དགེ་འདུན་ཆོས་ཀྱི་ཉི་མ་།, sinh 25/04/1989) sáu tuổi là Ban-thiền Lạt-ma thứ XI, nhưng lựa chọn này đã bị chính phủ Trung Quốc từ chối, đưa cậu bé vào ‘chăm sóc đặc biệt’ và sau đó đã bổ nhiệm Chökyi Gyelpo (T. ཆོས་ཀྱི་རྒྱལ་པོ་།, sinh 13/02/1990) là Ban-thiền Lạt-ma thứ XI vào cuối năm 1995. Vậy, làm thế nào để biết được thông tin rõ ràng của đức Ban-thiền Lạt-ma thứ XI cũng như Ban-thiền Lạt-ma tiếp theo? Vấn đề này vẫn còn mơ hồ và gây tranh cãi hiện nay: “Đã hai mươi năm kể từ khi đức Ban-thiền Lạt-ma Choekyi Nyima thứ XI vắng bóng, không biết hôm nay ngài có an toàn không?” [15]
Đức Panchen Lama thứ XI, Chökyi Gyelpo
4. Nhà tiên tri Nechung – người làm trung gian giữa cõi tự nhiên và tâm linh
Danh từ “tiên tri” (S. Daivavāṇī; H. 先知) được sử dụng cho một tinh thần đi vào những người nam và người nữ, đóng vai trò trung gian giữa các cõi tự nhiên và tâm linh. Do đó, cùng cách gọi khác được biết là “kuten-la”, có nghĩa đen là “cơ sở vật chất”. Người Tây Tạng dựa vào các nhà tiên tri vì nhiều lý do. Mục đích của các nhà tiên tri là không chỉ để báo trước những điềm trong tương lai mà còn được xem như là những người bảo hộ và đôi khi đóng vai trò như những người Bác sĩ. Tuy nhiên, chức năng chính của họ là bảo hộ Phật pháp và các hành giả tu tập. Nhà tiên tri Nechung được phong là một thứ trưởng trong hệ thống cấp bậc của chính phủ Tây Tạng, lưu trú tại thành phố Dharmsāla, là vị thần bảo hộ của chính phủ Tây Tạng và đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV.
Hiện tại là nhà tiên tri Thupten Ngodup [16] (T. Thub-bstan dngos-grub, ཐུབ་བསྟན་དངོས་གྲུབ་།), sinh ngày 13 tháng 7 năm 1958 tại Phari, Tây Tạng và đang sống ở Dharmsāla, bang Himachal Pradesh miền đông bắc – Ấn-độ. Ngài Thupten Ngodup xuất gia năm 1971, đệ tử của đạo sư Mật tông nổi tiếng Nga-dak Nyang-relwa (1136-1204). Năm 1984 đạo sư Lobsang Jigme (T. Blo-bzang ‘jigs-med, བློ་བཟང་འཇིགས་མེད་།, 1930-1984) viên tịch, ngài Thupten Ngodup là người kế vị Nechung vào năm 1987.
Trong cuốn tự truyện “Tự do lưu vong” [17] đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV viết: Trong hàng trăm năm nay, theo truyền thống đức Đạt-lai Lạt-ma và Chính phủ đã tham khảo ý kiến của Nechung trong các lễ hội năm mới. Ngoài ra, Nechung có thể được thỉnh nguyện vào những lúc khác nếu có câu hỏi cụ thể. Bản thân tôi đã thảo luận với ngài vài lần trong một năm. Điều này nghe có vẻ xa vời đối với độc giả phương Tây ở thế kỷ XXI này. Ngay cả một số người Tây Tạng, chủ yếu là những người tự coi mình là ‘tiến bộ’, có những hiểu lầm về việc tôi tiếp tục sử dụng phương pháp thu thập thông tin cổ xưa này. Nhưng tôi làm như vậy vì một lý do đơn giản là khi tôi nhìn lại nhiều lần, khi tôi đặt câu hỏi về sấm ngôn (讖言), trên mỗi người trong số họ đã chứng minh rằng câu trả lời của mình là đúng. Điều này không có nghĩa là tôi chỉ dựa vào lời khuyên của nhà tiên tri. Tôi không thể tìm kiếm ý kiến của ngài ấy (nhà tiên tri) giống như cách tôi tìm kiếm ý kiến nội các (内閣) [18] của tôi và cũng như tìm kiếm ý kiến về lương tâm của chính tôi. Tôi coi các vị thần là ‘thượng viện’ của tôi, Kashag [19] tạo thành ‘hạ viện’ của tôi. Giống như bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác, tôi tham khảo cả hai trước khi đưa ra quyết định về các vấn đề của nhà nước, đôi khi ngoài lời khuyên của Nechung, tôi cũng xem xét một số lời tiên tri nhất định.
Nhà tiên tri Nechung Kuten Venerable Thupten Ngodup
Về một khía cạnh nào đó, trách nhiệm của Nechung và trách nhiệm của đức Đạt-lai Lạt-ma đối với Tây Tạng là như nhau, mặc dù chúng tôi hành động theo những cách khác nhau. Nhiệm vụ của tôi đó là sự lãnh đạo, hòa bình và đem lại phúc lợi cho mọi người. Tuy nhiên, mặc dù các chức năng của chúng tôi tương tự như nhau, mối quan hệ của tôi với Nechung là người lãnh đạo tinh thần. Tôi không bao giờ cúi đầu trước ngài ấy (Nechung) mà để Nechung cúi đầu trước đức Đạt-lai Lạt-ma. Vậy mà chúng tôi rất thân thiện (S. Maitrī; T. Byams-pa, བྱམས་པ་།) gần gũi với nhau. Điều cảm động khi tôi còn nhỏ, Nechung rất mến và luôn chăm sóc tôi rất nhiều. Ví dụ, nếu Nechung nhận thấy rằng tôi mặc áo bất cẩn hoặc không đúng cách, ngài ấy sẽ đến và điều chỉnh lại chiếc y của tôi v.v…
Nechung luôn thể hiện sự tôn trọng đối với tôi, ngay cả khi mối quan hệ của ngài ấy với Chính phủ đã xấu đi, như họ đã làm trong những năm cuối cùng của nhiếp chính, ngài ấy luôn trả lời nhiệt tình bất cứ khi nào tôi hỏi điều gì. Đồng thời, Nechung trả lời các câu hỏi đôi khi ngài ấy chỉ đáp lại bằng một tràng cười nhẹ. Tôi nhớ rất rõ một sự cố cụ thể xảy ra khi tôi khoảng mười bốn tuổi, Nechung đã hỏi một câu hỏi về Trung Quốc, thay vì trả lời trực tiếp, Nechung quay về hướng Đông và bắt đầu cúi xuống vô cùng lo ngại. Thật đáng sợ khi nhìn thấy động tác chuyển động này kết hợp với trọng lượng của chiếc mão to lớn mà ngài đang đội trên đầu có thể làm gãy cổ của Nechung. Nechung đã làm điều đó ít nhất mười lăm lần, tạo nên sự lo lắng cho mọi người không ai biết được mối nguy hiểm này nằm ở chỗ nào.
Để diện kiến Nechung không phải gặp lúc nào cũng được, mà phải mất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn khi ngài ấy cho phép mới được gặp. Nechung rất kín đáo và nghiêm khắc, giống như bạn tưởng tượng về một bậc danh nhân vào thời xưa. Ngài ấy cũng không bận tâm đến những vấn đề nhỏ, mà mối quan tâm của Nechung chỉ ở những vấn đề lớn hơn, vì vậy cần phải được trả lời cho các câu hỏi thích hợp. Nechung cũng có những điều thích và không thích nhất định.
Nechung có tu viện riêng của mình ở Dharmsāla, nhưng thường thì ngài đến gặp tôi vào những dịp trang trọng, ngài mặc một bộ trang phục rất nghiêm trang, bao gồm nhiều lớp y phục được đắp bởi một chiếc y vải thổ cẩm được dệt từ lụa vàng trang trí công phu, nó được bao phủ bởi các thiết kế cổ xưa có màu đỏ, xanh dương và vàng. Trên ngực của ngài đeo một chiếc gương tròn được bao quanh bởi các cụm màu ngọc lam và thạch anh tím, cùng với sự bóng loáng của thanh gươm nhấp nháy với câu Thần chú tiếng Phạn tương ứng với Dorje Drakden. [20]
Trước khi bắt đầu thực hiện nghi thức, Nechung mặc một loạt y phục, hỗ trợ bốn lá cờ và ba biểu ngữ chiến thắng. Nhìn chung, bộ trang phục này nặng hơn bảy mươi cân, khó có thể di chuyển trừ khi ở trong trạng thái thôi miên (S. Saṃmohaṇa; H. 催眠). Buổi lễ bắt đầu với những câu Thần chú và lời cầu nguyện, kèm theo sự trỗi lên của tiếng kèn, chũm chọe và trống. Sau một thời gian ngắn, Nechung đi vào trạng thái thôi miên, được sự hỗ trợ bởi các thị giả của ngài, họ đã giúp Nechung ngồi trên một chiếc ghế nhỏ đặt trước ngai vàng của tôi. Sau đó, khi vòng cầu nguyện đầu tiên kết thúc và lần thứ hai bắt đầu thì trạng thái thôi miên của Nechung đã đi vào sâu hơn. Lúc này, một chiếc mão to lớn được đội trên đầu của ngài ấy. Vật phẩm này ước chừng nặng ba mươi cân, mặc dù trước đây nó nặng hơn bảy mươi.
Bây giờ sắc mặt của Nechung có sự biến đổi, trở nên hơi căng thẳng tạo sự kỳ lạ từ dáng vẻ bên ngoài với đôi mắt lồi và má sưng. Tiếp theo, Nechung nhảy lên và bắt lấy một thanh kiếm nghi thức từ một trong những người thị giả của mình rồi nhảy với những bước chậm rãi, trang nghiêm. Sau đó, Nechung đến trước mặt tôi và lễ lạy hoặc xá một cách thật sâu cho đến khi chiếc mão của ngài chạm đất trước khi nhấc lên lại. Sau đó là một cuộc đàm luận giữa Nechung và tôi về lễ nghi mà ngài ấy cúng cho tôi, tiếp theo là tôi hỏi bất kỳ câu hỏi cá nhân nào và Nechung đã trả lời trong tinh thần hòa nhã cung kính, rồi sau đó ngài trở lại chỗ ngồi của mình và lắng nghe những câu hỏi của các thành viên Chính phủ. Trước khi đưa ra câu trả lời, Nechung bắt đầu nhảy lại, vung thanh kiếm trên đầu, trông giống như một thủ lĩnh chiến binh Tây Tạng tráng lệ và hùng dũng.
Ngay khi Dorje Drakden nói xong, Nechung đưa ra lời đề nghị cuối cùng trước khi ngã quỵ xuống trong một hình thức nghiêm khắc và bất động, nhằm biểu thị sự chấm dứt của chủ quyền. Đồng thời, nút thắt giữ chiếc mão của ngài được tháo ra khẩn cấp bởi các người thị giả và họ dìu Nechung ra ngoài để phục hồi, trong khi buổi lễ vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Có thể nói rằng, với vai trò thứ trưởng, các vị Nechung đã đóng góp rất lớn trong việc tiên tri, tham mưu, tư vấn cho đức Đạt-lai Lạt-ma và nội các của mình, cũng như điều hành chính phủ Tây Tạng. Đặc biệt, họ có thể tiên đoán và dự tính được các sự việc quan trọng sẽ xảy ra; nhằm giúp cho Chính phủ Tây Tạng có các phương pháp tối ưu để giải quyết những sự việc trong tương lai.
5. Đức Sogyal Rinpoche – người truyền cảm hứng trong lộ trình sinh thuận tử an
Đức Sogyal Rinpoche (T. Bsod-rgyal rin-po-che, བསོད་རྒྱལ་རིན་པོ་ཆེ་།, 1947-2019) sinh tại tỉnh Kham (T. Khams, ཁམས་།; H. 康巴) ở miền đông Tây Tạng, ngài được công nhận từ khi còn nhỏ là hóa thân của một vị thầy vĩ đại và vị thánh có tầm nhìn của thế kỷ XIX, Tertön Sogyal Lerab Lingpa (T. གཏེར་སྟོན་བསོད་རྒྱལ་ལས་རབ་གླིང་པ་།, 1856-1926), một vị thầy của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII, Thubten Gyatso (T. Thub-bstan rgya-mtsho, ཐུབ་བསྟན་རྒྱ་མཚོ་།, 1876-1933).
Ngài đã được đào tạo trong truyền thống về một Lạt-ma Tây Tạng dưới sự giám sát chặt chẽ của Jamyang Khyentse Chökyi Lodrö (T. འཇམ་དབྱངས་མཁྱེན་བརྩེ་ཆོས་ཀྱི་བློ་གྲོས་།, 1893-1959) một trong những bậc thầy tâm linh nổi bật nhất của thế kỷ XX, người đã nuôi dưỡng Rinpoche giống như đệ tử của mình. Ngài tiếp tục học với nhiều bậc thầy vĩ đại khác, trong tất cả các tông phái Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là Dudjom Jikdral Yeshe Dorje (T. བདུད་འཇོམས་འཇིགས་བྲལ་ཡེ་ཤེས་རྡོ་རྗེ་།, 1904-1987) và Dilgo Khyentse Rinpoche (T. Dil-mgo mkhyen-brtse bkra-shis dpal-‘byor, དིལ་མགོ་མཁྱེན་བརྩེ་བཀྲ་ཤིས་དཔལ་འབྱོར་།, 1910-1991).
Năm 1971, Sogyal Rinpoche đến nước Anh, nơi mà ngài học Tôn giáo so sánh tại Đại học Cambridge. Đầu tiên với tư cách là dịch giả và phụ tá cho các bậc thầy đáng kính của ngài, sau đó giảng dạy theo phong cách riêng của mình. Sogyal Rinpoche đi đến nhiều quốc gia để quan sát thực tế cuộc sống của mọi người và tìm cách phiên dịch các giáo lý của Phật giáo Tây Tạng để làm cho chúng phù hợp với tín ngưỡng của con người trong thời hiện đại, bằng cách đúc kết lại những gì tinh túy nhất để mọi người có thể áp dụng tu tập và chuyển hóa tâm trong đời sống thường nhật của họ.
Đức Sogyal Rinpoche (1947 – 2019)
Từ những phương pháp giảng dạy độc đáo của người và khả năng tiếp thu những giáo lý này trong cuộc sống, được thể hiện rất sinh động trong cuốn sách sáng giá “Tạng thư sống chết” [21] (T. Bar-do thos-grol, བར་དོ་ཐོས་གྲོལ་།; E. The Tibetan book of living and dying) được xuất bản năm 1992, với hơn ba triệu phiên bản được ấn tống bằng 34 thứ tiếng khác nhau và hiện đã có mặt tại 80 quốc gia. Điều đặc biệt, quyển sách nầy đã được chấp nhận bởi các trường Đại học, các tổ chức và tôn giáo, kể cả ngành trong y tế cũng như các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.Hơn thế nữa, Sogyal Rinpoche đã thành lập Rigpa, [22] một hệ thống trung tâm và các nhóm cung cấp những lời dạy của đức Phật thông qua các khóa học và hội thảo về Thiền định (S. Dhyāna; T. Bsam-Gtan, བསམ་གཏན་།) và Từ bi (S. Maitrī-karuṇā; T. Jampa-nyingjé, བྱམས་པ་སྙིང་རྗེ་།). Con đường tu tập và thực hành hoàn thiện theo mọi giai đoạn của những lời đức Phật dạy. Sogyal Rinpoche đã cống hiến trí tuệ của mình cho việc giảng dạy hơn 40 năm ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Úc với sứ mệnh đem lại lợi lạc cho hữu tình chúng sinh. Ngài đã nghỉ hưu với tư cách là Giám đốc Tâm linh của Rigpa năm 2017. Kể từ khi Sogyal Rinpoche nghỉ hưu, Rigpa vẫn tiếp tục cung cấp các khóa học, chương trình, hội thảo và khóa tu do các giáo viên và người thầy hướng dẫn, cũng như thăm viếng các vị Thầy và Lạt-ma, đặc biệt là từ truyền thống Nyingmapa cổ xưa của Phật giáo Tây Tạng.
Một ngày vào mùa Thu, 28 tháng 8 năm 2019 (Kỷ hợi), đức Sogyal Rinpoche đã xả bỏ báo thân ở tuổi 72 tại Thái lan, để lại vô vàn kính mến và thương tiếc cho toàn thể những ai đã thọ ơn giáo dưỡng và hữu duyên với lời dạy của ngài.
6. Kết luận
Quan điểm của người Tây Tạng, khi vị Lạt-ma thứ nhất viên tịch, ngài phát nguyện sau khi xả bỏ báo thân này sẽ tiếp tục tái sinh để hoàn thành sứ mệnh trong kiếp lai sinh. Trong lúc tẫn liệm (nhập kim quan) các đệ tử của đức Đạt-lai Lạt-ma đã sắp xếp những đồ dùng thường nhật của ngài và an trí chôn cất cùng với thầy của mình. Hai năm sau đó, họ bắt đầu tìm kiếm nơi tái sinh của vị Đạt-lai Lạt-ma được xác định bởi một hài nhi khoảng hai tuổi ở vùng Tsang (T. གཙང་།), người từ khi vừa bập bẹ biết nói đã yêu cầu cha mẹ gọi mình bằng cái tên của Đạt-lai Lạt-ma đời thứ nhất. Hài nhi đó chỉ ra những món đồ của Đạt-lai Lạt-ma đời trước trong số các món đồ được trộn lẫn (xâu chuỗi hoặc bất kỳ một di vật nào đó). Đây là một phương pháp đặc thù trong Phật giáo Tây Tạng, khi vị Lạt-ma chọn cách thức nhập thể tái sinh. Bằng tất cả tâm, nguyện và trí lực – chư tôn đức Lạt-ma luôn dấn thân trong đời để phụng sự, đem lại phúc lợi cho đất nước và con người Tây Tạng nói riêng, cũng như truyền cảm hứng năng lượng bình an cho chúng sinh nói chung.
Qua đó, đức Đạt-lai Lạt-ma và đức Ban-thiền Lạt-ma được xem là hai vị Phật sống của Phật giáo Tây Tạng. Đức Đạt-lai Lạt-ma là biểu tượng của lòng từ bi – yêu thương, trí tuệ tựa như đại hải, là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ-tát (S. Avalokiteśvara bodhisattva; T. Chenrezig, སྤྱན་རས་གཟིགས་།). Đức Ban-thiền Lạt-ma được coi là hóa thân của đức Phật A-Di-Đà (S. Amitābha; T. Od-dpag-med, འོད་དཔག་མེད་།), là biểu tượng của hạnh nguyện đại trí, đại hùng và đại lực. Nhà tiên tri Nechung người đảm nhận vai trò như một bác sĩ tinh thần làm cầu nối giữa các cõi tự nhiên và tâm linh. Cùng với tư tưởng “Tạng thư sống chết”, mọi người hãy chọn cho mình sự an lành thảnh thơi trong tương lai. Tất cả những thông điệp phúc lợi hòa bình mang đến cho nhau, không ngoài mục đích nhằm kiến tạo một cõi thánh thiện trong cuộc đời này.
Tham khảo và Chú thích
[1]. Sơ tổ Tông-khách-ba (1357-1419), nhị tổ Gyaltsab Je (1364-1431) và tam tổ Khedrup Gelek Pelzang (1385-1438). Phật giáo Việt Nam có Thiền phái Trúc lâm, do đức vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sáng lập. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là sơ tổ Nhân Tông (Trúc Lâm Đại Đầu Đà), nhị tổ Pháp Loa (1284-1330) và tam tổ Huyền Quang (1254-1334). Xem thêm Thích Phước Sơn (dịch và chú giải), Tam Tổ Thực Lục, Nxb Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1995.
[2]. Lhamo Thondup có nghĩa đen là “nữ thần hoàn thành ước nguyện”. Xem Thondup Gyalo & F. A. Thurston, The Noodle Maker of Kalimpong: The Untold Story of My Struggle for Tibet. Gurgaon: Random House Publishers India Private Limited, 2015, tr. 20. (Lama Thubten đặt tên cho người đệ tử mới của ngài là Lhamo Thondup).
[3]. Thuật ngữ Dalai Lama ban đầu là một danh hiệu của vị đại Lạt-ma thuộc tông phái Gelugpa của Phật giáo Tây Tạng. Nó được tạo thành từ tiếng Mông Cổ. Dalai (tức là rộng lớn hoặc đại dương) và từ Tây Tạng Bla-ma (tức là bậc thầy tâm linh) có nghĩa là người thầy tâm linh có tấm lòng từ bi và trí tuệ giống như đại dương. Vì vậy, thuật ngữ Dalai Lama có nghĩa là người thầy toàn cầu hoặc người thầy toàn thế giới. Dalai Lama là biểu hiện lòng từ bi của Bồ-tát, là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ-tát (Avalokiteśvara Bodhisattva), tiếng Tây Tạng gọi là Chenrezig (T. སྤྱན་རས་གཟིགས་།), hiện tại là đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV (1935-nay).
[4]. Xem R. Rahul, “The Institution of Dalai Lama”, International Studies, (vol. 10), no.4, 1969, tr. 499.
[5]. Pramāṇa: thuật ngữ được dùng để chỉ tập hợp các giáo lý Phật giáo về nhận thức luận. Xem thêm Dreyfus Georges B. J, Recognizing Reality: Dharmakīrti’s Philosophy and Its Tibetan Interpretations, State University of New York Press, Albany, 1997, các tr. 366-378.
[6]. Một trong ba Thánh nhân người châu Á của thế kỷ XX, đó là cố thi hào Ấn-độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Mahatma Gandhi (1869-1948) và đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV (1935-nay).
[7]. Xem H.E. Richardson, Tibet and its History, London: Oxford University Press, 1962.
[8]. Người nhận quốc tịch danh dự Canada: 1. Raoul Gustaf Wallenberg (1912-1947); 2. Nelson Rolihlahla Mandela (1918-2013); 3. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV (1935-nay); 4. Aung San Suu Kyi (1945-nay); 5. Shāh Karim al-Husayni (1936-nay); và 6. Malala Yousafzai (1997-nay).
[9]. A Clean Environment Is a Human Right: “…Taking care of our planet is like taking care of our houses. Since we human beings come from nature, there is no point in our going against nature, which is why I say the environment is not a matter of religion or ethics or morality. These are luxuries, since we can survive without them. But we will not survive if we continue to go against nature.
We have to accept this. If we unbalance nature, humankind will suffer. Furthermore, as people alive today, we must consider future generations: a clean environment is a human right like any other. It is therefore part of our responsibility towards others to ensure that the world we pass on is as healthy…”
[10]. “In today’s highly interdependent world, individuals and nations can no longer resolve many of their problems by themselves. We need one another. We must therefore develop a sense of universal responsibility… It is our collective and individual responsibility to protect and nurture the global family, to support its weaker members, and to preserve and tend to the environment in which we all live.” His Holiness the Dalai Lama, A Policy of Kindness. An Anthology of Writings by and about the Dalai Lama. Sidney Piburn, ed., Ithaca, NY: Snow Lion Press, 1990, các tr. 113-114.
[11]. Xem Thupten Jinpa, Mind Training: The Great Collection, Wisdom Publications, U.S. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV (author); Phan Châu Pha – Tiểu Nhỏ (dịch) (2017), Phát Tâm Bồ-Đề, Nxb Liên Phật Hội, 2005.
[12]. Xem Lama Thubten Yeshe, Make your mind an ocean: Aspects of Buddhist psychology, Published by Lama Yeshe Wisdom Archive, 1999. Thubten Chodron, Open Heart, Clear Mind: An Introduction to the Buddha’s Teachings, Snow Lion Publications, 1990.
[13]. Kenneth Kraft, Inner Peace, World Peace: Essays on Buddhism and Nonviolence, State University of New York Press, Albany, 1992, tr. 86.
[14]. Department of Information and International Relations, Central Tibetan Administration, The Panchen Lama: Politics Intruding on a Religious Discovery, DIIR Publications, Dharmsāla.
[15]. “It is now twenty years since the 11th Panchen Lama Choekyi Nyima disappeared. Is he safe today?”. Xem The Panchen Lama lineage “How reincarnation is being reinvented as a Political tool”, Published by Department of Information and International Relations Central Tibetan Administration Gangchen Kyishong, Revised and updated August 2015, tr. 44.
[16]. Xem thêm Lezlee Brown Halper & Stefan Halper, Tibet: An Unfinished Story, Oxford University Press, 2014, tr. 345.
[17]. His Holiness Tenzin Gyatso The Dalai Lama, Freedom In Exile: The Autobiography of the Dalai Lama, Publisher: harperperennial, 1992, các tr. 233-236.
[18]. Nội các là cơ quan thực hiện quyền hành pháp của một nước. Xem Viện Khoa Học Pháp Lý – Bộ Tư Pháp, Từ Điển Luật Học, Nxb Từ điển Bách Khoa; Nxb Tư pháp, 2006, tr. 357.
[19]. Kashag (T. བཀའ་ཤག; H. 噶廈, cát hạ) nghĩa là các cố vấn Hội đồng quản trị của Chính phủ Tây Tạng lưu vong. Xem N. Subramanya, Human Rights and Refugees, A.P.H Publishing Corporation, Ansari Road, Darya Ganj. New Dehli, 2005, tr. 61.
[20]. Dorje Drakden là hậu thân của Pehar, vị Thần bảo hộ Phật giáo Tây Tạng. Xem thêm Christopher Paul Bell,Nechung: The Ritual History and Institutionalization of a Tibetan Buddhist Protector Deity, Published by University of Virginia, 2013, các tr. 36-58.
[21]. Xem Thích Nữ Trí Hải (dịch), Tạng Thư Sống Chết, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2008.
[22]. Rigpa (S. Vidyā; T. རིག་པ་།) là một từ Tây Tạng, có nghĩa là ‘trí tuệ’. Xem Tenzin Wangyal Rinpoche, The Tibetan Yogas of Dream and Sleep, New York, Snow Lion Publications Ithaca, 1998, các tr. 143-146.