(Tiếp theo phần 1 và hết)
II. Quá trình phát triển và hệ thống các Tu viện Tông phái Gelugpa
Tông phái Gelugpa nhấn mạnh về cả hai khía cạnh tu viện và sự thông thái. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tông phái này có một nội quy tu viện về kiến trúc tốt, kể cả các cấp độ thành tích học thuật cũng được sắp xếp theo thứ bậc. Sự phân chia đầu tiên là về cách danh xưng, được thực hiện theo mọi quy tắc của Phật giáo Tây Tạng, giữa những tu sĩ bình thường và Lạt-ma tái sinh. Sau này, những người đã được công nhận là tái sinh của các vị Lạt-ma đã viên tịch, họ thường được xuất gia làm tu sĩ từ khi còn nhỏ và bắt đầu các khóa tu về tôn giáo ngay sau đó. Các vị tu sĩ có thể vào tu viện ở mọi lứa tuổi, nhưng thông thường họ sẽ phát tâm khi tuổi đời còn trẻ, phần lớn là nhận được sự động viên của cha mẹ và những người thân trong gia đình của họ.
Một người mới xuất gia được gọi là “Gétsül”[1] (Sa-di giới) và sau khi học các hạnh nghi giới luật, vị đó có thể thỉnh cầu để lãnh thọ giới pháp đầy đủ được gọi là “Gélong”[2] (Cụ túc giới hay Tỳ-kheo 253 giới và Tỳ-kheo ni 364 giới). Theo tiêu chuẩn truyền thống, để trở thành một Gétsül, một thiếu niên có thể tự mình xua đuổi một con quạ và Gélong phải ít nhất là hai mươi tuổi đời. Sau khi xuất gia, những vị tăng trẻ thường theo học một chương trình nghiên cứu tiêu chuẩn bao gồm nhiều chủ đề trong văn học Phật giáo. Theo quy định, một vị Tăng phải hoàn thành đầy đủ về phần nghiên cứu riêng của mình, để trước khi được chứng nhận các học phần nghiên cứu tiếp theo. Về các phần nghiên cứu chính được biết đến đó là: (1) Giới luật tu viện, luật tạng cơ bản trong đó là Vinaya-sūtra của Guṇaprabha;[3] (2) A-tì-đạt-ma, tập trung vào tạng A-tì-đạt-ma của ngài Thế Thân (S. Vasubandhu) và chủ yếu liên quan đến siêu hình học (metaphysics) và vũ trụ luận (cosmology); (3) nhận thức luận (S. Pramāṇa; T. Tsema, ཚད་མ་།) dựa trên ngài Pháp Xứng (S. Dharmakīrti) để bình luận về ngài Trần Na (S. Dignāga), một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của ngài đó là “Tập lượng luận” (S. Pramāṇa-samuccaya; T. Tshad-ma kun-las btus-pa, ཚད་མ་ཀུན་ལས་བཏུས་པ་།), [4] tập trung vào lý luận, bản chất của tâm và lý thuyết nghiên cứu; (4) Trường phái Trung quán (S. Mādhyamika), trong đó các vị Tăng chủ yếu nghiên cứu tác phẩm “Nhập Trung Quán Luận”[5] (S. Madhyamakāvatāra; T. Dbu-ma-la-’jug-pa, དབུ་མ་ལ་འཇུག་པ་།) của ngài Nguyệt Xứng (S. Candrakīrti) và tập trung vào Tánh không (S. Śūnyatā), thập ba-la-mật (P. Dasa-pāramī) và lý luận; (5) Trí tuệ Ba-la-mật (P. Paññāpāramī; T. Shes-rab kyi-pha rol-tu phyin-pa, ཤེས་རབ་ཀྱི་ཕ་རོལ་ཏུ་ཕྱིན་པ་།) cũng tập trung vào thập ba-la-mật (S. Daśapāramitā), tâm giác ngộ và hạnh nguyện của Bồ-tát. Bản kinh chính đó là “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận”[6](S. Abhisamayālaṃkāra śāstra; T. Mngon-rtogs-rgyan, མངོན་རྟོགས་རྒྱན་།; E. The ornament for clear realization; H. 現觀莊嚴論) của đức Phật Di-lặc (S. Maitreya Buddha).
1. Bằng cấp Géshé (Tiến sĩ Phật học)
Khi một vị Tu sĩ hoàn thành đầy đủ tất cả các phương diện của chương trình học thuật này, sau đó có thể phấn đấu học tập để lấy bằng Géshé[7] (S. Kalyāṇamitra; T. དགེ་བཤེས་།), đó là một sự công nhận học vị cao nhất. Rất ít trong số những người bắt đầu chương trình đào tạo từng nhận được bằng cấp này, vì có thể mất từ 15 đến 25 năm và cực kỳ nghiêm ngặt. Phương pháp kiểm tra chính là tranh luận bằng miệng, trong đó một vị Lạt-ma phải có thể nhanh chóng đánh giá một loạt các quan điểm triết học, và tranh luận với bất kỳ ai trong trong một cuộc thi trí tuệ không bị cấm.
Các cuộc tranh luận nói chung rất sôi nổi với các vị Tăng nhiệt tình nhảy, xoay vòng, la hét và đôi khi thậm chí đẩy đối thủ của họ. Một số người tham gia sẽ sử dụng các kỹ thuật được thiết kế để làm suy yếu sự đảm bảo những đối thủ, chẳng hạn như nhướn mày trong sự ngạc nhiên, có ý định khiến đối thủ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan trong lập trường quan điểm của họ. Mục đích đã nêu của bài tập là phát triển nội tâm của các vị Lạt-ma. Người ta cảm thấy rằng, sự đối đầu trực tiếp biện chứng hoàn thành mục tiêu này bằng cách đào tạo họ để bảo vệ các quan điểm triết học, suy nghĩ trên đôi chân, phê phán các học thuyết và lập trường của họ.
2. Phương pháp cho kỳ thi Géshé
Theo Georges B.J. Dreyfus[8] viết rằng, các ứng cử viên tham gia trong kỳ thi cho bằng cấp Géshé, trước tiên phải vượt qua kỳ thi tranh luận bằng miệng tại các tu viện của riêng họ trong tất cả năm môn học như đã trình bày ở trên. Tiếp theo là họ phải hoàn thành phần đánh giá thứ hai trong các học viện – tu viện của vị đó. Những người muốn đạt được bằng cấp Géshé Hlarampa (T. Lha-rams-pa’i-dge-bshes, ལྷ་རམས་པའི་དགེ་བཤེས་།) cấp bậc cao nhất trong số những người nhận được bằng Géshé, sau đó phải vượt qua các thử thách khó khăn trong tất cả các kỳ thi theo nội quy của Gelugpa.
Trước năm 1950, các ứng cử viên cho học vị Géshé Hlarampa đã được kiểm tra tại Potala bởi các học giả hàng đầu của tông phái, đức Đạt-lai Lạt-ma người giữ ngai vàng của Ganden, gia sư cao cấp của đức Đạt-lai Lạt-ma, giáo viên dạy kèm, bảy trợ giảng cũng như Jangtsé Chöjé (T. བྱང་རྩེ་ཆོས་རྗེ་།) và Sharpa Chöjé (T. ཤར་པ་ཆོས་རྗེ་།), hai vị Viện trưởng cao cấp có nhiệm vụ được mô tả chi tiết hơn ở phần dưới đây.[9] Những vị trợ giảng được mời đến từ bảy học viện chính của Gelugpa, mỗi học viện cung cấp cho một gia sư. Họ được bổ nhiệm bởi các vị Viện trưởng tương ứng của các tu viện và những Géshé đã được chọn cho học bổng cùng với các kỹ năng tranh luận của họ (hình bên dưới).
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV trong kỳ thi cuối cùng Géshé Lharampa Tiến sĩ ở Lhasa, Tây Tạng diễn ra từ mùa hè năm 1958 đến tháng 2 năm 1959
Sau khi hoàn thành kỳ thi tại Potala, các ứng cử viên cho cấp độ của học vị Géshé Hlarampa tiếp theo phải chịu một vòng đánh giá khác. Chúng được tiến hành hằng năm trong lễ hội Mönlam[10] và được tổ chức trong vài tuần sau tết Tây Tạng. Trong thời gian thi, các ứng cử viên, Géshé và Viện trưởng từ ba tu viện lớn của Gelugpa thường được tập trung tại sân của tu viện Jokhang ở Lhasa; ngày nay các kỳ thi được tiến hành tại các tổ chức lưu trú ở Ấn-độ. Các ứng cử viên Géshé Hlarampa phải chấp nhận các câu hỏi từ mọi phía và phải chứng minh kiến thức toàn diện về kinh điển Phật giáo và kỹ năng đặc biệt trong tranh luận. Mỗi năm chỉ có một vài ứng cử viên Géshé được trao bằng cấp của Hlarampa.[11]
3. Những tiêu chuẩn và giới hạn
Mặc dù truyền thống Gelugpa công nhận một số người là những “hóa thân” (S. Nirmāṇakāya; T. Sprul-sku, སྤྲུལ་སྐུ་།), họ được tái sinh của các vị Lạt-ma tôn kính, các cấp độ thành tựu học thuật khác nhau dành cho bất kỳ nam giới nào có thể hoàn tất chương trình thành công.[12] Bằng cấp chính thức và hệ thống xếp hạng công nhận các cấp độ thành tích khác nhau đã được đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII (Thubten Gyatso, 1876-1933)[13] thiết lập. Trong hệ thống này, bất kỳ vị Tăng nào đủ điều kiện cho dù người mới xuất gia hay Tỳ-kheo đều có thể học để lấy bằng Géshé. Các vị Tăng đó, có thể đến từ các nơi khác nhau trong thành phần xã hội. Thậm chí có một số vị Tăng phương Tây hiện đang là nghiên cứu sinh để lấy bằng Géshé và trong đó có một người đã nhận được bằng cấp của Géshé Hlarampa.[14]
Những giới hạn duy nhất cho việc trao bằng tốt nghiệp là yêu cầu ứng cử viên phải là một Tu sĩ xuất gia thọ giới Tỳ-kheo tối thiểu phải được 25 tuổi, vị Tăng đó phải được đào tạo tại một trong bảy học viện của tu viện Gelugpa lớn và một trong ba của học viện – tu viện chính ở tỉnh Ü:[15] Ganden, Séra, hoặc Drébung. Bảy học viện đó là: Ganden Jangtsé, Ganden Shardzé, Séra Jé, Séra Mé, Drébung Loseling, Drébung Gomang và Drébung Déyang.[16]
4. Vai trò các sư trưởng và sư phó của đức Đạt-lai Lạt-ma
Sau khi hoàn thành bằng cấp Géshé, có một số tiến bộ hơn nữa mà người ta có thể thực hiện trong hệ thống phân cấp tu viện. Một trong số đó là vai trò của người Sư phó đảm nhận việc giảng dạy cho đức Đạt-lai Lạt-ma được trao cho một Géshé Hlarampa (T. Lha-rams-pa’i-dge-bshes, ལྷ་རམས་པའི་དགེ་བཤེས་།), người thể hiện khả năng đặc biệt, được công nhận là có tầm nhìn sâu rộng cho sự thông thái và những kỹ năng tranh luận. Trong số các người thầy của đức Đạt-lai Lạt-ma, chức vụ cao nhất là Sư trưởng được chuyển cho Sư phó, khi Sư trưởng viên tịch hoặc nghỉ hưu. Một vị thầy mới sau đó được bổ nhiệm bởi một ủy ban gồm các Lạt-ma nổi tiếng cùng với hai nhà tiên tri Nechung (T. Gnas-chung, གནས་ཆུང་།)[17] và nhà tiên tri Gadong (T. Dga’-gdong, དགའ་གདོང་།).[18]
Trong quá trình lựa chọn, tên của các ứng cử viên hàng đầu được viết trên những mảnh giấy nhỏ và mỗi cái được chèn vào những quả bóng có kích thước bằng nhau của bột lúa mạch rang. Chúng được đặt trong một cái bát trước bức tượng Phật hoặc thangka. Một buổi lễ đặc biệt được thực hiện để đảm bảo rằng ứng cử viên tốt nhất được chọn, quả bóng đầu tiên ra khỏi bát sẽ xác định ai sẽ là sư phó tiếp theo. Người ta tin rằng, các nhà tiên tri quyết định người nào là ứng cử viên tốt nhất và đảm bảo rằng quả bóng được ghi tên của người đó sẽ được chọn.
5. Đào tạo sau Đại học
Những người thành công đạt được cấp độ của Géshé thường tuân theo điều này, bằng cách tham gia một khóa tu dài hạn, thường kéo dài trong ba năm. Luận lý phía sau hệ thống này được dựa trên ý tưởng rằng, trước tiên người ta cần có được một nền tảng vững chắc trong kinh điển Phật giáo, triết học, giáo lý và thực hành Phật giáo trước khi tham gia thiền định toàn thời gian. Những học viên hiểu thấu đáo những gì họ đang thiền tập sẽ ít có khả năng lạc lối trong khi hành thiền hơn những người hiểu biết chỉ là bề ngoài. Một người nhận được bằng Géshé được xem là người có một kiến thức uyên thâm và rộng khắp về các lĩnh vực chính của việc học Phật, những người như vậy được coi là theo truyền thống Gelugpa, phù hợp nhất với thực hành thiền định.
Sau khóa tu, nhiều Géshé được chọn để tiếp tục đào tạo Mật tông tại một trong những tu viện Mật tông Gelugpa. Nói chung là học viện Mật tông thượng (T. Gyütö dratsang, རྒྱུད་སྟོད་གྲྭ་ཚང་།; E. Upper tantric college) hay học viện Mật tông hạ (T. Gyümé dratsang, རྒྱུད་སྨད་གྲྭ་ཚང་།; E. Lower tantric college)[19] được đặt tên theo vị trí của họ trong thành phố Lhasa.
6. Quản trị các Mật viện
Cấp độ tiếp theo của hệ thống phân cấp Gelugpa là vị trí phó trụ trì của một trong hai tu viện Mật tông chính. Vị trí này được đức Đạt-lai Lạt-ma chọn ba năm một lần và được tổ chức bởi một Géshé Hlarampa (T. Lha-rams-pa’i-dge-bshes, ལྷ་རམས་པའི་དགེ་བཤེས་།). Sau một nhiệm kỳ ba năm, phó trụ trì trở thành trụ trì và cựu trụ trì nghỉ hưu với tư cách là một “vị trụ trì quý giá.” Vị trụ trì mới được ban danh hiệu Rinpoché, có nghĩa là “những bậc tôn quý.”[20] Khi một người được bổ nhiệm lên ngôi vị trụ trì, có thể khởi xướng một dòng dõi nhập thế và tất cả những người kế vị của ngài sẽ mang danh hiệu Rinpoché. Vị trụ trì danh dự có thể chọn tiếp tục giảng dạy hoặc nhập thất để thiền định. Vị trụ trì cao cấp nhất của học viện Mật tông thượng trở thành Sharpa Chöjé (T. Shar-pa chos-rje, ཤར་པ་ཆོས་རྗེ་།) khi người giữ hiện tại nghỉ hưu, viên tịch hoặc được thăng chức. Sharpa Chöjé có thể tiến lên cấp bậc cao nhất trong hệ thống phân cấp Gelugpa, vị trí người nắm giữ ngai vàng của Ganden.
Vị trí Jangtsé Chöjé (T. Byang-rtse chos-rje, བྱང་རྩེ་ཆོས་རྗེ་།) của học viện – tu viện Ganden Jangtsé được giữ bởi một cựu trụ trì của học viện Mật tông hạ. Người nắm giữ ngai vàng của Ganden thừa kế chỗ ngồi của bậc Thầy vĩ đại Tông-khách-ba, người sáng lập ra dòng dõi Gelugpa. Người giữ ngai vàng thường phụng sự đóng góp cho một nhiệm kỳ là bảy năm và người hiện tại là Yeshe Dönden,[21] người thứ chín mươi chín giữ vị trí này. Người giữ ngai vàng được chọn trong số những học giả xuất sắc nhất theo Giới luật của Gelugpa và chỉ những người đã đạt được mức độ của Géshé Hlarampa (T. Lha-rams-pa’i-dge-bshes, ལྷ་རམས་པའི་དགེ་བཤེས་།), từng là trụ trì của một trong hai tu viện Mật tông chính và sau đó được chọn làm trợ giảng là những ứng cử viên cho vị trí hàng đầu.
7. Hệ thống Mật thừa của Gelugpa
Các phương pháp nêu trên là một phần của việc nghiên cứu công phu mà tông phái Gelugpa gọi là “con đường kinh điển”, được kế thừa bởi các tông phái khác của Phật giáo Tây Tạng. Các dòng truyền thống đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc nghiên cứu sơ bộ trước khi thực hành thiền định nghiêm túc. Cũng giống như người ta cần biết mình sẽ đi đâu và đến đó như thế nào trước khi quyết định hành trình từ nơi này đến nơi khác. Vì vậy, các thiền giả Phật giáo phải tìm hiểu sơ lược về con đường, các loại thực hành mà họ sẽ tham gia và những kinh nghiệm họ có thể mong đợi sẽ có cùng với những nguy hiểm và cách thức để hóa giải mọi rắc rối. Cũng vậy, những Phật tử Tây Tạng nghiêm túc về công phu Yoga hoặc Kim cương thừa, phải dành nhiều năm để học các hệ thống tương ứng đó. Hầu hết các Đạo sư Tây Tạng đã dành nhiều thập kỷ để đào tạo học giả trước khi bắt đầu thiền định Mật tông nghiêm túc, phương pháp này có tiền thân ở Ấn-độ cổ đại, nơi các trường Đại học tu viện là trung tâm cả học tập và thực hành. Thậm chí trong số các dòng truyền thừa, những tu sinh thường phải trải qua nhiều năm tu tập dưới sự hướng dẫn của Đạo sư, trước khi cuộc hành trình mạo hiểm đến những vùng xa xôi để ẩn tu thiền định.
Giống như những tông phái khác, dòng truyền Gelugpa có một hệ thống thực hành Mật thừa rộng rãi và phát triển cao, bao gồm việc thực hành yoga bổn tôn,[22] sáu yoga của Naropa, các thiền định vô sắc về Đại thủ ấn (S. Mahāmudrā; T. Chag-je chen-po, ཕྱག་རྒྱ་ཆེན་པོ་།; H. 大手印) và các dòng truyền thừa Đại viên mãn (S. Mahāsandhi hay Atiyoga; T. Rdzogs-pa chen-po, རྫོགས་པ་ཆེན་པོ་།; H. 大圓滿), có điểm chung với các dòng truyền Nyingmapa và Kagyupa cũng như các phương pháp đặc biệt có nguồn gốc từ các truyền thống riêng của họ.
Mật tông chính của Gelugpa là Thắng lạc kim cương (S. Cakrasaṃvara tantra; T. Khor-lo bde-mchog gi rgyud, འཁོར་ལོ་བདེ་མཆོག་གི་རྒྱུད་།; H.勝樂金剛) và Thời luân (S. Kālacakra, T. Dus-kyi ‘khor-lo, དུས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་།; H. 時輪) cũng là một dòng truyền quan trọng cho giáo lý và thực hành. Truyền thống Gelugpa giống như Sakyapa, thường cho rằng vì sự khó khăn của con đường và sự nghiêm khắc của thực hành Mật tông, con người phải được giáo dục kỹ lưỡng về các đề mục công truyền và bí truyền trước khi tham gia vào thực hành Kim cương thừa (S. Vajrayāna; T. Rdo-rje theg-pa, རྡོ་རྗེ་ཐེག་པ་།; H. 金剛乘). Một khi điều này đã được hoàn thành, các Đạo sư Gelugpa nhấn mạnh tính ưu việt của Mật tông và khuyến khích các tu sinh tinh tấn siêng năng áp dụng thực hành nó. Không giống như một số tông phái Tây Tạng khác, truyền thống Gelugpa không tự mình coi thiền định vô sắc (S & P. Arūpasamādhi; E. Immaterial meditation) là đủ để đạt được Phật quả (S. Buddhatva; T. Sangye-kyi go-phang; E. Buddhahood; H. 佛果), hành giả cũng phải nắm vững các phương pháp yoga nhiệt, huyễn thân và quán tưởng cùng với sự tham gia lâu dài vào việc thực hành nghi lễ hằng ngày. Hơn nữa, trong khi một số truyền thống cho rằng, việc thực hành thỏa mãn các cảm xúc giác quan yoga với một phối ngẫu (dấu ấn hành động; S. Yuganaddha; T. Zung-Du ‘Jug-Pa, ཟུང་དུ་འཇུག་པ་།; H. 配耦)[23] là không cần thiết để đạt được Phật quả và người ta có thể làm như vậy chỉ thông qua quán tưởng, các Đạo sư Gelugpa từ thời Đại sư Tông-khách-ba đã cho rằng sinh lý vi tế của gió, giọt và các tư tưởng có thể được chuyển đổi thành tư tưởng của một người thức tỉnh thông qua yoga liên quan đến một phối ngẫu thực sự. Mặt khác, truyền thống Gelugpa có xu hướng dành những thực hành như vậy cho một số ít tinh thông ưu tú đã trải qua nhiều năm tu tập nghiêm mật, trước khi nhận được hướng dẫn của yoga thỏa mãn các cảm xúc giác quan. Hầu hết các hành giả được khuyên vẫn là Tăng hoặc ni và thực hiện các phương pháp thiền định mà phối ngẫu được tưởng tượng, vì điều này an toàn và hiệu quả hơn đối với đại đa số Phật tử.
Thực tế, Gelugpa có truyền thống nhấn mạnh trọng tâm của việc tu học như một điều kiện tiên quyết để thực hành thành công, nhưng điều này không làm giảm đi lời nguyện đối với thiền định, các hành giả có thể tham gia vào các khoảng thời gian ba năm để tu tập thiền, sau khi được các Đạo sư hướng dẫn một cách căn bản kỹ lưỡng; có sự đồng ý chung rằng, nếu không được đào tạo rộng rãi thì không một cấp độ cao cấp nào của con đường có thể đạt được. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV (như đã nói ở trước được đào tạo trong hệ thống học thuật Gelugpa) là một ví dụ về sự nhấn mạnh của cả hai việc; nghiên cứu và thực hành. Ngài đã trải qua những năm đầu đời dưới sự hướng dẫn của các Giáo sư cao cấp, hiểu biết thông thạo về các hệ thống Phật giáo công truyền và bí truyền, và đạt được cấp độ cao nhất trong các kỳ thi Géshé của mình. Ngài là một trong những nhà tranh luận vĩ đại nhất, có lượng kiến thức sâu sắc về văn học Phật giáo, ngài cũng dành một phần đáng kể thời gian mỗi ngày để thiền định Mật thừa.
Điều này đúng với nhiều Lạt-ma Gelugpa cao cấp khác, những người đã dành nhiều năm để ghi nhớ và tranh luận về những quan điểm tối ưu trong kinh điển văn học của các trường Đại học tương ứng của họ, nhưng sau đó mở rộng tầm nhìn và đi sâu vào các lĩnh vực Phật học khác. Hầu hết cũng tham gia vào thực hành Mật thừa từ khi còn nhỏ, điều này được tích hợp vào chương trình giảng dạy của tu viện. Sau khi hoàn tất thành công mỗi cấp độ của hệ thống học thuật, học viên thường đi vào khóa nhập thất ẩn tu dài hạn, nơi kiến thức của họ được tích hợp vào các tưởng tượng về yoga bổn tôn và các phương pháp hành trì Mật thừa đặc trưng truyền thống của họ. Nhiều hành giả Gelugpa quyết định rời khỏi môi trường học thuật vào một thời điểm nào đó, dành phần lớn cuộc đời của họ trong các hang động hoặc túp lều để thiền định. Tất cả các Đạo sư Gelugpa đều đồng ý rằng, các phương pháp của tantra yoga tối thượng là phương tiện nhanh nhất và hiệu quả nhất để đạt được Phật quả.
C. Thay lời kết
Dòng thời gian đã cung cấp cho chúng ta có một cái nhìn rõ hơn về lịch sử phát triển và hệ thống truyền thừa của tông phái Gelugpa, tưởng không cần phải lặp lại. Ngang đây chúng ta khẳng định rằng, những đóng góp to lớn của ngài Tông-khách-ba cho Phật giáo Tây Tạng, không những cải cách tích hợp các dòng truyền thống một cách thiện xảo để phù hợp với thời đại mà còn truyền cảm hứng xây dựng học thuyết về Tam học (S. Triśikṣā; T. Blab-pa-gsum, བླབ་པ་གསུམ་།) đó là đạo đức, thiền định và trí tuệ một cách vững chắc trong nền minh triết Phật giáo Tây Tạng. Cũng vậy, trong suốt thời gian truyền bá Phật pháp của ngài Tông-khách-ba, nhiều người đã lầm tưởng về ‘Tánh không’ như một loại chân không, giống như vật thể có phần tương thích với những thứ mà các vị Thánh giả (S. Ārya; P. Ariya; T. Phags-pa, འཕགས་པ་།; E. Saint)[24] trải qua hoặc các cõi vô sắc (S. Ārūpyadhātu; T. Gzugs-med khams, གཟུགས་མེད་ཁམས་།). Ngài Tông-khách-ba khẳng định rằng, ‘Tánh không’ như một số người đã ngộ nhận không phải là tư tưởng thực sự của đức Phật, ngài Long thọ (S. Nāgārjuna), Thánh thiên (S. Āryadeva) hoặc Nguyệt xứng (S. Candrakīrti) và sự giải thoát đạt được bằng cách nhận thức nó là vốn tự do ngắn ngủi. Theo Đại sư Tông-khách-ba, ‘Tánh không’ được giải thích tốt nhất trong học thuyết về sự vắng mặt bản chất bên trong của các pháp.
Ngài Tông-khách-ba đã kết hợp hài hòa về bản chất của Hīnayāna để làm cơ sở và bổ sung cho thực hành Mật tông. Do đó, tác giả của quyển sách “A manual of key Buddhist Tantra” đã viết: “Một số bám vào học thuyết Hīnayāna từ bỏ Mật tông. Những người khác yêu thích hệ thống Mật tông chê bai Hīnayāna. Tuy nhiên, người thầy Tông-khách-ba là nhà hiền triết đã thấy cách đưa mọi giáo lý do đức Phật khai sáng vào thực hành một cách hoàn hảo.”[25]
Tác giả còn nhấn mạnh, “ngài Tông-khách-ba đã thực hành tất cả Kinh điển và Mật điển, nhưng chuyên về Kim cương thừa; ngài thực hành tất cả hệ thống Mật tông, nhưng chuyên về Mật tông cao nhất; ngài thực hành tất cả các giai đoạn của Mật tông cao nhất, nhưng đặc biệt chú trọng đến yoga huyễn thân vô song (anuyoga).”[26]
Trong những người đệ tử xuất sắc của ngài Tông-khách-ba, Gyaltsab (T. Rgyal-tshab, རྒྱལ་ཚབ་རྗེ་།, 1364-1432), Khedrup Gelek Palzang (T. Mkhas-grub dge-legs dpal-bzang po, མཁས་གྲུབ་དགེ་ལེགས་དཔལ་བཟང་པོ་།, 1385-1438) và sau đó là Gedun Drupa (T. Dge-dun grub-pa, དགེ་་འདུན་གྲུབ་པ་།, 1391-1475) được biết đến với danh xưng Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên; sau khi kiến lập tu viện Gaden, nhiều cơ sở tu viện khác cũng được xây dựng bởi các đệ tử của ngài. Jamyang Chöjé Tashi Palden (1379-1449) đã thành lập tu viện Drepung và là người trụ trì đầu tiên vào năm 1416, nơi được coi là tu viện lớn nhất thế giới trước năm 1959. Bên cạnh đó, Jamchen Choje Shakya Yeshe (T. Byams-chen chos-rje shakya ye-shes, བྱམས་ཆེན་ཆོས་རྗེ་ཤཱཀྱ་ཡེ་ཤེས་།, 1354-1435) thành lập tu viện Sera vào năm 1419. Hơn nữa, đức Đạt-lai Lạt-ma đầu tiên đã thành lập tu viện Tashi Lhünpo ở tỉnh Tsang mà sau này trở thành trụ sở chính thức của Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama).
Các thế hệ tiếp theo cũng chứng kiến những ngôi sao sáng, vĩ đại đã góp phần vào sự hưng thịnh của truyền thống Lạt-ma Tông-khách-ba, bao gồm các bậc Thầy liên tiếp như: Đạt-lai Lạt-ma và Ban-thiền Lạt-ma; Kachen Yeshe Gyaltsen (1713-1793), Gunthang TenPai Donme (1762-1823), Ngulchu Dharma Bhadra (1772-1851) và gần đây là Pabongkhapa Dechen NyingPo (T. Pha-bong kha-pa bde-chen snying-po, ཕ་བོང་ཁ་པ་བདེ་ཆེན་སྙིང་པོ་།, 1878-1941), thường được gọi là Pabongka Rinpoche. Thông qua việc thành lập các học viện – tu viện lớn và cũng nhờ sự đóng góp cao quý của những vị đại Đạo sư này, nên truyền thống Gelugpa đã trở thành tông phái Phật giáo phổ biến nhất ở Tây Tạng.
Tham khảo và chú thích
[1] Gétsül (Sa-di và Sa-di ni) người thọ 10 giới (4 giới trọng và 6 giới khinh) hay nói chi tiết có 36 giới, trong 36 giới này cũng từ 10 giới mà nói rộng ra. Xem thêm John Powers & David Templeman, Historical Dictionary of Tibet, Published by Scarecrow Press, Inc, 2012, tr. 204.
[2] Giới luật Tây Tạng có đề cập đến Tỳ-kheo ni 364 giới, nhưng thực tế Tây Tạng không truyền giới Tỳ-kheo ni, vì không có dòng truyền từ xưa, trong khi đó Tây Tạng rất chú trọng sự truyền thừa. Xem thêm Dalai Lama; Graham Woodhouse, Direct instructions from Shakyamuni Buddha: a gelong’s training in brief, Dharmsāla Publications, India Institute of Buddhist Dialectics, H.P. India, 2009.
[3] Xem Priya Sen Singh, ‘The Vinayasūtra of Guṇaprabha: A Historical Note.’ in Buddhist Studies: The Journal of the Department of Buddhist Studies, no. 10, 1986.
[4] Xem Dignāga (author); Masaaki Hattori (trans.), Dignāga, on perception: Being the Pratyaksapariccheda of Dignaga’s Pramanasamuccaya from the Sanskrit fragments and the Tibetan versions, Harvard University Press, 1986.
[5] Xem Thích Hạnh Tấn và Thích Nữ Nhật Hạnh (dịch) (2015), Nhập Trung Quán Luận, ngài Nguyệt Xứng & Giải nghĩa Căn bản Trung Quán Luận của ngài Long Thọ, in tại Hoa Kỳ, 2005.
[6] Xem Thrangu Rinpoche & Zhyisil Chokyi Ghatsal, Ornament of Clear Realization: A Commentary on the Prajnaparamita of Maitreya, Namo Buddha Publications, 2004.
[7] “Géshé” là danh hiệu dùng để phong cho một vị đã hoàn tất khóa huấn luyện dài hạn về triết học, giống như một người đạt được học vị Tiến sĩ của Tây Tạng chuyên ngành nghiên cứu Phật giáo.
[8] Georges B.J. Dreyfus, The Sound of Two Hands Clapping: The Education of A Tibetan Buddhist Monk, Berkeley: University of California Press, 2003, các tr. 254-256.
[9] Đây là hai trong số những vị trí cao cấp nhất trong hệ thống phân cấp Tu sĩ Gelugpa. Sharpa Chöjé (T. བྱང་རྩེ་ཆོས་རྗེ་།), “Pháp sư của học viện Ganden Shardzé” (dga-lao-ldan shar-rtse grwa-tsang) là vị Viện trưởng cao cấp đã nghỉ hưu (mkhan-zur) từ học viện Gyüto Tantric (rgyudur), Jangtsé Chöjé (byang-rtse chos-rje), “Pháp sư của học viện Jangtsé” (byang-rtse grwa-tsang), là vị Viện trưởng cao cấp đã nghỉ hưu của học viện Gyümé Tantric (rgyud-smad grwa-tsang). Hai vị này thay thế nhau trong việc đảm nhận vị trí người nắm giữ ngai vàng của Ganden, người đứng đầu của Tông phái Gelugpa. Hình thức này tiếp tục cho đến ngày nay trong các tổ chức lưu trú, nhưng đôi khi không có kỳ thi quan trọng và các ứng cử viên phải đi đến các tu viện khác nhau trong suốt quá trình thử nghiệm.
[10] Mönlam (T. Smon-lam chen-mo, སྨོན་ལམ་ཆེན་མོ་།) còn được gọi là Đại lễ cầu nguyện, diễn ra từ ngày 04 đến 11 của tháng 1 theo Tạng lịch.
[11] Như Dreyfus chú thích, việc một người đã nhận được bằng cấp Lharampa không nhất thiết có nghĩa là vị đó có một trí tuệ lỗi lạc; như với Tiến sĩ phương Tây, một số ứng cử viên nhận được bằng Lharampa là nhờ vào sự kiên trì và lòng quyết tâm mạnh mẽ cộng với trí thông minh siêu xuất của họ (xem Two Hands Clapping, tr. 255). Bằng cấp chứng nhận là ứng cử viên thành công đã ghi nhớ một lượng tài liệu học thuật lớn và có thể bảo vệ một loạt các quan điểm triết học trong cuộc tranh luận biện chứng.
[12] Theo truyền thống, người nữ không phải là ứng cử viên cho bằng cấp Géshé, bởi vì một Géshé phải có sự tấn phong và một dòng truyền giáo đầy đủ cho các vị Ni không bao giờ được thiết lập ở Tây Tạng. Xem thêm Hanna Havnevik (1990), Tibetan Buddhist Nuns: History, Cultural Norms and Social Reality. Oslo: Norwegian University Press, các tr. 50-51.
[13] Thubten Gyatso (T. Thub-bstan rgya-mtsho, ཐུབ་བསྟན་རྒྱ་མཚོ་།) là đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIII của Tây Tạng. Năm 1878, ngài được công nhận là tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XII (Trinley Gyatso, 1856-1875). Ngài được hộ tống đến Lhasa và thế phát xuất gia với Lạt-ma Tenpai Wangchuk (T. Bstan-pai dbang-phyug, བསྟན་པའི་དབང་ཕྱུག, 1855-1882), Ban-thiền Lạt-ma thứ VIII, được đặt Pháp hiệu là “Ngawang lobsang Thupten Gyatso Jigdral Chokley Namgyal”, nói gọn là Thupten Gyatso. Năm 1879, ngài được tấn phong tại Cung điện Potala và cũng là nhà cải cách trí tuệ.
[14] Xem Georges B.J. Dreyfus, The Sound of Two Hands Clapping: The Education of A Tibetan Buddhist Monk, Berkeley: University of California Press, 2003. Ông sinh ra ở Thụy Sĩ, đi du lịch đến Ấn-độ và học tại một số tu viện Gelugpa ở Dharmsāla.
[15] Xem Tsepon W.D. Shakabpa, Tibet: A Political History, New Haven, Yale University Press, 1967, tr. 2.
[16] Bằng cấp Géshé chỉ được trao bởi ba Tu viện chính là: Ganden, Séra và Drébung, nhưng các Tu viện Gelugpa khác có bằng cấp riêng. Tu viện Tashihlünpo, trụ sở của Ban-thiền Lạt-ma, trao bằng cấp “bậc thầy về giảng dạy” để công nhận quyền làm chủ của năm chủ đề chính được liệt kê ở trên. Tu viện Shédrupling trao bằng cấp “bậc thầy về học tập sâu rộng” cho các học giả xuất sắc nhất. Người nhận các bằng cấp này có thể theo đuổi các nghiên cứu Mật tông tại các học viện Mật tông, nhưng không phải là người được chọn làm Trụ trì của các Tu viện này và cũng không thể bổ nhiệm họ làm Trụ trì của ba tu viện lớn phi Mật tông.
[17] Xem http://chuamaisonvinhan.org/nhung-cong-hien-vi-dai-cua-chu-ton-duc-lat-ma-gelugpa-doi-voi-su-phat-trien-phat-giao-tay-tang/
[18] Vị trí của nhà tiên tri Gadong được liệt kê là vị trí cao thứ hai trong bảng xếp hạng của Nhà nước chính thức Tây Tạng. Nechung là người đầu tiên và Lamo Tsangpa là vị trí cao thứ ba. Nhà tiên tri Gadong được sở hữu trong trạng thái thôi miên bởi Dharmapāla “Shinjachen”, người bảo vệ “cổng phía nam” trong Pehar (vị thần chiến tranh, hóa thành một tu sĩ trẻ) Mạn-đà-la.
[19] Xem Lhundub Sopa, Like a Waking Dream: The Autobiography of Géshé Lhundub Sopa, Boston: Wisdom Publications, 2012, tr. 158.
[20] Đây là một thuật ngữ mà người Tây Tạng đề cập đến những người được công nhận là bậc Thầy tôn quý. Nó được trao cho các vị Lạt-ma, các học giả đáng kính, các người Thầy quan trọng và các Thiền giả nổi tiếng, tất cả đều được người Tây Tạng coi là tài nguyên văn hóa lớn.
[21] Yeshe Dönden (T. Ye-shes don-ldan, ཡེ་ཤེས་དོན་ལྡན་།, ? – 1995) là một Lạt-ma Tây Tạng. Trong giai đoạn 1984-1989, ngài là tripa Ganden thứ chín mươi chín, trụ trì chính của tu viện Ganden. Tu viện này được xây dựng vào năm 1966 tại Tây Tạng lưu trú ở Mundgod, Karnataka, Ấn-độ. Ganden Tripa chính thức là nhà lãnh đạo cao nhất của truyền thống Gelugpa trong Phật giáo Tây Tạng.
[22] Xem John Powers, Introduction to Tibetan Buddhism, Snow Lion Publications, 1995, các tr. 249-319 .
[23] Xem Robert C. Neville, New metaphysics for eternal experience, Journal of Chinese Philosophy (Vol.14), 1987, các tr. 357-370.
[24] [聖者] (術語)聖者正也。發無漏智而證正理之人曰聖者。三乘之見道以上也。華嚴經六十二曰:「唯願聖者,廣為我說。」 Xem 丁福保 , 佛學大詞典 , 佛陀教育基金會印贈, 2014.
[25] “Some clinging to the Hīnayāna doctrine, abandoned the Tantra. Others loving to Tantric system, disparaged the Hīnayāna. However, TsongKhapa’s friend is the sage who saw how to put every teaching given by Buddha into practice perfectly.” Thupten K. Rikey & Andrew Ruskin, A Manual of Key Buddhist Tantra, Published by Liberary of Tibetan Works and Archives, Dhramsala, HP, India,1992, tr. 618.
[26] “TsongkhaPa practiced all sutra and Tantra, but specialised in Vajrayana, you practiced all Tantric system, but specialised in Highest Tantra, you practiced all stages of highest Tantra, but placed special emphasis upon the peerless illusory body yoga (anuyoga).” Sđd., tr. 619.