Những Lời Giáo Huấn của Đại sư Atisha: A
a. Bản dịch Việt ngữ
[Tờ 6 a] … Sau hai năm sống ở mNa’-ris, [1] trong thời gian đó đức Jo-bo-rje [2] đã giảng dạy nhiều giáo lý Phật pháp cho Devaguru Bodhiprabha (Byaṅ-chub’-od) [3] và những người khác, Đại sư Atisha có ý nghĩ muốn trở lại Ấn-độ. Lúc bấy giờ Bodhiprabha đã thỉnh cầu Đại sư Atisha giảng dạy một lần cuối cùng trước khi ngài rời đi. Đức Jo-bo trả lời rằng, ngài đã giảng dạy cho họ nhiều giáo lý, nhưng Bodhiprabha vẫn mong muốn có một bài pháp khác. Vì vậy, đức Jo-bo-rje đã hứa khả và bài pháp được giảng ở phần tiếp theo:
[Tờ 6 b] Ôi! Thật xúc động với tài hèn đức mọn, khả năng trí tuệ hiểu biết nhỏ nhoi của tôi, nó sẽ không thích hợp khi tôi chia sẽ pháp thoại cho quý vị, vì các vị có một kiến thức sâu rộng và đầu óc minh mẫn. Tuy nhiên, được truyền cảm hứng từ quý vị, người mà tôi luôn trân trọng quý mến, tin tưởng sâu sắc nhất trong tận trái tim tôi, tôi lưu lại cho quý vị lời nhắn nhủ thiết yếu này. // 1
Thưa quý vị! cho đến khi quý vị đạt được giác ngộ, người thầy tâm linh là không thể thiếu, do đó hãy nương vào những lời chỉ dạy của bậc Đạo sư tôn kính. Cần phải lắng nghe suy ngẫm cho thật kỹ những lời giảng dạy của Đạo sư tôn kính đã truyền trao, cho đến khi quý vị đạt đến sự giác ngộ hoàn mãn. Việc hiểu biết về Pháp cũng chưa đủ để đạt được Phật quả, hơn nữa cần phải tu tập Giới và Pháp một cách nghiêm túc. Tránh những nơi làm cho tâm mình khởi lên phiền não, hãy ở những nơi tăng trưởng giới đức của quý vị. // 2
[Tờ 7 a] Các hoạt động dục lạc nhất thời gây nên sự dao động cho tâm trí, do đó hãy an trú ở một nơi yên tịnh, đừng để cho ngoại duyên làm tổn hại, cho đến khi quý vị đạt được sự định tĩnh. Tránh những người bạn làm tăng thêm phiền não, mà phải luôn gắn bó với những người làm tăng trưởng công đức (S. Puṇya; T. Bsod-nams, བསོད་ནམས་།) cho quý vị. Vì các hoạt động của thế gian không có điểm dừng, hãy tránh xa mọi hoạt động đó và giữ cho bản thân được tự do. Tích lũy những công đức cả ngày lẫn đêm và luôn quán sát trong tâm trí của chính mình. // 3
Thiền định chỉ dựa trên lời dạy bảo cũng chưa đủ, mà phải luôn luôn thực hành với niềm tôn kính theo sự chỉ dẫn của bậc Đạo sư. Việc hành trì cùng với tín tâm (S. Adhyāśaya; T. Lhag-bsam, ལྷག་བསམ་།) là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để đạt được sự giải thoát. Giá trị tâm linh mang lại cho bất cứ ai có những hành vi chân chánh, phù hợp với Phật pháp, sẽ không gặp phải nghịch cảnh trong đời. Thưa Quý vị! Lòng ham muốn (S. Tṛṣṇā; P. Taṇhā; T. Sred-pa, སྲེད་པ་།) không thể nào đáp ứng cho thỏa mãn hết được, như người khát nước không thể uống nước muối để làm dịu cơn khát. Cho nên, thật vô ích khi cố gắng thỏa mãn những ham muốn trần tục. // 4
[Tờ 7 b] Hãy đoạn trừ tính kiêu căng và ngạo mạn để giữ sự an hòa và đức hạnh trong tâm trí của quý vị. Ngay cả cái mà thường gọi là “công đức” cũng được xem như một chướng ngại cho Phật pháp. Lợi ích vật chất và danh tiếng thế gian là cạm bẫy của ma quỷ (S. Māra), vì vậy hãy loại bỏ những thứ này như cách quý vị loại bỏ những viên sỏi trên con đường; những lời tán dương và danh lợi chỉ là hư vọng, do đó hãy vứt bỏ chúng ra ngoài như khạc nhổ nước đàm dãi vậy. // 5
Hạnh phúc, thành công và tình bạn của cuộc sống hiện tại chỉ là dòng thời gian trong khoảnh khắc, đừng gắn mình vào những vấn đề nhất thời như vậy. Vì kiếp sống tương lai kéo dài vô tận so với kiếp sống hiện tại, hãy để dành những của cải (công đức) đó trong kiếp lai sinh. Cuối cùng rồi quý vị cũng phải từ bỏ mọi thứ và ra đi. Vì vậy, đừng nên tham luyến vào những thứ đó nữa, phải có lòng từ bi thương tưởng đến những chúng sinh kém may mắn, đừng làm tổn thương hoặc khinh thường họ. // 6
[Tờ 8 a] Hãy yêu thương người thân và kẻ sơ của quý vị một cách bình đẳng, không thiên vị. Đừng ganh tị (S. Īrṣyā; P. Issā) với những người có phẩm chất tốt, mà thay vào đó hãy tôn trọng họ và phát triển những phẩm chất ấy trong chính bản thân mình. Đừng tìm lỗi ở người khác hãy xem xét lại lỗi lầm của mình, coi nó như dòng máu độc phải thanh lọc chúng ra khỏi cơ thể của quý vị. Đừng nghĩ đến phước đức của mình mà hãy nghĩ đến phước đức của người khác, nên tỏ lòng tôn trọng và phụng sự tất cả chúng sinh. // 7
Hãy mở rộng tấm lòng yêu thương đến với tất cả chúng sinh, giống như cha mẹ dành tình thương cho con cái của mình. Luôn biểu hiện trên khuôn mặt niềm hoan hỷ tươi cười. Tránh nổi tức giận, nên nói chuyện trong sự nhẹ nhàng với trái tim yêu thương trìu mến. Hãy cẩn thận với lời nói của quý vị và nói một cách đơn giản, vì quá nhiều từ không cần thiết sẽ dẫn đến sai sót. Tham gia vào các hoạt động không cần thiết sẽ làm giảm phước đức, [tờ 8 b] vì vậy đừng để hành động của quý vị bị ô nhiễm bởi ác pháp (S. Adharma). // 8
Phước đức không phải tự nhiên mà có cũng không do ước muốn mà thành, vì mọi thứ đều bị chi phối bởi nghiệp (S. Karma; T. Las, ལས་།) tích lũy trong quá khứ. Do đó, hãy để cho tâm trong trạng thái thảnh thơi và an lạc. Nghe này, đối với người cao quý một hành động không có đạo đức còn tệ hơn cả cái chết. Vì vậy hãy sống liêm khiết và trung thực, niềm vui và nỗi khổ của kiếp này là kết quả của những việc làm trong kiếp trước. Cho nên, đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai về những điều này. // 9
[Tờ 9 a] Tất cả phước lành có được đều do sự giáo dưỡng của bậc Đạo sư tôn kính, nên phải luôn biết ơn ngài. Quý vị không thể hàng phục người khác trừ khi quý vị có thể hàng phục chính mình. Vì vậy, hãy tự quán chiếu lại chính bản thân mình trước; quý vị không thể giúp đỡ người khác có được Thần thông (S. Abhijñāna) mà trong khi đó chính bản thân quý vị chưa đạt được thần thông đó. Cho nên, hãy tinh tấn để thành tựu viên mãn (S. Siddhi). Khi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người ta sẽ bỏ lại tất cả tài sản những gì có được trong cuộc đời, đừng tích chứa những tài sản phi pháp trong thế gian này. // 10
Hưởng thụ và phóng dật không đem lại giá trị đích thực cho cuộc sống, do đó hãy làm giàu cho bản thân mình bằng cách bố thí (S & P. Dāna) của cải là sự giàu có tối thượng, nhờ đó quý vị sẽ trở nên xinh đẹp ở kiếp này và hạnh phúc ở kiếp sau, phải luôn luôn giữ gìn tịnh giới (S. Viśuddha-śīla). Thái độ bất thiện tham lam, sân hận và si mê đầy xung đột và tội lỗi có rất nhiều ở thời đại mạt pháp (S. Kali-yuga), [4] do đó hãy tự bảo vệ chính mình bằng áo giáp nhẫn nhục, đừng chậm trễ do lười biếng gây nên, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc tinh tấn để giải thoát. // 11
Cuộc sống con người gây nên phiền não, bởi lệ thuộc quá nhiều vào sự phóng dật xa hoa, vì vậy hãy thực hành Thiền định là diệu pháp để xóa tan màn đêm bóng tối của vô minh. Cần phải phân biệt rõ ràng giữa ý nghĩa tùy duyên với ý nghĩa tối thượng của chân lý. Này quý vị! Đừng vùi mình vào vũng lầy của luân hồi (S. Saṃsāra), [tờ 9 b] mà hãy hướng về bến bờ an lạc giải thoát (S. Mokṣa), phải hiểu thấu rõ những lời dạy cao quý của bậc Đạo sư, thường xuyên quán chiếu về sinh tử như dòng sông đau khổ. // 12
Đây không phải là những lời nói suông, quý vị nên thận trọng quán xét và ghi nhớ những điều này trong sâu thẳm của lòng mình. Nếu thực hành đúng như vậy thì quý vị sẽ đem lại hạnh phúc cho tự thân cũng như tha nhân. Đây là vài lời nhắn nhủ của tôi và tôi cầu nguyện cho quý vị luôn chuyên tâm suy nghĩ về những điều đó. Như vậy, Devaguru Bodhiprabha đã được giáo huấn bởi bậc Đạo sư Jo-bo-rje.// 13
Những Lời Giáo Huấn của Đại sư Atisha: B
[Tờ 9 b] Đức Jo-bo, khi ngài ở Yer-pa-brag [5] đã giảng bài pháp này cho Ye-śes-‘bar-ba của ‘Ol-rgod.
Cung kính đảnh lễ đức Bhagavatī Ārya Tārādevī
Cung kính đảnh lễ bậc Đạo sư cao thượng
[Tờ 10 a] Này Thiện nam tử! [6] Hãy cân nhắc cho thật kỹ lưỡng những lời mà tôi đã nói. Cuộc sống của con người ở kali-yuga [6] nói chung là thiển cận, trong khi đó những thành phần tri thức thì rất nhiều. Một người không thể chắc chắn về thọ mạng của mình sống được bao lâu. Hãy cố gắng kiềm chế những ham muốn của mình một cách cẩn thận, đừng nói: “Tôi là một Tỳ-kheo”, nếu người đó quan tâm đến của cải vật chất và sự nghiệp, điều mà cư sĩ họ quan tâm; một người có thể đang sống trong một tu viện, nhưng đừng nói, “tôi là một Tỳ-kheo, tôi sống trong tu viện” v.v… nếu người đó bị ảnh hưởng bởi những chuyện của thế gian, nuôi dưỡng những ước muốn trần tục hoặc bất kỳ ý nghĩ nào làm tổn thương người khác.
Một người có thể đang sống trong tu viện, nhưng đừng nói, “tôi là một Tỳ-kheo, tôi sống trong tu viện” v.v… [tờ 10 b] nếu người đó không từ bỏ sự giao du với những người cư sĩ và tiếp tục ở lại với họ và lãng phí thời gian bằng cách đam mê những mẫu chuyện hão huyền thế tục. Đừng nói, “tôi là một Tỳ-kheo, một vị Bồ-tát” v.v… Nếu người đó không thể chịu đựng dù chỉ một vết thương nhỏ của người khác hoặc giúp đỡ người khác dù chỉ một chút. Nếu người đó nói bất cứ điều gì như thế với các cư sĩ, thì khác nào một người lường gạt vĩ đại. Cho dù người đó có thể lừa dối gia đình của cư sĩ, nhưng trước hết không thể lừa được những người có đôi mắt sáng suốt; thứ hai, người đó sẽ tự gây hại cho chính mình, bởi lẽ không thể ngăn ngừa được hậu quả của những hành vi dối trá đó.
[Tờ 11 a] Thứ ba, người đó cũng không thể đánh lừa những bậc đã đạt pháp nhãn của sự toàn giác. Một lần nữa, bây giờ hãy nhớ lại những gì mà các vị đã thệ nguyện trước những vị thần và các bậc Đạo sư vào thời điểm phát Bồ-đề tâm (S. Bodhicitta; T. Byang-chub kyi-sems,བྱང་ཆུབ་ཀྱི་སེམས་།). Khi quý vị gặp điều đáng được tha thứ, đừng bao giờ nói là không thể tha thứ được, hãy nhớ rằng đừng nói điều đó là điều khó khăn.
Cho nên, mục đích sống trong tu viện là từ bỏ [tờ 11 b] những cách sống thế tục, sự dính mắc vào bằng hữu và thân quyến. Bằng cách từ bỏ những điều này, người đó đang giải thoát khỏi mọi nguyên nhân của sự dính mắc và tham muốn. Hãy quán sát kho tàng Bồ-đề tâm vĩ đại của quý vị, đừng để tâm trí bị vướng bận bởi những lo lắng trần tục dù chỉ trong một sát na (S. Kṣaṇa; T. Skad-cig, སྐད་ཅིག་།) đi nữa.
Trước đây quý vị đã không thực hành Pháp một cách đúng đắn, tác động của những tập quán trong quá khứ khiến năng lực bị suy yếu, quý vị đã thường xuyên sinh khởi những niệm tưởng của một người thế tục, bởi vì những niệm tưởng ấy rất mạnh mẽ. Cho nên, sống trong tu viện chẳng có ích lợi gì khi quý vị không có biện pháp kiên quyết để đoạn trừ chúng, nếu không quý vị sẽ giống như những loài chim và thú sống ở đó.
[Tờ 12 a] Đừng bao giờ nói, “bây giờ khó làm thì sẽ làm sau”. Nếu có một tà niệm nào sinh khởi trong tâm của quý vị, thì ngay đó con ma phiền não liền xâm nhập vào và nó sẽ làm chướng ngại đến Bồ-đề tâm. Nếu gặp phải chướng ngại này, đó là điều bất hạnh (S. Durgati) nhất cho chính bản thân mình, chứ đừng nói đến việc giúp đỡ người khác, mặc dù quý vị nói rằng tôi đang thực hiện Pháp và lời nói đó sẽ trở nên vô nghĩa.
Này Thiện nam tử! Trong giờ phút lâm chung, đừng tạo ra bất cứ một hoài nghi nào, được cho là nguyên nhân gây ra nỗi buồn và đau khổ cho các vị Thần và những bậc Đạo sư. Một lần nữa, đừng trở thành nguyên nhân gây ra sự thương tiếc và nghi ngờ cho những người cư sĩ tín tâm.
Ngay cả khi quý vị nói, “Tôi đang hành trì theo Chánh pháp”, [tờ 12 b] trong thực tế nếu quý vị không tu tập tâm và chuyển hóa tâm thì Pháp và chánh nhân (con người) sẽ tách làm hai phần riêng biệt. Cho nên, phải đem Kinh sách và lời chỉ dạy của bậc Đạo sư làm kim chỉ nam trong việc thực hành Bồ-đề tâm của quý vị, nếu không làm được như vậy thì sẽ có dấu hiệu của một người kém phước, không chỉ mang lại đau khổ cho chính mình mà còn ảnh hưởng cho người khác nữa.
Vì vậy, lúc lâm chung đừng trắng tay hủy hoại Giáo pháp với lời tuyên bố ngạo mạn “tôi đã trải qua một đời tín tâm”. Tóm lại, sống trong tự viện không giúp ích gì nếu quý vị vẫn giữ sự đam mê những thức ngon vật đẹp và không từ bỏ những hoạt động thói quen của cuộc đời này.
Bồ-đề tâm của quý vị sẽ bị thoái thất, nếu còn tham luyến vào những thói quen thường tình đó nữa, quý vị không đề phòng sự sa đọa của hai kiếp hiện tại và tương lai, hành trì như vậy chỉ uổng công vô ích mà thôi chẳng có phước báu gì. [Tờ 13 a] Do vậy, hãy xa lìa con đường tà pháp đó, Bồ-đề tâm một khi bị mất đi thì muôn kiếp khó mà phục hồi lại.
Trong khi hành thiền, đừng đếm số năm và tháng mà thay vào đó hãy cố gắng xác định xem quý vị đã tích lũy được bao nhiêu kiến thức, mức độ kiểm soát thói quen trong cuộc sống thường nhật của mình.
Hãy quán sát về phần thô và tế của phiền não, để luôn luôn đề phòng tâm trí của chính mình. Đừng tự làm khổ mình; đừng lừa dối mình; đừng lừa dối vị Thần và bậc Đạo sư; đừng để mình phải đọa lạc hay gây ra sự đọa lạc đó cho người khác.
Lấy ví dụ này, nếu có một đống bụi bẩn trước mặt quý vị, việc trước tiên là nhanh chóng dọn sạch nó. Vậy tại sao lại khó chịu nếu nó được dọn sạch với sự giúp đỡ của những người khác? [Tờ 13 b] Tương tự như thế, tất cả niệm tưởng của kiếp sống này bao gồm cả những người thân của chính mình cũng phải cát ái từ thân (cắt đứt sợi dây thân ái), nhưng tại sao quý vị lại khó chịu khi bậc Đạo sư hoặc những người thiện hữu muốn giúp đỡ quý vị cắt đứt sợi dây ân ái trói buộc này?
Sau khi đã thệ nguyện trước các vị Thần và các bậc Đạo sư sẽ mang lại những lợi ích cho tất cả chúng sinh, trên bước đường dấn thân thực hành Bồ-đề tâm thì đừng phân biệt đối xử giữa các đối tượng nhận sự bố thí hay cúng dường, tất cả đều bình đẳng như nhau. Đừng giận hờn với bất cứ một ai ngay cả khi người đó có thể gây phương hại đến mình. Làm thế nào quý vị có thể thiền định về sự tha thứ, nếu có kẻ làm tổn thương đem phiền não đến cho mình? thì quý vị hãy nhớ đến diệu pháp để hóa giải những phiền não đó.
Vì vậy, trong khi thực hành lập trường của Bồ-đề tâm, nếu có bất kỳ sai sót nào trong quá trình Thiền định, thì quý vị nên trở về nương tựa vào chánh pháp, [tờ 14 a] đừng thân cận gần gũi với những người bạn bất thiện. Sống ở những nơi không xác định rõ ràng thường hay phát sinh phiền não, dễ bị ác ma sai khiến. Cho nên, hãy ở một nơi an tịnh vắng vẻ, không bị khuấy nhiễm của các ác pháp cũng không tìm kiếm lỗi lầm của người khác, mà phải tránh xa những hành động có thể mang lại nỗi sợ hãi và tàm quý cho mình.
[Tờ 14 b] Không nên làm tăng trưởng về các niệm tưởng mà giữ tâm trí cho được trong sạch, tránh xa niềm đam mê ham muốn các giác quan, thường nghĩ về Phật pháp; hãy khiêm cung và nếu quý vị bị thất bại nên chấp nhận nó một cách nhã nhặn; hãy bỏ đi tánh khoe khoang, buông xả tham muốn, luôn luôn phát triển tâm từ bi, dù làm gì hãy làm trong sự điều độ; hãy sống trong sự dễ chịu hoan hỷ với tất cả mọi người; hãy chạy trốn như một con thú hoang thoát khỏi những cạm bẫy.
Không có vị Khất sĩ (S. Prabrajyā) nào mà không có sự từ bỏ bốn hình thức của các hoạt động thế tục:
- Người không từ bỏ đất đai và nông nghiệp, không phải là người đã gia nhập Tăng đoàn.
- Người không từ bỏ tham muốn, không phải là Tỳ-kheo.
- Người không có tâm từ bi, không phải là Bồ-tát và
- Người không từ bỏ những hoạt động, không phải là một Thiền giả vĩ đại. Đừng nuông chìu những tham muốn theo thói quen của quý vị.
[Tờ 15 a] Tóm lại, khi quý vị sống trong một tu viện, hãy ít tham dự vào các hoạt động thế sự mà chuyên tâm thiền định về Pháp, đừng tạo nguyên nhân để phải hối hận (S. Anutāpa) trong lúc lâm chung.
Đại sư Dīpamkara đã giáo huấn như vầy, lúc khác ngài dạy thêm:
Thời mạt pháp này, không phải là lúc để phô bày khả năng của mình, đó là lúc để kiên trì chịu đựng gian khổ. Đó không phải là lúc để nắm giữ các vị trí cao, đã đến lúc phải giữ những vị trí khiêm tốn. Đó không phải là lúc để nương tựa vào những người phục vụ, mà là lúc để an trú nơi cô tịch. Cũng không phải là lúc để điều phục các đệ tử, đó là lúc để điều phục chính mình. Đó không phải là lúc chỉ nghe những ngôn từ, mà là lúc để suy niệm ý nghĩa của chúng. Cũng không phải là lúc để viếng thăm đây đó mà là lúc để sống một mình.
Đại sư Atisha đã giáo huấn như vầy.
Chú thích
[1]. Mna’-ris (阿里),ở phía tây khu tự trị Tây Tạng; phía tây nam Trung Quốc, phía đông giáp Shigatse và Nachu, phía tây giáp Kashmir, phía nam giáp Ấn-độ và Nepal, phía bắc giáp Tân Cương. Tổng biên giới là 1.116 km (693 dặm). Theo Wangdu, “mNa’-ris” bao gồm ba vùng Mangyul, Purang và Guge lần đầu tiên được thêm vào dưới tên gọi là Ngari Korsum (T. Mnga’-ris bskor-gsum, མངའ་རི་སྐོར་གསུམ་།) khoảng thế kỷ X S.TL. Xem thêm Pasang, Wangdu, “Mna’-ris và Ngaris smad của thế kỷ XI S.TL” trong cuốn sách: D. Klimburg-Salter, Liang Junyan, H. Tauscher và Zhou Yuan (eds) (2008), The Cultural History of Western Tibet – Recent Research from the China Tibetology Research Center and the University of Vienna, Vienna-Beijing: China Tibetology Publishing House, tr. 297.
[2]. Jo-bo-rje (T. ཇོ་བོ་རྗེ་།) tên gọi khác của Đại sư Atisha.
[3]. Devaguru Bodhiprabha (Byaṅ-chub’-od) là con trai của Jnanaprabha (Trí Quang). Xem thêm: P.V. Bapat (e.d.) (1956), 2500 Years of Buddhism, Delhi: The Publication Division, Ministry of Information and Broadcasting, Govt. of India, các tr. 232-235.
[4]. Kali-yuga – Phạn ngữ; có nghĩa là thời đại suy vi, thời đại mạt pháp. Hầu hết mọi người đều mất đi khả năng tâm linh, tinh thần minh mẫn và sự hiểu biết.
[5]. Yer-pa-brag còn được gọi là Brag Yer-pa, Drak Yerpa, Druk Yerpa, Dagyeba, Dayerpa và Trayerpa ở phía đông của Lhasa, Tây Tạng.
[6]. Thiện nam tử được dịch từ Phạn ngữ “kula-putra”; ‘kula’ có nghĩa là người con trong một gia đình quyền quý, tuổi trẻ đáng kính và ‘putra’ nghĩa là con trai.
(Những lời giáo huấn của Đại sư Atisha được dịch từ Tạng ngữ sang Anh ngữ bởi Alka Chattopadhyaya, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Lama Chimpa. Thích Nguyên Định dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ và chú thích).
Những Lời Giáo Huấn Của Đại Sư Atisha
Phần của bản thảo được dịch là “những lời giáo huấn của Đại sư Atisha”: A, bắt đầu bằng những từ Jo-bo-rje-ñid-daṅ-po-mṅa’-risu …, đến dòng 2, tờ 6 a.
Phần của bản thảo được dịch là “những lời giáo huấn của Đại sư Atisha”: B, bắt đầu bằng những từ Bcom-ldan’-das’-phags-ma …, dòng 5, tờ 9 b. Trong bản thảo tiêu đề phụ “Jo-boyer-pa’i-brang-la …” của đoạn văn này đến tờ cuối cùng.
Các hệ thống dấu câu được sử dụng trong bản thảo (Tạng ngữ): Những lời giáo huấn của Đại sư Atisha
Thông thường người Tây Tạng không dùng các hệ thống ngắt câu như dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu chấm qua hàng v.v… mà chỉ sử dụng ký hiệu ༈ là tách các phần có nghĩa tương đương với chủ đề và chủ đề phụ, tiếng Tây Tạng gọi là Sbrul-shad (སྦྲུལ་ཤད་།). Ký hiệu một vạch ། để đánh dấu kết thúc của một phần văn bản, gọi là Tshig-grub (ཚིག་གྲུབ་།). Ký hiệu hai vạch །། đánh dấu kết thúc của toàn bộ chủ đề, gọi là Don-tshan (དོན་ཚན་།). Ký hiệu ༺ là dấu ngoặc trái, gọi là Gug-rtags g.yon (གུག་རྟགས་གཡོན་།). Ký hiệu ༻ là dấu ngoặc phải, gọi là Gug-rtags g.yas (གུག་རྟགས་གཡས་།).
Phần đầu của một văn bản (quyển sách) hoặc của một trang, người Tây Tạng thường làm dấu bằng một hình vẽ ༄, ༄༅། gọi là Yig-mgo (ཡིག་མགོ་།) hoặc Dbu-‘khyud (དབུ་འཁྱུད་།).
b. Bản Tạng ngữ