1. Kinh điển và Mật điển
Trên phương diện văn bản học, có thể nói Mật điển có phần dị biệt với các văn bản Đại thừa khác chủ yếu ở lĩnh vực phương pháp: chúng chứa đựng những thực hành, biểu tượng và giáo lý không tìm thấy trong các tác phẩm Đại thừa khác, và những điều này được các Phật tử của Mật tông cho là có hiệu quả hơn những gì của “Viên thừa”. Thông qua thực hành Mật tông. Lama Thubten Yeshe (1935-1984) nhận xét, người ta có thể vượt qua phiền não và những ý nghĩ mê lầm (si mê, vô minh), tiến bộ nhanh chóng trên Phật đạo và đạt được trạng thái Phật quả để mang lại lợi ích cho người khác.
Nói một cách tổng quát thì chúng ta có thể nói rằng, tất cả nhiều pháp tu Mật thừa đều liên quan đến nguyên lý chuyển hóa. Thông qua thực hành Mật tông, tất cả năng lượng của chúng ta, kể cả những năng lượng vi tế, nhưng rất mạnh mẽ mà chúng ta thường không nhận thức được, đều được khai thác để hoàn thành sự chuyển hóa vĩ đại nhất. Đây là sự chuyển biến của chúng ta từ một người bình thường, bị giới hạn và mê lầm, bị mắc kẹt trong cái vỏ của một cái tôi, cái ta, cái ngô, cái ngã nhỏ bé thành một con người đã liễu ngộ toàn vẹn, hoàn toàn có ý thức với lòng từ bi và trí tuệ sự sáng suốt vô hạn.[1]
Kim Cương thừa tập trung vào nghi lễ, quán tưởng và biểu tượng để tạo ra sự chuyển đổi nhanh chóng sang trạng thái Phật quả. Nhiều nhà Mật tông thậm chí còn cho rằng chỉ có thể thành Phật nhờ thực hành Tối thượng du-già mật (Tantra Annuttara Yoga/ Tantra Tối thượng). Ví dụ, đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV khẳng định rằng: “Người ta cuối cùng phải thực hành Thần chú (một tên gọi khác của thực hành Mật tông) để trở thành một vị Phật.”[2] Như chúng ta đã thấy trong các phần trước, tuyên bố này đi ngược lại với những lời dạy phổ biến của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, không đề cập đến Mật tông. Sự khác biệt này được giải thích bằng cách nói rằng, mặc dù đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni dù đản sanh ở Ấn-độ và đạt được sự giác ngộ, nhưng trên thực tế, Ngài đã giác ngộ trong những thời quá khứ. Sự ra đời đản sinh của Ngài, cuộc sống trong cung điện, thực hành khổ hạnh hướng tâm đến sự giác ngộ, giải thoát… thực ra đó chỉ là sự thị hiện nhằm mang lại lợi ích cho những người có trí tuệ hạn chế. Giống như tất cả chư Phật, Ngài đạt được Phật quả nhờ những thực hành đặc biệt của Tối thượng du-già mật.
Trong “Phật Thuyết Nhất Thiết Như Lai Chân Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Tam Muội Đại Giáo Vương Kinh”[3] (S. Sarvatathāgatatattvasaṃgraha; C. 佛說一切如來眞實攝大乘現證三昧大敎王經; E. Compendium of the Reality of All Tathāgatas) nói rằng: “Thử thị nhất thiết đại Giác tôn, thành tựu vô thượng Kim cương chử, kim đắc thọ ư ngã chưởng trung, kim cương trung trụ kim cương tướng.”[4] Nghĩa là: Đây là kim cương tối thượng của tất cả các Bổn tôn giác ngộ vĩ đại, bây giờ nó được trao cho tôi trong lòng bàn tay, nó có hình dạng của kim cương trong đó.
Weinberger cho rằng:
“Bản kinh đánh dấu sự xuất hiện của Mật điển Phật giáo Ấn-độ chín muồi vào cuối thế kỷ thứ VII, và nó ngay lập tức tạo ra một thế hệ văn học đã đóng vai trò trung tâm và lâu dài trong sự phát triển của Phật giáo Mật tông ở Ấn-độ, Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản. Được củng cố theo thời gian thành các truyền thống được biết đến ở một số giới Ấn-độ với tên gọi Yoga Tantra, chúng lan truyền rộng rãi đến Sri-Lanka, Đông Nam Á, Khotan, Mông Cổ và Sumatra (Indonesia).”[5]
2. Động lực thúc đẩy
Mặc dù ở Tây Tạng, Mật tông thường được coi là đỉnh cao của giáo lý Phật giáo, nhưng không hẳn bất cứ cái gì cũng cho là phù hợp với tất cả mọi người trong xã hội. Thực hành Mật thừa là một phương tiện mạnh mẽ tích cực và hiệu quả để mang lại sự chuyển hóa tâm trí, nhưng chính vì lý do này mà nó cũng được cho là hiểm nạn khó khăn, nếu hành giả ấy chưa thông hiểu, hành trì không đến nơi đến chốn, hay có thể nói là hiểu sai chánh mật. Do đó, các đạo sư Tây Tạng cho rằng nó chỉ thích hợp với một số người có khả năng đặc biệt, trong khi những người khác nên đi theo con đường chậm hơn (tiệm tiến) nhưng ít nguy hiểm hơn của hệ thống kinh điển Đại thừa hoặc của Tiểu thừa (Nguyên thủy).
Nói như vậy, đối với những người nào thích hợp để tiếp nhận giáo lý Mật tông? Theo đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV, chỉ những người có tâm đại từ đại bi, quảng đại bao dung, hoan hỷ với tất cả chúng sanh muôn loài và sự thôi thúc mãnh liệt nuôi dưỡng tâm Bồ-tát nhằm đạt được Phật quả, để mang lại lợi ích cho người khác mới nên thực hiện hành trì Kim Cương thừa:
“Một người đã thực hành các giai đoạn của Kinh điển và mong muốn nhanh chóng đạt đến trạng thái của một vị Phật gia trì, nên nhập vào bí mật của Mật thừa và có thể dễ dàng thể nhập sự chứng ngộ Phật quả. Tuy nhiên, hành giả ấy không thể tự mình tìm kiếm Phật quả cho riêng bản thân mình được, mà phải tham gia vào Thần chú để phát triển năng lực… và còn phải tăng trưởng tâm đại từ bi, cứu độ tất cả chúng sinh đang trầm luân trong các cõi luân hồi… Hơn nữa, hành giả đó cần phải có một tâm hồn thật mạnh mẽ mong muốn độ khắp chúng sinh thoát khỏi tai nạn tật ách khổ đau và các nguyên nhân gây ra khổ đau ấy.”[6]
Theo giáo lý Mật thừa, những hành giả Mật tông phải phát tâm đại từ bi và đại trí tuệ hơn những người đi theo con đường kinh điển. Những phương pháp đặc biệt và kỹ thuật mạnh mẽ của Kim Cương thừa được dành cho những người có lòng bi mẫn sâu sắc, họ mong muốn đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Mặc dù mục tiêu giống nhau (như trong kinh điển Đại thừa, Mật thừa), có nhiều phương tiện thiện xảo và ít gian khổ hơn, nó dành cho những người có trí tuệ sắc bén, mẫn tiệp. Do đó, Mật thừa (Tantrayāna; tantra vehicle) là siêu việt.[7]
3. Những sai lầm về luân hồi
Ngoài động lực từ bi, hành giả Mật thừa phải đủ nhạy bén để nhận ra những lỗi lầm của luân hồi. Những chúng sinh bình thường, thiếu chánh niệm, si mê bị cuốn vào những thú vui phù du và nhất thời, không nhận ra sự lan tràn của đau khổ và tính tất yếu của cái chết. Tuy nhiên, những người thông minh, trí tuệ có năng lực thiền định về các pháp sẽ nhận ra sự bất toại nguyện của luân hồi và phát sinh mong muốn mạnh mẽ để thoát khỏi ách nạn tai ương đó.
Tương tự như con đường Hiển giáo (kinh điển), các bản kinh luận Mật thừa dạy rằng: luân hồi là một vòng luẩn quẩn bị thúc đẩy bởi những ham muốn phiền não và những tư tưởng sai lầm. Tâm trí của những người bình thường chạy theo những kích thích ham muốn tạm thời và dễ bị phân tâm bởi những thứ có vẻ hứa hẹn sự hài lòng, nhưng cuối cùng lại gây thất vọng. Chẳng hạn, con người có xu hướng tin rằng của cải vật chất, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa… có thể dẫn đến hạnh phúc, và vì vậy họ tiêu tốn rất nhiều năng lượng để nỗ lực gìn giữ. Những người khác tìm kiếm sự thỏa mãn trong danh tiếng địa vị hoặc quyền lực ảo huyền thế gian, sống buông lung thỏa mãn các cảm xúc giác quan, phiêu lưu và theo đuổi những thứ giả tạm ấy, nhưng không ai có thể giữ mãi được những thứ mà mình đã tạo ra; và của cải, quyền lực, danh vọng, địa vị dễ dàng bị mất đi, thành thử ra đối với những người có được chúng cũng theo đó dễ bất mãn và đau khổ như bất kỳ ai khác. Sự thỏa mãn các ham muốn và sự phấn khích của cuộc phiêu lưu nhanh chóng bị phai nhạt, để lại cảm giác trống rỗng, ê chề và thất vọng tràn trề.
Trong khi đó hầu hết các bản kinh luận Hiển giáo đều khuyên dạy các hành giả giảm bớt sự ham muốn để đạt được giải thoát, thì các luận thuyết Mật tông lại đề xuất kết hợp năng lượng của ham muốn vào con đường. Vấn đề ở đây không nằm ở bản chất ham muốn mà nằm ở sự định hướng sai lầm của năng lượng ham muốn đối với những đối tượng dẫn đến đau khổ và ràng buộc vào các xiềng xích ái trược.
“Thay vì xem niềm vui và ham muốn trần tục là điều phải nên tránh bằng mọi giá, Mật tông thừa nhận năng lượng mạnh mẽ được khơi dậy bởi ham muốn của chúng ta là nguồn lực không thể thiếu cho con đường tâm linh. Bởi vì mục tiêu không gì khác hơn là việc nhận ra tiềm năng cao nhất của con người, Mật tông tìm cách chuyển hóa mọi trải nghiệm, bất kể nó có vẻ ‘phi tôn giáo’ đến mức nào thành con đường thành tựu. Chính vì cuộc sống hiện tại của chúng ta gắn liền không thể tách rời với ham muốn (tham dục), nên chúng ta phải tận dụng năng lượng to lớn của ham muốn nếu chúng ta mong muốn biến đổi cuộc sống của mình thành một điều gì đó siêu việt.”[8]
Phật giáo Mật tông chấp nhận ý tưởng được tìm thấy trong nhiều kinh điển Phật giáo rằng: chư Phật đã đoạn tận tham ái, nhưng cho rằng con đường diệt trừ ham muốn (tham dục, ái luyến) không nhất thiết phải ngăn chặn nó. Trên thực tế, vì ham muốn là một năng lực rất mạnh mẽ trong con người, nên việc ngăn chặn nó đòi hỏi phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng và sự tinh tấn tu trì trong một thời gian dài. Tuy nhiên, các phương tiện thiện xảo của Kim Cương thừa cho biết các phương pháp để chuyển hướng năng lượng này bằng cách sử dụng nó trên con đường tâm linh, để chính ham muốn đó trở thành phương tiện để vượt qua ham muốn. Quá trình này được so sánh với cách dùng hai khúc củi có thể được cọ xát với nhau để tạo ra ngọn lửa thiêu rụi chúng. Tuy nhiên, nói ra điều này không có nghĩa là Mật tông bao gồm việc đắm mình trong niềm vui dục lạc. Đúng hơn, tham muốn và hạnh phúc được truyền tải một cách cẩn thận thông qua thực hành thiền định và chúng được sử dụng theo những cách rất cụ thể. Con đường Mật tông bao gồm giới luật nghiêm khắc và đòi hỏi trí thông minh nhạy bén, và nó cũng dựa trên nền tảng thệ nguyện cứu độ tha nhân. Thật ra, nghiêm túc mà nói, Mật tông không liên quan gì đến niềm đam mê nhục dục.
4. Mong muốn và phương tiện thiện xảo
Con người mong muốn có được hạnh phúc và tìm cách giải phóng khổ đau. Những điều này được Kim Cương thừa chấp nhận như những mục tiêu chính đáng, nhưng những phương pháp thường được sử dụng để đạt được chúng đều bị bác bỏ. Hầu hết mọi người chỉ tìm kiếm niềm vui cho riêng mình và tìm kiếm nó trong các món vật chất, hay sự tán thành, xưng tụng ca ngợi của người khác, trong mối quan hệ giữa các cá nhân v.v… thật ra không điều nào trong số này có thể mang lại sự hài lòng tồn tại lâu dài, bởi lẽ chúng đều chịu sự chi phối của vô thường và do đó vạn vật luôn thay đổi, hoại diệt.
Vấn đề nằm ở việc tìm kiếm sự thỏa mãn hạnh phúc với những thứ bên ngoài, nhưng để có được hạnh phúc thực sự con người phải tìm thấy trong tâm trí của chính mình. Các văn bản Mật tông cho rằng, tâm trí con người chứa đựng những hạt giống của cả đau khổ lẫn niềm vui, và trạng thái tinh thần của một người sẽ quyết định người đó sẽ trải qua điều gì? Không giống như các truyền thống khổ hạnh tìm kiếm sự thỏa mãn thông qua các thực hành thiền định khó nhọc, đày đọa hình hài thân xác; mà điều muốn nói đến ở đây là thực hành Kim Cương thừa nhằm nuôi dưỡng các trạng thái tinh thần hỷ lạc. Trong Mật tông, người ta hiện thực hóa sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về bản chất của thực tại thông qua trải nghiệm những nhận thức lạc quan, có được quyền kiểm soát năng lượng thể chất và tinh thần, và kết hợp những ý thức hỷ lạc với sự chứng ngộ bản chất của thực tại. Mục tiêu của Mật tông là chuyển hóa mọi niềm vui thành trải nghiệm siêu việt về nhận thức xuyên thấu sâu sắc.
“Thay vì ủng hộ việc tách biệt khỏi những thú vui trần tục như nhiều truyền thống khác vẫn làm, Mật tông nhấn mạnh rằng sẽ hiệu quả hơn nhiều đối với con người khi tận hưởng, hướng năng lượng những thú vui của mình vào một con đường nhanh chóng, và mạnh mẽ để đạt được sự thỏa mãn và giác ngộ. Đây là cách khéo léo nhất để sử dụng tiềm năng quý giá của con người.”[9]
Thông qua các phương pháp thiện xảo của Kim Cương thừa, hành giả có thể trau dồi niềm hỷ lạc theo cách hỗ trợ cho sự tiến bộ tâm linh. Chấp thủ phiền não và ham muốn dựa trên những ý tưởng sai lầm, đó không phải là hạnh phúc tối thượng. Nếu việc theo đuổi các hạnh phúc lạc thú trần tục có thể tách rời khỏi những cảm xúc phiền não thì nó có thể được kết hợp vào con đường và thậm chí sẽ trở thành một trợ giúp mạnh mẽ để đạt được giác ngộ. Ví dụ, Mật điển Hevajra (Hỷ kim cương) nói rằng:
“Cái mà thế giới bị ràng buộc,
Bằng những điều tương tự, nó được giải phóng khỏi sự ràng buộc.
Nhưng thế gian bị mê hoặc và không hiểu được sự thật này,
Và người không sở hữu được chân lý này thì không thể đạt được sự toàn thiện.”[10]
Tuy nhiên, Mật tông không chỉ quan tâm đến việc tu tập chuyển hóa ham muốn, mà mục đích của nó cũng không bị giới hạn ở những hành động và thực hành gắn liền với “tôn giáo” theo truyền thống. Mật tông đề xuất kết hợp mọi hành động, mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc vào con đường. Không có gì tự nó là thanh tịnh hay ô uế, tốt hay xấu, thế gian hay xuất thế gian; mọi thứ chỉ xuất hiện với chúng ta theo những cách này vì những định kiến sai lầm. Trong các hệ thống Kim Cương thừa, bất kỳ hành động nào, ngay thậm chí trong lúc đi, đứng, nằm ngồi; ăn, uống, ngủ nghỉ, kể cả lúc đại tiên hay tiểu tiện, đều có thể là những yếu tố của con đường tâm linh. Những người thực hành Mật tông tìm cách vượt qua cảm giác phổ biến về tính bình thường, vốn trao dồi cho nhận thức của chúng ta về cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, giấc ngủ nên được một người theo Mật tông xem là thời gian để nạp lại sức lực, để người ta có thể thức dậy và tham gia thiền định với sức sống mới. Ăn uống là cơ hội để bổ sung năng lượng để có thể tiếp tục làm việc vì lợi ích của người khác.
Một ví dụ đặc biệt sinh động về thái độ Mật thừa, có thể được tìm thấy trong câu chuyện về một Lạt-ma Mật tông trốn thoát khỏi Tây Tạng khi người Trung Quốc xâm chiếm và tìm đường đến miền bắc Ấn-độ, nơi ông ăn mặc như một cư sĩ và làm việc trong một đội xây dựng đường bộ trong nhiều năm. Một ngày nọ, một cựu sinh viên tình cờ đi ngang qua và nhận ra ngài. Ngạc nhiên khi thấy một vị Lạt-ma quan trọng đang thực hiện công việc lao động chân tay tầm thường, người sinh viên hỏi tại sao ngài vẫn là một công nhân làm đường vô danh, khi ngài có thể nói cho những người đồng hương Tây Tạng biết mình là ai và được đưa trở lại tu viện của mình. Nếu làm được điều này, ngài có thể sống an nhàn, được các đệ tử lo lắng chăm sóc tận tụy. Vị Lạt-ma trả lời rằng: đối với ngài không có sự khác biệt giữa làm việc trên đường và sống trong tu viện. Lạt-ma giải thích rằng, khi xúc đất, ngài quán tưởng nó như những món cúng dường thanh tịnh lên chư Phật. Việc di chuyển những tảng đá nặng tượng trưng cho cuộc đấu tranh của Ngài để loại bỏ những phiền não ngoan cố trong tâm hồn, và những người đồng nghiệp của ngài là những chúng sanh đã thức tỉnh hoàn toàn, mà hành động của họ được thực hiện vì lợi ích cho mọi người. Thông qua thực hành quán tưởng, thế giới mà ngài đang an trú sinh sống đã trở thành một vùng đất thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi những tiêu cực mà hầu hết mọi người nhìn thấy là kết quả của những phiền não tâm của họ.
(còn tiếp…)
Tham khảo & chú thích
[1] Xem Lama Thubten Yeshe, Introduction to Tantra, Boston: Wisdom Publications, 1987, các tr. 16-17.
[2] Jeffrey Hopkins, H.H. The Dalai Lama, Tantra in Tibet, London: George Allen & Unwin Press, 1977, tr. 69.
[3] T18n0882 《佛說一切如來真實攝大乘現證三昧大教王經》. CBETA 電子佛典集成 » 大正藏 (T) » 第 18 冊 » No.0882.
[4] 此是一切大覺尊, 成就無上金剛杵, 今得授於我掌中, 金剛中住金剛相.
[5] Weinberger, Steven Neal, The Significance of Yoga Tantra and the Compendium of Principles (Tattvasaṃgraha Tantra) within Tantric Buddhism in India and Tibet. Dissertation. University of Virginia, USA: Department of Religious Studies, 2003.
[6] Lama Thubten Yeshe, Introduction to Tantra, Boston: Wisdom Publications, 1987, tr. 21.
[7] Xem Tulku Thondup Rinpoche, Buddha Mind, Ithaca: Snow Lion Publications, 1989, tr. 5.
[8] Lama Thubten Yeshe, Introduction to Tantra, Boston: Wisdom Publications, 1987, tr. 5.
[9] Sđd, tr. 29.
[10] David Snellgrove, The Hevajra Tantra, (vol. 2), London: Oxford University Press, 1959, các tr. 34-35.