Phần 3. Các Biểu Tượng Mật Tông

1. Mạn-đà-la

a. Định nghĩa

Mạn-đà-la, thuật ngữ tiếng Phạn (Sanskrit) Maṇḍala, tiếng Tây Tạng Dkyil-’khor (དཀྱིལ་འཁོར་), có nghĩa đen là “vòng tròn”, cả theo nghĩa sơ đồ hình tròn và đoàn tùy tùng xung quanh. Trong cách sử dụng của Phật giáo, thuật ngữ này bao gồm cả hai nghĩa, bởi vì nó đề cập đến các sơ đồ hình tròn thường kết hợp các mô tả về các vị thần và môi trường xung quanh họ.

b. Phân loại

Mạn-đà-la trong Phật giáo rất phong phú và đa dạng, do đó được phân loại theo nhiều cách khác nhau.

Căn cứ vào nhân quả, có 2 loại mạn-đà-la: (1) Kim cương giới mạn-đà-la, (S. Vajradhātu-maṇḍala; H. 金剛界曼荼羅) – biểu tượng cho trí tuệ sở chứng của Phật và (2) Thai tạng giới mạn-đà-la (S. Garbhadhātu-maṇḍala; H. 胎藏界曼荼羅) – biểu tượng cho phương tiện độ sinh của đức Tỳ-Lô-Giá-Na Phật hay Đại Nhật Như Lai tức đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni làm tôn chủ.[1]

Căn cứ vào chất liệu có 8 loại mạn-đà-la: thất bảo, cát, hoa, màu, tranh vẻ, bột màu, tâm và thực tế.[2] Có chỗ khác nói 5 loại: cát, lụa, tranh vẽ, điêu khắc, quán tưởng.

Căn cứ vào giáo nghĩa có 4 loại mạn-đà-la: (1) Đại mạn-đà-la (Mahā-maṇḍala): là vòng tròn hội tụ các đức Phật và Bồ-tát, được trình bày bằng hình ảnh hay tranh vẽ (hình 1). (2) Tam-muội-da-mạn đà-la (Samaya-maṇḍala): vòng tròn hội chúng với những pháp khí trong tay tùy theo bản nguyện của mỗi vị (hình 2). (3) Pháp-mạn-đà-la (Dharma-maṇḍala): là Mạn-đà-la của văn tự lý giải chân lý, còn gọi là mạn-đà-la của các biểu tượng (hình 3). (4) Yết-ma-mạn-đà-la (Karma-maṇḍala): là mạn-đà-la bằng điêu khắc chạm trổ biểu hiện các động tác, các hành trạng của Phật và Bồ-tát (hình 4).

Hình 1. Đại mạn-đà-la (Mahā-maṇḍala)
Hình 2. Tam-muội-da-mạn đà-la (Samaya-maṇḍala)
Hình 3. Pháp-mạn-đà-la (Dharma-maṇḍala)
Hình 4. Yết-ma-mạn-đà-la (Karma-maṇḍala)

Căn cứ hình dạng, có 4 loại mạn-đà-la: vòng tròn (biểu thị tính chất chu kỳ của cuộc sống), hoa sen (tượng trưng cho sự khai mở tâm linh), bindu (dấu chấm) (tượng trưng cho cội nguồn), hình tam giác (tùy theo hướng của chúng, hình tam giác có thể tượng trưng cho nam giới (dương, hướng lên trên) và nữ (âm, năng lượng hướng xuống), (hình 5).

c. Chức năng và tầm quan trọng của mạn-đà-la

Mạn-đà-la đại diện cho một cõi thiêng liêng, thường là cung điện thiên giới của một vị Phật và nó chứa các biểu tượng và hình ảnh minh họa các khía cạnh của nhân cách tâm – sinh lý đã thức tỉnh giác ngộ của vị Phật, đồng thời chỉ ra các chủ đề, khái niệm Phật giáo. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV giải thích rằng: “Hình ảnh của Mạn-đà-la được cho là vô cùng sâu sắc, bởi vì thiền định về nó đóng vai trò như một liều thuốc giải độc, nhanh chóng xóa bỏ những chướng ngại đối với sự giải thoát và những chướng ngại đối với sự toàn giác, cũng như những khuynh hướng tiềm ẩn của chúng.”[3] Những chướng ngại đối với sự giải thoát và những chướng ngại đối với toàn giác là hai loại phiền não tinh thần chính ngăn cản việc đạt được Phật quả của một người. Mạn-đà-la đóng vai trò đại diện cho một tâm giác ngộ thoát khỏi mọi chướng ngại như vậy, và trong bối cảnh thực hành Mật thừa, nó là biểu tượng mạnh mẽ của trạng thái mà các mật giả đang cố gắng đạt được, (hình 6).

Mạn-đà-la thường bao gồm một loạt các vòng tròn đồng tâm được bao quanh bởi một hình vuông, do đó có ranh giới hình tròn. Hình vuông có một cửa ngõ ở giữa mỗi bên, cửa chính hướng về phía đông, với ba cửa mở khác ở mỗi hướng chính khác. Chúng đại diện cho lối vào cung điện trung tâm của vị thần chính và dựa trên thiết kế của ngôi đền bốn mặt cổ điển của Ấn-độ. Những Mạn-đà-la như vậy là sơ đồ tầng công phu của cung điện, nhìn từ trên xuống. Tuy nhiên, các cổng thường được đặt phẳng, cũng như các bức tường bên ngoài. Những cổng này được trang trí lộng lẫy với các biểu tượng mật tông. Kiến trúc của Mạn-đà-la thể hiện cả bản chất của thực tại và giới luật của một tâm trí tỉnh thức. Bản thiết kế chi tiết hai chiều sau đó được sử dụng làm mẫu để làm đối tượng quán chiếu. Hình ảnh phát ra từ tánh không của tâm trí thông qua sức mạnh của sự quán chiếu, nhằm mục đích gợi lên thái độ và sự hiểu biết tương ứng với cấu trúc biểu tượng bên trong của nó.

Phần giữa của Mạn-đà-la tượng trưng cho Phật địa (chánh điện) bên trong của vị thần chính và là trung tâm linh thiêng của toàn bộ hình ảnh. Có vô số biến thể về chủ đề chính, một số trong đó rất đơn giản, với một vị thần duy nhất thống trị trung tâm, trong khi những biến thể khác rất phức tạp và có rất nhiều – hàng trăm vị thị giả; chư Phật, các sinh vật thần thoại, biểu tượng và phong cảnh. Tất cả đều nhằm mục đích đại diện cho trạng thái giác ngộ tỉnh thức, và cung điện là sự sáng tạo của tâm thức tỉnh của vị Phật chính.

Mạn-đà-la mô tả cõi của các vị Phật cụ thể và hình ảnh được sử dụng trong Mạn-đà-la nhất định sẽ được chọn dựa trên cách chúng thể hiện thần thoại, và các thuộc tính đặc biệt của vị thần chính. Ví dụ, Mạn-đà-la của đức Phật Dược sư (Bhaisajyaguru) chứa hình ảnh các loại thảo mộc và thuốc chữa bệnh, vì vị Phật đặc biệt này gắn liền với việc chữa lành bệnh cho chúng sanh con người, (hình 7).

Một ví dụ khác, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát trong văn học Đại thừa được cho là hiện thân của trí tuệ, do đó, các Mạn-đà-la của ngài thường nhấn mạnh đến những hình ảnh liên quan đến hữu học và tuệ giác, chẳng hạn như các kinh Bát nhã và thanh kiếm ngộ đạo rực lửa của ngài có công năng để cắt đứt đoạn trừ vô minh, (hình 8).

Tuy nhiên, các hành giả thường xuyên được nhắc nhở rằng, các hình tượng trong Mạn-đà-la không có trạng thái bản thể học thực sự; chúng là những đại diện cho những phẩm chất tinh thần mà những người tinh thông Mật tông khao khát hướng tới và nhằm mục đích cung cấp những khuôn mẫu cho sự chuyển hóa tinh thần, nhưng chúng không có sự tồn tại cố hữu. Điều này cũng đúng với ma quỷ và các vị thần phẫn nộ, đại diện cho các yếu tố ý thức con người được chuyển hóa thông qua thiền định thành những phẩm chất đức hạnh (hình 9).

Các Mạn-đà-la khác cũng mô tả một vị Phật cụ thể trong nhiều hóa thân khác nhau, và nhiều Mạn-đà-la cũng chứa hình ảnh của các nhân vật hộ mạng phẫn nộ, những bậc vị thầy vĩ đại (đại sư) và chư vị Bồ-tát. Trong thực hành Mật thừa, Mạn-đà-la cung cấp một kế hoạch chi tiết cho sự chuyển hóa tinh thần của chính mình. Vị thần trung tâm đại diện cho trạng thái giác ngộ mà một người đang tinh tấn nỗ lực hành trì, và các phần khác nhau của cung điện biểu thị những khía cạnh quan trọng của nhân cách đã giác ngộ. Các vị thần phẫn nộ biểu thị những cảm xúc tiêu cực của chính con người, chẳng hạn như giận dữ, hận thù, ham muốn và vô minh được chuyển hóa thành ý thức giác ngộ của một vị Phật. Các biểu tượng Phật giáo lấp đầy sơ đồ biểu thị các học thuyết, thần thoại, vị thần quan trọng v.v… nhằm mục đích kết hợp vào thế giới quan lý tưởng hóa của một hành giả Mật thừa, trong đó luân hồi sinh tử và Niết-bàn được biết là không thể phân biệt được, và vượt thoát mọi ý nghĩa tư duy nhị nguyên.

“Như vậy, Mạn-đà-la tượng trưng cho sự tự đồng nhất với nhân sinh và vũ trụ, có tính chất luân hồi đối với tâm thức khi con người chưa giác ngộ; và ngược lại, nó tự bộc lộ như sự biểu hiện hoàn hảo của Phật quả, khi mọi phân biệt sai lầm biến mất trong trạng thái giác ngộ của tính bất nhị.”[4]

Trong văn học Mật tông, có những mô tả về nhiều loại Mạn-đà-la khác nhau, một số tồn tại ở dạng cụ thể như Mạn-đà-la bằng vải sơn hoặc Mạn-đà-la bằng cát (hình 10) được sử dụng làm phương tiện trợ giúp trong thiền định hoặc làm tâm điểm của các nghi lễ nhập môn.

Hình 10. Hình vẽ Mạn-đà-la rất phức tạp, mỗi hình đại diện cho một vị thần và những dấu hiệu xung quanh họ có những ý nghĩa đặc biệt

Giuseppe Tucci mô tả rằng: “Mạn-đà-la là một đặc điểm của nhiều nghi lễ Tây Tạng, đặc biệt là những nghi lễ liên quan đến phép quán đảnh.”[5]

Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, người ta có thể nhìn vào một mạn-đà-la từ những quan điểm khác nhau. Ở một cấp độ nó là một bản vẽ kiến trúc, một bản vẽ hai chiều của một tòa nhà ba chiều và mặt đất của nó. Tòa nhà là cung điện của các vị thần.

Công việc tạo ra một mạn-đà-la cát thường liên quan đến nhiều người, thông thường là bốn vị Tăng, mỗi người làm việc ở một phía của mạn-đà-la (hình 11). Đó là một phương thức rất dài, cần đức tính tỉ mỉ và các vị sư khác đi nhiễu xung quanh để cầu nguyện và tụng những câu Thần chú.

Trong một số văn bản, các Mạn-đà-la bên ngoài được cho là biểu tượng của Mạn-đà-la tự nhiên, phi vật chất và tượng trưng cho những phẩm tính giác ngộ của Phật quả. Các Mạn-đà-la khác mang tính chất bên trong: các Mạn-đà-la thiền định được tâm trí của hành giả hình dung dưới dạng các hình ảnh ba chiều. Trong lý thuyết Mật tông, bản thân cơ thể cũng được coi là một Mạn-đà-la và huân dưỡng nỗ lực hành trì để chuyển thành Phật thân.

Sau khi được xây dựng và hiến cúng, Mạn-đà-la được cho là thấm nhuần sự hiện diện của chư Phật có liên quan, do đó trở thành tâm điểm cho lòng tín ngưỡng và các nghi lễ được quán tưởng. Chúng cũng được cho là có sức mạnh thần diệu và có thể kéo dài tuổi thọ, mang lại sự  phú quý thịnh vượng, bảo vệ khỏi ác pháp, và thường được đeo làm bùa hộ thân.

d. Cúng dường Mạn-đà-la

Cúng dường Mạn-đà-la bao gồm các hoạt động thể chất kết hợp với quán tưởng. Những hành giả cúng dường mạn-đà-la hãy quan tưởng rằng, mình đang cúng dường những vật chất có giá trị như vàng, bạc, châu báu… dâng lên chư Phật và Bồ-tát, cũng như đạo sư. Theo Geshe Rabten: “Mạn-đà-la có nghĩa là lấy tinh túy. Mặc dù đây là một thực hành đơn giản nhưng nó là một phương tiện tích lũy công đức hiệu quả. Nó được cúng dường cho đối tượng Quy y, vốn thoát khỏi mọi bất tịnh và chấp thủ, do đó việc thực hành là vì lợi ích của chính mình.”[6]

Nói chung, về cách thức lễ nghi cúng dường mạn-dà-la cần phải có cái đế, đó là một chiếc đĩa tròn có đường kính khoảng 20 cm. Lý tưởng nhất là nó phải được làm bằng vàng, bạc hoặc kim loại quý khác, nhưng trên thực tế, bất kỳ bề mặt nào cũng có thể được sử dụng, ngay cả bề mặt làm bằng đá hoặc gỗ. Bất kể chất liệu là gì, chiếc đĩa phải được hình dung như vàng ròng. Điều này tượng trưng cho Phật tánh thanh tịnh bẩm sinh của mỗi người (hình 12).

Những người có điều kiện eo hẹp thường cúng dường ngũ cốc hoặc gạo, đôi khi là đá thông thường, nhưng những người có đủ khả năng thì có thể dùng ngọc quý. Các lễ vật khác có thể được thêm vào, chẳng hạn như tiền xu, đồ trang sức và những thứ tương tự. Khi sử dụng ngũ cốc, người tập bắt đầu bằng cách cầm một số hạt ở tay trái trong khi giữ phần đế ngang tầm tim. Bằng tay phải, người ta thả một số hạt vào giữa đế trong khi trì tụng lời nguyện quy y và cố gắng phát khởi tâm giác ngộ. Với cẳng tay phải, người ta lau hạt ra khỏi đế theo chiều kim đồng hồ. Điều này tượng trưng cho việc loại bỏ ba phiền não tham, sân, si làm che mờ Phật tánh bẩm sinh. Cánh tay phải được sử dụng vì có một năng lượng từ trường liên quan đến trí tuệ chạy dọc theo nó.

Tiếp theo, người tập thả một ít hạt xuống đế và lau ba lần theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Đây là biểu tượng của mong muốn phát triển những phẩm tính cao quý của thân, khẩu và ý của một vị Phật.

Giai đoạn tiếp theo bao gồm việc đổ hạt vào tay rồi đổ vào giữa đế. Sau đó, người ta tạo hàng rào xung quanh chu vi bằng cách đổ thêm ngũ cốc theo chiều kim đồng hồ. Sau đó, một ngọn đồi ngũ cốc được hình thành ở giữa, tượng trưng cho núi Meru (tu-di), trung tâm vũ trụ trong vũ trụ quan Phật giáo truyền thống. Xung quanh nó là những đống ngũ cốc tượng trưng cho bốn lục địa chính được mô tả trong văn học Phật giáo truyền thống, mỗi lục địa ở một trong những điểm chính. Sau đó, người ta làm thêm hai cọc nữa ở hai bên của cọc trung tâm, tương ứng với mặt trời và mặt trăng. Đối với những người thực hiện việc cúng dường này với động cơ đúng đắn. Theo Geshe Lobsang Tharchin: “Chứa đựng trong mỗi hạt của món cúng dường này đều có một hạt giống màu mỡ để đạt được giác ngộ viên mãn. Điều này là do lòng khao khát chân thành về sự giác ngộ viên mãn đã thúc đẩy chúng ta thực hiện việc cúng dường. Người ta nỗ lực đạt đến giác ngộ để có thể mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh. Như vậy, vì chúng sinh trong các cõi giới là vô hạn nên đức hạnh bắt nguồn từ hành động này cũng vô hạn.”[7]

Hãy xem nó như chứa đựng toàn bộ vũ trụ và tất cả những thứ đáng khao khát của nó. Vũ trụ trong hình thức mạn-đà-la, sau đó được dâng cúng lên cho chư Phật trong khi người ta tụng lời cầu nguyện cúng dường: “Nhờ công đức cúng dường chư Phật được quán tưởng trước mặt tôi, mạn-đà-la này được xây trên nền, rực rỡ với hoa, hương, nước nghệ, và được trang điểm bằng núi Tu-di, bốn châu, mặt trời và mặt trăng, cầu mong tất cả chúng sinh được chia sẻ trong tác dụng tốt của nó.”[8]

Sau khi lời cầu nguyện được trì tụng và người ta quán tưởng mình dâng hiến mọi thứ trong vũ trụ cho chư Phật, người ta nghiêng mạn-đà-la về phía mình và đổ những hạt vào lòng mình, tưởng tượng rằng chư Phật đáp lại bằng cách ban phước lành. Thực hành này được cho là một cách hiệu quả để tạo ra công đức và vượt qua sự chấp thủ vào vật chất. Bằng cách cúng dường một cách tượng trưng mọi thứ có thể quán tưởng được lên chư Phật, vì lợi ích của tất cả chúng sinh, người ta làm giảm bớt lòng ham muốn của cải vật chất. Theo thông lệ, các hành giả thực hiện điều này ít nhất 100.000 lần. Giống như thực hành lễ bái.

e. Ba cấp độ cúng dường mạn-đà-la

Các quá trình như được mô tả ở trên, sử dụng ngũ cốc và đĩa, được gọi là “cúng dường mạn-đà-la bên ngoài”. Nó được coi là một phương pháp mạnh mẽ để trau dồi công đức và thái độ đúng đắn, nhưng nó vẫn chỉ là một kỹ thuật khởi đầu vì nó sử dụng những đạo cụ bên ngoài. Các cấp độ sâu hơn của cúng dường mạn-đà-la “cúng dường mạn-đà-la bên trong” và “cúng dường mạn-đà-la bí mật”, không sử dụng các chuyển động thể chất, cử chỉ bên ngoài hoặc dạng thể vật chất. Sự thực hành diễn ra trong tâm trí và cơ thể của chính mình trở thành vật cúng dường.

Bằng cách này, cơ thể tự nó được chuyển hóa thành một mạn-đà-la và qua đó làm giảm đi cảm giác bình thường. Cách thực hành này cũng làm tiêu trừ những quan điểm cố định và thái độ tiêu cực đối với thân xác. Một khi hình ảnh trong tâm đã hoàn tất, người ta chuyển đổi thân mạn-đà-la thành một cõi tịnh độ và dâng nó lên đạo sư và Tam bảo, trong khi trì tụng lời cầu nguyện cúng dường. Sau đó, người ta quán tưởng rằng, tịnh phẩm này đã làm hài lòng đối tượng Quy y một cách vô cùng và bản thân cũng như tất cả chúng sinh nhận được sự gia trì của đạo sư, chư Phật và chư Bồ-tát.

Việc cúng dường mạn-đà-la bí mật đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về sinh lý thần bí của tối thượng du-già mật, bởi vì phần lớn việc thực hành đòi hỏi kỹ năng tuyệt vời trong việc vận dụng năng lượng sống một cách tinh tế, nên chỉ có thể cung cấp một bản phác thảo ngắn gọn về quy trình. Việc cúng dường mạn-đà-la bí mật được cho là sâu sắc hơn và cũng khó khăn hơn so với hai lễ cúng dường trước (cúng dường mạn-đà-la bên ngoài, cúng dường mạn-đà-la bên trong), bởi vì không có cơ sở bên ngoài để quán tưởng. Thay vào đó, tâm trí của chính mình trở thành mạn-đà-la. Mục tiêu của việc thực hành là chuyển hóa tâm trí của một người thành ý thức của một vị Phật giác ngộ hoàn toàn thông qua việc quán tưởng rằng, các khía cạnh nhận thức của một người được chuyển hóa thành thân của một vị Phật.

Như đã biết, theo Phật giáo Đại thừa, chư Phật không chỉ thị hiện trong một thân mà cả ba thân, gọi là tam thân Phật: (1) Pháp thân (S. Dharmakāya; T. Chos-sku) là kết quả của một tâm trí tuệ phát triển đầy đủ chứng ngộ tánh không; (2) Báo thân hay thọ dụng thân (S. Saṃbhogakāya; T.  Longs-sku), một cơ thể hoàn hảo được tạo ra từ năng lượng vi tế; và (3) Sắc thân (S. Nirmaṇakāya; T. Sprul-Sku), được xuất phát từ bi vì lợi ích của người khác và là kết quả của việc hoàn thiện sự trau dồi tâm giác ngộ. Sắc thân là sự hoàn thành của việc tích tập công đức. Pháp thân là kết quả của việc tu tập trí tuệ; nó được hiện thực hóa thông qua việc hoàn thiện sự hiểu biết về tánh không.

Hai loại tâm này: tâm giác ngộ và tâm trực nhận tánh không là nền tảng của cúng dường mạn-đà-la bí mật. Tâm giác ngộ bao gồm sự tỉnh giác của tâm đi kèm với hai nguyện vọng: nguyện vọng làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh bằng cách đưa họ vào trạng thái Phật quả, và mong muốn cá nhân đạt được sự tỉnh thức hoàn toàn để có thể hoàn thành nguyện vọng đầu tiên. Ý thức trí tuệ nhận ra tánh không xuyên thấu vượt qua những hình tướng giả tạo và nhận thức đúng đắn mọi thứ như chúng là, nghĩa là, hoàn toàn không có sự tồn tại cố hữu, là hợp thành, sinh ra và vô thường.

Trong lễ cúng dường mạn-đà-là bí mật, người ta cúng dường tâm giác ngộ và ý thức trí tuệ chứng ngộ tánh không lên các đối tượng Quy y. Người ta tô điểm mạn-đà-la bằng các hoạt động của những tâm này, viên mãn trí tuệ và lòng bi,  dâng lên bậc đạo sư, chư Phật và những bậc giác ngộ khác. Công đức đạt được từ việc hoàn thiện thành công việc thực hành này được cho là vô lượng, nhưng việc rèn luyện tinh thần còn quan trọng hơn. Tâm cực kỳ vi tế, một thực thể của quang minh và tánh không, và những ai có thể vận dụng năng lượng tinh thần một cách hiệu quả theo cách này, sẽ vượt qua những phiền não có gốc rễ sâu xa và tịnh hóa dòng tâm thức của họ.

 (còn tiếp…)


Tham khảo & chú thích

[1] Do căn tính sai biệt của chúng sinh mà sự hành trì cũng có phần sai biệt. Từ một Nhất tâm pháp giới (S. Ekacitta-dharmadhātu) mà hiển thị thành hai môn: Kim cang giới (S. Vajradhātu) thuộc trí môn (S. Jñāna) và Thai tạng giới (S. Garbhadhātu) thuộc lý môn (S. Nyāya).

[2] Jamgon Kongtrul Lodro Taye (author),  I. McLeod &  Guarisco, E.  (trans.), The Treasury of Knowledge: Book Six, Part Four: Systems Of Buddhist Tantra,  New York: Snow Lion Publications, 2005, các tr. 209-210.

[3] Jeffrey Hopkins, H .H. the Dalai Lama, Tantra in Tibet, London: George Allen & Unwin Press, 1977, tr. 77.

[4] David Snellgrove, Indo-Tibetan Buddhism, vol. I, Boston: Shambhala Publications, 1987, tr. 200.

[5] Giuseppe Tucci, Tibetan Painted Scrolls, Published by Roma: Librario Dello Stato, 1949, tr. 270.

[6] Geshe Rabten, The Preliminary Practices of Tibetan Buddhism, Dharamsala: Library of Tibetan Works and Archives, 1976, tr. 85.

[7] Geshe Lobsang Tharchin, A Commentary on Guru Yoga and Offering of the Mandala,  Ithaca: Snow Lion Publications, 1980, tr. 75.

[8] Geshe Rabten, The Preliminary Practices of Tibetan Buddhism, Dharamsala: Library of Tibetan Works and Archives, 1976, tr. 85.

Mật Tông