Phần 3. Các Biểu Tượng Mật Tông (tiếp theo)

2. Thần chú

a. Định nghĩa

Thần chú (S. Mantra; T. Sngags) là những mật ngữ của chư Phật, Bồ-tát liên quan đến khẩu mật; gồm 2 dạng, đó là: Đà-la-ni và Chân ngôn.

Đà-la-ni là phiên âm tiêng Phạn Dhāraṇī, được dịch nghĩa ‘tổng trì’, tức là thâu tóm vạn pháp về một mối và giữ tâm trong trang thái thanh tịnh vắng lặng.

Về nội dung: nghĩa cơ bản Đà-la-ni nói lên bổn nguyện của chư Phật, Bồ-tát, hộ thần… nhằm hộ trì bảo vệ chánh pháp; ở một số trường hợp, Đà-la-ni được nói khi kết thúc một hội thuyết kinh, để tóm lược cốt tủy của bộ kinh đã thuyết, như kinh Pháp Hoa, phẩm Đà-la-ni thứ 26: “An nhĩ, mạn nhĩ, ma nễ, ma ma nễ, chỉ lệ, già lê đệ, xa mế, xa lý đa vĩ, chuyên đế, mục đế mục đa lý, ta lý, a vĩ ta lý, tang lý, ta lý xoa dệ, a xoa duệ, a kỳ nhị chuyên đế xa lý, đà la ni, a lư dà bà ta đá tỳ xoa nhị, nễ tỳ thế, a tiện đa la nễ lý thế, a đàn dá ba lệ thâu địa, âu cứu lệ, mâu cứu lệ, a la lệ, ba la lệ, thủ ca sai, a tam ma tam lý, Phật đà tỳ kiết lợi diệt đế đạt ma ba lợi sai đế, tăng già niết cù sa nễ bà xá bà xá thâu địa, mạn đá lã, mạn đá lã xoa dạ đa, bưu lâu đá, bưu lâu đá kiêu xá lược, ác xoa lã, ác xoa dã đa dã, a bà lư, a ma nhã na đa dạ.”
Đức Phật cũng tuyên thuyết rằng: “Thần chú Đà-la-ni này là của sáu mươi hai ức hằng-hà-sa các đức Phật nói. Nếu có người xâm hủy vị Pháp-sư này, thì là xâm hủy các đức Phật rồi.” và điều hoan hỷ hơn trong lúc đức Phật thuyết phẩm “Đà-la-ni” này, có sáu muôn tám nghìn người được vô-sanh pháp-nhẫn.[1]

Chân ngôn, tiếng Phạn là mantra, xuất phát từ mana (tâm) + tra (hộ trì), nghĩa là sự hộ trì tâm được sáng suốt, thanh tịnh và định tĩnh. Dịch ý khác là Chú (咒), Minh (明), Thần chú (神咒), Mật ngôn (密言), Mật ngữ (密語), Mật hiệu (密號).

Về nghĩa cơ bản, xét về độ dài và ngắn là không nhất định, tức là có câu dài, cũng có câu ngắn; chẳng hạn như Thần chú đại bi, có khi chân ngôn chỉ duy nhất có một chữ, như: Bhrum (nhất tự kim luân Phật đảnh chân ngôn).

b. Phân loại

Thần chú trong mật tông được sử dụng rất đa dạng, có rất nhiều câu thần chú, tuy nhiên để tiện ích cho việc học tập, nghiên cứu, có thể nêu 1 số cách phân loại sau:

Căn cứ vào các nguồn thư tịch, kinh văn, thần chú được chia làm 2 loại: (1) thần chú thuộc kinh văn đại thừa, [kinh Thủ lăng nghiêm, kinh Pháp hoa, kinh Hoa nghiêm…] (2) thần chú thuộc bộ mật tông.

Căn cứ vào văn bản học, thần chú được chia làm 2 loại: (1) thần chú trực thuộc kinh văn, [kinh Dược sư] (2) thần chú độc lập.

Căn cứ vào số lượng thần chú trong 1 nhóm: lấy số lượng thần chú được trì tụng trong 1 khóa lễ nhất định, như ngũ bộ chú,[2] thập chú.

c. Ý nghĩa của Thần chú

Các hành giả mật tông thường trì tụng để tạo ra sự kết nối nghiệp giữa họ và các vị thần thiền định, và để thực hiện lại cấu trúc nhận thức thông qua việc tiếp thu các thuộc tính thiêng liêng mà câu thần chú đại diện. Chẳng hạn, một người mong muốn trưởng dưỡng tâm đại từ đại bi có thể trì tụng thần chú của đức Quán Thế Âm Bồ-tát, vị hiện thân của đức tính này là: “Om Mani Padme Hūm”.

Câu thần chú này rất phổ thông trong đời sống hằng ngày của người dân Tây Tạng dù lớn hay nhỏ đều được biết đến. Đối với họ, nó đại diện cho tâm đại từ bi viên mãn của đức Quán Thế Âm, vị Bồ-tát mà họ tin rằng đã quan tâm đặc biệt đến phước báu lợi lạc tinh thần của người dân Tây Tạng. Ngài là hình ảnh thu nhỏ của lòng bi mẫn phổ quát không bị ô uế bởi bất kỳ dấu vết nào của cảm xúc tiêu cực hay phiền não tâm.

Câu Thần chú Lục Tự Đại Minh hay Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn: Án Ma Ni Bát Mê Hồng (S. Oṃ maṇi padme hūṃ; T. ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་།) có rất nhiều ý nghĩa, là thần chú tối cao trong số tất cả các thần chú, phát sinh từ sức mạnh của lòng từ bi và trí tuệ của đức Quán Thế Âm Bồ-tát (S. Avalokiteśvara-bodhisattva; T. Spyan-ras-gzigs), ngài là hiện thân trí tuệ tổng hợp của tất cả chư Phật.

Chữ ‘Án’ (ཨོ, oṃ) là chỉ cho tất cả thân của đức Phật. Ở đây người ta có thể hiểu ‘Án’ (ཨོ, oṃ) là tánh thể của chư Phật trong ba đời. Vì vậy, bất cứ khi nào xướng tụng điều tối cao này giữa tất cả các âm thanh, có nghĩa là đang cầu nguyện sự gia hộ của chư Phật, chư đại Bồ-tát, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta nhớ và quay về với Phật tánh của mỗi người. Âm tiết tối cao đó tạo cho chúng ta nhân duyên thù thắng để trở thành Phật. Khả năng phát sinh do các âm tiết tiếp theo ‘Ma Ni’(མ་ནི, maṇi) quý báu và ‘Bát Mê’(པ་དྨེ, padme) hoa sen. Sự quý báu tượng trưng cho Bồ-đề tâm (S. Bodhicitta; T. Byang-chub kyi-sems). Chỉ có tâm giác ngộ mới có thể đáp ứng nguyện ước của mọi người, giống như một viên ngọc như ý đáp ứng nhu cầu bên ngoài của tất cả chúng sinh; Bồ-đề tâm cũng vậy, lòng từ bi của đức Quán Thế Âm Bồ-tát đáp ứng nhu cầu bên trong của tất cả chúng sinh. Hoa sen tượng trưng cho trí tuệ, giống như hoa sen đẹp và thanh khiết mọc lên từ bùn lầy, trí tuệ tương tự sinh ra từ tâm trí không bị ô nhiễm bởi những suy nghĩ bình thường; sự hiểu biết về thật tánh của pháp là hoàn toàn trong sáng và rõ ràng vượt lên trên mọi hiểu biết của phàm tục.

Cuối cùng là chữ ‘Hồng’ (ཧཱུྃ, hūṃ) có phẩm chất bất biến và thống nhất. Tính bất biến là phẩm chất của tâm kim cương và phẩm chất của tâm kim cương này thể hiện sự kết hợp của lòng từ bi và Tánh không, đó là thể tính Tánh không của đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Điều này có nghĩa là phẩm chất bất biến trong tâm của đức Quán Thế Âm Bồ-tát không bao giờ dao động và luôn luôn mang lại lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh. Thân thể hoàn toàn trọn vẹn của đức Phật tồn tại trong chữ cuối ‘Hồng’ (ཧཱུྃ, hūṃ), biểu tượng của sự bất biến và hợp nhất của trí tuệ và lòng từ bi, từ đó hình thể hoàn hảo phát sinh thân Phật được biểu thị bằng ‘Án’ (ཨོ, oṃ).

Nói một cách thực tế, khi chúng ta trì tụng Thần chú “Án Ma Ni Bát Mê Hồng”, chúng ta đang thể hiện đặt niềm tin và lòng tôn kính đối với đức Quán Thế Âm Bồ-tát và chư Phật, đang nương tựa vào chúng tìm kiếm sự bảo hộ cho tất cả chúng sinh, phát xuất Bồ-đề tâm, thanh tẩy phiền não, đóng cửa sáu nẻo luân hồi. Mặt khác, khi một người trì tụng Thần chú “Án Ma Ni Bát Mê Hồng”, người đó phải quán tưởng với sự tập trung và chú ý nhất tâm vào đức Quán Thế Âm Bồ-tát, mỗi câu niệm giống như nói “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát”, hãy nghĩ về sự thanh tịnh đó.

Một cách suy nghĩ khác về điều này, chữ ‘Án’ (ཨོ, oṃ) là sự tích tụ của ngũ trí[3] (S. Pañca-jñāna; T. Ye-shes-lnga, ཡེ་ཤེས་ལྔ་།) và ngũ thân[4] (S. Pañca-kāya; T. Sku-lnga, སྐུ་ལྔ་།); ‘Ma Ni’(མ་ནི, maṇi) là viên ngọc quý và ‘Bát Mê’(པ་དྨེ, padme) có nghĩa là hoa sen, sự quý báu và hoa sen là tên của đức Quán Thế Âm Bồ-tát và chữ ‘Hồng’ (ཧཱུྃ, hūṃ)  là nguyện lực của ngài để bảo hộ chúng sinh khỏi đau khổ trong sáu cõi trầm luân. Do đó, khi chúng ta trì tụng Thần chú có nghĩa là đang tụng “hiện thân của ngũ thân và ngũ trí; sự quý báu và hoa sen, xin nguyện cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau trong sáu cõi luân hồi”.

Như vậy, đây chắc chắn là một câu Thần chú đã được trì tụng rất nhiều trong kinh điển và mật điển. Đối với việc trì tụng Thần chú, mỗi người chúng ta không thể tìm được câu nào sâu sắc hơn. Cho nên, điều quan trọng nhất đối với hành giả là phải thực hành nghiêm túc và nỗ lực tinh tiến để trì tụng Thần chú này.

Nghiệp cảm duyên khởi của những chúng sinh bình thường có nhiều hành động từ bi, nhưng những hành động này thường hay bị khúc xạ bởi 1 chút tư lợi nào đó; lòng kiêu hãnh, tự cao tự đại khi đạt được 1 tí công phu tu tập hoặc mong muốn được công nhận cái mà mình đã tạo ra. Ngược lại, lòng từ bi của đức Quán Thế Âm hoàn toàn thoát khỏi mọi phiền não và rộng lớn đến mức bao trùm tất cả chúng sinh không có ngoại lệ và không có sự phân biệt. Những người mong muốn phát triển một quan điểm như vậy hãy thường trì  tụng, đọc đi đọc lại câu thần chú của đức Quán Thế Âm, thiền định về ý nghĩa của nó và khi công phu như vậy, họ cố gắng tái cơ cấu tâm trí của mình cho phù hợp với việc trau dồi những phẩm chất cao quý của ngài. Theo đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV:

“Mani . . . tượng trưng cho các yếu tố của phương pháp, ý định vị tha để trở nên giác ngộ, từ bi và tình yêu thương. Giống như một viên ngọc có khả năng loại bỏ nghèo đói, tâm giác ngộ vị tha cũng có khả năng loại bỏ nghèo đói, hay khó khăn, của luân hồi và của sự an bình trầm mặc. . . . Hai âm tiết, Padme . . . tượng trưng cho trí tuệ. Giống như hoa sen mọc lên từ bùn nhưng không bị ô nhiễm bởi dơ bẩn của bùn, trí tuệ có thể đặt con người vào tình huống không mâu thuẫn, trong khi đó sẽ có mâu thuẫn nếu bạn không có trí tuệ. . . . Sự thanh tịnh phải đạt được bằng sự thống nhất không thể phân chia giữa phương pháp và trí tuệ, được tượng trưng bằng âm tiết cuối cùng Hum, biểu thị sự không thể phân chia. . . . Do đó, sáu âm, Om Mani Padme Hum, có nghĩa là dựa vào con đường – sự hợp nhất bất khả phân giữa phương tiện và trí tuệ, con người có thể chuyển hóa thân, khẩu và ý bất tịnh của mình thành thân, khẩu và ý thanh tịnh cao quý của một vị Phật.”[5]

Tất nhiên, những nhận xét của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV chỉ là một cách diễn giải, và các nhà chú giải Tây Tạng khác đã đề xuất những liên kết thay thế cho các âm tiết của câu thần chú. Như David Snellgrove nói rằng:

“Ngay cả khi bản thân các từ thường dễ hiểu, một câu thần chú như vậy có thể không có ý nghĩa thiết yếu nào ngoài nghi lễ quy định. Vì vậy, sự dễ hiểu bình thường chỉ là mối quan tâm thứ yếu. Điều quan trọng nhất là ý nghĩa tự phát của một câu thần chú cụ thể đối với những người hành trì một cách đúng đắn.”[6]

Những hành giả Mật tông nên nhận ra rằng, ý nghĩa quy ước của từ ngữ không cố định, và ý nghĩa của bất cứ điều gì đều nằm trong tâm trí của hành giả. Thần chú có nghĩa là những gì chúng cần có ý nghĩa trong bối cảnh của một thực hành cụ thể, và do đó cách sử dụng thông thường thường không thích hợp. Vì thế Kalu Rinpoche nói rằng:

“Trong bối cảnh Kim Cương thừa, chúng ta trì tụng và thiền định về thần chú, đó là âm thanh đánh thức, lời nói của Bổn tôn, sự hợp nhất của âm thanh và tánh không. . .  Nó không có thực tế nội tại mà chỉ đơn giản là sự biểu hiện của âm thanh thuần khiết, được trải nghiệm đồng thời với tánh không của nó. Thông qua thần chú, chúng ta không còn bám vào thực tế của lời nói và âm thanh gặp phải trong cuộc sống mà trải nghiệm nó về cơ bản là tánh không. Khi đó sự nhầm lẫn về khía cạnh lời nói của con người chúng ta được chuyển hóa thành nhận thức giác ngộ.”[7]

Việc sử dụng thần chú là trọng tâm của thực hành Kim Cương thừa, và do đó hệ thống này thường được các Phật tử mật tông gọi là “mật thừa” hay “Thần chú thừa”. Việc lặp lại thần chú không chỉ đơn giản là một hoạt động bên ngoài mà trong đó người ta phát ra âm thanh với chủ đích là một hành động nhằm đánh thức tiềm năng nhận thức của hành giả. Theo Lama Zopa Rinpoche:

“Thần chú có hiệu quả vì chúng giúp giữ cho tâm trí con người an tĩnh và bình yên, thể nhập vào nhất tâm. Thần chú làm cho tâm trí con người tiếp nhận những rung động rất tinh tế, và do đó nâng cao nhận thức của mình. Việc trì tụng thần chú sẽ tiêu trừ những tạp niệm bất thiện, và bản chất thực sự của sự vật sau đó có thể được phản ánh trong sự trong sáng của tâm trí chúng ta. Bằng cách thực hành một câu thần chú siêu việt, trên thực tế, chúng ta có thể tịnh hóa tất cả năng lượng ô nhiễm của thân, khẩu và ý của chính mình.”[8]

Việc phát âm bên ngoài các âm thanh của câu thần chú đóng vai trò là trọng tâm cho sự phát triển tinh thần. Bằng cách tập trung vào ý nghĩa của câu thần chú và phát khởi tâm hoan hỷ để đón nhận sức mạnh chuyển hóa từ câu thần chú ấy phát ra, hành giả sẽ hiện thực hóa năng lượng giác ngộ tiềm ẩn của chính mình. Qua đó, âm thanh của thân họ được coi là âm thanh thiêng liêng và lời nói của họ trở thành lời nói của một vị Phật.

Trong một số hệ thống tín ngưỡng của Ấn-độ giáo cho rằng, thần chú được coi là những âm thanh nguyên thủy có sức mạnh tiềm ẩn, nhưng trong Mật điển Phật giáo Tây Tạng, thần chú không có sức mạnh cố hữu như vậy. Trừ khi chúng được đọc bởi một người có tâm tập trung, chúng chỉ là âm thanh. Tuy nhiên, đối với những người có tâm thành kính hướng nguyện chánh đạo, tha thiết khẩn cầu, chúng có thể là phương tiện hữu hiệu nhằm hỗ trợ quá trình chuyển hóa tâm.

(còn tiếp…)


Tham khảo & chú thích

[1] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Pháp Hoa, Nxb Tôn giáo, 2001, các tr. 538-544.

[2] Ngũ Bộ Chú được viết như sau: “Om Ram, Om Shrim, Om Mani Pedme Hum, Om Cale Cule Cunde Svaha, Om Bhrum”. Phiên âm Phạn Việt: “Um Ram” hoặc “Um Rôm, Um Si-Răn, Um ma ni pết mê hùm, Um cha lê chu lê chun đê sô ha, Um bơ-Rum”. Phiên âm tiếng Việt: “Án Lam, Án Xỉ Lâm, Án Ma Ni Bát Di Hồng, Án Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha, Án Bộ Lâm”.

[3] Ngũ trí (S. Pañca jñānāni; T. Ye-shes-lnga, ཡེ་ཤེས་ལྔ་།) là năm loại trí, được trình bày theo Mật giáo, đó là: 1. Pháp giới trí (S. Dhamadhātu-jñāna) (theo Kim cương thừa Pháp giới trí thuộc về Đại Nhật Như Lai, ở trung tâm); 2. Đại viên cảnh trí (S. Ādarśa-jñāna) (thuộc về Bất Động Như Lai, ở phương Đông); 3. Bình đẳng tánh trí (S. Samatā-jñāna) (thuộc về Bảo Sanh Như Lai, ở phương Nam); 4. Diệu quan sát trí (S. Pratyavekṣaṇa-jñāna) (thuộc về A-Di-Đà Như Lai, giáo chủ cõi Tây phương cực lạc thế giới) và 5. Thành sở tác trí (S. Kṛtyānuṣṭhāna-jñāna) (thuộc về Bất Không Thành Tựu Như Lai, ở phương Bắc). Ngũ trí này có thể chuyển thành “Tam thân”, trong đó hai trí tuệ đầu tiên (1. Pháp giới trí; 2. Đại viên cảnh trí) gộp lại thành Pháp thân (S. Dharma-kāya; T. Chos-sku), trí tuệ thứ ba và thứ tư (3. Bình đẳng tánh trí; 4. Diệu quan sát trí ) nằm trong Báo thân (S. Saṃbhoga-kāya; T. Longs-sku), và trí tuệ cuối cùng (5. Thành sở tác trí) được định nghĩa là hóa thân (S. Nirmāṇa-kāya; T. Sprul-sku). (Xem ngũ phương Phật).

[4] Ngũ thân chỉ năm loại thân của một vị Phật, đó là: 1. Pháp thân (S. Dharma-kāya; T. Chos-sku); 2. Tự tánh thân (S. Svabhāvika-kāya; T. Ngo-bo-nyid-sku); 3. Trí thân (S. Jñāna-kāya; T. Ye-shes chos-sku); 4. Báo thân (S. Saṃbhoga-kāya; T. Longs-sku) và 5. Hóa thân (S. Nirmāṇa-kāya; T. Sprul-sku).

[5] H.H. The Dalai Lama (Author), Jeffrey Hopkins (Editor, Translator), Elizabeth Napper (Editor), Kindness, Clarity, and Insight, Snow Lion; First Edition Publications, 2013, các tr. 116-117.

[6] David Snellgrove, Indo-Tibetan Buddhism, vol. I, Boston: Shambhala Publications, 1987, tr. 122.

[7] Kalu Rinpoche, The Dharma: That Illuminates All Beings Impartially Like the Light of the Sun and the Moon, State University of New York Press, 1986, tr. 52.

[8] Lama Zopa Rinpoche, Wisdom Energy, London: Wisdom Publications, 1976, tr. 23.

Mật Tông