3. Thủ ấn
a. Định nghĩa
Thủ ấn (S. Mudrā; T. Phyag-rgy; H. 手印) có nghĩa là “con dấu”, “dấu hiệu” hoặc “cử chỉ”. Mỗi cử chỉ tay thiêng liêng đều có một ý nghĩa riêng, thường được mô tả trong nghệ thuật Phật giáo, tượng trưng cho những sự kiện lớn của cuộc đời đức Phật, các Bổn tôn cũng như các bậc thầy Guru trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Sự đan xen lẫn giữa các ngón tay cũng nói lên tính hợp nhất phương tiện và trí tuệ hay âm (tay trái) là biểu tướng thu nhỏ của thai tạng giới, và dương (tay phải) là biểu tướng thu nhỏ của kim cương giới. Trong phần này, chúng tôi giới thiệu một vài thủ ấn thông thường.
b. Các loại ấn thường gặp và công năng
1. Thí nguyện thủ ấn (S. Varada-mudrā; T. Mchog-sbyin-gyi phyag-rgya; H. 施願手印), tượng trưng cho lòng từ bi và sự ban phước lành. Lòng bàn tay hướng ra ngoài và tất cả các ngón tay được thả lỏng hoặc hơi bó vào trong. Nó so sánh việc bố thí (S & P. Dāna) làm từ thiện hoặc cho hy vọng, thường sử dụng tay phải để làm thủ ấn (hình 1).
Lòng bàn tay trống tượng trưng cho kho báu mong ước được ban tặng trong Phật pháp, chẳng hạn như một món đồ châu báu hoặc một loại trái cây. Bàn tay phải của một số vị Thần (S. Tārā; T. Sgrol-ma སྒྲོལ་མ་།; H. 度母) ban cho châu báu hoặc cam lộ (S. Amṛta; P. Amata. T. Chi-med, འཆི་མེད་།; H. 甘露) có dạng hình tròn. Điều đáng kinh ngạc là những châu báu và cam lộ được tạo ra trong lòng bàn tay trống của chư thần. Nó là cánh tay thứ ba trong bốn cánh tay phải của đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Thủ ấn này còn được gọi là “Giải trừ đói khát.” Lúc này, một dòng cam lộ tuôn ra từ lòng bàn tay trống có thể giải tỏa cơn đói khát của ngạ quỷ (S. Preta; P. Peta; T. Yi-dwag, ཡི་དྭགས་།; H. 餓鬼).
2. Vô úy thủ ấn (S. Abhaya-mudrā; T. Mi-’jigs-pa phyag-rgya; H. 無畏手印) biểu hiện thủ ấn với tay phải giơ cao ngang vai, lòng bàn tay hướng ra ngoài, tượng trưng cho sự bảo vệ, hòa bình và xua tan sợ hãi (hình 2).
Lịch sử ghi lại đức Phật đã thực hiện thủ ấn thiêng liêng này ngay sau khi thành đạo. Vào một thời điểm sau đó, đức Phật sắp bị tấn công bởi một con voi rất dữ.[1] Con vật tội nghiệp đã bị cho uống rượu và tra tấn bởi Đề-bà Đạt-đa (S. Devadatta), một kẻ hy vọng dùng con voi làm vũ khí chống lại đức Phật. Con voi tức giận đau đớn lao vào đức Phật và những đệ tử của ngài. Trong khi những người khác bỏ chạy, đức Phật vẫn bình thản đứng đó, giơ tay ra hiệu không sợ hãi. Ngài cảm thấy vô cùng yêu thương con voi bị bệnh. Để tỏ lòng quy kính, con voi dừng lại trở nên bình tĩnh rồi đến gần đức Phật và cúi đầu.
3. Quy y thủ ấn (S. Sharanagamana-mudrā; T. Skyabs-sbyin gyi phyag-rgya; H. 歸依手印), trong nghệ thuật Tây Tạng, Quy y thủ ấn còn được gọi là Hộ pháp thủ ấn, có thể được làm bằng cả hai tay. Tám hóa thân của đức Tārā hoặc Quán Thế Âm Bồ-tát thường tạo nên hình tượng này và bảo vệ mọi người khỏi bát nạn[2] (S. Aṣṭāvakṣanā). Lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út và ngón cái tiếp xúc với nhau tạo thành hình tròn, lúc này ba ngón còn lại duỗi thẳng lên. Hình tròn tượng trưng cho Quy y là sự kết hợp của phương tiện và trí tuệ; ba ngón tay thẳng tượng trưng cho “tam bảo” (S. Tri-ratna; T. Dkon-mchog gsum, དཀོན་མཆོག་གསུམ་།; H. 三寶). Nhiều hóa thân khác nhau của Tārā sử dụng bàn tay trái “trí tuệ” để tạo ra thủ ấn này, đồng thời cầm thân hoa sen trắng được đặt trong vòng tròn do ngón cái và các đầu ngón tay tạo thành (hình 3).
4.Chuyển pháp luân thủ ấn (S. Dharmachakra-pravatana-mudrā; T. Chos-kyi vkhor-lovi phyag-rgya; H. 轉法輪手印) hoặc Thích pháp thủ ấn (S. Vyakhya-mudrā; T. Chos-vchad-kyi-phyag-rgya) còn được gọi là Thuyết pháp thủ ấn. Dấu ấn bánh xe Pháp có nguồn gốc từ bài pháp đầu tiên mà đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni thuyết về “Tứ diệu đế” (S. Catvāri āryasatyāni; P. Cattāri ariyasaccāni; T. Phags-pa’i bden-pa-bzhi, འཕགས་པའི་བདེན་པ་བཞི་།; H. 四妙諦) ở Sarnath gần Varanasi. Sự kiện lịch sử này còn được gọi là “Sơ chuyển pháp luân”. Chính tại nơi đây, ngài đã chuyển vận bánh xe chánh pháp một cách hoàn hảo. Chuyển pháp luân thủ ấn được kết hợp bằng cả hai tay trên ngực, với tay phải buộc bên ngoài và tay trái buộc bên trong, điều này có nghĩa Pháp luân là sự kết hợp giữa phương tiện và trí tuệ. Ba ngón tay thẳng hơi buộc vào trong và uốn cong theo ngón trỏ, đại diện cho các bộ ba khác nhau của Phật giáo (hình 4).
Thủ ấn của Đại Nhật Như Lai màu trắng ở trung tâm của chuyển Pháp luân thủ ấn hoặc ở phía Đông. Nhiều vị thần Ấn-độ và các bậc thầy của Phật giáo Tây Tạng như ngài Vô Trước, Đại sư Atisha, Đại sư Tông-khách-ba và Sakya Paṇḍita đều mang hình tượng này.
5. Xúc địa thủ ấn (S. Bhtunyakramana-mudrā; T. Sa-gnon phyag-rgya; H. 觸地手印) có thể được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Đại địa kiến chứng” hoặc “Xúc địa thủ thế” (S. Bhumisparsha). Khi thực hiện thủ ấn này, duỗi tay phải xuống và dùng các đầu ngón tay chạm đất, tượng trưng cho “đấng giác ngộ” đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni đã đoạn trừ tất cả đại quân phiền não (S. Kleśa; T. nyon-mongs-pa, ཉོན་མོངས་།; H. 煩惱) ác ma dưới gốc cây Bồ-đề (S & P. Bodhi; T. Byang-chub, བྱང་ཆུབ་།; H. 菩提) và mời mẹ của thổ thần làm chứng rằng, khoảng khắc này khi ngài đã thực hiện vô số lần. Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni thường được mô tả trên bảo tọa Bồ-đề tay phải chạm đất, tay trái đặt trên đầu gối để tạo thành thủ ấn thiền (hình 5).
Điều này tượng trưng cho sự kết hợp giữa phương tiện của ngài và trí tuệ hoàn hảo thiền định về Tánh không (tay trái) khi ngài chiến thắng ác ma (tay phải). Xúc địa thủ ấn cũng là thủ ấn của Bất Động Như Lai màu xanh lam ở giữa hoặc phương đông.
6. Đại viên mãn thủ ấn (S. Bodhyangi-mudrā; T. Byang-chub mchog-gi phyag-rgya; H. 大圓滿手印) là một trong những thủ ấn đặc trưng nhất của Đại Nhật Như Lai (S. Mahāvairocana) màu trắng trong nhiều mạn-đà-la Mật thừa của yoga vào thời kỳ đầu. Thủ ấn này kết hợp hai bàn tay buộc vào nhau đặt ngang ngực, bàn tay phải nắm chặt quấn quanh ngón trỏ của bàn tay trái theo cách “nắm tay kim cương” (hình 6).
Một hóa thân khác của Đại Nhật Như Lai, bốn ngón tay của bàn tay phải nắm chặt quanh ngón cái của bàn tay trái. Ngón tay cái tượng trưng cho Đại Nhật Như Lai ở trung tâm của mạn-đà-la và bốn ngón tay tượng trưng cho bốn vị Phật xung quanh ngài.
7. Thiền định thủ ấn (S. Dhyana-mudrā; T. Mnyam-bzhag phyag-rgya; H. 禪定手印) hoặc Tam ma địa thủ ấn (S. Samadhi-mudrā; T. Ting-ndzin-gyi phyag-rgya), đặt hai tay trên đầu gối, lòng bàn tay hướng lên, các ngón tay duỗi thẳng. Sử dụng tay trái của “trí tuệ” để tạo ra thủ ấn này, tay phải của “phương tiện” có thể được vẽ thành bất kỳ thủ ấn nào hoặc cầm một hiện vật cụ thể của các vị thần. Nhiều hóa thân của đức Phật dùng thủ ấn này bằng tay trái, tượng trưng cho sự vững vàng của thiền định. Đôi khi cầm bình bát trên lòng bàn tay trái biểu tượng tâm xuất ly. Khi hai tay trên đầu gối, tay phải luôn đè lên tay trái và sự hoàn hảo của phương tiện tượng trưng (tay phải) được hỗ trợ hoàn hảo bởi trí tuệ (tay trái). Hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau, lúc này hai bàn tay kết lại tạo thành Thiền định thủ ấn. Điều đó có nghĩa là hai kinh mạch chính đỏ và trắng của Bồ-tát được kết thúc ở ngón cái, lần lượt truyền năng lượng do phương tiện và trí tuệ phát ra (hình 7).
8. Hiệp thập thủ ấn (S. Añjali-mudrā; T. Thal-mo sbyar-ba phyag-rgya; H. 合十手印) truyền thống của Ấn-độ khi bày tỏ sự quý mến, tôn trọng và ngưỡng mộ người khác, hai lòng bàn tay phải chạm vào ngực hoặc trán (hình 8).
Biểu thị sự tôn trọng này có thể là thủ ấn lâu đời nhất. Trong các bức tranh Phật giáo, thủ ấn này được vẽ như “hai lòng bàn tay gấp lại với nhau” hoặc liên kết, đó là thủ ấn chính của các hóa thân Bồ-tát, như Quán Âm Bồ-tát bốn tay, tám tay hoặc nghìn tay. Đồng thời, khi các vị thần hoặc rồng (S. Nāga; T. Klu, ཀླུ་།) được vẽ trên cả hai mặt của tặng phẩm, thangka sử dụng để bày tỏ sự cầu nguyện và tán dương. Các họa sĩ cũng vẽ theo cách thức hiệp thập chỉ (mười ngón tay hiệp vào nhau). Lúc này, hai lòng bàn tay đặt lên trán, cổ họng và ngực để thể hiện sự thanh tịnh của thân, khẩu và ý. Từ “Añjali” trong tiếng Phạn có nghĩa đen là “hai nắm giữ”, bắt nguồn từ hai lòng bàn tay lồng vào nhau như thể chúng đang nắm hai nắm ngũ cốc hoặc nước.
9. Thù thắng tam giới thủ ấn (S. Hūṃkāra-mudrā; T. Hum-mazad-kyi phyag-rgya; H. 殊勝三界手印), tiếng Phạn “hūṃkāra” là tên của hóa thân Đại lực thần (S. Saṃhāra) còn được gọi là Giáng tam thế minh vương. Thủ ấn này có tên gọi khác là Kim cương thủ ấn (T. Rdo-rje phyag-rgya), được kết hợp bằng cả hai tay bắt chéo trước ngực, hai bàn tay đan vào nhau thành hình nắm tay kim cương lỏng lẻo, ngón giữa và ngón áp út tạo thành một vòng tròn với ngón cái, ngón trỏ và ngón út duỗi ra một cách duyên dáng. Hai tay trái và phải bắt chéo của các vị thần thường cầm chiếc linh chày kim cương tượng trưng cho phương tiện và trí tuệ (hình 9).
Thủ ấn chính này thường được coi là Thù thắng tam giới thủ ấn. Nhiều vị thần tĩnh lặng, đặc biệt là các vị thần được sinh ra từ Bất Không Như Lai màu xanh lam, như Chuyển luân vương (S. Cakravartin; T. ‘Khor-lo sgyur-ba’i rgyal-po, འཁོར་ལོ་སྒྱུར་བའི་རྒྱལ་པོ་།; H. 轉輪王), Mật tích kim cương (S. Guhyapāda-vajra), Thời luân kim cương (S. Kālacakra-vajra) và Thù thắng kim cương thường được vẽ với hai cánh tay bắt chéo trong biểu tượng Kim cương thù thắng thủ ấn (S. Vajrabumkara-mudrā). Đồng thời, Thù thắng tam giới thủ ấn cũng được coi là Giáng tam thế thủ ấn, hai tay của kim cương thù thắng thần (S. Vajrahumkara) bắt chéo trên đầu, lòng bàn tay hướng ra ngoài, biểu thị sự chiến thắng. Kim cương trì (S. Vajradhara) thường được coi là hóa thân của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni và ngài dùng hóa thân này để giải thích ý nghĩa của tôn giáo bí truyền.
10. Giáng ma thủ ấn (S. Bhutadamara-mudrā; T. Vbyung-po vdul-byed-kyi phyag-rgya; H. 降魔手印) được tạo ra bởi hóa thân bốn tay của kim cương thủ. Khi thực hiện thủ ấn này, hãy đặt tay trước ngực, ấn cẳng tay phải lên cẳng tay trái và móc hai ngón tay út vào nhau để tạo thành hình xích. Hai lòng bàn tay kết ra ngoài, ngón giữa và ngón áp út kết vào trong, ngón trỏ hếch lên. Ngón giữa và áp út hướng xuống dưới tạo thành hình tròn bằng ngón cái. Mở rộng hai tay sang mỗi bên với các ngón tay hướng ra ngoài tạo thành một đường xiên (hình 10).
Hình dạng giống như đôi cánh của loài kim sí điểu (S. Garuḍa; T. Khyung, ཁྱུང་།). Thủ ấn này có thể đẩy lui và khuất phục mọi tà ma, yêu quái. Những hóa thân phẫn nộ của kim cương thủ liên quan mật thiết đến các loài kim sí điểu, có thể bắn bất cứ chỗ nào trên cơ thể của loài chim này.
11. Tư khoa thủ ấn (S. Tarjani-mudrā; T. Sdig-mdzub phyag-rgya; H. 斯科手印) chỉ dùng ngón trỏ để làm thủ ấn, nên ngón trỏ vênh lên với hàm ý đe dọa thực ra không thể được xếp vào loại thủ ấn. Đó là một cử chỉ khủng bố hoặc đe dọa, ngón trỏ thò ra từ bàn tay nắm chặt hoặc lỏng lẻo như một cái móc (hình 11).
Nhiều vị thần phẫn nộ đã kiết thủ ấn này, đặc biệt là khi họ cầm trên tay sợi dây thừng, móc sắt hoặc quả cầu lửa được phóng ra từ ngọn lửa của trí tuệ, thì thủ ấn này lại càng cần thiết hơn. Ngón trỏ vênh lên tượng trưng cho sự đại hùng “hum” của Bất Động Như Lai, đặc điểm này có thể khiến mọi tà ác, kẻ địch khiếp sợ. Ngón trỏ vênh lên còn được gọi là Thiết câu thủ ấn (S. Aṅkuśa; T. Icas-akyu).
12. Đàn thành thủ ấn (S. Maṇḍala-mudrā; T. Dkyil-vlhor phyag-rgya; H.壇城手印) là một biểu tượng cúng dường của toàn bộ vũ trụ được tôn thờ các vị Phật và các bậc thầy đã đạt được viên mãn. Để thực hiện mạn-đà-la thủ ấn này, hãy ngồi trong tư thế thiền với lưng thẳng. Tĩnh tọa trong hơi thở và hình dung cúng dường mạn-đà-la – vũ trụ lên đức Phật, các vị Bồ-tát và tất cả chúng sanh, ban cho niềm vui lớn với tâm thanh tịnh. Đặt hai lòng bàn tay lên và đan các ngón tay vào nhau, dùng đầu ngón tay cái ấn xuống đầu ngón út đối diện. Sau đó với đầu ngón tay trỏ uốn cong, ấn đầu ngón tay giữa đối diện xuống. Cuối cùng lấy các ngón tay áp út tách chúng ra và đặt phía sau, ép hai mặt sau vào nhau và đưa cả hai ngón tay lên thẳng giữa. Các ngón tay áp út tượng trưng cho núi Meru, ngọn núi thiêng và bốn lục địa được mô tả trong vũ trụ quan Phật giáo. Trong lễ cúng dường mạn-đà-la, tràng hạt của hành giả thường được quấn quanh lòng bàn tay và ngón áp út thẳng, tượng trưng cho bảy ngọn núi và hồ nước bao quanh ngọn núi Meru (hình 12).
Trên đây là một số thủ ấn tiêu biểu và căn bản trong truyền thống Kim cương thừa. Tuy nhiên, vẫn còn có rất nhiều thủ ấn khác tùy thuộc vào các dòng truyền. Trong đó, dòng Gelugpa – đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV thường dùng Hiệp thập thủ ấn vào các nghi lễ cũng như bày tỏ lòng tôn trọng, sự quý mến thân thiện (S. Maitrī; T. Byams-pa, བྱམས་པ་།) đối với người khác vậy.
4. Các dụng cụ cúng dường
Các dụng cụ để cúng dường bao gồm: (1) lư trầm với nhiều hình dạng khác nhau (hình 1); (2) bình, khay, bồn rửa, bát có gắn một banner dài, ngắn, lớn và nhỏ v.v… hình thức tương tự như một chiếc thuyền (hình 2); (3) Hoa có nhiều loại khác nhau; (4) Giỏ hoa được làm từ vàng, bạc, tre, gỗ v.v… (hình 3).
5. Các pháp khí tán tụng
Các pháp khí để tán tụng gồm có: (1) Chuông với nhiều loại lớn và nhỏ (hình 1); (2) nhạc cụ bằng kim loại hoặc bằng gỗ; (3) Trống với khung được làm bằng gỗ và mặt trống bằng da dê (hình 2); (4) Bộ Ghanta và Dorje tượng trưng cho sự kết hợp hoàn hảo của trí tuệ và từ bi cần thiết để đạt đến giác ngộ, cả hai được sử dụng cùng nhau như một bộ, Ghanta kiểm soát bên trái và Dorje ở bên phải (hình 3); (5) Kèn cổ là một nhạc cụ bằng gỗ đôi có thân gỗ cứng, chuông đồng, đồng thau và ống ngậm (hình 4); (6) Tingsha[3] là những chũm chọe nhỏ được sử dụng trong lúc cầu nguyện và nghi lễ (hình 5) v.v…
6. Kinh luân
a. Định nghĩa
Kinh luân (S. Dharmacakra; T. Khor-lo; E. Prayer wheel; H. 經綸) còn gọi bánh xe cầu nguyện hay bánh xe pháp, là một trong những bộ pháp khí linh thiêng của các truyền thống Phật giáo Tây Tạng.[4] Nó được biến thành mọi cơ hội để tạo ra các công đức, phước lành của lòng từ bi; đem lại phúc lợi an lạc cho tất cả chúng sanh.
b. Phân loại
Trên phương diện cơ bản, kinh luân có hai loại:
(1) Loại lớn di chuyển bằng tay cầm hoặc dùng tay đẩy nhẹ nhàng, nhờ sức gió,[5] sức nước[6] hoặc không khí nóng[7] (hình 1).
(2) Loại cầm tay nhỏ xoay tròn (hình 2) được giữ chuyển động bằng dây xích.[8] Dây xích và quả cầu trong công nghệ hiện đại (phương Tây) gọi là bộ điều tốc (governor).[9]
Vào năm 1970, Tarthang Rinpoche còn gọi Tarthang Tulku (1934-nay) đã chọn một bộ sưu tập các thần chú (S. Mantra), đặc biệt có lợi cho thời đại ngày nay. Ngài huấn luyện các học trò của mình theo phương pháp truyền thống để in ấn và cuộn bản kinh văn cho kinh luân (hình 3). Thay vì tay cầm, vốn thường thấy ở các bánh xe nhỏ hơn, ngài Rinpoche bọc các bản kinh văn đã cuộn lại bằng vải và đặt chúng trên bàn xoay, sử dụng điện để khiến các câu thần chú cổ xưa chuyển động vĩnh viễn (hình 4). Trong những năm gần đây, Tarthang Rinpoche đã áp dụng các kỹ thuật in và sắp chữ trên máy vi tính hiện đại để tạo ra những bánh xe có nội dung tương đương với những bánh xe lớn nhất như đã từng được sản xuất ở Tây Tạng. Thế hệ bánh xe cầu nguyện mới này mô phỏng truyền thống Mani Dong-khor,[10] bánh xe cầu nguyện gồm mười triệu câu thần chú (hình 5) được đánh giá cao ở Tây Tạng.
c. Khi nào nên sử dụng kinh luân?
Không có bất kỳ định nghĩa chính xác nào về thời điểm sử dụng kinh luân, một người có thể quay kinh luân bất cứ lúc nào, thậm chí trong khi hành thiền hoặc trì tụng thần chú hằng ngày; kể cả lúc thực hành một số nghi thức tâm linh. Bánh xe cầu nguyện cũng có thể được quay trong khi đi nhiễu quanh một bảo tháp (S. Stūpa; T. Mchod-rten) và ngay cả khi chúng ta đang nghe kinh (pháp thoại) hoặc đọc sách, cùng với tất cả những công việc hằng ngày khác. Nhưng bánh xe cầu nguyện không nên quay trong khi một vị Lạt-ma đang đọc diễn văn hoặc giảng dạy.
d. Cách sử dụng kinh luân như thế nào?
Kinh luân nên quay theo chiều kim đồng hồ, với sự tập trung vào một điểm của thân, khẩu và ý. Quay kinh luân thật dễ dàng và nhanh chóng, không đòi hỏi nhiều sức mạnh thể lực hay lặp đi lặp lại nhiều lần. Hoạt động dễ thực hiện, có ý nghĩa, mục đích và lợi ích rất lớn đối với người hành trì.
Như vậy, từ những kết quả có được bởi các nhà nghiên cứu, cũng như việc hành trì nghi thức tâm linh phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng; ứng dụng kinh luân nhằm tu tập tâm và chuyển hoá tâm để hành giả đạt đến trạng thái an lạc, giác ngộ. Mặc dù, đối với hành giả sử dụng kinh luân không chỉ để tạo ra công đức (S. Puṇya; T. Bsod-nams) và thiện nghiệp (S. Kuśalakarma; P. Kusala-kamma; T. Dge-ba’i las) cho bản thân, mà còn hồi hướng cầu nguyện cho khắp pháp giới chúng sanh đồng viên lợi lạc. Phổ biến nhất – lời cầu nguyện được xướng tụng trong khi sử dụng kinh luân là “Oṃ Maṇi Padme Hūṃ”. Khi xướng niệm “Lục tự đại minh chơn ngôn” nhằm đánh thức đức tính từ bi nơi tự tâm của hành giả, và cần cầu sự gia hộ đức Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi trong Phật giáo Tây Tạng. Cũng vậy, kinh luân được khắc câu thần chú này có một năng lực diệu dụng vô cùng.
Tham khảo & chú thích
[1] Xem《增壹阿含經》慚愧品第十八. CBETA 電子佛典集成. 大正藏 (T). 第 2 冊. No.0125. 第 9 卷.
[2] Bát nạn là tám nạn làm chướng ngại trên con đường giác ngộ. Bát nạn gồm: 1. Ðịa ngục (S. Naraka); 2. Súc sinh (S. Tiryañc); 3. Ngạ quỷ (S. Preta); 4. Trường thọ thiên (S. Dīrghāyurdeva); 5. Biên địa (S. Pratyantajanapāda); 6. Căn khuyết (S. Indriyavaikalya); 7. Tà kiến (S. Mithyādarśana); 8. Như Lai bất xuất sinh (S. Tathāgatānām anutpāda).
[3] Xem Robert Beer, Tibetan Ting-Sha: Sacred Sound for Spiritual Growth, Connections Press, 2004.
[4] Xem Patton Dodd; Jana Riess & David Van Biema, The Prayer Wheel: A Daily Guide to Renewing Your Faith with a Rediscovered Spiritual Practice, Published by Convergent Books, 2018.
[5] Loại bánh xe này được quay bằng gió. Gió chạm vào bánh xe cầu nguyện nhằm tiêu trừ nghiệp chướng của những người khi chạm vào.
[6] Loại bánh xe cầu nguyện này được quay bằng dòng nước chảy. Nước chạm vào bánh xe – cho là sự kiết tường, và mang sức mạnh thanh lọc của nó vào tất cả các dạng sống trong các đại dương và hồ mà nó chảy vào.
[7] Bánh xe này được quay bằng sức nóng của lửa hoặc đèn điện. Ánh sáng phát ra từ bánh xe cầu nguyện sau đó tẩy trừ nghiệp chướng của chúng sinh khi chạm vào.
[8] Xem John Lowry, Tibetan Art, Published by London, Victoria and Albert Museum, 1973, tr. 79.
[9] Xem Lynn White jr, Tibet, India and Malaya as sources of Western Mediaeval technology, American Historical Review, (vol. 65), 1960, tr. 520.
[10] Mani Dong-khor là một ngôi chùa Phật giáo ở Bhutan. Mani Dongkhor nằm gần Jenkhana Chorten và NRDCL (văn phòng chính phủ Bhutan).