BÀI 1: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ KINH PHẬT DI GIÁO
- Bối cảnh lịch sử
Suốt 49 năm năm thuyết pháp độ sanh, những gì đức Phật cần làm đã làm xong, duyên đã mãn, nguyện đã thành, Như Lai tuyên thuyết còn vài tháng nữa ngài sẽ nhập Niết-bàn (Nirvana). Đây là lời dự báo hay thông tin cho đệ tử tứ chúng hay những người hữu duyên, cũng như tất cả các tôn giáo đương thời biết về sự kiện sắp diễn ra như thế.
Đối với những người đệ tử Phật và những ai yêu thích Phật giáo khi nghe những lời tuyên bố của đức Như Lai, thời gian còn 90 ngày nữa sẽ không còn thấy sắc thân của ngài, trong thâm tâm cảm thấy lo lắng: thiết nghĩ, mình sắp mất đi một bậc thầy tôn kính cao thượng nhất trên đời.
Bối cảnh được thuyết Kinh Di Giáo là trong rừng Sa-la Song-thọ (S. Śāla; P. Sāla; H. 娑羅), trước lúc đức Phật nhập Niết-bàn. Theo các nhà nghiên cứu Phật học Trung Hoa xếp kinh Di Giáo này vào hệ thống kinh Niết Bàn, gồm những kinh tạng của Nguyên thủy và Ðại thừa, là những kinh nói về trạng thái đức Phật lúc nhập Niết-bàn và những lời giảng dạy của ngài.
2. Xuất xứ
Kinh Di giáo là một bộ kinh ghi chép những lời dạy cuối cùng của đức Phật, những gì tiêu biểu nhất, tinh tuý nhất của giáo pháp. Vì vậy kinh này được coi là căn bản và cần thiết cho người xuất gia.
3. Các tên gọi khác
Ngoài tên gọi kinh Phật Di Giáo, còn có các tên gọi khác như: Di Giáo Kinh, Phật Thuyết Di Giáo Kinh, Phật Thuỳ Bát Niết Bàn Lược Thuyết Giáo Giới kinh, Phật Thuỳ Niết Bàn Giáo Giới Kinh, Phật Thuỳ Niết Bàn Lược Giới Kinh, Di Giáo Kinh Luận, Di Giáo Kinh Luận Trụ Pháp Ký, Di Giáo Kinh Luận Ký, Phật Di Giáo Kinh Luận Sớ Tiết Yếu, Phật Di Giáo Kinh Bộ Chú, Phật Di Giáo Kinh Giải, Di Giáo Kinh Chỉ Nam, Phật Di Giáo Kinh Tiên Chú, Phật Di Giáo Kinh Giảng Nghĩa.
4. Các truyền bản
Truyền thống Nikāya và Ahàm có 2 kinh: Trường bộ kinh có kinh Ðại Bát Niết Bàn, Trường A hàm có kinh Du Hành. Cả hai kinh này nội dung giống nhau. Kinh ghi chép lại chuyến du hành cuối đời của đức Phật vào khoảng thời gian (6 đến 10) tháng trước khi ngài nhập Niết bàn Lộ trình đi bắt đầu từ thành Vương Xá (Rājagaha) cho đến điểm cuối cùng là xứ Kusinara.
Truyền thống Phật giáo Ðại thừa cũng có nhiều kinh, nhưng tiêu biểu nhất là kinh Ðại Bát Niết Bàn, 40 quyển do ngài Ðàm Vô Sấm dịch (kinh này trùng tên với kinh Trường bộ). Nội dung nói về “pháp thân thường trú” mang tính triết học bản thể. Trong bài học – phần nghiên cứu này, chúng ta không bàn đến quan điểm “pháp thân thường trú” của kinh Ðại Bát Niết Bàn hệ tư tưởng Ðại thừa.
5. Các dịch bản
+ Tại trung hoa:
Kinh Di giáo xuất hiện ở Trung Hoa vào đời Diêu Tần (384 – 417 stl), bản kinh
do ngài Cưu Ma La Thập (Kumārajīva) dịch. Căn cứ vào bản dịch đó, nhiều nhà nghiên cứu và chú giải về kinh này làm cho kinh Di Giáo càng phong phú và sâu sắc hơn.
+ Tại việt nam:
Kinh Di giáo còn có các bản dịch và lược giải như:
- HT. Thích Hoàn Quan (dịch), Kinh Di Giáo.
- HT. Thích Trí Quang (dịch),Kinh Di Giáo.
- Yang Gyu An (tác giả); Tỳ kheo Siêu Minh (dịch), Chú giải kinh di giáo
- Liên Hoa Văn Hải (dịch), Phật Di Giáo Kinh.
- Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Kinh Di Giáo.
- HT. Thích Tâm Châu (dịch), Kinh Di Giáo.
- HT. Thích Viên Giác, Kinh Di Giáo Lược Giải.
Bản dịch Anh ngữ:
The Sutta of Buddha’s Handed-Down Teachings
Yang Gyu An, The last days of the Buddha (PDF).
6. Thể loại
Kinh Ðại Bát Niết Bàn và kinh Du Hành thuộc loại văn tường thuật, ký sự. Kể lại chuyến du hành cuối đời đức Phật, đi từ Vương Xá (Rājagaha) đến Kusinara, đi qua từ 14 đến 17 địa danh khác nhau. Qua mỗi địa phương như vậy đức Phật và đại chúng dừng lại nghỉ ngơi một thời gian, và mỗi nơi đức Phật đi qua đều thuyết pháp độ sinh, những thời pháp ấy đều được ghi lại rất rõ ràng trong các bản kinh Pāli cũng như Hán tạng.
Kinh Di Giáo bản Hán dịch của ngài Cưu-Ma-La-Thập có hình thức một tác phẩm văn học, được sắp xếp hệ thống hóa những lời dạy của đức Phật thành một thời thuyết pháp từ đầu cho tới cuối, và đặt ngay vào thời điểm là đức Phật sắp nhập Niết bàn (thuỳ bát Niết bàn – 垂般涅槃).
7. Bố cục
Kinh Du Hành và kinh Ðại Bát Niết Bàn đều đồng nhất là trình bày nội dung – trải dài theo con đường mà đức Phật và đại chúng đi qua, những gì xảy ra, diễn ra và những gì được thuyết giảng đều ghi chép lại, cho đến thời điểm đức Phật nhập Niết bàn tại rừng Sa-La Song- thọ.
Cây Sa-la ngày nay khá phổ biến, chúng có tàng rất đẹp từng đôi đối xứng, hoa nở to tròn, có mùi thơm. Hiện tại, trong khuôn viên tháp Niết Bàn của đức Phật ở Câu Thi Na, chúng ta không còn thấy được rừng Sa-la như trong kinh diễn tả, như thời xưa nữa – mà chỉ có hai cây Sa-la trồng bên cạnh lối vào tháp, để kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này. Chỗ chính yếu của khu thánh địa này là tháp Niết-bàn và tháp thờ xá lợi của Phật. Tháp Niết-bàn có kiến trúc mái vòm hình lăng trụ, được chính phủ Ấn Độ xây dựng lại vào năm 1956 để kỷ niệm lần thứ 2500 đức Phật Niết Bàn, bởi đức Phật nhập Niết Bàn vào ngày rằm tháng 2 năm 544 trước kỷ nguyên Tây lịch. Bên trong ngôi tháp này diện tích mặt bằng hình chữ nhật, có tượng đức Phật nhập Niết-bàn bằng đá đen nhưng đã được thiếp vàng, dài khoảng 7m được tôn trí trên bệ thấp khoảng 5 tấc ngay giữa tháp. Mặt tượng hướng về phía Tây, đầu gối lên tay phải, tay trái để xuôi theo thân về hướng Nam trong tư thế nằm nghiêng. Đặc biệt nhất là dường như ít ai kiềm chế được cảm xúc khi ngắm nhìn bức tượng này.
Mặt trước bệ thờ có một vài bức phù điêu nho nhỏ như: hình ảnh vị sư đang ôm mặt khóc, đó là tôn giả A Nan rơi lệ dài trên má trước sự ra đi vĩnh viễn của đức Phật, bởi Ngài chưa đắc quả vị A La Hán, là quả thánh dứt trừ tất cả lậu hoặc, tâm không còn dao động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đối xứng với hình ảnh này có một phụ nữ đang quỳ mọp khóc than là hình ảnh tượng trưng cho các thiện nam tín nữ khóc nức nở cho lần cuối cùng được ngắm nhìn kim thân đức Phật. Và hình ảnh vị sư đang thiền định, biểu trưng cho các hàng thánh giả và các Tỳ kheo đạt được sự thanh tịnh tuyệt đối trong tâm hồn.
Nhìn từ phía mặt tiền của tháp Niết Bàn, chúng ta cứ ngỡ rằng tháp Niết-bàn và tháp Xá Lợi là một cái tháp lớn, có cấu trúc hình lăng trụ phía trước và hình tròn, đỉnh nhọn cao ở phía sau. Thật ra, hai tháp này tách biệt nhau trên một nền cách nhau khoảng 3m, tháp Niết Bàn thờ tượng Phật nhập Niết-bàn ở trước, và tháp xá lợi thờ Xá Lợi Phật nằm phía sau. Tháp thờ xá lợi là do dòng họ Malla kiến tạo và tôn thờ phần Xá Lợi Phật. Theo sách sử ghi lại, ban đầu bộ tộc Malla ở Câu Thi Na không nghĩ rằng xá lợi của Phật phải được phân chia tám nước, vì họ cho rằng đức Phật niết bàn tại địa phương họ thì họ trọn quyền thừa hưởng báu vật vô giá này. Cuối cùng, để tránh đi sự tranh chấp có thể xảy ra bất hoà giữa các nước, bộ tộc Malla nghe theo lời đề nghị của vị Bà La Môn Dona, người đảm trách lễ hoả tán, phân chia xá lợi đều cho tám nước:
1- Đại vương A Xà Thế (Ajātasatu) thuộc nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thành Vương Xá (Rājagaha).
2- Bộ tộc Licchavi ở Tỳ Xá Ly (Vesāli).
3- Bộ tộc Thích Ca (Sakyā) ở Tân Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu).
4- Bộ tộc Buli ở Allakappa.
5- Bộ tộc Koliya ở Ramagama.
6- Một bà la môn ở Vethadipa.
7- Bộ tộc Malla ở Pava.
8- Bộ tộc Malla ở Câu Thi Na (Kusinagar).
Như vậy, cộng hoà Malla giữ được hai phần ở hai trú xứ khác nhau, đó là Pava và Câu Thi Na.
Trở lại vấn đề, giáo lý được đức Phật nhấn mạnh đến ở đây và lặp đi lặp lại là phương pháp hành trì về Giới (Sila, ethics), Ðịnh (Samadhi) và Tuệ (Prajna, wisdom). Giáo lý được đức Phật xác định rằng đó là nội dung chứng ngộ, giảng dạy và truyền bá là không ngoài 37 phẩm trợ đạo.
Kinh Di Giáo bản chữ Hán trình bày bố cục nội dung rất mạch lạc, chi tiết rõ ràng và có hệ thống, nghĩa là đúc kết những gì đức Phật dạy trong kinh Du Hành và Ðại Bát Niết Bàn thành một bản văn, ý tứ rõ rệt. Nội dung được trình bày tuần tự Giới học, Ðịnh học và Tuệ học và những lời khích lệ tu tập sau cùng.
8. Kết luận
Toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo đều nhắm đến mục đích giải thoát. Hành giả tu tập Giới, tu tập Định và tu tập Tuệ làm cho sung mãn đạt đến chánh giác, chánh giải thoát. Ðức Phật dạy: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn, giáo pháp của ta chỉ có một vị đó là vị giải thoát.” Suốt cuộc đời Hoằng pháp lợi sanh của đức Phật chỉ nói lên hai điều: “Như Lai chỉ nói khổ và con đường thoát khổ”.
Ðối với kinh Di Giáo được xây dựng trên ba nền tảng Giới, Ðịnh và Tuệ; đựợc giảng dạy trong bối cảnh đức Phật sắp nhập Niết-bàn, tạo ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Lời dạy cuối cùng của một bậc Đạo sư bao giờ cũng là điều thiết yếu, mặc dù lời lẽ đơn giản ngắn ngủi, nhưng đấy là những lời tâm huyết của một đời người. Cho nên có tác dụng rất lớn về mặt tâm lý hướng thượng.
Sách tham khảo
A. Việt ngữ:
- HT. Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, Nxb Tôn giáo, 2013.
- HT. Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh (tập 2 & 3), Nxb Tôn giáo, 2011.
- HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, 2006.
- HT. Thích Tuệ Sỹ (dịch và chú), Trường A-Hàm, Nxb Phương đông, 2008.
- HT. Thích Tuệ Sỹ (dịch và chú), Kinh Trường A-Hàm, Nxb Phương Đông, 2021.
- HT. Thích Hoàn Quan (dịch), Phật Tổ Ngũ Kinh, Nxb Tp.HCM, 1998.
- HT. Thích Trí Quang (dịch), Kinh Di Giáo, Nxb Tôn giáo, 2006.
- Yang Gyu An (Tác giả); Tỳ kheo Siêu Minh (dịch), Chú giải kinh Di giáo, Nxb Tổng hợp Tp.HCM, 2008.
- Liên Hoa Văn Hải (dịch), Phật Di Giáo Kinh (The Sutta of Buddha’s Handed-Down Teachings), Texas, Plano October 7, 2014.
- Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải), Kinh Di Giáo, Nxb Tôn giáo, 1999.
- HT. Thích Tâm Châu (dịch), Kinh Di Giáo (https://thienphatgiao.org/kinh-di-giao-thich-tam-chau-dich/).
- HT. Thích Viên Giác, Kinh Di Giáo Lược Giải, Nxb Tôn giáo, 1997.
- Giáo Trình TCPH – Kinh Di Giáo, Nxb Hồng đức, 2018.
- H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Nxb Tôn giáo, 2006.
- HT. Thích Thiện Hòa (dịch), Tỳ Kheo Giới Kinh, Nxb Tôn giáo, 2007.
- HT. Thích Hành Trụ (dịch), Sa Di Luật Giải, Nxb Tôn giáo, 1999.
- HT. Thích Trí Quang (dịch), Từ Bi Thủy Sám Pháp, Nxb Tp.HCM, 2000.
- HT. Thích Chơn Thiện, Bàn Về Tây Du Ký Của Ngô Thừa Ân, Nxb Tôn giáo, 2000.
B. Ngoại ngữ:
- T12no389《佛垂般涅槃略說教誡經》. CBETA 電子佛典集成 » 大正藏 (T) » No.389.
- T01n0001 《長阿含經》. CBETA 電子佛典集成 » 大正藏 (T) » » 第 1 冊 » No.0001.
- 《遺教經論》一卷,世親造,或說馬鳴造。
- 《佛遺教經論疏節要》一卷,宋智圓疏,宋淨源節要,明袾宏補註。
- 《遺教經論住法記》一卷,宋元照述。
- 《遺教經論記》三卷,宋觀復述。
- 《佛遺教經補註》一卷,明守遂註,了童補註。
- 《佛遺教經解》一卷,明智旭述。
- 《遺教經指南》一卷,明道霈述。
- 《佛遺教經箋註》,丁福保註。
- 《佛遺教經講義》,民國寶靜法師述。
- 太虛法師, 太虛大師全書, 宗教文化出版社, 2004.
- 釋證嚴 (Shih-Cheng-Yen)(作者), Reminders under the Sala Trees: A Commentary on the Sutra of the Buddha’s Bequeathed Teachings, 靜思人文出版社, 2017.
- Yang Gyu An, The last days of the Buddha (PDF).