Bài 10: Chú Tâm Cảnh Giác
I. Chánh kinh
a. Chữ hán
汝等比丘, 晝則勤心修習善法, 無令失時, 初夜後夜亦勿有廢。中夜誦經以自消息。無以睡眠因緣令一生空過, 無所得也。當念無常之火燒諸世間, 早求自度, 勿睡眠也。諸煩惱賊常伺殺人, 甚於怨家, 安可睡眠, 不自警寤? 煩惱毒蛇睡在汝心, 譬如黑蚖在汝室睡, 當以持戒之鉤早摒除之。睡蛇既出, 乃可安眠。不出而眠, 是無慚人。慚恥之服, 於諸莊嚴最為第一。慚如鐵鉤, 能制人非法, 是故比丘常當慚恥, 勿得暫替, 若離慚恥則失諸功德。有愧之人, 則有善法, 若無愧者與諸禽獸無相異也。
b. Phiên âm
Nhữ đẳng Tỳ-kheo, trú tắc cần tâm tu tập thiện pháp, vô linh thất thời, sơ dạ hậu dạ diệc vật hữu phế. Trung dạ tụng kinh dĩ tự tiêu tức. Vô dĩ thụy miên nhân duyên linh nhất sanh không quá, vô sở đắc dã. Đương niệm vô thường chi hỏa thiêu chư thế gian, tảo cầu tự độ, vật thụy miên dã. Chư phiền não tặc thường tứ sát nhân, thậm ư oán gia. An khả thụy miên, bất tự cảnh ngộ? Phiền não độc xà thụy tại nhữ tâm, thí như hắc nguyên tại nhữ thất thụy. Đương dĩ trì giới chi câu tảo bính trừ chi. Thụy xà ký xuất, nãi khả an miên. Bất xuất nhi miên, thị vô tàm nhân. Tàm sỉ chi phục, ư chi trang nghiêm, tối vi đệ nhất. Tàm như thiết câu, năng chế nhân phi pháp. Thị cố Tỳ-kheo thường đương tàm sỉ, vô đắc tạm thế. Nhược ly tàm sỉ tắc thất chư công đức. Hữu quý chi nhân, tắc hữu thiện pháp, nhược vô quý giả, dữ chư cầm thú, vô tương dị dã.
c. Dịch nghĩa
Các thầy Tỳ-kheo, ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ, giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Ðừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi. Hãy nhớ ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ. Giặc phiền não thường rình giết ta, dữ hơn kẻ thù, tại sao ta có thể an nhiên ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác? Con rắn độc phiền não ngủ trong tâm của các thầy, cũng như rắn hổ mang màu đen nằm ngủ trong nhà, các thầy phải dùng móc sắt giữ giới mà cấp tốc móc kéo nó ra. Móc rắn ra rồi mới yên tâm ngủ nghỉ. Không ra mà ngủ thì thật là kẻ không biết hổ thẹn. Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên các thầy Tỳ-kheo thường phải biết hổ thẹn, đừng bao giờ tạm bỏ. Nếu mất hổ thẹn thì mất các công đức. Người có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì cầm thú vậy.
d. Anh ngữ
Exhortation on Sleeping
“O Bhikkhus, by day you should practise good Dhamma and not allow yourselves to waste time. In the early evening and late at night do not cease to make an effort, while in the middle of the night you should chant the Suttas to make yourselves better informed. Do not allow yourselves to pass your lives in vain and fruitlessly, on account of sleep. You should envisage the world as being consumed by a great fire and quickly determine to save yourselves from it. Do not (spend much time in) sleep! The robbers of the three afflictions forever lie in wait to kill men so that (your danger) is even greater than in a household rent by hatred. So, fearful, how can you sleep and not arouse yourselves? These afflictions are a poisonous snake asleep in your own hearts. They are like a black cobra sleeping in your room. Destroy the snake quickly with the sharp spear of keeping the precepts! Only when that dormant snake has been driven away will you be able to rest peacefully. If you sleep, not having driven it away, you are men without shame (ahiri). The clothing of shame (hiri), among all ornaments, is the very best. Shame can also be compared to an iron goad that can control all human wrong-doing; for which reason, O Bhikkhus, you should always feel ashamed of unskilful actions (akusalakamma). You should not be without it even for a moment, for if you are parted from shame, all merits will be lost to you. He who has fear of blame (ottappa) has that which is good, while he who has no fear of blame (anottappa) is not different from the birds and beasts.
II. Đại ý
Chú tâm cảnh giác trong lộ trình hành trì công phu tu tập là yếu tố quan trọng, nhờ bước tiến này mà hành giả đoạn trừ các điều ác, thực hành những pháp lành, tăng trưởng mọi thiện căn, tiết chế trong sinh hoạt ngủ nghỉ và luôn lấy đề mục vô thường để cần cầu giải thoát.
III. Lược giải
Nội dung tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
- Siêng năng tinh cần tu tập thiện pháp
- Thường xuyên quán niệm cuộc đời vô thường
- Các ảnh dụ phiền não
- Tàm và sĩ/quý – hai diệu pháp bảo hộ thế gian
1. Siêng năng tinh cần tu tập thiện pháp
Câu: 汝等比丘, 晝則勤心修習善法, 無令失時. Nghĩa là: Các thầy Tỳ-kheo, ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất.
Đoạn kinh văn này đức Phật khuyên dạy các thầy Tỳ-kheo, ban ngày thì các thầy phải nỗ lực siêng năng tu tập các thiện pháp, đừng để thời gian luống trôi qua đi 1 cách vô ích mà sau này dù có ăn năn hối tiếc cũng khó tìm lại được. Do đó người xưa có câu:
“Một tấc thời gian một tấc vàng
Tấc vàng khó đổi tấc thời gian
Tấc vàng lỡ mất còn tìm được
Nhưng để lỡ thời gian hết chỗ tìm.”
Muốn biết giá trị thật sự của 1 năm, hãy hỏi 1 thí sinh thi rớt Đại học.
Muốn biết giá trị thật sự của 1 tháng, hãy hỏi người mẹ đã sanh con non.
Muốn biết giá trị thật sự của 1 tuần, hãy hỏi biên tập viên của 1 tạp chí báo hàng tuần.
Muốn biết giá trị thật sự của 1 phút, hãy hỏi người vừa lỡ chuyến tàu.
Muốn biết giá trị thật sự của 1 giây, hãy hỏi người vừa thoát khỏi 1 tai nạn cực kỳ nguy hiểm.
Muốn biết giá trị thật sự của 1/100 giây, hãy hỏi vận động viên điền kinh vừa đoạt huy chương vàng tại Olympics.
1 giây không làm được gì nhưng có thể làm được tất cả, chỉ cần 1 giây phút mà tên tuổi người đó được in vào sử sách.
Ngồi giữa những trưa hè nắng nóng, 1 giây đối với bạn chẳng là gì! Nhưng ngồi giữa một phòng thi đầy áp lực 1 giây còn quý hơn vàng!
Trên đường đua, 1 giây quyết định kẻ thắng người thua. Bao tháng ngày trui rèn, dày công luyện tập, 1 giây là nói lên tất cả.
1 giây là thời gian, mà thời gian là vòng xoay bất tận, 1 giây của hôm nay không như 1 giây của hôm qua và càng không giống 1 giây của ngày mai. Heraclitus (TK thứ V Tr.TL)1 triết gia cổ đại Hy Lạp nói: “Con người không ai tắm hai lần trên một dòng sông” (no one swims twice in the same river), và theo cái nhìn đó, có người nói: “không ai đắm mình trong một dòng sông hai lần, bởi dòng sông đã trở thành một dòng sông khác” (no man ever steps in the same river twice, for it’s not the same river and he’s not the same man).
Kinh văn dạy tu tập thiện pháp là tu tập pháp gì? Không ngoài 37 phẩm trợ đạo, hay giới học, định học và tuệ học.
Trên tinh thần đó, người đệ tử Phật, phải siêng năng thực hành tinh tấn, học hỏi nhiều pháp lành và không để thời gian trôi qua. Vào buổi tối, đừng bỏ phế việc học tập nghiên cứu tam tạng kinh luật và luận, đêm thứ nhất (từ 18-22 giờ) và đêm thứ hai (từ 22-2 giờ), tụng kinh và nghỉ ngơi vào nửa đêm.
Câu: 初夜後夜亦勿有廢。中夜誦經以自消息。Nghĩa là: Đầu đêm cuối đêm cũng đừng phế bỏ. Giữa đêm lại phải tụng niệm để tự tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện.
Sơ dạ, có nghĩa là đầu đêm; hậu dạ là cuối đêm.
Trung Quốc cổ đại, thời gian được chia thành 12 giờ, đó là: 子 (23-1)、丑 (1-3)、寅 (3-5)、卯 (5-7)、辰 (7-9)、巳 (9-11)、午 (11-13)、未 (13-15)、申 (15-17、酉 (17-19)、戌 (19-21)、亥 (21-23); theo tiêu chuẩn thời gian hiện hành của thế giới, một ngày có 24 giờ. Theo kinh Phật, ngày và đêm ở Ấn-độ được chia thành sáu giờ gọi là “trú dạ lục thời”, tức là ban ngày ba thời và ban đêm ba thời. Xét theo 24 giờ trong một ngày hôm nay, từ 6 giờ đến 10 giờ sáng là điểm phân đầu tiên; từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều là điểm phân giữa; từ 14 giờ đến 18 giờ là điểm phân thứ ba, tức là 3 thời trong ngày. Ba giờ ban đêm: từ 18 giờ đến 22 giờ là điểm phân đầu tiên; từ 22 giờ 2 giờ sáng là điểm phân giữa; từ 2 giờ đến 6 giờ sáng là điểm phân cuối cùng. Theo quy định ngày và đêm sáu thời (giờ) ở Ấn-độ, sáu giờ sáng ngày hôm nay được coi là thời điểm bắt đầu cho ngày mới, gọi là nhật tân (日新).
Trong Trung Quốc Cổ Thư nói: “Đạo dã giả, bất khả tu du ly giả, khả ly, phi đạo dã.”[1] Nghĩa là: Đạo cho dù chỉ một chốc lát cũng không thể tách rời, nếu có thể rời Đạo thì đó không phải là Đạo. Vì vậy, người quân tử nên thận trọng với những gì mình không thấy và sợ những gì mình không nghe. Không thấy điều gì giấu kín, không tiết lộ điều vi tế. Vì vậy, người quân tử nên cẩn thận khi ở một mình.
Người ta sẽ bộc lộ con người thật nhất của mình khi ở một mình. Bởi vì khi ở một mình, chúng ta không cần giao lưu với người khác, và cũng không cần giả vờ là chính mình để quan tâm đến cảm xúc của người khác, chúng ta có thể tự do và thoải mái. Ai cũng muốn có một không gian độc lập, riêng tư, tự do như vậy, nhưng càng buông thả, không bị quản lý, thúc buộc thì càng dễ có hành vi lệch lạc. Vì vậy, khi ở trong điều kiện sống “một mình”, chúng ta cần phải “thận trọng” kỷ luật bản thân, đây chính là “thận trọng khi ở một mình”. Trong Đạo giáo dạy kỷ luật rèn luyện bản thân rất kỷ lưỡng; người học Đạo không bao giờ được rời bỏ Đạo. Nếu Đạo có thể xa rời thì đó không còn là Đạo nữa. Đối với những vị mật sinh Tây Tạng không dám rời mật sư để tu tập trong không gian riêng, khi đạo lực của mình chưa đủ lớn mạnh; mà 1 khi đạo lực chưa vững mạnh thì ác pháp thừa cơ hội xâm nhập vào, thì lúc đó là gặp vô vàn chướng ngại khó khăn. Có thể thấy, những gì người Trung Quốc cổ đại nói về Đạo cũng giống như những gì được đề cập trong kinh văn này, bất kể ngày hay đêm, chúng ta đều phải chuyên tâm học Phật.
Dù là người xuất gia hay cư sĩ tại gia học Phật phải có tâm Đạo và tinh tấn tu hành, tuy nhiên việc tu tập học Phật không chỉ một ngày, một tháng hay một năm là đủ; do đó bản thân không nên o ép, bắt buộc, đày đọa thân thể tinh thần quá sức, mà việc tu tập vừa phải, không quá vội vàng, kinh Phật dạy, học Đạo phải giống như chơi đàn, nếu dây đàn quá lỏng hoặc chùng dây thì âm thanh sẽ không hay, ngược lại nếu căng dây quá mức thì âm thanh sẽ chói tai, khiến người nghe cảm thấy rất khó chịu và dây đàn rất dễ bị đứt. Vì thế, sự tu hành rất quan trọng, nhưng nó phải đúng cách. Không phải chúng ta mỗi người thức trọn cả đêm để tụng kinh, niệm phật, trì chú, tham thiền hay lễ bái Phật, sám hối suốt ngày suốt đêm không nghỉ ngơi; suy cho cùng, cơ thể vật lý con người năng lượng có giới hạn, nếu chúng ta sử dụng quá nhiều năng lượng và quá sức thì e rằng sẽ không tồn tại dài lâu được! nếu chúng tiếp tục ủng hộ thì tốt nhất nên duy trì việc tu tập vừa phải.
Người hành giả tu học Phật thường hay nhất tâm tụng niệm hay chí tâm tụng niệm (至心誦念), chí tâm là tâm chí thành khẩn thiết, chuyên tâm vào từng chữ từng câu từng lời xưng tụng danh hiệu Phật hay Bồ-tát; công phu tu tập hành trì, chúng ta phải tâm thành khẩn thiết, dốc hết lòng thành thì mới mai ra có thể phần nào cảm ứng đến chư Phật, chư Bồ-tát, chư long thần Hộ pháp mới có thể thành tựu trong công phu tu tập.
Việc Tụng kinh: Tụng và niệm đều khác nhau, nhìn kinh hoặc không nhìn mà đọc từng chữ có âm vận giọng điệu thì gọi là tụng. Còn niệm nghĩa là nhớ nghĩ (P. Sati; E. Mindfulness), niệm thành tiếng hoặc niệm thầm trong miệng (có 4 cách niệm Phật trên nghĩa cơ bản: quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, trì danh niệm Phật và thật tướng niệm Phật). Kinh Pháp Hoa, phẩm An lạc hạnh thứ 14 nói: “Đãn nhất tâm niệm Phật” (但一心念佛 ). Nghĩa là: Chỉ một lòng niệm Phật.
Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm (大方廣佛華嚴經普賢行願品) nói: “Thọ dĩ năng đọc, đọc dĩ năng tụng, tụng dĩ năng trì”[2] Nghĩa là: Nhận rồi có thể đọc, đọc rồi có thể tụng, tụng rồi có thể trì. Chúng ta thường tụng kinh, thời gian trôi qua, sự thực hành trở nên hoàn thiện và có thể ghi nhớ những lời Phật dạy đó.
Thông thường con người hay nói: ăn đi đôi với ngủ, gọi là ăn -ngủ; ăn nhiều thì dễ sanh ra buồn ngủ; hễ ăn nhiều, ngủ nhiều thì cận trụ súc sanh giới.
Tại sao buồn ngủ? xét về phương cơ bản, buồn ngủ có 3 nguyên nhân:
+ Thực phẩm, do ăn quá no.
+ Thói quen, hễ tới giờ là hay buồn ngủ.
+ Do cái tâm, cái óc của mình mệt, lười.
3 lý do nầy được xem là chướng ngại trong công phu tu hành của chúng ta. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta phải buông xuôi, mặc kệ theo dòng đời sanh diệt, phải có phương pháp đối trị, đó là bằng cách ngủ ngồi gọi là ‘thụy tọa’. Cho nên, cổ nhân có câu: “Tiết ẩm thực, khu khiển quỷ sứ”[3]. Nghĩa là: Hạn chế ăn uống để xua đuổi ma quỷ; bởi lẽ trong tâm của mình có con ma ăn, ma uống, hễ mình càng ăn chừng nào thì con ma càng muốn ăn nhiều chừng đó, mà mình càng uống bao nhiêu thì con ma đó càng muốn uống bấy nhiêu, con ma ở đây là chỉ chho con ma phiền não ăn nhiều, uống nhiều và ngủ nhiều; người học Phật phải nhận diện và giác ngộ điều này. Kinh Bát đại nhân giác nói:
“Đệ nhị giác tri, đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.”[4] Nghĩa là: Giác ngộ thứ hai: Tham nhiều khổ nhiều, sanh tử do dục, thực tập ít muốn, trải nghiệm vô vi, thân tâm tự tại.
Câu: 無以睡眠因緣令一生空過, 無所得也。Nghĩa là: Ðừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi.
Lời kinh văn đức Phật khuyên dạy chư đệ tử, đừng để cuộc sống ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm hết năm, trôi đi một cách vô ích, mà trong khi đó bản thân mình không thu hoạch được bao nhiêu vì lý do duy nhất đó là ngủ, mà hễ càng ngủ thì càng ngu, mà càng ngu thì lại càng muốn ngủ, luôn cảm thấy ngủ không đủ giấc, đây là chướng ngại lớn trong việc tu hành, gọi là nghiệp báo.
Vì vậy, chúng ta hãy luôn cảnh giác với bản thân và đừng ham ngủ nhiều. Theo khoa học trên mặc cơ bản, con người ngủ từ 7 đến 8 tiếng là đủ cân bằng trạng thái sống còn; tuy nhiên tùy theo độ tuổi nhỏ, trung niên và về già thì giấc ngủ có thể thay đổi, tăng giảm; càng lớn tuổi chừng nào thì càng khó ngủ chừng đó; đối với người hành đạo giải thoát thì dành thời gian tu tập nhiều hơn ngủ.
2. Thường xuyên quán niệm cuộc đời vô thường
Câu: 當念無常之火燒諸世間, 早求自度, 勿睡眠也。Nghĩa là: Hãy nhớ ngọn lửa vô thường đốt cháy thế gian, để sớm cầu tự độ, đừng ham ngủ nghỉ.
Thế giới quan luôn trải qua 4 giai đoạn gọi là thành, trụ, hoại, không; tương đương với nhân sinh quan cũng có 4 giai đoạn gọi là sanh, trụ, dị, diệt. Người tu học Phật phải luôn tâm niệm quán tưởng về đề mục đó là ngọn lửa vô thường, thiêu đốt cháy rụi thế gian này; lửa ở đây là nhằm ngụ ý chỉ cho lửa tham lửa sân lửa si, lửa phiền não; lửa dục vọng, lửa ham muốn. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất.” Nghĩa là: Lòng dâm không dứt, trần gian chẳng thoát. Nếu con người chúng ta không trừ khử được lòng ham muốn, thì e rằng khó có thể ra khỏi được ngọn lửa Tam giới này. Cho nên, chúng ta làm sao phải liễu tri giác ngộ được mối nguy hại của đại hỏa ham ngủ này, thì phải tấn tốc “tảo cầu tự độ”, sớm cầu tự giải thoát, tự mình hãy cứu lấy đời mình; cứu lấy bằng cách nào? thường xuyên đọc kinh Phật, tụng Phật kinh, nghe chánh pháp, tư duy về pháp. Do đó văn, tư và tu chính là cách dứt sạch vô vàn nghiệp chướng, “nhất cú liễu nhiên siêu bách ức” (一句了然超百億). Nghĩa là: Một câu nếu thấu suốt thì vượt ngoài số lượng. Trong Phạm Võng Bồ Tát Giới Kinh, trước khi tụng vào Giới kinh, đức Phật nhắc nhở chư vị Tỳ-kheo: “Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó đảm bảo được ngày mai. Ðại chúng mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhất tâm niệm Phật tham thiền, chớ để thời gian nhàn không luống qua vô ích, mà sau này phải ăn năn không kịp. Ðại Chúng! Mỗi người nên nhiếp tâm cung kính y theo giới pháp này như pháp tu hành, chuyên cần học tập.”[5]
Cũng vậy, trong thời công phu chiều, lời chư Phật chư Tổ thường hay khuyên răn sách tấn đại chúng hãy quán chiếu, 1 ngày đã qua mình công phu được bao nhiêu? Hãy luôn luôn cảnh tỉnh quán niệm về vô thường, chớ có buông lung, để hướng tâm đến giác đạo: “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, Như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc. Đại chúng! Đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên; Đản niệm vô thường, thận vật phóng dật”. Nghĩa là: Ngày nay đã qua, mạng sống cũng giảm, Như cá ít nước, có vui sướng gì? Đại chúng! Hãy siêng tinh tấn, như cứu đầu cháy, Chỉ nghĩ vô thường, không nên phóng dật.
3. Các ảnh dụ phiền não
Câu: 諸煩惱賊常伺殺人, 甚於怨家, 安可睡眠, 不自警寤? 煩惱毒蛇睡在汝心, 譬如黑蚖在汝室睡, 當以持戒之鉤早摒除之。睡蛇既出, 乃可安眠。不出而眠, 是無慚人。Nghĩa là: Giặc phiền não thường rình giết ta, dữ hơn kẻ thù, tại sao ta có thể an nhiên ngủ nghỉ mà không tự cảnh giác? Con rắn độc phiền não ngủ trong tâm của các thầy, cũng như rắn hổ mang màu đen nằm ngủ trong nhà, các thầy phải dùng móc sắt giữ giới mà cấp tốc móc kéo nó ra. Móc rắn ra rồi mới yên tâm ngủ nghỉ. Không ra mà ngủ thì thật là kẻ không biết hổ thẹn.
Phiền não (S. Kleśa, क्लेश; P. Kilesa; C. 煩惱) là những trạng thái lo buồn, u sầu, lo lắng, bồn chồn, bức bách, ê chề, sầu khổ, phiền thân não tâm; những cái gì gây nên chướng ngại trong sự hành trì tu tập đó gọi là phiền não; có nhiều loại phiền não, trên nghĩa căn bản của Phật học có các loại phiền não sau:
– Nhị phiền não: căn bản phiền não hay căn bản hoặc và tùy phiền não.
– Tam phiền não: kiến tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc
– Tứ phiền não: ngã si, mạn, ái, kiến
– Lục phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến
– Thập phiền não (thập kiết sử):
Trong bản kinh văn ảnh dụ phiền não như:
– Phiền não tặc (煩惱賊), giặc phiền não thường rình rập tâm của mình, hễ móng tâm, khởi tâm bất thiện là phiền não thừa cơ hộ xâm nhập vào.
– Độc xà (毒蛇), như con rắn cực độc: đức Phật dạy trong đời, có 4 điều người học Phật không được coi thường, 4 điều đó là gì? (Thái tử, Tỳ-kheo trẻ, đốm lửa nhỏ và con rắn nhỏ).
– Hắc nguyện (黑蚖), như con rắn hổ mang đen.
Chúng ta biết dung túng và bao che, tiếp tay được xem là đồng phạm, nói theo danh từ tư pháp ngày nay đó là đồng lõa, cùng hưởng chung 1 mức án như nhau; dung túng phiền não có khác nào để rắn độc, con rắn hổ mang đen hung dữ ngủ ngầm trong tâm của mình, thì đây là nguy cơ và tác hại rất lớn, nó sẽ dẫn dắt con người tạo vô số, vô vàn tội lỗi nghiệp chướng; điều mà kinh văn nhắc nhở là chúng ta ngủ trong chánh niệm, ngủ trong sự tĩnh giác; ngủ trong chánh niệm là sao? không mộng mị, không mơ tưởng ảo huyền. Cho nên, kinh văn nói hãy dùng móc sắc tức là móc giới luật để móc lôi kéo con rắn phiền não ra bên ngoài rồi khi đó chúng ta mới an yên giấc ngủ, và để có 1 giấc ngủ ngon, ngủ sâu, theo khoa học đời sống và chăm sóc sức khỏe cũng như kinh nghiệm thông thường, chúng ta không nên ăn quá no, uống nước quá nhiều vào buổi chiều hay buổi tối trước khi đi ngủ, càng không nên sử dụng các ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu) lạm dụng quá mức sẽ gây mộng mị không tốt cho sức khỏa và giấc ngủ, cũng vậy điều này trong kinh Lăng nghiêm, quyển 8, đức Phật dạy: “Các chúng sanh cầu Thiền định không nên ăn các món cay nồng của thế gian. Các các món cay nồng đó ăn chín thì phát dâm, ăn sống thì nóng giận.” Đồng thời trạng thái tâm không nghĩ đến những hình ảnh khác giới, không hướng tâm tưởng tượng đến khoái cảm từ các giác quan. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV từng nói: “Giấc ngủ chính là sự thiền định tốt nhất” (sleep is the best meditation).
Nếu như chúng ta không làm chủ được cơn buồn ngủ mà cứ xuôi theo giấc ngủ, thì đây trong kinh văn gọi là người không biết hổ thẹn (thị vô tàm nhơn, 是無慚人); không biết sám hối, là người dở, người tệ. Chúng ta không nên nói theo hay nháy theo giọng của chư vị Tổ sư: “Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên; khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền; báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa; vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền.” (cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên; cơ tắc xan hề khốn tắc miên; gia trung hữu bảo hưu tầm mịch; đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền);[6] nói được những lời nầy là vì các ngài đã làm chủ được vòng tròn sanh tử, như cây cổ thụ, như tảng đá kiên cố thì đâu có gió nào có thể lay động hay đánh đổ, còn bồ đề tâm của chúng ta thì sao? Ví như cây mạ non, cây lúa non, cây con mới trồng phải cần rào giậu chăm sóc cho thật kỹ lưỡng, còn nếu không thì sẽ bị giẫm đạp và dẫn đến chết, hay bị thất tình lục dục xỏ mũi dẫn dắt lang thang trong chốn hồng trần.
4. Tàm và sĩ/ quý – hai diệu pháp bảo hộ thế gian
Câu: 慚恥之服, 於諸莊嚴最為第一。慚如鐵鉤, 能制人非法, 是故比丘常當慚恥, 勿得暫替, 若離慚恥則失諸功德。有愧之人, 則有善法, 若無愧者與諸禽獸無相異也。Nghĩa là: Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên các thầy Tỳ-kheo thường phải biết hổ thẹn, đừng bao giờ tạm bỏ. Nếu mất hổ thẹn thì mất các công đức. Người có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì cầm thú vậy.
Ở đây Tàm và sĩ/ quý; tàm (慚) có nghĩa là xấu hổ, còn sĩ/ quý (恥/愧) là hổ thẹn; như vậy, Tàm và Quý đều là tâm hổ thẹn;
Trường hợp Tàm là khi mình phạm tội mặc dầu không có ai biết, nhưng tự mình cảm thấy xấu hổ, còn Quý là khi mình tạo tội mọi người đều biết mà mình hổ thẹn. Hay nói khác, Tàm là tự trong lòng mình cảm thấy hổ thẹn, còn Quý là cảm thấy hổ thẹn khi bày tỏ tội lỗi của mình với người khác.
Như vậy, Tàm có nghĩa là cảm giác hổ thẹn trước những hành vi phi đạo đức, gọi cách khác chính là lương tâm. Quý là e ngại hay dè chừng, lo sợ hậu quả của hành vi sai trái. Với một người, nếu không có tâm biết xấu hổ thì họ sẽ làm những việc sai trái, ngông cuồng, lừa người dối bạn, xem thường người khác, mục hạ vô nhân, mà không hề mảy may suy nghĩ nên hay không nên làm. Ngược lại, người có tâm tàm quý, họ sẽ suy nghĩ những việc trước khi hành động, luôn cân nhắc, đắn đo, chắt lọc ý tứ từ trong suy nghĩ cho đến hành động; mỗi một việc họ làm đều phản quang soi chiếu lương tâm của mình.
Trong kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm Tàm quý nói:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Có hai diệu pháp bảo hộ thế gian. Thế nào là hai? Nghĩa là có tàm, có quý. Này các Tỳ-kheo, nếu không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, có vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ; liền sẽ cùng lục súc heo, gà, chó, trâu, dê v.v… đồng một loại. Do thế gian có hai pháp này ủng hộ, nên thế gian ắt phân biệt có cha, có mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, cũng không đồng với lục súc. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên tập có tàm, có quý. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.[7]
Từ những khái niệm cũng như trong các bản kinh văn A-hàm, cho chúng ta thấy, “tàm sĩ chi phục”, trang phục xấu hổ giống như 1 con người mặc một bộ đồ quần áo, nơi nào, chỗ nào nên mặc đồ gì? và trong tất cả những điều trang nghiêm, điều quan trọng nhất là khi chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng và giới thể trang nghiêm không bị sức mẻ, tỳ vết, khi tham dự trước đám đông hội chúng, lòng không cảm thấy ái ngại, khi đưa tay thọ nhận phẩm vật cúng dường của người khác, lòng trở nên hoan hỷ, đây là sự xuất hiện trang nghiêm của Giáo Pháp. Bởi lẽ trong văn Thủy sám pháp có nói: “Che dấu tội lỗi, Phật không chấp nhận, bộc bạch sám hối bồ tát thán thưởng”. Ba mươi hai dấu hiệu và tám mươi vẻ đẹp trang trọng (三十二相、八十種好) bằng y phục của tàm sĩ, đó là điều đầu tiên. Chúng ta trang sức cho mình điều xấu hổ giống như một cái móc sắt, nó có thể ngăn cản con người làm những việc phạm pháp, phi pháp; nó có thể kiểm soát con người không làm những điều sai trái.
Dựa trên các nghĩa lý căn bản đó, nên đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo thường phải biết hổ thẹn, đừng bao giờ tạm bỏ. Nếu mất hổ thẹn thì mất các công đức, một tia lửa nhỏ có thể đốt cháy cả rừng công đức. Người có hổ thẹn là có thiện pháp, có cách tốt, có cách tu tập tốt. Không hổ thẹn thì không khác gì loài cầm thú, chim muông. Ở đây chim muông, cầm thú có hai nghĩa:
– Chim chóc và súc vật.
– Dã man, không đúng lễ phép, oai nghi.
Chúng ta biết, theo học thuyết về nghiệp trong Phật giáo, hễ sinh vào loài cầm thú là trồng cái nhân si mê, người không biết tàm sĩ là người không sáng suốt, không biết cư xử, ứng xử; sở dĩ con người chúng ta khác với các loài vật là vì chúng ta có cảm giác xấu hổ và tội lỗi, chúng ta biết phân biệt điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên làm và việc gì không nên làm, chúng ta làm điều đúng và thay đổi từ bỏ những hành động sai trái. Đây là phương pháp sơ bộ căn bản để giải quyết các vấn đề về chứng bịnh ngủ.
IV. Kết luận
Qua bài học nầy, kinh văn nói người tu học Phật chúng ta không nên ham ngủ, nếu chưa đuổi con rắn phiền não ra khỏi tâm, còn tham ngủ thì phải biết tàm sĩ, xấu hổ, mới còn công đức mà tu, và ngược lại nếu con người mất đi tàm sĩ, bị tê liệt dây thần kinh tàm sĩ thì không biết đâu là đạo để tu tập hướng thượng.
Tham khảo & chú thích
[1] 道也者,不可須臾離也,可離,非道也.
[2] 受已能讀。讀已能誦。誦已能持。
[3] 節飲食,驅遣鬼使。
[4] 弟 二 覺 知, 多 欲 爲 苦, 生 死 疲 勞, 從 貪 欲 起, 少 欲 無 爲, 身 心 自 在.
[5] HT Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Nxb Tôn giáo, Tr. 9, 10.
[6] 居 塵 樂 道 且 隨 緣, 饑 則 飧 兮 困則 眠, 家 中 有 宝 休寻 覓, 对 鏡 無 心 莫問 禪.
[7] Kinh Tăng nhất A-hàm, (tập I), phẩm Tàm quý, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr. 259.