Bài 11: Tu Tập Hạnh Nhẫn Nhục
I. Chánh kinh
a. Chữ hán
汝等比丘,若有人來節節支解,當自攝心無令瞋恨,亦當護口勿出惡言。若縱恚心,則自妨道、失功德利。忍之為德,持戒苦行所不能及。能行忍者,乃可名為有力大人。若其不能歡喜忍受惡罵之毒如飲甘露者,不名入道智慧人也。所以者何? 瞋恚之害則破諸善法、壞好名聞,今世後世人不喜見。當知瞋心甚於猛火,常當防護無令得入,劫功德賊無過瞋恚。白衣受欲非行道人,無法自制,瞋 猶可恕。出家行道無欲之人,而懷瞋恚,甚不可也。譬如清冷雲中霹靂起火,非所應也。
b. Phiên âm
Nhữ đẳng Tỳ-kheo, nhược hữu nhân lai tiết tiết chi giải, đương tự nhiếp tâm vô linh sân hận, diệc đương hộ khẩu vật xuất ác ngôn. Nhược túng nhuế tâm, tắc tự phương đạo, thất công đức lợi. Nhẫn chi vi đức, trì giới khổ hạnh sở bất năng cập. Năng hành nhẫn giả, nãi khả danh vi hữu lực đại nhân. Nhược kỳ bất năng hoan hỷ nhẫn thọ ác mạ chi độc như ẩm cam lộ giả, bất danh nhập đạo trí huệ nhân dã. Sở dĩ giả hà? Sân nhuế chi hại tắc phá chư thiện pháp, hoại hảo danh văn, kim thế, hậu thế nhân bất hỷ kiến. Đương tri sân tâm thậm ư mảnh hỏa, thường đương phòng hộ, vô linh đắc nhập. Kiếp công đức tặc, vô quá sân nhuế. Bạch y thọ dục, phi hành đạo nhân vô pháp tự chế, sân du khả thứ. Xuất gia hành đạo vô dục chi nhân, nhi hoài sân nhuế, thậm bất khả dã. Thí như thanh lãnh vân trung, phích/tích lịch khởi hỏa, phi sở ưng dã.
c. Dịch nghĩa
Các thầy Tỳ-kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kiềm chế tâm mình, đừng cho giận dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Ðức tính của Nhẫn, giữ giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh. Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí. Tại sao? Vì giận dữ thì phá hủy hết thảy thiện pháp và danh tiếng đáng quí, hiện tại vị lai không ai muốn nhìn. Sự giận dữ hơn cả ngọn lửa ác liệt, vì thế mà các thầy phải đề phòng một cách thường trực, đừng cho xâm nhập tâm trí. Giặc cướp công đức không chi hơn giận dữ. Thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành đạo, không có phương pháp để khống chế, thế nên giận dữ thì còn thể tha thứ được. Còn người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ dục lạc, mà vẫn ôm lòng giận dữ, càng không thể được. Không khác gì giữa bầu trời mây trong mà sấm sét loé lửa là điều không thích hợp.
d. Anh ngữ
Exhortation on Refraining from Anger and Ill-will
“O Bhikkhus, if there were one who came and dismembered you joint by joint, you should not hate him but rather include him in your heart (of friendliness—mettā). Besides, you should guard your speech and refrain from reviling him. If you succumb to thoughts of hatred you block your own (progress in) Dhamma and lose the benefits of (accumulated) merits. Patience (khanti) is a virtue which cannot be equalled even by keeping the precepts and (undertaking) the austere practices. Whosoever is able to practise patience can be truly called a great and strong man, but he who is unable to endure abuse as happily as though he were drinking ambrosia, cannot be called one who has attained knowledge of Dhamma. Why is this? The harm caused by anger and resentment shatters all your goodness and so (greatly) spoils your good name that neither present nor future generations of men will wish to hear it. You should know that angry thoughts are more terrible than a great fire. So continually guard yourselves against them and do not let them gain entrance. Among the three robbers (the afflictions), none steals merit more than anger and resentment. Those householders dressed in white who have desires and practise little Dhamma, in them, having no way of controlling themselves, anger may still be excusable; but among those who become homeless (pabbajita) because they wish to practise Dhamma and to abandon desire, the harbouring of anger and resentment is scarcely to be expected, just as one does not look for thunder or lightning from a translucent, filmy cloud.
II. Đại ý
Sân hận làm hư hoại đạo nghiệp, để đối trị tâm sân hận không gì quý hơn sức nhẫn nhục; đức nhẫn là 1 trong những hạnh thù thắng nhất trong các pháp hành của người xuất gia, cần phải tu tập và làm tăng trưởng thiện căn; thực hạnh pháp nhẫn nhục được gọi là bậc Thượng nhân; người xuất gia học đạo lại càng phải tu tập hạnh nhẫn nhục.
III. Lược giải
Nội dung tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
- Đức nhẫn là pháp hành thù thắng nhất để thẳng tiến đến Niết-bàn
- Tu tập nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh
1. Đức nhẫn là pháp hành thù thắng nhất để thẳng tiến đến Niết-bàn
Đoạn: 汝等比丘,若有人來節節支解,當自攝心無令瞋恨,亦當護口勿出惡言。若縱恚心,則自妨道、失功德利。忍之為德,持戒苦行所不能及。能行忍者,乃可名為有力大人。Nghĩa là: Các thầy Tỳ-kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kiềm chế tâm mình, đừng cho giận dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Ðức tính của Nhẫn, giữ giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh.
Đoạn kinh văn này đức Phật dạy, đối với người phát tâm xuất gia làm Tỳ-kheo, Sa-môn thì nên cẩn trọng cân nhắc trong mọi suy nghĩ, tư duy, hành động, lời nói dẫn đến việc làm: đừng để mọi việc xảy ra 1 cách không mong muốn, mà phải hối hận; người có trí thì sợ nhân chứ không phải sợ kết quả; ngược lại còn người vô trí thì sợ quả chứ không phải sợ nhân: đây là sự khác biệt giữa người trí và người vô minh; giữa Phật và chúng sanh; giữa thánh với phàm; giữa đạo và đời; lời dạy trong kinh 8 điều giác ngộ của bậc Đại nhân rất rõ ràng, nhưng để thực hành cho đúng, khế hợp với lời dạy đó thì thật sự không phải đơn giản dễ dàng chút nào: “Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi”. Nghĩa là:Tham muốn nhiều là khổ nhiều, bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục mà ra; vẫn biết ái là đầu mối của sanh tử luân hồi, nhưng chúng sanh con người vẫn cứ đắm mình trong biển ái đó, vẫn biết mộng là khổ là không thật có mà tại sao con người vẫn cứ mơ mộng ảo huyền. Cổ đức có câu: “Phải chăng đời là mộng, để cho mắt hoen sầu, nếu đời không là mộng vì sao ta có nhau”.
Với người xuất gia học Phật phải trải qua nhiều phen thử thách; muốn làm ông thầy Tỳ-kheo thì trước hết phải hành điều, làm chú tiểu, thực hành trọn vẹn 10 giới Sa di v.v…
Nếu có người hay ví có người cầm dao thiệt bén không duyên không cớ, k oán hận không thù hèn, đến để cắt sẻ tứ chi, tay chân thành khúc, 4 mùa phân đoạn, như bị tra tấn cực hình, cắt đứt lóng tay, rút móng chân, xẻ thịt lột da, chết không chết, sống không sống, dỡ dỡ ương ương, thì phải nên thu nhiếp tâm mình, biết tự chủ kiềm chế cảm xúc đừng để cho sân hận khởi lên, đó là người biết tu tập tâm nghiệp hay ý nghiệp; hơn nữa còn phải giữ cái miệng, canh chừng cửa khẩu, không cho xuất ngôn ác nghiệp, đó là hành giả tu tập khẩu nghiệp (nghiệp của miệng):
Kinh văn dạy rất rõ: 若縱恚心,則自妨道、失功德利。忍之為德,持戒苦行所不能及。能行忍者,乃可名為有力大人。Tâm giận dữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Ðức tính của Nhẫn, giữ giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Thực hành đức Nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh.
Có 1 điều người học chúng ta nên biết chữ “nhẫn” mang nhiều ý nghĩa; nhẫn trong tiếng Phạn (Sanskrit) gọi là Kṣānti; P. Khanti, C. 忍có nghĩa là sự chịu đựng; hay nói 1 cách đầy đủ là nhẫn nhục (忍辱) là xoay quanh thái độ chịu đựng sự nhục mạ, lăng mạ, thóa mạ; người xưa có câu: “Nhẫn thị năng nhẫn chi tâm. Nhục thị sở nhục chi cảnh”.
Ở đây chúng ta có thể đặt nghi vấn, tại sao hạnh nhẫn nhục cao hơn cả việc trì giới và khổ hạnh? Khổ hạnh là thực hành việc khó khăn khắc khổ, làm sao vượt qua được cửa ải gian nan ấy mới xứng danh đúng nghĩa là Đạo; khổ hạnh là việc làm mà bất cứ ai tu tập cũng phải trải qua giai đoạn này, theo truyền thống Ấn-độ cổ đại; trong Phật giáo đó là việc hành đạo mà 3 đời 10 phương chư Phật đã làm, đang làm và sẽ làm; khổ hạnh hay còn gọi là hạnh đầu đà (S. Dhuta; E. Mendicant conducts; C. 頭陀) là hạnh tu khắc khổ để dứt bỏ các tham dục. Khổ hạnh có 12 hạnh, đó là: 1-Y phục làm bằng những mảnh vải rách ghép lại. 2-Chỉ dùng ba y. 3-Khất thực mà ăn. 4-Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa. 5-Không ăn quá no. 6-Không giữ tiền bạc. 7-Sống độc cư. 8-Sống trong nghĩa địa. 9-Sống dưới gốc cây. 10-Sống ngoài trời. 11-Không ở cố định, thường du hành. 12-Ngồi ngủ, không nằm ngủ.
Còn Trì giới tức là giữ giới, đó là hạnh tu thứ hai; đến bước thứ 3 đó là Nhẫn nhục, còn cao hơn cả bố thí và trì giới, 1 trong 6 pháp Ba la mật mà 1 vị Bồ-tát cần phải thực hành để xứng đáng Bồ-tát đạo; việc giữ giới chưa chắc có kiên nhẫn, có nhẫn nhục; ví dụ: trì giới không ăn cắp, ăn trộm, lấy của không cho, nhưng vẫn còn tâm sân hận, còn thiếu lòng kiên nhẫn. Cho nên, so với việc trì giới và khổ hành thì pháp tu nhẫn nhục là chịu thiệt thòi vô hạn lượng, còn khó tu hơn nhiều; hạnh tu nhẫn nhục khó như thế mà người nào vượt qua được cửa ải đó thì người đó xứng đáng được tán dương ca tụng là bậc thượng nhân, là đại nhân, là Bồ-tát, có sức mạnh để cứu đời cứu người; người này đã chinh phục được cái bản ngã, cái ta, cái tôi, nên có đại lực, đấng đại trượng phu, đáng được kính phục. Cổ đức có câu: “Nhẫn nhục đệ nhất đạo, tiên tu trừ ngã nhân, sự lai vô sở thụ, tức chân bồ đề thân”. Nghĩa là: Nhẫn nhục đạo thứ nhất, trước phải trừ ngã nhân, việc đến không thọ nhận, là chơn thân bồ đề.
Trong kinh Tăng Chi (Anguttara-nikaya)[1] có nói đến sức mạnh của nhẫn có 8 loại:
- Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc
- Sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ
- Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí
- Sức mạnh của vua chúa là quyền uy
- Sức mạnh của kẻ ngu si là áp đảo
- Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa
- Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát
- Sức mạnh của Sa môn là nhẫn nhục
Nơi đây cũng cần đề cập đến tấm gương nhẫn nhục đệ nhất đó là tôn giả Phú-lâu-na (P. Punna), một trong thập đại đệ tử Thánh của đức Phật:
2. Tu tập nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh
Đoạn: 若其不能歡喜忍受惡罵之毒如飲甘露者,不名入道智慧人也。所以者何? 瞋恚之害則破諸善法、壞好名聞,今世後世人不喜見。當知瞋心甚於猛火,常當防護無令得入,劫功德賊無過瞋恚。白衣受欲非行道人,無法自制,瞋 猶可恕。出家行道無欲之人,而懷瞋恚,甚不可也。譬如清冷雲中霹靂起火,非所應也。Nghĩa là: Người nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lộ, kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí. Tại sao? Vì giận dữ thì phá hủy hết thảy thiện pháp và danh tiếng đáng quí, hiện tại vị lai không ai muốn nhìn. Sự giận dữ hơn cả ngọn lửa ác liệt, vì thế mà các thầy phải đề phòng một cách thường trực, đừng cho xâm nhập tâm trí. Giặc cướp công đức không chi hơn giận dữ. Thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành đạo, không có phương pháp để khống chế, thế nên giận dữ thì còn thể tha thứ được. Còn người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ dục lạc, mà vẫn ôm lòng giận dữ, càng không thể được. Không khác gì giữa bầu trời mây trong mà sấm sét loé lửa là điều không thích hợp.
Có điều chúng ta nên tư duy, cách hành đạo tu tập của người xuất gia cần phải phù hợp trên 3 phương diện đó là thuận theo trời, thuận theo đất và hợp với lòng người; người có trí – người quân tử là biết nhận lỗi về mình giống như cây lúa, cúi đầu là bông lúa còn ngẫng đầu là thứ cỏ dại, cỏ hoang chẳng có giá trị gì cả; tự cao tự đại là thất bại, mà nhẫn nại nhẫn nhịn là thành công, đó là quy luật xưa nay trong đời là vậy; tránh giận dữ hay kiềm chế giận dữ vì sự nóng giận mất khôn là lửa đốt cháy mọi công đức, mà trong khi đó con người chúng ta phải luyện tập rất lâu mới tích lủy được chút ít công đức; sự nóng giận có thể ví như ngọn lửa và cũng là 1 trong 3 đại tam tai kiếp có thể thiêu rụi cả thế gian đời này và những kiếp lai sinh khác nữa, đại tam tai đó là gì? Hỏa tai, thủy tai và phong tai: mà nguyên nhân nào gây ra đại tam tai nạn ách này? Bởi lẽ con người có tâm tham mới phát sanh ra hỏa tai; con người có tâm sân hận mới sanh ra thủy tai; con người có tâm si mê mới sanh ra phong tai. Cho nên, tam tai đều là do tam độc mà sanh khởi. Cả thế gian, con người này thì ai ai cũng có đầy đủ cả ba độc tham, sân và si nó tìm đủ mọi cách cơ hội để dấy khởi. Tâm nầy mỗi ngày càng một khuếch đại trương sình phình ra, nếu như con người không biết làm cho muội lược và giảm thiểu nó và có thể cho đến một mức nào đó nhất định, thì nó sẽ hình thành đại tai kiếp.
Ở đây, đức Phật chỉ cho chúng ta biết về 3 loại mô hình của phép nhẫn cao cấp, đó là: 1. Sinh nhẫn, 2. Pháp nhẫn, 3. Vô sinh pháp nhẫn.
1. Sinh nhẫn (Jāti-kṣānti), đối với tất cả chúng sinh, dầu nhỏ như con muỗi, con kiến, con rệp mà chích, cắn mình, mình cũng không đem lòng giận mà hại mạng chúng nó; dầu lớn như loài người mà đánh đập mình, mắng chửi mình, phá hại mình, mình cũng không oán ghét mà báo thù. Đó gọi là sinh nhẫn, hữu tình nhẫn, cũng gọi là nại oán hại nhẫn.
2. Pháp nhẫn (Dharma-kṣānti), đối với cảnh vô tình làm trở ngại, nghịch hại mình, như nắng, mưa, gió, lạnh, bão lụt, hỏa hoạn v.v… mình đều chịu được mà không giận trách, không than phiền. Nắng mưa là chuyện của trời, hơi đâu mà oán trách hôm nay quên theo dõi thời tiết: xét về cái dỡ của con người, thì trong tấm thân ngũ phù vân này con người có nhiều cái dỡ, bởi lẽ nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương. Chúng ta không nhẫn chịu được môi trường mình đang sống đây gọi là Tịnh độ nhân gian thì làm sao đủ điều kiện cơ sở để sanh về thế giới Tịnh độ của đức Phật A-di Đà?
3. Vô sinh pháp nhẫn (S. Anutpattika-dharma-kṣānti), đối với chúng sinh phá hại mình, đối với các pháp làm khổ mình, mình coi là chẳng có gì cả. Đây là chỉ cho bậc thánh giả A-la-hán:
Ác mạ (惡罵) có nghĩa là nhục mạ, là 1 sự thử thách đối với người hành đạo, khi nhục tâm vượt qua sự thử thách ấy thì sẽ bồi dưỡng cho pháp thân để tăng trưởng trí tuệ đời đời kiếp kiếp:
Nói về thân của người tu hành thì trong ý nghĩa của đoạn kinh văn này cho chúng ta biết người tu hành có 2 thân:
+ Sắc thân hay nhục thân là thân thể xác thịt, cần phải nuôi dưỡng ăn uống trong 1 đời người:
+ Pháp thân là cuộc sống trí tuệ có liên hệ từ kiếp này sang kiếp khác. Cho nên nói, pháp bồi dưỡng trí tuệ đời đời kiếp kiếp là Vô sinh pháp nhẫn.
Đức Khổng tử nói: “Sát thân thành nhân hòa xả sinh thủ nghĩa” (殺 身 成 仁 和 捨 生 取 義).
Trong câu này có 2 vế:
+ Sát thân thành nhân, nghĩa là: không ngại hy sinh bản thân mình để làm lợi cho người khác, không cầu kỳ trau chuốt tô bồi phục vụ cho thân xác mình thì mới tu được.
+ Xả sinh thủ nghĩa, có nghĩa là: bỏ thân mình vì đạo lý lễ nghĩa.
Người ít công phu tu hành thì chỉ lo sống 1 cuộc đời bình thường, trong ý nghĩ cái gì đến thì sẽ đến; như vậy họ cảm thấy hạnh phúc ngút tận trời xanh. Nhưng với người hiểu đạo lý thì không chấp nhất vào thân xác, mà nhìn xa trông rộng hơn vào vãng sanh luân hồi: khi chúng ta chưa đủ trình độ đúng nghĩa 殺 身 成 仁, 捨 生 取 義, thì mỗi ngày chúng ta cần phải cố gắng bớt bớt 1 chút tính nóng nãy.
Nước cam lộ là được chiết xuất từ tinh hoa thiên nhiên của trời đất, công phu tu tập, nước này có công năng dập tắt 3 ngọn lửa đại hỏa của chúng sanh con người; nếu như người tu học Phật chúng ta không thể nhẫn nhịn trước sự nhục mạ của kẻ khác thì mình không phải là người hành đạo, người trí, thì chưa hẳn phải là người xuất gia, bởi vì xuất gia là ra khỏi nhà tam giới.
Dựa trên cơ sở đó, mới nói sự nóng nãy hay tâm sân hận không chỉ thiêu đốt công đức tu hành của mình trong đời này mà còn cháy rụi công đức nhiều đời lai sinh khác nữa; và cũng chẳng ai quý mến trân trọng với người có tâm sân hận tính nóng nãy ấy; đôi khi sự giận dữ còn hơn cả mãnh hỏa nữa thì khác, thấy được mối nguy hại đó, nên chúng ta phải tu tập tâm và phòng hộ tâm 1 cách chuyên cần thường trực, hễ nó khởi lên là dùng nước Chánh pháp dập tắt nó liền ngay tức khắc.
Trong tất cả giặc cướp công đức thì không gì hơn là tâm sân hận nóng nãy, cổ nhân có câu: “một phút sân hận thì cháy rụi ngàn năm rừng công đức”; kinh Pháp cú nói: “Nó mắng tôi đánh tôi, nó thắng tôi cướp tôi. Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.”[2] Cũng vậy, trong Trường hận ca có câu: “天長地久有時盡,此恨綿綿無絕期” 。
Đối với người thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành đạo, không có phương pháp để khống chế. Thế nên, giận dữ thì còn thể tha thứ được. Nhưng đối với người xuất gia hành đạo là người loại bỏ dục lạc, mà vẫn ôm lòng giận dữ, thì càng không thể chấp nhận được. Điều này được ví như trong lúc giữa trời quang mây tạnh, bầu trời mây trong xanh mà sấm sét ở đâu loé lửa lêm là điều không thích hợp. Sấm sét nổi lên là mây đen kéo đến, còn tâm người hành đạo như mây trắng bay lơ lững giữa không trung thì làm sao có thể sấm sét được?
IV. Kết luận
Qua bài học này nhằm nhắc nhở người tu học Phật nên tu tập hạnh nhẫn nhục; bởi lẽ con người đang sống trong thế giới phù hoa, luân hồi, nhân quả, là thế giới của va chạm, khổ nhiều hơn vui… nên thỉnh thoảng chúng ta chạm trán với những khó khăn, phiền toái và thất vọng ê chề là điều khó tránh. Những khó khăn thất vọng ấy nếu chúng ta không tu tập hạnh Nhẫn nhục, thì e rằng sẽ dễ dàng phản kháng lại bằng lời nói hay hành vi xấu chứa đầy những độc tố a-xít tham, sân và si. Hoặc không đủ sức chống trả thì tâm chúng ta vô cùng bất an, lo lắng vì nuôi dưỡng lòng bực tức oán hận lâu dài. Tâm bất an thì thật là khổ sở. Vậy làm sao để khắc phục được nỗi khổ này để chúng ta không bị thối lui Bồ-đề tâm trên con đường tâm linh? Câu trả lời, chắc hẳn chỉ có sự Nhẫn nhục và buông xả thì tâm chúng ta mới được an ổn, yên lành, có an ổn thì tâm mới hoan hỷ, có hoan hỷ thì cơm lành canh ngọt. Bởi lẽ, ăn cơm cần có canh và tu hành cần có bạn; tâm có ổn định, thì công phu tu hành cũng theo đó mới rộng lớn tăng trưởng theo ngày tháng. Chính vì thế, pháp tu Nhẫn nhục là cần thiết vì nó tạo nhiều công đức thiện lành, nó theo chúng ta từ đời này sang đời khác, cho đến khi chúng ta thành tựu quả Bồ-đề, Phật quả.
Tham khảo & chú thích
[1] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Gia chủ, phần Sức mạnh, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr. 587.
[2] Kinh Pháp Cú, kệ số 3.