Bài 12: Đoạn Trừ Tâm Lý Kiêu Ngạo Và Dua Nịnh
I. Chánh kinh
a. Chữ hán
汝等比丘,當自摩頭,已捨飾好,著壞色衣,執持應器,以乞自活,自見如是,若起憍慢當疾滅之。增長憍慢,尚非世俗白衣所宜,何況出家, 入道之人, 為解脫故, 自降其身而行乞耶?
汝等比丘,諂曲之心與道相違,是故宜應質直其心。當知諂曲但為欺誑, 入道之人則無是處。是故汝等宜當端心,以質直為本。
b. Phiên âm
Nhữ đẳng Tỳ-kheo, đương tự ma đầu, dĩ xả sức hảo, trước hoại sắc y, chấp trì ứng khí, dĩ khất tự hoạt, tự kiến như thị, nhược khởi kiêu mạn đương tật diệt chi. Tăng trưởng kiêu mạn thượng phi thế tục bạch y sở nghi, hà huống xuất gia nhập đạo chi nhân, vị giải thoát cố tự giáng kỳ thân nhi hành khất da?
Nhữ đẳng Tỳ-kheo, siểm khúc chi tâm dữ đạo tương vi, thị cố nghi ưng chất trực kỳ tâm. Đương tri siểm khúc đản vi khi cuống, nhập đạo chi nhân, tắc vô thị xứ. Thị cố nhữ đẳng, nghi đương đoan tâm, dĩ chất trực vi bổn.
c. Dịch nghĩa
Các thầy Tỳ-kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặt áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống. Tự thấy như vậy mà kêu ngạo còn nổi lên, thì phải cấp tốc tỏa chiết. Tăng thêm kêu ngạo là điều mà thế nhân còn không nên có, huống chi người xuất gia nhập đạo vì mong cầu giải thoát, tự hạ mình xuống mà đi khất thực lại còn kiêu mạn hay sao?
Các thầy Tỳ-kheo, tâm lý dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không thể như vậy. Vì thế các thầy cần phải ngay thẳng tâm mình, lấy đức tính chất trực làm căn bản.
d. Anh ngữ
Exhortation on Refraining from Arrogance and Contempt
“O Bhikkhus, rubbing your heads you should deeply consider yourselves in this way: ’It is good that I have discarded personal adornment. I wear the russet robe of patches and carry a bowl with which to sustain life.’ When thoughts of arrogance or contempt arise, you must quickly destroy them by regarding yourselves in this way. The growth of arrogance and contempt is not proper among those wearing white and living the household life: how much less so for you, gone forth to homelessness! You should subdue your bodies, collecting food (in your bowls) for the sake of Dhamma-practice to realize Enlightenment.
Exhortation on Flattery
“O Bhikkhus, a mind inclined to flattery is incompatible with Dhamma; therefore, it is right to examine and correct such a mind. You should know that flattery is nothing but deception, so that those who have entered the way of Dhamma practice have no use for it. For this reason, be sure to examine and correct the errors of the mind, for to do so is fundamental.
II. Đại ý
Kiêu ngạo và dua nịnh là những tâm lý sống trái ngược với đạo pháp, người xuất gia hướng tâm giải thoát thì phải luôn giữ tâm chất thực.
III. Lược giải
Nội dung tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
- Phiền não chướng – tâm lý kiêu mạn
- Phiền não chướng – thói siểm khúc (nịnh hót)
1. Phiền não chướng – tâm lý kiêu mạn
Với trí tuệ vô lậu đức Phật đã thấu rõ được quy luật nhân sinh và thế giới quan đều nằm trong vòng đối đãi, hễ có sanh thì phải có diệt, có thành thì phải có bại; đức Phật còn nhấn mạnh sở dĩ con người bị trầm luân trong các khổ thú luân hồi là bởi vì do tánh cang cường, ngạo mạn, cống cao và chấp vào những cái gì mà mình có 1 chút sở đắc, đây là những phiền não chướng làm cản trở Thánh đạo; bởi lẽ tâm lý kiêu mạn hay kiêu ngạo (arrogance) được xem là 1 trong 20 tùy phiền não theo trường phái Duy thức đã phân tích. Đối với quan điểm Phật giáo, tâm lý kiêu mạn là tự nâng cao mình lên, dương dương tự đắc. Họ có khuynh hướng lấn át người trên, chà đạp người dưới, không học hỏi, không lắng nghe lời khuyên hay lời giải thích của người khác.
Cho nên, đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo hãy tự lấy tay xoa lên đầu mình? mà xoa như vậy là để ý thức nhớ rằng mình đã cạo đầu xuống tóc, đã từ bỏ trang sức tốt đẹp (已捨飾好), không còn tự làm đẹp nữa, không mang trang sức như dây chuyền vàng, nhẫn cọ, hay đồng hồ rolex thứ sang xịn, đắc tiền dành đại gia phú quý; không muốn chú ý đến, nên mới mặc y hoại sắc (著壞色衣), nhuộm màu không rực rỡ xanh vàng đỏ trắng, bông hoa lòe loẹt mang tính cách cải lương, để giữ tướng người xuất gia khác với tướng người tại gia. Tổ Quy Sơn nói: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục…”[1] Nghĩa là: Người đã xuất gia, cất bước vượt lên cao xa; tâm tánh, cốt cách khác người thế tục.
Vì khác hình tướng như thế, tay bưng bình bát (執持應器), đi đâu bình bát cũng không dám rời thân, khất thực hay hóa duyên hành trì chánh đạo (以乞自活). Luật dạy thầy Tỳ-kheo không được tự nhóm bếp nấu ăn với các lý do sau:
+ Phải tốn nhiều thời gian cho việc ăn uống.
+ Vì túc số tăng rất nhiều, nên không thể mỗi người mỗi bếp.
+ Phòng ốc không có, sống ở ngoài trời.
+ Sanh tâm tham luyến các món ăn.
+ Chúng sanh các cõi giới thấp kém sanh tâm oán giận, vì nghe tiếng thổi bếp mà không hưởng. Trong Sa-di thập giới nói: “Ngạ quỉ văn oản bát thanh, tắc yết trung hỏa khởi”. Nghĩa là: Ngạ quỷ nghe tiếng chén bát thì trong cổ họng lửa nổi lên.
Cho nên, 1 vị thầy Tỳ-kheo phải giữ 3 vật không cho rời khỏi thân, gọi là vật bất ly thân, đó là tam y (3 y), bình bát và tọa cụ.
Nhưng ngày nay, vì không gian địa lý, môi trường điều kiện sống, chùa chiền tương đối ổn định, không còn phải ra ngoài đi khất thực, nên phải tự nấu ăn lấy; tự mình nấu ăn với các lý do sau:
+ Đảm bảo sức khỏe, tránh bớt đồ màu, gia vị.
+ An toàn vệ sinh trong nhu cầu ăn uống.
+ Tránh bớt sự phiền toái người khác.
+ Mình cần sự yên tịnh thì tha nhân cũng không ngoại lệ.
+ Hạn chế tiếp xúc với thí chủ, để tịnh tâm Thiền định.
Cho nên, các thầy Tỳ-kheo phải tự mình quán chiếu thấy rõ mình là người xuất gia (自見如是), hạnh khất thực là người đi xin ăn? Nếu sinh khởi tâm lý ngạo mạn, cống cao, hống hách thì phải tìm cách dập tắt nó ngay liền lập tức (若起憍慢當疾滅之) .
Tuy nhiên, tâm lý kiêu ngạo bởi các lý do sau đây:
+ Nhờ có chút ít phước báu hữu lậu do tu tập, nên được mọi người ái mộ, nên cúng dường vật chất đầy đủ, nhu cầu phương tiện sinh hoạt tương đối không thiếu, do đó sinh tâm ỷ lại vật chất mà khởi tâm lý kiêu ngạo.
+ Vì người xuất gia trong hàng ngủ Tăng bảo, nên “tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận”, do thấy người Phật tử kính lạy Tăng bảo cứ tưởng lạy mình? nên có chút ngạo mạn.
+ Có 1 chút kiến thức, bằng cấp địa vị, danh tiếng, nên sinh tâm ngạo mạn.
+ Có chút chút sở đắc công phu tu tập, nên tự khen thưởng cho mình mà chê người bai người khác, sinh tâm kiêu ngạo.
Khi nói đến tâm lý kiêu mạn thì trong kinh Thủ lăng nghiêm (quyển 9) có liệt kê ra 7 loại mạn:
1. Mạn: Hơn ít mà tưởng hơn nhiều, cho mình là hơn và tỏ vẻ khinh khi đối với người thua kém mình.
2. Ngã mạn: Ỷ mình tài giỏi, khinh thường lấn lướt kẻ khác.
3. Tà mạn: Vì chấp trước tà kiến, cúi mình theo pháp tu tà, sai lầm nhưng vẫn cho mình là đúng, nên chẳng kính trọng Tam bảo. câu thần chú: um ma ni pad mê hùm: mà mình nói úm ma ni pad mê beo, rồi cho mình là đúng người khác là sai, vâng đúng nhưng đúng theo cái tà kiến, tà bậy:
4. Quá mạn: Tự chấp hơn hoặc thua mà cho là bằng với người bằng mình hay đối với người hơn mình.
5. Mạn quá mạn: Thua nhiều mà tự cho là hơn, quyết giành lấy phần hơn dù biết mình thua kém vì cho mình vẫn hơn người ấy.
6. Tăng thượng mạn: Chưa chứng đạo mà tự cho chứng đạo rồi khoác lác hô hào.
7. Ty liệt mạn: Thua nhiều mà cho là thua ít hoặc không thua. Khiêm tốn giả dối nói là mình kém hèn nhưng tự cao, đem lòng không phục.
Đại sư Atisha (982–1054) nói: “Hãy đoạn trừ tính kiêu căng và ngạo mạn để giữ sự an hòa và đức hạnh trong tâm trí của quý vị. Ngay cả cái mà thường gọi là “công đức” cũng được xem như một chướng ngại cho Phật pháp. Lợi ích vật chất và danh tiếng thế gian là cạm bẫy của ma quỷ (S. Māra), vì vậy hãy loại bỏ những thứ này như cách quý vị loại bỏ những viên sỏi trên con đường; những lời tán dương và danh lợi chỉ là hư vọng, do đó hãy vứt bỏ chúng ra ngoài như khạc nhổ nước đàm dãi vậy.”[2]
Cho nên, người xuất phải cân nhắc kỹ lưỡng, đừng để cho sinh khởi tâm lý kiêu mạn mà tự chuốt lấy khổ đau vào bản thân; vô tình đốt cháy công đức tu hành. Trong Sa-di luật giải nói, có vị Sa-di nghe tiếng tụng kinh của vị thầy lớn tuổi mà không biết là vị thầy này đã chứng quả A-la-hán, nghe giọng khồ khồ, bèn buông lời nói, tiếng tụng kinh như chó sủa, mặc dù đã sám hối, nhưng không khỏi mắc phải quả báo, sau khi chết đọa làm kiếp thân chó. Cho nên, người có trí dù muốn hay không cũng không cho tăng trưởng lòng kiêu mạn; vì như thế là không hợp với xuất gia, ngay thậm chí cả người thế tục gọi là bạch y mà không có tâm kiêu mạn như vậy, huống chi mình là người xuất gia nhập đạo. Kinh văn nói: “增長憍慢,尚非世俗白衣所宜,何況出家, 入道之人”.
Hành nhân đã từ giả gia đình, cát ái từ thân, để thâm nhập Phật đạo mà còn nuôi dưỡng tâm lý cao ngạo phiền não ô nhiễm, tư tưởng thấp hèn đó để làm cái gì? Vì mong cầu giải thoát, kinh văn nói: “為解脫故” mong được liễu sanh thoát tử, ly khổ đắc lạc, thì phải nên hàng phục, trước phải chế ngự thân “dĩ xả sức hảo” rồi sau mới hàng phục tâm và sống đời khất thực, kinh văn nói: “自降其身而行乞耶?”, chế ngự thân là sao? Phải ăn mặc giản dị, chớ theo phong cách khác người; đầu tóc dù có đẹp đến đâu cũng phải cạo bỏ, móng chân móng tay cũng phải cắt bỏ, không để cho dài như tín đồ của Trường Trảo Phạm Chí; và càng không nên lấy làm le trước đám đông, để được người khác trầm trồ khen ngợi nhằm tô đậm cái bản ngã của mình lên.
Như vậy, để đối trị lòng kiêu mạn, cống cao người xuất gia tu hành phải loại bỏ:
+ Dù rằng cái răng cái tóc là góc của con người, nhưng cũng phải cắt bỏ.
+ Trang sức bằng y hoại sắc.
+ Ôm bình bát đi khất thực hóa duyên.
+ Thực tập Thiền định, khởi tâm từ đến với muôn loài chúng sanh.
+ Bằng cái nhìn tuệ quán, biết kiêu mạn là 1 chất a xít độc tố, là chướng ngại, là 1 loại phiền não làm trì trệ việc tu hành, cho nên cần phải loại bỏ nó sớm ra tủ thuốc trong đầu óc tư duy của người học Phật.
2. Phiền não chướng – thói siểm khúc (nịnh hót)
Song song với phiền não kiêu mạn thì có 1 cái chướng ngại nữa đó là siểm khúc tức là nịnh hót, nịnh bợ; tu hành mà tâm không ngay thẳng thì làm sao thành Phật, thành Bồ-tát, thành A-la-hán thực thụ được, nếu có thành đi chăng nữa thì đó là giả thành Phật, giả thành Bồ-tát, giả thành A-la-hán, giả làm sư, giả làm thầy.
Đoạn kinh văn này đức Phật chỉ ra rõ cho người đệ tử thấy được, tâm nịnh hót, nịnh bợ thì không xứng hợp với người học đạo.
Vậy thế nào là siểm khúc?
+ Siểm (諂) là siểm mị, a dua, nói theo dạ dạ vâng vâng – trên bảo dưới phải nghe, cái này gọi là lục lục phàm phu, nịnh hót, nói lời không chân thật.
+ Khúc (曲) là quanh co, nói lòng vòng, thiếu sự ngay thẳng, có cũng được mà không cũng đc; cho cũng được mà không cho cũng được. Kinh văn nói: “諂曲之心與道相違”. Tâm nịnh hót, tâm tâng bốc là trái ngược với đạo giải thoát, không đúng với tâm người tu hành chân chánh. Chúng ta tu là để thấy được sự thật; Tâm kinh bát nhã nói: “chân thật bất hư”. Chúng ta muốn kiến đạo thì phải từ bỏ cái giả, không dung túng sự dối trá, cái giả dối trong tâm, mà phải giữ tâm chánh trực, tâm ngay thẳng, tâm không bị biến dạng, thay lòng đổi dạ, xuyên tạc vu oan lấn lướt người khác. Kinh văn nói: “是故宜應質直其心”, cũng vậy Cổ đức nói: Trực tâm tức thị đạo tràng (tâm ngay thẳng đó mới chính là đạo tràng), là nơi tu hành là môi trường đào tạo con người thành Phật. Cho nên mình biết tâm siểm khúc chỉ là dối trá, 1 hành động không chân thật, cần phải tu tập và khử trử nó càng sớm càng tốt. Kinh văn nói: “當知諂曲但為欺誑”. Cho nên người học đạo giải thoát thì không thể có tâm dua nịnh được. Kinh văn nói: “入道之人則無是處” , mà phải đoan tâm, tâm thẳng thắn, đường đường chính chính, quang minh chánh đại, lấy chánh trực làm căn bản tu hành, không cần mưu toan, để mong cầu tô đắp cho cái ngã của mình, vì tu hành phải vô ngã mới nhập được đạo, người học đạo quý là ở chỗ vô tâm.
Hòa Thượng Tuyên Hóa nói: “Lòng từ bi bắt nguồn nơi tự tánh. Nó chẳng cần bất kỳ sự tạo tác gì mới có. Mình không cần phải nịnh hót (mới có lòng từ bi); nịnh hót là việc giả dối. Người ta từ từ trưởng thành, thế nào họ cũng sẽ hiểu đạo lý này. Khi ấy tâm họ sẽ tự nhiên phát sinh lòng từ bi, mà không cần phải cố ý làm bất kỳ việc gì. Cố ý là ra vẻ từ bi thì bạn sẽ rơi vào chỗ yếu mềm, nịnh bợ. Cố ý làm vẻ không từ bi, thì bạn sẽ trở nên rất lạnh lùng, xa cách. Làm quá mức thì cũng chẳng khác làm chưa đủ. Chuyện gì cũng phải giữ trung đạo, tức là vô tâm , vô niệm.”
Mở đầu 1 trong 1 bức tranh chăn trâu có nói: “Tầm ngưu tu phỏng tích, học đạo phỏng vô tâm, tích tại ngưu hoàn tại, vô tâm đạo dị tầm.”[3] Nghĩa là: Tìm trâu phải theo dấu, học đạo hãy vô tâm, dấu có trâu còn đó, vô tâm đạo dễ tìm. Kinh văn nói: “是故汝等宜當端心,以質直為本”.
Trong kinh Thi Ca La Việt, đức Phật có nói đến hạng bạn nịnh hót được nhìn nhận trên 3 phương diện:
+ Hạng bạn tán thành những việc xấu ác.
+ Hạng bạn phản đối những việc thiện lành.
+ Hạng bạn trước mặt thì khen nhưng sau lưng lại chê trách mình.
Cho nên tốt hơn hết, không nên giao du với những hạng bạn này.
Nịnh là cả một “nghệ thuật”, thế nhưng có những bậc hiền nhân quân tử, tài năng, đạo đức sáng ngời như vầng nhật nguyệt, đố ai có thể nịnh nọt, nếu người đó tài cán kém hơn so với người khác. Người xưa nói: Theo đóm ăn tàn hay theo voi ăn bã mía. Nhiều người xem hành vi nịnh như là một loại thực phẩm, bởi vì sao? Theo quan niệm Phật giáo, người nào có một cái tôi và thích được nịnh nhiều thì người đó thích thực phẩm nịnh để làm hả hê “chủ nghĩa cái tôi” của họ.
Còn đối với người nào cầu tiến, không hống hách, không tự hào, tự tại khoe khoang thì không thích thói quen nịnh.
Trên tinh thần đó, Tổ Quy Sơn đã khẳng định: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thoái khuất. Nhược bất như thử, đồ tại tri môn, nhẫm nhiễm nhất sanh, thù vô sở ích.”[4] Nghĩa là: Phật đã huấn dụ, ai kia đã là đấng trượng phu thì ta đây cũng có thể làm như thế, đừng tự khinh thị mình mà lùi bước và khuất phục. Nếu không như vậy thì chỉ là kẻ ở trong hàng ngũ xuất gia một cách vô ích, dần dà hết cả một đời mà quả thực không có một chút ích lợi nào hết.
Như vậy, siểm khúc là tâm không phù hợp với chánh đạo, cần phải loại bỏ sớm ra khỏi tinh thần học Phật.
IV. Kết luận
Hai thói hư tật xấu, tâm lý kiêu mạn và siểm khúc là 2 trong 20 tùy phiền não, theo phân tích tâm lý của Duy thức; do đó người học Phật phải nhận diện chúng và đoạn trừ ra khỏi tư duy để hướng tâm cầu mong giải thoát.
Tham khảo & chú thích
[1] 夫出家者。發足超方。心形異 俗。
[2] Xem http://chuamaisonvinhan.org/nhung-loi-giao-huan-cua-dai-su-atisha/
[3] 尋 牛 須 訪 跡, 学 道 訪 無 心, 跡 在 牛 還 在, 無 心 道 易 尋.
[4] 彼旣丈夫。我亦爾。不 應自輕而退屈。若不如此。徒 在緇門。荏苒一生殊無所益。