BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐỀ KINH
I. Giải thích đề kinh
Tên kinh: “Phật Di Giáo Kinh”.
Hán ngữ: 佛遺教經.
Phạn ngữ: Buddha-śāsana-sūtra ( बुद्ध – शासन – सूत्र)
Pāli ngữ: Buddha-sāsana-sutta hoặc Buddha Pacchimovāda Parinibbāna Sutta.
Tạng ngữ: Sangs-rgyas-bstan-pa bka-gyur (སངས་རྒྱས་བསྟན་པ་བཀའ་འགྱུར་)
Nhật ngữ: Butsu-yui-kyō-gyō.
Anh ngữ: The Sūtra of the Last Discourse hoặc The Buddha’s Last Bequest.
Theo Đại Sư Trí Giả (538-597) của tông Thiên Thai: Muốn giải Kinh Đại Thừa phải dựa vào năm nghĩa huyền diệu, năm nghĩa huyền diệu đó là gì? Gồm có:
- Thích danh: Giải thích tên bộ kinh. Ở đây gọi là “Phật Di Giáo Kinh” hay còn gọi tên khác là “Phật Thuỳ Bát Niết Bàn Lược Thuyết Giáo Giới kinh”.
- Biện thể: Nói rõ về thể tính mà bộ kinh ấy tuyên thuyết, ở đây nói về cả đời đức Phật dạy về quyền pháp (savate) và thật pháp.
- Minh tông: Thuyết minh về tông chỉ của bộ kinh. Tông chỉ của kinh nầy là nhấn mạnh về vấn đề xuất gia, thọ giới, theo giới mà tu, tuân thủ tịnh giới. [尊重珍敬波羅提木叉。如闇遇明、貧人得寶,當知此則是汝大師,若我住世無異此也。] (Bài 4: Xác định Giới luật là Ðạo Sư); và [自今以後,我諸弟子,展轉行之,則是如來,法身常在,而不滅也。] (Bài 22: Trình bày và dứt trừ các nghi ngờ; Pháp thân thường trú).
- Luận dụng: Luận về công dụng của bộ kinh. Dùng tâm để kiềm chế ngũ căn hay 5 giác quan; niệm diệu đế; nhất tâm tu hành cho đến đắc quả vị giải thoát. [汝等比丘,已能住戒當制五根,勿令放逸入於五欲] (Bài 7: Chế ngự các giác quan) và [佛説四諦,不可令異。佛説苦諦實苦,不可令樂。集真是因,更無異因。苦若滅者,即是因滅,因滅故果滅。] (Bài 21: Minh định Giáo lý căn bản).
- Phán giáo, cũng gọi Phán giáo tướng, có nghĩa là đức Phật thuyết về thời pháp Niết-bàn, Hoa nghiêm, Pháp hoa…; Phán giáo ở đây đức Phật thuyết về thời Di giáo.
Như vậy, “Phật Di Giáo Kinh” được giải thích.
1. Phật (佛) là chỉ cho đấng đã giác ngộ hoàn toàn về 3 phương diện: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Hay nói khác, Giác ngộ có 3 loại:
– Bổn giác, là chỉ tánh giác vốn có sẵn từ vô thỉ, bình đẳng thanh tịnh.
– Thỉ giác, sau khi gặp Phật pháp, theo thầy tu tập, bắt đầu tỉnh thức.
– Cứu cánh giác, nghĩa là thành Phật.
2. Di (遺) có nghĩa là để lại gia tài pháp bảo, y theo đó mà tu tập. Trong 3 tạng thánh điển, giáo lý căn bản không ngoài 37 phẩm trợ đạo.
3. Giáo (教) là lời dạy, lời sách tấn, lời khuyên nhũ cho chúng đệ tử và những ai hữu duyên với Phật pháp.
4. Kinh (經) tiếng Phạn (Sanskrit) gọi là sūtra. Pāli gọi là sutta. Tiếng Anh gọi là scripture, thread là những lời được thuyết ra từ kim khẩu của đức Phật. Có công năng dẫn dắt hành giả phát triển định lực, đưa đến trí tuệ giải thoát vô lậu. Vậy, kinh có nhiều hàm nghĩa:
1- Quán xuyến (貫 串) một sâu chuỗi nối những giáo lý mà đức Phật muốn dạy cho người nghe lúc ngài thuyết pháp.
2- Nhiếp trì (攝 持) nắm giữ, thu nhiếp, nhiếp phục.
3- Thường (常), giáo pháp Phật không thay đổi theo thời gian và không gian.
4- Pháp (法) phương pháp hay giáo pháp tu tập hành trì chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc.
5- Dũng tuyền (涌泉) “suối phun”, giáo lý Phật giáo tuôn trào vô tận như suối phun nước vậy. Giải thoát thanh lương.
6- Thằng mặc (繩墨) mực thước, giây mực; là khuôn phép, khuôn mẫu.
7- Xuất sinh (出生) cũng như mặt trời, lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng, phát ra năng lượng; kinh cũng vậy, lúc nào cũng tỏa ánh sáng hào quang, phát sinh đủ mọi công đức, pháp lành. Bởi vì chân lý trong kinh có thể làm cho chúng sanh thức tỉnh, phát tâm Bồ đề. Đó chính là tác dụng làm xuất sinh pháp lành của kinh.
8- Hiển thị (顯 示), “hiển” là làm lộ ra, “thị” là chỉ cho thấy. Giống như mặt trăng, ngôi sao sáng hay ngọn hải đăng tháp sáng, có thể rọi sáng bóng đêm hiển bày mọi cảnh tượng. Kinh cũng là mặt trăng hay ngọn hải đăng, làm hiển thị những định luật, chân lý của vũ trụ mà bình thường con người khó thấy rõ trong màn đêm vô minh của tâm trí.
Cho nên, Kinh Di giáo là bộ kinh mà đức Phật thuyết cho đệ tử trước khi ngài nhập Niết bàn. Có thể coi là lời Di chúc của đức Phật.
II. Lược sử dịch giả
Y cứ vào Đại chánh tạng, tập 12 số 389 (T12no389), chúng ta thấy về niên đại và tên người dịch ghi là: [後秦龜茲國三藏鳩摩羅什奉 詔譯] “Hậu Tần Qui Tư Quốc Tam Tạng Cưu-Ma-La-Thập Phụng Chiếu Dịch”.
Như vậy, bản kinh này được ngài Cưu-Ma-La-Thập (Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413 S.TL) dịch từ bản Phạn văn sang Hán văn vào đời Hậu tần tức là niên hiệu Diêu tần (384 – 417 S.TL).
Ngài Cưu-Ma-La-Thập là một nhà sư, học giả, nhà truyền giáo và dịch giả đến từ Vương quốc Kucha hay còn gọi là Qui tư – 龜茲 (ngày nay thuộc tỉnh Aksu, Tân Cương, Trung Quốc).
Về thân thế và sự nghiệp
Thân thế: Thân phụ của ngài Kumārajīva là Kumārāyana đến từ Ấn Độ cổ đại, (vùng Kashmir ngày nay), ông là một vị quan đại thần. Mẹ của ngài là một người Phật tử thuần thành.
Vào năm 379 S.TL, danh tiếng của ngài Kumārajīva đã đến Trung Quốc. Sau đó, Hoàng đế Phù Kiên còn gọi là Tần Phù Kiên (苻堅, 337–385 S.Tl) của Nhà Tiền Tần đã nỗ lực đưa Kumārajīva đến kinh đô Trường An. Để làm được điều này, tướng Lã Quang được cử đi cùng một đội quân để chinh phục Kucha, mục đích là muốn có được ngài Kumārajīva. Vua Phù Kiên đã tuyên bố: “bằng mọi cách phải có cho bằng được Kumārajīva sau khi chinh phục Kucha.” Tuy nhiên, khi đạo quân chủ lực của vua Phù Kiên tại kinh đô bị đánh bại, tướng Lã Quang của ông đã tuyên bố lập quốc và trở thành lãnh chúa vào năm 386 S.TL, và bắt được ngài Kumārajīva, lúc này thì ngài khoảng 40 tuổi.Trong thời gian này, người ta cho rằng ngài Kumārajīva đã trở nên quen thuộc với ngôn ngữ Trung Quốc. Sau khi họ Diêu của Tiền Tần lật đổ người cai trị trước đó là Phù Kiên, hoàng đế Diêu Hưng (366–416 S.TL) đã nhiều lần cầu xin các lãnh chúa của họ Lã giải phóng thả ngài Kumārajīva và đưa ngài trở về kinh đô Trường An.
Tượng Ngài Cưu Ma La Thập trước Thiên Phật Động Kizil Trung Quốc
Sự nghiệp: Tại Trường An, thời gian kế tiếp ngài Kumārajīva rất được nhiều người trong xã hội, kể cả từ vua quan triều đình cho đến người dân rất mến mộ trọng vọng ngài, và phong ngài làm Quốc sư. Ngài tiến hành dịch thuật rất nhiều bản kinh từ phạn sang hán, dưới sự bảo trợ của triều đình lúc bấy giờ (tức là đời vua Diêu Hưng). Các đệ tử của ngài Kumārajīva có rất nhiều, nhưng chỉ có 4 người được xem là đắc lực nhất, đó là: Trúc Đạo Sinh (竺道生), Tăng Triệu (僧肇), Đạo Dung (道融) và Tăng Duệ (僧睿).
Ngài là vị Pháp sư tinh thông cả Tam Tạng Thánh Điển, sự nghiệp của ngài tại Trung Quốc, ngoài ngài Huyền Trang (602-664 S.TL) ra, thì k ai sánh kịp với ngài cả.
Ngài phiên dịch rất nhiều tác phẩm như: Kinh Di Giáo, Kinh Kim Cương, Kinh A Di Đà, Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã, Kinh Lăng Nghiêm Tam Muội, Kinh Thập Địa và rất nhiều bản kinh, luận khác nữa.