BÀI 3: KINH TỰ (PHẦN TỰA)
(Kinh tự còn gọi là duyên khởi, lời tựa, bài mở đầu, giới thiệu)
Trong bản “Di Giáo Kinh Luận”, do Thế Thân Bồ-tát tạo, Chân Đế Tam Tạng dịch (遺教經論, 世親菩薩造, 真諦三藏譯), trước khi đi vào Kinh tự tức là phần tựa của kinh. Bồ-tát Thế Thân có bài tụng quy kính; đây là thể hiện lòng thành của mình đối với Tam bảo, cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho việc làm nầy luôn tương xứng phù hợp với Chánh pháp.
I. Quy kính tụng
a. Chữ hán
- 頂禮三世尊, 無上功德海,哀愍度眾生, 是故我歸命。
- 清淨深法藏, 增長修行者,世及出世間, 我等皆南無。
- 我所建立論, 解釋佛經義,為彼諸菩薩, 令知方便道。
- 以知彼道故, 佛法得久住,滅除凡聖過, 成就自他利。
b. Phiên âm
- Đảnh lễ tam Thế Tôn, vô thượng công đức hải, ai mẫn độ chúng sanh, thị cố ngã quy mạng.
- Thanh tịnh thâm pháp tạng, tăng trưởng tu hành giả, thế cập xuất thế gian, ngã đẳng giai Nam-mô.
- Ngã sở kiến lập luận, giải thích Phật kinh nghĩa, vị bỉ chư Bồ-tát, lãnh tri phương tiện đạo.
- Dĩ tri bỉ đạo cố, Phật pháp đắc cửu trụ, diệt trừ phàm thánh quá, thành tựu tự tha lợi.
c. Dịch nghĩa
- Đảnh lễ ba đời đức Thế Tôn, biển công đức vô thượng, từ bi cứu độ tất cả chúng sinh, nên con xin quay về nương tựa.
- Pháp bảo thanh tịnh thậm thâm, làm tăng trưởng công đức tu hành, đối với pháp thế gian và xuất thế gian, chúng con đều xin quy y.
- Lý thuyết mà tôi (Thế Thân) đã lập luận, để giải thích ý nghĩa của kinh Phật; vì đối với các vị Bồ-tát, muốn biết phương tiện đạo.
- Để biết rõ con đường này, thì pháp mới trường tồn cửu trụ, diệt trừ tội chướng cõi phàm phu và thánh vị (từ sơ địa đến bát địa), thành tựu tự lợi và lợi tha.
Mở đầu Luận chủ thể hiện sự thành tâm kính lễ đối với Tam bảo bằng 3 tụng gọi là Quy kính tụng. Đây là thông lệ trước khi tạo luận, hầu hết của các Luận sư từ trước đến nay trong Phật giáo đều thể hiện lòng thành kính như vậy.
- Quy kính Phật: Đảnh lễ ba đời đức Thế Tôn, biển công đức vô thượng, từ bi cứu độ tất cả chúng sinh, nên con xin quay về nương tựa.
- Quy kính Pháp: Pháp bảo thanh tịnh thậm thâm, có khả năng đưa người từ cõi mê sang bờ giải thoát vô lậu.
- Quy kính Tăng: Làm tăng trưởng công đức tu hành, đối với thế gian và xuất thế gian, chúng con đều xin quy y.
- Tụng cuối: Lý thuyết mà tôi đã lập luận, Để giải thích ý nghĩa của kinh Phật; Vì đối với các vị Bồ-tát, muốn biết phương tiện đạo. Để biết rõ con đường này (tức là Thánh đạo giải thoát), thì Phật pháp (chánh pháp) mới trường tồn cửu trụ, diệt trừ tội chướng cõi phàm phu và thánh vị (từ sơ địa đến bát địa), thành tựu tự lợi và lợi tha.
Đây là nói lên mục đích tạo luận – Luận chủ hy vọng tất cả chúng sinh, con người phải có chánh kiến về các pháp. Có được như vậy thì Phật mới trường tồn cửu trụ nơi cõi nhân gian, để làm nhãn mục cho thế gian, nghĩa là làm gương cho đời y theo tu tập.
II. Chánh kinh
a. Chữ hán
釋迦牟尼佛初轉法輪,度阿若憍陳如,最後說法度須跋陀羅,所應度者皆已度訖,於娑羅雙樹間將入 涅槃。是時中夜寂然無聲,為諸弟子略說法要。
b. Phiên âm
Thích-ca Mâu-ni Phật, sơ chuyển pháp luân độ A-nhã Kiều-trần-như, tối hậu thuyết pháp độ Tu-bạt-đà-la. Sở ưng độ giả, giai dĩ độ ngật. Ư Sa-la song thọ gian, tương nhập Niết bàn. Thị thời, trung dạ tịch nhiên vô thanh. Vị chư đệ tử, lược thuyết pháp yếu.
c. Dịch nghĩa
Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên hoá độ tôn giả Kiều Trần Như, thuyết pháp lần cuối cùng hoá độ tôn giả Tu Bạt Ðà La. Những người có thể hoá độ, Ngài đã hoá độ tất cả. Hôm nay, trong rừng Sa la, giữa cây song thọ, Ngài sắp Niết Bàn. Bấy giờ là lúc giữa đêm, hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động, Ngài đã vì các đệ tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh pháp.
d. Anh ngữ
When Lord Buddha, sage of the Sākyas, first turned the Wheel of the Dhamma, Venerable Aññākondañña crossed over (the ocean of birth and death); while as a result of his last Discourse Venerable Subhadda crossed over likewise. All those who were (ready) to cross over, them he (helped) to cross over. When about to attain Final Nibbāna, he was lying between the twin sāla trees in the middle watch of the night. No sound disturbed the calm and silence; then, for the sake of the disciples (sāvaka), he spoke briefly on the essentials of Dhamma.
III. Đại ý
Đại ý đoạn kinh trên nói 1 cách ngắn gọn những pháp hành mà đức Phật đã làm sau khi thành đạo tại Bồ đề đạo tràng, cho đến lúc ngài nhập Niết-bàn tại rừng Câu-thi-na (Kusinara). Những lời dạy cuối cùng là sự thể hiện lòng từ bi thương tưởng của 1 bậc đạo sư vĩ đại đối với chúng đệ tử, trước khi thể nhập cảnh giới Niết-bàn vô tung bất diệt.
IV. Lược giải
Khi tiếp cận với các bản kinh văn, lời Phật dạy bao giờ cũng có lời dẫn khởi, còn gọi là mở đầu hay duyên khởi. Đây là sự biên tập hay kết tập về sau của các đệ tử muốn trùng tuyên lại lời Phật dạy. Đoạn nầy gọi là phần tựa của bản kinh và cũng có thể thay thế cho lục chủng thành tựu, nhằm minh chứng – xác quyết tuyên ngôn lời Phật dạy. Đó cũng là sự nhất quán thống nhất chung cho tất cả kinh Phật, đều có lục chủng thành tựu.
- Tín: có nghĩa là niềm tin, tin cái gì? Tin Tam bảo. Tin pháp giải thoát. Chứng tín về lời Phật dạy, thông qua việc biên tập ghi chép những lời dạy đó bằng văn bản để lưu truyền cho đời sau.
- Văn: có nghĩa là nghe, đích thị nghe từ kim khẩu của đức Phật thuyết ra.
- Thời: chỉ cho thời gian, nghĩa là lúc giữa đêm (Trung dạ – 中夜; in the middle watch of the night).
- Chủ: đức Phật đích thị thuyết ra.
- Xứ (Sở): nghĩa là địa điểm, nơi chốn, ở giữa cây Sa-la Song-thọ
- Chúng: chỉ cho các đệ tử (vị chư đệ tử – 為諸弟子)
Danh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật (釋迦牟尼佛).
Thích-ca là họ của Phật. Mâu-ni là tên của Phật.
Thích-ca trong Tiếng phạn (Sanskrit) gọi là Śākya; Tàu (Trung quốc) dịch là “năng nhân”, đầy đủ đức tính “năng lực” và “từ bi” (chỉ cho pháp tục đế, pháp thế gian).
Mâu-ni trong tiếng Phạn (sanSkrit) gọi là “Muni”; Tàu (Trung quốc) dịch là “tịch mặc”; Tịch, có nghĩa là không bị sự khổ vui làm bận lòng hay tâm bị dao động; Mặc, nghĩa là không bị việc phiền não làm rối loạn. Tịch tĩnh và yên lặng, như như bất động, liễu liễu thường minh. Đầy đủ trí tuệ bát nhã (chỉ cho pháp chân đế, pháp xuất thế gian).
Như vậy, hai đức tính “từ bi” và “trí tuệ”, chỉ cho pháp thế gian và pháp xuất thế gian, hạt giống luôn tiềm tàng có sẳn trong tâm thức của mỗi người, hễ ai kiện toàn đầy đủ về 2 đức tính này thì người đó gọi là Buddha tức là Phật.
Câu: “初轉法輪”. Chuyển đẩy bánh xe chánh pháp lần đầu tiên.
Chúng ta biết, sau khi Bồ-tát Tất-đạt-đa chứng đắc đạo quả vô thượng Bồ-đề, Chánh đẳng chánh giác, Đức Thế Tôn đến vườn Lộc uyển (Sarnath; Isipitana) chuyển pháp luân để thuyết pháp độ cho 5 người bạn đồng tu (Kondañña, Badhiya, Vappa, Mahānāma và Assaji) cùng với ngài trước đó.
Đó là lần đầu tiên đức Phật chuyển pháp luân, thuyết pháp (P. Dhamma-cakka-ppavattana ). Lúc đầu đức Phật dạy về tứ diệu đế, bốn sự thật vi diệu.
- Khổ đế (sự thật của khổ), Dukkha.
- Tập đế (nguyên nhân khổ), Samudaya.
- Diệt đế, (sự chấm dứt hay kết thúc khổ đau), Nirodha.
- Đạo đế (con đường thoát khổ, phương pháp đoạn trừ khổ đau), Magga.
Về nội dung bài kinh Chuyển pháp luân này, đức Phật đề cập đến các khái niệm của Phật giáo về pháp Trung đạo, lý vô thường và pháp duyên khởi.
Chúng sanh, con người cứ mãi say đắm trong rừng mê biển khổ mà không hề hay biết gì cả. Cứ thuận theo tự nhiên, sinh ra, lớn lên, già và chết. Cái khổ đầu tiên trong Tứ diệu đế là đức Phật nói lên sự thật của khổ, có rất nhiều nỗi khổ niềm đau, nhưng chung quy có tam khổ và bát khổ.
Tam khổ (3 loại khổ) đó là:
+ Khổ khổ: khổ đau chồng chất khổ đau, khổ trong khổ. Nguyễn Gia Thiều nói trong Cung oán ngâm khúc nói: “Nghĩ thân phù thế mà đau, bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê”.
+ Hoại khổ: khổ vì mất mát của cải vật chất, biến hoại. Đây là đức Phật nói về sự thật hoại khổ kiếp nhân sinh.
+ Hành khổ: cứ điên đảo với hành uẩn, ý chí tinh thần hỗn loạn. Trong bài kinh Thánh cầu, Trung bộ kinh, đức Phật thuyết về hai mô hình (hai loại tầm cầu), đó là: thánh cầu và phi thánh cầu: có người tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, già, bịnh, chết, lại đi tìm cầu cái sanh già bịnh chết ấy, đó là phi thánh cầu; và tìm cầu cái không sanh, không già, không bịnh, không chết, tìm cầu sự giải thoát.
Hơn nữa, khổ có khuynh hướng tích tập. Ví dụ, gia đình ly tán cộng thêm công ty sa thảy, rồi bị bạn bè xa lánh. Cho nên, đức Phật rất từ bi, sau khi báo tin xấu, Ngài lập tức cho tin vui. Ngài có cách tiêu diệt tất cả các bịnh khổ ở đời. Nếu hành giả hồi quang phản chiếu, thức ngộ bản tâm về sự chìm đắm của mình trong cái khổ: khổ về tham, khổ về sân, khổ về si, tham thì có nhiều loại tham mà tìm giải thoát Đạo thì sẽ diệt được tất cả khó khăn và khổ sở đó.
Trên cơ sở nầy, “Chuyển Pháp Luân” (轉法輪) ở đây được hiểu:
+ Pháp (S. Dharma; P. Dhamma, Nhật. Hō): trí tuệ, chân lý, đạo lý.
+ Luân (S. Cakra; P. Cakka; E. Wheel): bánh xe, vương quốc.
=> Pháp luân (S. Dharmacakra; P. Dhammacakka) có nghĩa là củng cố vương quốc trí tuệ, xây dựng vương quốc chân lý, chuyển bánh xe pháp hay chuyển pháp luân (P. Dhamma-cakka-pavattana) là quay bánh xe pháp, là sự chuyển động của bánh xe chân lý.
Chữ “Luân” là bánh xe, có khả năng lăn chuyển từ tâm người nầy đến tâm người khác, giáo pháp từ tâm chứng ngộ của Phật chuyển đến tâm mê lầm của chúng sanh, con người, để chúng sanh giác ngộ giải thoát giống như Phật đã thành, cũng như bánh xe lăn từ chỗ nầy đến chỗ kia. Lại nữa, chữ “Luân” cũng có nghĩa là dằn ép, lăn đến đâu ép đến đó, những gì dơ bẩn gồ ghề đều được dằn ép. Giáo pháp Phật đến tâm chúng sanh thì tham, sân, si, phiền não, nhiễm ô, tà kiến, vô minh, cấu uế cũng bị dằn ép, đè bẹp làm cho tan diệt, huỷ hoại đi.
Vào năm 1956, tiến sĩ Rhimrao Ramji Ambedkar (1891 – 1956), người đứng đầu trong việc soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ, người có công lớn nhất trong việc phục hưng Phật giáo tại đất nước nầy, đã đề nghị lấy biểu tượng bánh xe của vua A-dục (S. Aśoka, thế kỷ III Tr.TL, vị đại hộ pháp vương Phật giáo) làm biểu tượng của Phật giáo. Từ đó, hình bánh xe có tám hoặc mười hai nan hoa (tượng trưng Bát Chánh đạo hoặc Thập nhị Nhân duyên) được gọi là Pháp luân (S. Dharmacakra; P. Dhammacakka), bánh xe của giáo lý Phật giáo. Đức Phật là vị chuyển Pháp luân, tức là người làm quay bánh xe Pháp, giảng dạy Chân lý, đạo lý khiến cho chúng sinh được khai mở, giác ngộ và thể nhập Chân lý. Từ những lý giải trên, Pháp luân được hiểu với 3 nghĩa chính:
- Pháp luân có khả năng nghiền nát cả ngũ trụ vô minh phiền não (Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Vô Minh Phiền Hoặc gộp thành một trụ, bốn trụ kia là Dục Ái Trụ Địa, Sắc Ái Trụ Địa, Hữu Ái Trụ Địa, Vô Minh Trụ Địa) khi sử dụng nó để tu hành. Có nghĩa là chiếc xe chiến trận phá tan mọi nghi ngờ, trở ngại, nghiệp chướng, khổ đau của chúng sinh. Cũng được hiểu như bánh xe khi chuyển động thì có thể nghiền nát những vật trước mặt và trên mặt đường.
- Pháp luân có khả năng đưa chúng sanh từ bến mê sang bờ giác ngộ; từ sanh tử đến an lạc giải thoát; từ hữu lậu đến vô lậu; từ phàm phu, Thanh văn, Bồ-tát đến Phật quả. Đây là công năng, lực dụng của việc thuyết pháp; cũng như chiếc xe có khả năng di chuyển đi đến mọi khu vực khác nhau.
- Pháp luân là biểu thị cho sự viên mãn, đầy đủ tánh công đức, nhân quả thánh phàm, thần thông diệu dụng bất khả tư nghì; cũng như bánh xe tròn trịa, đầy đủ các căm xe, như vòng tròn mặt trời, vòng tròn mặt trăng, vòng tròn xoay của trái đất không hư không khuyết không tì vết, như vòng luân chuyển của nước, vòng luân chuyển của gió.
Đức Phật chuyển Pháp Luân ba lần, gọi là tam chuyển. Hay nói rõ ràng hơn, đức Phật chuyển pháp luân trong bài pháp Tứ diệu đế, mỗi Đế như vậy có 3 lần chuyển, gọi là tam chuyển thập nhị hành tướng.
1. Lần thứ nhất, thị chuyển: Thử thị khổ, bức bách tính (đây là khổ, bản tính là đè nén, ức chế). Thử thị tập, chiêu cảm tính (đây là tập/ phiền-não, bản tính là tự tạo, tự đem đến). Thử thị diệt, khả chứng tính (đây là Diệt, chúng sanh có thể chứng được). Thử thị Đạo, khả tu tính (đây là Đạo, quí vị có thể tu được). (此是苦,逼迫性。此是集,招感性。此是滅,可證性。此是道,可修性).
2. Lần thứ hai, khuyến chuyển: thử thị khổ, nhữ ưng tri (đây là khổ, chúng sanh nên biết); thử thị tập, nhữ ưng đoạn (đây là tập/ phiền não, chúng sanh nên cắt đứt); thử thị diệt, nhữ ưng chứng (đây là Diệt, quí vị nên chứng); thử thị Đạo, nhữ ưng tu (đây là Đạo, qui vi nên tu) (此是苦, 汝應知; 此是集,汝 應斷; 此是滅,汝應證; 此是道,汝應修).
3. Lần thứ ba, chứng chuyển: Thử thị khổ, ngã dĩ tri, bất tu canh tri (đây là khổ, tôi đã biết, không cần biết nữa); thử thị tập, ngã dĩ đoạn, bất tu canh đoạn (đây là tập, tôi đã đoạn, không cần đoạn nữa); thử thị Diệt, ngã dĩ chứng, bất tu canh chứng (đây là Diệt, tôi đã chứng, không cần chứng nữa); thử thị Đạo, ngã dĩ tu, bất tu canh tu (đây là Đạo, tôi đã tu, không cần tu nữa). (此是苦,我已知,不須更知; 此是集,我已斷,不須更斷;此是滅,我已證,不須更 證;此是道,我已修,不須更修).
Câu: “度阿若憍陳如”. (Venerable Aññākondañña crossed over (the ocean of birth and death).
Hoá độ tôn giả Kiều-trần-như (S. Kauṇḍinya, P. Koṇḍañña).
Khi nghe đức Phật thuyết Pháp đến “phiền não khổ đau”, sự có mặt của khổ, nguyên nhân thọ khổ, lúc này Kiều-trần-như, một trong năm vị đồng tu khổ hạnh, chứng đắc Sơ quả A-la-hán còn gọi Sơ quả Tu đà hoàn (P. Sotāpanna). Nghe xong bài Pháp đầu tiên, Ngài Kiều-trần-như đắc Tứ quả A-la-hán còn gọi là tứ quả Thanh văn, A-la-hán quả (S. Arhat; P. Arahant; T. Dgra-com pa), chứng thánh quả. Đến đây gọi với danh xưng là A nhã Kiều- trần-như (P. Aññā – kondañña). Bên Nguyên Thủy (S. Hīnayāna) coi A-la-hán quả là thánh vị, nghĩa là quả vị thánh cao nhất. Đức Phật cũng được tôn xưng là A-la-hán (1 trong thập hiệu Như Lai). Đại thừa (S. Mahāyāna) coi sơ địa trở lên mới là thánh vị, tứ quả A-la-hán cách sơ địa còn rất xa.
Trong nhóm 5 người bạn đồng tu, ngài Kiều-trần-như được xem như là người anh cả (leader) về mọi mặt, về tuổi tác, trí tuệ, sự tinh tấn nỗ lực tu hành. Đặc biệt tôn giả là người giác ngộ đầu tiên, được đức Phật hóa độ trước tiên, được chứng quả A-la-hán. Đây được xem như là do túc duyên – tiền duyên nhiều đời, nhiều kiếp trước. Thuở quá khứ đức Phật lúc đang còn tu hạnh Bồ-tát, đã phát lời nguyện là sau khi thành Đạo thì sẽ tìm đến tôn giả để hoá độ.
Đoạn: “最後說法度須跋陀羅,所應度者皆已度訖,於娑羅雙樹間將入涅槃。是時中夜寂然無聲,為諸弟子略說法要。”
Đức Phật thuyết pháp lần cuối cùng hoá độ tôn giả Tu-bạt Đà-la (S. Subhadra; P. Subhadda). Tôn giả Tu-bạt Ðà-la trước khi đến quy y đức Phật là một người Bà-la-môn, lúc này tôn giả ở tuổi thượng thượng thọ (120 tuổi), là đệ tử cuối cùng của đức Phật. Nhân duyên tiền kiếp, ngài là 1 người tiều phu (đốn củi), khi gặp chuyện không may tai nạn xảy ra, ngài tha thiết niệm Phật, nhờ năng lực niệm Phật đó mà thoát kiếp khỏi nạn. Nên đời này đủ duyên lành xuất gia khi tuổi đời đã xế chiều. Mặc dù, các vị đệ tử của đức Phật lúc đó ngăn cản không cho Tu-bạt Ðà-la vào diện kiến trong lúc đức Phật chuẩn bị nhập Niết-bàn; khi Tu-bạt Ðà-la đảnh lễ Phật, tôn giả trong thâm tâm rất hoan hỷ xúc động, rồi nghe đức Phật dạy về cuộc đời là vô thường, là khổ không là vô ngã, giả tưởng – huyễn mộng, nên tinh tấn để giải thoát. Lúc này tâm tôn giả được nhẹ nhõm giác ngộ chứng đắc quả vị A-la-hán.
Những người có thể hoá độ, Ngài đã hoá độ tất cả. Đức Phật thị hiện ở đời là để hoá độ chúng sanh thoát kiếp mê lầm, siêu thoát luân hồi khổ. Khi nhân duyên thành thục thì Ngài sẽ đến giáo hóa. Những người đại phước sẽ gặp được Ngài, phát khởi tín tâm, lãnh thọ giáo pháp, tinh tiến tu tập và chứng đắc quả vị giải thoát.
Câu: “於娑羅雙樹間”. Nghĩa là: Trong rừng Sa la, giữa cây song thọ (S. Śāla; P. Sāla; H. 娑羅), trong bản dịch Anh ngữ là “he was lying between the twin sāla trees”. Cây này có một rễ, một gốc mà sinh ra hai thân cây. Ở trên lá chụm lại, nên trên dưới và giữa đều là cây Sa-la. Tượng trưng cho sự tương đối, tạm thời hay tiệm ngộ (provisional), sự tuyệt đối, sự thật (actual) và những lời dạy hay giáo pháp (teachings hay doctrines).
Câu: “是時中夜”. Nghĩa là: Bấy giờ là lúc giữa đêm (in the middle watch of the night). Theo lịch pháp Trung quốc, lúc giữa đêm thì khoảng chừng từ 22 giờ đến 02 giờ sáng, giờ này thì không gian cảnh tượng hoàn toàn yên lặng. Trong ý nghĩa nầy nó tượng trưng cho Pháp Trung đạo (P. Majjihima magga; E. The Middle Way).
Câu: “寂然無聲”. Nghĩa là: Hoàn toàn yên lặng, không một tiếng động, (no sound disturbed the calm and silence), tượng trưng cho trạng thái tâm trong lúc thiền định. Trên phương diện khách quan, thì ngay lúc đó, trong rừng hoàn toàn thanh vắng, không một tiếng động, vì để thể hiện lòng tôn kính và biết ơn thật sự đối với đức Thế Tôn, nên các loài dã thú, chim muông kể các loài sinh vật nhỏ bé cũng phải giữ sự im lặng.
Câu: “將入涅槃”. Nghĩa là: Ngài sắp chuẩn bị vào Niết-bàn (when about to attain final Nibbāna).
Niết-bàn (S. Nirvāṇa; P. Nibbana), hiểu theo quan niệm dân gian thế tục gọi là chết.
Niết-bàn, cựu dịch tức là dịch theo lối xưa gọi là Tịch độ (寂度) hoặc là Tịch diệt (寂滅). Tịch độ nghĩa là đoạn trừ hay diệt trừ phiền não (S. Klésa; P. Kilesa); phiền não là tham sân si, mạn, nghi…, những nỗi niềm buồn phiền, làm buồn thân não tâm; còn Độ vượt thoát cõi mộng sanh tử, không còn sự chi phối quyến luyến bởi lục đạo luân hồi nữa, đến bờ bên kia không sinh không diệt, trong Bát nhã gọi là (bất sanh, bất diệt…). Theo Câu xá luận giải thích: Niết (槃) có nghĩa là xuất (ra khỏi rừng vô minh, si mê u ám đen tối); còn Bàn (槃) có nghĩa là thú (趣) hay là đạo (道), tức là ra khỏi cảnh giới sanh tử lục đạo, cảnh khổ của triển chuyển luân hồi. Ngài Huyền Trang (602-664) dịch là Viên Tịch (圓寂) tức là mọi công đức, đức hạnh đều được viên mãn tròn đầy gọi là Viên (圓); và sở hữu đầy đủ tất cả phước đức, trí tuệ gọi là phước-trí nhị nghiêm, chặt đứt đoạn trừ mọi dây mơ rễ má thâm căn cố đế của phiền não gọi là Tịch (寂). Cho nên, những ai – hành giả nào đoạn trừ mãi mãi vĩnh viễn xa lìa tất cả phiền não khổ đau, siêu thoát lục đạo sanh tử luân hồi, làm chủ được vòng tròn sanh tử nầy thì người đó xứng danh đúng với 2 từ là “Viên Tịch”.
Trên ý nghĩa đó, Niết-bàn có bốn đặc tính đó là: chơn thường; chơn lạc; chơn ngã và chơn tịnh. Đây là chỗ chúng ta cùng nên trở về để luôn thân cận gần gũi với Phật, tức là Phật tánh, tánh của chúng sanh; là tự tánh của mỗi người (by itself).
Câu: “為諸弟子略說法要”. Nghĩa là: Ngài đã vì các đệ tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh pháp (then, for the sake of the disciples (sāvaka), he spoke briefly on the essentials of Dhamma).
Trước khi đức Phật thể nhập vào cảnh giới Niết-bàn vô tung bất diệt, vì lòng bi mẫn thương xót chúng sanh, con người, chúng đệ tử, nên Ngài di chúc lại những lời dạy, bài pháp, hay nói khác, là những lời dạy tinh tuý thiết yếu nhất, quan trọng nhất làm tăng trưởng giới, trao dồi định và phát triển tuệ, để cho hàng đệ tử y theo đó, nương vào pháp ấy mà tu tập hành trì dẫn đến đạo giác ngộ giải thoát, sống cuộc đời tĩnh lạc an vui. Đức Phật còn dạy rằng: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự mình là hải đảo của chính mình, Như-Lai chỉ là bậc đạo sư dẫn đường”.
V. Kết luận
Qua bài kinh tự (mở đầu) nầy, người học chúng ta cần nắm vững các sự kiện liên quan sau đây:
Tâm tư nguyện vọng của Bồ-tát Thế Thân qua sự bày tỏ trong phần quy kính tụng (gồm có 16 câu tụng).
Đọc và nghiền ngẫm từng chữ, từng câu trong phần tựa, lời văn, nghĩa lý rất sâu sắc, xúc tích, bao quát cả một cuộc đời 49 năm (Nguyên thuỷ 45 năm) đức Phật thuyết pháp độ sinh, đến giờ phút cuối cùng trước lúc vào Niết-bàn vô tung bất diệt, Ngài còn thương tưởng chúng đệ tử dạy những bài pháp cuối cùng không ngoài mục đích chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc.
Nắm thật kỹ về nội dung tư tưởng giải thoát quan trong bài pháp đầu tiên, đó là Chuyển pháp luân kinh (S. Dharmacakrapravartanasūtra; P. Dhammacakkappavattanasutta).
Chuyển pháp luân nhằm nói lên điều gì đối với người tu học Phật chúng ta.