BÀI 4: Xác Định Giới Luật Là Ðạo Sư
I. Chánh kinh
a. Chữ hán
汝等比丘,於我滅後,當尊重珍敬波羅提木叉。如闇遇明、貧人得寶,當知此則是汝等大師,若我住世無異此也。
b. Phiên âm
Nhữ đẳng Tỳ-kheo, ư ngã diệt hậu, đương tôn trọng trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa. Như ám ngộ minh, bần nhân đắc bảo, đương tri thử tắc thị nhữ đẳng Đại sư. Nhược ngã trụ thế, vô dị thử dã.
c. Dịch nghĩa
Các thầy Tỳ-kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới vậy.
d. Anh ngữ
O Bhikkhus, after my Parinibbāna you should reverence and honour the precepts of the Pātimokkha. Treat them as a light which you have discovered in the dark, or as a poor-man would treat a treasure found by him. You should know that they are your chief guide and there should be no difference (in your observance of them) from when I yet remained in the world.
II. Đại ý
Tịnh giới là bậc thầy cao cả của người cầu đạo giải thoát. Có tịnh giới thì không khác gì Thế Tôn trụ thế.
III. Lược giải
1. Danh xưng Tỳ-kheo
Danh từ Tỳ-kheo, hay Tỷ-kheo, Tỷ-khưu, trong tiếng Phạn (Sanskrit) gọi là Bhikṣu, ngôn ngữ Pāli gọi là Bhikkhu, Hán ngữ 比丘, có nghĩa là “người khất thực” (khất sĩ 乞士). Cách phiên âm Hán-Việt khác là Bí sô (苾芻). Trên cơ sở đó, Tỳ-kheo được hiểu có 3 nghĩa: khất sĩ (乞士), phá ác (破惡) và bố ma (怖魔).
Tỳ-kheo theo Phật giáo Đại thừa, Tỳ-kheo tăng suốt đời phải tuân thủ giữ gìn 250 giới. Tỳ-kheo ni 348 giới.
Theo Phật giáo Nguyên thuỷ. Tỳ-kheo tăng phải tuân thủ 227 giới, Tỳ-kheo ni 311 giới.
Theo Phật giáo Tây tạng. Tỳ-kheo tăng phải tuân giữ 253 giới và Tỳ-kheo ni 364 giới.
Đức Phật chọn Tỳ-kheo làm đối tượng đương sự – người đối thoại trực tiếp, vì sao?
a. Tỳ-kheo là người giữ hình tượng giải thoát, xuất thế.
b. Tỳ-kheo là tượng trưng cho pháp Đại thừa, đó là con đường Bồ-tát đạo.
c. Tỳ-kheo là thống lý đại chúng, siêu việt chướng ngại.
Đức Phật quyết định chọn bộ kinh này để truyền dạy cho các đệ tử trong đêm Niết-bàn, nhằm nói lên điều gì? Nêu lên tầm quan trọng về lời dạy cuối cùng của Ngài. Lời dạy đầu tiên trong bộ Kinh là yếu tố quan trọng nhất, thiết yếu nhất, căn bản nhất, là sinh mạng nuôi lớn pháp thân huệ mạng của người xuất gia.
Pháp đầu tiên mà đức Phật muốn nói đến, đặt trọng tâm hay nhấn mạnh vào đó không phải là chú Đại Bi (great compassion), chú Lăng Nghiêm, Mật Tông, cũng không phải là Thiền Định hoặc Tịnh độ, mà là Giới (S. Prātimokṣa; P. Pātimokkha; H. 戒; E. Precepts). Nhất định phải giữ giới. Đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo rằng: “Người tu hành – theo dấu chân Phật giải thoát thì trước tiên phải giữ giới.”
2. Ba la đề mộc xoa
Ba la đề mộc xoa (波羅提木叉) được dịch từ tiếng Phạn là Prātimokṣa; trong ngôn ngữ Pāli gọi là Pātimokkha; Hán dịch Biệt giải thoát (別解脫), Tuỳ thuận giải thoát (隨順解脫), Xứ xứ giải thoát, Cấm giới (禁戒) và còn được gọi là Tịnh giới, Thanh tịnh giới.
3. Các dụ ngôn: “như mù tối mà được mắt sáng”, “nghèo nàn mà được vàng ngọc”
Dụ ngôn thứ nhất, trong kinh đức Phật đề cập, “như ám ngộ minh”, như mù tối mà được mắt sáng (如闇遇明); treat them as a light which you have discovered in the dark).
Dụ ngôn thứ hai, “bần nhân đắc bảo” (貧人得寶); as a poor man would treat a treasure found by him). Như người nghèo mà được của báu.
Qua 2 dụ ngôn trên, người mù và người nghèo; mắt thấy ánh sáng và người được của báu, ví như người hữu duyên hội ngộ gặp được Phật pháp, phát tâm lành tu tập thiện căn để rồi từ đó phước đức mỗi ngày tăng trưởng, trí tuệ đầy. Mượn dụ ngôn hình ảnh này, đức Phật dạy cho các thầy Tỳ– kheo, hãy trân trọng tôn kính tịnh giới, những giới pháp mà mình đã lãnh thọ, để từ đó làm thềm thang bước vào con đường giải thoát ở nhà Như Lai, mặt áo Như Lai, ăn cơm Như Lai, ngồi toà Như Lai.
Phạm Võng Bồ-Tát Giới Kinh nói: “Giới như đèn sáng lớn/ Soi sáng đêm tối tăm / Giới như gương báu sáng/ Chiếu rõ tất cả pháp. Giới như Châu Ma-Ni/ Rưới của giúp kẻ nghèo/ Thoát khổ mau thành Phật/ Chỉ giới này hơn cả.” [1]
Giới bổn Tỳ-kheo, cũng nói tương tự như vậy: “Giới như biển cả / không có bờ mé / lại như ngọc báu / cầu hoài không chán.”
Cũng vậy, cho dù Như Lai có trụ thế hay không trụ thế thì giới pháp cũng mang đậm 1 màu giải thoát; “Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới vậy.” (若我住世無異此也); you should know that, they are your chief guide and there should be no difference (in your observance of them) from when I yet remained in the world. Trong Giới kinh nói: “Như Lai đã khéo/ nói ra giới kinh/ Như Lai lại khéo/ Nói ra giới pháp/ Dầu rằng Như Lai/ Nhập vào Niết bàn/ Chư vị hãy coi/ Giới ấy như Phật.”
4. Ba la đề mộc xoa (tịnh giới) là đức thầy cao cả của các thầy
Người học Phật chúng ta tôn trọng giới luật, cũng đồng nghĩa là tôn trọng chính đời tu của mình, tôn trọng đạo giải thoát của chính bản thân mình. Cho nên, Đức Phật dạy: Tôn trọng giới luật, coi giới luật như Phật là nhằm thể hiện trách nhiệm của chính thể bản thân mình đối với sự tồn vong của Phật pháp. Trong Giới kinh 1 lần nữa đức Phật nhấn mạnh. “Giới kinh tồn tại/ lâu dài trong đời/ thì pháp của Phật/ sẽ được hưng thịnh.”
Vì vậy, người xuất gia học Phật chúng ta phải tôn trọng giới luật như Phật còn tại thế. Muốn thấy Phật thì chúng ta phải giữ Giới, Giới tức là Phật và Phật tức là Giới. Ở đâu có giới pháp thì ở đó có Phật pháp, và ở đâu có Phật pháp thì ở đó có Giới pháp. Kinh tạng Nikaya đức Phật từng dạy:“Ai thấy pháp là người ấy thấy Phật, ai thấy Phật người ấy thấy pháp”. Trong Tứ Thư Bình Giải, chương 12-Cáo Tử Hạ, Mạnh Tử nói: “Khi trời muốn giao phó một trọng trách cho người nào đó, thì trước hết làm cho khổ cái tâm trí, nhọc cái gân cốt, đói cái thế xác, cùng túng cái thân người ấy, động tâm làm gì cũng nghịch ý muốn; có như vậy mới khích động cái tâm, kiên nhẫn cái tánh, thêm ích cho những điều chưa hay làm được.”
Cũng vậy, đối với người học Phật – hành giả chúng ta phải làm sao vận dụng sức mạnh của Thiền định để quán chiếu, thấy rõ được thực tướng của các pháp, từ đó ly tham dục nhập pháp phần.
IV. Kết luận
Qua bài học nầy, người học cần nắm vững các vấn đề sau đây:
1- Lời nhắc nhở – di huấn vô cùng sâu sắc của đức Thế Tôn đối với các đệ tử, thể hiện lòng quan tâm thương tưởng, hãy tôn trọng trân kính tịnh giới, đó là mạng mạch sự sống còn pháp thân huệ mạng của người tu học Phật.
2- Trong tất cả việc làm, dù thực hành mọi Phật sự, thuyết pháp độ sanh, giảng dạy, nhiếp chúng, thu phục tha nhân…, nhưng không rời tịnh giới mà làm, nếu tịnh giới mà bị khiếm khuyết thì việc giải thoát tự thân e rằng khó mà thành tựu được. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Vong thất Bồ-đề tâm tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp.” [1] Nghĩa là: Quên mất Bồ-đề tâm mà tu các pháp lành, đó là ma nghiệp. Vậy tâm Bồ đề đó là tâm gì? Tâm giác ngộ, tâm giải thoát, tâm viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết-bàn.
3- Tịnh giới được ví như của báu quý giá nhất trên cuộc đời nầy, không có gì sánh bằng được, gọi là vô tỷ giới, nghĩa là không có gì để so sánh như tịnh giới được. Tịnh giới nầy là bậc thầy của các thầy, không thể đem ra để cân đo đong đếm như một món hàng. Về phương diện tương đối – chân lý công ước mà nói, thì chúng ta tạm thời mượn ảnh dụ: “như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc”. Nhưng thật ra, tịnh giới còn quý giá hơn rất trăm, nghìn lần. Bởi lẽ trên đời thế giới phù hoa diễm lệ nầy, không có gì quý giá hơn như người mù lâu niên mà nay mắt lại sáng, thấy được vạn tượng sum la, thế giới lung linh huyền diệu; và vàng là 1 thứ kim loại quý giá nhất, cho dù bỏ trong, lửa đốt hay chôn vùi trong đất, trong bùn sình hoặc làm biến dạng nó, thì cái chất vàng đó cũng không bao giờ thay đổi được, cho nên, nói quý là quý ở chỗ nầy.
4- Trong tất cả các niềm tin, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng… thì trong đó chúng ta phải tin vào giới pháp, vì giới pháp có công năng đưa người vượt thoát biển sanh tử luân hồi; giải quyết vấn đề tử rồi sanh, sanh tử lững lờ trôi, là thuyền từ bát nhã, là giọt nước mát thanh lương cứu độ chúng sanh, con người quay về giác ngạn.
5- Hãy làm cho tịnh giới của mỗi nhân thể cá nhân của chúng ta luôn sống động với thân tướng của 1 người xuất gia, tâm hình của 1 vị Tỳ-kheo. Chứ không phải tịnh giới trên mặt hình tướng – lý thuyết suông, mà phải thể nhập vào pháp giới tánh, rồi từ pháp giới tánh đó lưu xuất ra tướng giới bên ngoài, đúng nghĩa, đúng chất, đúng hương vị ngọt ngào giải thoát, để vận dụng nó trong việc thực hành Bồ-tát đạo.
Tham khảo & chú thích
[1]. H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2006, tr. 6.
[2]. 忘失菩提心。修諸善法。是名魔業。