Phật Di Giáo Kinh Giảng Luận – Nguyên Định

Bài 6: Tác Dụng Của Giới

I. Chánh kinh

a. Chữ hán

此則略說持戒之相。 戒是正 順解脫之本,故名波羅提木叉。因依此戒,得生諸禪定及滅苦智 慧。

是故比丘,當持淨戒勿令毀缺。 若人能持淨戒,是則能有善 法。 若無淨戒,諸善功德皆不得生。 是以當知戒為第一安隱, 功德 之所住處。

b. Phiên âm

Thử tắc lược thuyết trì giới chi tướng. Giới thị chánh thuận giải thoát chi bổn, cố danh Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhân y thử giới đắc sanh chư thiền định cập diệt khổ trí huệ.

Thị cố Tỳ-kheo, đương trì tịnh giới, vật linh hủy khuyết. Nhược nhân năng trì tịnh giới, thị tắc năng hữu thiện pháp. Nhược vô tịnh giới, chư thiện công đức giai bất đắc sanh. Thị dĩ đương tri giới vi đệ nhất an ổn, công đức chi sở trụ xứ.

c. Dịch nghĩa

Ðó là Như-Lai nói tóm tắt về tướng của việc giữ giới. Giới thì chánh thuận với căn bản của sự giải thoát, nên Như-Lai mệnh danh Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ có năng lực huỷ diệt thống khổ.

Thế nên, các thầy Tỳ-kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sanh. Do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức.

d. Anh ngữ

This, briefly, is what is meant by observing the precepts. These precepts are fundamental (to a life based on Dhamma-Vinaya) and accord exactly with freedom (mokkha), and so are called the Pātimokkha. By relying on them you may attain all levels of collectedness (samādhi) and likewise the knowledge of the extinction of dukkha (unsatisfactoriness). It is for this reason, Bhikkhus, that you should always maintain the precepts in purity and never break them. If you can keep these precepts pure you possess an excellent (method for the attainment of Enlightenment), but if you do not do so, no merit of any kind will accrue to you. You ought to know for this reason that the precepts are the chief dwelling-place of the merit which results in both body and mind (citta) being at rest.

II. Đại ý

Thuyết minh về các giới tướng mà người xuất gia cần phải tuân thủ; giới có công năng đưa đến giải thoát, tăng trưởng công đức và nuôi lớn pháp thân tuệ mạng, nên người hành giới phải nghiêm trì tịnh giới; người hành chánh đạo muốn đạt được thiền định và trí tuệ thì phải y vào tịnh giới để tiến tu; ngã – tha đồng nhị lợi; một khi đắc sanh trí tuệ thì không phạm các khuyết giới. Do đó, tịnh giới là chỗ an trụ vững chắc đối với hành giả đang hướng về đạo lộ giải thoát.  

III. Lược giải

1. Lược thuyết về tướng giới

Đoạn: “此則略說持戒之相”. Nghĩa là: đó là Như-Lai nói tóm tắt về tướng của việc giữ giới (This, briefly, is what is meant by observing the precepts).

Đoạn kinh trên là nói tóm lược về các giới tướng mà một vị Tỳ-kheo nên giữ. Vậy, giới tướng đó là gì? Đó là các thầy Tỳ-kheo không được buôn bán, đổi chác, sắm sửa đất nhà, nuôi người, tôi tớ và súc vật, lo việc gieo trồng, kinh doanh tài bảo… (xem bài 5- những giới điều tiêu biểu). Hơn nữa, “Giới tướng” là sự khác biệt về tướng trạng trong việc thực hiện giới luật. Ví dụ như ngũ giới tại gia, bát quan trai giới, thập giới Sa di và Sa di ni; Tỳ-kheo (250 giới) và Tỳ-kheo ni (348 giới). Mỗi giới đều có sự khác biệt, hình tướng khác nhau tùy theo mức độ nặng nhẹ của tội. Nói chung, đề cập đến sự xuất hiện tùy phạm tùy chế và việc tuân thủ giới luật một cách nghiêm túc.

Chữ “trì” (持) ở đây có nghĩa là nắm giữ, giữ gìn rất mực cẩn thận đừng để cho sai phạm dù bất cứ lỗi nhỏ gì. Lại nữa, “trì” thì có chỉ trì và tác trì; chỉ phạm và tác phạm.

+ Chỉ trì, tức là phương tiện chánh niệm, hộ trì giới thể đã thọ, ngăn ngừa cấm chỉ thân tâm, không tạo việc ác, nên gọi là chỉ. Chỉ có nghĩa là dừng lại (E. Stop; tiếng Hindi gọi là Ruknaa, रुक-ना). Chỉ (dừng lại) mà không vi phạm, thuận theo giới đã thọ, khiến giới thể sáng trong tinh khiết, nên gọi là trì (trì có nghĩa là hành trì, thực hành oai nghi). Trì do chỉ mà thành, tức đối với các việc phi pháp ác nghiệp, không nên làm mà chẳng thể làm, đó gọi là chỉ trì. Vd: như việc biết giết con vật là mang tội sát sanh, vì biết có tội nên dừng lại không làm.

+ Tác trì, nghĩa là chuyên cần thúc liễm tam nghiệp thân khẩu ý, tu tập giới hạnh, tức là có việc thiện phát khởi thì phải hộ trì, nên gọi là tác (tác nghĩa là thực hành theo luật). Tác đúng như pháp; thuận theo giới thể đã thọ, nên gọi là trì. Trì do tác mà thành, đối với những việc đúng như chánh pháp cùng nghiệp thiện, nên làm thì phải cố làm, đó gọi là tác trì. Vd: như biết tụng kinh niệm Phật là phát sanh tăng trưởng trí tuệ, biết những pháp hành như vậy là đúng theo chánh pháp, nên tinh tiến hành trì.

+ Chỉ phạm, tức do tâm  vô minh giải đãi, cống cao ngã mạn, khiến thực hành ngược với giới thể đã thọ. Nơi các nghiệp thiện thù thắng, chẳng muốn tu học, nên gọi là chỉ. Chỉ mà có vi phạm, tức phản ngược lại lời nguyện thọ giới, nghĩa là phạm. Phạm do chỉ mà thành, tức ngay nơi nghiệp thiện thù thắng phải nên làm mà không chịu làm, đó gọi là chỉ phạm. Vd: ngày Bố tát tụng giới, đại chúng ai cũng tụng giới, còn cá nhân thì không, nên gọi là chỉ phạm.

+ Tác phạm, tức là trong tâm đầy dẫy những chất độc tham sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Tâm kích thích thân khẩu, tạo cảnh vi phạm luân lý, đó gọi là tác. Tác mà có vi phạm, tức ô nhiễm giới thể đã thọ, nên gọi là phạm. Phạm do tác mà thành, tức nơi nghiệp ác phi pháp không nên làm mà lại cố làm, đó gọi là tác phạm. Vd: do tâm trí ám độn, nên phát ngôn tà kiến, gọi là tác phạm.

2. Giới là căn bản của sự giải thoát

Đoạn: “戒是正順解脫之本,故名波羅提木叉”. Nghĩa là: giới thì chánh thuận với căn bản của sự giải thoát, nên Như-Lai mệnh danh Ba-la-đề-mộc-xoa (These precepts are fundamental (to a life based on Dhamma-Vinaya) and accord exactly with freedom (mokkha), and so are called the Pātimokkha).

Chánh thuận “正順”, chánh có nghĩa là chân chánh; thuận có nghĩa điều hòa, thích hợp. Lại nữa, “chánh thuận” có nghĩa là chính xác, tâm luôn hanh thông, sáng suốt, hành xử đúng với pháp tắc trong cuộc sống, không làm tổn thương mình, phương hại đến người khác, đồng thời có thể làm giảm thiểu những nổi khổ niềm đau, bức bách, chướng tai gay mắt không cần thiết trước mặt, do đó gọi là chánh thuận giải thoát.

Vậy, có trường phái nào khác gọi là “Giải thoát ngược” hay không? Gọi là nghịch giải thoát (逆解脫). Vì giới luật thanh tịnh hướng dẫn hành giả không phạm phải những sai lầm không cần thiết, nên giảm bớt đi nhiều đường lòng vòng, rắc rối, do đó thuộc về chánh thuận giải thoát. Trong pháp tu tịnh độ gọi là “hoành siêu tam giới”, và nếu như không giữ giới thanh tịnh, tức đồng nghĩa là bất tịnh, tuy có thể đi lạc đường trở về, nhưng đã đi đường lòng vòng, dài lê thê, ngoằn ngoèo, thì đây gọi là thuộc về sự tăng trưởng ngược.

Cho nên, hành trì giới vô cùng hay: chúng ta bỏ thì giờ để nghiên cứu sẽ rất đam mê và thích thú. Không giữ giới thì đừng mong thành Đạo, thành Bồ-tát, thành Phật được. Nhưng đời oái ăm thay! đời nay là thời đại mạt pháp, làm gì cũng mạt, mạt có nghĩa là tệ là xấu, điều tội lỗi. Đại sư Atisha (982-1054) nói rằng: Hưởng thụ và phóng dật không đem lại giá trị đích thực cho cuộc sống, do đó hãy làm giàu cho bản thân mình bằng cách bố thí (S & P. Dāna) của cải là sự giàu có tối thượng, nhờ đó quý vị sẽ trở nên xinh đẹp ở kiếp này và hạnh phúc ở kiếp sau, phải luôn luôn giữ gìn tịnh giới (S. Viśuddha-śīla). Thái độ bất thiện tham lam, sân hận và si mê đầy xung đột và tội lỗi có rất nhiều ở thời đại mạt pháp (S. Kali-yuga), do đó hãy tự bảo vệ chính mình bằng áo giáp nhẫn nhục, đừng chậm trễ do lười biếng gây nên, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc tinh tấn để giải thoát.” [1]

Thời đại mạt Pháp, vì trong lúc này, tu hành rất khó đắc giải thoát! Khi xuất gia làm sao mà chúng ta biết chọn nơi nào để nương tựa, chỗ nào gọi là vững chắc hay chọn nơi thiếu căn bản? Nhất là những vị xuất gia là những người dẫn đường – bậc đạo sư. Khi chúng ta không biết đường đi lối về, nhờ người dẫn đường, thuê người dẫn đường hay mướn người dẫn đường, quí vị thường chọn người biết đường hay chọn người lờ mờ không biết đường hoặc bất cứ ai cũng được? Người dẫn đường phải thông thạo thấu rõ đạo lộ đường lối. Nếu không thì sẽ dẫn cả đoàn đi hoài đi mãi không đến đích, sẽ lọt xuống hố sâu hầm nguy rất mau lẹ. Nói khác, nếu không có bậc Đạo sư dẫn đường nhắc nhở, thì người tu hành khó mà đạt đến giải thoát tối thượng. Xin tham khảo trong Sa di luật nghi yếu lược giải thích rất rõ về điều này: Phật chế, xuất gia giả ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền…”

Nói khác đi, giới được xem như là một bản đồ tối ư cần thiết rất quan trọng cho cuộc du hành của những hành giả xuất gia học Phật. Không có bản đồ chính xác trong tay thì làm sao chúng ta đi tới nơi về tới chốn được? Do đó, giới của Phật giáo là một bản đồ tốt nhất trên thế gian cuộc đời này, còn hay hơn là bản đồ Google-maps, Yahoo, Mapquest v.v… Giữ giới là thuận thiên thuận địa, sẽ đem lại sự giải thoát. Vậy nên, người tu học Phật phải nương theo người hiểu giới, biết luật để tiến tu. Đó được gọi Giới là căn bản của sự giải thoát có nghĩa là vậy.

3. Nhân y tịnh giới mà đắc sanh Thiền định và trí tuệ

Đoạn: “因依此戒,得生諸禪定及滅苦智 慧”. Nghĩa là: nhờ giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ có năng lực huỷ diệt thống khổ (By relying on them you may attain all levels of collectedness (samādhi) and likewise the knowledge of the extinction of dukkha (unsatisfactoriness)).

Nhân y vào giới mà đắc sanh Thiền định và trí tuệ; hễ người nghiêm túc hành trì giới, thì tự động sẽ sinh được thiền định, dù muốn hay không tự nhiên ắt sẽ thành, đã gieo chánh nhân thì sẽ gặt chánh quả và chánh giải thoát. Vậy, có người hỏi: bên ngoại đạo đâu có giữ giới Phật mà vẫn có định lực cao thâm và thần thông tuyệt hảo vậy? Xin thưa, ai nói là họ không có giữ giới? họ cũng rất coi trọng “đạo đức”, nhấn mạnh những điều răn cấm (commandments) để “thành đạo”. Vậy khác biệt ở đâu? Giới cao thì định cao, giới chính định chính (chính ở đây có nghĩa là chính thuận), giới tà thì định tà, giới thuận với thời thế thì tu hành dễ đắc đạo, đắc sanh trí tuệ.

Như vậy, cốt lõi của Phật giáo là không ngoài tam vô lậu học, đó là giới vô lậu, định vô lậu và tuệ vô lậu; cho dù Nguyên thủy, Đại thừa hay Mật thừa cũng y cứ vào 3 môn học này để thành tựu vô lậu. Thế thì làm sao để phát sanh trí tuệ; phải nghe nhiều, tư duy nhiều và tu nhiều; gọi là văn sở thành tuệ, có nghĩa là trí tuệ có được do nghe pháp mà thành tựu; tư sở thành tuệ, nghĩa là trí tuệ có được do tư duy nghiền ngẫm quán chiếu mà thành tựu; và tu sở thành tuệ, nghĩa là trí tuệ có được do công phu tu tập hành trì chánh pháp mà thành tựu. Trong kinh Bát đại nhân giác gọi là “Quảng học đa văn tăng trưởng trí tuệ”. Kinh Tạp A-hàm nói: “Kẻ phàm phu vì ngu si không học, sau khi mạng chung sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do đó, người tu học Phật chúng ta không muốn dạo chơi vào 3 cõi giới nầy thì phải tu trì giới định tuệ để đoạn trừ tham sân si.

Hơn thế nữa, người nghiêm trì giới luật, y vào tịnh giới để tu tập thì có khả năng đoạn trừ khổ đau, đồng thời trí tuệ phát sinh, tâm khai trí sáng. Giới luật là những quy tắc ứng xử, để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất từ những sai lầm phổ biến, và chuyển hóa chúng thành giới luật. Bởi vì trong quá trình thiết lập giới luật thanh tịnh có chức năng là “tỉnh giác”, tùy theo tình huống nhất định, người tu học Phật phải suy nghĩ về các quy luật của cuộc sống, tìm ra những cách ứng xử thích hợp nhất và hình thành một số giới luật để áp dụng trong cuộc sống, chẳng hạn như “quá giờ ngọ thì không ăn hay buổi chiều không ăn cơm” (過午不食). Xin tham khảo trong Sa di thập giới nói rất rõ: “Cửu viết bất phi thời thực…”

Tương tự như vậy, trong quá trình giữ giới, khi hành giả biết “mình lại sai phạm” thì đó cũng đồng nghĩa là “tỉnh giác”. Ngài lục tổ Huệ Năng nói rất hay: “thường tự kiến dĩ quá, dữ đạo tức tương đương” (常自見己過, 與道即相當) nghĩa là: tôi thường tự thấy lỗi mình, đó là cùng bình đẳng với Đạo”. Bài kệ này dạy chúng ta phương pháp tự ngộ. Tu Phật là tu cái gì? tu như thế nào đây? Đó là con đường tu thấy tánh, gọi là kiến tánh khởi tu (見性起修, thấy tánh mới bắt đầu tu) và con đường thành Phật. Người tu kiến tánh, thành Phật thì không việc gì ở đời có thể làm chướng ngại, đúng như tinh thần kinh Hoa Nghiêm nói: “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại” (理事無礙,事事無礙). Tuy nhiên, hành giả phải “luôn thấy lỗi của mình”, đó mới gọi là Đạo. “Thường tự thấy” tức là tự giác, sợ không thấy lỗi của mình. “Qua hay quá ” (過) có nghĩa là sai phạm, lỗi lầm, thì ở đây không có nghĩa là chúng ta phạm tội hay làm điều sai trái, những lỗi ấy chúng ta dễ nhận thấy, người thường cũng biết, huống chi là bậc hành giả trí tuệ. Cũng vậy trong kinh Pháp cú, kệ 63, đức Phật dạy:

Người ngu nghĩ mình ngu,

 Nhờ vậy thành có trí,

Người ngu tưởng có trí,

Thật xứng gọi chí ngu. [2]

Vì vậy, việc tuân giữ giới luật không nên chỉ xem là giới luật bên ngoài, mà cần phải quán chiếu sâu xa bên trong. Có người nói: ai là người giữ giới? Đáp rằng, nhờ giữ giới này mà đắc sanh thiền định và trí tuệ, đồng thời diệt trừ các thống khổ. Giữ giới là gốc của tất cả pháp tu hành, nếu rễ thối thì cây sẽ nguy hại, có thể dẫn đến chết, con người sẽ bị đọa lạc. Do đó, người tu học Phật pháp cần phải y vào tịnh giới để tiến tu đạo nghiệp, giống như người đi đường cần có bản đồ chỉ dẫn trong tay thì không lý do gì mà bị thất lạc tán loạn được. Thế nên, nói y vào tịnh giới nầy mà sanh ra các thiền định, cũng nhân nơi thiền định mà phát sanh ra trí tuệ để đoạn diệt trừ khử phiền não khổ đau, ý nghĩa lời Phật dạy nhấn mạnh ở chỗ nầy là vậy.

4. Khuyên tu tịnh giới và tránh phạm khuyết

Đoạn: “是故比丘,當持淨戒勿令毀缺”. Nghĩa là: thế nên, các thầy Tỳ-kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót (It is for this reason, Bhikkhus, that you should always maintain the precepts in purity and never break them).

Vì tầm quan trọng của việc trì giới có công năng là chuyển mê khai ngộ ly khổ đắc lạc; siêu phàm nhập thánh (siêu thoát cõi phàm phu để nhập vào thánh đạo), nên người hành giả, thọ giới thì nhất định phải giữ giới, vì giới là trang nghiêm pháp thân để đi vào đạo lộ giải thoát, chứ đừng xem thường, coi nhẹ giới pháp; đừng nghĩ chỉ cần cạo cái đầu mặt chiếc áo nầy mới gọi là tu đâu? Cạo đầu thì ai cũng cạo được, cầu thủ bóng đá cũng cạo được, võ sĩ boxing, quyền anh, mma cũng cạo được; cạo đầu thì dễ, cạo tâm thì khó; vào đạo thì dễ, hành đạo thì khó. Tổ quy sơn từng nói: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục. Cho nên, người học Phật không được xem nhẹ giới pháp, chúng ta phải xem giới như là lá bùa hộ mạng, nếu mất lá bùa nầy thì ma vương quỷ sứ sẽ thừa cơ xâm nhập vào ngay liền lập tức cướp mất nước công đức. Nếu không tu giới thì sẽ mất lợi ích. Đó cũng là lý do mà đức Phật nhắc lại rằng, Tỳ-kheo, người xuất gia thì phải giữ tịnh giới và tránh bị phạm khuyết, phải tôn trọng giới giống như tôn trọng Như Lai ở đời vậy. Khuyết ở đây có nghĩa là làm sứt mẻ. Vì do vô minh mê mờ mà phạm phải sai lầm tội lỗi. Không biết thì tiếp tục phạm. Biết mà cố phạm thì tội nặng hơn chắc chắn sẽ đọa, biết luật mà phạm luật thì tội chồng tội, còn đọa vào đâu cảnh giới nào thì tương xứng với nhân mà người đã gây ra. Người biết sợ đọa thì không dám phạm phải nữa.  

Hơn thế nữa, giới cũng được gọi là “chỉ ác”, nghĩa là dừng lại việc ác, ngưng lại điều ác. Vì vậy, người giữ được tịnh giới sẽ đạt được thiện pháp. Giữ giới thì tất cả thiện pháp căn lành sẽ được tăng trưởng. Cổ nhân có câu: Tu giới như luyện vàng. Nung lửa cho thật nóng để đốt cháy tất cả các chất cặn bả tạo thành vàng nguyên chất; cần có cách nung lửa cho được nhiệt độ cao. Có pháp môn cao minh mới đốt hết các ác tính và ô nhuế, phiền não tham sân si tâm phàm. Một khi chư ác tiêu diệt, thì chỉ còn lại thiện pháp mà thôi.

Cho nên nói công đức là vừa bên trong và vừa bên ngoài. Nghĩa là, công là việc làm bên ngoài có thể quan sát được, nhìn thấy được; chẳng hạn như các công ty xí nghiệp có máy chấm công cho công nhân gọi là timecard,  máy chấm công vân tay (timekeeper finger print), máy chấm công khuôn mặt (timekeeper face). Còn đức là chỉ cho bên trong, mắt thường nhìn không thấy được, sâu kín ẩn tàng bên trong, trong Duy thức học gọi với danh từ là Phù trần căn và Tịnh sắc căn. Người làm đức mà mong cho người khác thấy, thì đây không phải gọi là làm đức, mà gọi là làm bộ, làm ra vẻ là siêng năng. Tổ Quy Sơn nói: “…Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức…” [3] Nghĩa là: bên trong cần giữ được cái niệm công phu tu tập, bên ngoài thì mở rộng cái đức hạnh không tranh chấp.

Thiện công đức hay còn gọi công đức lành sanh từ làm việc tốt, hảo tâm, thiện tâm, từ bi tâm, từ hành động việc làm giúp đỡ người khác. Cái thiện sanh ra từ việc làm hành động, chứ không phải từ lời nói, mỹ ngữ.

Trên thì nói thiện công đức, vậy có ác công đức không? Làm sao có công đức xấu được? đối với những người làm việc tốt, mục đích không phải để giúp người mà thiệt ra là để tư lợi: chung quy cái hại lớn hơn cái lợi. Chẳng hạn như các nhà toán học tạo ra những phương tiện tài chánh (financial instruments) như trao đổi tín dụng (credit swaps) không phải vì muốn giúp nền kinh tế được lưu thông (financial market become more liquid) mà vì muốn tự làm giàu. Đây là đại sở khuyết của nền kinh tế tư bản. Vả lại, đức Phật còn khuyên các thầy Tỳ-kheo, nên tu tập giới luật thanh tịnh về năm phương diện và nhắc lại lợi ích của việc giữ giới:

1. Giới thể không bị mất.

2. Không làm cho giới khiếm khuyết, phạm giới.

3. Giới có thể sinh ra pháp lành (thiện pháp).

4. Không giữ giới thanh tịnh thì không thể hành thiện và

5. Gọi là tam giới bất an, an ổn nhất là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Các mục tiêu này chỉ có thể đạt được bằng cách hành giả, người tu học Phật phải giữ gìn giới luật – tịnh giới.

Đoạn: “ 若人能持淨戒,是則能有善法。 若無淨戒,諸善功德皆不得生”.  Nghĩa là: ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sanh (if you can keep these precepts pure you possess an excellent (method for the attainment of Enlightenment), but if you do not do so, no merit of any kind will accrue to you).

Những lời khuyên dạy của đức Phật đối với chư vị Tỳ-kheo rất thực tế và rõ ràng, bởi lẽ pháp mà đức Phật thuyết ra là thiết thực hiện tại, có khả năng hướng thượng và giải thoát; lời dạy trên chúng ta có thể hiểu trong 2 vế, đó là: có tu thì có công đức; không tu thì công đức khó mà phát sanh; ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sanh. Hàm ý đức Phật thuyết quả trước và nhân sau, đó là người muốn có thiện pháp, công đức (quả) thì phải giữ gìn tịnh giới (nhân), và ngược lại: giữ tịnh giới trang nghiêm thanh tịnh (nhân thiện) thì tăng trưởng các thiện pháp (quả thiện).

Cho nên nói: Giữ giới thanh tịnh thì được các pháp lành. Đó là lý do tại sao đức Phật nói: nếu không có giới luật thanh tịnh thì mọi công đức tốt đẹp sẽ không được sinh ra. Nếu như con người sống mà không có trí tuệ hay thiếu trí tuệ thì có khác nào con người có xác mà không hồn, cây thịt biết di động di chuyển.

Vì những lý do nầy, đức Phật cũng từng dạy: dù không gặp Như Lai hay cách xa Như Lai ngàn vạn dặm, nhưng tuân thủ hành trì giới luật thì người đó đang gần gũi Như Lai, đang cận trụ Niết-bàn giới; còn nếu ở gần Như Lai mà sống thờ ơ với giới luật, không thiết tha với những gì lý tưởng thì có khác nào thân thì gần Như Lai mà tâm hồn luôn cách xa thiên lý vạn dặm. Cho nên, trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, bài thứ 37, đức Phật dạy rất rõ: Đệ tử của ta tuy ở xa ta vài nghìn dặm, luôn nghĩ đến giới pháp của ta thì chắc chắn sẽ chứng được đạo quả. Ở gần bên ta, tuy thường gặp mà ta không thực hành theo giới pháp của ta, cuối cùng vẫn không chứng được Đạo. [4]

Cũng vậy, kinh Pháp cú, kệ 55, ĐP dạy: Hoa chiên đàn, già la/ Hoa sen, hoa vũ quý/ Giữa những hương hoa ấy/ Giới hương là vô thượng. [5]

5. Giới có thể sinh ra các công đức, là nơi an trú vững chắc

Phần này được hiểu, người giữ giới là có thể tạo ra vô lượng công đức thù thắng. Vậy, làm cách nào để tạo ra Đại thừa công đức? Đó là bằng cách chúng ta tu lục Ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ Ba la mật). Trong Nikaya Sutta Nipata (Kinh tập) đề cập đến Thập Ba la mật, đó là: Bố thí (Dana), Trì giới (Sila), Xuất gia (Nekkhamma), Trí tuệ (Panna), Tinh tấn (Viriya), Nhẫn nại (Khanti), Chân thật (Sacca), Quyết định (Adhitthana), Tâm từ (Metta) và Tâm xả (Upekkha). Vậy, ở đây việc trì giới Ba la mật được sắp xếp vị trí thứ hai trong 6 pháp Ba la mật, và cũng tạo ra các công đức khác nữa.

+ Trì giới có nghĩa là gì? là tâm không tham lam, tức là bố thí, mà tham thì có nhiều cách, gọi là tham thô và tham tế; đối lại với tham lam là thực hành hạnh tu bố thí, cúng dường. Việc cúng dường, người cúng dường hay bố thí. Làm thế nào để tăng trưởng công đức? phải dựa trên 3 yếu tố chân chính sau: thứ nhất, tâm người bố thí phải hoan hỷ; thứ hai, vật bố thí phải thanh tịnh trân trọng đồ tốt, đồ ngon, nói chung là sản phẩm chất lượng; và thứ ba, người bố thí, vật phẩm bố thí và người nhận cả 3 đều bình đẳng (tam luân không tịch, 三輪空寂). Cũng vậy, trong kinh Tứ thập nhị chương, chương thứ 10: Đức Phật dạy rằng: Thấy người thực hành bố thí, hoan hỷ giúp đỡ thì được phước rất lớn. Có vị Sa môn hỏi Phật: Phước này có hết không? Phật đáp: Thí như lửa của một ngọn đuốc, hàng trăm hàng ngàn người đem đuốc đến mồi lửa về để nấu ăn hay để thắp sáng, lửa ngọn đuốc này vẫn như cũ. Phước của người hoan hỷ hỗ trợ cho người thực hành bố thí cũng vậy.” [6] Đó là nói về trì giới thông qua hành động việc làm bố thí.

+ Biết nhẫn nhục: bị mắng nhiếc mà không phạm khẩu nghiệp.

Thời đức Phật còn tại thế, có một lần, đức Phật đi giáo hóa vùng Bà-la-môn. Các tu sĩ Bà-la-môn thấy đệ tử của mình đi theo đức Phật nhiều quá, nên ra đón đường dùng những câu thô tục sĩ vả chửi mắng đức Phật. Nhưng ngài vẫn đi thong thả, ung dung tự tại, trong khi đó các tu sĩ Bà-la-môn đi theo sau chửi rủa. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại và hỏi:

– Hỏi; này ông Cù-đàm, bộ ông nghe hả?

– Đáp: Ta không điếc.

– Hỏi: Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?

– Đáp: Này Bà-la-môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng cho họ, nhưng họ không nhận, thì quà đấy thuộc về ai?

– Quà ấy thuộc về tôi chứ ai.

– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì những lời mắng nhiếc tội lỗi đó thuộc về ông rồi.

Cũng vậy, trong kinh Tứ thập nhị chương, chương thứ 7, đức Phật dạy: Có người nghe ta giữ đạo, thực hành tâm đại nhân từ, nên đến mắng ta; ta im lặng không phản ứng. Người kia mắng xong, ta liền hỏi: Ông đem lễ vật biếu người khác, người kia không nhận thì lễ vật ấy trở về với ông không?

Đáp: Về chứ. Ta bảo: Nay ông mắng ta, ta không nhận thì tự ông rước họa vào thân, giống như vang theo tiếng, bóng theo hình, rốt cuộc không thể tránh khỏi. Vậy, hãy cẩn thận, đừng làm điều ác.” [7]

Trong Trung Bộ kinh, bài 2- kinh Tất cả các lậu hoặc, đức Phật dạy các thầy Tỳ -kheo, có nhiều cách tu tập để đoạn trừ lậu hoặc, phiền não, trong đó có những lậu hoặc phải do lòng kham nhẫn chịu đựng để đoạn trừ: “này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.”

Về phương diện khác, nhẫn ở đây không phải là nhường nhịn 1 cách thiếu trí tuệ, không hiểu biết gì, mà nhẫn nhịn ở đây cũng không phải là kẻ hèn nhác, yếu đuối, bạc nhược; con người chịu sức nhẫn chừng nào thì càng thành công chừng đó. Vào thời đức Phật còn tại thế, vua A-xà-thế (S. Ajātaśatru), Đề-bà-đạt-đa (S. Devadatta) và chàng Vô-não (S. Aṅgulimāla) đã bao phen nhiều lần tìm cách hại đức Phật, ấy thế mà đức Phật tâm vẫn an nhiên, chẳng buồn phiền mà còn phát tâm thương xót cảm hóa họ nữa. Rồi chuyện cô gái giả bụng chửa để vu oan, mạ nhục ngài trước hàng vạn thính chúng, thế mà ngài vẫn bình thản rải tâm từ thương xót cho chúng sanh mê muội, ám độn, nhưng cuối cùng ngài đã độ cho cô gái đáng thương ấy. Hơn nữa, đức Thế Tôn đã gặp không biết bao nhiêu là chướng duyên và nghịch cảnh, thế mà tất cả đều tiêu tan bất thành trước trí huệ và định lực của ngài. Chính ngài đã nói rằng: nhẫn nhục khiêm tốn không có nghĩa là khiếp nhược, mà trái lại chúng là đạo quân trung thành đưa ta đến thanh tịnh và rốt ráo. Nói 1 cách nghiêm túc, nhờ các chướng duyên trên đối với Bồ-tát Tất-đạt-đa, bằng sự tinh tấn chuyên cần nỗ lực của ngài vượt qua mọi chướng duyên ấy, để ngài mau chóng thành Phật, đạo quả giác ngộ. Còn chúng ta thì sao? khi bị người khác xúc phạm năm ba câu là nghe nghịch nhĩ, trong tâm bất ổn – khó kiềm chế cảm xúc, mình không đủ tâm độ lượng bao dung nữa, mà mình cứ bung dao thôi. Trên bước đường đạo lộ tu tập nầy còn nhiều và rất nhiều cái người tu học Phật chúng ta cần phải nhẫn nữa; nhẫn ngoài nghĩa là nhẫn nhịn, nhẫn nại, nhẫn nhục, gọi là nhẫn thô, còn có những pháp mình cần phải nhẫn nó nằm sâu kín tiềm ẩn bên trong ý nghĩ, tâm tư – gọi là nhẫn tế. Chữ nhẫn nầy còn gọi là “Vô gián đạo”, nghĩa là không còn bị thối đọa trên con đường đạo. Vì vậy, hạnh tu nhẫn nhục là pháp tu trì giới (tức là giữ giới), mà công đức cũng sinh ra – có được cũng từ đó chứ không đâu khác.

Đoạn: “是以當知戒為第一安隱功德 之所住處”. Nghĩa là: do đó mà biết tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức, (you ought to know for this reason that the precepts are the chief dwelling-place of the merit which results in both body and mind (citta) being at rest).

Chúng ta thử nghĩ, tại sao công đức lại cần nơi an trú vững chắc? Đây đâu phải là người mà cần nơi an trú? Trong các truyện tích Phật giáo có nói: thời Phật còn tại thế, khi đức Phật đang đi kinh hành trên bờ biển, thì có 1 em bé gia đình nghèo khó, nhìn thân tướng hảo trang nghiêm Phật mà em bé đó phát tâm cung kính muốn cúng dường đức Phật dù chỉ 1 lần (one only one). Bèn lấy cát làm thành một cái bánh và đem cúng Phật. Ngài hỏi, con cúng dường ta, con muốn điều gì con cầu xin điều gì? Em bé ăn xin nói: con xin sau này rất giàu và mạnh nên không ai còn giám khinh thường con nữa. Vì lời nguyện ước năm xưa, mà sau này em bé nhờ công đức cúng dường bánh cát đó mà sinh vào nước Ấn-độ, thành vua A-dục, chinh phục khắp mọi phương, giết người vô số kể. Trong lịch sử Ấn-độ ghi lại, vua A-dục trong trận đánh chinh phục Kalinga, hậu quả để lại: trên 100.000 người bị thiệt mạng và 10.000 bị thương tật. Khi ông thức tỉnh giác ngộ thì qui y làm đệ tử đức Phật và thọ ngũ giới, trở thành hộ pháp vương Phật giáo. Nhờ vậy mà ông thoát đọa địa ngục.

Công đức tạo ra phước mà không cất giữ, sẽ bị tiêu hao mòn mất. Hưởng phước sung sướng vừa tiêu mòn phước vừa tạo nghiệp, thì ắt là sẽ bị đọa, bị hữu lậu. Vì vậy, đức Phật mới nhắc nhở – khuyên dạy các thầy Tỳ-kheo, trong đó có chúng ta nữa, nếu có công đức mà biết cất đúng nơi, đúng chỗ thì công đức mới có lợi, mới vững bền. Biết dùng công đức thì sự nghiệp tu hành đi lên hướng thượng giải thoát. Cho nên, ngân hàng công đức tốt, đáng tin cậy, úy tín chất lượng cao – gọi là đệ nhất, an ổn nhất đó là Giới. Giới được xem là chiếc phao nổi để giúp người vượt thoát ái hà sanh tử, thuận tiện đạt đến Niết-bàn giải thoát.

IV. Kết luận

Qua bài học nầy, người học cần nắm vững các vấn đề liên quan sau:

1. Giữ thanh tịnh giới là căn bản của sự tu hành. Giới mà thanh tịnh thì phiền não sẽ giảm.

2. Đừng để phạm khuyết dù chỉ 1 lỗi nhỏ nào, nhất là đừng để mất giới thể. Giới là huyết mạch là hơi thở được truyền từ thầy qua trò (mình). Phạm giới sẽ hủy hoại sự liên hệ mật thiết với sư phụ (đạo sư).

3. Đạt được thiện pháp, làm thiện là giúp đời giúp người, là một cách tạo phước đức quan trọng nhất, thực tế nhất, gần gũi nhất, vì đạo Phật là ban vui cứu khổ.

4. Giới bất tịnh, tức là làm ác, không có công đức.

5. An trú công đức, giữ tịnh giới thì sẽ đi đúng hướng, thuận chánh đạo, mau chóng thành Phật.

Sinh thời HT Tuyên Hóa (1918-1995) từng nói: Người tốt thì không nên trách người khác, nếu trách họ thì mình là người xấu; kẻ giàu thì không lợi dụng người khác, nếu lợi dụng họ thì mình là kẻ sống bần cùng; hiền nhân không nổi giận, nếu nổi giận thì mình có khác nào là kẻ ngu. Thật sự, khi mình sống tốt thì không còn thấy cái xấu của người; người có cuộc sống giàu có đầy đủ sung túc thì còn tham lam làm gì? khi những cái đó đối với mình quá dư thừa; người sống đời thanh cao, thì không bao giờ tự mình làm ô uế bản thân mình, tự dày vò và biết bao dung tha thứ độ lượng cho người khác.

Tham khảo & chú thích

[1]. Xem http://chuamaisonvinhan.org/nhung-loi-giao-huan-cua-dai-su-atisha/

[2]. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, 2006, tr, 22.

[3]. 内勤克念之功。外弘不諍之德。

[4]. 佛言:佛子離吾數千里,憶念吾戒,必得道果。在吾左右,雖常見吾,不順吾戒,終不得道。

[5]. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, 2006, tr, 20.

[6]. 佛言:睹人施道,助之歡喜,得福甚大。沙門問曰:此福盡乎?佛言:譬如一炬之火,數千百人各以炬來分取,熟食除冥,此炬如故;福亦如之。

[7]. 佛言:有人聞吾守道,行大仁慈,故致罵佛。佛默不對。罵止,問曰:子以禮從人,其人不納,禮歸子乎?對曰:歸矣!佛言:今子罵我,我今不納,子自持禍歸子身矣!猶響應聲,影之隨形,終無免離,慎勿為惡。

Kinh Di Giáo