Bài 8: Chế Ngự Tâm Ý
I. Chánh kinh
a. Chữ hán
此五根者, 心為其主, 是故汝等當好制心。 心之可畏甚於毒蛇, 惡獸, 怨賊, 大火, 越逸未足喻也。 譬如有人手執蜜器, 動轉輕躁, 但觀於蜜, 不見深坑。譬如狂象無鉤, 猿猴得樹, 騰躍踔蹲, 難可禁制, 當急挫之, 無令放逸。縱此心者, 喪人善事。 制之 (心)一處, 無事不辦。是故比丘, 當勤精進, 折伏汝心。
b. Phiên âm:
Thử ngũ căn giả, tâm vi kỳ chủ, thị cố nhữ đẳng đương hảo chế tâm. Tâm chi khả úy thậm ư độc xà, ác thú, oán tặc, đại hỏa, việt dật vị túc dụ dã. Thí như hữu nhân thủ chấp mật khí, động chuyển khinh táo, đản quan ư mật, bất kiến thâm khanh. Thí như cuồng tượng vô câu, viên hầu đắc thọ, đằng dược trác (xước) tồn, nan khả cấm chế. Đương cấp tỏa chi, vô linh phóng dật. Túng thử tâm giả, táng nhân thiện sự, chế chi nhất xứ, vô sự bất biện. Thị cố Tỳ-kheo đương cần tinh tấn, chiết phục nhữ tâm.
c. Dịch nghĩa
Các thầy Tỳ-kheo, năm thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Ví như có người tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu, như thế không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng nhảy vọt, khó mà ngăn cản; các thầy phải cấp tốc tỏa chiết, đừng cho phóng túng. Phóng túng tâm ra thì làm tan nát việc thiện của người. Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành. Thế nên, các thầy Tỳ-kheo, hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình.
d. Anh ngữ
The mind is the lord of the five senses and for this reason you should well control the mind. Indeed, you ought to fear indulgence of the mind’s (desires) more than poisonous snakes, savage beasts, dangerous robbers or fierce conflagrations. No simile is strong enough to illustrate (this danger). But think of a man carrying a jar of honey who, as he goes, heeds only the honey and is unaware of a deep pit (in his path!) Or think of a mad elephant unrestrained by shackles! Again, consider a monkey who after climbing a tree cannot, except with difficulty, be controlled! Such as these would be difficult to check: therefore hasten to control your desires and do not let them go unrestrained! Indulge the mind (with its desires) and you lose the benefit of being born a man; check it completely and there is nothing you will be unable to accomplish. That is the reason, O Bhikkhus, why you should strive hard to subdue your minds.
II. Đại ý
Bài kinh nầy nói về tầm quan trọng của tâm. Trong tất cả các pháp, dù thiện hay bất thiện đều do tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác. Muốn lợi mình ích người thì phải hàng phục bổn tâm; chế ngự được tâm thì không việc gì mà không thành tựu.
III. Lược giải
1. Tâm làm chủ – dẫn đầu các pháp
Đoạn: “此五根者, 心為其主, 是故汝等當好制心”. Nghĩa là: Các thầy Tỳ-kheo, năm thứ giác quan do tâm chủ động, vì vậy mà các thầy lại phải thận trọng chế ngự tâm mình (The mind is the lord of the five senses and for this reason you should well control the mind).
Trong bài kinh nầy, đức Phật khuyên dạy các thầy Tỳ-kheo, đối với tất cả các pháp dù là hành động thô hay là tế đều do tâm làm chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác; hay nói khác, mọi sự quyết định đều do tâm. Do đó, trong kinh Pháp Cú, phẩm Song yếu, đức Phật day:
“Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.”
“Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng, không rời hình.”[1]
Như vậy, con người khi tác ý làm việc bất thiện, xấu hoặc việc làm thiện, tốt; hoặc giả dụ làm Phật thánh hay làm phàm phu; làm người hay làm phi nhân; làm tăng hay làm tục v.v… tất cả đều do tâm quyết định cả; mà tâm nầy là gì? Nhục nhãn con mắt của mình có thể thấy được không? Tâm này bởi không có hình sắc nên không thể nắm bắt hay nhìn thấy được, mà nó có công năng vô cùng. Kinh Thập thiện nói: “Nhi tâm vô sắc, bất khả kiến thủ, đản thị hư vọng, chư pháp tập khởi, tất cánh vô chủ, vô ngã ngã sở.”[2] Nghĩa là: Tâm không hình sắc, không thể thấy, không thể nắm bắt, chỉ do các pháp hư vọng hợp lại mà khởi hiện, rốt ráo không có chủ tể, không có ngã và ngã sở.
Dựa trên cơ sở đó, kinh văn nói: “Năm thứ giác quan do tâm chủ động”; bản chất của tâm vốn không có tội lỗi, cũng vậy 5 thứ giác quan tự nó cũng không có lỗi lầm gì cả. Năm thứ giác quan, tức là ngũ căn, trong Duy thức học gọi là tiền ngũ thức, ngũ căn lấy ý làm chủ, ông sếp của ngũ căn là đệ lục căn hay còn gọi là ý căn; ý căn là óc suy nghĩ, cũng gọi là tâm vương, vua óc, óc thích làm vua.
Trong kinh Căn tu tập, đức Phật đã bác bỏ của quan điểm của Bà-la-môn Pasariya, vì ông ta chủ trương rằng, tu tập giác quan là không nên thấy sắc với mắt, không nên nghe tiếng với tai; có nghĩa là: người mù sẽ là người có căn tu tập và người điếc sẽ là người có căn tu tập; người mù dễ tu hơn và người điếc dễ tu hơn hay sao? Nếu nói như vậy thì người mù không thấy sắc với mắt, người điếc không nghe tiếng với tai; người mù làm sao thấy sắc được, người điếc lấy đâu ra nghe âm thanh được? người mù và người điếc sẽ đạt kết quả tu tập giác quan hay sao?
Khi nghe đức Phật nói vậy, thì thanh niên Uttara đệ tử của Bà-la-môn Pasariya ngồi im lặng, hổ thẹn, thụt vai, mặt cúi gầm xuống, trầm ngâm, không nói năng gì cả.
Về quan điểm nầy, đức Phật gọi tôn giả Ananda tới và dạy rằng: “Này Ananda, thế nào là vô thượng căn tu tập trong giới luật bậc Thánh? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, khởi lên khả ý, khởi lên bất khả ý, khởi lên khả ý và bất khả ý. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta. Cái này khởi lên, vì là hữu vi nên thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là xả”. Cho nên, dầu cho cái gì khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Này Ananda, như một người có mắt, sau khi mở mắt, lại nhắm mắt lại, hay sau khi nhắm mắt, lại mở mắt ra; cũng vậy, như vậy là tốc độ, như vậy là sự mau chóng, như vậy là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt (trong vị ấy), và xả tồn tại. Trong giới luật bậc Thánh, này Ananda, như vậy gọi là vô thượng căn tu tập đối với các sắc do mắt nhận thức.”[3]
Ðức Phật muốn nói rằng, khi mắt thấy đối tượng là sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngửi mùi thơm, thân xúc chạm vật thô cứng hay mềm dễ chịu và ý hình dung, tưởng tượng thì tâm sẽ khởi lên 3 thái độ nhận thức: Một là vừa ý, hai là không vừa ý và ba là trung hoà cũng vừa ý mà cũng không vừa ý. Khi tâm khởi lên ý niệm với đối tượng là sắc tướng hay âm thanh thì ta phải quán chiếu rằng sự khởi lên 3 thái độ ấy là không đúng, là sự vọng động, vọng tưởng, là điên đảo, là sự thô trọng của kẻ phàm phu. Vì chúng ta đang đi trên con đường thánh gọi là Thánh đạo, đang dần dần từng bước chuyển phàm thành Thánh, đừng để tâm ý chúng ta rơi vào trạng thái niệm tưởng phàm nhiều quá; trong Duy thức học danh từ gọi là “bối trần hiệp giác”, có nghĩa là: hướng mặt về tĩnh thức, giác ngộ, quay lưng với trần cảnh khổ đau. Nên chúng ta quán chiếu để thấy rằng, nếu tâm không khởi lên 3 thái độ như trên thì tâm được an tĩnh thù diệu, cái đó là tâm xả. Nhờ quán chiếu như thế, nên khi các ý niệm về 3 thái độ khởi lên thì sẽ bị đoạn diệt ngay lập tức. Cho nên, tu tập giác quan khác nhau là chỗ đó. Khi mới tu tập phải ngăn ngừa các giác quan đi theo thói quen thường tình là hướng đến các đối tượng lạc thú, thích nhìn thích ngắm… và tránh xa các đối tượng không lạc thú. Khi tu tập giác quan thuần thục rồi, tức là phần thô hoàn chỉnh, thứ nữa là phải tiếp tục cảnh giác chế ngự tâm ý vi tế đối với các đối tượng lạc thú, phải biết rằng tâm mới là chủ nhân các pháp. Có người chủ quan cho rằng tu tâm mới quan trọng, còn giác quan không cần bận tâm, rồi họ phó thác mặc cho giác quan muốn nhìn muốn ngắm, muốn nghe ngóng tin tức thời sự thế giới đông tây thoải mái, thưởng thức đủ thứ mọi chuyện trên đời.
Đứng về phương diện tu tập mà nói: người tu theo pháp Tịnh độ, chủ trương niệm Phật, đối tượng đó là danh hiệu Phật A-Di-Đà, và nơi sanh về là Thế giới cực lạc (Sukhavati) hoặc Tây phương cực lạc, còn gọi là An dưỡng quốc, căn bản có bốn phương pháp. Đó là: Trì danh niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Thật tướng niệm Phật. Trong đó, pháp Trì danh niệm Phật rất phổ biến, được nhiều người ứng dụng hành trì. Trì danh niệm Phật là niệm danh hiệu của một vị Phật, Bồ-tát như niệm danh hiệu Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ-tát Quán Thế Âm v.v… Trì danh niệm Phật có nhiều kỹ thuật niệm như: Niệm thành tiếng, niệm thầm trong tâm, niệm nhỏ vừa đủ nghe, niệm và soi chiếu tự tâm. Quán tưởng niệm Phật – niệm và quán tưởng hình dung tướng hảo của đức Phật, niệm và lạy Phật. Quán tượng niệm Phật – niệm và quán hình tượng của đức Phật, dù hình tượng bên ngoài được làm bằng xi măng, kim loại vàng, đồng hay đá cẩm thạch chẳng hạn, thì tâm của mình luôn luôn niệm nghĩ giống như đức Phật đang hiện tọa trước mặt mình; và thật tướng niệm Phật – tức là niệm từ nơi tự tánh, Phật tánh là chân pháp thân của mỗi con người, mỗi chúng sanh ai cũng viên mãn tròn đầy, bởi lẽ thật tướng của các pháp là bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm; niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, lúc đó hành giả đi vào tham thiền. Cho nên, người hiểu rõ niệm Phật chân chính không phản đối tham thiền, và người hiểu rõ tham thiền chân chính cũng chẳng phản đối niệm Phật làm chi. Chẳng những không phản đối niệm Phật mà cũng chẳng phản đối Tịnh độ, Thiền hay Mật; có điều khổ nỗi là trên đời nầy, chúng ta là chúng sanh, vì đó là chúng sanh nên tự sanh tâm phân biệt, có người nói: tôi tu theo Thiền, ông kia tu theo Tịnh độ, còn người kia tu theo Mật, tu theo Thiền mới đúng, còn mấy tông kia không phải của Phật giáo; nếu nói như vậy thì khác nào, “đầu thượng an đầu”[4] (trên đầu còn đặt thêm đầu nữa), hay “tuyết thượng gia sương[5] (trên tuyết thêm sương), cẩm thượng thiêm hoa[6] (trên gấm thêu hoa). Nhưng thật ra, tất cả các tông vốn là một, cũng từ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà ra, chẳng có phân biệt quá nhiều như vậy.
Nếu như mình thuộc 1 pháp môn nào thì mình đang ở trong một phạm vi hạn hẹp; tự vẽ cho mình một phạm vi nhỏ bé, tạo ra một giới hạn chật hẹp, bởi vì tâm Phật là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Như vậy, thật tướng niệm Phật tức là tham thiền, mà tham thiền tức là niệm Phật. Thế nên, người học Phật chúng ta chớ nên gây tổn thương tình ruột thịt và chớ nên tự tạo rắc rối cho mình. Cho dù niệm theo cách nào thì cũng phải chú tâm vào đề mục, phát huy tỉnh giác cao độ, hướng đến nhất tâm mới có thể cảm ứng.
Như vậy, nói chế ngự giác quan tức đồng nghĩa là chúng ta chế ngự tâm, đó là 1 chứ không phải là 2; mặc dù trên phương diện tâm lý học nói tâm mới là chủ, tâm dẫn đầu trong các pháp, nhưng nếu không có các căn hỗ trợ, tức các giác quan thì tâm làm sao tác ý được? Chế ngự tâm là cách nói khác của chế ngự giác quan và chế ngự giác quan là chế ngự tâm.
Tương tự, để thấy rõ về tầm quan trọng của tâm như thế nào, trong kinh Tứ thập nhị chương nói: “Hữu nhân hoạn dâm bất chỉ, dục tự trừ âm. Phật vị chi viết: “Nhược đoạn kỳ âm, bất như đoạn tâm. Tâm như công tào. Công tào nhược chỉ, tùng giả đô tức. Tà tâm bất chỉ, đoạn âm hà ích?”[7] Nghĩa là: Có người lo lòng dâm dục chẳng dứt được, muốn tự đoạn âm. Phật bèn bảo rằng: Đoạn âm không bằng đoạn tâm. Tâm như vị Công-tào; nếu Công-tào nghỉ, thì kẻ tòng sự đều nghỉ. Tà tâm chẳng dứt, đoạn âm ích gì?
Chúng ta biết, tâm ở đây được ví như là vị công tào, là ông vua, khi vua bãi triều thì thần quan cũng theo đó mà giải tán. Cũng vậy, tâm tà không đoạn thì đoạn âm có ích lợi gì đâu? Đoạn âm mà không đoạn tâm, giống như nhổ cỏ chặt ngọn chừa rễ, đoạn tâm là chặt gốc. Trên thực tế, đức Phật thường dạy, người hành đạo cầu giải thoát thì phải gạn bỏ, gột rửa hết lòng tham ái ham muốn mới chứng đắc đạo, giống như khúc gỗ tươi còn đầy nhựa ướt thì khó mà đốt cháy được. Người hành đạo cầu quả vị giải thoát mà tâm còn vướng víu bận bịu quá nhiều đậm chất a xít ái dục thì làm sao cầu mong giải thoát được, mà nếu có chứng đắc giải thoát thì cũng chỉ là chứng đắc quả dâm mà thôi: Kinh Thủ lăng nghiêm nói: “Nếu lấy tâm dâm mà cầu diệu quả chư Phật, dầu được cũng chỉ là gốc dâm mà thôi. Gốc đã dâm thì phải trôi lăn trong ác đạo, không thể thoát khỏi. Vậy làm sao mà chứng đắc Niết bàn.” Thế nên chư Phật, Bồ tát, Thánh Tăng đều có cái nhìn nhất quán đó là: Dâm dục là lửa sinh tử thiêu đốt Bồ đề Niết-bàn, phải nhờm gớm nó, viễn ly xa lìa nó: “Mười phương Như Lai xem sự hành dâm là lửa dục. Bồ-tát xem dục như lửa phải tránh.”[8]
Sở dĩ con người chúng ta tâm hay sợ sệt lo lắng là bởi vì chưa đoạn được tâm ái luyến, tâm tham dục, cho nên làm cái gì, nghĩ cái gì cũng bị trở ngại sanh ra lo lắng và sợ hãi hết. Kinh Pháp cú, đức Phật dạy rất rõ:
“Do ái sinh sầu ưu,
Do ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?” và
“Ái luyến sinh sầu ưu,
Ái luyến sinh sợ hãi,
Ai giải thoát ái luyến,
Không sầu, đâu sợ hãi?”[9]
Cho nên, muốn chế ngự – điều trị ngũ căn thì phải biết khéo léo chế ngự tâm vương. Trong bản kinh Di giáo nầy, dùng chữ thiện rất nhiều, chữ thiện (善) ở đây được dịch là “lành”, ngoài ra còn được hiểu nghĩa khác là “khéo”; trong thập hiệu Như Lai, danh từ Thiện thệ (善逝), tiếng Phạn gọi là Sugata (सुगत), ‘su’ có nghĩa là “khéo” và ‘gata’ là đi không trở lại; là người đã khéo đi qua cõi thế gian; khéo léo vượt qua mọi chướng ngại và ra đi một cách tốt đẹp, nghĩa là sau khi chứng đạo, ngài dùng Nhất thiết trí hóa độ chúng sanh, thực hành Bát thánh đạo rồi an trú Niết-bàn. Bí mật ở cái khéo, ai cũng biết về tâm vương, nhưng ít ai biết cái khéo để chế ngự tâm vương. Khéo có nghĩa là sao? Phải biết khéo léo uyển chuyển trong mọi tình huống.
Nếu như chúng ta không biết khéo chế ngự tâm thì tâm thật đáng sợ như thế nào rồi? Nói về tâm, khoa học ngày nay gọi là tim hay trái tim. Theo sự phân tích của Phật giáo về tâm rất chi tiết và thấu đáo, trong phạm vi bài học nầy chúng ta có thể tóm tắt trong các phạm trù sau đây:
1. Nhục đoàn tâm (肉團心): trái tim bằng xác thịt – bộ phận thuộc về hệ thống tuần hoàn máu trong cơ thể con người và động vật bậc cao. Trong Bồ-tát giới kinh có nói: “Hễ Bồ-tát nghe tiếng bọn người ác ngoại đạo đem lời dèm pha phá huỷ Phật giáo, dường như ba trăm mũi giáo đâm vào tâm mình.”
2. Tinh yếu tâm (精要心): chỗ kín mật nhất, chỉ cái tinh hoa cốt tuỷ nhất của Phật giáo. Đức Phật dạy: “Trong Phật pháp luôn lấy Tâm làm gốc, lấy thân và khẩu làm ngọn.” Tức phần tâm sâu thẳm nhất bên trong mỗi con người. Như “Bát Nhã Tâm Kinh” là tinh túy của “Đại Bát Nhã Tâm Kinh” gọi đầy đủ Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh, tiếng Phạn gọi là Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, bản dịchtiếng Anh: Heart of Perfect Wisdom Sutra, gồm 600 quyển. Đến thế kỷ thứ VI, ngài Huyền Trang (602 664) tinh tuý lại gồm có 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông.
3. Kiên thực tâm (堅實心): là cái tâm không hư vọng, cũng gọi là chân tâm. Chỉ cái tuyệt đối, cái mầm mống giác ngộ vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, đó là Phật tính, tự tánh thanh tịnh tâm, Như Lai Tạng tâm, chân tâm, viên giác tánh, như lai tàng tánh, bản lai diện mục, chân như, như như Phật… Trong kinh Thủ lăng nghiêm nói: “Căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm; căn bản của bồ đề niết bàn là chân tâm.“
4. Tập khởi tâm (集起心) còn gọi là A-lại-da thức (阿賴耶識) dịch nghĩa là Tạng thức (藏識), nơi chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần, kể cả hạt giống thiện – ác; là căn nguyên của mọi hoạt động nhận thức, hoạt động tâm lý; là nơi lưu trữ những hạt giống sinh ra muôn sự muôn vật, hữu hình hay vô hình. Tâm lý học phương Tây thường gọi thức này là vô thức hay tiềm thức. Kinh Hoa nghiêm nói: “Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo.”[10] Nghĩa là: Nếu người muốn thông suốt, ba đời tất cả Phật, nên quán tánh pháp giới, hết thảy do tâm tạo.
5. Tư lượng tâm (思量心) còn gọi là Mạt-na thức (末那識): thức thứ bảy trong tám thức. Vì thức mạt-na tương ứng với bốn mê mờ đó là ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ái ngã, luôn cho cái thấy của thức A-lại-da là thực thể, dính mắc vào ngã, nên nó làm đủ thứ việc nhiễm ô bất tịnh, do đó nó còn gọi là “nhiễm ô ý”. Hay nói khác, một trong các chức năng chính của mạt-na là nhận lập trường chủ quan của thức thứ tám (A-lại-da thức), lầm cho lập trường này là bản ngã của chính mình, vì vậy mà tạo ra chấp ngã, là bản ngã, là cái tôi của con người (ego-consciousness). Bản chất của nó là suy tính, nhưng có sự khác với thức thứ sáu. Nó được xem là tâm trạng của một lĩnh vực mà người ta không thể điều khiển một cách có chủ ý, thường phát sinh những mâu thuẫn của những quyết định tâm thức và không ngừng chấp dính vào bản ngã. Trong Du già sư địa luận nói: “Mạt-na nhậm trì ý thức linh phân biệt chuyển, thị cố thuyết vi ý thức sở y.”[11] Nghĩa là: Mạt-na nhận lấy ý thức, khiến sinh khởi phân biệt, nên gọi nó là chỗ y cứ của ý thức.
6. Duyên lự tâm (緣慮心): tâm duyên theo cảnh giới gồm 8 tâm thức, đó là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt na thức và a-lại-da thức.
Năm căn hay 5 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân lấy tâm làm chủ; Tâm là “chủ” của năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Tâm nầy chính là duyên lự tâm (緣慮心) như đã đề cập ở trên, còn được gọi là “ý căn” hay thức thứ 6 – gọi là ý thức. Ngũ căn cộng với ý căn gọi là “lục căn”, có khi còn gọi là tiền lục thức. Ngũ căn luôn theo đuổi ngũ dục và luôn chọn trạng thái ưa thích trong ngũ dục đó. Nên “tâm” đóng vai trò lãnh đạo và ra lệnh trong việc theo đuổi ngũ dục và lựa chọn để khuất phục ngũ dục. Do đó kinh văn nói: “tâm vi kỳ chủ” (do tâm chủ động).
Bởi vì con người có một tâm nầy, nên duyên theo đó mà có sự phân biệt thủ xả, đưa ra lựa chọn về mọi thứ. Những hoạt động của tâm gây ra mọi hành động đối với bản thân chính thể ấy. Chúng ta có thể quan sát thấy, có người còn lấy ngón tay ngoáy lỗ mũi, hay chọt gãy trong nách, và những chỗ khác tế nhị hơn hoặc nghịch ngón chân trước mặt khách, hành vi khiếm nhã – thiếu lịch này là do tâm xúi giục.
Trong Thánh Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật Kinh (胜天王般若波罗蜜经) nói: “Tâm không tự thấy, dù thiện hay ác đều từ tâm phát sinh, tâm xoay chuyển như bánh xe lửa, xoay chuyển dễ dàng như ngựa, bùng cháy như lửa, bùng lên như nước.”[12] Bởi lẽ Tâm vốn vô hình, vô tướng nên tự nhiên không thể “tự thấy”, mà tất cả lời nói và việc làm thiện – ác của con người, đều từ tâm phát sinh. Vì tâm là thứ dẫn đến mọi hành động của con người. Cho nên, “Điều phục được tâm thì điều phục được tất cả các pháp.”[13]
Tương tự như vậy trong kinh Tứ thập nhị chương, chương 28 đức Phật dạy: “Phải thận trọng đừng chủ quan với tâm ý của ông. Tâm ý của ông không thể tin được, (vì vậy) hãy thận trọng đừng gần nữ sắc. Gần gũi với nữ sắc thì tai họa phát sinh. Khi nào chứng quả A-la-hán rồi mới có thể tin vào tâm ý của ông.”[14]
Phát xuất từ động cơ khuyên dạy này, đức Phật còn nhấn mạnh: không sợ gần đao kiếm, không sợ chết bởi đao kiếm, mà thật sự là sợ nữ nhân, sợ chết dưới đao kiếm sắc đẹp của người nữ, vì chết như vậy sẽ đem lại đau khổ nhiều lần, nhiều đời, nhiều kiếp, cứ mãi luân hồi trong ái hà sanh tử.
“Hãy nói chuyện với người
Có kiếm ở trong tay
Nói chuyện với ác quỷ
Hay ngồi thật gần kề
Nhưng chớ có một mình
Nói chuyện với nữ nhân
Thất niệm chúng trói lại
Với nhìn, với nụ cười
Với xiêm áo hở hang
Với lời nói ngọt lịm
Người ấy vẫn không thỏa
Bất tỉnh bị mạng chung”.
Đây là lời đức Phật dạy trong kinh Tăng chi. Cho nên, khi nào chúng ta chứng đắc quả vị A-la-hán hay đang đi trên con đường hướng đến A-la-hán, gọi là A-la-hán hướng, thì người tu sĩ chúng ta mới có quyền tự tin vào nơi chính bản thân mình, và có thể tự tại phát biểu rằng: Giờ đây tôi mới thật sự giải thoát mọi ái triền hệ phược. Bên cạnh đó, cũng lời dạy nầy, trong kinh Bát đại nhân giác, một lần nữa đức Phật đã khuyên dạy những ai là đệ tử Phật thì phải ý thức rõ ràng: “Tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu.”[15] Nghĩa là:Tâm là cội nguồn của điều ác, thân là đầm lớn của tội lỗi. Chúng ta nên biết, căn nguyên của điều ác và đầm lớn của tội lỗi đều phát xuất từ việc chúng ta không biết điều phục chế ngự tâm, từ đó mà tâm sẽ tác ý cho hình hành động tạo ra vô vàn tội lỗi.
2. Các ảnh dụ chỉ cho “tâm”
Đoạn :“心之可畏甚於毒蛇, 惡獸, 怨賊, 大火, 越逸未足喻也”, nghĩa là: tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm (Indeed, you ought to fear indulgence of the mind’s (desires) more than poisonous snakes, savage beasts, dangerous robbers or fierce conflagrations. No simile is strong enough to illustrate (this danger)).
Tâm của chúng ta không phải là thứ mà mình muốn khuất phục được nó là điều phục liền được đâu? Nó không đơn giản dễ dàng như chúng ta nghĩ tưởng? Phải nói rằng, chúng ta ngoan ngoãn tìm thời cơ phù hợp để khuất phục nó, vì nó rất là ranh ma, rất mạnh mẽ, rất khó điều phục và rất khó đối phó. Tâm này khủng khiếp như thế nào? Chúng ta có thể nói một cách miễn cưỡng, đó là: Tâm còn đáng sợ hơn cả: rắn độc, ác thú, oán tặc, đại hoả.
+ Rắn độc (毒蛇): con rắn càng nhỏ chừng nào thì độc tố nọc độc của nó càng nặng chừng đó (trừ trường hợp rắn con mới đẻ thì hàm lượng độc của nó chưa đủ sức để công phá các động mạch của con người), nên chúng ta không thể xem nhẹ coi thường con rắn nhỏ, lời dạy trong Kinh văn nói về con rắn độc ở đây là tượng trưng cho tâm tham của con người, mà tâm tham là 1 trong 3 món độc làm nhiễm ô ao công đức, phá huỷ thành trì giác ngộ. Chữ “tham”, tiếng phạn gọi là Lobha, bắt nguồn từ “Lubh”, có nghĩa bám chặt vào, hay cột lại, có thể được dịch là “luyến ái”, hay “bám níu”. Ái dục cũng được dùng trong nghĩa tương đương với lobha, tham dục. Khi giác quan tiếp xúc với một đối tượng đáng được ưa thích, tức trần cảnh khả ái – yêu thích, thông thường có sự luyến ái hay bám níu phát sanh. Ngược lại, nếu đối tượng không đáng được ưa thích thì có tâm bất toại nguyện. Để đối trị tâm tham – độc xà nầy là dùng pháp bố thí hay tu trì giới để đoạn trừ chuyển hoá tâm tham.
+ Ác thú (惡獸): ác thú hay mãnh thú là chỉ cho những con thú rừng hung hãn, hung dữ, mạnh mẽ; ác thú trượng trưng cho tâm sân, tiếng Phạn gọi là Dosa, là sự bất toại nguyện, sự giận tức, bực bội, tính nóng nảy. Sân (Dosa) bắt nguồn từ căn “dus”, sự không bằng lòng, không vui, bất toại nguyện – không như ý, sự bất mãn. Để đối trị tâm sân – ác thú nầy nên tu trì Thiền định để đoạn trừ chuyển hoá tâm sân.
+ Oán tặc (怨賊): oán tặc còn được gọi tên khác là giặc thù, chúng rất tàn nhẫn, vô lương tâm, vô đạo đức, vô nhân tính, là kẻ bất lương vô đạo, không chịu buông tha cho bất cứ 1 ai, kể cả đồng loại hay cùng dòng máu đỏ huyết thống với chúng, chúng sẳn sàng ra tay cưỡng bức, cướp bóc kho tàng công đức, phước báu của chúng ta cho đến hết sạch sành sanh hay cạn tàu ráo máng mới chịu bỏ đi; oán tặc nầy tượng trưng cho tâm si, tiếng Phạn gọi là Moha, bắt nguồn từ căn “muh”, có nghĩa là lầm lạc, ảo tưởng, u mê ám độn. Đó là trạng thái mê mờ, lầm lạc, ảo tưởng. Chính moha bao trùm đối tượng như một đám mây mờ và làm cho tâm mù quáng, không thấy rõ đường đi lối về. Để đối trị tâm si mê – oán tặc nầy nên tu trì dùng lưỡi gươm vàng trí tuệ để đoạn trừ chặt đứt tâm si.
+ Đại hoả (大火): có nghĩa là lửa lớn.
Kinh văn còn chỉ ra các ảnh dụ khác như:
Đoạn: “譬如有人手執蜜器, 動轉輕躁, 但觀於蜜, 不見深坑。譬如狂象無鉤, 猿猴得樹, 騰躍踔蹲, 難可禁制, 當急挫之, 無令放逸”. Nghĩa là: ví như có người tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy, chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu, như thế không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng nhảy vọt, khó mà ngăn cản; các thầy phải cấp tốc tỏa chiết, đừng cho phóng túng, (but think of a man carrying a jar of honey who, as he goes, heeds only the honey and is unaware of a deep pit (in his path!) Or think of a mad elephant unrestrained by shackles! Again, consider a monkey who after climbing a tree cannot, except with difficulty, be controlled! Such as these would be difficult to check: therefore hasten to control your desires and do not let them go unrestrained!).
+ Người bưng bình mật chăm chú vào bình mật chứ không thấy hố sâu nguy hiểm phía trước.
Con người chúng ta khi tâm chưa định tĩnh, còn lăng xăng tung tăng cũng như người cầm bình mật ong, cầm đồ quí báu trong tay lật đật hấp tấp chân đi bận rộn, vừa đi vừa chạy, vừa nhảy bôn ba cho công việc, chỉ để ý đến mật vì tham bình mật, bát mất, hủ mật hay chén mật mà quên coi đường đi, vì đang bận nghe nói chuyện cell-phone điện thoại. Đây là 1 tai hại rất nguy hiểm.
+ Tâm không được kiềm chế như con voi bị say rượu hay voi điên mà không có móc sắt: chúng ta biết, voi điên hay voi bị ép uống rượu cho say, làm mất đi phản xạ của loài thú, không phân biệt được đâu là chủ và đâu là khách, cứ hễ thấy có người là chảy thẳng tới tấn bằng cách giẫm đạp, dùng ngà, dùng vòi để cuốn hoặc húc đối tượng. Cũng vậy, nếu tâm của chúng ta chưa được huấn luyện thuần thục, thì tâm sẽ nghĩ quấy nghĩ tà, nghĩ chuyện dân gian thế tục.
+ Tâm không bao giờ đứng yên, luôn vọng động như con khỉ, con vượn nhảy nhót vui chơi chuyền cành, hết cành này qua cành nọ, khó được cấm chế, là tại sao? Đôi lúc chúng ta nghĩ vui chơi 1 tí mà có tai hại gì đâu phải lo lắng? Không đơn giản như vậy, “ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc, nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay”, chính vì khởi tâm đam mê 1 tí mà phải đứt thần thông rơi xuống vườn Isipitana gọi là chư tiên đoạ xứ, vì tâm vọng động nên sản sinh các chất độc phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến … rồi từ các chất độc phiền não đó lại tạo ra các thứ như là đố kỵ, ích kỷ, hẹp hòi, bủn xỉn, keo kiệt, tranh giành, hơn thua, phải trái … cũng từ gốc rễ đó mà nó sanh ra hoa trái như là phẫn, hận, não, tật, xan, cuống, xiểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri … Cho nên, nói tâm chính là căn bản của các phiền não, là cội nguồn sinh ra các điều ác.
Tất cả những ý niệm, suy nghĩ đó đều bị thức tri lừa gạt, nhận thức sai lầm, nên đức Phật mới khuyên dạy: “Các thầy phải cấp tốc toả chiết – biết điều khiển nó, đừng cho phóng túng – cái tâm nầy nó hay thích làm bậy lắm đó.”
3. An trú chánh niệm chế ngự tâm ý
Đoạn: “縱此心者, 喪人善事”. Nghĩa là: Phóng túng tâm ra thì làm tan nát việc thiện của người (Indulge the mind (with its desires) and you lose the benefit of being born a man).
Đứng về phương diện đạo đức nhân bản để nói: con người 1 khi phóng túng buông lung tâm ý chạy theo các trần cảnh ngoại duyên về tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng địa vị … thì sẽ mất đi thiện duyên cơ hội làm người tốt; chúng ta biết, thân người khó được (nhân thân nan đắc), một khi đã mất thân nầy thì muôn kiếp có được thân người lại nữa hay không? nếu được thân người thì có đầy đủ lục căn thông minh trí tuệ lục phủ ngũ tạng hay không? Thì đây là vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận trong công phu tu tập của mình. Vì sao chư Tổ, những bậc thầy thường dạy: “Hạt gạo của thí chủ, nặng như núi Tu-di, đời nay không liễu đạo, mang lông đội sừng trả.” Người tu Phật học Phật phải thấy được giá trị công phu của người nông dân làm ra được hạt lúa, hạt gạo khó khăn đến chừng nào? Trong nghi thức quá đường: “Thân phi nhất lũ thường tư chức nữ chi lao, Nhật thực tam xan mỗi niệm nông phu chi khổ.” Nghĩa là: Thân này khoác một manh áo đơn sơ nhưng thường nghĩ đến sự vất vả của người thợ dệt. Cơm ngày ăn ba bữa hằng nhớ đến sự khó khổ của kẻ nông phu. Ý nghĩa của bài kệ ấy là nhằm để nhắc nhở người xuất gia chúng ta phải luôn luôn nhớ đến công ơn của người đàn việt, thí chủ. Chúng ta biết, sau khi thành đạo, đức Phật luôn biết ơn bát cháo sữa của nàng Tu-xà-đề (Sujata) cúng dường cho ngài khi còn hành Bồ-tát đạo, đây là 1 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật. Cho nên, con người dựa vào những cơ hội thiện duyên làm việc tốt nầy để thăng tiến làm người. Cõi người là môi trường rất tốt để chúng ta tu tập, hành đạo, xây dựng đạo tràng, thiết lập tịnh độ nhân gian; đừng bỏ mất cơ hội tốt đó, đừng bỏ lỡ chuyến đò ngàn năm ấy. Chúng ta không nên quá vội vàng mơ tưởng, ảo tưởng, mộng tưởng, cầu sanh Tây phương tịnh độ hay vãng sanh tịnh độ, mà trong khi đó mình chưa kiến tạo tịnh độ nhân gian cho bản thân mình khi còn sống trong cuộc đời nầy, nghĩa rằng, mình phải thiết lập tịnh độ ngay nơi tâm của mình vững chắc kiên cố rồi sau đó mới sanh về tịnh độ của đức Phật A-Di-Đà. Nếu không nghe lời Phật dạy, tin vào kinh sách, thánh điển, lời của thầy Tổ sách tấn mà mê đắm cái “tưởng”, tuân lệnh ngũ căn – các giác quan, phục tùng cho khoái lạc cảm xúc của nó, thì người này sẽ bị gọi là thân bại danh liệt, tàn phế tàn đời, việc thiện của người này nhất định sẽ bị tiêu tan mất đi biến thành mây khói, các thiện pháp công đức cũng theo đó mà huỷ hoại. Đây là sự thật và không nói ngoa, lộng ngôn, lộng ngữ chút nào cả. Sự thật của cuộc đời đã minh chứng rõ ràng về hành động đi sai pháp quyền nhân bản đạo đức của loài người, của xã hội, của đạo lý con người cho chúng ta thấy rằng:
Sự kiện thứ nhất: vào tháng 3 năm 2001, tổng thống Afghanistan là Mullah Mohammed Omar, ra lệnh đặt chất nổ phá huỷ vào 2 pho tượng Phật được khắc sâu vào núi đá ở Bamiyan, miền Trung Afghanistan từ năm 507 đến 554 S.TL, một bức tượng cao 53 m, còn một bức cao 38 m, có bề dày lịch sử gần 1.500 năm tuổi để phản đối việc quốc tế viện trợ tiền bạc bảo trì 2 bức tượng quý giá ấy, trong khi đó dân chúng Afghanistan đang đói khổ. Việc dân tình đói khổ, là không thể quy toàn trách nhiệm đó vào cho Phật giáo được, vì Phật giáo được xem tương tự như là 1 chính thể của Pháp luật nhà nước, chứ không phải là lãnh đạo toàn cầu hay toàn quốc gia nào đó.
Sự kiện thứ hai: ngày 11-9-2001, những phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, đã chiếm quyền điều khiển 3 chiếc máy bay, trong đó gây ra thảm kịch máy bay 911 và phối hợp tấn công liều chết nhằm vào toà nhà Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Centers Association – WTC) ở New York và Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington. Vụ tấn công nầy khiến mọi người có mặt trên 3 chiếc máy bay và gần 3.000 người khác thiệt mạng.
Do vậy, hai việc làm trên, 1 người là Tổng thống, còn 1 người là Giáo đầu (教頭) nghĩa là người đứng đầu của 1 giáo phái cuối cùng phải chịu quả báo xấu và để mình rơi vào cạm bẫy, đây không phải là “phóng túng tâm ra thì làm tan nát việc thiện của người” hay sao?
Đoạn: “制之 (心)一處, 無事不辦”. Nghĩa là: Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành (check it completely and there is nothing you will be unable to accomplish).
+ Chế (制), có nghĩa là phép tắc, quy định, đặt để vào trong 1 khuôn khổ nhất định nào đó hoặc dừng lại.
+ Tâm (心), chỉ cho đệ lục thức tâm vương, tâm lăng xăng.
+ Nhất (一) một, duy nhất, nhất nầy không phải có cái thứ hai.
+ xứ (處), là chỗ, nơi (local).
+ vô (無), không, không có.
+ Sự (事), việc.
+ Bất (不) không.
+ Biện hay thành (辦, 成) thành tựu.
Chế ngự tâm lại một chỗ thì không có việc gì mà không làm được (không có việc chi mà không thành tựu được, nghĩa là việc gì làm cũng được cả). Cho nên, nói đến tâm Phật là tâm bao trùm khắp hư ko, tâm Phật nơi đâu chỗ nào cũng đem lại tình thương từ bi độ khắp chúng sanh.
Nếu tâm chúng ta có thể an trú trong Giới, Định và Tuệ, để tâm có thể tập trung một chỗ, không vọng tưởng, không xao lãng, không chao động, thì mọi phiền não, vô minh sẽ tự nhiên tiêu tan, các tạp niệm sẽ tự nhiên được thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh thì sẽ thành tựu Phật đạo vô thượng. Tâm thanh tịnh thì việc gì cũng thành, dù làm bất cứ mọi việc trong cuộc đời, đem tâm Phật mà làm, với tâm giải thoát để làm, thì tất cả công đức thiện sự không việc gì mà không làm được.
Con người thường không để ý đến tâm này, nên khi làm việc và xử lý vấn đề thường bắt đầu từ “sự phân biệt, tư lợi cá nhân”, và kết quả đạt được rất ít, thậm chí chỉ thu về kết quả không như mong muốn. Chúng ta muốn có đời sống văn minh trong lời nói thánh thiện, hành vi việc làm ngăn nắp, người người vui vẻ hoà đồng, san sẻ với nhau trong bữa ăn, hoà khí với nhau trong lời nói, bưng ly trà uống mà thấy đậm tình quê hương, thì trước hết mỗi đương thể ấy phải văn minh nơi trong tâm hồn của mình. Có 1 câu nói rất hay “bạn muốn thay đổi thế giới, thì trước tiên bạn phải cần thay đổi chính mình.” (Be the change you want to make in the world).
Trong Phật Thuyết A Di Đà Kinh nói: “Nhất tâm bất loạn” (一心不乱), người niệm Phật nếu tâm không loạn sẽ được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Ngài Milarepa (1052 – 1135) bậc Mật sư nổi tiếng của mật tông Tây tạng nói rằng: “Nhược dục tức thân thành Phật, vô tán chuyên nhất quán tự tâm.”[16] Nghĩa là: Nếu muốn trở thành một vị Phật trong cơ thể của mình, quý vị nên tập trung vào tâm trí của chính mình mà không bị phân tâm. Ở đây “vô tán chuyên nhất” đó là “chế tâm nhất xứ” được đề cập trong kinh văn.
Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814) trong Truyền Đăng Lục quyển thứ sáu có nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”[17] Nghĩa là: Khi gạt hết mù ám trên đất tâm thì mặt trời trí tuệ sẽ tự nhiên rọi sáng. Như vậy, “tâm địa nhược không” đó chính là “chế tâm nhất xứ” được nói trong kinh văn nầy.
Trong Bồ Tát Giới Kinh nói: “Ngã bổn nguyên tự tánh thanh tịnh, nhược thức tự tâm hiện tánh, giai thành Phật đạo”[18] Nghĩa là: Bổn tánh ta vốn thanh tịnh, biết tự tâm, thấy tánh đều thành Phật. Ý kinh văn nói ở đây: “tự tâm hiện tánh” là chỉ cho “chế tâm nhất xứ” trong lời Đức Phật dạy đã thuyết minh ở trên.
Kinh Tịnh danh (Duy ma cật) nói: “Tức thời hoát nhiên, hoàn đắc bổn tâm”[19] Nghĩa là: Ngay lập tức mà thông suốt đại ngộ, liền trở về bổn tâm. Ở đây “hoàn đắc bổn tâm” là ngụ ý chỉ cho “chế tâm nhất xứ” trong kinh văn đã giải thích ở trên.”
Trong Lục Tổ Đàn Kinh, Lục tổ nói: “Thiện tri thức, bất ngộ tức Phật thị chúng sanh, nhất niệm ngộ thời chúng sanh thị Phật, cố tri vạn pháp tận tại tự tâm. Hà bất tùng tâm trung, đốn kiến chân như bổn tánh?”[20] Nghĩa là: Thiện tri thức, nếu không ngộ thì Phật là chúng sanh, một niệm ngộ thì chúng sanh là Phật, nên biết vạn pháp đều ở tự tâm mình. Tại sao không từ nơi tâm liền lập tức để thấy chân như bổn tánh? Ở đây “vạn pháp tận tại tự tâm”, nhằm chỉ về “chế tâm nhất xứ” đã giải thích trong kinh văn.
Trên tinh thần đó, người tu học Phật chúng ta phải thường quán chiếu câu kinh nầy, và đây cũng là đề mục quán trong lúc tọa thiền: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (制之 心一處, 無事不辦). Người thành công trên bước đường tu học là do biết chuyên tâm.
4. Tinh tấn hàng phục bổn tâm
Đoạn: “是故比丘, 當勤精進, 折伏汝心”. Nghĩa là: Thế nên, các thầy Tỳ-kheo, hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình (That is the reason, O Bhikkhus, why you should strive hard to subdue your minds).
Đức Phật luôn khuyên răn dạy bảo các thầy Tỳ-kheo, hãy nỗ lực tinh tiến ngày cũng như đêm để hàng phục chế ngự bổn tâm, cụ thể là ở trong Giới kinh nói: “Đại chúng! mỗi người nên nhứt tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham thiền, chớ để thời gian luống qua vô ích mà sau nầy phải ăn năn. Đại chúng, mỗi người nên nhất tâm cung kính y theo giới nầy, như pháp tu hành, cần nên học tập.”[21]
Cho nên, nói chiết phục tâm của mình chứ không phải hàng phục tâm của người khác; nói độ chúng sanh tâm là độ chúng sanh tâm của mình chứ không phải độ chúng sanh tâm của ai khác. Khi nào chúng ta hàng phục được lục căn thì đồng nghĩa của việc chứng đắc sơ quả Tu-đà-hoàn, như thế mới có được bảo hiểm tu chứng, không còn sợ bị đọa nữa, hành giả cứ thế mà tiến tu đạo nghiệp để bước lên ngôi vị giải thoát.
Ở đây kinh văn nói “chiết” (折) có nghĩa là bẻ gãy, phá vỡ, chiết đoạn (折断), và nó được sử dụng để mô tả việc “làm tan vỡ” tâm lăng xăng vọng động nầy, nhưng tâm vốn vô hình vô tướng thì chúng ta không đủ cơ sở để phá vỡ nó được! Tuy nhiên, chữ “chiết” được sử dụng ở đây rất sống động, như thể chúng ta nghe thấy âm thanh mê hoặc được điều phục. Tâm vọng tưởng được điều phục, giống như tâm bị “phá vỡ”. Sau khi chúng ta hiểu được sức mạnh của “lục tặc” tức là 6 tên trộm và tác hại của việc đắm chìm trong sắc dục, nên con người chúng ta luôn tinh tấn và không ngừng điều phục “tâm” của mình. Nếu chúng sinh buông tâm thì sẽ rơi vào hố sâu. Nếu tâm chúng sinh được điều phục một chỗ thì lúc này thảnh thơi thong dong tự tại làm việc chi cũng thành tựu cả.
Thế thì, người tu học Phật chúng ta làm thế nào để “điều phục tâm mình?” Trước hết, chúng ta phải sáng suốt hiểu rõ thiện là gì? và ác là gì? Thiết lập tư tưởng yêu thích việc làm thiện và chán ghét việc ác; thứ hai, là hãy đặt suy nghĩ và hành vi của mình về Chánh pháp và nỗ lực để hướng thượng. Học tập những kiến thức, ăn những món ăn tinh thần bổ dưỡng cho đầu óc, mở thông trí tuệ và thân thể của mình, trong Phật giáo có 4 loại thức ăn (đoàn thức, xúc thực, thức thực và tư niệm thực), người tu học Phật cần phải huân tập và nuôi dưỡng chúng; đồng thời phát nguyện làm những việc có ích cho xã hội, tất cả đều là thiện pháp. Sau đó, chúng ta sử dụng “mục ngưu dụ” (牧牛喻) tức là ảnh dụ nghệ thuật chăn trâu, như đã giải thích ở bài trước (bài 7: chế ngự các giác quan); chiết phục tâm mình cũng giống như chăn trâu, trong tâm khởi vọng tưởng thì diệt ngay lập tức; giống như khi chăn trâu, khi đầu con trâu vừa hướng về phía cây lúa mạ của người, thì chúng ta liền lập tức dùng sợi dây kéo đầu trâu trở lại; đi một đoạn, khi đầu con trâu lại hướng về phía cây lúa mạ của người, thì chúng ta lập tức kéo đầu trâu ra sau. Sau rất nhiều lần lặp đi lặp lại như vậy, cuối cùng vọng tâm của chúng ta sẽ được “chiết phục”.
IV. Kết luận
Điều phục ngũ căn cũng có nghĩa là chế ngự tâm, người hành giả chế ngự được tâm mình trong Giới luật để có thể tập trung tâm vào một chỗ và không còn vọng tưởng, thì mọi lo âu, si mê sẽ được tiêu trừ. Do đó, trên lộ trình hành đạo chánh kiến và chánh tinh tấn là 2 yếu tố rất quan trọng để an trú trong chánh niệm và chế ngự tâm ý.
Tham khảo & chú thích
1] Kệ 1 & 2.
[2] 而心無色。 不可見取。但是虛妄。諸法集起。畢竟無主。無我我所。
[3] Trung bộ kinh (tập iv), 152 – Căn tu tập.
[4] 頭上安頭.
[5] 雪上加霜.
[6] 錦上添花.
[7] 佛言。有人患淫不止。欲自斷陰。佛謂之曰。若斷其陰。不如斷心。心如功曹。功曹若止。從者都息。邪心不止。斷陰何益。
[8] Kinh Thủ Lăng Nghiêm
[9] Kệ 212, 213
[10] 若人欲了知、三世一切佛、應觀法界性、一切惟[唯]心造.
[11] 末 那 任 持意 識 令 分 別 轉 是 故 説 爲 意 識 所 依.
[12] 心不自见。若善若恶悉由心起,心性回转如旋火轮,易转如马,能烧如火,暴起如水。
[13] 若能伏心则伏众法。
[14] 佛言。慎勿信汝意。汝意不可信。慎勿與色會。色會即禍生。得阿羅漢已。乃可信汝意。
[15] 心是惡源,形為罪藪。
[16] 若欲即身成佛位,无散专一观自心。
[17] 心地若空,慧日自照。
[18] 我本元自性清净,若識自心见性,皆成佛道。
[19] 即時豁然,還得本心。
[20] 善知識,不悟即佛是眾生;一念悟時眾生是佛,故知萬法盡在自心。何不從心中,頓見真如本性?
[21] HT Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, Nxb Tôn giáo, 2006, các tr. 9-10.