Bài 7: Chế Ngự Các Giác Quan
I. Chánh kinh
a. Chữ hán
汝等比丘,已能住戒, 當制五根,勿令放逸, 入於五欲。 譬如牧牛之人, 執杖視之,不令縱逸, 犯人苗稼。 若縱五根,非唯五欲, 將無崖畔, 不 可制也。 亦如惡馬, 不以轡制,將當牽人墜於坑陷。 如被劫害, 苦止一 世,五根賊禍殃及累世,為害甚重,不可不慎。 是故智者制而不 隨,持之如賊, 不令縱逸, 假令縱之,皆亦不久見其磨滅。
b. Phiên âm
Nhữ đẳng Tỳ-kheo, dĩ năng trụ giới, đương chế ngũ căn, vật linh phóng dật nhập ư ngũ dục. Thí như mục ngưu chi nhân, chấp trượng thị chi, bất linh túng dật, phạm nhân miêu giá. Nhược túng ngũ căn, phi duy ngũ dục, tương vô nhai bạn, bất khả chế dã. Diệc như ác mã, bất dĩ bí chế, tương đương khiên nhân trụy ư khanh hãm. Như bị kiếp hại, khổ chỉ nhất thế. Ngũ căn tặc họa, ương cập lụy thế, vi hại thậm trọng, bất khả bất thận. Thị cố trí giả chế nhi bất tùy, trì chi như tặc, bất linh túng dật, giả linh túng chi, giai diệc bất cửu kiến kỳ ma diệt.
c. Dịch nghĩa
Các thầy Tỳ-kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào năm thứ dục lạc. Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa mạ của người. Phóng túng năm thứ giác quan, thì không những chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào nữa, không thể cấm chế. Như con ngựa hung hãn mà không được chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống hầm hố. Giặc cướp làm hại, khổ chỉ một đời, còn giặc giác quan họa đến nhiều kiếp tai hại rất nặng, các thầy không thể không cẩn thận. Thế nên, người có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng túng. Giả sử phóng túng năm thứ giác quan, thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả.
d. Anh ngữ
O Bhikkhus, if you are able already to keep within the precepts, you must next control the five senses, not permitting the entry of the five sense desires by your unrestraint, just as a cowherd by taking and showing his stick prevents cows from entering another’s field, ripe for the harvest. In an evil-doer indulging the five senses, his five desires will not only exceed all bounds but will become uncontrollable, just as a wild horse unchecked by the bridle must soon drag the man leading it, into a pit. If a man be robbed, his sorrow does not extend beyond the period of his life but the evil of that robber (sense desires) and the depredations caused by him bring calamities extending over many lives, creating very great dukkha. You should control yourselves!
Hence, wise men control themselves and do not indulge their senses but guard them like robbers who must not be allowed freedom from restraint. If you do allow them freedom from restraint, before long you will be destroyed by Māra.
II. Đại ý
Bài kinh nầy đức Phật dạy Tỳ-kheo an trụ trong tịnh giới, một khi ngũ căn đã được chế ngự thì các dục trần không đủ điều kiện, cơ sở để phá họai tịnh giới được.
Căn chính là ngũ căn, còn gọi 5 giác quan bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi và thân; là người xuất gia – Tỳ kheo, nên quán sát các căn môn, không phóng túng vào ngũ trần, ngũ trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nếu buông bỏ năm căn thì năm căn sẽ sinh ra đủ thứ khổ đau, các điều ác như tà dâm, nói dối cũng từ đó mà sinh ra. Vì vậy, Tỳ-kheo điều đầu tiên phải làm là giữ gìn ngũ căn, không để cho các pháp phóng dật, giữ cho mắt không thấy điều sai quấy, tai không nghe lời thị phi, mũi không tham mùi hương, miệng không tham vị, thân không mong cầu. Giống như một người chăn gia súc, cầm gậy trông chừng, không phạm vào lúa mạ của người; cũng vậy, người không phóng túng ngũ căn sẽ tăng trưởng pháp thân, trí tuệ và mạng sống đưa đến giải thoát; Nếu con người bị một con ngựa xấu làm cho mệt mỏi, thì người đó sẽ rơi vào cạm bẫy và sẽ đau khổ cả đời; nếu bị tổn hại bởi ngũ quan, sẽ mang đến tai họa cho thế giới và nỗi đau không thể tưởng tượng nổi!
III. Lược giải
Nội dung tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
1. Làm thế nào để phòng hộ, chế ngự ngũ căn?
2. Ảnh dụ nghệ thuật người chăn trâu
3. Tác hại của việc phóng túng ngũ căn
4. Làm chủ cảm xúc giác quan, không dễ duôi theo trần cảnh
5. Tinh cần tỉnh thức vượt thoát lưới ma
1. Làm thế nào để phòng hộ, chế ngự ngũ căn?
Đoạn: “汝等比丘,已能住戒, 當制五根,勿令放逸, 入於五欲”. Nghĩa là: Các thầy Tỳ-kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào năm thứ dục lạc (O Bhikkhus, if you are able already to keep within the precepts, you must next control the five senses, not permitting the entry of the five sense desires by your unrestraint).
Bài kinh trước (bài 6: tác dụng của giới), đức Phật đã khuyên dạy các thầy Tỳ-kheo nên an trụ thu thúc vào trong tịnh giới, mới tăng trưởng các công đức. Do đó, 1 khi đã trụ tâm vào tịnh giới rồi thì mới đủ đièu kiện cơ sở để chế ngự điều phục 5 thứ giác quan.
Cho nên, đức Phật khuyên dạy các thầy Tỳ-kheo, người xuất gia: bước đi đầu tiên trong chánh đạo đó là an trụ trong tịnh giới; bước thứ hai đó là hộ trì các căn, hộ trì có nghĩa là giữ gìn và bảo vệ các căn (giác quan, mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, thân xúc chạm và ý hình dung). Do đó, hộ trì các căn là đừng để cho 5 giác quan bị các đối tượng nó xỏ mũi dẫn dắt sai khiến hành thích theo nó. Trong kinh Tương Ưng Bộ, kinh Sáu Sinh Vật, đức Phật dạy: “Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp sắc khả ái, ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy. Chính ở đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được trừ diệt không có dư tàn… Khi lưỡi nếm vị… Khi ý biết các pháp, thiên chấp pháp khả ái, ghét bỏ pháp không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy. Chính ở đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được trừ diệt không có dư tàn.”
Cho nên trong kinh văn nói: “Đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan” (已能住戒, 當制五根; if you are able already to keep within the precepts, you must next control the five senses). Như vậy, khi vị Tỳ-kheo, người xuất gia đã 1 khi giữ giới thì cũng đồng nghĩa của việc chế ngự các giác quan, đó là 1 chứ không phải là 2, hay đã trì giới tức là chế ngự các giác quan và chế ngự các giác quan tức là trì giới. chẳng hạn như trong 24 thiên oai nghi, bài thứ 20: vào chỗ dân cư (nhập tụ lạc đệ nhị thập) có nói: “…Không được đi mà cùng phụ nữ trước sau theo nhau. Không được đi mà cùng ni tăng trước sau theo nhau. Không được đi mà cùng người say xỉn trước sau theo nhau. Không được cố nhìn phụ nữ. Không được dùng khóe mắt nhìn qua phụ nữ” (Bất đắc dữ ni tăng tiền hậu hỗ tùy hành. Bất đắc dữ túy nhân cuồng nhân tiền hậu hỗ tùy hành. Bất đắc cố thị nữ nhân. Bất đắc nhãn giác bàng khán nữ nhân).
Khi mắt tiếp xúc với sắc hình, tai thâu thập âm thanh, mũi ngửi hương thơm, miệng nếm mùi vị và thân xúc chạm. Mỗi người đều dựa vào ngũ căn để tiếp xúc với ngoại cảnh, gọi là hệ thống tự động. Ngũ căn cũng có thể coi là năm căn cứ của cơ quan thứ sáu: đó là ý căn. Ý căn là cái óc của mình. Óc mình liên tiếp gia công mà tạo ra sự phân biệt. Ví dụ, mắt thấy một bông hoa, lúc này chỉ là giống như 1 cái máy ảnh: hình ảnh hiện ra trong tâm (trong óc). Rồi tâm mới gia công mà xác định rằng đó là hình ảnh của bông hoa màu sắc, tên gọi.
Câu: “勿令放逸, 入於五欲”. Nghĩa là: Các thầy Tỳ-kheo, đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự năm thứ giác quan, không cho phóng túng vào năm thứ dục lạc
Đừng cho phóng dật (勿令放逸): “phóng” có nghĩa là buông tuồng, buông lơi, thả ra, không biết giữ gìn; “dật” có nghĩa là xổng ra. Đừng để ngũ căn chạy nhảy như con khỉ con vượn (monkey). Trong Phật giáo thường gọi cái tâm của chúng sanh, con người ví như “tâm viên ý mã”, tâm như con vượn leo trèo, ý như con ngựa chạy rong ngoài đường.
Tại sao đừng chạy ra ngoài? Vì sẽ nhập vào ngũ dục. Chữ “nhập” có nghĩa “tự nhiên dẫn đến”: chúng ta coi đó là một sự kiện rất tự nhiên. Cũng có thể coi “nhập” là “bị tròng” vào, mà một khi đã tròng vào khó thoát ra được.
Ngũ dục là năm món ham muốn: 1. Danh (nổi tiếng, danh vọng) 2. Tài (của cải, tài sản, vật chất) 3. Thụy (ngủ nghỉ) 4. Thực (đồ ăn, thực phẩm) và 5. Sắc (sắc đẹp). Trong kinh Tứ thập nhị chương, chương 24, đức Phật dạy: “Trong các thứ ái dục, không gì bằng sắc dục. Sự ham muốn sắc dục mạnh hơn mọi thứ khác. Chỉ có một sắc dục như vậy, nếu có cái thứ hai giống như sắc dục thì người trong thiên hạ không có ai có thể tu tập theo Ðạo.”[1]
Sắc dục được coi là có sự hấp dẫn mạnh nhất so với các đối tượng ham muốn khác, đến nỗi phải nhấn mạnh rằng nếu có đối tượng ham muốn tương đương với sắc dục thì không ai tu hành được. Cũng vậy tương tự trong kinh Tăng Chi tập II (Phẩm Triền Cái) đức Phật dạy rằng: “Này các tỳ kheo, ta không thấy một sắc nào lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại cho sự tu tập như vậy, này các tỳ kheo, đó là sắc đẹp của nữ nhân. Và này các Tỳ kheo, người nào ái nhiễm, tham luyến, say đắm sắc đẹp nữ nhân, chúng sẽ sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực của nữ sắc. Nữ nhân khi đang đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười, khi nói, khi hát, khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết đều có thể chinh phục tâm của người đàn ông. Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng: Nữ nhân là bẫy mồi toàn diện của Mara, thì người ấy đã phát biểu một cách chân chánh về nữ nhân.”
Điều cần chú ý là qua các lời nhấn mạnh cảnh giác, chỉ trích nữ nhân, không phải đức Phật coi thường nữ nhân, trọng nam khinh nữ, nhất nam viết hữu thập nữ viết vô, mà chỉ nói lên sự hấp dẫn giới tính làm chướng ngại đạo Pháp. Ðối với các Tỳ-kheo ni, thì nam nhân là nguy hiểm, là bẫy mồi toàn diện của Mara, của ma vương quỷ sứ.
Trong thực tế, sự thèm muốn nữ sắc có sức mạnh đến nỗi vượt qua vòng lễ giáo, mọi chướng ngại, bất luận tôn giáo; có những trường hợp loạn luân hay cưỡng bức dâm, những ranh giới giữa cha con, thầy trò, anh em, bè bạn… rất mong manh, kẻ trí người ngu đều chung một line đường “thông minh tài trí anh hùng, si mê dại dột cũng chung một gò”.Như vậy, 5 cửa ải đó là gì? 1. tài; 2. sắc; 3. danh; 4. thực; 5. thụy.
Về phương pháp phòng hộ các căn, trong kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật chỉ bày rất rõ ràng:
“Ở đây, vị Thánh đệ tử, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ưu, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ưu, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thiệt hành sự hộ trì ý căn. Như vậy là vị Thánh đệ tử hộ trì các căn.”
Có một mẩu đối thoại ngắn giữa đức Phật và thị giả A-nan, nhằm ngụ ý cách thức phòng hộ các căn được chép trong kinh Trường Bộ, mà một vài người nhầm tưởng cho là đức Thế Tôn có ý xem nhẹ nữ giới. Tôn giả A-nan bạch hỏi Đức Phật:
– Bạch Thế Tôn, chúng con phải cư xử với phái nữ như thế nào?
– Này Ànanda, chớ có thấy họ.
– Bạch Thế Tôn, nếu phải thấy họ, thời phải như thế nào?
– Này Ànanda, chớ có nói chuyện với họ.
– Bạch Thế Tôn, nếu phải nói chuyện với họ, thời phải như thế nào?
– Này Ànanda, phải an trú chánh niệm.
Như vậy, chúng ta thấy đối với bậc giác ngộ có thiên vị nam nhân và xem nhẹ nữ giới hay không? chỉ có người tỉnh thức mới biết rõ; tuy nhiên, với những ai tỉnh táo nhận ra sự nguy hiểm tiềm tàng trong vị ngọt của sắc tướng, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm, các pháp và mong muốn tìm ra con đường thoát ly, thì mẩu đối thoại trên hiện rõ là những lời dạy hết sức căn bản cho các bước tu tập phòng hộ các căn môn, với cái đích cuối cùng là đối diện với các pháp (tốt hay xấu, khả ái hay không khả ái) một cách thanh thản, tỉnh táo, có chánh niệm. Bậc Đạo sư giác ngộ hiểu rõ nguyên nhân của mọi bất hạnh khổ đau và quan tâm chỉ bày cách thức giúp cho con người từng bước đi ra khỏi khổ đau, để tìm thấy hạnh phúc an lạc thực sự. Kinh Pháp cú, đức Phật dạy:
“Lành thay, phòng hộ mắt!
Lành thay, phòng hộ tai.
Lành thay, phòng hộ mũi,
Lành thay, phòng hộ lưỡi.”[2]
“Lành thay, phòng hộ thân!
lành thay, phòng hộ lời;
lành thay, phòng hộ ý.
Lành thay, phòng tất cả;
Tỷ-kheo phòng tất cả;
thoát được mọi khổ đau.”[3]
Pāli: “Cakkhunā samvaro sādhu,
Sādhu sotena samvaro,
Ghānena samvaro sādhu,
Sādhu sotena ya samvaro.”
“Kāyena samvaro sādhu,
Sādhu vācāya samvaro,
Manasā samvaro sādhu,
Sādhu sabbattha samvaro,
Sabbattha samvuto bhikkhu,
Sabbadukkhā pamuccati.”
2. Ảnh dụ nghệ thuật người chăn trâu
Đoạn: “譬如牧牛之 人, 執杖視之,不令縱逸, 犯人苗稼”. Nghĩa là: Như kẻ chăn trâu, cầm gậy mà coi giữ, không cho phóng túng, phạm vào lúa mạ của người (just as a cowherd by taking and showing his stick prevents cows from entering another’s field, ripe for the harvest).
Đức Phật dẫn dụ mượn các con vật như con trâu, con ngựa hung hãn (ác mã, 惡馬) và giặc cướp (劫害) để chỉ ra các vấn đề thực tế mà hằng ngày người hành đạo chúng ta thường chứng kiến, bởi lẽ tham dục nó ngủ ngầm bên trong tâm, nên mắt thường khó thấy được, chỉ có bậc giác ngộ tỉnh thức hoặc khi nhập vào thiền mới thấy được nó; ở đây, đức Phật phương tiện dẫn dụ hình ảnh con trâu. Điều mà chúng ta biết, con trâu là con vật làm biểu tượng cho pháp Đại thừa, như trong kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện, đức Phật thuyết về tam thừa, phương tiện độ sanh: thứ nhất pháp Đại thừa cũng gọi là Bồ-tát thừa để độ bậc Đại căn, Đại trí đến quả Diệu Giác và hóa độ chúng sanh vô số mà không biết mỏi mệt, ví như xe Trâu có sức mạnh chuyên chở được nhiều người. Thứ hai pháp Trung thừa cũng gọi là Duyên Giác thừa để độ bực trung căn, trung trí đến quả Đẳng giác, nhưng phần giác tha không được phổ quát rộng lớn, ví như xe nai, có thể chở được một ít người. Thứ ba hạ thừa cũng gọi là Thinh Văn thừa để độ bực hạ căn, hạ trí đến quả Thánh Đạo, chỉ tự độ chứ chưa được phần độ tha, ví như xe dê có sức chở được một người. Trong ba thừa kể trên, tuy có cao thấp khác nhau, nhưng thừa nào cũng đưa người tu hành ra khỏi Tam giới (giải thoát sanh tử), cũng lần lượt tiến lên tối thượng Nhứt thừa (tức là Phật thừa) như nhau.
Cho nên kinh văn nói: “Thí như mục ngưu chi nhơn, chấp trượng thị chi” (譬如牧牛之人, 執杖視之); như kẻ chăn trâu (mục đồng), cầm gậy mà coi giữ. Lúc chăn trâu thì cầm gậy (chấp trượng), sẵn sàng ra tay bất cứ lúc nào nếu trâu đi bậy hay xâm phạm vào chỗ cấm cho phép, mà nhìn (tức là thị) luôn luôn quan sát những con trâu, vì rất có giá trị nên phải luôn luôn chăm nom.
Về tính cơ bản của lời dạy trong kinh văn:
– “Mục ngưu chi nhân”, tức là người chăn gia súc, người chăn trâu, còn gọi là mục đồng (牧童), dụ như là người tu hành – người hành đạo. Đối với một gia đình chăn nuôi gia súc cần phải có 1 người “lao động” giỏi dang siêng năng, tháo vác trong công việc, ngoài những công việc đồng áng ra, thì người đó thường đi cắt cỏ, gánh nước cho trâu, bò uống, còn phải đốt rơm đốt rạ để sưởi ấm xông muỗi mòng vào buổi tối cho trâu bò, và chịu trách nhiệm về thức ăn cho chúng nữa. Khi vào mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, thường là người chủ trâu, bò hay chủ trang trại sẽ nhờ một 1 thiếu niên hay thanh niên từ 15 đến 30 tuổi hoặc một cụ già 60, 70 tuổi đi chăn bò. Thì đây gọi là người chăn trâu, người chăn bò, người chăn gia súc gọi chung cho các loài gia súc. Khi những người chăn gia súc đi ngang qua cánh đồng trồng lúa hay vườn hoa màu, họ phải một tay nắm dây, tay kia nắm chặt roi, ý nghĩ của người chăn không dám lang thang, lơ là, nói chuyện với người khác. Tại sao? Vì người chăn gia súc phóng tâm, tư tưởng buông thả nên gia súc cũng theo đó cũng buông thả theo, lúc nầy thì trâu bò sẽ phạm phải ăn vào lúa mạ của người trồng hay hoa màu của họ cũng như cây con bên đường. Người chăn gia súc phải hết sức cẩn thận đừng để cho trâu bò ăn lúa mạ hay hoa màu, cây giống của người khác là một lỗi lầm nghiêm trọng không được mắc phải. Đây là trường hợp ở Ấn Độ hơn 2.500 năm trước. Ở thời đại đó, mùa màng là huyết mạch của người nông dân, thậm chí nó còn quan trọng hơn cả mạng sống của họ nữa thì khác. Đối với một số nông dân nghèo, trong tay của họ không có ruộng đất, thì buộc phải thuê ruộng của người khác để canh tác, trồng trọt; nếu như để trâu bò, đàn gia súc của mình mà ăn phạm phải vào những cây con của họ mới trồng, thì có thể dẫn đến mùa màng của họ bị phá hoại, nên không có thu hoạch, không có của ăn, không có tiền để trả tiền thuê mướn cho chủ đất chủ điền. Nếu như người đó không đủ vốn để trả tiền thuê mướn ruộng đất, thì tiền thuê ruộng đó sẽ tăng lên và cứ thế tiền lãi mỗi ngày vọt lên cao, có lẽ cả đời người nông dân thuê ruộng đó sẽ không bao giờ trả hết được. Cho nên người ta thường nói: chăn trâu bò đừng để cho ăn phạm vào lúa mạ của người khác là vấn đề rất nghiêm trọng là vậy.
– “Ngưu” nghĩa là “con trâu” loài vật cứng đầu cứng cổ dụ như ngũ giới cần phải tu tập, chỉ cho tâm tánh của chúng sanh phàm phu con người;
– “Chấp trượng” nghĩa là “cầm roi, cầm gậy” tượng trưng cho giới, dùng sợi dây của giới để cột nó lại;
– “Thị” nghĩa là “nhìn” đề cao cảnh tỉnh và
– “Miêu giá” nghĩa là “lúa mạ” tượng trưng cho công đức đã trồng nhiều đời trong quá khứ.
Câu: “Bất linh túng dật”, không cho phóng túng; “túng” có nghĩa là thả ra, buông ra, phóng tung ra; “dật” bao hàm nhiều nghĩa: xổng ra (chạy loạn), thả ra (cho hoàn toàn tự do), an nhàn (muốn làm gì thì làm), mất đi (mất mát), lầm lỗi (làm bậy tùy hỉ). Người chăn trâu thì không thể không để ý trâu. Tu hành cũng như vậy, không thể cho phép ngũ căn chạy lăng xăng ra ngoài. Không coi giữ trâu thì có thể làm hư hại lúa mạ của người. Trâu có sức phá hại công việc của người khác. Phóng túng ngũ căn đã không những tai hại cho chính bản thân mình mà còn làm phương hại khổ đau cho người khác nữa. Nếu sai phạm như vậy thì có khác nào là chúng ta đang xúc phạm người khác, đang tạo nghiệp.
Ngang đây chúng ta có thể hiểu Phật pháp theo tầng nghĩa cao hơn, đó là: người chăn trâu “mục ngưu chi nhân”, là hiểu theo nghĩa đơn thuần, nghĩa đen nói về người mục đồng đi chăn những con trâu; còn cái nghĩa bóng của nó ở đây, chúng ta xuất gia đi tu chăn con trâu tức là đang chăn con “trâu tâm” của mình, gọi là “ngưu tâm”, dùng sợi dây của giới để dẫn dắt nó; đừng để tâm của mình nghĩ ngợi phóng túng lung tung, mở mắt ra thì tâm chạy theo cảnh, còn nhắm mắt lại thì tâm chạy theo mộng. Bắt nguồn từ những cảm hứng nầy mà về sau các Thiền gia, các nhà tư tưởng Đại thừa hoạ ra 10 bức tranh chăn trâu nổi tiếng gọi là “Thập mục ngưu đồ” (十牧牛圖), cụ thể là vào thời nhà Tống (960–1279); thế kỷ thứ 12, có Thiền sư Quách Am hay Khuếch Am Sư Viễn (1100 – 1200). Tuy có nhiều bộ tranh, nhưng bộ nào cũng như bộ nào, giống nhau, đều có 10 bức, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ tứ tuyệt, và một bài chú giải bằng văn xuôi, đó là về hình thức, có thể xếp thành hai loại: Loại tranh theo khuynh hướng Đại Thừa và loại tranh theo khuynh hướng Thiền Tông. Tuy tranh vẽ có khác nhau đôi chút nhưng các bài tụng và bài chú riêng cho mỗi loại vẫn không thay đổi. Các bức tranh được đặt đề mục theo thứ tự từ 1 đến 10 chẳng hạn như:
+ Tranh Đại thừa: 1: Vị mục (Chưa chăn). 2: Sơ điều (Mới chăn). 3: Thọ chế (Chịu phép). 4: Hồi thủ (Quay đầu). 5: Tuần phục (Vâng chịu). 6: Vô ngại (Không ngại). 7: Nhiệm vận (Tha hồ). 8: Tương vong (Cùng quên). 9: Độc chiếu (Soi riêng). 10. Song dẫn (Dứt cả hai) với bức tranh vòng tròn.
+ Tranh Thiền Tông: 1: Tầm ngưu (Tìm trâu) (tầm ngưu tu phỏng tích… ; Tìm trâu phải theo dấu, Học đạo quý vô tâm. Dấu có trâu còn đó, Vô tâm đạo dễ tìm). 2: Kiến tích (Thấy dấu). 3: Kiến ngưu (Thấy trâu). 4: Đắc ngưu (Được trâu). 5: Mục ngưu (Chăn trâu). 6: Kỵ ngưu qui gia (Cỡi trâu về nhà). 7: Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu còn người). 8: Nhân ngưu câu vong (Người trâu đều quên), với bức tranh vòng tròn. 9: Phản bổn hoàn nguyên (Trở về nguồn cội). 10: Nhập triền thùy thủ (Thõng tay vào chợ).
3. Tác hại của việc phóng túng ngũ căn
Đoạn: “若縱五根,非唯五欲, 將無崖畔, 不 可制也。 亦如惡馬, 不以轡制,將當牽人墜於坑陷”. Nghĩa là: phóng túng năm thứ giác quan, thì không những chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào nữa, không thể cấm chế. Như con ngựa hung hãn mà không được chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống hầm hố (in an evil-doer indulging the five senses, his five desires will not only exceed all bounds but will become uncontrollable, just as a wild horse unchecked by the bridle must soon drag the man leading it, into a pit).
Kinh văn nói, người hành đạo giải thoát thì hãy giữ gìn ngũ căn, đừng để ngũ căn mê đắm vào năm món dục lạc, giống như người chăn gia súc, hãy trông chừng đàn gia súc của mình cẩn thận, đừng để gia súc của mình ăn phạm phải vào “cây non” lúa mạ của người khác là những lỗi lầm nghiêm trọng. Nếu người tu hành mà phóng túng năm thứ giác quan, thì không những chỉ có năm thứ dục lạc, mà có thể sẽ không còn giới hạn nào nữa, còn hơn thế nữa thì không thể cấm chế. Nếu để cho gia súc của mình buông thả, tùy ý ăn hoa màu lúa mạ của người khác thì hậu quả đáng nghiêm trọng. Nếu cứ mê đắm vào ngũ căn – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể mình và không ngừng theo đuổi “ngũ dục” thì “sẽ không có giới hạn, sẽ không có sự kiểm soát.
“崖”, nhai có nghĩa là mép nước, thường dùng để chỉ cho bến bờ; vô nhai là không có giới hạn; “畔” bạn, nghĩa là bờ mé, bên cạnh như sông, hồ, đường xá v.v…, vô bạn, nó cũng có nghĩa là k có ranh giới.
Nói về dục vọng, thành ngữ có câu: “dục hác nan điền” (欲壑难填). Nghĩa là: dục vọng khó lấp đầy. Trong Phật giáo thậm chí còn dùng chữ “hải” tức là biển để miêu tả, gọi là “dục hải” hay “ái hà”. Phóng túng ngũ căn và đam mê ngũ dục thì giống như người trôi lăn vô tận trong biển dục vọng vô biên, cho đến mức mà con người không tự làm chủ được; thì lúc đó, ngũ căn không thể khuất phục; buông lung ngũ căn và đắm say ngũ dục cũng giống như chiếc xe mất phanh chạy trên con đường dốc dài ngoằn ngoèo, rất nguy hiểm. Cũng ví như con tàu gãy bánh lái trôi theo sóng gió giữa biển cả bao la mênh mông vô hướng, nguy hiểm cực kỳ.
Kinh văn nói: “亦如惡馬, 不以轡制,將當牽人墜於坑陷”. Ngũ căn được ví như con ngựa hung hãn, thích làm hại ngựa khác mà không được chế ngự bằng giây cương, thì sẽ mang người lao xuống hầm hố. Hầm hố tượng trưng cho tam đồ ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh). Đây là “ảnh dụ về con ngựa hung hãn”. Sợi dây cương được sử dụng để thuận tiện điều khiển con ngựa, một sợi xích sắt nhỏ được đặt nằm ngang trong miệng ngựa, hai đầu nối với dây cương, đây chính là “嚼子” tước tử, nghĩa là khúc xích. Con ngựa được thắt bởi dây cương xong thì người điều khiển có thể muốn đi nhanh hay chậm thì tuỳ ý điều khiển dây cương.
Ngựa, thì có con hiền lành, cũng có con hung dữ. Ngũ căn giống như năm con ngựa hoang. Ngựa hoang vốn khó khuất phục, nếu không cài then và dây thừng, thì ngựa hoang sẽ chạy nhảy loạn xạ, thậm chí có thể cõng người xuống hố nữa thì khác.
Ý nghĩa lời dạy trong kinh văn: “truỵ ư khanh hãm”, cho dù là rơi xuống hố sâu hay cạn; thâm hay thiển, thì tất cả đều không có kết quả tốt. Trong đời có người thần tượng hay các fan hâm mộ đối với giới nghệ sĩ, diễn viên chẳng hạn, thời gian gần đây cho biết, hàng loạt fan cuồng tự tử khi nghe tin thần tượng đột ngột qua đời: năm 2009 có 12 fan hâm mộ tự tử sau khi nghe tin Michael Jackson-ông vua nhạc pop qua đời, cũng vậy ở Ấn-độ vào năm 2016 có cô gái tên là Madhu Mahanand (26 tuổi) tự tử chết, khi cô hay tin diễn viên Pratyusha Banerjee thủ vai cô dâu tám tuổi đột ngột qua đời, làm cho cô gái 26 tuổi nầy cũng tử tự chết theo luôn.Vì vậy, người học Phật phải có chánh kiến (Sammā-diṭṭhi, right view); trong bát chánh đạo, chánh kiến là cái nhìn đầu tiên để đi vào chánh giải thoát; đừng bao giờ phóng túng ngũ căn, mù quáng, tình cảm, liều lĩnh theo đuổi, mê đắm một điều gì đó để rồi “rơi vào hầm hố cạm bẫy” mà vô phương cứu chữa, đó là rất nguy hại.
Về phương diện tu tập, chúng ta thử nghĩ, có 1 chút mật dính trên đầu lưỡi dao, chẳng đáng là bao, không đủ nuôi sống trong 1 giờ, chẳng bổ dưỡng thấm béo gì cả, mà người ta liếm vào có thể dẫn đến đứt lưỡi như chơi, cũng vậy 1 chút dục lạc ham muốn nhất thời cảm tính giác quan, chẳng đem lại niềm an vui dù chỉ trong 1 ngày, mà thử hỏi biết bao người phải chết vì nó chứ. Cho nên, trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Phật nói về tác hại của các giác quan khi không được phòng hộ, để cho ngũ dục nó xỏ mũi dẫn dắt lăn hụp trong luân hồi miên viễn: “Tiền tài và sắc đẹp đối với con người rất khó buông xả, giống như chút mật trên lưỡi dao, không đủ cho bữa ăn ngon, thế mà đứa trẻ liếm vào thì bị nạn đứt lưỡi.”[4]
Do vậy, người học Phật luôn luôn quán sát 5 thứ giác quan (ngũ căn) như con ngựa hoang hung dữ, cần phải tìm mọi cách để thắt dây cương cho chúng và điều phục chúng cho tốt cho thuần, có nghĩa là chúng ta phải dùng sợi dây của giới để dẫn dắt chế ngự ngũ căn khi tiếp xúc với ngũ trần, ngũ dục.
4. Làm chủ cảm xúc giác quan, không dễ duôi theo trần cảnh
Đoạn: “如被劫害, 苦止一 世,五根賊禍殃及累世,為害甚重,不可不慎”. Nghĩa là: Giặc cướp làm hại, khổ chỉ một đời, còn giặc giác quan họa đến nhiều kiếp tai hại rất nặng, các thầy không thể không cẩn thận (if a man be robbed, his sorrow does not extend beyond the period of his life but the evil of that robber (sense desires) and the depredations caused by him bring calamities extending over many lives, creating very great dukkha. You should control yourselves!).
Trong đoạn kinh văn, đức Phật lại dùng ảnh dụ giặc cướp để nói về ngũ căn. Nếu chúng ta cứ buông lơi để cho ngũ căn phóng túng chạy theo ngũ trần, ngũ dục là mãi mãi phát nguyện xin làm người khách phong trần. Nên chư Phật, chư Tổ chư Tôn đức thường dạy rằng: người tu thì phải làm chủ các cảm xúc giác quan, không dễ duôi xuôi theo trần cảnh bên ngoài, bằng cách nào, đó là:
1. Điều đầu tiên là thu thúc các giác quan, biết đủ với những thứ tối thiểu, ít nhu cầu, sống đơn giản, tránh xa những người dễ duôi và hay rủ rê. Chẳng hạn như muốn cai đồ ngọt thì đừng để nó trong tầm mắt của mình, đừng xem coi các món ăn có hại cho sức khỏe, cho tinh thần. Trong Nikaya nói có 4 loại thức ăn, đó là: đoàn thực, xúc thực, thức thực và tư niệm thực; muốn cai nghiện điện thoại thì nên tắt nguồn, tắt wifi.
2. Phải gần gũi với bậc thiện trí, tiếp xúc thường xuyên với những thứ nhắc nhở mình tinh tấn. Nói gần gũi thiện tri thức có nghĩa là gần gũi với sách luận kinh điển.
3. Luyện thói quen trì hoãn, làm chậm mọi việc, dừng lại 1 phút trước khi quyết định làm gì, không bao giờ làm và quyết định khi cảm xúc đang ở đỉnh cao. Người hành đạo luôn luôn sống trong chánh niệm.
4. Rèn luyện khả năng tự kiềm chế, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Người càng dễ duôi, khả năng tự chế càng kém. Chúng ta nên biết, khả năng tự chế trước mọi cám dỗ và thúc bách của tâm không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của sự rèn luyện thường xuyên, lâu dài. Tự chế kiểm soát trong việc ăn uống, đồ ăn ngon không khen mà dỡ cũng không chê. Trong 24 thiên oai nghi, “tùy chúng thực đệ lục” (bài thứ 6, theo chúng thọ thực) có nói: “…vô ha thực hảo ố”. Nghĩa là: không được la rầy đồ ăn tốt xấu.
Cho nên, tất cả những lời trong kinh điển, chư Phật, chư Tổ, chư Tôn đức sách tấn chỉ dạy cho người hành đạo, được xem là người lội ngược dòng đời, mỗi khi tiếp cận với thế giới ngũ dục, thế giới ngũ trần phải cân nhắc, dè dặt trong từng lời nói, đừng nên sa đà vào 5 món ham muốn, phải hết sức cẩn thận (bất khả bất thận), không nên chủ quan đối với các giặc giác quan nầy, không khéo trở thành quyến thuộc, bà con nô lệ cho chúng, uổng phí cả 1 cuộc đời, từ giả song thân, anh em bà con họ hàng đi tu mà không cứu độ được mình, cứu độ được người thân, thì thật đáng hổ thẹn vô cùng. Đức Phật dạy: “Cái khổ của con lạc đà chở nặng băng qua sa mạc chưa gọi là khổ; cái khổ của người gánh hành lý đi trong đêm dài chưa gọi là khổ; cái khổ của luân hồi tái sinh, cứ sống rồi lại chết, chết rồi lại đầu thai, mỗi lần sinh lên là phải đấu tranh, cực khổ với cuộc sống này, bị chi phối bởi vô minh, si mê tăm tối, đó mới gọi là khổ.”
5. Tinh cần tỉnh thức vượt thoát lưới ma
Đoạn: “是故智者制而不 隨,持之如賊, 不令縱逸, 假令縱之,皆亦不久見其磨滅”. Nghĩa là: Thế nên, người có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng túng. Giả sử phóng túng năm thứ giác quan, thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy chúng tàn diệt tất cả (hence, wise men control themselves and do not indulge their senses but guard them like robbers who must not be allowed freedom from restraint. If you do allow them freedom from restraint, before long you will be destroyed by Māra).
Kinh văn nói: “Người có trí thì chế ngự mà không theo, giữ như giữ giặc, không cho phóng túng. Giả sử thả tự do phóng túng năm thứ giác quan, thì cũng không bao lâu ta sẽ thấy phiền não ma vương (māra) quỷ sứ chúng tàn diệt tất cả.”
Bây giờ chúng ta đã biết phóng túng ngũ căn có hại như thế nào rồi, nếu không có chánh kiến, chánh niệm, chánh tín và chánh giới để chuyển hoá chúng, mà cứ tiếp tục cho túng dật, chẳng tuân theo qui cũ, giới luật, thì không lâu sẽ thấy chúng tự tiêu diệt, “giai diệt bất cửu kiến kỳ ma diệt” chạy theo vọng tưởng như đuổi theo bóng, trước sau sẽ biến mất, lãng phí thời giờ. Khi còn trẻ thì theo hormone,[5] như cuồng như loạn, như đam như mê, coi là hạnh phúc. Với các lý do nầy, nên người học Phật chúng ta hãy tinh cần tỉnh thức để vượt thoát cạm bẫy của lưới ma, mà con ma ở đây là chỉ cho con ma phiền não, con ma ngũ ấm, nó đang giả bộ ngủ ngầm trong tâm của chúng ta, hãy dùng móc sắt của trí tuệ, chánh trí mà kéo nó ra, thì tâm ý mới được an ổn.
IV. Kết luận
Qua bài học nầy, người học cần nắm vững các vấn đề liên quan sau đây:
1. An trụ vào chánh giới để phòng hộ, chế ngự ngũ căn khi tiếp xúc với các dục trần.
2. Kinh văn dùng các ảnh dụ người chăn trâu (mục ngưu), con ngựa hung hãn (ác mã) và giặc cướp giác quan để ám chỉ cho ngũ căn; nhằm ngụ ý người học Phật phải chăn dắt con trâu tâm của mình hết sức khéo léo cẩn thận; chế ngự con ác mã tâm nầy phải dùng sợi dây cương vàng trí tuệ, để điều phục nó, chinh phục nó và luôn luôn quản thúc canh gác không cho giặc các giác quan khởi lên dù là 1 tà ý niệm nào. Thường trụ trong chánh niệm tỉnh thức được xem là cánh cửa để đi vào chánh giải thoát.
3. Thấy rõ tác hại của việc phóng túng ngũ căn, làm thiêu đốt công đức phước lành và sẽ đưa con người rơi vào hố sâu nguy hiểm của khổ đau luân hồi; cho nên người học Phật phải nhận diện được vị ngọt của các dục, để từ đó đăng xuất chúng ra khỏi ý niệm.
4. Làm chủ các cảm xúc giác quan, không dễ duôi chạy theo trần cảnh; chánh kiến và chánh tư duy là 2 bước đi đầu tiên để giúp hành giả, người học Phật thể nhập vào lộ trình chánh giác và chánh giải thoát.
5. Thường quán niệm cuộc đời là vô thường, nên nỗ lực siêng năng tinh tấn, tinh cần giữa phóng dật và tỉnh thức giữa rừng mê, để vượt thoát cạm bẫy của lưới ma.
Tham khảo & chú thích
[1] 佛言:愛慾莫甚於色。色之為欲,其大無外,賴有一矣。若使二同,普天之人,無能為道者矣。
[2] Kệ 360.
[3] Kệ 361.
[4] 佛言:財色於人,人之不捨。譬如刀刃有蜜,不足一餐之美;小兒舐之,則有割舌之患。
[5] Hormone là chất liên quan đến hầu hết các quá trình sinh học của cơ thể. Nó đảm bảo quá trình này diễn ra nhịp nhàng và ổn định. Hormon liên quan đến quá trình tăng trưởng và phát triển, chuyển hóa thức ăn, trao đổi chất, nhịp sinh học của con người.