Phật Di Giáo Kinh Giảng Luận – Nguyên Định

Bài 9: Tiết Chế Ăn Uống

I. Chánh kinh

a. Chữ hán

汝等比丘, 受諸飲食, 當如服藥, 於好於惡, 勿生增減, 趣得支身, 以除饑渴。 如蜂採華, 但取其味, 不損色香。 比丘亦爾, 受人供養, 趣自除惱, 無得多求, 壞其善心。  譬如智者, 籌量牛力, 所堪多少, 不令過分 以竭其力。

b. Phiên âm

Nhữ đẳng Tỳ-kheo, thọ chư ẩm thực, đương như phục dược, ư hảo ư ố, vật sanh tăng giảm. Thú đắc chi thân, dĩ trừ cơ khát. Như phong thái hoa, đản thủ kỳ vị, bất tổn hương sắc. Tỳ-kheo diệc nhĩ, thọ nhân cúng dường, thú tự trừ não, vô đắc đa cầu, hoại kỳ thiện tâm. Thí như trí giả, trù lượng ngưu lực, sở kham đa thiểu, bất linh quá phần dĩ kiệt kỳ lực.

c. Dịch nghĩa

Các thầy Tỳ-kheo, thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham dỡ không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát. Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng vậy. Thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Hãy bắt chước kẻ khôn ngoan, biết lượng sức lực con trâu của mình chịu đựng nhiều ít, không dùng quá sức đến nỗi kiệt lực.

d. Anh ngữ

Exhortation on the Moderate Use of Food

O Bhikkhus, in receiving all sorts of food and drink, you should regard them as though you are taking medicine. Whether they be good or bad, do not accept or reject them according to your likes and dislikes; just use them to support your bodies, thereby staying free from hunger and thirst. As bees while foraging among flowers extract only the nectar, without harming their colour and scent, just so, O Bhikkhus, should you do (when collecting alms-food). Accept just enough of what people offer to you, for the avoidance of distress. But do not ask for much and thereby spoil the goodness of their hearts, just as the wise man, having estimated the strength of his ox, does not wear out its strength by overloading.

II. Đại ý

Ăn uống là 1 nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, vì mục đích giải thoát, người xuất gia phải biết tiết chế việc ăn uống để thân thể không bệnh tật, và không làm trở ngại cho sự nghiệp tu hành của tự thân.

III. Lược giải

Nội dung tập trung vào các vấn đề chính sau đây:

  1. Thế nào gọi là tiết chế ăn uống?
  2. Quán tưởng đồ ăn thức uống xem như uống thuốc
  3. Ảnh dụ như con ong hút mật hoa
  4. Những điều đáng chú ý trong ẩm thực theo tinh thần Phật giáo

1. Thế nào gọi là tiết chế ăn uống?

Tiết chế hay tiết độ trong ăn uống. Ở đây chúng ta có thể hiểu cụm từ “tiết chế” hay “tiết độ” có nghĩa là sự chừng mực; ngang đó là dừng lại, ăn đủ rồi, không thêm, không bớt; không thời quá no, cũng không thời quá ít; bởi lẽ ăn quá no thì dẫn đến khó thở, khó khăn cho công việc làm của mình, còn ăn quá ít thì không đủ năng lượng tiêu thụ, đối với người lao động nặng. Nói một cách khác, “tiết độ” có nghĩa biết rõ cái gì nó là nhu cầu vật chất cần thiết, nhằm đáp ứng cho cơ thể con người thì đó gọi là tiết độ, bao gồm cả việc ăn uống.

Trong “Hoàng Đế Nội Kinh”[1] nói: “Khởi cư hữu thường, ẩm thực hữu tiết”. Nghĩa là: cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người ta cần điều độ, ăn uống phải có tiết chế, không được phóng túng quá độ, không đi ngược lại quy luật thông thường tự nhiên. Một người có thể tiết chế được cách ăn uống của mình thì cả tâm lẫn thân đều an tường, sống lâu, sống trường thọ.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng, trì sính điền liệp­ lịnh nhân tâm phát cuồng.”[2] Nghĩa là:Ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta điếc tai, ngũ vị làm người ta tê miệng lưỡi,  ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Dịch thơ: Sắc năm màu làm ta choáng mắt, thanh năm cung ngây ngất lỗ tai. Năm mùi tê lưỡi mềm sai, ruổi rong săn bắn, lòng người hóa điên. Trong quan niệm của người xưa, thì việc ăn uống quá sung túc, đầy đủ, sơn hào hải vị thừa mứa đó chưa hẳn đã là điều tốt cho sức khỏe đâu?

Chúng ta biết, đối với bậc Thánh nhân chỉ cần ăn vừa đủ mà không tìm cầu thoả mãn cái ham muốn dục vọng nơi con mắt, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm. Điều mà người có đạo đức cao thượng hướng đến chính là “thanh tâm quả dục”[3] Nghĩa là: lòng thanh thản, tâm hồn trong trắng; giảm ham muốn, giữ tâm thanh tịnh mà không phải ăn uống xa xỉ vô độ. Ở đây chúng ta có thể đặt giả thiết, nếu như cho rằng ăn uống đầy đủ sung túc, sơn hào hải vị, những món ăn thượng hạng, cao cấp, đắc tiền thì được sống lâu – sống thọ, nếu đúng như vậy, thì những bậc Đế vương là người sống lâu thọ nhất trên trần gian này, nhưng trong lịch sử nhân loại cho chúng ta thấy, có bao nhiêu ông vua sống thọ được đâu? Chúng ta biết, nền văn minh Hoa Hạ tức là văn minh Trung Quốc có lịch sử dài cả 5.000 năm, từ Tần Thủy Hoàng xưng đế cho tới vị vua cuối cùng là Phổ Nghi cuối triều nhà Thanh, tổng cộng có 494 vị Hoàng đế. Các vị Hoàng đế trong lịch sử hầu hết đều rất ít người trường thọ. Nói như vậy không có nghĩa là vị vua cũng băng hà sớm. Tuy nhiên, cũng có một vài vị vua có tuổi thọ rất cao, như Nam Việt Vương – Triệu Đà ở thời Tần Hán, sống thọ tới 121 tuổi, đến nổi con trai của ông cũng không thể chờ ngày ông qua đời để nối ngôi, đành phải truyền ngôi cho cháu trai. Vua Càn Long sống thọ 89 tuổi. Vua Khang Hy sống thọ 68 tuổi. Trong triều đại Việt Nam có rất nhiều vị vua, người có tuổi thọ cao nhất là chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) thọ 89 tuổi.  Vua Bảo Đại (1913 – 1997), thọ 85 tuổi.

Đức Phật Tổ Như Lai, ngày ăn chỉ có 1 bữa, sống thọ 80 tuổi; các bậc Tổ sư sống thọ 102 tuổi, rất nhiều và rất nhiều chư vị Tổ sư cũng như quý chư tôn Thiền đức trong Phật giáo của chúng ta sống rất thọ; ăn rau củ quả, uống nước trời thiên nhiên mà sống rất thọ.

Như vậy, tiết chế trong sinh hoạt ăn uống, là phải có chừng mực, có điều độ; ăn đúng thời, đúng lúc và phải đúng nơi nữa. (Xem thêm trong 24 thiên oai nghi – Bài 5: theo chúng thọ thực “tùy chúng thực đệ ngũ”.

2. Quán tưởng đồ ăn thức uống xem như uống thuốc

Đoạn: “汝等比丘, 受諸飲食, 當如服藥, 於好於惡, 勿生增減, 趣得支身, 以除饑渴.” Nghĩa là: Các thầy Tỳ-kheo, thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham dỡ không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát (O Bhikkhus, in receiving all sorts of food and drink, you should regard them as though you are taking medicine. Whether they be good or bad, do not accept or reject them according to your likes and dislikes).

Trong đoạn kinh này, đức Phật khuyên dạy những người xuất gia, xoay quanh 4 nhu cầu căn bản, đó là: ăn, mặc, ngủ và nghỉ, nhằm đảm bảo sức khỏe trên bước đường tu tập tâm linh; nếu như thân thể của mỗi cá nhân chúng ta thường hay đau ốm gầy mòn, bịnh hoạn, bạc nhược, suy dinh dưỡng, thì khó mà tu tập lâu dài được. Vậy thì người tu học Phật chúng ta ăn thì phải ăn như thế nào mới gọi là hợp khoa học, theo giới luật Phật chế? Mặc thì mặc như thế nào để cho phù hợp với người xuất gia? Lại còn ngủ nghỉ như thế nào để có được trạng thái sức khỏe cân bằng? Thì đây là nhu cầu không thể coi nhẹ được? Nếu như không biết tiết chế trong việc ăn – uống, hay nói khác, là kiến thức phổ thông kém trong lãnh vực văn hoá ẩm thực thì sinh ra bịnh tham ăn, ham ăn thì đây được coi là người không biết thưởng thức ẩm thực, cho nên cổ nhân thường nói, “nấu ăn là một nghệ thuật và người đầu bếp là một nghệ sĩ”. Thực khách khi nhìn vào những món ăn là  cảm giác thích thú, kích thích vị giác muốn ăn ngay lập tức.

Việc con người trang phục quần áo; đối với đời sống thế tục quần áo sắm hàng vài chục bộ là chuyện thường; còn trong giới người tu thì chỉ có 3 y, mà mặc cả đời, đến khi nhắm mắt vẫn còn mới tinh; ba y đó là: 1- An-đa-hội (S. Antarvàsa; P. Antarvàsaka), dịch ý là áo trong, áo mặc làm việc, áo mặc khi ngủ. 2- Uất đa la tăng (P. Uttarāsaṇgha) thất điều y (y bảy điều) và 3- Y Tăng Già Lê (S. Saṁghāti) gọi là cửu điều y là 1 trong 3 y. Y này chỉ được mặc khi vào cung vua, vào làng xóm, đi khất thực và thăng tòa thuyết pháp, hàng phục ngoại đạo; cũng gọi là nhập vương cung tụ lạc y. Lại vì y này lớn nhất trong 3 y nên cũng gọi là Đại y.

Lời kinh văn nói: “Thọ dụng đồ ăn thức uống, hãy coi như việc uống thuốc”. Điều nầy có nghĩa là chúng ta coi việc ăn như là uống thuốc, có thể chữa khỏi cơn đói của chúng ta, cho dù nó có ngon hay không ngon. Đối với các bậc Thánh nhân đã chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn (còn gọi sơ quả A-la-hán) đầu tiên sẽ không nhập vào sắc, thanh, hương, vị và xúc. Bậc Thánh nhân đã đạt được sơ quả thì bước đi không chạm đất, chân không dính bụi. Tại sao chân của vị Thánh giả không dính bụi? Vì không còn tham, không ham, nên đã đoạn trừ 88 phẩm kiến hoặc mê lầm. Vì đã đoạn trừ 88 phẩm kiến hoặc mê lầm, nên bậc Thánh giả đi như hư không; theo nghĩa đó, ngài Hương Hải Thiền Sư (1628 – 1715) nói:  “Nhạn  quá  trường  không, ảnh   trầm     hàn   thủy, nhạn  vô di       tích      chi       ý, thủy     vô    lưu    ảnh    chi    tâm.”[4] Nghĩa là: Nhạn bay qua mãi tầng không, bóng chìm đáy nước một dòng lạnh trôi, nhạn không để dấu mình soi, nước không lưu ảnh nhạn rơi vào lòng.

Và vị Thánh giả đó không quan tâm đến thức ăn đó có ngon hay không ngon, vì vị Thánh giả đó quán tưởng thức ăn đều có vị như nhau. Không dính vào sắc, không dính vào thanh, không dính vào hương, không dính vào vị, không dính vào xúc; và không bị cảnh sắc, âm thanh, mùi hương, xúc chạm xoay chuyển, có thể chuyển các vị ngon, dỡ thành một vị, nếu ăn vào sẽ nuôi sống mạng căn nầy; điều đó cho chúng ta thấy, bậc sơ quả A-la-hán mới có được trạng thái ấy. Cho nên đối với một người tu Đạo, chúng ta có thể thấy người ấy ăn rất nhiều thức ăn được cho là ngon và ngược lại cũng rất nhiều thức ăn không được ngon tức là dỡ, nhưng đối với vị ấy tâm không khởi lên ý niệm chút tham dục nào, không có những hành vi như vậy, thì vị ấy không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc xoay chuyển. Đây được gọi là, không bị cuốn hút lôi kéo bởi ngũ trần cảnh, đó là: sắc, thanh, hương vị xúc. Chúng ta nên biết, ý tưởng cốt yếu của đoạn kinh văn này là nhằm nhắc nhở chúng ta phải đối phó với lòng tham của sự thèm ăn.

Đó là lý do tại sao đức Phật nói: “Này các Tỳ kheo” (汝等比丘): Tuy nói là Tỳ-kheo, nhưng chúng ta phải hiểu 1 cách phổ quát hơn là bao gồm tứ chúng đệ tử: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di; hay nói khác là chúng xuất gia và chúng tại gia. Tỳ-kheo tiếng Phạn (Sanskrit) gọi là Bhikṣu, P. Bhikkhu, T. Gelong; trên cơ sở đó Tỳ-kheo có ba nghĩa khi được dịch sang tiếng Trung Quốc.

Thứ nhất: Khất sĩ (乞士), trên thì xin giáo pháp của chư Phật để nuôi mạng sống trí tuệ; dưới thì xin thức ăn của chúng sanh để nuôi dưỡng duy trì sắc thân, nên gọi là khất sĩ.

Thứ hai: Bố ma (怖魔), tức là làm cho ma vương và quyến thuộc của ma vương phải kính sợ. Khi ma vương nhìn thấy vị Tỳ-kheo, nghe tên vị Tỳ-kheo đó, là khiếp sợ rồi. Đây là trường hợp một vị Tỳ-kheo khi đăng đàn thọ Đại giới, có sự chứng minh gia trì của Tam sư Thất chứng làm yết-ma, hỏi vị giới tử ấy: “Con đã phát bồ đề tâm chưa?” (汝已發菩提心否?) vị giới tử ấy đáp: “con đã phát bồ đề tâm.” Nói: “con có phải là trượng phu không?” (汝是丈夫否?) vị đó đáp: “con là trượng phu thực sự”. Khi nghe vị yết ma sư hỏi vị Tỳ-kheo như vậy, thì dạ xoa mặt đất gọi là địa hành dạ xoa (地行夜叉) liền đi báo cáo (就去報告) cho không hành dạ xoa (空行夜叉) hay còn gọi là không hành nữ (dakini). Ngạ quỷ dạ xoa có dạ xoa đi dưới đất, và có dạ xoa đi trên trời. Vị dakini dạ xoa (không hành nữ) lại đi báo cáo với thiên ma (S. मार, Māra), và thiên ma vô cùng sợ hãi khi nghe tin có người đã phát bồ đề tâm và rằng ai đó sẽ trở thành một người Đại trượng phu. Thiên ma sợ điều gì? Thiên ma nghĩ thầm trong lòng: “A! vậy là không được rồi, nhà ma vương của ta đã mất đi 1 quyến thuộc, mà nhà Thiền tức nhà Phật nay lại có thêm một người của Phật”, khi nhận thấy điều đó, nên thiên ma vô cùng lo lắng kinh hãi. Vì vậy, Tỳ-kheo còn có tên gọi là bố ma, khiến cho ma vương quỷ sứ phải khiếp sợ.

 Thứ ba: Phá ác (破惡). Phá ác là gì? Có nghĩa là phá ác phiền não. Con người chúng ta có phiền não, rồi duyên theo phiền não đó cứ chạy hoài chạy mãi, đuổi theo bóng, nắm bắt hình ảnh ảo tưởng, ảo giác; mà chúng ta biết, phiền não là cội nguồn của ác pháp, không có phiền não thì không có ác pháp. Chúng ta vì phiền não mà phạm đủ thứ tội lỗi, sai lầm, nếu đoạn trừ được phiền não thì tội nghiệp cũng theo đó tiêu trừ. Cho nên, nghĩa thứ ba là phá ác, phá ác phiền não trong tâm của mỗi chúng sanh, con người. Vì nó có ba nghĩa này nên khi phiên âm người ta không dịch và giữ nguyên âm tiếng Phạn: Tỳ-kheo.

Câu: “Thọ chư ẩm thực” (受諸飲食). Nghĩa là: Thọ hay thụ nhận tất cả đồ ăn thức uống, thọ nhận tất cả đồ ăn thức uống của người Phật tử phát tâm cúng dường.

Câu: “Đương như phục dược” (當如服藥). Nghĩa là: Hãy coi như là việc uống thuốc. Trai đường là đạo tràng tu viện, là nơi dùng để ăn uống, còn gọi là ngũ quán đường; vị thầy dẫn chúng cho buổi thọ trai xướng niệm bài kệ: “佛制比丘,食存五觀,散心雜話,信施難消,大眾,聞磬聲,各正念。” Trong khi đó đại chúng đồng nhiếp tâm chánh niệm.

Câu: “Thực tồn ngũ quán”, có nghĩa là: khi ăn thì phải quán xét 5 điều; hàm ý là gì? Chánh niệm trong sự dừng nghỉ, gọi là thiền chỉ, và chánh niệm trong sự quán sát, gọi là thiền quán; và đây cũng là công phu tu tập thiên về tu phước và trí tuệ, tức là phước huệ song tu; cho dù là người xuất gia  hay Phật tử tại gia cũng phải thực hiện tốt về “thực tồn ngũ quán”. Vì sao phải làm như vậy, vì tất cả chúng ta phải dựa vào việc ẩm thực ăn uống để điều chỉnh cuộc sống của chúng ta mỗi ngày, nếu thử 1 ngày chúng ta không ăn uống gì hết thì cơ thể con người mất đi trạng thái cân bằng. Cho nên, việc ăn uống trong Thiền môn thông thường 1 ngày ăn 3 thời: buổi sáng, còn gọi là điểm tâm; buổi trưa và buổi chiều gọi là dược thực hay dược thạch, do đó chúng ta không thể xem nhẹ việc ăn uống được.

Vậy ở đây Tam đề là gì? Ngũ quán là gì?

+ Tam đề, còn gọi là tam tâm (tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai) hay tam niệm, 3 đề mục cần phải chú tâm, nhiếp tâm, nhớ niệm, lấy đó làm phương tiện để chúng ta tu tập, chứ không phải hiểu theo 1 cách máy móc: tam đề là 3 muỗng cơm, không phải như vậy, không có nghĩa chút nào; mà ở đây quán tưởng với tâm Đại thừa, đó là: “Nguyện đoạn nhất thiết ác, nguyện tu nhất thiết thiện, thệ độ nhất thiết chúng sanh”. Đây là ba niệm mà người xuất gia chúng ta nên quán tưởng khi ăn. Khi chúng ta quán tưởng ba niệm này, tâm chúng ta sẽ không còn vọng tưởng nào khác. Cho nên nói: “Tam tâm bất liễu thủy nan tiêu, ngũ quán nhược minh kim dị hoá.”[5] Nghĩa là: Ba tâm không thấu suốt thì dù nước cũng khó tiêu, nếu ngũ quán sáng suốt thì dù cho đó là vàng cũng dễ tan chảy.

Tam tâm là tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai. Người tu chúng ta không nên vọng tưởng, không vọng tưởng quá khứ, không vọng tưởng hiện tại, không vọng tưởng vị lai. Mà chúng ta làm sao phải giữ tâm 1 chỗ, như trước đã nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”. Một khi chúng ta đã kiểm soát được tâm này rồi, thì sẽ không còn niệm tưởng nào khởi lên nữa.

+ Ngũ quán tưởng :

– Nhứt: Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ (一,計工多少,量彼來處). Một là xét kể công lao nhiều ít và ước lượng lý do của thực phẩm. Đây là vấn đề rất là quan trọng chúng ta cần phải lưu tâm xem xét đến; phải tính toán trước bữa ăn, đồ ăn thức uống như thế nào đủ hay thiếu, còn tốt hay bị hư thối, và cần bao nhiêu thực phẩm cũng như công sức để hoàn thành cho bữa ăn đúng thời của đại chúng; nếu làm không kịp thì trong chúng sẽ trễ giờ ăn. Nói chung, cây lúa hoa màu rau củ quả, cần quá trình cày cấy, gieo hạt, gặt thu và lưu trữ; nghĩa là để có được cây lúa – hạt lúa phải trải qua các quá trình cày, gieo, cấy, làm cỏ, tưới tiêu, v.v… Nhưng ai biết rằng hạt gạo, hạt cơm trên bàn ăn chúng ta ăn là biết bao công sức lao động cực nhọc của người nông phu. Ngoài ra, người nấu bếp phải làm việc chăm chỉ vo và nấu gạo, để gạo có thể chín thành cơm, thì điều nầy giống như phương châm cách trị gia của Chu tử: “Nhất chúc nhất phạn, đương tư lai xứ bất dị.[6] Nghĩa là: Một lần ăn cháo là một bữa ăn, nên nghĩ từ đâu đem tới, không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa, là người đệ tử Phật, phải luôn tri ơn người đàn việt, Phật tử phát tâm hỷ cúng dường. Đó cũng là nguyên nhân tại sao ở nơi trai đường, chúng ta nên ăn uống điều độ và sạch sẽ, để trân trọng những gì mà người Phật tử hiến cúng, đó cũng là cách để chúng ta tích duyên phước lành.

– Nhị: Thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng (二,忖己德行,全缺應供). Hai là nghĩ kỹ đức hạnh của mình đủ hay thiếu để ứng thọ sự cúng dường. Ý nói là, chúng ta hãy suy nghĩ cẩn thận, cân nhắc về bản thân của mình, phẩm hạnh tính cách bên trong và hành vi thể hiện ra bên ngoài của của mình có toàn diện hay không? Khi chúng ta đặt tay nhận đồ cúng dường, tức là hàng ngày chúng ta có tinh tấn trì giới, niệm Phật trì chú, lễ Phật bái sám, tụng kinh cũng như học giáo lý – giáo pháp phật hay không? thậm chí chúng ta phải “phản quan tự kỷ” – tự mình xem xét lại chính bản thân mình, 1 ngày đã qua mình đã làm được những gì đối với Tam bảo và cho bản thân mình, bao nhiêu lần lạy phật, tụng bao nhiêu thời kinh, học được bao nhiêu chữ; có thật sự xứng đáng để nhận phần cúng dường nầy hay chưa? Thế nên, Tổ Bách Trượng (720-814) từng dạy: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực.”[7] Nghĩa là: Một ngày không làm, một ngày không ăn. Do đó, “vườn rau xanh mướt, bởi thường chăm bón, quả ngọt tươi ngon, nuôi thân thêm lớn. Vườn tâm cũng vậy, khéo dọn bụi nhơ, lọc sạch cấu uế, thư thái nhẹ nhàng”. Cũng vậy Ca dao Việt Nam có câu:

Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày,

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hột,

Đắng cay muôn phần.”

Đây là nói lên thành quả có được hạt gạo, hạt cơm là đánh đổi biết bao nhiêu công sức khó nhọc của người nông phu, chưa kể là nạn bị ngập mặn, ngập nước, bão lụt xem như là mùa vụ đó mất trắng hết luôn.

– Tam: Phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông (三,防心離過,貪等為宗).  Ba là đề phòng tâm lý, tránh những tội lỗi mà tham sân si vẫn là chủ yếu. Chúng ta biết, pháp thực tức là ăn bằng thức ăn Phật pháp (nghe pháp, hiểu pháp và thực hành pháp) có thể nuôi dưỡng tuệ mạng của mình, và thức ăn có thể nuôi dưỡng duy trì mạng căn sự sống nầy. Nhưng người phàm phu khi đối mặt với đồ ăn thức uống khó tránh khỏi tâm phân biệt, mà hễ có tâm phân biệt thì có phiền não tham sân si, khi ăn ngon sẽ sinh lòng tham, muốn cất giữ để ăn riêng 1 mình gọi là tham ăn, háu ăn; khi ăn thức ăn nước uống mà chúng ta không thích, không hợp khẩu vị, từ đó sanh tâm phiền não, tức giận, buồn bã, hết có cảm xúc ăn uống nữa; chúng ta biết, khi khởi phiền não như vậy, đâu có hiểu, tham sân si là do một niệm mê mờ mà nó chui vào trong cổ họng, với 3 ba tấc lưỡi cũng không biết mùi vị của tham sân si như thế nào? Mẫu số chung, con người hay la rầy đồ ăn tốt xấu, ngon dỡ. Người học Phật chúng ta không nên sanh tâm phân biệt, mà hãy nhìn với tuệ quán bình đẳng.

– Tứ: Chính sự lương dược, vị liệu hình khô (四,正事良藥,為療形枯). Bốn là chính vì lấy thực phẩm làm dược phẩm tốt để trị liệu thân hình khô yếu. Chúng ta biết, thân thể con người của chúng ta đây được hình thành bởi tứ đại, và cảnh giới ngoại thân bên ngoài cũng có bốn đại; thân thể con người bốn đại nầy gọi là tứ đại chủng nội, và bên ngoài gọi là tứ đại chủng ngoại; bốn đại mà mất quân bình thì sinh ra đau ốm bệnh hoạn, bốn đại không điều hòa thì sinh ra vô số bệnh tật. Khát nước thì có bệnh chết khát, còn đói thì có bệnh chết đói. Khi lật văn cảnh sách ra, chúng ta nhớ lại lời dạy của Tổ Quy Sơn, mở đầu lời sách tấn, Tổ dạy: “Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cọng thành. Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vị bội.”[8] Nghĩa là: Vì nghiệp lực kết buộc mà có thân thể, thì chưa ai thoát khỏi cái lụy của hình hài. Nên bẩm thụ thể chất tiết ra của cha mẹ, vay mượn những yếu tố tương quan mà hợp thành. Tuy được bốn thứ đại chủng hỗ trợ, nhưng chính bốn thứ này lại luôn luôn đối nghịch lẫn nhau.

Chúng ta ai cũng có nghiệp thân, phải dựa vào ăn uống mà duy trì điều trị, đừng để thân xác khô héo hốc hác gầy yếu, như vậy là lãng phí đạo nghiệp. Nói như vậy không có nghĩa là khuyến khích động viên chúng ta phải ăn uống cho thật nhiều, mà mình phải biết thương thân mình, đừng khổ hạnh quá mức, con đường khổ hạnh ép xác thì không đưa đến đạo giải thoát được; có hai thái cực mà đức Phật đã từng dạy trong bài pháp đầu tiên, đó là: “Chuyển pháp luân kinh”.

Ngài Liên Trì Đại sư (1535-1615) thường nói: “Thảo thực thắng không phúc, mao đường quá lộ cư.[9] Nghĩa là: Thà ăn cỏ còn hơn để bụng đói, ở nhà tranh vách đất còn hơn sống ngoài trời.

Hoà thượng Long Sơn nói: Nhất trì hà diệp (liên diệp) y vô tận, mãn địa tùng hoa thực hữu dư.”[10] Nghĩa là: Ao sen nhiều vô kể, trên mặt đất có quá đủ thức ăn. Cho nên, việc ăn uống là rất tế nhị, chúng ta phải xem xét trong bữa ăn. Luật dạy, Tỳ-kheo 1 ngày ăn 1 bữa vào giờ ngọ, còn sáng và chiều là chỉ uống nước cháo hay sữa, nhưng nếu thời bây giờ các Thiền viện, Tự viện áp dụng thực hành điều đó thì e rằng Tăng chúng không đủ sức khoẻ, vì nhiều chùa còn phải làm việc lao động nữa, tiêu hao năng lượng rất nhiều; ăn buổi chiều gọi là dược thạch (藥石) hay Dược thực (藥食), xem việc ăn như uống thuốc vậy.

– Ngũ: Vi thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực (五,為成道業,應受此食). Năm là vì thành đạo nghiệp mà ứng thọ thực phẩm này. Trên bước đường tu học Phật, chúng ta phải dựa vào tứ đại giả hợp thân thể – bốn thân giả này để tu học Phật pháp, hoằng Pháp lợi sanh, tu phước tu tuệ, thành tựu Phật quả viên mãn, nên cái gọi là tạm thời phải thọ nhận sự cúng dường đồ ăn thức uống để duy trì huyễn thân mộng trạch. Sắc thân tuy giả không thật, nhưng không có tấm thân ngũ uẩn phù vân nầy thì chúng ta khó thành tựu đạo nghiệp, sở nguyện của mình; chúng ta biết, phải mượn cái giả để thể nhập vào chân như, mượn cái tướng để đi vào tánh, mượn văn tự để nói lên cái vô ngôn; mặc dù là biết nó là giả tạm, nhưng rời nó ra thì khó thể nhập pháp tánh chân như được; ruồng bỏ cuộc đời nầy thì khó có thể tìm thấy ánh đạo. Cho nên cổ nhân từng nói: “Vị thành Phật đạo, tiên kiết nhân duyên; pháp luân vị chuyển, thực luân tiên chuyển.”[11] Nghĩa là: Trước khi thành Phật, điều đầu tiên là hãy kết duyên lành với mọi người – tạo mối quan hệ với mọi người; cũng vậy, trước khi chuyển đẩy bánh xe chánh Pháp, thì bánh xe thực phẩm phải lăn chuyển đầu tiên.  

Câu: “Ư hảo ư ố, vật sanh tăng giảm (於好於惡, 勿生增減). Nghĩa là: Ngon không ham dỡ không bỏ (Whether they be good or bad, do not accept or reject them according to your likes and dislikes).

Đối với những món ăn có mùi thơm có màu sắc, có mùi vị và nhìn thấy cảm tưởng rất là ngon, muốn  ăn ngay, ăn liền lập tức. Nó thực sự ngon và lòng tham từ đó xuất hiện, hình dung rằng, có vẻ như một bàn tay vươn ra từ cổ họng, cố gắng lấy thứ gì đó ngon lành. Đó là vì tiếp xúc với món ăn ngon mà sinh lòng tham, còn đối với món ăn dỡ, vì mình không ưa không thích, nhìn mà phát ngán chứ đừng nói đến ăn, nếu như có người chưa quen các món ăn Ấn-độ, chỉ cần ngửi mùi thôi là buồn nôn mửa rồi, vì đất nước Ấn-độ có đến hàng trăm hàng ngàn món ăn, rất phong phú đa dạng về ẩm thực.

Một khi chúng ta không có tâm phân biệt món ăn ngon hay món ăn dỡ, có nghĩa là chúng ta trở nên bình đẳng với thức ăn ngon và thức ăn dỡ. Cho nên nói đến việc tu hành, liên quan đến vấn đề ăn uống, khi ăn món ngon hay dỡ mà tâm chúng ta luôn bình đẳng hoan hỷ, thì đây thật sự không đơn giản dễ dàng chút nào; mẫu số chung con người chúng ta, ngon phải khen, dỡ thì chê, chua cay mặn ngọt nhạt…; trong bữa ăn mà thấy có 1 món cũ hôm qua để lại, là thấy hơi khó chịu trong lòng rồi đó, và đây cũng là điểm nhấn tạo ra sự khác biệt trong chế độ ăn uống. Có người nói, tôi không khởi tâm tham trong việc ăn uống, như pháp ăn uống, nếu nói như vậy thì chúng ta chẳng cần tinh tấn để làm gì?

Cho nên khi ăn nếu thấy cái gì không ngon, thấy món dỡ, mà mình ăn được là khéo, chứng tỏ rằng mình có công phu tu tập; còn thấy món ăn ngon, mà chúng ta có thể ăn ít hơn, thì đây thật sự đó là một kỹ năng rèn luyện tâm rất công phu.

Điểm căn bản mấu chốt của việc tu tập hành đạo đối với việc ẩm thực là thế này, cho dù nơi đó có người  hay không có ai cũng vậy. nói ra điều đó không có nghĩa là phải có nhiều người, chỉ cần làm đóng kịch làm giả biểu hiện trên khuôn mặt với người khác. Bạn thấy đấy, tôi là một người tu hành, nghiêm chỉnh giới luật, tôi không muốn ăn đồ ngon nên để dành đồ ngon đó cho mọi người ăn, dân gian thường nói: nhịn miệng đãi khách đàng xa, hay nói 1 cách đầy đủ hơn là: “Cái bống là cái bống bình/ Thổi cơm nấu nước một mình mồ hôi/ Rạng ngày có khách đến chơi/ Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chồng/ Rạng ngày ăn uống vừa xong/ Tay nhấc mâm đồng  tay trải chiếu hoa/ nhịn miệng đãi khách đàng xa/ Ấy là của gửi chồng ta ăn đàng.” Con người cố tình ăn thêm một miếng đồ ăn không ngon để muốn cho mọi người xung quanh thấy rằng tôi là 1 người tu hành chân chánh. Nếu biểu hiện hành động như thế nầy là người đó đang có suy nghĩ sai lầm, bởi vì bạn cố tình tạo ra biểu cảm không mong muốn, cố tình ép cổ họng của mình, bao tử của mình phải như thế này, trong 1 bàn tiệc 10 người, 9 người ai cũng nói là món ăn này mặn quá, nhưng chỉ có riêng mình nói là ngon, vừa ăn, thì điều đó lại sai nữa rồi, nó cũng giống như lòng tham con người, có 1 rồi muốn có hai và nhiều hơn nữa. Vì thế, không nên tăng hay giảm cái thiện hay giảm cái ác, cũng không nên ham ăn nhiều, cũng không ham muốn ăn ít vì cái xấu, mà chỉ cần ăn đủ thôi. Hay nói theo kinh điển là Pháp Trung đạo. Còn trong Khổng giáo gọi là Trung dung, có nghĩa là dung hòa, duy trì mọi việc, mọi vật ở mức độ vừa phải, cân bằng. Bất cứ cái gì trở nên thái quá hoặc thiếu hụt đều làm mất đi trạng thái cân bằng, tức là mất đi sự trung dung đều có ảnh hưởng không tốt. Cổ đức có nói: “Ta sống quá nửa đời phù phiếm/ Mới nhận ra huyền nhiệm trung dung/ Trung dung hương vị khôn cùng/ Làm cho lòng dạ tưng bừng niềm vui.”

Vì vậy, người học Phật chúng ta đừng đặc biệt khoe khoang về bất cứ điều gì, cũng đừng cố tình đóng kịch, gắn cái mặt nạ để cho người khác thấy. Thật sự mình tu tập là cho chính mình chứ không phải cho người khác. Nếu bạn cho người khác thấy công phu tu tập của mình, thì cho dù bạn có hành trì công phu bao lâu đi chăng nữa thì cũng khó thành tựu được sở nguyện của mình.

Chúng ta biết, cái nguy hiểm nhất trong việc tu hành ngoài vấn đề giới tính nam nữ, còn có cái gọi là ẩm thực, ăn uống. Đối với chư Tăng và chư ni hoặc thầy và nữ đệ tử, nam đệ tử có thể giữ được khoảng cách và tránh gần gũi. Nếu như không gần gũi thì sẽ không phát sanh tình cảm. Còn cái việc ăn uống thì khác, nếu con người ăn uống không điều độ thì âm – dương trong  cơ thể sẽ không được điều hòa, cân bằng. Từ chỗ âm dương không điều hòa này mà cảm giác tình dục phát dậy lên. Ngoài đời các thầy giáo, cô giáo, giám đốc, kỹ sư, luật sư… là một ví dụ điển hình. Nghề nghiệp đòi hỏi họ dùng nhiều khí, tức là chất xám, suy nghĩ quá độ, cho nên ngũ hành không điều hòa. Vì âm – dương trong cơ thể không điều hoà cho nên mới xảy ra nhiều trường hợp lạm dụng tình dục. Ăn uống không đúng giờ và ăn quá độ gây ra nhiều nguy hiểm dẫn đến hậu quả khó lường, nhưng vì tác động không trực tiếp nên khó mà nhìn thấy được. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta hay dễ phạm giới, nếu không hết sức cẩn thận trong việc ăn uống.

Trong quy luật ngũ hành tương sinh và ngũ hành tương khắc đã giải thích rất rõ:

+ Về ngũ hành tương sinh:

– Mộc sinh Hỏa: Cây khô sinh ra lửa, Hỏa lấy Mộc làm nguyên liệu đốt.

– Hỏa sinh Thổ: Lửa đốt cháy mọi thứ thành tro bụi, tro bụi vun đắp thành đất.

– Thổ sinh Kim: Kim loại, quặng hình thành từ trong đất.

– Kim sinh Thủy: Kim loại nếu bị nung chảy ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra dung dịch ở thể lỏng.

– Thủy sinh Mộc: Nước duy trì sự sống của cây.

+ Về ngũ hành tương khắc

– Thủy khắc Hỏa: Nước sẽ dập tắt lửa

– Hỏa khắc Kim: Lửa mạnh sẽ nung chảy kim loại

– Kim khắc Mộc: Kim loại được rèn thành dao, kéo để chặt đổ cây.

– Mộc khắc Thổ: Cây hút hết chất dinh dưỡng khiến đất trở nên khô cằn.

– Thổ khắc Thủy: Đất hút nước, có thể ngăn chặn được dòng chảy của nước.

Xem đồ biểu

Chúng ta học Phật phải biết rằng, những lời đức Phật dạy đều có lý do. Tại sao người tu chỉ nên ăn sáng và trưa thôi? Vì Phật dạy rằng giờ ăn có quan hệ với mỗi loài chúng sanh. Loài chư Thiên ăn buổi sáng, súc vật, súc sinh ăn buổi chiều, còn ngạ quỷ thì ăn buổi tối. Do đó, đức Phật mới chế định rằng, người tu nên ăn vào giờ trưa để tránh lầm lẫn. Chúng ta ăn vào giờ trưa để gieo duyên và đắc quả giống như Phật. Đức Phật cho phép ăn sáng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể, nếu như cần thiết. Điều này trong Thập giới Sa-di nói rất rõ:Cửu viết: bất phi thời thực. Giải viết: Phi thời giả, quá nhất ngọ, phi tăng thực chi thời phần dã, chư Thiên tảo thực, Phật ngọ thực, súc sanh ngọ hậu thực, quỷ dạ thực, tăng nghi học Phật, bất quá ngọ thực.”[12] Nghĩa là: Giới thứ 9, không ăn phi thời. Giải rằng: Phi thời là gì ? Quá giờ ngọ, chẳng phải thời phần của ông Thầy ăn vậy, tại sao thế ? Bởi sớm mai chư Thiên ăn. Giờ ngọ Phật ăn. Sau giờ ngọ loài Súc sinh ăn và tối là Ngạ quỷ ăn. Ông Thầy học theo Phật, quá giờ ngọ không ăn.

Câu: 趣得支身, 以除饑渴。 Nghĩa là: Vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát (just use them to support your bodies, thereby staying free from hunger and thirst).

Thú đắc chi thân (趣得支身), tức là chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ (sự cúng dường thực phẩm) để duy trì cho cơ thể mình sống sót, thì chỉ có chừng đó thôi là đủ rồi. Và “dĩ trừ cơ khát”, là có thể loại bỏ hay vượt qua vấn đề sự đói và khát.

Trong kinh Ganaka Moggalla, đức Phật dạy:

“Hãy đến Tỷ-kheo, hãy tiết độ trong ăn uống, chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, chỉ để thân này được duy trì, được bảo dưỡng, khỏi bị gia hại, để chấp trì phạm hạnh, nghĩ rằng: Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới; và ta sẽ không phạm lỗi lầm, sống được an ổn.”[13]

Thái độ của người xuất gia đối với ăn uống rất rõ là ăn uống vừa phải để khỏi hại thân và để tu tập phạm hạnh, không vì ăn uống mà tham sân si sanh khởi, chướng ngại sự tu tập. Đây là điều rất căn bản mà người xuất gia đệ tử phật chúng ta cần phải cân nhắc trong vấn đề ăn uống ẩm thực.

3. Ảnh dụ như con ong hút mật hoa

Đoạn: 如蜂採華, 但取其味, 不損色香。 比丘亦爾, 受人供養, 趣自除惱, 無得多求, 壞其善心。  譬如智者, 籌量牛力, 所堪多少, 不令過分 以竭其力。Nghĩa là: Như ong lấy hoa, chỉ lấy mùi vị mà không tổn thương hương sắc, người xuất gia cũng vậy. Thọ dụng cúng phẩm của người vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Hãy bắt chước kẻ khôn ngoan, biết lượng sức lực con trâu của mình chịu đựng nhiều ít, không dùng quá sức đến nỗi kiệt lực. (As bees while foraging among flowers extract only the nectar, without harming their colour and scent, just so, O Bhikkhus, should you do (when collecting alms-food). Accept just enough of what people offer to you, for the avoidance of distress. But do not ask for much and thereby spoil the goodness of their hearts, just as the wise man, having estimated the strength of his ox, does not wear out its strength by overloading).

Như phong thái hoa (如蜂採華): Chúng ta có thể hình dung khi con ong bay đi lấy mật hoa, bất cứ hoa gì có thể, nó thu thập hút bột phấn trên bông hoa ấy, chỉ cần một chút mùi phấn hoa mà không làm tổn hoại hay hỏng mất đi màu sắc cũng như mùi hương thơm của hoa đó. Tương tự, người Tỳ-kheo đệ tử Phật, việc làm cũng giống như loài ong ấy, đối với việc sinh hoạt ẩm thực đừng khởi tâm tham thích đồ ăn ngon đồ ăn tốt, vì nếu làm như vậy, tâm lúc nào cũng nghĩ về việc ăn uống, tham luyến những món ăn đó; và cũng đừng ăn quá nhiều, dẫn đến bị khó tiêu.

Cũng vậy, trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy rất rõ về điều này:

“Như ong đến với hoa,

Không hoại sắc và hương.

Che chở hoa lấy nhụy,

Bậc Thánh đi vào làng.”[14]

Vấn đề ăn uống từ xưa đến nay luôn là điều tạo nên phiền toái và ác nghiệp. Con người ta có thể vì ăn uống mà không từ một thủ đoạn nào, có thể chà đạp lên hạnh phúc của kẻ khác để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của mình. Tục ngữ nói: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu”, đó là lẽ thường tình của cuộc đời. Người xuất gia với mục đích mong cầu giải thoát không thể vướng bận vấn đề ăn uống làm cho tham đắm hay làm cho chướng ngại lý tưởng sự nghiệp của mình, việc ăn uống được xem là nhu cầu như hít thở, nó đeo đuổi suốt cuộc đời của mình, cho nên xử sự việc ăn uống cho hợp đạo lý là giải quyết được một phần trong công phu tu tập.

Và khi chúng ta nhận được sự hỗ trợ hay cúng dường thực phẩm từ người khác, thì đương thể đó “thú tự trừ não” (趣自除惱) sẽ vượt qua sự lo lắng rắc rối của mình, chỉ cần chúng ta thoát khỏi rắc rối của cơn đói, cơn khát là tâm cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, đừng đòi hỏi mong cầu gì hơn nữa “vô đắc đa cầu” (無得多求), không cần phải mong muốn đồ ăn cho thật ngon “hảo ẩm thực”.

“Hoại kỳ thiện tâm” (壞其善心), phá hoại ý định tốt của người hiến cúng hay thiện tâm của người Phật tử: Nếu chúng ta ăn quá nhiều, uống quá nhiều, thì thiện tâm của chúng ta sẽ bị hủy hoại, tâm hồn lúc nào cũng nghĩ về ăn uống, và từ đó sinh ra tâm tham, đó đc xem là một lỗi lầm. Do mình đòi hỏi nhiều, nhu cầu nhiều thì người Phật tử phải cúng dường nhiều, làm cạn kiệt tài sản tiền của của người Phật tử; vì đáp ứng nhu cầu của mình mà khiến cho hạnh phúc gia đình của họ bị tổn thương, bởi do bất đồng quan điểm của các thành viên trong gia đình; vì mình mà trở thành gánh nặng, dần dần họ mất đi niềm tin đối với Tam Bảo, qua tư cách sống của 1 ông thầy Tỳ-kheo.

Thêm 1 thí dụ khác, đó là “thí như trí giả” (譬如智者), giống như một nhà thông thái, bậc trí tuệ hay người khôn ngoan có thể nhìn nhận vấn đề: so sức mạnh của 1 con bò, con trâu hay con lạc đà chẳng hạn, thì hãy xem con bò này mạnh mẽ đến chừng mức nào? Nó có thể chở được một tấn đồ vật, nếu bạn cho nó hai tấn thì nó không thể kéo được, nó không có sức lực mạnh mẽ đến như vậy? Nếu bụng chúng ta chỉ dung chứa được một bát cơm, hai hoặc ba bát mà chúng ta ăn tới mười bát thì bụng sẽ khó chịu, không khéo sẽ nghẹt thở, lủng bao tử và sẽ nổ tung. Vì vậy, khi đo sức của con bò, con trâu, chúng ta phải biết con trâu mạnh đến mức nào và có thể chịu đựng được bao nhiêu? Đừng để nó đi quá xa, vì nó không thể chịu được sức nặng đường trường như vậy. Tận dụng hết sức lực con vật, thì sẽ kiệt sức đến nỗi không kéo nổi nữa! Và có thể là lăn đùng ra chết luôn, thì kết quả tài và vật cũng chẳng đạt mục đích như ý muốn. Vì vậy, người học Phật bằng con mắc của chánh kiến là không được chấp trước vào đồ ăn thức uống, không nên chấp trước vào mùi vị của đồ ăn. Không những không nên dính mắc vào đồ ăn mà cũng không nên dính mắc vào quần áo, giầy dép, mũ nón thậm chí xe nữa thì khác… đừng tham lam cái gì đẹp, cái gì không đẹp, cũng đừng dính mắc vào cái này, cái kia. Khi ngủ đừng tham lam hai mươi bốn giờ một ngày, muốn ngủ thêm 1 chút nữa thì cũng chẳng mập lên ký nào, và cũng chẳng sống thọ thêm tuổi nào cả?

4.  Những điều đáng chú ý trong ẩm thực theo tinh thần Phật giáo

Theo quan điểm Phật giáo, mỗi người chúng ta nên cân nhắc, chú ý trong bữa ăn với các phương pháp như sau:

– Chánh niệm trong lúc ẩm thực, nên ăn trong một trạng thái tinh thần thanh thản, và trong một môi trường thoải mái, yên tĩnh. Nên có vài phút nghỉ ngơi trước khi ăn để tâm trí tĩnh tại.

Nhai kỹ thức ăn, hầu hết chúng ta đều ăn uống vội vàng, ăn thật nhanh để còn làm việc khác. Điều này rất có hại cho cơ thể, ảnh hưởng không tốt cho sự tiêu hóa ở dạ dày.

Không ăn quá nhiều, như đức Phật đã dạy, chúng ta ăn chỉ nhằm có đủ sức khỏe để tu tập chứ không phải ăn để hưởng thụ. Việc ăn tham, ăn quá nhiều sẽ chỉ có hại cho cơ thể chứ không phải ăn càng nhiều thì càng tốt. Khi chúng ta ăn quá nhiều sẽ bắt toàn bộ hệ thống tiêu hóa phải làm việc quá sức và làm cho việc tiêu hóa thức ăn không hoàn thành. Khi thức ăn chỉ được tiêu hóa một phần, tiêu hóa nửa vời, chúng sẽ trở thành những khối thức ăn thối rữa độc hại cho cơ thể.

Không kén chọn món ăn, chúng ta ăn uống với mục đích giải thoát, vì vậy ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Cho nên, có món gì thì chúng ta ăn món nấy chứ không phải vì ăn ngon cho sướng miệng mà đi chọn lựa thức ăn này thức ăn khác. Người tu theo Phật giáo mà còn lựa chọn món ăn này hay món ăn kia là không phải đệ tử của Phật.

Ngồi ăn với tư thế thích hợp, khi ăn, hãy ngồi thẳng lưng để năng lượng có thể tự do đi dọc cột sống và không gây lực đè lên các cơ quan tiêu hóa. Tốt nhất là ngồi vòng chân khi ăn. Không nên ăn khi đứng.

Không ăn vặt giữa các bữa ăn, phải mất bốn tiếng đồng hồ để thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn và ra khỏi dạ dày của ta, và tập trung lại được các dịch tiêu hóa sẵn sàng cho bữa ăn sau. Nếu chúng ta ăn nhiều lần một ngày, những dịch tiêu hóa này không có thời gian tập trung đủ nồng độ và sẽ không đủ sức để tiêu hóa hoàn toàn bữa ăn tiếp sau đó, và những thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ trở thành những chất có hại cho cơ thể.

– Nghỉ ngơi sau bữa ăn, sau các bữa ăn, đừng hoạt động nhiều về cơ bắp hay tâm trí. Sau khi ăn, các cơ quan tiêu hóa cần tập trung toàn bộ năng lượng của cơ thể vào việc tiêu hóa thức ăn. Nếu chúng ta hoạt động cơ bắp hay tâm trí nhiều, năng lượng và máu trong cơ thể bị phân tán để thực hiện những hoạt động ấy, sẽ làm cản trở quá trình tiêu hóa. Tốt nhất là sau bữa ăn, hãy đi “phạn thực kinh hành”[15]nghĩa là vừa đi bộ chậm chậm vừa niệm Phật.

IV. Kết luận

Bài nầy giúp cho người tu học Phật biết cách chữa trị nỗi khó khăn trong việc ẩm thực; đối với người học Phật, hơn nữa là người xuất gia Tỳ-kheo đều phải biết lượng thức ăn, không nên ăn uống quá nhiều, ăn quá no, mà coi việc ẩm thực như là uống thuốc. Bởi vì mục đích của việc uống thuốc là để chữa bệnh, trị bệnh, giống như người ăn kiêng cũng là 1 trong những cách chữa bệnh, chứ không có gì khác.

Vì vậy, người xuất gia tu hành không nên quan tâm, đặt nặng đến chất lượng thức ăn, miễn là thỏa mãn cơn đói của mình, cũng giống như con ong lấy mật hoa, quan trọng là vị của hoa, chứ không phải là màu sắc, hương thơm. Cổ nhân có câu: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất.”[16] Nghĩa là hầu hết bệnh tật đều do thói quen ăn uống của con người mà ra, cũng như hầu hết tai họa đều bắt nguồn từ lời nói của mỗi người. Do đó, ăn uống không đúng cách sẽ không mang lại sức khỏe cho cơ thể, đồng thời gây ra nhiều chứng bệnh. Bệnh tật cũng từ việc ăn uống không đúng cách. Chữa bệnh cũng bằng việc ăn uống đúng cách.


Tham khảo & chú thích

[1] Hoàng Đế Nội Kinh là một tài liệu y học cổ của Trung Quốc, được coi là nguồn gốc giáo lý cơ bản của nền y học cổ truyền Trung Quốc trong hơn hai thiên niên kỷ. Tác phẩm bao gồm hai phần, mỗi phần bao gồm 81 chương hoặc chuyên luận theo dạng hỏi và đáp giữa Hoàng Đế và các vị đại thần của ông như Kỳ Bá, Lôi Công, Bá CaoDu PhụThiếu SưQuỷ Du KhuThiếu Du.

[2] 五 色 令 人 目 盲. 五 音 令 人 耳 聾. 五 味 令 人 口 爽. 馳 騁 田 獵 令 人 心 發 狂.

[3] 清心寡欲

[4] 雁  過  長  空, 影  沈  寒  水, 雁 無 遺  跡  之  意, 水  無 留  影 之 心.

[5] 三心不了水難消,五觀若明金易化.

[6] 一粥一飯,當思來處不易.

[7] 一日不作一日不食.

[8] 夫業繫受身。未免形累。禀父 母之遺體。假衆緣而共成。雖 乃四大扶持。常相違背。

[9] 草食勝空腹,茅堂過露居.

[10] 一 池荷葉 (蓮葉) 衣無盡,滿地松花食有餘.

[11] 未成佛道,先結人緣;法輪未轉,食輪先轉.

[12] 九 曰: 不非時食. 解曰:非時者,過日午,非僧食之時分也. 諸天早食,佛午食,畜生午後食,鬼夜食. 僧宜學佛, 不過午食.

[13] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập II; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 326.

[14] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ số 49; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 19.

[15] 飯食經行.

[16]  病從口入, 禍從口.

Kinh Di Giáo