Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

BÀI 8: Nguyên Thủy Phật Giáo (Phật Pháp Tiểu Thừa) (phần 4)

(Tiếp theo & hết)

IV. Phần chứng quả

a. Diệt tận là mục đích cứu cánh

Cứu cánh có nghĩa là thực hiện 1 công việc cho đến khi hoàn thành 1 cách rốt ráo. Cứu cánh của Tiểu thừa pháp là chú trọng ở chỗ diệt trừ hết sạch phiền não nhiễm ô, tức là Diệt, Tận, Diệu và Ly.

Diệt là gì? nghĩa là diệt trừ tất cả mọi phiền não [謂滅一切煩惱].

Tận là gì? nghĩa là trừ sạch hết thảy mọi nghiệp hữu lậu sanh tử [謂盡生死有漏之業].

Diệu là gì? nghĩa là diệu ứng với chơn thường, chơn lạc, chơn ngã và chơn tịnh, còn gọi là tam giải thoát môn (không, vô tướng và vô nguyện)

Ly là gì? nghĩa là giải thoát khỏi những khổ đau trong 3 cõi và chín địa [謂解脫三界九地諸苦].

b. Bốn quả vị Sa-môn (tứ quả Sa-môn, tứ quả Thanh văn, tứ Thánh quả)

Sa-môn là danh từ chỉ cho đệ tử Phật (đệ tử Gotama, đệ tử đức Cồ đàm) khác với Sa-môn của Bà-la-môn giáo, nên trong kinh điển Phật giáo thường ghi là Sa-môn Gotama.

Thanh văn (S. Śrāvaka) là những người đệ tử Phật, do nhờ nghe âm thanh thuyết pháp của đức Phật mà được giác ngộ, nên gọi là Thanh văn. Để đạt được quả vị Thanh văn hay tứ quả Sa-môn này, hành giả áp dụng tu tập ngang qua Tam vô lậu học(giới, định, tuệ) sẽ dần dần đoạn trừ các kiết sử và chứng đắc các Thánh quả sẽ được tuần tự trình bày như sau.

1. Thánh quả Dự lưu, Tu-đà-hoàn (P. Sotāpanna)

Thánh quả Dự lưu-Tu đà hoàn (P. Sotāpanna) là bậc Thánh đầu tiên trong bốn Thánh quả.  Thánh quả này được gọi là đã ‘mở con mắt của Pháp’ (S. Dharmacakkhu), chứng đắc pháp nhãn, tức là nhận ra rằng bất cứ điều gì sinh ra điều sẽ hoại diệt (vô thường). Niềm tin của họ trong giáo pháp thực sự sẽ là không thể lay chuyển hay gọi là ‘bất hoại tín’. Bậc thánh này cũng được gọi là Thánh quả ‘Thất lai’, tức  là còn 7 lần sanh tử nữa mới chứng Thánh quả A-la-hán.  Vị ấy đã đoạn trừ 3 kiết sử đầu là: thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (sīlabbata-parāmāsa). Kinh tạng Nikāya định nghĩa như sau: “Ở đây Tỷ-kheo đoạn dứt ba kiết sử, thành bậc Dự lưu, không đọa ác thú, chắc chắn đạt quả Bồ-đề.”[1]

Tăng chi bộ kinh mô tả vị hành giả tu tập dần dần theo giới, định và tuệ để đoạn trừ các kiết sử, chứng đắc Thánh quả Dự lưu như sau: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ Kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy không có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác.”[2]

Như vậy, thánh quả Dự lưu (Stream-winner): Thực hành trọn vẹn về giới, định hành trì một phần tuệ, hành trì một phần đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên và chứng đắc sơ quả. Ở đây, bậc Dự lưu chưa thể loại bỏ toàn bộ gốc rễ bất thiện (akusalamula) như tham (loba), sân (dosa) và si (moha). Tuy nhiên, vị ấy là một trong những người đã muội lược những gốc rễ bất thiện đi vào dòng thánh, thành tựu phạm hạnh đoạn trừ tất cả những ác pháp, đạt được hạnh phúc tột cùng (parama sukha) là Niết-bàn và không còn thối đọa.

2. Thánh quả Nhất lai, Tư-đà-hoàn (p. sakadāgāmi)

Thánh quả Nhất lai là quả vị thánh thứ hai trong tứ thánh quả. Sao gọi là nhất lai? Bởi vì thánh quả này phải còn trở lại một lần sanh tử nữa mới chấm dứt khổ đau, đạt đến quả vị vô sanh. Những ai đoạn tận ba kiết sử như trong trường hợp của Thánh quả Dự lưu, và làm muội lược hai kiết sử tiếp theo, đó là, dục (kāmacchando) và san (vyāpāda), được gọi là Thánh quả Nhất lai, Tư-đà-hoàn (Sakadagami). Trường Bộ Kinh định nghĩa: “Tỷ-kheo đoạn dứt ba kiết sử và làm nhẹ bớt tham, sân, si, thành bậc Nhứt lai, còn phải sanh lại trong đời này một lần nữa trước khi diệt hẳn khổ đau.”[3]

Với tam vô lậu học, Thánh quả Nhất lai (Once-returner) thực hành trọn vẹn về giới, định hành trì toàn phần, tuệ, hành trì một phần đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên và làm muội lược tham, sân, si.

3. Thánh quả Bất lai, A-na-hàm (p. anāgami)

Thánh quả Bất lai, A-na-hàm là Thánh quả thứ ba, vị ấy đã đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử (P. Orambhagiya saṃyojana), sau khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sinh cõi Phạm thiên, và không bao giờ tái sinh trở lại nữa. Đức Phật dạy: “Vị Tỷ-kheo đã đoạn dứt năm hạ phần kiết sử, thành vị hóa sanh, nhập Niết-bàn tại đây, không còn phải trở lại thế giới này nữa.”[4]

Thánh quả bất lai (Non-returner): Thực hành trọn vẹn về giới, định hành trì toàn phần, tuệ hành trì một phần, đoạn tận năm hạ phần kiết sử được hóa sanh, tại đây nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời này nữa.

Như vậy, bậc A-na-hàm chỉ loại bỏ năm hạ phần kiết sử và đặc biệt là tận diệt ham muốn nhục dục (kāmacchando) và sân (vyāpāda), còn ba kiết sử dưới (thân kiến, nghi và giới cấm thủ) đã được loại bỏ từ trước.

4. Thánh quả A-La-Hán (P. Arahant)

Sau khi phá luôn năm kiết sử cuối cùng, tức hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh, một vị A-na-hàm sẽ chứng A-la-hán, nghĩa là đạo đức đã trở thành tuyệt đối hoàn hảo. Không một thần Thánh thiên tử nào có thể tìm thấy lỗi lầm của một vị A-la-hán được nữa.

Với tam vô lậu học, Thánh quả A-la-hán (P. Arahant), thực hành trọn vẹn về giới, định hành trì toàn phần, tuệ hành trì toàn phần đoạn tận 10 kiết sử.

Thanh Tịnh Đạo giải thích: “Lý do đắc quả Dự lưu và Nhất lai là Giới, quả Bất hoàn là Định và quả A-la-hán là Tuệ. Vì bậc Dự lưu được gọi là người ‘thành tựu viên mãn các phẩm loại của giới’, bậc Nhất lai cũng vậy, bậc Bất hoàn được gọi là ‘viên mãn định’ và A-la-hán là bậc ‘tuệ viên mãn’.[5] Giải thoát hoàn toàn khổ đau sinh tử luân hồi là bậc A-la-hán, vị ấy: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”[6]

Bậc A-la-hán đầy đủ 3 đức: sát tặc, vô sanh và ứng cúng; kinh Pháp cú, đức Phật dạy:

“Ai lậu hoặc đoạn sạch/ Ăn uống không tham đắm.
Tự tại trong hành xứ/ Không, Vô tướng, Giải thoát.
Như chim giữa hư không/ Dấu chân thật khó tìm.”
[7]

Như vậy, theo Tiểu thừa pháp – hành giả đoạn tận 10 kiết sử thông qua việc áp dụng Tam vô lậu học (giới, định và tuệ) thì chứng đạt quả vị A-la-hán.

c. Hữu dư y Niết-bàn

Hữu dư y Niết bàn (Niết bàn khi còn sống), (P. Sa-upādi-sesa-nibbāna/ upādi-sesa-(pari)-nibbāna); upādi= nhiên liệu, sesa=còn lại, là khi đạo quả Niết-bàn được thành tựu trong kiếp sống hiện tiền, nghĩa là người được giải thoát khổ đau luân hồi, nhưng nhục thể (thân ngũ uẩn) vẫn còn tồn tại.

d. Vô dư y Niết-bàn

Vô dư y Niết-bàn (Niết bàn sau khi chết),(P. Aupādi-sesa-nibbāna)  là vị A-la-hán đã đạt Đại Niết-bàn, không còn phần nhục thể thân ngũ uẩn nữa.

Không còn phải chịu cảnh trở thành hay tái hiện hữu, vì cảm giác hay kinh nghiệm giác quan đã hoàn toàn dừng nghỉ.

V. Những đặc tính của Phật pháp Tiểu thừa

a. Tiểu thừa chỉ là pháp xuất thế

Do quán sát hiện tượng vạn hữu tất cả các pháp thế gian, bao gồm hữu tình vô tình, vật lý tâm lý, chánh báo y báo, 6 nẻo luân hồi, lưu chuyển trong 3 đời, nhân duyên sanh tử, cho đến chấp ngã, tà kiến, dục tưởng… đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, nhiễm ô, bất tịnh thấy rõ như thật. Do đó, quyết chí cầu đạo giải thoát xả ly thế gian, chứng nhập đạo quả (thấy rõ như thật tức Liễu tri (nhân) nên chứng nhập đạo quả tức Liễu thoát (quả)). Hay nói khác, sau khi đã thấy rõ quả thì truy tìm về nguyên nhân để đoạn diệt tiếp đó mới tu chứng. Vấn đề này được thể hiện rõ qua giáo lý Tứ Thánh Đế (quả-khổ, nhân-tập; quả-diệt, nhân-đạo).

Đại thừa triển khai vấn đề này, như Kinh Viên Giác nói: “Thiện nam tử, tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện, ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ. Nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh, y thử tu hành, như thị nãi năng vĩnh ly chư huyễn.[8] Nghĩa là: Các thiện nam tử, thấy pháp là huyễn liền tức khắc xa lìa (không chấp thủ, không chấp thật), khỏi cần phương tiện gì, lìa huyễn tức liền giác, cũng không có thứ lớp gì. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời sau hãy y như thế tu hành. Như thế mới hằng lìa các huyễn.

b. Tiểu thừa lấy sự xuất gia là chủ yếu

Trên cơ sở giải thoát, chủ yếu là Tứ quả Thanh văn, do đó muốn giải thoát đạt được Thánh quả thì phải xuất gia. Từ quả vị thứ nhất-sơ quả đến quả vị thứ ba-tam quả vẫn còn ở giữa đường, đến quả vị thứ tư là quả vị A-la-hán mới là quả vị cuối cùng. Nhưng khi đi qua vị thứ ba là đã đoạn trừ được tham dục, do đó hiểu rằng: không phải hàng xuất gia thì không dễ chứng đắc được. Xuất gia nghĩa là phải lìa bỏ mọi quyến thuộc và tài sản, hai thứ này đều là các pháp sở hữu của chấp ngã. Nghĩa rộng của Xuất gia chính là phải từ bỏ tất cả các pháp sở hữu của chấp ngã này. Còn người tại gia thì vẫn chưa xả bỏ được những pháp sở hữu của chấp ngã, nên chỉ chứng được quả vị thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên, nếu hàng tại gia y theo pháp mà tu tập, thì cũng có thể chứng đắc được quả vị cao nhất,[9] nên mới bảo rằng sự cần thiết của Tiểu thừa pháp là phải xuất gia.

c. Pháp tiểu thừa về phương diện tu tập

Tính chất đặc biệt của hàng tiểu thừa có 2 loại, đó là:

Giới hạn ở trong cõi trời và cõi người

Chỉ giới hạn ở trong cõi Trời và cõi Người, nên hàng Tỳ-kheo và Tỳ kheo ni rất coi trọng giới luật, hơn nữa giới luật thuộc về pháp hành của con người; lại như người không có tâm kiên định, tinh tấn nỗ lực, lục căn không đầy đủ và người bệnh tâm thần thì không được xuất gia.[10]

Một đời là hoàn toàn xong

Ngay trong một đời người là được hoàn thành, nghĩa là được chứng quả vị ngay trong đời hiện tại. Nên hàng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni tu tập từ 20 tuổi trở lên, được cha mẹ cho phép, hoặc cha mẹ đã qua đời, mà không bị một chướng ngại nào cản trở, thì có thể y theo pháp mà thọ trì giới luật, tu tập thiền định, văn, tư và tu mà phát sinh trí tuệ chơn chánh, đắc thánh quả giải thoát, tức là chứng đắc chánh quả ngay trong đời này.

d. Tiểu thừa có đầy đủ pháp lành của Trời và Người

Vì cuộc đời là vô thường, có đó rồi mất đó, sống và chết tích tắc trong hơi thở; luân hồi trong sáu đường không thể tính trước được. Sự tái sanh trong đời sau không chắc chắn sẽ giữ được cái thân ngũ uẩn phù vân này, nên phải trồng nhiều nhân lành, giống ngọt để đối trị với các quả ác, phải tinh tấn nỗ lực công phu thiền tập, sám hối 3 nghiệp, nghiêm trì tịnh giới. Tổ Quy Sơn đã dạy: “Nhất thất nhân thân vạn kiếp bất phục”. Đây là việc tu tập pháp lành của cõi Trời, Người đoạn trừ sạch ác nghiệp. Một khi ác nghiệp đã sạch và không còn quả báo xấu ác, vượt thoát ra ngoài ba cõi luân hồi.

Các pháp lành ở cõi Trời, cõi Người tuy là đã trồng các căn lành, (căn lành đó là gì? bớt tham, bớt sân, bớt si mà thay vào giữ giới nghiêm chỉnh, siêng năng thiền định và tinh tấn tu tuệ) tuy đã trồng các căn lành nhưng vẫn chưa xa lìa được cõi dục, nên phải tu tập Thiền định để làm duyên tăng thượng cho quả vị cao hơn, mới có thể lìa xa ham muốn, để được sanh lên cõi trời Sắc và Vô Sắc.

Trời và Người trong ba cõi vẫn chưa thoát khỏi sanh tử, phước nghiệp tuy dày, nhưng đến lúc cũng sạch hết, định lực dù vững chắc, rồi đến lúc cũng tiêu hết, chỉ có chứng đắc quả Vô sanh (tức quả vị A-la-hán ) thì mới vượt thoát khỏi ba cõi.

Như vậy, ba loại cấp bực đã nói trên, loại thứ nhất là lấy thiện căn để hóa độ tà xấu; loại thứ hai là dùng Thiền định để đoạn trừ ham muốn-tham dục; loại thứ ba là chứng đắc quả Vô sanh để siêu thoát 3 cõi. Hành giả thành tựu rốt ráo 3 cấp bực này thì đầy đủ Thể và Dụng của hàng Tiểu thừa, nên nói hàng Tiểu thừa có đầy đủ cả pháp lành của cõi trời và cõi người là vậy.

C. Kết luận

Qua phần nội dung như đã trình bày trên, giúp cho người học chúng ta hiểu rõ về pháp học, pháp tu và sự chứng ngộ trong hệ thống của Tiểu thừa pháp hay nguyên thủy Phật giáo. Đối với hành giả tu tập, trước phải Liễu tri rồi sau mới Liễu thoát, thông qua các pháp quán tưởng Tứ niệm xứ hay 37 phẩm trợ đạo, dùng nước pháp Giới, Định và Tuệ để nhiếp phục và đoạn trừ các kiết sử lậu hoặc trong tam giới, để từ đó hành giả thể nhập và chứng ngộ Vô sanh. 


Tham khảo và chú thích

[1]Maurice Walshe (trans.),  Dīgha nikāyaThe Long Discourses of the Buddha, Wisdom Publications, Boston, 2012, tr. 145.

[2] E.M. Hare, The Book of the Gradual Sayings (Aṅguttara Nikāya), Vol.1, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2006, các tr. 211-212. (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 3 pháp, IX. Phẩm Sa-Môn, Hữu học 2.)

[3]Maurice Walshe (trans.),  Dīgha nikāyaThe Long Discourses of the Buddha, Wisdom Publications, Boston, 2012, tr. 145.

[4] Sđd, tr.145.

[5] Thích Nữ Trí hải, Thanh Tịnh Đạo, Chương giảng về Giới.

[6] Trung Bộ Kinh, 112. Kinh Sáu Thanh tịnh.

[7]  Kệ 93.

[8] 大方廣圓覺修多羅了義經。 大正新脩大正藏經 Vol. 17, No. 842.  [善男子。知幻即離。 不作方便。離幻即覺。亦無漸次。一切菩薩及末世眾生。依此修行。如是乃能永離諸 幻。]

[9] Trường hợp Đại đức Yasa có bốn người bạn tên là: Vimala, Subahu, Punnaji và Gavampati. Khi bốn vị này đã nghe tin người bạn cao quý của mình đã cạo râu tóc và đắp y thì đến thăm và tỏ ý muốn noi theo gương lành ấy. Ngài Yasa dẫn cả bốn vào yết kiến đức Phật, sau khi nghe Pháp, cả bốn đều đắc quả A-la-hán.

[10] Xem thêm HT. Thích Phước Sơn (dịch), Luật Ma Ha Tăng Kỳ (Tập 3), Nxb Tôn giáo, 2011, các tr. 150-170.

Phật Thừa Tông Yếu Luận