Bài 9: Đại Thừa Phật Giáo (Phật Pháp Đại Thừa) (phần 1)
A. Giới thiệu
Bản hoài của chư Phật là muốn cho tất cả chúng sanh đều thành Phật. Kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện, đức Phật nói lời khẳng định với Bồ tát Xá-lợi-phất: “Này Xá-lợi-phất, chư Phật chỉ vì một việc trọng đại lớn duy nhất mà thị hiện ra nơi đời (cõi người), đó là “khai thị chúng sanh, ngộ nhập tri kiến Phật”. Ý nghĩa lời dạy này được nhìn nhận trên 3 phương diện:
Về mặt bản thể: chư Phật, chúng sanh cùng đồng 1 tánh giác, tri kiến Phật. “tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt”.
Về mặt khả năng: tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật.
Về mặt quả vị, chứng ngộ: vô thượng bồ đề, chánh đẳng chánh giác, là kết quả chung, không dành riêng cho đức Như Lai hay bất cứ ai, hễ ai thực hiện đúng nguyên tắc: sống nếp mình trong giới luật, sống hòa hợp trong Tăng đoàn, sống đúng chân lý với bản giác, chơn tâm, Phật tánh, theo tự tánh làm lành thì đều gọi là bậc giác ngộ-thành Phật. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Hàng Pháp thân Bồ-tát nhận biết niệm Trụ của tâm, nhưng niệm không có tướng Trụ, đó chỉ vì xả bỏ tướng niệm phân biệt thô trọng nên như thế gọi là Tùy phần giác. Hàng Bồ tát địa tận do phương tiện đầy đủ tương ưng nhất niệm, có thể nhận biết tướng sơ khởi bất giác của tâm nhưng thật sự tâm không có tướng sơ khởi, đó chỉ là sự viễn ly tâm niệm vi tế của tâm, tâm tính thường trụ vì thế nên gọi là Cứu cánh giác.”[1] Đứng từ góc độ Phương tiện môn mà nói, muốn đắc cứu cánh cần phải có 1 pháp tương xứng xuất phát từ bản thể, chơn như, đó là diệu dụng của Phật thừa hay pháp Đại thừa.
B. Nội dung
I. Định nghĩa Đại thừa và Pháp Đại thừa
1. Định nghĩa Đại thừa
Đại thừa (S. Mahāyāna). Chữ “Đại” là lớn, chữ “Thừa” là phương tiện chuyên chở. Ở đây chúng ta có thể hiểu, Đại thừa là chiếc xe lớn, chở được nhiều người; đưa chúng sanh từ cõi mê sang bờ giác ngộ. Đại thừa có 5 nghĩa:
1. Vì đối với Tiểu nên gọi là Đại.
2. Quả Phật rộng lớn, thừa này sẽ đi đến quả Phật, nên gọi là Đại Thừa.
3. Chư Phật là bực Đại nhơn, song chẳng rời thừa này, nên gọi là Đại Thừa.
4. Các Bồ-tát là bực Đại sĩ, đều y theo thừa này mà tu tập, nên gọi là Đại Thừa.
5. Vì thừa này rất rộng lớn, cứu độ chúng sanh đông nhiều nên gọi là Đại Thừa.
2. Pháp đại thừa
a. Chư Phật và Bồ-tát, đều y cứ trên pháp Đại thừa để thi hành Phật sự, làm lợi lạc chúng sanh, mục đích cuối cùng đều trọn thành Phật đạo. Kinh Pháp hoa, phẩm Phương Tiện nói: “Phật tự trụ Đại thừa/ Như pháp của mình đặng/ Định, huệ, lực trang nghiêm/ dùng đây độ chúng sanh.”[2]
b. Tâm trí, hạnh nguyện và phước quả đều lớn nên gọi là Đại thừa. Kinh Pháp hoa, phẩm Phương Tiện nói: “Xá-lợi-phất! Nên biết!/ Ta vốn lập thệ nguyện/ Muốn cho tất cả chúng/ Bằng như ta không khác/ Như ta xưa đã nguyện/ Nay đã đầy đủ rồi/ Độ tất cả chúng sanh/ Đều khiến vào Phật đạo.”[3]
c. Về mặt nghĩa lý, Đại thừa được hiểu trên phạm vi rộng với 2 nghĩa: pháp Đại thừa và nghĩa Đại thừa.
Pháp đại thừa: là chúng sanh tâm, nghĩa là chư Phật, Bồ-tát, chúng sanh, đều y cứ Nhất tâm chơn như làm Thể. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “y ư thử tâm, hiển thị ma ha diễn nghĩa.” Nghĩa là: y cứ vào tâm này mà hiển bày nghĩa Đại thừa. Pháp đại thừa là tâm chúng sanh, trong thể nhất tâm này có đầy đủ các pháp vô lậu xuất thế gian và hữu lậu thế gian; hay nói khác, tất cả pháp trong tam giới đều hàm nhiếp tại tâm chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tam giới thượng hạ pháp do thị nhất tâm tạo”.
Pháp đại thừa có 2 tướng:
Tướng chơn như tức là bản thể chơn tâm thanh tịnh thường trụ. Kinh Bát nhã: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm…”
Tướng nhân duyên sanh diệt, tức chỉ cho THỂ, TƯỚNG và DỤNG chơn-vọng hòa hợp duyên khởi của Chơn tâm. Sanh diệt và chơn như, mê hay ngộ đều cùng 1 thể, nhiễm và tịnh không khác; Phật và phàm không hai, tất cả đều cùng 1 nguồn gốc, đó là chơn tâm, nói theo Khởi tín là Bản giác. Chỉ vì mê Bản giác nên thành bất giác, khi giác ngộ sanh diệt thì chơn tâm cũng không còn lý do tồn tại. Kinh Lăng nghiêm nói: “ngôn vọng hiển chư chơn, vọng chơn đồng nhị vọng”. Nghĩa là: Nói vọng để hiển bày phần chơn, 1 khi chơn đã hiện bày thì vọng và chơn đều là vọng.
Nghĩa đại thừa: có 3 phương diện đó là: thể đại, tướng đại và dụng đại của chúng sanh tâm.
Thể đại: Nhất tâm chơn như hiện hữu khắp pháp giới. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Thể đại, vị nhất thiết pháp chơn như bình đẳng, bất tăng bất giảm cố.” Nghĩa là: Thể đại, chơn như bình đẳng k tăng k giảm của tất cả pháp.
Tướng đại: Nhất tâm chơn như rộng lớn như hư không, chứa đựng hằng sa công đức và vạn pháp. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Tướng đại, vị Như lại tạng cụ túc vô lượng tánh công đức cố”. Nghĩa là: Tướng đại, như lai tàng, với đầy đủ tánh công đức vô lượng.
Dụng đđi: Nhất tâm chơn như có khả năng xuất sanh nhân quả, Thánh Phàm, Bồ Đề, Chơn Như, Phật tánh, Phật quả. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Dụng đại, năng sanh nhất thiết thế gian, xuất thế gian thiện nhân quả cố”. Nghĩa là: Dụng đại, có khả năng sanh nhân quả thiện thế gian và xuất thế gian.
Nói khác đi, nghĩa Đại thừa về mặt Thể đại là nhất tâm chơn như bình đẳng bất sanh bất diệt là Pháp thân đức. Tướng đại tại Như lai tàng hằng hà sa vô lượng tánh công đức là Bát nhã đức. Dụng đại tại Chơn như đầy đủ nhân quả thiện và bất thiện của thế gian và xuất thế gian là Giải thoát đức.
Cổ đức có câu: “Lửa lòng đã tắt từ lâu, tự tâm thanh tịnh một bầu thanh lương. Mưa từ nước pháp cành dương, chúng sinh lợi lạc bốn phương đượm nhuần”.
II. Tông yếu của Đại thừa
Mục đích chính của Đại thừa là cứu độ chúng sanh, lấy chúng sanh làm đối tượng tu tập, làm cho chúng sanh được giải thoát thành Phật. Nhưng trước phải tự giác ngộ và thành Phật, sau đó tùy theo nguyện lực dựa trên cơ sở tâm từ bi và lực phương tiện mà tùy nghi giáo hóa chúng sanh, thi hành Phật sự. Vì vậy, vấn đề cơ bản, chủ yếu của người tu hạnh Đại thừa phải theo 1 trình tự nhất định với các lộ trình sau:
Tín giáo – Ngộ lý – Khởi hạnh – Tu chứng
III. Tông bổn của Đại thừa-Ngộ lý
Pháp Đại thừa tuy nhiều vô số, nhưng cơ bản vẫn là nhất tâm Chơn như… làm thể. Vì vậy, tất cả kinh giáo Đại thừa từ Hoa Nghiêm cho đến Pháp Hoa, Niết-bàn; dù ngôn giáo có khác, ẩn hiển không đồng tánh tướng sai biệt, nhưng lý duy nhất vẫn là một, đều là diệu dụng của Phật thừa, được lưu xuất từ chơn tâm, tự tánh, tự tâm. Kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Tựa thứ nhất, ngũ Tổ Huệ Năng thưa với ngũ Tổ Hoằng Nhẫn: “…Tự tâm của đệ tử thường sanh trí huệ chẳng lìa tự tánh, tức là phước điền…”[4] Kinh Phạm Võng nói: “Tự tánh vốn thanh tịnh, nếu nhận được tự tâm, thấy được bản tánh, tức thành Phật đạo.”[5] Do đó, người tu học Phật chúng ta phải làm sao giác ngộ được chơn tâm, thấy tánh, nếu không liễu tri được Phật tánh sáng suốt xưa nay vốn có của mình thì uổng công tháng ngày tu học, vô thường đến chỉ cần cách ấm 1 kiếp là quên sạch, thất niệm chạy theo vọng niệm, sanh tử tương tục triển chuyển nối tiếp nhau. Thế nên, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói: “Bất thức bổn tâm, học đạo vô ích” là ở yếu điểm quan trọng này.
Tuy nhiên, đối với Đại thừa thì vấn đề Tín giải (niệm tín) là việc tối quan trọng. Nếu hành giả không có niềm tin thì khó thể nhập Phật pháp hải được. Cho nên, việc sơ khởi là phải xác tín niềm tin rồi sau đó mới khởi hạnh tu tập xứng với lý tánh Đại thừa kinh giáo, cuối cùng thể nhập chân lý, chứng nhập Pháp phần của Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Tín[6] vi đạo nguyên công đức mẫu,
Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn,
Tín năng siêu xuất chúng ma lộ,
Tín năng đắc nhập tam ma địa,
Tín năng giải thoát sanh tử hải,
Tín năng thành tựu Phật bồ đề.”[7]
Nghĩa là:
Tín là khởi nguồn của đạo, là mẹ sinh ra các công đức
Tín có thể nuôi dưỡng tất cả pháp lành,
Tín giúp thoát khỏi các đường ma,
Tín đưa đến nhập sâu vào Tam-muội,
Tín có thể đưa qua khỏi biển sanh tử luân hồi,
Tín giúp thành tựu quả Chánh giác Bồ đề.
Theo quan điểm của Thái Hư Đại sư, ngộ lý bao hàm các phạm trù sau:
1. Lấy bồ đề tâm làm nhân
Bồ đề (S. Bodhi; E. Enlightenment; C. 菩提) tức là sự giác ngộ, nhân tức là hạt giống, do đó có thể nương vào hạt giống đó mà có thể chứng đắc đc quả vị. Sự giác ngộ ở đây không phải như sự giác của của thế gian người đời như giác ngộ về lý tưởng…, mà sự giác ngộ này là tỏ rõ được tánh chơn như vi diệu, thanh tịnh sáng suốt chiếu soi tròn đầy. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tâm bổn diệu”, nghĩa là: Tâm vốn là mầu nhiệm vi diệu; trong Duy Thức nói: “Tánh chơn duy thức”. Cho nên, Bồ đề tâm (S. Bodhicitta) là Tâm giác ngộ sẵn có của chúng sanh, xưa nay thanh tịnh, sáng suốt, chân thật bất hư. Như Cổ Đức nói: “Bồ đề tâm tự thuở nào, xưa nay thanh tịnh làu làu gương xưa, muốn tu chứng đạo Chơn thừa, Bồ đề tâm nguyện sớm trưa tu trì.” Trong lời Giáo huấn của Đại sư Atisha nói: “…Hãy quán sát kho tàng Bồ đề tâm vĩ đại của quý vị, đừng để tâm trí bị vướng bận bởi những lo lắng trần tục dù chỉ trong một sát na đi nữa…”, “…Đừng bao giờ nói, “bây giờ khó làm thì sẽ làm sau”. Nếu có một tà niệm nào sinh khởi trong tâm của quý vị, thì ngay đó con ma phiền não liền xâm nhập vào và nó sẽ làm chướng ngại đến Bồ đề tâm….”[8]
Bồ đề tâm có nhiều nghĩa; kinh Hoa Nghiêm nói: Bồ đề tâm như đại địa, Bồ đề tâm như gió thổi, như trăng sáng, như dòng nước, như đại lộ, như thành quách, như công viên, như ngọc như ý, như định thủy châu v.v…
Về chủng loại Bồ đề có năm: Tự tánh Bồ đề, Sở y Bồ đề, Sở duyên Bồ đề, Quyến thuộc Bồ đề và Sở chứng Bồ đề. Cho nên, hành giả tu tập luôn luôn quán sát không rời Bồ đề tâm mà hành Phật sự, lấy Bồ đề tâm làm chánh nhân, trên cơ sở chánh nhân tu tập thì nhất định sẽ thành tựu Bồ đề quả, tức quả vị Phật; còn không – nếu ngược lại, sẽ bị sanh tử luân hồi đau khổ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”. Nghĩa là: Quên mất tâm Bồ đề, mà tu tập các thiện pháp, ấy là hành động theo Ma.
Đứng trên lập vị đó chúng ta phải biết rằng, Bồ đề có ba dạng là Bồ đề Tâm, Bồ đề Hạnh và Bồ đề Quả, một khi con người chúng ta khi đã tin hiểu và phát tâm Bồ đề rồi, cần phải phát khởi tu hạnh Bồ đề thực hành Bồ tát hạnh, mới thành tựu Phật quả. Do đó, Thiện Tài đồng tử (S. Sudhanakumâra; C. 善財 童子) khi được Bồ tát Văn Thù khai thị, tin hiểu mình có Bồ đề tâm, sau đó phải đi tham học với 53 vị Hiền Thánh, để thành tựu Bồ đề Hạnh. Để tán thán công hạnh sở tu, sở học, sở hành của Thiện tài đồng tử, Cổ Đức đã từng ca ngợi: “Thiện Tài đồng tử/ Ngũ thập tam tham/ Siêu sanh tử độ/ Cộng chứng Phổ quang”.
2. Lấy đại bi tâm làm căn bản
Chúng sanh vì do mê vọng, phiền não che lấp chơn tâm, nên mọi cử chỉ hành động lời nói việc làm bị kiết sử phiền não sai khiến trái với đạo lý chơn tánh viên minh, tâm khởi phân biệt, so đo tính toán ích kỷ hẹp hòi, vì những nghiệp duyên này mà phải chịu trầm luân sanh tử. Kinh Lăng Nghiêm nói: “A-nan, nhất thiết chúng sanh tùng vô thỉ lai, sanh tử tương tục, giai do bất tri, thường trụ chơn tâm tánh tịnh minh thể, dụng chư vọng tưởng thử tưởng bất chơn, cố hữu luân chuyển.” Người tu học Phật chúng ta quán sát thế giới nhân sinh bị khổ não, nên khởi đại bi tâm (P. Maha-karuṇācitta) dùng mọi phương tiện để cứu độ cho họ, thế mới thật là tâm quảng đại, tâm rộng lớn, hễ tâm chúng ta rộng rãi bao dung thì mọi cảnh vật thế giới xung quanh cũng tùy theo đó mà chuyển hóa rộng lớn, “tâm rộng thì cảnh rộng”. Chúng ta muốn hóa độ thế giới nhân sinh mà không mở lòng từ bi bao dung quảng đại thì e rằng điều đó khó mà hóa độ được? “Từ” là khiến cho chúng sanh được an vui, “bi” là làm cho chúng sanh thoát khổ. Cổ Đức có câu: “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ.” Nghĩa là: Lòng thương yêu có khả năng đem đến cho tất cả chúng sanh an vui, Lòng thương xót có khả năng cứu tất cả chúng sanh thoát khổ. Ý nghĩa của Từ Bi Tâm (P. Mettākaruṇācitta). Từ Tâm: là tâm thương yêu tất cả chúng sanh sẵn sàng giúp đỡ họ, đem lại lợi ích và an vui cho mọi chúng sanh, không phân biết kẻ oán người thân, kẻ nghèo người giàu, kẻ ngu người trí v.v… từ tâm vô lượng có sức mạnh vô cùng tận, trừ được các tâm sân nhuế nơi chúng sanh, chế phục được những chúng sanh cực kỳ khó tính, hướng họ vào con đường chánh thiện. Như đức Phật độ chàng Vô Não (Angulimala) cũng vì Từ Tâm. Bi Tâm: là tâm thương xót chúng sanh đau khổ, sẵn sàng cứu vớt họ ra khỏi cảnh khổ đau. Bi Tâm vô lượng có sức mạnh vô cùng tận, giúp người tu hành vượt mọi khó khăn, thử thách trên bước đường hành đạo. Nhờ vậy mà người tu hành có thể bố thí những thứ khó bố thí, nhẫn những điều khó nhẫn, làm những việc khó làm, nhằm cứu khổ, cứu nạn cho chúng sanh được an vui. Như đức mẹ hiền Quán Thế Âm cứu khổ chúng sanh vậy.
Suốt trong quá trình tu học của người con Phật, nếu đem từ bi tâm thường ái niệm chúng sanh trong khắp mười phương, muốn được thấy họ an vui thì hành giả phải khởi Từ Bi Tâm. Từ Bi Tâm tương ưng với thọ, tưởng, hành và thức, duyên khởi nơi thân và khẩu, tác thành những hạnh Từ Bi. Từ Bi tâm pháp có sức mạnh vô cùng, duyên khởi các nghiệp thiện ở đời sau, ở nơi cõi sắc, từ tâm pháp dù là hữu lậu hay vô lậu, cũng làm căn bản cho các cõi thiền. Từ tâm tương ưng với bi tâm, nên trừ được tận gốc các ưu bi, khổ não của chúng sanh.
Hàng Bồ-tát rộng tu theo 10 độ (thập độ): (1 Dànam: Thí, là đem của cải hoặc Phật Pháp mà cho chúng sanh. 2) Sìlam: Giới, là không phạm điều luật của đức Phật đã răn cấm hoặc gìn giữ thân và khẩu được trong sạch. 3) Nekkhammam: xuất gia, là sự đi tìm đạo đức cao thượng hoặc dứt bỏ vợ con, của cải mà đi tu hành. 4) Pannà: Trí tuệ, là thông suốt tất cả các pháp. 5) Viriyam: Tinh tấn, là một lòng cố gắng tu hành tấn tới. 6) Khantì: Nhẫn nhục, là gắng chịu những điều sỉ nhục. 7) Saccam: Chân thật, là không gian tà, giả dối. 8) Àdhitthànam: Quyết định, là quyết định không thay đổi chí hướng. 9) Mettà: từ, hiền lành, nhân từ, mong cho tất cả mọi loài được vui. 10) Upkkhà: Xả, là không vui, không buồn, tâm bình đẳng.[9] Tất cả muôn công đức hạnh lành đều là thân, cành, hoa và lá, duy chỉ có tấm lòng đại từ đại bi mới là gốc rễ. Cho nên, chúng ta thấy đại bi tâm quan trọng như thế nào trên con đường tu hành? Người tu Phật mà thiếu tâm đại bi, gây nên phiền não cho tha nhân thì đó không phải là đệ tử Phật? Bởi lẽ: “Nhẫn nhục đệ nhất đạo, Phật thuyết vô vi tối, Xuất gia não tha nhân, Bất danh vi sa môn”.[10] Nghĩa là: Nhẫn nhục đạo bậc nhất, Chư Phật dạy: Niết bàn là tối thượng, Xuất gia não hại người, Không xứng gọi Sa-môn.
Thái Thượng Lão Quân (太上老君)[11] cũng nói rằng: “Nghi mẫn nhân chi hung. Lạc nhân chi thiện. Tế nhân chi cấp. Cứu nhân chi nguy.” (宜憫人之凶. 樂人之善. 濟人之急. 救人之危). Nghĩa là: Những kẻ xấu ác thường tạo ác mà chuốc lấy tai họa, chúng ta nên thương xót cho họ, khuyên bảo dẫn dắt họ, cảm hóa họ, khiến cho họ có thể cải ác hướng thiện, chuyển họa thành phước. Những người lương thiện thường hành thiện mà được phước báo, chúng ta phải vì họ mà hoan hỷ tán thán, cổ vũ khích lệ họ, thành tựu họ, khiến cho họ càng có thể tích cực hành thiện, hậu phước vô lượng.
Hạnh từ bi trong Phật pháp chủ yếu dựa trên tâm bình đẳng, trí tuệ bình đẳng mà phát khởi tình thương rộng mở đến muôn loài, mình mang đôi vớ ấm cho đôi chân của mình, nhưng hãy nghĩ người khác họ không có đôi chân thì sao? Đây chính là ý nghĩa tấm lòng có tình thương rộng lớn trong Phật pháp.
Còn tiếp…
Tham khảo và chú thích
[1] H.T Thích Liêm Chính (việt dịch và cương yếu), Đại Thừa Khởi Tín Luận, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2018, tr. 46.
[2] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai, các tr. 72-73.
[3] Như trên, các tr. 73-74.
[4] HT. Thích Duy Lực (dịch và lược giải), Pháp Bảo Ðàn Kinh, Nxb Santa Ana, 1992.
[5] Sđd, Phẩm Bát Nhã thứ hai.
[6] Tín (S. Śraddhā; P. Saddhā; C. 信)
[7] HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Hoa Nghiêm (Tập 2), Nxb Tôn giáo, 2021.
[8] Xem http://chuamaisonvinhan.org/nhung-loi-giao-huan-cua-dai-su-atisha/
[9] Xem thêm, Hộ Tông Tỳ Kheo (dịch), Thập Độ, Nxb Thành hội Phật giáo TP.HCM, 1995.
[10] 忍辱第一道,佛說無為最, 出家惱他人,不名為沙門。Anh ngữ: Patience and forgiveness is the highest ascetic practice. The Awakened Ones say the Nirvana to be the highest. A monk does not hurt others. One, who harms others, is not a monk.
[11] Thái Thượng Lão Quân là tôn hiệu một vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo Trung Quốc, là một trong Tam Thanh (Ngọc Thanh Nguyên Thuỷ Thiên Tôn. Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn. Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, cũng chính là Thái Thượng Lão Quân, giáng thân Lão Tử là Tổ Đạo Giáo). Thông thường Thái Thượng Lão Quân được đồng nhất với Lão Tử, tuy nhiên trong Đạo giáo thì Lão Tử chỉ là một hoá thân giáng trần của Thái Thượng Lão Quân.