Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

Bài 9: Đại Thừa Phật Giáo (Phật Pháp Đại Thừa) (phần 2)

(tiếp theo)

3. Dùng phương tiện làm sự cứu cánh

Hai chữ phương tiện (S. Upāya kauśalya; P.  Upāya kosalla; E.  Skillful means; C. 方便). Ở đây giải thích có rất nhiều nghĩa. Thứ nhất, Phương tức là phương pháp, Tiện tức là sự tiện lợi, nghĩa là dùng phương pháp để tìm được sự tiện lợi nhất; thứ hai, nghĩa là Thiện xảo (善巧). Thiện là sự tốt, giỏi, hay, khéo léo (như giỏi về ăn nói, giỏi về chữ nghĩa v.v… ), Xảo tức là tài khéo, tài nghệ; thứ ba, là nghĩa Quyền xảo (權巧). Quyền tức là quyền biến, nhanh nhẹn, nhạy bén, nên trước phải có Đức thì sau mới làm việc một cách quyền xảo. Lại thêm, Phương còn có thể hiểu là phương vị, phương hướng, tức chỉ cho không gian của một nơi nào đó. Nhưng nói đến không gian, thì ắt phải nói đến mối quan hệ tương tục với thời gian. Nói cách khác, tức là Thế giới. Tiện nghĩa là tiện nghi, tiện lợi. Nên Phương tiện có thể dịch là pháp môn tiện nghi để tùy thuận thế giới mà giáo hóa chúng sanh đến nơi lợi lạc. Ý nghĩa ngắn gọn nhất của nó có thể dùng một từ để giải thích đầy đủ là “Diệu” (S. Sad, सद्; C. 妙), cũng là ý nghĩa khó có thể nghĩ bàn vậy.

Phật pháp Đại thừa trước tiên phải lấy tâm Bồ đề làm trọng, sau đó nói đến tâm đại từ bi và sau cùng mới là thành tựu phương tiện. Nên biết rằng, phương tiện là Diệu dụng, Thần thông, Biện tài  Tam muội, Trí huệ v.v … đều nằm trong quả vị Phật . Vì thế, nếu không lấy tâm đại từ bi làm căn bản, thì phương tiện chăng còn là cái diệu dụng lợi lạc của chúng sanh. Phải biết toàn bộ ý nghĩa của phương tiện đều nằm nơi sự lợi lạc chúng sanh, nên có thể nói là sự rốt ráo của Đại thừa. Do đó, về ý nghĩa cứu cánh của Đại thừa và Tiểu thừa có nhiều điểm không giống nhau. Sự cứu cánh của Tiểu thừa chỉ nằm ở vấn đề đạt được quả vị Vô dư Niết-bàn, hay còn gọi là tận diệt; còn sự cứu cánh của Đại thừa chính là sự tùy thuận thế gian (phương) để làm lợi lạc cho chúng sanh (tiện), sạch hết trong tương lai mà phương tiện thì không bao giờ cùng tận.

4. Chơn tâm thường trụ

Tuy nói khác danh từ, có khi gọi là Chơn như, Phật tánh, Viên giác, Diệu tâm, như như Phật, Pháp thân…  nhưng bản thể chỉ cho một, chỉ cho chơn tâm thường trụ, Phật tánh viên minh sáng suốt của chúng sanh, dầu cho chúng sanh bị trầm luân sanh tử bao đời kiếp đi chăng nữa, nhưng tánh giác viên minh tròn đầy đó không mất đi, không biến dạng.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chơn tâm thường trụ”. Trụ có nghĩa là bất động, mà động là chẳng trụ. Chân tâm thường trụ là cái tâm thường trụ, thanh tịnh, tịch diệt, vắng lặng mà cũng là cái tâm “tâm thể ly niệm”. Đấy là chơn tâm, là “như thật tri”. Kinh Pháp Hoa gọi cái “tri” ấy là Phật tri, Phật kiến. “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến của Phật”.

5. Pháp thân của Phật pháp Đại thừa

Pháp thân (S. Dharmakaya), có nghĩa là “thân thể thật”, Pháp thân là tuyệt đối, sự thống nhất của mọi sự vật hiện tượng. Pháp thân vượt ra khỏi sự tồn tại hoặc không tồn tại, vượt ra ngoài các khái niệm mà con người nghĩ tưởng, vượt ra ngoài ngôn ngữ, tướng trạng, ly tứ cú[1] tuyệt bách phi.  Đức Chogyam Trungpa (1939-1987) thứ 11 gọi Pháp thân là “cơ sở của sự bẩm sinh nguyên thủy”. Pháp thân đồng nghĩa với Phật toàn giác hay Tánh không (S. Śūnyatā). Kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16, đức Phật dạy:

“Từ ta thành Phật lại/  Trải qua các kiếp số

Vô lượng trăm nghìn muôn/ A tăng kỳ ức năm

Thường nói pháp giáo hóa/ Vô số ức chúng sanh

Khiến vào nơi Phật đạo/ Đến nay vô lượng kiếp

Vì độ chúng sanh vậy/ Phương tiện hiện Niết Bàn

Mà thiệt chẳng diệt độ/ Thường trụ đây nói pháp…”[2]

Cũng vậy, kinh Kim Quang Minh (S. Suvarṇaprabhāsa sūtra), phẩm Như Lai thọ lượng thứ 2, đức Phật dạy: “Phật không hề diệt độ, Chính pháp cũng không hề diệt; vì muốn thành thục cho chúng sinh mà Phật thị hiện là có diệt độ. Phật, Thế Tôn là bất khả tư nghì, Như Lai là thân thường trụ, vì muốn lợi ích cho chúng sinh mà Ngài hiển bày vô số trang nghiêm.”[3]

Người tu học Phật chúng ta muốn trở về với chơn tâm Phật tánh, quy hướng Bản giác thì cần phải có quá trình tu tập để chuyển hóa từ thân ngũ ấm theo phàm phu trở thành Pháp thân trang nghiêm Giới pháp thân, Định pháp thân, Tuệ pháp thân, Giải thoát pháp thân và Giải thoát tri kiến pháp thân mới thực sự tỏa sáng nếp sống thảnh thơi, giải thoát.

Giới pháp thân, tu trì hạnh của đức Như Lai, giữ gìn tam nghiệp thường hằng thanh tịnh.

Định pháp thân, tu pháp thiền định các đức Như Lai, đắc chơn tâm tịch tĩnh, lìa khỏi các vọng niệm.

Tuệ pháp thân, tu pháp trí tuệ của đức Như Lai, đắc chơn trí viên minh, quán đạt pháp tánh.

Giải thoát pháp thân, tu đắc tâm – thân của đức Như Lai, giải thoát kiết sử trói buộc, tức là đức Niết-bàn.

Giải thoát tri kiến pháp thân, là bậc liễu tri pháp giải thoát, đắc quả bồ đề, chứng Niết-bàn diệu thể chơn như.

Vì vậy, khi đã tùy thuận bản thể tu tập thì nhất định chứng được 5 phần Pháp thân. Dù chưa thực chứng hoàn toàn, nhưng tương ưng thì cũng biến thành công dụng được. Như Cổ đức nói: “Năm phần hương tỏa khắp 10 phương, kết lại thành mây nguyện cúng dường. Pháp thân thanh tịnh 10 phương Phật, mỗi niệm tương ưng lý Chơn thường”.

Nói rõ hơn, về mặt Tự tính, kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Tự tâm thanh tịnh là Giới. Tự tâm không loạn là Định. Tự tâm chiếu soi vạn pháp là Tuệ. Tự tâm không phiền não là Giải thoát. Tự tâm không chấp thủ là Giải thoát tri kiến Pháp thân.”

Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao, quyển 4 nêu có 5 loại Pháp thân: 1. Pháp tính sinh thân: Pháp tính này thể vốn tròn sáng, thường trụ, bao trùm muôn vật, thân Như lai từ đó sinh ra. 2. Công đức pháp thân: Như lai lấy công đức muôn hạnh làm nhân mà thành tựu quả Pháp thân. 3. Biến hóa pháp thân: Pháp thân Như lai không có cảm nào mà không thông, không 1 cơ nào mà không ứng, giống như vừng trăng trên vạn dòng sông, tùy theo nước mà hiện bóng, bóng tuy có khác nhưng trăng vốn là một. 4. Hư không pháp thân: Pháp thân Như lai dung thông 3 đời, bao trùm cõi đại thiên, tính tròn sáng, mảy bụi không dính. 5. Thực tướng pháp thân: Pháp thân Như lai lìa các hư vọng, hội nhập chân như, không sinh không diệt. Như Cổ đức nói: “Một mai băng tuyết tiêu tan, trăm năm như cũ xuân ngàn đẹp tươi, trời trong bướm liệng hoa cười, pháp thân hiển hiện sáng ngời 10 phương.”

IV. Phát khởi hạnh nguyện tu hành

Sau khi hành giả đã tín giáo, ngộ lý Phật pháp Đại thừa, tiếp theo là phát khởi hạnh nguyện tu hành.

Trong quá trình tu tập, từ khi phát tâm bồ đề tin hiểu Phật tánh, nhận được thể nhất tâm chơn như, cho đến khi thành Phật, thời gian là ba A tăng kỳ kiếp  (S. Asamkhya-kalpa; P. Asaṅkhyeyya; E.  Inmombrable; C. 三阿僧祇劫). Đây là thời gian dài vô lượng vô biên.

Các giai đoạn tu hành của Bồ-tát có 50 Địa vị chia làm ba kiếp A Tăng Kỳ.

A tăng kỳ thứ nhất, từ sơ phát tâm bồ đề cho đến mãn Tam hiền, (Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng) là kiếp thứ nhứt.

A tăng kỳ thứ hai, từ địa thứ nhứt đến địa thứ bảy là kiếp thứ hai.

A tăng kỳ thứ ba,  từ địa thứ tám đến địa thứ thứ mười là kiếp thứ ba. Tu địa thứ mười trọn rồi, mới đến quả vị Phật.

1. Thập tín

Thập Tín là cấp khởi đầu của tiến trình tu Bồ-tát đạo. Bậc Thập Tín là hạng Bồ-tát sơ phát tâm, thành tựu niềm tin bất hoại đối với Phật tánh và tin mình có khả năng tu hành thành Phật. Nói rộng hơn là thành tựu bốn pháp bất khả hoại tín (Tin Phật, Tin Pháp, Tin Tăng, Tin Chánh Pháp Giới).

Gọi đủ là thập tín tâm, gọi tắt là thập tâm. Mười tâm mà 10 giai vị đầu tiên trong 52 giai vị Bồ-tát tu hành; 10 tâm này thuộc về tín vị, có công năng giúp cho hành giả thành tựu tín hạnh.

1. Tín tâm: Nhất tâm quyết định, mong muốn thành tựu.

2. Niệm tâm: Thường tu niệm Phật, Pháp, Tăng, giới , thí và thiên.

3. Tinh tấn tâm: Nghe Bồ-tát tạng, siêng năng tu tập thiện nghiệp không gián đoạn.

4. Định tâm: Tâm an trụ vào sự vào nghĩa, xa lìa tất cả hư ngụy, phù phiếm và nhớ tưởng phân biệt.

5. Huệ tâm: Nghe Bồ-tát tạng, tư duy quán sát, rõ biết tất cả pháp vô ngã vô nhân, tự tánh không tịch.

6. Giới tâm: Thọ trì luật nghi thanh tịnh của Bồ-tát, thân, khẩu, ý thanh tịnh, không phạm các lỗi, nếu có phạm thì sám hối trừ diệt.

7. Hồi hướng tâm: Hồi hướng các thiện căn đã tu được về Bồ đề, không nguyện sanh vào các Hữu; hồi thí cho chúng sanh, không vì riêng mình; hồi hướng cầu chứng được thực tế, không đắm trước danh tướng.

8. Hộ pháp tâm: Phòng hộ tâm mình, không khởi phiền não, lại tu 5 hạnh: mặc hộ, niệm hộ, trí hộ, tức tâm hộ và tha hộ.

9. Xả tâm: không tiếc thân mạng, tài sản, những gì có được đều buông xả.

10. Nguyện tâm: Lúc nào cũng tu tập các nguyện thanh tịnh.

Đối với bậc Thập Tín, kinh Phạm Võng khẳng định: “Đây là bậc Kiên tín nhẫn, từ ngoại phạm vi, tín ngưỡng Lý Trung đạo, Phật tánh và tu tập kiên cố, không còn thối thất tín tâm đối với Phật tính sẵn có của chính mình. Thập Tín là Bậc Nội phàm.”

Pháp tu chủ yếu của bậc Thập Tín là Thập Thiện nghiệp đạo. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Tín thành tựu phát tâm là y vào hạng người nào và tu tập hạnh gì để tín tâm thành tựu đủ khả năng phát tâm? Trước nhất y vào những chúng sinh đã được Bất định tụ, có sự huân tập thiện căn, tin có nghiệp quả báo, khởi tâm tu pháp Thập thiện, nhàm chán khổ sinh tử mong cầu Vô thượng bồ đề, muốn được gặp chư Phật thân cận cúng dường và mong tu hành tín tâm tăng trưởng, như thế trải qua 1 vạn kiếp tín tâm của người này sẽ thành tựu. Hoặc được chư Phật chư Bồ tát khuyên bảo phát tâm, hay vì lòng đại bi tự phát tâm. Hoặc thấy phật pháp sắp diệt tự mình phát tâm hộ trì chánh pháp, như vậy cho đến khi tín tâm thành tựu chứng Chánh định tụ không còn thối tâm gọi đó là Trụ chủng tính Như lai chánh nhân tương ưng…”[4]

Như Phó Đại Sĩ-Thiện Huệ (497-569) nói:  “Ta như đắc định Thủ Lăng Nghiêm, sẽ bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa, thi thiết đại hội Vô Già” hay “Ta có nhà Tam Bảo, Trong vốn không sắc tướng; Chẳng cao cũng chẳng đê, Không ngăn và không chướng; Học vẫn khó làm bằng, Cầu thì không thấy dạng; Người trí biết rõ ràng, Ngàn đời không tạo đặng; Bốn môn bốn quả sanh, Mười phương đều cúng dường.”

2. Thập trụ[5]

Còn gọi là thập địa trụ, thập pháp trụ, thập giải. Mỗi niệm an trụ trong Phật tánh, giữ vững niềm tin trên cầu quả vị bồ đề, dưới nguyện hóa độ chúng sanh. hay nói khác, mỗi niệm đều hướng về quả vị bồ đề; hướng là chánh nhân, thành tựu-an trụ là chánh quả. Như Cổ đức nói: “Mỗi bước chân đi là mỗi bước tiến gần quả vị vô thượng bồ đề”, hay “hiệp giác bối trần.” Mười trụ trong quá trình tu hành của Bồ tát, tức từ giai vị 11 đến 20 trong 52 giai vị Bồ tát. Đó là:

1. Sơ Phát Tâm Trụ: hàng thượng tiến phần thiện căn dùng chân phương tiện phát khởi tâm thập tín, tin thờ Tam bảo, thọ trì tu tập tất cả hạnh, tất cả pháp môn, thường khởi tín tâm, không sanh tà kiến, thường gặp Phật pháp, học rộng, nhiều trí tuệ, thường cầu phương tiện, mới nhập không giới, trụ trong giai vị không tánh; đồng thời dùng không lý, trí tâm để tu tập giáo pháp trong tâm sanh ra tất cả công đức.

2. Trị địa trụ: nghĩa là thường tùy theo tâm không, tâm trong sáng, giống như từ lưu ly hiện ra vàng ròng; vì lấy việc tu tập diệu tâm mới phát làm Địa nên gọi là Trị Địa Trụ.

3. Tu Hành Trụ: trí tuệ của Phát Tâm Trụ và Trị Địa Trụ ở trước đều đã sáng tỏ, cho nên dạo khắp 10 phương mà không chướng ngại.
4. Sanh Quý Trụ: nhờ diệu hạnh ở trước khế hợp với diệu lý, nên sanh vào nhà Phật làm Pháp vương tử; tức hạnh đồng với Phật, thọ khí phần của Phật, vào chủng tánh Như Lai, như thân trung ấm tự tìm cha mẹ, cả 2 thầm thông đạt.

5. Phương Tiện Cụ Túc Trụ: Nghĩa là tu tập vô lượng thiện căn, tự lợi lợi tha, phương tiện đầy đủ, tướng mạo không thiếu.
6. Chánh Tâm Trụ: Nghĩa là thành tựu Đệ lục Bát-nhã, cho nên chẳng phải chỉ có tướng mạo mà tâm cũng đồng với Phật.
7. Bất thoái trụ: nghĩa là đã nhập vào cảnh giới vô sanh tất cánh không thì tâm thường thực hành không, vô tướng, vô nguyện, thân tâm hòa hợp, mỗi ngày một tăng trưởng.

8. Đồng Chân Trụ: Từ khi phát tâm trở đi trước sau không lui sụt, không khởi tà ma phá hoại tâm Bồ-đề, đến đây thì 10 thân linh tướng của Phật đồng một lúc đầy đủ.

9. Pháp Vương Tử Trụ: Bồ tát tướng mạo đã đầy đủ, liền xuất thai, giống như trừ trong giáo pháp của Phật Vương sanh hiểu biết mới nối tiếp được ngôi vị Phật.

10. Quán Đảnh Trụ: Bồ tát đã là Phật tử, làm được Phật sự, cho nên Phật dùng nước trí quán đảnh cho vị ấy. Vị Bồ-tát Quán Đảnh Trụ này sẽ có 3 biệt tướng:

Độ chúng sanh.

Được cảnh giới sở nhập thâm sâu.

Rộng học đủ trí tuệ.

3. Thập hạnh[6]

Còn gọi là thập hạnh tâm, phần lớn dựa trên cơ sở tu thập thiện pháp gồm tứ nhiếp pháp, tứ bình đẳng tâm,[7] tam quán…, để thành tựu chánh hạnh của Bồ-tát. Bồ-tát Phổ Hiền trong giai đoạn thực hành Bồ-tát đạo có phát 10 đại nguyện, gọi là Phổ Hiền thập đại nguyện hạnh.[8] Kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát thứ 20.[9] Thập hạnh là chỉ cho 10 hạnh lợi tha mà hàng Bồ-tát từ giai vị thứ 21 đến giai vị thứ 30 phải tu. Đó là:

1. Hoan hỷ hạnh: Bồ-tát dùng vô lượng diệu đức của Như Lai để tùy thuận 10 phương.

2. Nhiêu ích hạnh: Làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
3. Vô sân hận hạnh: Tu nhẫn nhục, lìa sân hận, khiêm hạ cung kính, không hại tự tha, nhẫn nhục đối với kẻ gây oán.
4. Vô tận hạnh: Bồ-tát thực hành đại tinh tấn, phát tâm cứu độ tất cả chúng sanh, đến đại Niết-bàn, không lười biếng, xao lãng.
5. Ly si loạn hạnh: Thường trụ nơi chánh niệm không tán loạn, đối với tất cả pháp không si loạn.

6. Thiện hiện hạnh: Biết không có pháp, 3 nghiệp vắng lặng, không trói buộc, không đắm trước, cũng không bỏ việc giáo hóa chúng sanh.

7. Vô trước hạnh: Trãi qua các cõi nhiều như số hạt bụi cúng Phật cầu pháp mà tâm không nhàm chán, vì vắng lặng quán sát các pháp, cho nên không đắm trước đối với tất cả.

8. Tôn trọng hạnh: Tôn quí tu tập các pháp như thiện căn, trí tuệ…, nên thảy đều thành tựu, nhờ đó càng tiến tu hạnh tự lợi và lợi tha.

9. Thiện pháp hạnh: Được các pháp như Tứ vô ngại, Đà-la-ni môn…, thành tựu các thiện pháp giáo hóa, giữ gìn chánh pháp, không làm dứt tuyệt hạt giống Phật.

10. Chân thật hạnh: Thành tựu ngôn ngữ Đệ nhứt nghĩa đế, lời nói đi đôi với việc làm, sắc tâm đều thuận.

Còn tiếp…


Tham khảo và chú thích

[1] Có, không; Cũng có, cũng không; Chẳng phải có, chẳng phải không; Cũng chẳng phải có, cũng chẳng phải không.

[2] Kinh Pháp Hoa, các tr. 403-404.

[3] 佛 不 般 涅 槃, 正 法 亦 不 滅, 為 利 眾 生 故, 示 現 有 滅 盡 。 世 尊 不 思 議, 妙 體 無 異 相, 為 利 眾 生 故, 現 種 種 莊 嚴。

[4] H.T Thích Liêm Chính (việt dịch và cương yếu), Đại Thừa Khởi Tín Luận, TP.HCM, Nxb Tôn giáo, 2018, tr. 106.

[5] Xem thêm HT Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Hoa Nghiêm, Nxb Phật Học Viện quốc Tế, 1983. [Phẩm Thập trụ thứ 15].

[6] Xem thêm như trên [Phẩm Thập hạnh thứ 21].

[7] Tứ bình đẳng tâm  gồm: Tự bình đẳng, Ngữ bình đẳng, Thân bình đẳng, và Pháp bình đẳng. Xem thêm phẩm Vô Thường thuộc quyển 4, kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già (bản dịch của ngài Thật Xoa Nan Đà).

[8] Xem thêm 《大方廣佛華嚴經入不可思議解脫境界普賢菩薩行願品》,大正藏第十冊,No.293《大方廣佛華嚴經》.

[9] Xem thêm Kinh Pháp Hoa, phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát thứ 20.

Phật Thừa Tông Yếu Luận