Bài 9: Đại Thừa Phật Giáo (Phật Pháp Đại Thừa) (phần 3)
(tiếp theo & hết)
4. Thập hồi hướng[1]
Còn gọi là Thập Hồi hướng tâm. Gọi tắt Thập Hướng. Tức 10 giai vị từ giai vị thứ 31 đến 40 trong 52 giai vị tu hành của Bồ-tát. Do tu tập thực hành các thiện pháp, sau đó mới hồi hướng về 3 nơi: nhất chơn pháp giới, vô thượng Bồ-đề và nhất thiết chúng sanh. Thập hồi hướng đó là:
1. Cứu Hộ Nhứt Thiết chúng sanh Ly chúng sanh Tướng Hồi hướng: giai vị thực hành Lục độ, tứ nhiếp pháp, cứu hộ tất cả chúng sanh, oán thân bình đẳng.
2. Bất Hoại Hồi Hướng: Giai vị có niềm tin bất hoại đối với Tam bảo, hồi hướng căn lành này khiến cho chúng sanh được lợi ích tốt đẹp.
3. Đẳng Nhất Thiết Phật Hồi Hướng: Đồng với sự hồi hướng của chư Phật 3 đời, tu hành không đắm sanh tử, không lìa Bồ-đề.
4. Chí Nhất Thiết Xứ Hồi Hướng: Hồi hướng thiện căn tu được đến khắp mọi nơi, từ Tam bảo cho đến chúng sanh, để cúng dường làm lợi ích.
5. Vô Tận Công Đức Tạng Hồi Hướng: Tùy hỷ tất cả vô tận thiện căn, hồi hướng làm Phật sự, để được vô tận công đức thiện căn.
6. Tùy Thuận Bình Đẳng Thiện Căn Hồi Hướng: Hồi hướng thiện căn đã tu, được Phật che chở, thành tựu tất cả thiện căn kiên cố.
7. Tùy Thuận Đẳng Quán Nhất Thiết chúng sanh Hồi Hướng: Tăng trưởng tất cả thiện căn, hồi hướng làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
8. Như Tướng Hồi Hướng: Thuận theo tướng chân như mà hồi hướng thiện căn đã thành tựu.
9. Vô Phược Trước Giải Thoát Hồi Hướng: Đối với tất cả pháp không chấp trước, dính mắc, được tâm giải thoát, hồi hướng thiện pháp, thực hành hạnh Phổ Hiền, đầy đủ tất cả công đức.
10. Pháp Giới Vô Lượng Hồi Hướng: Tu tập tất cả vô tận thiện căn, hồi hướng các thiện căn này nguyện cầu vô lượng công đức trong pháp giới sai biệt. Hồi hướng nghĩa là dùng tâm đại bi cứu độ tất cả chúng sanh.
5. Thập địa[2] còn gọi là thể tánh
Thập địa Theo kinh Hoa Nghiêm gồm có:
1. Hoan Hỷ Địa: Là giai vị mới thành bậc thánh, liền sanh tâm rất hoan hỷ.
2. Ly Cấu Địa: Là giác vị lìa bỏ tâm sai lầm, phá giới, phiền não cấu.
3. Phát Quang Địa: Giác vị nhờ thiền định mà được ánh sáng trí huệ tu tam huệ Văn, Tư, Tu, khiến cho chân lý dần dần sáng tỏ.
4. Diệm Huệ Địa: Là giai vị đã lìa bỏ kiến giải phân biệt của 3 Địa trước, dùng lửa trí tuệ thiêu đốt củi phiền não, nhờ đó mà ngộ được bản thể trí tuệ.
5. Nan Thắng Địa: Giác vị đã được chánh trí khó có thể siêu xuất được nữa. Giác vị đã được trí xuất thế gian, nương vào phương tiện mà cứu độ các chúng sanh khó cứu độ.
6. Hiện Tiền Địa: Giác vị nghe Bát-nhã Ba-la-mật, hiện tiền sanh khởi đại trí.
7. Viễn Hành Địa: Là giác vị tu hạnh vô tướng, tâm tác dụng xa lìa thế gian, bị vướng vào Thất địa trầm không. Lúc bấy giờ chư Phật trong mười phương dùng 7 pháp khuyến khích tinh tấn, kích khởi dũng khí tu hành để tiến lên bát địa, gọi là Thất khuyến.
8. Bất Động Địa: Là giác vị không ngừng sanh khởi trí tuệ vô tướng, tuyệt đối không bị phiền não làm lay động.
9. Thiện Huệ Địa: Bồ tát dùng năng lực vô ngại để thuyết pháp, hoàn thành hạnh lợi tha, là giác vị mà tác dụng trí tuệ được tự tại.
10. Pháp Vân Địa: Là giác vị được đại pháp thân, có năng lực tự tại. Công đức của Ngài gần giống Diệu giác.
Pháp tu căn bản của hàng Thập địa, theo quan điểm Viên giáo là Thập độ.
Hoan hỷ địa tu pháp Bố thí độ
Ly cấu địa tu pháp Trì giới độ
Phát quang địa tu pháp Nhẫn nhục độ
Diệm huệ địa tu pháp Tinh tấn độ
Nan thắng địa tu pháp Thiền định độ
Hiện tiền địa tu pháp Bát nhã độ
Viễn hành địa tu pháp Phương tiện độ
Bất động địa tu pháp Nguyện độ
Thiện huệ địa tu pháp Lực độ
Pháp vân địa tu pháp Trí độ
Trên quá trình tu tập Bồ-tát sẽ đoạn 10 chướng, chứng 10 pháp Chơn như, bước lên hàng Đẳng giác Bồ-tát.
1. Đoạn trừ Dị sanh tánh chưởng – Chứng Biến hành Chơn như: Chơn lý hiện hữu khắp các pháp.
2. Đoạn trừ Tà hành chướng – Chứng Tối thắng Chơn như: Chơn như đầy đủ công đức, thù thăng hơn pháp khác.
3. Đoạn ám độn chướng – Chứng Thắng lưu Chơn như: có khả năng lưu xuất giáo pháp.
4. Đoạn Vi tế phiền não hiện hành chướng – Chứng Vô nhiếp thọ Chơn như: không còn bị phiền não ràng buộc, chi phối.
5. Đoạn Hạ thừa Niết bàn chướng – Chứng Vô biệt Chơn như: đồng nhất về mặt Tánh tướng.
6. Đoạn Thô tướng hiện hành chướng – Chứng Vô nhiễm tịnh Chơn như: bình đẳng về mặt tính chất.
7. Đoạn Tế tướng hiện hành chướng – Chứng Pháp vô biệt Chơn như: bình đẳng về mặt giáo pháp, dù danh từ có sai khác nhưng thể tánh chân lý vẫn là một
8. Đoạn Vô tướng trung tác gia hành chướng – Chứng Bất tăng giảm Chơn như: biểu thị tính chất như như.
9. Đoạn Lợi tha trung bất dục hành chướng – Chứng Trí tự tại sở y Chơn như là cơ sở y cứ của các loại trí, tứ vô ngại giải.
10. Đoạn Chư pháp vị tự tại chướng – Chứng Nghiệp tự tại đẳng sở y Chơn như: cơ sở y cử của thần thông, tổng trì tam ma địa, diệu dụng tự tại, bất khả tư nghì.
6. Đẳng giác
Bồ-tát giác ngộ chân lý về các pháp đồng như Phật, nhưng chỉ còn một phần vi tế sở tri ngu. Đây là địa vị gần đến quả Phật. Đẳng Giác có hai ý nghĩa:
Đẳng Giác là địa vị tột bậc trong hàng Bồ-tát, sắp đắc Phật quả Diệu Giác. Trí huệ và công đức của vị này gần giống như Diệu Giác, nên gọi là Đẳng Giác. “Đẳng Giác thị Bồ-tát chi cực vị, tương đắc Diệu Giác chi Phật quả. Kỳ trí huệ, công đức, đẳng tự Diệu Giác, cố vị chi Đẳng Giác”. Từ Đẳng giác trở xuống đều gọi là Bồ-tát, trong các địa vị Bồ-tát, địa vị thứ năm mươi mốt (Đẳng giác) là cao nhất, là địa vị tột bậc trong hàng Bồ-tát. Sắp đạt được Diệu Giác Phật quả, nếu Ngài tiến cao hơn một bậc nữa sẽ là quả vị Diệu Giác. Nhưng trên thực tế, trí huệ và công đức của Ngài cũng chẳng khác địa vị Diệu Giác cho mấy, bằng với Diệu Giác, nên gọi là Đẳng Giác.
Đẳng Giác là Phật quả. Vãng Sanh Luận Chú giảng: Do các pháp bình đẳng, nên chư Như Lai bình đẳng. Vì thế, chư Phật Như Lai được gọi là Đẳng Giác. “Vãng Sanh Luận Chú viết: Dĩ chư pháp đẳng, cố chư Như Lai đẳng. Thị cố chư Phật Như Lai, danh vi Đẳng Giác”.
7. Diệu giác
Bậc đã giác ngộ hoàn toàn về chân lý tuyệt đối. Đoạn trừ vĩnh viễn vi tế pháp chấp, hoàn toàn thanh tịnh, vô lậu tức thành Phật.
Qua tiến trình tu hành pháp Đại thừa của năm mươi hai vị Hiền Thánh, phối hợp với Ngũ Nhẫn thì theo thứ tự như sau:
1. Bậc Phục nhẫn, gồm có ba (Kiến đạo vị ):
a. Tập chủng tánh: tức Thập Tín và Thập Trụ
b. Tánh chủng tánh: tức Thập Hạnh
c. Đạo chủng tánh: tức Thập Hồi Hướng
2. Bậc Tánh nhẫn, có ba vị (Tu đạo vị): Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa.
3. Bậc Thuận nhẫn, có ba vị: Diệm huệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa.
4. Bậc Vô sanh nhẫn, có ba vị: Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa
5. Bậc Tịch diệt nhẫn, có ba vị: Pháp vân địa, Đẳng giác, Diệu giác (Phật quả)
V. Phần chứng quả-Phương tiện là cứu cánh
Khi đề cập đến “quả” cũng đồng nghĩa là nói đến những công đức phước trí thành tựu được dựa trên cơ sở Phật quả, gồm có:
1. Về công đức
Tất cả các đức Phật đều có đầy đủ mười Đức hiệu gọi là thập hiệu Như Lai:
1. Như Lai (Bản thể đức )
2. Ứng cúng (Từ bi đức )
3. Chánh biến tri (Tịch chiếu đức)
4. Minh hạnh túc (Quả đức)
5 . Thiện thệ (Đoạn đức)
6. Thế gian giải (Hậu đắc trí đức)
7. Vô thượng sĩ (Quả vị đức)
8. Điều ngự trượng phu (Đạo sư đức)
9. Thiên Nhơn sư (Đại từ bi đức)
10. Phật (Cứu cánh giác đức). Thế Tôn (Tôn quý đức).
Tất nhiên, đầy đủ Tứ đức Niết-bàn: Thường đức, thể của Niết-bàn thường hằng bất biến, không sinh-diệt; Lạc đức, Ba-la-mật, thể của Niết-bàn tịch diệt vắng lặng; Ngã đức; Tịnh đức, thể của Niết-bàn giải thoát khỏi mọi cấu nhiễm, thành tựu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, 18 Pháp bất cộng.[3] Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Xưa vì chúng sinh khởi đại bi tu hành Bố thí Ba la mật… Bát nhã Ba la mật, nên được tướng tốt thân đẹp đẽ, chúng sinh trông thấy đều vui mừng.”
Chúng sanh cũng đầy đủ công đức phước tướng Như Lai, nhưng nghiệp duyên nghiệp chướng vô minh quá sâu dày làm che mất chơn tâm của mình mà chưa hiện lộ ra được tướng công đức báu đó; ngày nay, con người chúng ta biết Phật pháp, ngộ pháp vô thường thì phải lo tu để cây Bồ-đề ngày được hiển hiện giữa đất trời. Thế nên, kinh Hoa Nghiêm nói: “Xưa vì chúng sinh khởi Đại bi, tu hành Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ Ba la mật, nên được tướng tốt thân đẹp đẽ, chúng sinh trông thấy đều vui mừng…” (Phẩm Thập Địa). Cũng vậy, Cổ Đức có câu: “Mỗi bước dạo chơi chốn Niết-bàn, lướt dòng sinh tử chớ hề nan, chân không dần bước trong ly niệm, tịnh độ là đây, cũng Niết-bàn”.
2. Về trí lực
Thành tựu các pháp
a. Thập trí lực[4] mà Phật dùng để độ chúng sanh. 10 Phật lực gồm:
1. Trí lực như thật biết có lẽ ấy, không có lẽ ấy.
2. Trí lực biết các nghiệp, các lãnh thọ, biết chỗ tạo nghiệp, biết nhân duyên; biết quả báo của chúng sanh trong quá khứ, vị lai, hiện tại.
3. Trí lực như thật biết tướng sai biệt các thiền, giải thoát, tam-muội, định, cấu uế, thanh tịnh.
4. Trí lực như thật biết tướng các căn cao thấp của chúng sanh.
5. Trí lực biết các thứ dục lạc của chúng sanh.
6. Trí lực biết vô số tính của thế gian chúng sanh.
7. Trí lực biết tướng nơi đạt tới của hết thảy đạo.
8. Trí lực biết tướng chung, nhân duyên chung các đời trước, một đời, hai đời cho đến trăm ngàn đời, kiếp ban sơ, tận cùng, ta ở trong chúng sanh kia có họ, tên, ăn uống, khổ, vui, thọ mạng dài, ngắn như vậy, chúng như vậy. Chết trong kia sanh trong đây, chết trong đây lại sanh nơi đây, có họ tên, ăn uống, khổ, vui, thọ mạng, dài, ngắn cũng như vậy.
9. Trí lực Phật có thiên nhãn thanh tịnh hơn con mắt của trời, người, thấy rõ chúng sanh khi chết khi sanh, đoan chánh hay xấu xa, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc đọa ác đạo, hoặc đọa thiện đạo, nhân duyên thọ báo như vậy. Các chúng sanh ấy thành tựu thân nghiệp ác, thành tựu khẩu nghiệp ác, thành tựu ý nghiệp ác; phỉ báng thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, do nhân duyên ấy, khi thân hoại chết sa vào đường ác, sanh trong địa ngục; còn các chúng sanh ấy thành tựu thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, ý nghiệp thiện, không phỉ báng thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, do nhân duyên ấy, khi thân hoại chết, sanh vào đường lành, sanh cõi trời.
10. Trí lực chư Phật sạch hết lậu hoặc, tâm vô lậu giải thoát, trí tuệ vô lậu giải thoát, ngay trong hiện tại tự biết rõ sự thọ sanh của ta đã hết, việc trì giới đã làm xong, không còn tái sanh đời sau, như thật biết.
b. Tứ trí
Tám thức chuyển thành Tứ trí
Tiền ngũ thức chuyển Thành sở tác trí
Đệ lục ý thức chuyển Diệu quan sát trí
Đệ thất mạt na thức chuyển Bình đẳng tánh trí
Đệ bát a-lại-da thức chuyển Đại viên cảnh trí
Như Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Cơ duyên thứ bảy, Lục Tổ nói:“Đại viên kính trí tánh thanh tịnh,
Bình đẳng tánh trí tâm vô bệnh,
Diệu quán sát trí kiến phi công,
Thành sở tác trí đồng viên kính.”[5]
Nghĩa là: Ðại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,
Bình đẳng tánh trí tâm chẳng bệnh,
Diệu quan sát trí chẳng tác ý (sự thấy của diệu quan sát trí chẳng cần tác ý),
Thành sở tác trí đồng viên cảnh.
Xem đồ biểu:
Bát thức chuyển tứ trí thành Tam Thân – từ mê chuyển ngộ, trở về bổn lai.
c. Tứ vô ngại giải[6]
Tứ vô ngại giải gồm: 1. Nghĩa vô ngại giải. 2. Pháp vô ngại giải. 3. Từ vô ngại giải. 4. Biện tài vô ngại giải
3. Về mặt tịch chiếu (vắng lặng, không xao động)
Thể tánh vắng lặng của chúng sanh; chỉ Phật tánh thường hằng bất biến, không bị ngoại cảnh làm ô nhiễm, biến đổi, thường được diễn tả bằng câu nói “bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, bất nhất, bất nhị…”. Tịch Chiếu là hai mặt của chơn tâm, chơn tâm thường hằng bất biến, không bị ngoại duyên nhiễm ô, không bị mất đi dù chúng sanh luân hồi bao nhiêu kiếp, nên gọi là Tịch (vắng lặng). Công dụng chiếu soi (tức nhận hiểu sự vật vạn pháp) của Tâm được gọi là Chiếu. Chiếu là khả năng nhận biết thông suốt mọi sự. Tuy thông suốt nhưng không chấp trước, không bị ô nhiễm bởi ngoại cảnh nên nói là “tuy chiếu mà thường tịch”, dẫu vắng lặng nhưng không hề mất khả năng thấu hiểu trọn vẹn nên gọi là “tuy tịch nhưng thường chiếu”.
4. Về mặt thần lực
Thành tựu sáu pháp Thần thông,[7] diệu dụng bất khả tư nghì.
5. Về mặt ứng dụng
Trên cơ sở Tâm đại bi, phát khởi diệu dụng, thi hành Phật sự, giáo hóa độ sanh, sử dụng phương tiện quyền xảo làm lợi lạc chúng sanh, cuối cùng đều thành tựu Phật đạo. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện thứ hai, đức Phật dạy:
“Xá-Lợi-Phất! nên biết,
Ta vốn lập thệ nguyện,
Muốn cho tất cả chúng,
Bằng như ta không khác,
Như ta xưa đã nguyện,
Nay đã đầy đủ rồi,
Độ tất cả chúng sanh,
Đều khiến vào Phật đạo.”[8]
C. Kết luận
Lộ trình tu tập theo Pháp Đại thừa từ giai vị Bồ-tát đến Phật quả, hành giả phải trải qua 52 giai vị. Chúng sanh phải tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của chính mình (you should be confident yourself), vì ai cũng có sẵn chủng tánh Như Lai. Quả vị Phật là biểu tượng của Viên giác tánh, Chơn như, Phật tánh, Bồ-đề (giác ngộ)… Trên bản thể thực chứng và thể nhập. Do đó, toàn thể hiện tướng là bản thể, là hiện tướng Pháp thân, không thể cách ly, không thể phân biệt, so lường, tính toán được, là Bất nhị giải thoát pháp môn.[9] Bát thức quy củ tụng nói: “Như lai vô cấu thức/ Thị tịnh vô lậu giới/ Giải thoát nhất thiết chướng/ Viên cảnh trí tương ưng.” Nghĩa là: Thức vô cấu của Như Lai, là pháp giới vô lậu thanh tịnh, giải thoát hết mọi chướng, tương ưng Đại viên cảnh trí.
Tham khảo và chú thích
[1] Xem thêm HT Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Hoa Nghiêm, Nxb Phật Học Viện quốc Tế, 1983. [Phẩm Thập hồi hướng thứ 25].
[2] Xem thêm như trên [Phẩm Thập địa thứ 26].
[3] Xem thêm HT Thích Thiện Siêu (dịch), Luận Đại Trí Độ (Tập II), Nxb TP.HCM, 1998, các tr. 183-230.
[4] Xem thêm như trên, các tr 120-152.
[5] 大圓鏡智性清淨,平等性智心無病,妙觀察智見非功,成所作智同圓鏡.
[6] Xem thêm Tăng Chi Bộ, chương bảy pháp, (VII) (37) Vô Ngại Giải.
[7] Xem thêm HT Thích Thiện Siêu (dịch), Luận Đại Trí Độ (Tập II), Nxb TP.HCM, 1998, các tr. 271-300.
[8] Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương tiện thứ hai, các tr. 73-74.
[9] Xem thêm HT. Thích Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Duy-Ma-Cật Sở Thuyết, Nxb Phương đông, 2008.