Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

BÀI 2: GIẢI THÍCH ĐỀ LUẬN

Y cứ vào “Thái Hư Đại Sư Toàn Thư” (太虛大師全書), Luận Phật Thừa Tông Yếu được xếp vị trí bài số 3 trong 8 bài của quyển 1 – Phật pháp tổng học (佛法總學).

Chữ hán: 佛 乘宗要論

Phiên âm: Phật Thừa Tông Yếu Luận

Chữ Phạn (Sanskrit): Buddhayāna dhāraṇī śāstra (बुद्धयान धारणी शास्त्र).

A. Phật thừa (Buddhayāna)

“Buddha”, Trung Quốc phiên âm là Phật đà hay Phật giả, là bậc giác ngộ về 3 phương diện: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.

 “Yāna” được dùng cả 2 Sanskrit và Pāli; có nghĩa là thừa, phương tiện (E. Vehicle; T. Theg pa ཐེག་པ་). Chư Phật và chư Bồ-tát đã nương tựa vào giáo pháp để làm phương tiện chuyển tải đưa tất cả chúng sanh từ bờ mê sang bến giác; từ vô minh phàm phu đến thánh địa an lạc giải thoát.

Cụm từ “phương tiện” (P. Upāya) mang rất nhiều ý nghĩa thù thắng, vi diệu. Tuy nhiên, trong giải thích này, phương tiện chuyên chở của Phật pháp có 3 nghĩa:

a – Từ cõi dục vô minh chuyên chở đến ngôi vị hoàn toàn giác ngộ, đây thuộc về Lý giáo thừa.

b – Từ cõi giới hữu lậu tạp nhiễm, uế trược chuyên chở đến địa vị vô lậu thanh tịnh, đây thuộc về Hành giáo thừa.

c – Từ nơi sanh tử khổ đau, chuyên chở đến quả vị an lạc giải thoát, đây thuộc về Quả giáo thừa.

Vậy, Phật thừa (S. Buddhayāna, E. Buddha vehicle) là dùng pháp phương tiện để dẫn dắt cho con người tu tập đạt đến quả vị Phật. “Phật thừa” hay “Nhất thừa” (P. Ekayāna) là chỉ một mà thôi, là giáo pháp duy nhất đưa đến sự chứng ngộ tuệ giác viên mãn của chư Phật. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện nói:

“Xá-Lợi-Phất! Đức Như Lai chỉ dùng một thừa mà vì chúng sanh nói pháp, không có các thừa hoặc hai thừa hoặc ba khác. 

Xá-Lợi-Phất! Pháp của tất cả các đức Phật mười phương cũng như thế.

Xá-Lợi-Phất! Thuở quá khứ các đức Phật dùng vô lượng vô số phương tiện các món nhơn duyên lời lẽ thí dụ mà vì chúng sanh diễn nói các pháp. Vì pháp đó đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh đó theo chư Phật nghe pháp rốt ráo đều đặng chứng “nhất thiết chủng trí ”. [1]

Theo tinh thần Pháp Hoa, tu là để thành Phật cho đến mười phương chư Phật chỉ có một thừa duy nhất đó là Phật thừa, chứ không còn Thanh văn thừa, Duyên Giác thừa hay Bồ-tát thừa. Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa hay Bồ-tát thừa chỉ là phương tiện, là những bước trên con đường hướng đến giải thoát giác ngộ. Nhưng sau cùng cứu cánh đức Phật muốn nói ở đây vẫn là Phật thừa để dẫn dắt chúng sinh sớm viên thành Phật đạo tức là thành Phật.

Về phương diện văn bản học, Phật thừa có 4 nghĩa:

  1. Phật thừa trên cơ sở Phật quả, nói cách khác là quả vị Phật, đấng này không đấng nào hơn, như kinh Hoa Nghiêm nói: “vượt khỏi hai thừa” gọi là Đại thừa, Tối thắng thừa, Vô thượng thừa, Phật thừa là đem lại sự cứu cánh rốt ráo cho tất cả chúng sanh, hữu tình và vô tình đều thành tựu đầy đủ tuệ chủng Như lai. Thế nên, sau khi thành đạo bên cội bồ đề, trong suốt 49 năm (nam truyền 45 năm) đức Phật vẫn tiếp tục sử dụng Phật thừa trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, khiến cho muôn loài chúng sanh giác ngộ như Phật đã thành, kinh Pháp hoa, phẩm Phương Tiện đức Phật dạy:

“Phật tự trụ Đại thừa,

Như pháp của mình đặng,

Định, huệ, lực trang nghiêm,

Dùng đây độ chúng sanh”. [2]

Hay nói khác, cũng trong kinh này, đức Phật nói lời khẳng định với tôn giả Xá-Lợi-Phất: “Này Xá-Lợi-Phất, chư Phật chỉ vì một việc trọng đại lớn duy nhất mà thị hiện ra nơi đời (cõi người), đó là “khai thị chúng sanh, ngộ nhập tri kiến Phật”. [3]

  • Phật thừa được hiểu như là Phật pháp; hay nói một cách khác, Phật pháp là diệu dụng của Phật thừa, lưu xuất từ tự tâm, tự tánh thanh tịnh, chơn như bản thể của chúng sanh, của các pháp. Do đó, đức Phật đã dựa trên cơ sở: Như thị thể, Như thị tu, Như thị chứng và Như thị thuyết về chơn lý tuyệt đối bằng phương tiện ngôn ngữ; người học, người nghe cũng dựa trên cơ sở: Như thị văn, Như thị tư và Như thị tu về chơn lý tuyệt đối bản thể của chính mình để chứng nhập như Phật và nói ra cũng như Phật.
  • Phật thừa về phương diện chơn lý, gồm: thể, tướng và dụng.

a. Thể Phật thừa là Bồ đề tâm (S, P. Bodhicitta), Phật tri kiến, Phật tánh, Chúng sanh tâm, Pháp giới tánh, Nhất tâm chơn như.

b. Tướng Phật thừa là lục độ vạn hạnh, phước trí trang nghiêm, nhân quả xuất thế vô lậu.

c. Dụng Phật thừa là có khả năng chuyển hóa tâm chúng sanh.

– Từ cõi dục phàm phu ngu muội đến địa vị Thánh quả.

– Từ biển mê sanh tử luân hồi đến ngôi vị an vui, giải thoát.

– Từ nơi ngũ trược nhiễm ô, bất tịnh đến cảnh giới vô lậu thanh tịnh, Niết-bàn tịch tịnh.

  • Phật thừa trên phương diện pháp môn, đó là: Giáo, Lý, Hành và Quả.

a. Giáo môn: là sự giáo dục học tập nghiên cứu thuần thục giáo lý, hay nói khác là toàn bộ hệ thống giáo lý Tam tạng Thánh điển Phật giáo.

b. Lý môn: là giải rõ nghĩa lý của giáo, lý luận phân tích luận chứng một cách tường tận của tất cả các pháp về hữu vi, vô vi; hữu lậu, vô lậu; tự tánh, tự tướng. Đối với cái chơn tế của Lý là sự thanh tịnh trong sạch, trần bất nhiễm trần, bình đẳng, vượt ngoài ngôn thuyết, ly tâm duyên, ly danh tự.

c. Hành môn: sau khi quán triệt giáo và lý, hành giả bắt đầu hạ thủ công phu, tức thực hành; hay những hạnh nguyện của chư vị Bồ tát cứu nhân độ thế. Đối với pháp hành của 52 vị Hiền Thánh đều dựa trên cơ sở Tâm từ bi và Bình đẳng tánh trí để hành trì và chuyển hóa. 52 phẩm vị Hiền Thánh đó là: thập tín, thập trụ, thập hạnh, thâp hồi hướng (tam hiền), thập địa (thập thánh), đẳng giác và diệu giác (Phật quả).

d. Quả môn: là thành tựu đạo quả Niết-bàn, muôn công đức đều tròn đầy, tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, Tứ vô ngại giải [4] và tùy duyên sử dụng phương tiện giáo hóa độ sanh đồng thành Phật đạo, như kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện nói: “Xá-lợi-phất! Nên biết!/ Ta vốn lập thệ nguyện/ Muốn cho tất cả chúng/ Bằng như ta không khác/ Như ta xưa đã nguyện/ Nay đã đầy đủ rồi/ Độ tất cả chúng sanh/ Đều khiến vào Phật đạo.” [5]

B. Tông yếu (Dhāraṇī)

“Dhāraṇī”, Trung Quốc phiên âm là Đà-ra-ni hay Đà-la-ni, có rất nhiều nghĩa, trong Mật tông gọi là Thần chú, hay Hộ chú (Parittam), Chân ngôn (Mantra). Trong văn phong bản luận này gọi là Tông yếu, tông chỉ, căn bản, nền tảng, mục đích, những điểm thiết yếu quan trọng nhất; hay nói khác, tông yếu có 2 nghĩa:

– Trình bày những điều cốt yếu, tông chỉ cơ bản và mục đích của Phật pháp.

– Trình bày 1 cách khái quát đại cương về những vấn đề cốt lõi của Phật pháp trong nhân gian, nên còn gọi là “Hiện Đại Phật pháp khái luận”.

C. Luận (Śāstra)

“Śāstra”, nghĩa đen là “điều đã được hướng dẫn” hay “quyết định”, có nghĩa tương tự như trong tiếng Anh “logy”, chỉ đến môn học, môn học về chủ đề nào đó, ví dụ như: sinh thái học (ecology), tâm lý học (psychology), sinh học (biology), địa chất học (geology), Phật học (buddhology)…

Hiểu theo nghĩa rộng, “śāstra” được dịch là “luận”, có nghĩa là bàn luận, luận giải, chú thích, nghĩa thích, đàm luận, luận chứng, nghị luận, thuyết trình, thuyết minh, chứng minh, trình bày, diễn tả, mô tả, lập luận, bình luận, bàn bạc, khẳng định, phủ định. Trong văn phong bản luận này “Luận Phật Thừa Tông Yếu” là giải thích những vấn đề Phật pháp liên quan đến quan điểm nhận thức về yếm thế, bi quan, thế gian, xuất thế gian, nhập thế; vấn đề về tự lợi, lợi tha; sự hiện hữu của Phật thừa, sự ứng hiện hóa độ của Phật thừa; pháp có thể diễn bày và không thể diễn bày; pháp Nguyên thủy, pháp Đại thừa, mối liên hệ giữa Nguyên thủy và Đại thừa; thuyết minh về tôn giáo và các học thuyết thế gian; sự quan hệ giữa Phật thừa và thế gian; sự quy hướng của Phật thừa.

Về phương diện giáo lý, “Luận” là 1 trong 3 tạng giáo điển Phật giáo (kinh tạng – những bài pháp từ kim khẩu hay đệ tử Thánh của đức Phật thuyết ra. Luật tạng – bao gồm những điều lệ, quy tắc nhằm giáo dục con người đi vào khuôn khổ đạo đức hướng thượng và Luận tạng – giải thích những lời Phật thuyết, làm tỏ rõ nghĩa lý của Phật kinh). Theo Phật giáo Nam truyền cho rằng, sau khi Thái tử Tất-đạt-đa đắc đạo và trở thành Phật, ngài đã đến thăm mẹ (hoàng hậu Maya) ở cõi trời trong 3 tháng để thể hiện sự kính trọng và thuyết bộ kinh Vi Diệu pháp tại đây.

Luận, có nghĩa là Đối pháp, dùng trí tuệ của bậc Thánh vô lậu đối quán lý tứ đế, hướng đến quả Niết bàn nên gọi là Đối pháp. Do đó, Đối pháp có 2 nghĩa:

+ Đối quán lý Tứ đế, vì là pháp sở tu của trí năng quán.

+ Đối hướng quả Niết bàn, vì là cảnh sở tu của trí năng quán.

Hay nói khác, đối quán lý Tứ đế thuộc phạm vi thực tại thường nghiệm; đối hướng quả Niết-bàn thuộc phạm vi thực tại siêu nghiệm. Cho nên, Đối pháp tạng là tạng luận giải thích về tánh – tướng của các pháp, về pháp Tứ đế và Niết-bàn cùng các pháp khác trong Kinh và Luận tạng.

Xét về phương diện Tam vô lậu học, kinh thuộc về định, nên mục đích tụng kinh là làm cho tâm chúng ta được an ổn thanh lương, tụng kinh Phật để đoạn trừ phiền não, tâm cống cao ngạo mạn; luật thuộc về giới (giáo dục đạo đức nhân cách sống của con người) và luận thuộc về tuệ, mở bày phương tiện giải thích rõ nghĩa của kinh và luật. Trên cơ sở đó, kinh đối trị tâm sân hận, luật đối trị tâm tham dục và luận đối trị tâm si mê. Cho nên kinh, luật và luận được xây dựng trên 3 nguyên lý thanh tịnh đó là vô tham, vô sân và vô si nơi thân tâm của tất cả chúng sanh con người.

Theo Nhiếp Đại Thừa Luận (S. Mahāyānasamparigraha śāstra)  giải thích luận có 4 nghĩa:

  1. Đối, nghĩa là kinh tạng và luật tạng là đối tượng giải thích của luận tạng, nên trong phạm vi Phật pháp, luận nghĩa là năng giải, tức là chủ thể để phân tích, giải thích kinh và luật. Kinh, luật là sở giải tức là đối tượng được giải thích. Chẳng hạn như nói, Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là sở giải, đối tượng được giải thích và Luận  Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh có nghĩa là năng giải, (giải thích nghĩa lý của Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh).
  2. Số, nghĩa là giải thích những danh từ, thuật ngữ, pháp số, 1 cách có hệ thống, chi tiết, minh bạch, rõ ràng.
  3. Phục, là chế ngự, điều phục, đánh bạt những tà thuyết tư tương quan điểm sai lầm của ngoại đạo tà giáo.
  4. Thông, nghĩa là giải thích 1 cách thông suốt những nghĩa lý hàm tàng trong kinh và luật tạng làm phát sinh trí tuệ vô lậu. Cho nên, luận là giải thích những nghĩa lý trong kinh tạng và luật tạng, quyết đoán những điều nghi ngờ, biện minh lẽ chánh tà, làm sáng tỏ nghĩa lý, tánh tướng của các pháp, là cơ sở phát sinh trí tuệ vô lậu. Trong phạm vi của luận này, luận giải thích các vấn đề nhân sinh và vũ trụ quan; hệ thống quan của Phật giáo; nhận thức về tự lợi và lợi tha trong Phật giáo; Phật giáo với những nhu cầu thiết yếu của thời đại; Vấn đề tương đối và tuyệt đối trong Phật giáo; Đại cương hai bộ phái Nguyên thủy và Đại thừa Phật giáo; Mối quan hệ giữa Nguyên thủy và Đại thừa Phật giáo; Vài nhận định của Phật giáo đối với các tôn giáo khác và các phái triết học; Mối quan hệ giữa Phật giáo với nhân sinh xã hội; Vấn đề lưu truyền Phật giáo ở nhân gian và Tổng kết chung của bộ luận Quy y và Hồi hướng.

Tóm lại, từ những giải thích trên cho chúng ta thấy, trong thời đại công nghiệp -hiện đại hóa, xã hội ngày càng văn minh, khoa học tiến bộ phát triển quá đa dạng – đa thù, từ 1.0 đến nay là 4.0, tương lai còn tiến xa hơn nữa, để khế lý và khế cơ với những lời dạy minh triết của đức Phật, sống động đối với mọi tầng lớp trong xã hội, nên Đại sư Thái Hư đã tạo ra bộ luận này để cho con người có cái nhìn đúng đắn về Phật pháp. Như vậy, “Luận Phật Thừa Tông Yếu” hay “Hiện Đại Phật Pháp Khái Luận” là nhằm thuyết minh về những yếu tố tinh túy căn bản cần thiết nhất của Phật pháp, là phương tiện – tư lương để con người thể nhập vào Phật quả. Như trong Luận Đại Thừa Khởi Tín (S. Mahāyānaśraddhotpādaśāstra), một lần nữa xác chứng: “Nhất thiết chư Phật bổn sở thừa cố, nhất thiết Bồ tát giai thừa thử pháp đáo Như lai địa cố.” [6] Nghĩa là: Tất cả chư Phật vốn đã y vào pháp môn nầy, tất cả các Bồ tát đều nhờ pháp môn nầy mà chứng đắc quả vị Như lai. Hay nói khác, tất cả chư Phật và Bồ tát trong 3 đời 10 phương đều nhờ vào Pháp thừa nầy để thành tựu đạo quả Phật, thừa nầy là thừa nào? đó là Nhất tâm chơn như, Phật tánh, Pháp giới, Pháp thân, Như lai tàng tánh, Viên giác tánh, Như như Phật, Bản lai diện mục vậy.

Tham khảo và chú thích

[1]. HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Pháp Hoa, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2001, tr. 67.

[2]. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai, các tr. 72-73.

[3]. Sđd, tr. 65.

[4]. Tứ vô ngại giải (s. Catasrah pratisamvidah) là 4 thứ năng lực lý giải (tức trí giải) và năng lực diễn đạt bằng ngôn ngữ (tức biện tài) một cách tự do tự tại không chướng ngại, đó là: 1. Pháp vô ngại giải (S. Dharma-pratisamvid); 2. Nghĩa vô ngại giải (S. Artha- pratisamvid); 3. Từ vô ngại giải (S. Nirktipratisamvid); 4. Biện vô ngại giải (S. Pratibhana- pratisamvid).

[5]. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai,  các tr. 73-74.

[6]. H.T Thích Liêm Chính (việt dịch và cương yếu), Đại Thừa Khởi Tín Luận, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2018, tr. 27.

Phật Thừa Tông Yếu Luận