Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

BÀI 3: Hệ Thống Quan Của Phật Giáo

A. Giới thiệu

Hệ thống có nghĩa là sự kết nối thống nhất, thông suốt với nhau. Giáo lý Phật giáo có tam tạng Thánh điển: kinh tạng , luật tạng  và luận tạng; luận là giải thích làm rõ nghĩa của kinh và luật.

Khi nói đến hệ thống quan của Phật giáo, có nghĩa là chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về bản sắc giá trị vốn có của Phật pháp, để hiểu rõ những mục tiêu vấn đề muốn đề cập đến, đồng thời người học phân tích giảng giải làm rõ những vấn đề đó trên phương diện “thể” và “dụng” của nó. Ở đây, “thể” có nghĩa là bản thể, bản chất đặc thù các pháp; còn “dụng” có nghĩa là công dụng hay tác dụng của vạn pháp.

 Theo ngài Thái hư, trong phần Hệ thống quan của Phật giáo, được chia thành 5 ý lớn, trong 5 ý lớn này, mỗi ý còn phân tích chia chẽ những chi tiết khác nữa. Để đáp ứng tiện ích cho việc tham cứu, chúng tôi tuần tự trình bày các phần sau đây:

(Tiết 1)

I. Phật pháp là chán bỏ thế gian, hay vượt ra ngoài thế gian

1. Ý nghĩa danh từ thế gian

2. Phạm vi của thế gian

3. Xuất thế và yếm thế

(Tiết 2)

II. Tùy thuận thế gian và cứu độ hộ trì thế gian

(Tiết 3)

III. Do nguyện siêu xuất thế gian mà cứu độ hộ trì thế gian

(Tiết 4)

IV. Chuyển hóa thế giới ô trược để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

(Tiết 5)

V. Toàn bộ hệ thống quan của Phật pháp

a. Thực chứng các pháp và nhất tâm chân như, đạt đến mục đích của việc tu học

b. Thành tựu được nhân cách toàn vẹn và pháp giới viên mãn

c. Tùy thuận vô biên thế giới chúng sanh, để ứng hóa vô tận, đạt được sự lợi lạc vô cùng

B. Nội dung

(Tiết 1)

I. Phật pháp là chán bỏ thế gian, hay vượt ra ngoài thế gian

Quan điểm của thế học khi nhìn nhận đánh giá về Phật pháp có nhiều cách khác nhau, có người cho rằng đạo Phật là triết học, vì lẽ nói đề cập đến triết lý học thuyết (như trong Trường bộ kinh, bài đầu tiên kinh Phạm võng (Brahmajàla sutta), đức Phật thuyết về 62 học thuyết đương thời lúc bấy giờ); hay về mặt tâm lý học, xã hội học, giáo dục học, đạo đức học nhận định đạo Phật là như một môn tâm lý – nhằm phân tích về các tầng ý thức con người v.v…

Tuy thế gian có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá quan điểm khác nhau về Phật giáo, tựu trung chỉ nghiên cứu về Phật giáo ngang ở mức Tục đế (Sammuttisacca), gọi là thế gian pháp. Trong giáo lý Tứ thánh đế, khổ đế và tập đế gọi là pháp Tục đế; còn diệt đế và đạo đế gọi là pháp Chân đế (Paramatthasacca). Vì con người chỉ nghe đức Phật nói về khổ đau, vô thường, tang thương, chết chóc… rồi tới đó dừng, họ cắt nghĩa, đạo Phật là yếm thế, chỉ nói việc sanh tử…, nhưng con người chưa nghiên cứu sâu vào phương pháp con đường thoát khổ, gọi là đạo đế – Bát chánh đạo hay Trung đạo. Nên biết, đức Phật trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh, tuy về sau được các vị đệ tử thánh biên tập lại Tam tạng Thánh điển đồ sộ; thật ra nghiêm tức mà nói, đức Phật chỉ nói có 2 điều duy nhất, đó là: “Này các Tỳ-kheo, xưa cũng như nay Như Lai chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”. 

Chúng ta đọc trong hai cuốn Theragatha (Trưởng lão tăng kệ) và Therigatha (Trưởng lão ni kệ), thuộc Tiểu bộ kinh (Khuddaka-nikaya) chứa đầy những lời thật hoan hỷ của đệ tử Phật, tìm thấy sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống nhờ giáo lý của Ngài. Vua Pasenadi Kosala (Ba-Tư-Nặc) có lần thưa với đức Phật: “Không giống như tín đồ của các hệ thống tôn giáo khác, trông họ hốc hác, thô lỗ, xanh xao, èo uột không gây thiện cảm, còn đệ tử của đức Phật vui vẻ, phấn chấn, hớn hở, cởi mở, vui sống cuộc đời đạo lý, thanh thoát, an lạc, tâm trí linh hoạt, thư thái, yêu đời. Vị Vua này còn tin rằng: tính tình lành mạnh đó là do sự kiện các vị tăng khả kính ấy chắc chắn đã chứng nghiệm được ý nghĩa cao cả và trọn vẹn giáo pháp của đấng Thiện Thệ.”

Khi được hỏi tại sao những môn đồ của Ngài sống một đời đạm bạc và trầm lặng, ngày chỉ ăn một bữa, mà sắc diện lại tươi sáng như thế nầy. Đức Phật trả lời: “Họ không nuối tiếc dĩ vãng và cũng không lo lắng cho tương lai. Họ sống trong hiện tại. Vì thế họ rạng rỡ sáng tươi. Băn khoăn về tương lai, tiếc nuối quá khứ, kẻ thiểu trí sẽ khô héo như đám lau xanh bị phát ngang dưới ánh nắng mặt trời.”

Những người xuất gia là vì sự cảm mộ Phật pháp, tự nguyện, tự giác, xuất gia hoằng thánh đạo, thệ độ nhất thiết nhân. Cho nên, tất cả những lời phê bình của con người trong nhân gian được soi rọi trong hệ thống ngôn ngữ của Phật pháp với 2 danh từ, đó là: “yếm thế” và “xuất thế”.

Như trong cuốn Thiên diễn luận (天演論; E. Evolution and ethics, sự tiến hóa và đạo đức), do nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh, ông tên là Thomas Henry Huxley (1825-1895), Trung Quốc phiên âm: Hách Tư Lê Thị (赫胥黎氏), người đại diện tiêu biểu ủng hộ thuyết tiến hóa của Darwin (1809 – 1882), ông tự gọi mình là  “Darwin’s Bulldog”, và ông cho rằng: Phật pháp là “yếm thế”. Bởi vì kinh Phật nói rằng: “đoạn dục khử ái”. Do đó, theo ông, con người sống trong đời phải có dục và ái.

Trong cuốn Đại cương triết học sử Trung Quốc, Hồ Thích cho rằng: Phật pháp là xuất thế. Hai quan điểm nêu trên, làm cho con người ta phải “phân vân đứng giữa 2 dòng nước, lặng lẽ nhìn hay để cuốn trôi”. Để giải thích làm sáng tỏ về 2 quan điểm “yếm thế” và “xuất thế”, hay nói khác “yếm thế gian” và “siêu xuất thế gian”.

Có 1 điều cũng không kém phần quan trọng, danh từ thế gian được giải thích theo nhiều cách; đối với các nhà thế học cũng như các tôn giáo khác, họ cho rằng thế giới, vũ trụ vạn hữu được lập thành 1 trong 4 luận thuyết sau:

+ Tự sanh: có nghĩa là thế giới vũ trụ tự nó sanh ra, không do ai biết.

+ Tha sanh: có nghĩa là thế giới vũ trụ tự do 1 đấng thần quyền, quyền năng nào đó sanh ra.

+ Cộng sanh: là do tự sanh và tha sanh hợp lại mà sanh ra.

+  Vô nhân sanh: nghĩa là không do nhân gì cả, mà do ngẫu nhiên sanh ra.

Đương thời Đức Phật có 6 học phái ngoại đạo,[1] trong 6 học phái đó có phái ngẫu nhiên do Phú Lan Na Ca Diếp (Pūraṇa Kassapa) sáng lập: Phái nầy chủ trương thuyết ngẫu nhiên, không tin luật nhân quả. Phật giáo gọi là “Phái vô nhân quả”.

1. Ý nghĩa danh từ thế gian

– Thế có nghĩa là sự thay đổi (change), mà cái gì thay đổi thì cái đó là vô thường (P. Anicca; E. Impermanence) không chắc chắn; vì vạn pháp là vô thường nên dẫn đến khổ đau, sầu não; vì tính chất của các pháp vốn là vô thường, khổ nên dẫn đến hệ luận là vô ngã.

– Thế có nghĩa là giả tạo, giả tướng không chân thật.

– Thế là thời gian hay gọi là vũ (宇); gian là không gian còn gọi là trụ (宙). Thế gian còn gọi là vũ trụ.

– Thế có nghĩa là sự đối phó chế phục, hay là sự đoạn trừ, vì các pháp vốn không tồn tại lâu dài, không chân thật nên chúng ta dễ dàng chế phục và đoạn trừ nó.

Trên là giải thích nghĩa của chữ “thế”. Còn nghĩa của chữ “gian” là chỉ cho gián cách, sự cánh ly; hay khoảng giữa, khoảng cách (distance).

Như vậy, thế gian là chỉ cho cõi đời mà con đang sống, hay nói khác là tất cả chúng sanh hữu tình, vô tình; chánh báo, y báo đều đồng cư chung sống với nhau trong cõi tạm này. Theo tư tưởng Hoa nghiêm, tất cả các pháp đều do tâm thức của con người biến hiện tạo ra, gọi là “nhất thiết duy tâm tạo”.

Về phương diện khách quan: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Về phương diện tu tập: “Tội tùng tâm khởi tương tâm sám/ tâm nhược diệt thời tội diệc vong/ tội vong tâm diệt lưỡng câu không/ thị tắc danh vi chân sám hối.”

Kinh Lăng nghiêm nói. “Tùy tâm biến hiện”. Nghĩa là: Mọi sự vạn việc trên thế gian như thế nào, tốt hay xấu, lành hay dữ, đúng hay sai, phải hay quấy, được hay không, đều do vọng tâm của chúng sanh con người biến hiện ra. Sự cảm thọ tùy theo tâm trạng, tùy theo cá nhân, không ai giống ai, không lúc nào giống với lúc nào, không thời nào giống với thời nào, không nơi nào giống với nơi nào. Kinh Hoa Nghiêm: “Tam giới thượng hạ pháp pháp, do thị nhất tâm tạo”, hoặc “Tâm tạo chư Phật, tâm tạo chúng sinh, tâm tạo thiên đường, tâm tạo địa ngục. Tâm vọng động thì ngàn sự sai biệt tranh khởi, tâm bình thì thế giới thản nhiên, tâm phàm thì ba món độc trói buộc, tâm thánh thì sáu món thần thông tự tại, tâm không thì nhứt đạo thanh tịnh, tâm hữu thì vạn cảnh tung hoành. Tự mình đạp mây mà uống nước cam lồ, chẳng có ai cho mình. Nằm trong lửa hừng mà uống máu mủ cũng tự mình gây nên, không phải trời sanh ra, cũng không phải do đất mà có”.

Như vậy, các pháp trong thế gian đều do giả tướng mà thành, mộng huyễn mà nên, nói chung là đều do tâm thức vọng kiến của con người tạo ra. Người xưa nói  rằng: “Nhân vô minh vọng tình nhiễm trước/ Thọ, tưởng, hành, ý thức nghiệp duyên/ luân hồi sanh tử triền miên/ ra vào 3 cõi xuống lên 6 đường”. Hay kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ uẩn, nhất thiết thế gian trung, giai do duy tâm tạo.” Nghĩa là: Tâm như người họa sư, ngũ uẩn từ tâm sinh, hay vẽ những thế gian, đều do tâm tạo tác.

Có người đi đêm gặp sợi dây cứ tưởng là con rắn, do tâm biến kế sở chấp hiện ra. Thấy bóng cây giả vật giả nhơn cứ tưởng là người thật xuất hiện, tâm trở nên lo lắng sợ hãi, khiếp đảm. Có 2 loại giả tướng:

a. Thể tướng liên tục hay thể tướng tương tục: được ví như người cầm cây lửa xoay thành vòng tròn; cũng như người đang trong giấc mộng, mộng tốt mộng xấu … nhưng khi thức giấc tỉnh dậy, người đó có thấy cảnh vật xảy ra trước mắt đúng như trong mộng không? Đối với người trí thì cho đó là ảo huyền, không thật có. Nhưng với người kém trí thì cứ chấp chặt vào những gì thấy trong mộng cho đó là thật hữu, thành ra bịnh khổ sanh ưu sầu, già héo sanh lo âu.

b. Thể tướng hòa hợp hay thể tướng duyên sinh: ví như con người đem 1 vật nào đó ra phân tích, chia chẽ ra từng phần, cho đến lúc tận cùng tương đồng với hư không, cũng không thấy được ngọn ngành nguồn gốc bản chất của vật chất duyên hợp đó nữa. Các nhà khoa học – vật lý học trước đây, họ lấy phân tử làm đơn vị vật chất và sau đó họ đưa ra kết luận cho đó là chính xác, đúng. Nhưng chẳng bao lâu người ta lại phát hiện ra rằng, phân tử chưa hẳn là đơn vị nhỏ nhất, mà còn phân chia thành đơn vị nhỏ hơn nó, chính là đơn vị nguyên tử trong phân tử, nhưng thời đại công nghệ khoa học tiến bộ cao hơn, thì người ta lại phát hiện ra trong nguyên tử còn có đơn vị nhỏ hơn nữa và giả định, giả thuyết này trong nguyên tử tồn tại 1 thực thể nhỏ hơn nó, không thể đặt tên cho nó là gì, mà chỉ gọi nó là điện tử. Đơn vị điện tử này là tên gọi vật chất không màu, không mùi, không vị, không âm thanh, không tiếng nói v.v… tới đây các nhà vật lý học vẫn không dám khẳng định, đơn vị điện tử là nhỏ nhất, nên không thể phân tích chúng nhỏ hơn nữa, và cũng chính là nguồn gốc sinh khởi tạo thành vạn vật trong vũ trụ thế gian này. Do đó, sự tư duy suy luận của học thuyết duy vật chỉ dừng lại tại đây.

Cho nên, phàm là chỉ cho tất cả mọi sự vạn vật hiện tượng trong thế gian nầy đều do sự hòa hợp của các nhân duyên mà có; đều sinh khởi không ngoài 2 chữ đó là “nhân duyên”. Trong luận nầy, ngài Thái Hư dùng cụm từ “hòa hợp”. Người xưa thường nói: “Nhất thiết thế gian vạn vật bất miễn nhân duyên nhị tự nhi tác thành”, bởi do duyên nên mới gọi là vô thường, không thật bền lâu, có đó rồi mất đó, có thể chế phục và có thể đoạn diệt. Tuy nhiên, trong cái vô thường đó, thay đổi đó, biến chuyển đó trong Phật pháp có cái gọi là chân thường (P. Sacca; E. True), cái chân thật, cái tự tại và cái tự tánh (S. Svabhāva; E. By itself) (chính là chơn giác, là tánh biết sáng suốt của con người).

Lục tổ Huệ Năng sau khi đắc pháp nơi ngũ tổ Hoằng Nhẫn tại núi Huỳnh mai, ngài đã trình lên sở chứng của mình cho Ngũ tổ: “Hà kỳ tự tánh bổn tự thanh tịnh. Hà kỳ tự tánh bổn bất sanh diệt. Hà kỳ tự tánh bổn tự cụ túc. Hà kỳ tự tánh bổn vô động diêu. Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp.” Nghĩa là:Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh. Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt. Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ. Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động. Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.

 Vì vậy, mục đích của người hành đạo là làm cho 3 nghiệp được thanh tịnh, “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng tây phương” hay“Thân khẩu ý thanh tịnh, thị danh Phật xuất thế. Thân khẩu ý bất tịnh, thị danh Phật diệt độ. Tức tâm thị Phật vô dư pháp. Mê giả đa ư tâm ngoại cầu. Nhất niệm quách nhiên qui bổn tế. Hoàn như tẩy khước thượng thuyền đầu.” Nghĩa là: Thân khẩu ý thanh tịnh, đó là Phật xuất thế. Thân khẩu ý bất tịnh, đó là Phật nhập diệt. Tâm kia là Phật chớ nên quên, người mê hay tìm kiếm mọi nơi bên ngoài tâm. 1 niệm vỡ ngộ về với bổn giác, dễ như rửa chân bước lên thuyền.

2. Phạm vi của thế gian

Nói đến phạm vi của thế gian, thì không bờ, không bến; vô ải, vô nhai, không có sự khởi đầu mà cũng không có hồi kết thúc, và cũng không có giới hạn trong ngoài, vì chúng sanh nhiều vô lượng vô biên vô số, nên thế gian cũng vô cùng vô tận vô ngần.

Theo các nhà khoa học, thế gian có thể được nhìn nhận qua 2 khía cạnh, đó là: thời gian và không gian. Để có 1 cái nhìn rõ hơn, chính xác hơn về phạm vi của thế gian, chúng tôi trình bày về 2 phương diện nhận thức sau.

a. Nhận thức về chúng sanh và thế giới

Thế giới mà chúng ta đang sống, đang sinh tồn, đang đồng cư cộng hưởng cùng 1 khối óc, 1 nhịp đập của con tim và hơi thở trong quả địa cầu bao la rộng lớn nầy; do thế giới rộng lớn vô biên, nên con người chúng sanh cũng vô số lượng không kể xiết. Nói rộng nói xa thì chúng ta khó hiểu, vì nó vượt ra khỏi tầm nhìn, sức với tay của  con người chưa đủ trí tuệ để thể nhập pháp giới, nên chỉ cần nói cái hiện tại trước mắt, thế giới mà chúng ta đang có mặt đây. Thế giới nầy gọi là Ta bà (S, P. Sahā) nói cho đúng là Ta Bà Thế Giới (S, P. Sahā-lokadhātu).

Xét về khía cạnh tu tập thành tựu Phật thì có Tây phương tam thánh (Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí), bên cạnh đó cũng có Ta bà tam thánh (Phật Thích Ca, Quan Âm, Địa Tạng). Ta bà ở đây được dịch ý là nhẫn (S. Ksanti; P. Khanti; E. Patience; C. 忍), có nghĩa là nhẫn nhục, nhẫn nhịn, kiên nhẫn, kham nhẫn hay chịu đựng. Về chiết tự chữ Hán, trên chữ đao tức con dao đè xuống ấn vào trái tim nhưng vẫn chịu đựng được. Nó còn được gọi là Nhân gian giới (人間界, cõi con người), Tục thế giới (世俗界, thế giới phàm tục), Hiện thế (現世, cõi đời này). Chúng sanh ở trong thế giới này chịu đựng các phiền não, vì vậy mới có tên là thế giới chịu đựng. Thiền sư Chơn Không (眞空, 1045-1100) của Việt Nam có bài thơ rằng: “Diệu bổn hư vô minh tự khoa, hòa phong xuy khởi biến Ta Bà, nhân nhân tận thức vô vi lạc, nhược đắc vô vi thỉ thị gia”.[2] Nghĩa là: Diệu bổn thênh thang sáng tự khoa, gió hòa thổi khắp cõi Ta Bà, người người thảy biết vô vi lạc, nếu đạt vô vi mới là nhà. Ngài Cổ Côn Pháp Sư (古崑法師, ? – 1892) cuối thời nhà Thanh, Trung Quốc cũng có hai câu đối như sau: “Ta Bà giáo chủ bi nguyện hoằng thâm thệ độ khổ nhân ly hỏa trạch. Cực lạc đạo sư từ tâm quảng đại thường nghinh mê tử nhập Liên trì”.[3] Nghĩa là: Ta Bà giáo chủ bi nguyện rộng sâu thệ độ người khổ xa lìa nhà lửa, Cực lạc đạo sư từ tâm rộng lớn thường đón kẻ mê vào Liên trì. Kinh Bi Hoa nói, chúng sanh ở đây nhẫn chịu ba độc tham, sân, si và sự thống khổ nên gọi là nhẫn độ. Các Bồ-tát hành đạo tại đây gặp nhiều sự oán ghét, bức não khó nhọc phải nhẫn chịu lướt qua, nên gọi Kham nhẫn. Cho nên phàm là những ai đang sống trong cõi ta bà này phải chịu đựng, chịu cực, chịu khổ, chịu khó nhọc, kham nhẫn lắm mới tồn tại được, người đệ tử Phật luôn luôn lấy chữ nhẫn làm đề mục trong sự thực tập tu hành, bởi vì: “Nhẫn nhục đệ nhất đạo/ Phật thuyết vô vi tối/ Xuất gia não tha nhân/ Bất danh vi sa môn”.[4] Nghĩa là: Nhẫn nhục đạo bậc nhất/ Phật dạy: Niết-bàn là tối thượng/ Xuất gia não hại người/ Không xứng gọi sa môn. Bài kệ nầy là tóm tắt giới kinh của đức Phật Tỳ bà thi ở vào thời kỳ quá khứ của kiếp Trang nghiêm.

Cho nên, trên con đường tu hành, hành giả muốn được sanh về Thế giới cực lạc (S. Sukhavatī; E. Pure land of bliss) của đức Phật A Di Đà, thì ngay bây giờ ở cõi phàm tục ta bà nầy chúng ta phải tập hạnh chịu kham nhẫn. Vì vậy, cõi thế giới Ta bà hiện đức Phật Thích Ca đang hóa độ, cũng gọi là cảnh giới hoá độ của đức Phật Thích Ca. Xem biểu đồ bên dưới, thế giới Ta bà được chia thành 2 (hoặc 4) loại sau:

 + Hữu tình thế gian (S. Sattvā-loka) hay còn gọi là hữu tình chúng sanh, là chỉ cho những hiện tượng sự vật có hình thức, chúng sanh có tình thức, có cảm nhận; là do những nghiệp cảm nhất niệm bất giác, căn bản vô minh (S. Mūlāvidyā; h. 根本無明) từ vô thỉ mà sinh ra, là nguồn gốc của nhân duyên sanh diệt.

+ Khí thế gian (S. Bhàjana-loka), khí có nghĩa là chiếc bình đựng, chỉ cho bầu trời bao la rộng lớn bao phủ che khắp cõi tục này, hay là chỉ hoàn cảnh của loài hữu tình nương tựa, sinh hoạt để được sống còn. => Loài hữu tình là căn thân chánh báo của chúng sinh và vũ trụ thế giới là y báo.

+ Ngũ uẩn thế gian (S. Pañca-loka) hay ngũ chúng thế gian, là mỗi cá nhân chúng sanh con người đều do  5 uẩn hợp lại mà thành, gồm có thân thể vật lý (sắc uẩn) và tinh thần (4 uẩn còn lại). Sở dĩ gọi thế gian là vì chúng thuộc pháp hữu vi sanh diệt, vô thường, vô ngã, không thật có. Do phiền não, hoặc nghiệp, vô minh chi phối tạo ra vô lượng bức bách khổ đau trong sanh tử luân hồi. Nói chung, tất cả chúng sanh có mặt trên thế gian này đều do nghiệp lực dẫn dắt. Nguyễn Công Trứ nói: Thoát sinh ra thì đà khóc chóe/ Trần có vui sao chẳng cười khì ?/ Khi hỷ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi/ Chứa chi lắm, một bầu nhân dục”.

+ Chánh giác thế gian, bao gồm Tứ thánh (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật) và lục phàm. Sở dĩ chúng sanh gọi là Chánh giác thế gian là bởi vì, dù hiện tại đang bị sanh tử luân hồi, nhưng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh hạt giống giác ngộ sẽ thành Phật trong tương lai. Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Như Lai trí tuệ đức tướng”. Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ và đức tướng của Như Lai.

Chúng sanh là nói rộng, trong nghĩa cụ thể là con người do tham luyến thế gian, chấp chặt vào cái mình đang tạm thời gọi là có, nên sinh ra đau khổ, đất đai, ruộng vườn, nhà cửa… Trường hận ca: “Thiên trường địa cửu hữu thời tận/ Thử hận mang mang vô tuyệt kỳ”.[6] Kinh Bát đại nhân giác nói: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy.”[7]

+ Tam thiên Đại thiên thế giới

Quả địa cầu mà chúng ta đang ở, chỉ là một bộ phận cực nhỏ của thế giới Ta bà. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi trình bày về các hạng khí thế gian như sau: Một thái dương hệ là một tiểu thế giới. Cộng 1.000 tiểu thế giới thành một tiểu thiên thế giới. Bề rộng của tiểu thiên thế giới này bao trùm cả cõi Định sanh hỷ lạc. Cộng 1.000 tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới. Bề rộng của trung thiên thế giới này, bao trùm cả cõi Ly hỷ diệu lạc. cộng 1.000 trung thiên thế giới thành một Đại thiên thế giới. Bề rộng của đại thiên thế giới bao trùm cả cõi Xã niệm thanh tịnh. Đại thiên thế giới này là Tam thiên Đại thiên thế giới. Đây là phạm vi hóa độ của một đức Phật (Phật sát). Theo nhã ngữ gọi là Ta bà thế giới, Kham nhẫn. Theo kinh Tăng Chi 1  chép, một mặt trăng, một mặt trời đến cõi Phạm thiên gọi là một thế giới. 1.000 thế giới cộng lại thành một Tiểu thiên, 1.000 Tiểu thiên thế giới cộng lại thành một Trung thiên, 1.000 Trung thiên cộng lại thành một Đại thiên, tức Tam thiên Đại thiên thế giới. Như Lai có thể làm cho tiếng mình được nghe xa khắp Đại thiên thế giới, hay xa hơn nữa, nếu muốn. Tại sao vậy? Như Lai chiếu ánh sáng cho đến 3.000 Đại thiên thế giới, cho đến khi nhận thức được ánh sáng ấy, rồi Ngài mới phát âm làm cho tiếng mình được nghe. Theo ngài Khuy Cơ (632-682), phạm vi cõi Dục mới bằng một Sơ thiền, 1.000 Sơ thiền mới bằng một Nhị thiền, 1.000 Nhị thiền mới bằng một Tam thiền, 1.000 Tam thiền mới bằng một Tứ thiền. Đây gọi là một Tam thiên Đại thiên thế giới.

+ Bốn giai đoạn thành, trụ, hoại và không của thế giới

Thế giới cứ xoay vần tiếp nối qua bốn giai đoạn thành, trụ, hoại và không. 1.000 kiếp  thành 1 tiểu kiếp. 20 tiểu kiếp thành 1 trung kiếp. 4  trung kiếp thành 1 đại kiếp. Chữ kiếp[8] là chỉ khoảng thời gian rất dài, trái với chữ sát na là chỉ khoảng thời gian cực ngắn. Ngắn như thế nào? Như trong khoảng thời gian kẻ lực sĩ gãy móng tay đã có tới 65 sát na. Cứ 120 sát na tiếp nối nhau thành một hàng sát na, 60 hàng sát na thành một lạp phược (S. Kalahu),[9] chồng lên dần đến 30 ngày là một tháng, 12 tháng là một năm. Trong khoảng thời gian vô cùng, tuổi thọ con người có hai định mức. Thấp nhất là 10 tuổi, cao nhất là 80.000 tuổi. Trong đó từ 10 tuổi, cứ 100 năm là tăng một tuổi, tăng cho đến 80.000 tuổi, rồi lại cứ 100 năm giảm một tuổi, giảm xuống đến 10 tuổi thượng thọ. Tức là trải qua một lần tăng một lần giảm như vậy gọi là một tiểu kiếp (ước độ 15.998.000 năm), 20 Tiểu kiếp thành một trung kiếp. Thế giới khi thành, trụ, hoại và không đều trải qua 1 trung kiếp  (ước độ 15.998.000 x 30 = 479.940.000 năm).

+ Trạng thái khi thế giới trụ, hoại và trống không

Thế giới trong thời trụ gồm 20 Tiểu kiếp. Trong 20 Tiểu kiếp này, tuổi thọ con người có 19 lần tăng lên đến 80.000 tuổi, và 19 lần giảm xuống 10 tuổi là thượng thọ. Khi tuổi thọ con người ở định mức 80.000 tuổi thì thân hình đẹp đẽ, tự phát ra ánh sáng, đi lại nhẹ nhàng như bay và sống rất lâu. Từ đó dần dần đắm sắc, tham ăn, mê lợi, thích quyền quý cao sang, tánh tình lười biếng, siêng ăn biếng làm, cất chứa tài sản riêng, càng có càng tham lam bỏn xẻn, cứ bo bo không biết bố thí cúng dường, đưa đến cảnh nghèo cùng trộm cướp, giặc giã, chiến tranh, giết chóc ghê gớm, lòng người khiếp đảm, che dấu tội lỗi, dối trá quanh co, phát sanh nhiều hành động hung ác mỗi ngày mỗi nhiều, làm cho tuổi thọ mỗi ngày mỗi giảm, cho đến khi tuổi thọ con người giảm đến định mức 10 tuổi, thì có ba tai biến nhỏ xảy ra gọi là tiểu tam tai, đó là đao binh tai (chiến tranh), tật dịch tai (bệnh tật, đau ốm) và cơ cẩn tai (đói khát, hạn hán). Khi đao binh tai khởi lên, tà pháp lộng hành, lòng người hung hiểm, cứ gặp mặt thấy nhau là muốn giết giống như thợ săn đối với mãnh thú. Những gì cầm trong tay cũng đều trở thành binh khí giết nhau, trải qua bảy ngày bảy đêm chết vô số kể. Tiếp theo là tật dịch tai, do ác nghiệp dẫy đầy và thây chết tràn lan gây thành tật dịch, không thể cứu chữa, cũng không nghe đến tiếng thầy tiếng thuốc, trải bảy ngày bảy đêm chết vô số kể, chết la liệt. Tiếp đến cơ cẩn tai là hạn hán trường kỳ, hoa màu tiêu hủy, thân hình tiều tụy, đói giơ xương trắng, bới tìm các khúc xương nấu nước, bà con chia nhau ăn đỡ đói, trải bảy năm bảy tháng bảy ngày chết vô số kể, thây phơi đầy đồng. Cho đến hết giai đoạn tiểu tam tai của lần giảm ở Tiểu kiếp thứ 20, thì có đại tam tai khởi lên. Đại tam tai là ba tai biến lớn, hỏa tai, thủy tai và phong tai. Đầu tiên do cộng nghiệp lực của chúng sanh chiêu cảm, có sức nóng của bảy mặt trời xuất hiện, biến toàn cõi Tam thiên Đại thiên thế giới thành đống lửa, cháy tiêu không còn một thứ gì, biển khô, đất thành tro bụi, lên đến Sơ thiền – Ly sanh hỷ lạc (vì chúng sanh ở đây, trong tâm còn có tầm, tứ thiêu đốt như lửa làm nội ứng); rồi đến thủy tai, một trận hồng thủy tràn ngập lên đến Nhị thiền – Định sanh hỷ lạc (vì chúng sanh ở đây trong tâm còn có hỷ ái, khinh an thấm nhuần thân thể như nước làm nội ứng); rồi tiếp đến phong tai, một trận gió ghê gớm thổi lên đến cõi Tam thiền – Ly hỷ diệu lạc (vì chúng sanh ở đây, còn có hơi thở như gió làm nội ứng), Tam tai ấy làm cho thế giới trống không, giai đoạn này cũng kéo dài 20 tiểu kiếp, sau đó bắt đầu thành lại; thành rồi thì trụ, trụ rồi thì hoại, hoại rồi thì không, không rồi lại thành… như một vòng tròn khép kín, không manh mối, thành không phải đầu, hoại không phải cuối. Cho nên thế giới là vô thỉ vô chung. Riêng ở cõi Tứ thiền – Xả niệm thanh tịnh và Vô sắc giới (không vô biên xứ, thức vô biên xứ,  vô sở hữu xứ,  phi tưởng phi phi tưởng xứ) không bị ảnh hưởng của đại tam tai này, nhưng vẫn biến chuyển không thường theo nghiệp lực thọ mạng của chúng sanh ở các cõi đó vậy.

b. Nhận thức về nhân sinh và vũ trụ

Ở đây, chúng ta lấy nhân sinh (con người)làm gốc để quan sát tất cả mọi sự vật hiện tượng. Do đó, chúng ta có thể nói, đây là quan niệm về nhân sinh và vũ trụ một cách thiết cận nhất, xem biểu đồ.

Trên biểu đồ nầy cho chúng ta thấy: nhân loại, tự thân của mỗi người, thân của những người khác và thân của loài động vật là thuộc về hữu tình thế gian (tức nhân sinh), còn thực vật, khoáng vật như nước, lửa, gió, điện… Đại địa, năng lượng nhiệt nóng của mặt trời, các tinh hà trong vũ trụ là thuộc khí thế gian (tức vũ trụ). Những sự vật thuộc về khí thế gian, chúng ta thấy có thứ thì làm chỗ nương tựa cho nhân sanh và tư dụng, có thứ làm chỗ nương tựa cho thân thể, cũng có thứ làm chỗ nương tựa cho quan niệm, trong đó hoặc chỉ một hoặc cả ba.

Bây giờ chúng ta suy luận ngược lại thứ tự để giải thích, thì cũng rất tiện lợi. Chẳng hạn như “các tinh hà, vì sao khác trong vũ trụ” đối với nhân loại, vốn không quan hệ gì lắm. Chỉ do chúng ta quan sát trắc nghiệm mà biết được. Cho nên, nó chỉ thuộc về chỗ nương tựa quan niệm (tư duy, suy nghĩ) chứ không đề cập gì đến thân căn và tư dụng (chỉ dùng cho cá nhân riêng của con người).

“Năng lượng nhiệt nóng của mặt trời” là chỗ nương của thân căn và quan niệm. “Đại địa” và “các khoáng vật như nước, lửa, gió, điện”, trở lên đến “nhân loại”. Đều là chỗ nương tựa của tư dụng, thân thể và quan niệm. Trong đây các khoản thuộc hữu tình thế gian, nhưng cũng thông thuộc về chỗ nương tựa tư dụng. Có nghĩa là chúng ta đã lấy nhân sinh làm gốc (tức là chỗ chính yếu), thì tất nhiên chỗ nương tựa tư dụng phải là ở ngoài nhân sinh. Nhưng chúng ta đâu biết rằng, trên sự tương quan sinh tồn, nương tựa lẫn nhau của nhân loại – con người, cần có sự hỗ trợ tương tác để tồn tại, như vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn, thân bằng quyến thuộc … xét về phạm vi nhỏ thì như gia đình, vợ chồng, con cháu… còn phạm vi lớn hơn là xã hội, quốc gia, chủng tộc, tất cả đều không nằm ngoài nguyên lý ấy (hữu tình thế gian, khí thế gian). Nhân loại là tên gọi chung. Cho nên, chúng ta có thể nói rằng, nhân loại cũng là khí thế gian (vũ trụ) của mọi cá nhân.

Tự bản thân của mỗi người, cũng chính là làm chỗ nương cho tư dụng của cá nhân mình. Chẳng hạn như các nhà khoa học đã nói, thân thể con người như 1 cỗ máy và hàng trăm bộ phận đều có những tác dụng riêng biệt, như những cái gọi là bộ phận hô hấp, bộ phận tiêu hoá, bộ phận bài tiết… bộ phận nào cũng có nghĩa như là 1 hệ thống máy móc, đó chính là chỗ nương tựa của tư dụng. Chúng ta nên biết rằng, tự bản thân mỗi con người là khí thế gian của chính con người mình, có nghĩa là tự bản thân của chúng ta đây là khí thế gian của chính con người mình chứ không ai khác. Trang tử  (369286 Tr.TL)[10] đã từng nói: “Khi gọi tên từng trăm chi tiết thân thể của 1 con ngựa, thì nó không còn gọi là con ngựa nữa”. Trong kinh Na tiên Tỳ-kheo nói: “Khi gọi tên từng trăm chi tiết của cỗ xe, thì nó không còn là cỗ xe nữa”. Theo đó, chúng ta cũng có thể nói: “Khi gọi tên từng trăm chi tiết thân thể con người, thì cũng không phải là Ta nữa, như thế làm sao có cái được gọi là ta, cái ta ở nơi nào? Cho nên giữa hữu tình thế gian và khí thế giới luôn có sự tương quan liên hệ lẫn nhau.

Cho đến “thân của mỗi người khác” cũng là chỗ nương tựa tư dụng của chính mỗi người, như lấy tài, lực, trí của mỗi người làm công năng của chính mình. Có nghĩa là chính cá nhân của con người chúng ta đây vận dụng tài năng, sức lực và trí tuệ của mình để làm tư dụng nuôi sống bản thân mình. Còn như nếu là thân thể loại động vật như trâu, bò, voi, ngựa, cừu, lạc đà…, thì chúng ta có thể sử dụng sức lực của nó trong việc phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, kéo cày nông lâm nghiệp; hoặc lấy da, lông để làm chăn mền đắp, ấm áp khi mùa đông về, may đồ quần áo để mặc, như áo ấm lông cừu, giầy dép da…. Cho nên, dù 4 loài trên (tự thân của mỗi người, thân của những người khác, thân của loài động vật, thân các thực vật) tuy là thuộc về hữu tình thế gian, nhưng chúng đều có thể làm chỗ nương tựa tư dụng cho cuộc sống con người. Ngoài ra, những thứ khác, cũng làm chỗ nương tựa cho thân căn và quan niệm  (tư duy, nhận thức) là do những tích tụ và thói quen hằng ngày mà có, đều thuộc về khí thế gian.

3. Vấn đề yếm thế và xuất thế

Cụm từ yếm thế, nói đầy đủ là “yếm ly thế gian” (chán ghét lìa bỏ xa rời cuộc đời này) và xuất thế, nói cho đủ nghĩa là “siêu xuất thế gian” (vượt lên trên thế gian này). Chúng ta lần lượt tìm hiểu về 2 ý nghĩa này, có nghĩa là quan niệm của người đời nói về yếm thế và xuất thế như thế nào? và dưới lăng kính của Phật pháp đúng nghĩa của yếm thế và xuất thế là gì? 

a. Thế nào gọi là yếm thế (E. Cynic; C. 厭世)?

Khi nói về yếm ly thế gian có nghĩa là chán ghét rồi lìa bỏ xa rời thế gian. Thế thì chán ghét hữu tình thế gian hay chán ghét khí thế gian?

+ Quan niệm của người đời cho rằng, khi có 1 người hận đời vì lý do gì đó, có thể bị công ty sa thải v.v… hay người đó đóng góp về cả công sức lẫn của cải vật chất phụng vụ nhiều, nhưng đáp lại không được trọng vọng mến mộ bao nhiêu… thành ra họ chán ghét cuộc sống, chẳng có giá trị gì nữa vô vị đối với họ, muốn lìa bỏ nơi chốn phồn hoa đô hội, ưa thích đi tìm những nơi núi sâu rừng thẳm, đèo heo hút gió, khỉ ho cò gáy, đồng không mông quạnh, những nơi chốn hoang vu hẻo lánh, 1 mình tháng ngày cùng sống với cỏ cây hoa lá, “rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt” (Đi thi tự vịnh; Nguyễn Công Trứ), vui thú với cảnh cỏ cây mây nước cho phôi pha ngày tháng, thì đối với họ đây là sự yên ổn trong tự thân.

Trong đời, có những người họ theo tư tưởng gọi là chủ nghĩa yếm thế, người mà phác thảo ra thuyết yếm thế này là Antisthenes (445-365 Tr.TL) là nhà triết học người Hy Lạp và cũng là học trò của Socrates (470-399 Tr.TL), sau này có người nối tiếp ông là Crates (365-285 Tr.TL), người đã từ bỏ với một khối tài sản lớn để sống một cuộc đời nghèo khổ ở thành phố Athens, nơi đây ông được người dân tôn trọng. Về triết lý của thuyết yếm thế cho rằng: mục tiêu của cuộc đời là sống một cuộc sống đức hạnh hòa hợp với thiên nhiên. Điều đó có nghĩa là phải từ bỏ tất cả những khát vọng đời thường như giàu sang, quyền lực, danh vọng, địa vị, kể cả tình dục và sống một cuộc đời giản dị không màng đến vật chất. Ngày nay khi khoa học công nghệ phát triển, nhận thức hiểu biết của con người có nhiều tiến bộ vượt bực trong các lãnh vực như: thiên văn học, địa lý học, toán học; giáo dục học đường, đạo đức học, tâm lý học, làm cho con người có nhiều hiểu biết thông thoáng tích cực hơn.

+ Theo cách nhìn nhận của Phật giáo, không có cái gọi là yếm thế trong cuộc đời này. Bởi vì đạo Phật luôn lấy tình thương, lòng từ bi để cứu độ chúng sanh. Kinh Pháp Cú nói: “Với hận diệt hận thù, đời này không thể có, từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu.”[11] 

Trong kinh Phật có dạy: Có vô lượng vô biên vô số chúng sanh trong thế giới hữu tình, nương vào pháp từ bi của chư Phật mà cứu độ tất cả muôn loài, đem lợi lạc đến cho hết thảy chúng sanh, cho dù trong cõi ác (tức là địa ngục, ngạ quỷ) vẫn luôn ứng thân để hóa độ giải thoát cho vạn loài, thì sao gọi là chán ghét để lìa bỏ thế gian này được? Còn nếu có nói tới sự nhàm chán lánh xa đi chăng nữa, thì đây là đức Phật ngầm chỉ cho sự nhàm chán lánh xa khí thế gian ngũ trược ác thế; như mộng mị, huyễn hóa, bèo dạt, mây trôi; như sương, như chớp loé, không thật hữu, chỉ là giả tưởng nào có bền lâu, nó làm chướng ngại ràng buộc tâm tánh của con người, 1 khi con người chưa giác ngộ về các pháp đó là vô thường. Ý nghĩa này, tổ Quy Sơn từng dạy trong Cảnh Sách Văn, nên quán cuộc đời này là vô thường, “vô thường lão bịnh bất dữ nhân kỳ”; trong Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, trước khi kiết giới Bồ tát, đức Phật luôn nhắc nhở hàng đệ tử, đó là: “Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô-thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo-đảm được ngày mai. Đại chúng, mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng-nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham-thiền, chớ để thời gian luống qua vô ích, mà sau này phải ăn năn.”[12]  Đối với người sơ cơ bước đầu học Phật thì tạm nói như vậy để dẫn dắt họ vào chánh đạo, còn khi họ đã đi vào chánh đạo rồi, quy y Phật Pháp Tăng, có đủ niềm tin vững chắc kiên cố nơi Phật pháp Tam bảo rồi thì tiến cao hơn học những pháp Đại thừa. Bồ tát Duy Ma Cật nói: “Tiên dĩ dục câu liên, sử linh nhập Phật trí. Trước thì dẫn dắt họ đến với đạo, sau đó khiến cho họ tin vào pháp Đại thừa.

b. Thế nào gọi là xuất thế (S. Lokotttara; P. Lokuttara; C. 出世)?

Khi luận về siêu xuất thế gian có nghĩa là vượt ra ngoài thế gian, vượt khỏi thế gian. Vậy, vượt khỏi thế gian là vượt khỏi cái gì? Vượt khỏi hữu tình thế gian hay vượt khỏi khí thế gian?

+ Quan niệm của người đời cho rằng: đối với những người mà chuyên môn tu luyện các Pháp thuật như “viên thần”, “hạc khuất” (猿 伸 鶴 屈) có nghĩa là con vượn duỗi ra, con hạc co lại, tu luyện thuốc linh đơn hay tiên đan trường sinh bất tử, có nghĩa là sống hoài không chết. Theo Đạo giáo của Trung Quốc, cho rằng: “ngũ cốc (lúa, hạt kê, lương thực, đại mạch – tiểu mạch và đậu tương), sản vật tự nhiên trong thiên hạ chính là tiên dược nếu biết kết hợp với nhau và dùng cho đúng người thì có thể đạt đến trường thọ”. Vua Tần Thủy Hoàng (259-210 Tr.TL) nhân vật gắn liền với tên tuổi địa danh nổi tiếng Vạn Lý Trường Thành dài 10 nghìn dặm,[13] ông liền cho người đi tìm, điều chế mọi thứ mà ông nghi ngờ rằng có thể giúp ông hiện thực hóa tham vọng được sống mãi mãi, nhưng kết quả cho thấy, ông có được sống đến mức gọi là hưởng thọ đâu? rất tiếc ông qua đời ở tuổi 49, mà một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông là vì ông đã thử dùng một số “sản phẩm” được cho là giúp trường sinh bất lão. Nhiều sử gia cho rằng ông hoàn toàn có thể sống lâu hơn nếu không mắc phải những sai lầm đó.

Đến thời nhà Đường (618 – 907), đây là thời đại mà đã có giai đoạn Trung Hoa phát triển cực thịnh. Rồi các Hoàng đế nhà Đường khi ở đỉnh cao quyền lực cũng say mê và muốn chiếm hữu mãi mãi thứ quyền lực đó. Có ít nhất 5 trong số 21 vị vua nhà Đường đã bị ám ảnh và tác động bởi “Tiên đan”. Đó là Đường Thái Tông, Đường Mục Tông, Đường Huyền Tông, Đường Hiến Tông và Đường Vũ Tông. Trong đó nổi tiếng nhất là Đường Thái Tông. Mặc dù dưới triều trị vì của ông, nhà Đường phát triển thịnh vượng và ông cũng là một vị vua anh minh tài giỏi, nhưng theo các sử liệu thì việc ông qua đời ở tuổi 51 là do tin dùng một lượng “thuốc trường sinh” nhỏ nào đó từ một vị sư không trung thực đến từ Ấn-độ. Điều này chứng tỏ vị vua này cũng rất khao khát sự bất tử, nhưng kết quả thì ngược lại. Đến đời nhà Thanh, thì ngài Thái Hư sinh vào thời đại nầy, vua Quang Tự (1875–1908) và vị vua cuối cùng Triều đại nhà Thanh đó là vua Phổ Nghi (1908–1912). Triều nhà thanh có Hoàng đế Ung Chính (1723–1735) (con của vua Khang Hy (1661–1722) và là cha của vua Càn Long (1736–1796) cũng đã mắc phải sai lầm về phép dùng Tiên đơn trường sinh bất tử này. Như vậy, khát khao trường sinh bất lão luôn ám ảnh các vị hoàng đế, đặc biệt là những vị hoàng đế tài giỏi và sắt đá như Tần Thủy Hoàng, Đường Thái Tông, Ung Chính. Nhưng cũng chính vì vậy mà điều không may đã đến với họ. Nếu họ không có hứng thú với sự bất tử, thì biết đâu họ lại có thể trị vì lâu hơn. Đó là nói về thuật gọi là luyện tiên đơn trường sinh bất tử. Trong 72 phép biến hóa của Tôn Ngộ Không có thuật pháp gọi là “Chử Thạch”, có nghĩa là luyện chế tiên đơn. Bên cạnh đó có người còn luyện pháp thuật biến hóa, tàng hình, 72 phép của tôn ngộ không cũng có phép này gọi  là ẩn hình hay ẩn thân, giúp người dùng tàng hình để né tránh kẻ địch; Phật giáo Việt Nam có Thiền sư Ma Ha, võ thuật uyên thâm.

Con người ta cứ nghĩ mục đích luyện pháp thuật biến hóa này với hy vọng ban ngày bay lượn trên hư không, đây người ta gọi là xuất thế, ý muốn con người có thể vượt ra khỏi trái đất địa cầu mà họ hiện đang sinh sống để lên sống ở cõi trời, hoặc có thể tìm thấy các thế giới khác, sự vượt ra ngoài này gọi là siêu xuất khí thế gian. Trong giới luật đức Phật tuyệt đối cấm các đệ tử dùng thần thông để thi thố với ngoại đạo làm mê hoặc lòng người, hành tà đạo không đúng với chánh pháp.

+ Theo quan điểm của Phật giáo, siêu xuất thế gian không có nghĩa như đã nói ở trên, mà siêu xuất thế gian ở đây là con người phải tu tập để thanh lọc chuyển hóa thanh tịnh 3 nghiệp, là sự đoạn tận dứt sạch các phiền não lậu hoặc, xa lìa vọng chấp, điên đảo mộng tưởng, ngã và pháp – khí thế gian như hoa đốm giữa hư không, là mộng mị cần phải được đoạn trừ, siêu xuất thế gian theo Phật giáo nghĩa là vậy.

Siêu xuất thế gian này có 4 nghĩa: 1. Chỉ đặc tính của tất cả những gì nhằm giải thoát khỏi ràng buộc thế gian và hướng đến Niết-bàn (S. Nirvāṇa; P. Nibbāna). Ví dụ như thành tựu tứ Thánh quả A-la-hán. Trong Ðại thừa, đức Phật được xem là con người xuất thế, thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, thọ mệnh vô lượng, gọi là tam thân Phật.[14] 2. Từ bỏ cuộc sống thế tục để tu tập Phật pháp. 3. Đức Phật hay Bồ-tát thị hiện ở thế gian để cứu độ chúng sinh.  4. Sự đề cử một vị Tăng đảm nhiệm việc trụ trì một tu viện.

(còn tiếp…)


Tham khảo và chú thích

[1] 6 học phái ngoại đạo: 1- Phái ngẫu nhiên do Phú Lan Na Ca Diếp (Pūraṇa Kassapa) sáng lập: Phái nầy chủ trương thuyết ngẫu nhiên, không tin luật nhân quả. Phật giáo gọi phái nầy là “Phái vô nhân quả”. 2- Phái tự nhiên do Mạt Già Lê Câu Xá Lợi (Makkhali Gosàla) sáng lập: Phái nầy chủ trương thuyết tự nhiên, mọi sự vật không bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân nào cả. Phật giáo gọi phái nầy là “Tà mệnh ngoại đạo”. 3- Phái duy vật luận do A Di Đa Thúy Xá Khâm Bà La (Ajitakesa Kambali) sáng lập: Phái nầy chủ trương thuyết Duy vật luận. Cho rằng con người do tứ đại “Đất, nước, lửa, gió” hợp thành, khi chết thì thân trở  về tứ đại, không tôn trọng tinh thần, đạo đức, chủ trương hưởng khoái lạc của nhục thể là mục đích.

4- Phái sanh mạng do Bà Phù Đà Ca chiên Diên (Pakudha Katyàyana) sang lập: Phái nầy chủ trương sinh mệnh và vật chất thường trụ, các vật tạo thành nương vào sự hòa hợp của 7 yếu tố “Đất, Nước, Lửa, Gió, Khổ, Vui, Đời sống”. Vậy sinh tử chỉ là sự tụ tán của 7 yếu tố đó, còn 7 yếu tố thì bất diệt. 5- Phái hoài nghi do Tán Nhạ Da Tỳ La Lê Tử (Sãnjaya Belatthiputta) sang lập: Phái nầy chủ trương thuyết tu định, thuộc phái ngụy biện. Họ cho chân lý không phải là không biến đổi, nên việc tu đạo là vô ích mà chỉ lo tu thiền định. Giống như con lươn nắm đằng đầu, tuột đằng đuôi và ngược lại. 6- Phái khổ hạnh do Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử (Nigantha Nàtaputta) sang lập: Phái nầy chủ trương tu khổ hạnh, cho rằng sướng vui họa phúc do tiền nghiệp, muốn thoát khỏi tiền nghiệp phải tu khổ hạnh để cầu giải thoát. Về sau phái này chia làm hai phái: bạch y và lõa hình (tức là mặc đồ không khí).

[2] 妙本虛無明自誇、和風吹起遍娑婆、人人盡識無爲樂、若得無爲始是家.

[3] 娑婆敎主悲願宏深誓度苦人離火宅、極樂導師慈心廣大常迎迷子入蓮池.

[4] P. “Khantī paramaṃ tapo titikkhā/ Nibbānaṃ paramaṃ vadanti Buddhā/ Na hi pabbajito parūpaghāti/ Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto”. (Mahāpadāna suttaṃ, P.39, Dīgha Nikāya II. Pāli Pub. board (1958). Buddha vaggo – Dhammapada 184. Uni. of Delhi (1977). [忍辱第一道/ 佛說無為最/ 出家惱他人/ 不名為沙門。] Phật Đà Da Xá dịch (Hậu Tần), Tứ Phần Giới Bổn, Tr. 1022bc, Đại Chính 22.

[5] Hữu tình thế gian, xét về phương diện tam giới (dục, sắc, vô sắc). Dục giới: ngũ thú tạp cư địa (5 cõi cùng sống chung). Sắc giới: Ly sanh hỷ lạc, Định sanh hỷ lạc, Ly hỷ Diệu lạc, Xả niệm Thanh tịnh => tứ thiền. Vô sắc giới:  Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ,  Vô sở hữu xứ,  Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

[6] Bạch Cư Dị (772 – 846).

[7] 世 间 無 常/ 國 土 危 脆.

[8] Kiếp (S. Kalpa; P. Kappa; E. Aeon; C. 劫) là khoảng thời gian dài giữa điểm khởi đầu hình thành và hoại diệt của thế giới.

[9] Lạp Phược, con số cao đặc biệt (a particular high number).

[10] Trang Tử sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa gọi là Bách Gia Chư Tử.

[11] Kinh Pháp Cú, kệ 5, tr. 8.

[12] Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, tr. 9.

[13] 1 dặm =1.600 m; 10.000 x1.600=16.000.000m

[14] Tam thân Phật, pháp thân (S. Dharmakāya), báo thân hay thọ dụng thân (S. Saṃbhogakāya), hóa thân hay ứng thân (S. Nirmāṇakāya )

Phật Thừa Tông Yếu Luận