BÀI 3: Hệ Thống Quan Của Phật Giáo (Tiếp theo)
(Tiết 2 & 3)
Tiết 2
II. Tùy thuận thế gian và cứu độ hộ trì thế gian
Người đời cho rằng, đạo Phật là đạo tùy thuận thế gian và cứu độ hộ trì thế gian, trong cái nhìn nầy có vẻ mang tính tích cực, kéo Phật pháp gần gũi với thế gian hơn so với phần phát biểu ở trước nói về yếm thế và xuất thế. Trong ý nghĩa câu nói nầy có 2 vế chúng ta cần làm sáng tỏ: thứ nhất, tùy thuận thế gian và thứ hai, cứu độ hộ trì thế gian. Vậy, thế nào gọi là tùy thuận thế gian? Cụm từ “tùy thuận” (E. To follow, accord with) có nghĩa là thuận theo, tùy theo trình độ nhận thức hiểu biết của con người, về phong tục tập quán hoàn cảnh của chúng sinh mà xử lý khôn khéo để dẫn chúng sinh vào đạo.
Tùy thuận ở đây được hiểu qua hai nghĩa, thuận theo mặt tiêu cực (xấu) và thuận theo mặt tích cực (tốt). Người khác có lập trường quan điểm tiêu cực, hại mình hại người, ấy thế mà chúng ta đồng lõa, hoan hỷ, tán dương, ca ngợi, hỗ trợ, có nghĩa chúng ta đang gieo một hạt giống tiêu cực ở mức độ cộng nghiệp mà giá trị nhân quả và tính trách nhiệm nhân quả của mình trong tương lai cũng không thua kém gì người trực tiếp làm ra chuyện đó. Trong Sa di thập giới, giới sát sanh: “Hoặc tự sát, hoặc giáo tha sát, hoặc kiến sát tùy hỷ…” Tòng phạm và đồng lõa được luật pháp của các quốc gia trên thế giới nghiêm trị một cách tương đương với người trực tiếp gây ra. Cho nên, tùy thuận thế gian, chúng sinh, con người theo nghĩa này là không tốt. Còn đối với các chúng sinh có nhiều giá trị đóng góp cho đạo pháp cho dân tộc, phụng sự nhân sinh, chúng ta thuận theo họ, rõ ràng sự tùy hỷ này có giá trị ở mức độ rất cao.
Tùy thuận thế gian, tuy nhiên không phải ở đây là chủ thể phải theo họ, giống như họ, quan niệm “ai nói sao tôi nghe vậy” dễ dẫn đến tình trạng rất nguy hại, “ai làm bậy tôi làm theo”. Đó không phải là tùy thuận thế gian chúng sinh, con người mà là tùy thuận theo bản năng, tùy thuận theo sự xúi dục, theo những điều không tốt đẹp. Người ta nói là 1 chuyện, nhưng mình nghe phải suy tư cân nhắc lại vấn đề. Phải nhìn nhận vạn sự dưới nhãn quan Chánh kiến (P. Sammā-diṭṭhi) và Chánh tư duy (Sammāsankappa) chứ không phải theo thói thường tập tục “xưa bày nay làm”, cứ suy nghĩ như thế này thì khó thay đổi được tư duy, không thay đổi được nhận thức: “Giữa trưa ăn mày vào chùa, Sư ra cho một lá bùa rồi đi, lá bùa biết để làm gì, ăn mày bỏ túi rồi đi ăn mày.” Khổ – khổ mãi, thì điều nầy thật đáng trách. Cho nên, trong Văn cảnh sách, Tổ Quy Sơn dạy: “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh khi thoái khuất…” Do đó, trách nhiệm, đạo đức và cộng hưởng nhân quả trong tình huống nầy khó có thể tránh khỏi, mang tội gọi là đồng lõa, “ai nói sao tôi nghe vậy, ai làm bậy tôi làm theo” cần được thay đổi lại, ai làm tốt thì mình làm tốt theo, noi gương người tốt việc tốt. Đó là tùy thuận thế gian, chúng sinh, con người. Một trong 10 đại hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền, đó là: “Cửu giả hằng thuận chúng sanh”. Đức Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện 32 ứng thân trong cõi phàm tục ngũ trược ác thế nầy cũng chỉ là tùy thuận chúng sanh để hóa độ họ thoát ly khổ não. Lục tổ Huệ Năng gần 16 năm trường sống chung với nhóm người thợ săn trong rừng, ngài cũng tùy thuận họ, để tồn tại, bảo vệ thân ngũ uẩn này để tu hành.
Chúng ta biết, khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, không phải là 1 năm hay 2 năm Phật giáo cắm rễ có chỗ đứng vững ở Trung Quốc liền được đâu? Làm sao cho phù hợp với văn hóa tập tục, y phục quần áo; ở Ấn-độ, Tu sĩ Phật giáo có truyền thống mặc y áo hở vai phải, nói theo Kinh điển là “trịch áo bày vai hữu”, nhưng khi Phật giáo truyền qua Trung Quốc hay Hoa Hạ thì không thể mặc như thế nầy được, vì người trung Quốc theo Nho giáo mặc áo phải kín đáo, dù ở nhà cũng như khi ra ngoài đường, nếu Phật giáo cứ cố chấp không theo văn hóa Hoa Hạ nầy thì sẽ bị cancel ngay liền lập tức; rồi khi Phật giáo truyền vào Tây Tạng, cụ thể là vào Thế kỷ thứ VIII, trước khi Phật giáo được truyền bá vào Tây Tạng,[1] thì người dân bản xứ họ tôn sùng đạo Bôn (Bön, བོན་པོ །) hay tôn giáo Bôn, thờ thần thánh, ma quỷ, đồng bóng, nếu ngay từ buổi đầu Phật giáo đến tuyên bố với người dân nơi đây hãy bãi bỏ, hủy bỏ truyền thống văn hóa nầy, thì khó có ai chấp nhận được. Cho nên, những vị Tăng sĩ Phật giáo ban đầu phải tùy thuận theo họ, khi họ có niềm tin tưởng sâu dày vững chắc với Phật giáo rồi, thì hướng dẫn họ thể nhập vào chánh đạo. Kinh Duy-ma-cật nói: “Tiên dĩ dục câu liên, sử linh nhập Phật trí”.
Thứ hai, thế nào gọi là cứu độ hộ trì thế gian? Phật pháp luôn lấy tinh thần từ bi và trí tuệ để dẫn đầu trong mọi việc làm, được xem là lưỡng túc. Nghĩa đen là 2 chân, 2 yếu tố này không thể thiếu đối với mỗi người gọi là Trưởng tử như lai hay đệ tử Phật, khi ra ứng phó đạo tràng. Kinh Pháp cú, đức Phật dạy: “Với hận diệt hận thù, đời này không có được, không hận diệt hận thù, là định luật ngàn thu.”[2] Người xưa có câu: “Ta không hề biết sợ mùa đông, ai cũng sợ mùa đông rét mướt. Ta không hề biết sợ mùa đông, vì 2 vai (từ bi và trí tuệ) ta rộng và nhựa sống (niềm tin) ta đầy. Ta không sờn mưa gió, ta không rét vì tim ta luôn có, giọt nước từ nơi mạch nước thiêng liêng. Ta đón đông sang như trẻ đón mẹ hiền, ta vẫn lướt thuyền ta lướt sóng”.
Vì vậy, đứng trên mọi hoàn cảnh dù thuận hay nghịch, dù thành hay bại, dù hạnh phúc hay đau khổ thì Phật giáo cũng luôn lấy tinh thần từ bi để cứu tế cho chúng sanh con người, tinh thần của Đại thừa Phật giáo, Bồ-tát thương chúng sinh như Mẹ hiền thương con đỏ; trong kinh Từ Bi, đức Phật dạy: “Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.” Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nói: “Từ nhãn thị chúng sanh”.[3] Nghĩa là: Mắt thương nhìn cuộc đời.
(Tiết 3)
III. Do nguyện siêu xuất thế gian mà cứu độ hộ trì thế gian
Chúng ta phải biết rằng, đối với người đệ tử Phật, mọi việc làm dù lớn hay nhỏ, dù cao hay thấp, tất cả đều bắt nguồn từ động cơ thiện tâm, hay nói rõ hơn là xuất phát từ Bồ đề tâm (S, P. Bodhicitta), đối tượng mà đức Phật nhắm đến để hóa độ đó là chúng sanh, con người, bởi vì con người thường chịu cực, chịu khổ, đức kham nhẫn cao hơn các chúng sanh khác.
Vì vậy, với nguyện lực cứu độ hộ trì chúng sanh trong thế gian, điều trước tiên chúng ta phải cứu độ hộ trì cho mình trước. Ví dụ, khi thấy người khác đuối nước, mà trong khi đó mình không biết bơi mà muốn thể hiện nghĩa khí anh hùng cứu mỹ nhân, thì không khéo kết cục cả 2 cùng chung số phận đuối nước – chết. Ở đây ý nghĩa nguyện lực siêu xuất thế gian cũng như thế, hành giả, người học Phật chúng ta cần phải tu tập để chuyển hóa đoạn trừ dây mơ rễ má phiền não bám víu từ vô thỉ kiếp đến nay, trong nội tâm sinh khởi cũng như ngoại duyên tác động, tuy nhiên vấn đề nầy không chỉ cắt đứt trong 1 đời, mà cần phải dụng tâm tu đoạn trong nhiều đời kế tiếp, sự tu tập đó không ngoài làm cho 3 nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh; tham, sân, si chuyển thành vô tham, vô sân, vô si, hay nói khác áp dụng tứ đế đó là thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển. Thị chuyển là sao? là hành giả cần phải nhìn thấy rõ được bản chất của tham đó là gì? tham nội hay tham ngoại, tham thô hay tham tế, tham liệt hay tham thắng, tham thánh hay tham phàm, tham thiện hay tham bất thiện, cần phải liễu tri chúng. Khuyến chuyển là nên khuyến khích làm nhiều việc phước thiện, những việc ác đã làm thì nguyện cam kết với lòng mình từ bỏ không làm nữa chấm dứt ngay đó, những việc ác chưa làm thì ngăn chặn không cho phát sinh; những việc thiện chưa làm thì nên làm, những pháp thiện đã làm rồi thì nên làm nhiều hơn nữa; khi hành giả người học Phật chúng ta thấy rõ được đường đi lối về – sự vận hành của các cấu uế bất tịnh pháp nầy và nỗ lực dụng tâm tu tập để đoạn trừ chúng, đồng thời thể nhập vào pháp tánh chơn như, thì đây được gọi là tham được chuyển thành tu trì Giới (Sila), cũng vậy đối với sân chuyển thành Định (Samādhi) và si chuyển thành tuệ (Paññā). Phật giáo có câu: “Tu trừ tham sân si thành tựu giới định tuệ” hay “cần tu giới định tuệ, tức diệt tham sân si”.
Đối với hành giả tu theo pháp Nguyên thủy, thì nên độ mình trước rồi độ tha nhân sau, khi chưa trang bị đầy đủ vũ khí Giới, Định và Tuệ thì không dại khờ gì mà phải nhảy vào chiến trận đấu với 3 loại giặc đó là, giặc tham, giặc sân và giặc si. Còn đối với hành giả tu theo pháp Đại thừa thực hành Bồ-tát đạo, lấy việc cứu độ hộ trì thế gian làm phương tiện tu tập để tiến đến đạo lộ cứu cánh giải thoát, không thể ngồi đó thấy chúng sanh quằn quại thảm khốc đau thương mà mình ngoảnh mặt làm ngơ, chờ tu hành đắc đạo rồi mới cứu chúng sanh sau, thì không biết khi nào mình mới đắc đạo được đây? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sở dĩ hiện kiếp đời nầy ngài thành đạo là do nhiều đời trước thực hành hạnh Bồ-tát đạo; Bồ-tát không khi nào mà làm điều gì mà không suy nghĩ trước, các Ngài luôn luôn tạo hạnh phúc an vui cho tất cả mọi loài chúng sanh, không bỏ quên bất cứ một chúng sanh dù nhỏ bé nào. Lòng đầy từ bi mẫn cố, tuy nhiên các Ngài luôn luôn hoan hỷ, không câu chấp bất cứ điều gì và trong khi phục vụ, các Ngài không hề cầu mong một thế lực hoặc một quyền lợi vật chất nào trên thế gian. Khi đã hành động xứng đáng, danh thơm tự nhiên đến, không cần phải chạy theo nó, người xưa có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập”.[4] Nghĩa là: Khi có mùi hương thì tự nó thơm, không cần phải ra đứng ở đầu ngọn gió”. Cũng vậy, khi một người thực sự là người tài giỏi, đạo đức, thánh thiện thì mọi người xung quanh sẽ tự nhìn nhận đánh giá thấy chứ đừng tự mình nói ra. Thành ngữ có câu “1 lần khiêm tốn bằng 4 lần tự cao”. Bồ-tát hoàn toàn vị tha, luôn luôn sống cho kẻ khác, không khi nào nghĩ đến mình. Không hề có một điểm ích kỷ, dầu nhỏ nhen đi nữa, trong tâm đối với một vị Bồ Tát. (Xem Túc sanh truyện, Jataka). Cho nên, chúng ta thấy cùng 1 mục đích đó là cứu độ hộ trì thế gian, nhưng có 2 chí hướng về việc cứu độ khác nhau, theo pháp Nguyên thủy thì trước độ mình sau độ người; còn theo pháp Đại thừa phương tiện Bồ-tát, có thể độ cả 2 cùng 1 lúc, hay độ người trước độ mình sau, tùy theo phương tiện khế thời, khế xứ.
(còn tiếp…)
Tham khảo và chú thích
[1] Xem http://chuamaisonvinhan.org/nguon-goc-phat-giao-tay-tang-phan-1-nguyen-dinh/
[2] Kệ 5, tr. 8
[3] 慈眼視眾生.
[4] 有麝自然香,何必當風立.