Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

BÀI 3: Hệ Thống Quan Của Phật Giáo (Tiếp theo)

(Tiết 4)

IV. Chuyển hóa thế giới ô trược để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Ở đây chúng ta hiểu thế giới ô trược là nói đến khí thế gian và hữu tình thế gian. Vậy, thế nào gọi là thế giới ô trược, cấu uế, bất tịnh hay nhiễm ô? và thế nào gọi là thế giới mỹ thiện an lạc thanh tịnh? Bởi lẽ thế giới thanh tịnh (Tịnh độ) là đối lại thế giới cấu uế (uế độ) mà thành lập, do có “uế độ” nên hiện ra “tịnh độ”, cũng như “sạch” đối với “dơ” mà có, “trắng” đối với “đen” mà lập nên, hoặc  trái đối với phải mà sáng soi phản chiếu. Tất cả duy chỉ một mục đích là hiển bày tỏ rõ sự khổ ở cõi “uế độ” dơ bẩn, xấu ác và hiển bày sự an lạc trong sạch, tinh khiết ở cõi “tịnh độ”, để chúng sinh khởi lên ý niệm buông bỏ tham chấp, si mê trong ngục tù của “thương giận, buồn vui, ghét muốn…”, khuyến khích con người hướng đến sự giải thoát nội tâm, đạt được “hoan hỷ, thương yêu, hiểu biết” chân thật. Vì vậy, uế độ là chỉ cho thế giới do cộng nghiệp của chúng sinh nương gá nhau mà hình thành. Chúng sinh phần nhiều phước đức ít, nghiệp chướng dày nên chiêu cảm cảnh giới tương xứng khổ nhiều vui ít. Ví dụ như cõi Ta bà của chúng ta đang hiện hữu đây, có đầy đủ các món hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc và dục không thiếu cái gì cả; ta thương người nhưng người chẳng thương lại ta, nên sanh ra oán hận thắt chặt vào sợi dây vô hình – oan trái tiền khiên oan gia trái chủ cựu thù chấp đối. Còn Tịnh độ là thế giới của chư Phật, chư Bồ-tát hóa hiện trang nghiêm thanh tịnh, không trần cấu bẩn nhơ, được dùng làm đạo tràng để hóa độ chúng sinh. Ví dụ như cõi Tịnh độ của đức Phật A-Di-Đà (S. Amitābha). Hay nói khác, chúng ta muốn tẩy rửa những vết nhơ bẩn thì phải dùng đến thuốc tẩy, cũng vậy muốn chuyển hóa thế giới uế độ sang tịnh độ thì phải lập nhiều đạo tràng, khuyên người niệm Phật, khuyên người ăn chay, bố thí, cúng dường làm phước, phải đi chậm rãi từng bước một, càng ngày càng nhân rộng ra, mở rộng ra, cánh tay chánh pháp ngày được nối dài ra, cộng thêm sự kết nối truyền hình trực tuyến, vô tuyến, mạng internet, facebook, zalo… thì ai ai mọi người cũng được biết đến. Xem biểu đồ dưới đây:

Trong thế giới tịnh độ phàm Thánh đồng cư, có nghĩa là thế giới mà có chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thánh Hiền cùng ở chung với phàm phu, 6 loài chúng sanh. Phàm Thánh đồng cư được nhìn nhận trên 2 phương diện:

a. Thế giới phàm Thánh đồng cư tịnh độ là thế giới thanh tịnh mà có chư Phật, Bồ-tát và hàng phàm phu ở chung. Như cõi nước Diệu Hỷ của đức Phật Bất Động (S. Akṣobhya), cõi cực lạc của đức Phật A-Di-Đà. Khi Bồ-tát mà chưa nhập vào Thập địa thì chưa dự vào bậc Thánh, cho nên nếu nhìn theo cõi cực lạc thì các vị Bồ-tát trong tam Hiền (thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng) đều còn là phàm, nhưng đối với người phàm ở cõi Ta bà thì các Ngài đều là bậc Thánh. Cũng như là bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm đối với bậc A-la-hán thì vẫn còn là phàm, nhưng đối với phàm phu bình thường thì là bậc Thánh.

b. Thế giới phàm Thánh đồng cư uế độ là thế giới bất tịnh mà có chư Phật, chư Bồ-tát và hàng phàm phu cùng sống chung. Đây chỉ cho thế giới Ta bà. Thế giới bất tịnh là thế giới có 3 đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) và có hàng phàm phu tạo 10 nghiệp ác (S. Daśākuśala) 5 tội nghịch (P. Pañcānantariya). Cho nên, nói đến thế giới tịnh độ phàm Thánh đồng cư, có nghĩa là phàm và thánh cùng sống chung với nhau trong cõi ta bà kham nhẫn nầy, nơi đây có 9 chỗ cư trú của các loài hữu tình chúng sanh ở.[1]

Thế giới tịnh độ phàm Thánh đồng cư nầy tuy cùng sống chung nhưng do tâm thức phước đức và nghiệp báo có nặng có nhẹ; có sâu có cạn khác nhau, nên dẫn đến nghiệp quả cũng có phần khác nhau. Nói đơn giản gần nhất là trong loài người của chúng ta đây cũng đủ thấy rõ rồi, cũng là con người sinh ra đầy đủ 6 căn gọi là lục căn cụ túc, sinh cùng giờ cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng 2 người đều có 2 cách sống, 2 phước phần khác nhau. Chẳng hạn như vua hài Chaplin (Sạc lô) sinh tại Luân Đôn nước Anh và Hitler nước Đức, 2 người lại sinh cùng năm (1889), cùng tháng (tháng 4), chỉ hơn kém nhau 4 ngày, nhưng một người mang lại niềm vui và tiếng cười cho hàng trăm triệu người trên thế giới, còn người kia (Hitler) lại đem đau khổ và tai họa cho hàng trăm triệu người khác.

 Như loài người chúng ta khi thấy nước biết là nước, nhưng có nhiều trở ngại về môi trường sống, chẳng hạn như chúng ta không thể trầm mình dưới nước hàng giờ hay hàng ngày được, còn đối với loài cá hay các loài thủy sản – hải sản có thể sống tự do tự tại bơi lội tung tăn trong nước mà không bị trở ngại, nếu thiếu nước thì chúng sẽ chết, cũng giống như con người sống không thể thiếu không khí. Tương tự, như loài có cánh thì bay, có chân thì chạy, có thân thì sống, gặp tối ẩn núp, tất cả đều tùy theo nghiệp lực phước báo của mình mà chiêu cảm, hễ chánh báo như thế nào thì y báo cũng tương đương như thế đó.

     Thế giới tịnh độ Phương tiện Hữu dư, là chỗ cư ngụ của hàng nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) Bích Chi Phật và A-la-hán, những bậc nầy dù đã đoạn tận kiến – tư hoặc[2] và trần sa hoặc,[3] nhưng chưa đoạn được vô minh hoặc nên còn có sự biến dịch sanh tử. Sở dĩ gọi “phương tiện” vì đó là cảnh giới của hành nhơn tu chứng phương tiện đạo; gọi “hữu dư” là bởi họ chưa đọan được vô minh. Trong thế giới tịnh độ Phương tiện Hữu dư nầy có chư Phật và các Bồ-tát ứng thân thị hiện để hóa độ chúng sanh, khiến cho chúng sanh giác ngộ, thấy rõ khổ, nguyên nhân của khổ, để từ đó xa lìa tâm tham muốn, ích kỷ, vọng chấp, thực hành pháp hồi tiểu hướng đại. Cõi tịnh độ nầy là nơi an trú của chư Phật, Bồ-tát, Bích Chi Phật và A-la-hán, còn các loài chúng sanh vì nghiệp chướng sâu nặng nên không thể sanh về thế giới tịnh độ này được.

Thế giới Tịnh độ Thật báo Trang nghiêm là cõi giới do nhờ phước tuệ song tu trang nghiêm của hàng Bồ-tát mà được hình thành. Chư Phật trong cõi giới nầy cũng ứng hiện để hóa độ hàng Bồ-tát ấy chóng thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Do đó hàng nhị thừa không lên được cõi giới nầy. Sở dĩ gọi “thật báo”, vì các Bồ-tát ở cõi giới ấy do quán thật tướng các pháp, phát được chân vô lậu, thọ hưởng quả báo chân thật, gọi là “vô chướng ngại”, nghĩa là sắc cùng tâm hay tâm cùng trần cảnh ngoại duyên cả hai đều dung thông không ngăn ngại lẫn nhau, giữa pháp tục đế và chân đế luôn có sự dung thông đến đi tự tại, không bị gián cách khúc xạ hay chướng ngại bất cứ gì cả gọi là “nhị đế dung thông”; chẳng hạn như nói về pháp Tứ đế, thì 2 đế (sự thật, chân lý) đầu Khổ đế và Tập đế gọi là Tục đế (Sammuttisacca), còn Diệt đế và Đạo đế gọi là Chân đế (Paramārtha), nếu như không có pháp Tục đế thì pháp Chân đế không thể căn cứ dựa và đâu hay y vào cái gì để hình thành được. Kinh Hoa nghiêm nói: “Thế giới Nhân Đà-la-võng’ (S. Indra-jàla, Phạm võng) chính là cảnh nầy.

Qua cách luận giải trên, giúp chúng ta có 1 cái nhìn rõ hơn về cõi tịnh độ mà phàm và thánh sống chung với nhau còn được gọi là Thế gian. Ngoài ra, các cõi tịnh độ khác là pháp giới thanh tịnh vượt thoát khỏi 3 cõi luân hồi, do đó không thể đem ra để so sánh luận bàn chung với thế gian được, cái nào ra cái đó hẳn hoi rõ ràng, phàm ra phàm, còn thánh ra thánh; Phật ra Phật, còn chúa ra chúa, chứ không thể đánh đồng Phật cũng như chúa ngang bằng nhau được, nếu cho 2 tôn giáo giống nhau thì sáp nhập lại làm 1, chứ để 2 tôn giáo làm gì? nhưng về pháp phương tiện, những lời dạy của đức Phật được lưu xuất từ mạch nguồn từ bi tâm để cứu độ hộ trì thế gian chúng sanh con người, nên cũng tùy thuận theo thế gian mà giảng thuyết, do đó cũng trên phương diện cứu độ chúng sanh trong cõi tịnh độ phàm và thánh này mà được gọi là ‘chánh giác thế gian’. Cũng vậy, đề cập đến thế giới tịnh độ Thường tịch quang là nơi an trú trong định của bậc đã chứng đắc quả vị Phật. Cho nên, lấy ngôn ngữ hình tướng hữu vi mà bàn về pháp vô tướng, vô vi thì không thể nào luận cho trọn vẹn đúng nghĩa được.

Những lời giải thích vừa rồi, chúng ta cũng đủ hiểu rõ nghĩa của các cõi giới, phân biệt được cõi giới nào là ô nhiễm xấu ác và cõi giới nào là thanh tịnh thiện hảo, để từ đó chúng ta phát tâm lành nỗ lực tiến tu và thể nhập vào thế giới tùy thuận với nhân mà mình đã gieo trồng công phu gầy dựng. Còn ý nghĩa về Trạch diệt và Sáng tạo như thế nào? Để hiểu rõ vấn đề này, trước tiên chúng ta phải biết sự tạo thành của hữu tình thế gian và khí thế gian là do nghiệp lực của chúng sanh chiêu cảm chi phối, mà nghiệp lực của muôn loài chúng sanh là do đâu mà có? Tất cả đều do tâm biến hiện sinh khởi. Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã 7 lần gạn hỏi ngài A-nan về trụ xứ của tâm ở đâu? Gọi là “thất xứ trưng tâm”. Bởi vì đức Phật muốn phá trừ tâm phan duyên vọng tưởng của ngài A-nan, làm cho tâm vọng tưởng ấy không còn chỗ nào để bám níu, nương tựa, nên đức Phật luôn bác lời luận đáp của ngài A-nan để chỉ ra rằng: chân tâm thanh tịnh mầu nhiệm này bao trùm khắp mọi nơi, không ở đâu mà không đâu chẳng ở, nghĩa là tâm luôn hiện hữu khắp mọi nơi; kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm bao thái hư lượng chu sa giới”. Nghĩa là: Tâm bao trùm cả vũ trụ, hạn lượng của tâm biến khắp thế giới nhiều như châu sa, làm sao tìm thấy trụ xứ của tâm. Khi ngài A-nan đã 7 lần trả lời đức Phật về trụ xứ của tâm, nhưng đức Phật đã 7 lần phủ định. 1. Tâm ở trong thân: Đầu tiên, ngài A-nan trả lời Tâm ở trong thân, mắt ở ngoài thân. Đức Phật bảo: Nếu tâm ở trong thân thì đáng lẽ phải nhìn thấy tim, gan, tì, vị… ở trong thân trước rồi mới thấy các cảnh vật ở bên ngoài. Nếu chẳng thấy các vật ở trong thân thì lẽ đâu tâm lại ở trong thân? 2. Tâm ở ngoài thân: Ngài A-nan dùng đèn sáng làm ví dụ và nói: Tâm của chúng sinh ở bên ngoài thân nên không thấy trong thân, giống như đèn sáng ở bên ngoài căn phòng, cho nên không soi sáng được trong phòng. Đức Phật gạn hỏi: Nếu nói tâm ở ngoài thân thì thân và tâm khác nhau, đều không biết nhau, nhưng thật ra hễ thân biết thì tâm cũng biết và hễ tâm biết thân cũng biết, như vậy lẽ nào tâm ở ngoài thân? 3. Tâm núp sau con mắt: Ngài A-nan dùng việc đeo kính làm ví dụ và thưa: Tâm núp phía sau con mắt, nếu khi mắt thấy cảnh vật thì tâm liền phân biệt theo mà không có chướng ngại, giống như đeo kính thì mắt vẫn thấy vật mà không có chướng ngại. Đức Phật nhận thấy ngài A-nan ví dụ sai và quở rằng: Nếu kính ví dụ mắt thì mắt cũng nhìn thấy được; nếu mắt thấy được thì cũng đồng với cảnh rồi! Nếu mắt đồng với cảnh thì tâm khác với cảnh và cảnh khác với tâm, vậy lẽ nào tâm núp sau con mắt mà có thể phân biệt được? 4. Tâm ở trong chỗ tối: Ngài A-nan lại chấp tâm ở trong chỗ tối và bạch Phật rằng: Thân của các chúng sinh, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài, như con giờ đây, mở mắt thấy sáng là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối là thấy bên trong. Đức Phật hỏi gạn: Khi nhắm mắt thấy tối thì cái cảnh tối ấy có đối trước mắt không? Nếu có đối thì cái tối ở ngay trước mắt, làm sao mà thành ở trong? Còn nếu không đối trước mắt thì làm sao gọi là thấy được? 5. Tùy theo hợp với chỗ nào thì tâm ở đó: Sau 4 lần bị Phật bác, ngài A-nan thưa: Tùy theo hợp với chỗ nào thì tâm ở đó, đức Phật lại gạn hỏi: Ông nói tùy theo hợp với chỗ nào thì tâm ở đó, nếu tâm không có thể tính thì không hợp được; còn nếu tâm có thể tính thì hãy thử lấy tay tự nhéo vào thân ông, chắc chắn tâm ông sẽ giác biết, vậy tâm giác biết ấy từ trong thân ra hay từ bên ngoài vào? Nếu từ trong ra thì tâm ở trong thân, còn nếu ở ngoài vào thì đáng lẽ tâm phải thấy cái mặt của ông. Tâm chẳng phải ở trong ở ngoài thì không có ra vào, ra vào đã không thì làm sao có thể tính; nếu không có thể tính thì cái gì tùy hợp? 6. Tâm ở khoảng giữa: Ngài A-nan bạch Phật: Tâm ở khoảng giữa căn và trần. Phật lại hỏi: Nếu tâm ở khoảng giữa căn và trần thì thể tính của tâm gồm cảcăn và trần hay không gồm cả căn và trần? Nếu gồm cả căn và trần thì căn có biết mà trần thì không biết, căn và trần đối lập, ranh giới giữa có biết và không biết rạch ròi, như vậy làm sao nói được là ở khoảng giữa? Còn nếu không gồm thì chẳng thuộc căn, trần, tức không có thể tính, làm sao có khoảng giữa? 7. Tâm không bám dính vào đâu: Sau cùng, ngài A-nan trả lời: Tất cả không bám dính, gọi đó là tâm. Nhưng đức Phật lại vặn hỏi Nếu nói không bám dính gọi đó là tâm, tức là tâm ông không bám dính vào tất cả sự vật hiện tượng thuộc thủy lục không hành trên thế gian này, nhưng những sự vật hiện tượng ấy là có hay không có? Nếu nói là không có thì cũng đồng với lông rùa sừng thỏ, làm sao còn có vật để không bám dính mà nói là không bám dính? Còn nếu nói là có thì vật có tâm cũng có, làm sao mà nói không bám dính được? Cho nên, đệ nhị tổ Thiền tông Huệ Khả (487-593) trả lời Tổ Đạt Ma (470543) rằng: “Mích tâm bất khả đắc” và Sơ tổ liền truyền tâm ấn.

Như vậy, đủ biết không những 7 lần, mà cho dù đến cả trăm nghìn lần đi chăng nữa thì ngài A-nan cũng không thể chỉ ra điểm trụ xứ của tâm được.

Trở lại vấn đề, nói về Trạch diệt và Sáng tạo? Ở đây thế nào gọi là trạch diệt? và sáng tạo có nghĩa là gì? Trạch có nghĩa là sự lựa chọn, dùng trí tuệ để soi sáng phân biệt pháp nào thiện, pháp nào bất thiện; pháp nào tịnh pháp nào nhiễm ô, khi đã thấy rõ được sự vận hành tung hoành ngang dọc của chúng thì lúc đó hành giả dùng Thiền quán (P. Vipassanā) để quán chiếu đoạn trừ tâm sinh khởi bất thiện, nói về bất thiện tâm, theo Tông duy thức có 14 tâm sở bất thiện,[4] tuy nhiên không ngoài  tâm khởi tham, tâm khởi sân và tâm khởi si mê, khi tâm vương tức 8 thức hiện hữu thì kéo theo 51 tâm sở[5] khác cũng có mặt tham dự, cũng giống như vua đi đến đâu thì đều có các cận thần, lính bảo vệ tháp tùng theo vua đến đó, nên 8 thức tâm vương này được ví như vua tôi, bệ hạ, còn các tâm sở kia ví như các tôi tớ người hầu theo vua. Khi đoạn trừ được phiền não tâm nhiễm ô nào thì phần giác sự trong sáng chân tâm hiển lộ ra cái đó, gọi là “đoạn hoặc chứng chơn”. Cho nên, trạch diệt là lựa chọn đoạn trừ cái vô minh từ vô thỉ kiếp để hiển bày lộ rõ cái chơn tâm Phật tánh của mình ngủ ngầm bị che khuất bởi lớp vỏ vô minh từ bấy lâu nay. Còn nghĩa của sáng tạo thì sao? Nói sáng tạo tức là làm cho cái tánh tốt đẹp mỹ thiện vốn có xưa nay được hiển bày chân tướng và ngày càng đầy đủ bền chắc hơn. Cho nên mục đích của người tu chúng ta là hằng ngày phải tụng kinh, niệm Phật, tham thiền nhập định cùng với các duyên lành trợ đạo khác là nhằm gột rửa các chất cấu uế, phiền não tự tùng vô thỉ kiếp, thất viên minh tánh tác trần lao, làm lộ rõ chân tướng tánh sáng suốt để không còn bị chìm đắm trong vòng tử sinh – sinh tử nữa, “quyết sanh tử dĩ giai không, liễu khứ lai nhi tự tại”, phải quyết 1 đời này ít nhiều gì cũng phải thể nhập vào dòng Sơ quả Dự lưu Tu-đà-hoàn (Sotāpatti), có được như vậy thì may ra không còn bị tử rồi sanh sanh tử lững lờ trôi, và nguyện cùng pháp giới đại đồng, viên quang thanh tịnh dứt vòng tử sinh.

Nhưng oái ăm thay! cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Chúng ta biết rằng, do con người chúng sanh còn có tâm phân biệt trong sạch; nhơ nhớp, nên mới sinh phiền não, có sự phân biệt thế gian xấu ác và tốt đẹp. Nếu đứng từ góc độ chân tánh mà quán sát thì các pháp xưa nay vốn bình đẳng, trong sạch không có sai biệt, đầy đủ mọi công đức lành tốt đẹp, không có gì gọi là xấu ác cả, nhưng chúng ta do bởi khởi 1 niệm bất giác vô minh tức căn bản vô minh (S. Mūlāvidyā; C. 根本無明), mà từ đó muôn vạn sai biệt tranh khởi, mê muội huân tập lâu ngày, ngu si chấp trước ngã và pháp nên tạo ra tình và khí thế gian sắc tướng cứ thế triển chuyển mãi trong các vòng khổ ải luân hồi. Tuy nhiên, chúng ta dù bị trầm luân chịu nhiều khổ đau như thế, nhưng hạt minh châu, chân tâm Phật tánh không bị dục nhiễm làm cho mất đi mà nó vẫn viên dung tự tại rộng khắp. Cho đến, khi nào con người bỗng chốc hoát nhiên đại ngộ, nhất niệm hồi quang phản chiếu, nhìn lại chính mình, thì lúc đó chúng ta chuyển mê đắc ngộ, chuyển phàm nhập thánh trở về với ngôi nhà chân tâm, bản lai diện mục mặt mũi xưa kia của chính mình. Chân tâm hay nhất tâm là chỉ có 1 chứ không hề có hai, do đó khi nói đến thế gian xấu ác và tốt đẹp, là do tâm nhiễm – tịnh mà có sự phân biệt như vậy, hay nói theo tư tưởng của Luận Đại Thừa Khởi Tín, nếu tâm nầy tùy duyên với vọng huyễn sanh diệt niệm niệm tương tục nối tiếp nhau thành tam tế[6] và lục thô,[7] tạo ra vòng luân chuyển sanh tử trong tam giới. Ngược lại, tâm tùy duyên thanh tịnh, bắt đầu từ thỉ giác, tu tập qua 4 giai đoạn, cho đến khi chứng đắc Cứu cánh giác, tức trở về Bản giác thành Chánh đẳng chánh giác. Cũng vậy, trong kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật quốc có nói: “Khi tâm của tất cả chúng sanh trong thế giới ta bà nầy thanh tịnh thì thế giới này sẽ là thế giới thanh tịnh.” Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tâm được bình yên thì mọi thế giới sẽ được bình yên”.[8] Cho nên, ý nghĩa của Trạch diệt và Sáng tạo cũng không ngoại lệ, chẳng có gì khác biệt.

(còn tiếp…)


Tham khảo và chú thích

[1] Kinh Tăng Chi Bộ – Chương IX – Chín Pháp – III. Phẩm Chỗ Cư Trú Của Hữu Tình. [Này các Tỷ-kheo, có chín chỗ cư trú của loài hữu tình. Thế nào là chín? 1. Này các Tỷ-kheo, có những loài hữu tình, thân sai biệt, tưởng sai biệt, như loài Người, một số chư Thiên, một số ở các đọa xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ nhất. 2. Này các Tỷ-kheo, có những loài hữu tình, thân sai biệt, tưởng đồng nhất, chư Phạm Chúng thiên, khi mới tái sanh. Ðó là hữu tình trú xứ thứ hai. 3. Này các Tỷ-kheo, có loại hữu tình, thân đồng nhất, tưởng sai biệt như Quang âm thiên. Ðó là hữu tình trú xứ thứ ba. 4. Này các Tỷ-kheo, có loài hữu tình, thân đồng nhất, tưởng đồng nhất, như Tịnh Cư thiên. Ðó là hữu tình trú xứ thứ tư. 5. Này các Tỷ-kheo, có những loại hữu tình không có tưởng, không có thọ như Vô Tưởng thiên. Ðó là hữu tình trú xứ thứ năm. 6. Này các Tỷ-kheo, có những loài hữu tình vượt khỏi sắc tưởng một cách hoàn toàn, diệt trừ các đối ngại tưởng, không có tác ý sai biệt tưởng, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng được Không vô biên xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ sáu. 7. Này các Tỷ-kheo, có những loài hữu tình, vượt khỏi hư Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng được Thức vô biên xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ bảy. 8. Này các Tỷ-kheo, có những loài hữu tình vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: “Không có gì tất cả”, chứng được Vô sở hữu xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ tám. 9. Này các Tỷ-kheo, có những loài hữu tình vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðó là hữu tình trú xứ thứ chín. Này các Tỷ-kheo, đây là chín chỗ cư trú của các loài hữu tình].

[2] Kiến hoặc là những thứ mê lầm thuộc về Lý. Chúng gồm có 5 thứ: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ. Còn tư hoặc là những thứ mê lầm thuộc về Sự. Chúng cũng gồm có 5 thứ: Tham, sân, si, mạn, nghi. Gọi chung 10 thứ nầy là 10 thứ căn bản phiền não.

[3] Bởi trần sa hoặc không phải là thứ phiền não của các vị A-la-hán. Vì những vị A-la-hán đã đoạn hết kiến, Tư hoặc, nhưng các ngài bị chướng ngại ở nơi hoặc lậu (phiền não) của chúng sanh. Nghĩa là các ngài thấy phiền não của chúng sanh nhiều như là cát bụi (trần sa). Do đó, các ngài không dám ra độ sanh như các vị Bồ-tát.

[4] 14 tâm sở bất thiện gồm: (1) Si, (2) Vô Tàm, (3) Vô Quý, (4) Phóng Dật, (5) Tham, (6) Tà Kiến, (7) Ngã Mạn, (8) Sân, (9) Ganh Tỵ, (10) Xan Tham, (11) Lo Âu, (12) Hôn Trầm, (13) Thụy Miên, (14) Hoài Nghi. 

[5] 51 tâm sở gồm: 5 Biến hành tâm sở (Xúc, Tác ý, Thụ, Tưởng, Tư). 5 Biệt cảnh tâm sở (Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ). 11 Thiện tâm sở (Tín , Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tiến, Khinh an, Bất phóng dật, Xả, Bất hại). 6 Căn bản phiền não tâm sở (Tham, Hận, Mạn, Vô minh, Nghi, Ác kiến gồm 6 loại: Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ kiến, Giới cấm thủ kiến, Tà kiến). 20 Tuỳ phiền não tâm sở (phẫn, hận, phú, não, tật, xan, xiễm, cuống, hại, kiêu, ác, vô tàm, vô quý, hôn trầm, trạo cử, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri). 4 Bất định tâm sở (Hối, Miên, Tầm, Tứ).

[6] Tam tế:  1) Tâm bất giác động – gọi là nghiệp tướng. 2) Do tâm động, khởi năng kiến – gọi là chuyển tướng. 3) Do năng kiến và nghiệp tướng (cảnh) – khởi hiện tướng.

[7] Lục thô: 1. Trí tướng (Vọng thức phân biệt). 2. Tương tục tướng (Vọng niệm tương tục). 3. Chấp thủ tướng (Chấp sự vật). 4. Kế danh tự tướng (Chấp danh tự). 5. Khởi nghiệp tướng (tạo nghiệp). 6. Nhiệp hệ khổ tướng (thọ, quả).

[8] Tâm bình thế giới bình – Tâm an vạn sự an.

Phật Thừa Tông Yếu Luận