BÀI 3: Hệ Thống Quan Của Phật Giáo (Tiếp theo)
Tiếp theo và hết
(Tiết 5)
V. Toàn bộ hệ thống quan của Phật pháp
Nội dung tư tưởng lý luận của toàn bộ hệ thống quan Phật pháp, được trình bày vắn tắt thông qua 3 ý nghĩa quan trọng sau đây:
a. Thực chứng các pháp và nhất tâm chân như, đạt đến mục đích của việc tu học
Khi nói đến nhất thiết pháp trong thế giới dù nhỏ như hạt bụi, vi trần hay lớn như quả núi, hư không điều đó cũng đồng nghĩa là chúng ta nói đến tất cả mọi sự vạn vật trong vũ trụ nầy. Cũng vậy, đứng về phương diện nhận thức luận trong ngôn ngữ Phật giáo, danh từ Nhất tâm chân như, Chân tâm, Như lai tạng tánh, Phật tánh, Bản lai diện mục, Viên giác tánh, Như như Phật… tất cả đều chỉ cho bản thể của tâm, mà tâm nầy là nói đến chân tâm, thanh tịnh tâm, mọi người – chúng sanh ai cũng có đầy đủ trọn vẹn tánh công đức viên minh, vắng lặng. Nhưng bởi chúng sanh bị nghiệp lực chiêu cảm, sinh khởi 1 niệm bất giác căn bản vô minh (S. Mūlāvidyā; H. 根本無明) nhiễm trước trần ai, rồi từ đó niệm tưởng cứ tương tục nối tiếp nhau triển chuyển dẫn dắt chúng sanh trầm luân trong các nẽo khổ đau, tuy đã có nhiễm trước bởi tham ái, dục vọng đề huề, nhưng bản thể tâm tánh vẫn thường hằng bất biến, không bị oxi hóa hay mất đi. Vậy làm sao con người chúng sanh thấy được những sai lầm thất niệm từ thô đến tế này? Bởi lẽ hằng ngày chúng ta luôn sống trong vọng niệm, xa rời Bồ đề tâm, đam mê hương vị dục tình ngoan cố, học đòi theo nghĩ suy nhất thời, ngay thậm chí trí tuệ của hàng nhị thừa cũng không nhận biết được. Bồ-tát sơ chánh tín có khả năng quán sát, tuy chưa chứng Pháp thân (S. Dharmakāya) cũng có thể nhận biết được phần nào; đến Bồ-tát cứu cánh địa cũng chưa thật sự hoàn toàn biết rõ, duy chỉ có trí tuệ của Phật mới đủ khả năng liễu tri một cách triệt để hoàn toàn.
Vậy, nay con người chúng ta nhờ có 1 chút công phu tu tập hồi quang phản tỉnh, muốn quay trở về với chân tâm vắng lặng giác biết của mình, thì e rằng đây không phải là việc đơn giản dễ dàng chút nào, không phải nói hồi đầu thị ngạn[1] (quay đầu là bờ) thì đến bờ ngay được đâu, và cũng không phải nói phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật[2] buông con dao đồ tể xuống, đứng ngay đó mà thành Phật thì lập tức thành phật ngay liền được đâu; vấn đề không phải giản đơn như con người chúng ta cứ tưởng, mà con người cần phải trải qua vô số phương tiện y theo giáo pháp Đại thừa nỗ lực tinh tiến tu hành, hằng ngày phải xông ướm văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ, hướng tâm đến Phật trí. Đại Thừa Khởi Tín Luận nói: “Nhược hữu chúng sinh năng quán vô niệm giả, tắc vi hướng Phật trí cố”. Trong Nikaya cũng nói: Hành giả phải thường: 1) niệm Phật (Buddhānussati) 2) niệm pháp (Dhammānussati) 3) niệm tăng (Sanghānussati) 4) niệm giới (Sīlānussati) 5) niệm thí (Cāgānussati) 6) niệm thiên (Devatānussati) 7) niệm chết (Maranasati) 8) niệm thân (Kāyagatāsati) 9) niệm hơi thở (Ānāpānasati) 10) niệm an tịnh (Upasamānussati) là nghĩa nầy vậy.
Cho nên, người học Phật, tu Phật và tương lai sẽ thành Phật, những lời dạy của đức Phật luôn thực tế, sống động trong mọi hoàn cảnh thời gian, gọi là siêu việt thời gian, chứ không phải nói chuyện viển vông trên mây, trên mưa trên gió, đức Phật là bậc đã thành, kế đến các vị thánh đệ tử, rồi các vị tổ sư của các tông phái. Do đó, nói về việc tu học Phật pháp là chúng ta chú trọng pháp hành hơn là pháp học, dù biện luận thật hay, văn chương lưu loát, làm cho người nghe phải đắm đuối say mê mà thiếu đi sự công phu hành trì, thì chẳng đem lại lợi ích thiết thực gì cho bản thân của mình cả. Trong Chứng đạo ca, ngài Huyền Giác (665-713) nói:
“Bậc Trung hạ, những căn cơ thấp kém
Học thì nhiều, học trích cú tầm chương
Luôn mồm khoe, học vị với văn bằng
Cởi áo bẩn, còn không biết đường mở nút!”
Đây là đứng trên phương diện bản thể chân như – pháp chân đế để nói, tức y tướng khởi tánh rồi từ thuận tánh mà khởi tu. Còn về mặt chân lý thế gian – pháp tục đế, thời đại bây giờ công nghệ 4.0 và tương lai sẽ vượt trội hơn nữa, nếu con người ít nỗ lực cần cầu tham học, thì e rằng chánh pháp Phật khó truyền bá sâu rộng trong nhân gian. Nói chung, con người phàm phu luôn sống trong ý tưởng thất niệm giác tri, thường hay mắc phải sai lầm, nhưng được người trí nhắc nhở chỉ bảo: Trả lời, à! cứ tưởng…, đâu biết rằng chỉ có thực chứng Chân tâm của Phật pháp mới đạt đến đến mục đích tối thượng bất nhị pháp môn, mà đây cũng là chủ nghĩa duy vật đang mong mỏi tìm cầu. Do đó, khi người tu học theo giáo lý Phật đà, một khi đã giác biết tỏ ngộ được bản thể Nhất tâm Chân như là thường hằng bất biến, thì đây là bước sơ khởi đầu tiên chúng ta đã đi vào ngôi nhà tư tưởng của Đại thừa Phật pháp rồi.
b. Thành tựu được nhân cách toàn vẹn và pháp giới viên mãn
Yếu tố quan trọng thứ hai, đó là 1 khi năng lực công phu tu tập chúng ta hoàn thiện đầy đủ mọi nhân cách, phẩm hạnh, đạo đức tác phong, tư tưởng lời ăn tiếng nói ái ngữ hòa nhã, tâm hồn luôn hoan hỷ vui vẻ với tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt dù người thân hay kẻ sơ; dù người giàu hay nghèo; dù người thông minh đẹp đẽ danh tiếng hay người khổ cực bình dân, mà người ta đến với đạo thì luôn đón tiếp họ 1 cách niềm nở ứng nhân tiếp vật bình đẳng như nhau, hãy quán chiếu tâm của chúng ta như đất, chứa đựng bao dung với tất cả muôn loài muôn vật cỏ cây hoa lá, dù pháp tịnh hay bất tịnh, đất cũng chẳn phàn nàn. Trong Văn cảnh sách Tổ Quy Sơn nói: “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức”.[3] Cho nên, người tu học Phật chúng ta thành tựu được nhân cách của con người xứng đáng làm 1 Thích tử Như Lai, thì luôn hành sự trong sở nguyện lý tưởng mà đương thể đã chọn. Vì sao nói điều này? Vì đương thời của Đại sư Thái Hư, chúng ta biết: phần lớn chùa chiền, các tu viện bị tàn phá bởi súng đạn, lửa cháy, kinh sách bị thất truyền, sự tu tập Tăng ni bất ổn, ai muốn tu theo kiểu gì thì tùy, hiểu Phật pháp sao cũng được; rồi cộng thêm cách mạng văn hóa, gièm pha, thừa đục thả câu, chống phá Phật giáo, nên thậm chí 1 số Tăng ni phải chọn nơi ở ẩn cho yên ổn. Vì vậy, chúng ta biết, 1 khi giới luật, nội quy của người xuất gia yếu kém giảm sút thì thử hỏi, người hành đạo lấy gì làm Đạo sư – kim chỉ nam trên lộ trình trở về bảo sở được đây? Vì lý do đó, ngài Thái Hư với tư tưởng hiện đại, tâm tư nguyện vọng bằng mọi giá phải khôi phục dậy Phật giáo đã bị ngủ quên, nên ngài đi khắp các quốc gia như: Anh, pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Miến Điện, Ấn Độ, Tích Lan… để cổ súy vận động phong trào, thành lập nhiều cơ sở hạ tầng, chùa chiền, các trường Phật học viện nghiên cứu… đưa Phật pháp vào đời; Tăng ni, cộng đồng Phật tử – nói chung tất cả mọi người nên hiểu đúng chánh pháp, không nên hiểu theo kiểu xuyên tạc, mượn râu ông nọ cắm cằm bà kia, bởi lẽ người xuất gia là đại diện tiếng nói lớn chánh thống của Phật giáo, nên việc ứng phó đạo tràng phải nghiêm túc, và đây cũng là lời tâm huyết thiết tha nhất của ngài Thái Hư.
Cho nên, nhân cách đạo phong của 1 người xuất gia rất là quan trọng, không phải nhân thể được người khác kính trọng, nể phục là nhờ vào tài lợi khẩu. Ngoài ra, còn phải kết hợp dung hòa trong nhiều yếu tố khác nữa, cụ thể thông qua 3 yếu tố: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, trong đó thân giáo là một phương thức giáo dục quan trọng nhất trong ba phương thức giáo dục Phật giáo, người thầy chỉ cần biểu hiện qua hành động việc làm thôi, đó là bài thuyết pháp vô ngôn – không lời, mà mọi người luôn tạc dạ ghi lòng, xin nguyện thực hành theo hạnh của thầy. Cũng vậy, các giai đoạn tu chứng bắt đầu từ phàm nhân tiến lên thánh nhân; cao hơn nữa là tiến lên bậc hiền, bậc á thánh, bậc thánh vô lậu rồi tiến xa hơn – cao thượng hơn là giác ngộ thành Phật (S. Buddhatva; P. Buddhabhāva; E. Buddhahood). Người xưa nói: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri nghĩa”.[4] Nghĩa là: Hòn ngọc thô kia nếu chẳng được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý được, con người ta không học qua thầy hay bạn tốt, qua nghịch cảnh của đường đời thì chẳng thể hiểu đạo lý làm người.
Nói đến quả vị Phật thì tất cả muôn loài chúng sanh ai cũng có đủ khả năng thành tựu được hết, vì sao? vì chân tâm Phật tánh, bản thể thanh tịnh hạt giống giác ngộ ai cũng có sẳn bình đẳng đầy đủ viên dung, chẳng qua là do chánh nhân đương thể đó không biết cách khai thác, mài dũa làm cho viên ngọc của mình sáng lên mà thôi. Trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật xác quyết: “Pháp Duyên khởi ấy, dù có Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.”[5]
Thứ đến, thế nào gọi là thành tựu Pháp giới (S. Dharmadhatu) viên mãn? Về mặt lý giải thích, ở đây Pháp có nghĩa là các Pháp, bao gồm mọi sự vật hiện tượng; Giới là cảnh giới, giới hạn. Vì các Pháp vốn đều có tự thể nhưng vì cảnh giới nghiệp cảm không đồng của chúng sanh, cho nên phải phân ra từng cảnh giới khác nhau. Mỗi cảnh giới là một Pháp giới như mười cảnh giới (Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Trời, Người, A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục gọi là mười Pháp giới). Nói một cách tổng quát, tất cả các pháp trong thế gian, sự vật trong vũ trụ, đều gọi chung là Pháp giới. Trong vũ trụ vô cùng vô tận, trải qua thời gian, lúc nào và nơi nào cũng có Phật pháp, gọi chung là cõi Pháp của Phật.
Giải thích theo mặt sự: Pháp giới là cảnh giới chung của chúng sinh. Dù người hay vật đều cùng có tánh giác như nhau, đều có Pháp Tánh, Phật Tánh, Bản Giác, Chân Như bình đẳng như nhau cả. Tất cả đều có thể sẽ thành Phật. Pháp giới lại có nghĩa: Pháp tức là Thánh đạo, Phật đạo. Giới là Cảnh giới mà hành giả tu Phật phải nương theo. Nương theo Cảnh giới ấy mà tiến tới đến lúc thành Thánh, thành Phật, thành tựu đạo quả viên mãn. Pháp giới còn có nghĩa: Pháp tức là Pháp lý, Pháp môn. Giới tức là Tánh giác biết. Các Pháp đều đồng một tánh viên minh sáng suốt. Người hành giả tu theo Phật nếu nương theo đó thì được hướng thượng, nhanh chóng đến cõi an lạc, giải thoát, vô ngại. Cho nên, người thực hành theo chánh pháp Phật 1 khi đã đoạn tận hết tất cả lậu hoặc nhiễm ô, thể nhập vào cảnh giới thanh tịnh, có nghĩa là thành tựu pháp giới viên mãn, còn gọi là thế giới Tịnh Độ Thường Tịch Quang, đầy đủ tánh công đức của thường (chân thường), lạc (chân lạc), ngã (chân ngã) và tịnh (chân tịnh), đây cũng là tứ đức trong kinh Kim Cương. Nơi này không còn ngăn ngại, chướng cản hay khúc xạ bởi vật chất nữa, tâm luôn trong trạng thái tịch tĩnh vắng lặng, thong dong tự tại, khứ lai vô quái ngại. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “… Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn…” Kinh Duy Ma Cật nói: “…Liễu đạt pháp tướng vô quái ngại…” Nghĩa là: Thấu các pháp tướng không ngăn ngại hay trong Chứng đạo ca, ngài Huyền Giác nói: “… Sắc thanh vô quái ngại…” tức là sự vi diệu nhiệm mầu của quả vị giác ngộ thành Phật. Bởi do nương vào nhất tâm chân như làm nền tảng căn bản để đạt đến quả vị cứu cánh, và đây cũng là bước thứ hai để hành giả đi vào ngôi nhà tư tưởng Đại thừa Phật pháp.
c. Tùy thuận vô biên thế giới chúng sanh, để ứng thân giáo hóa vô tận và đem lại sự lợi ích vô cùng
Theo quan điểm của Phật giáo nói chung (Nguyên thủy và Đại thừa), tất cả mọi việc làm đối với đời cũng như đạo cả hai đều dung thông với nhau, bản thân cá nhân mình tu là đem lại sự lợi ích an vui lý tưởng sống mà mình đã quyết chọn, mà 1 khi bản thân mình được yên ổn không gây bất an, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống xã hội con người, thì điều đó cũng đồng nghĩa là đương thể ấy đang góp phần trong cái nhìn tích cực xây dựng tô son điểm phấn cho đời xinh tươi.
Do đó, người tu học Phật, không chỉ tu giải thoát cho bản thân mình tức là tự lợi, mà còn làm lợi lạc giải thoát cho người khác nữa, nghĩa là lợi tha, nên gọi là Bồ-tát đạo là vậy, lấy niềm vui của chúng sanh làm niềm vui của chính mình, lấy nỗi khổ của chúng sanh để dụng công tu tập. Chúng ta hãy học theo hạnh nguyện của đức Bồ-tát Quán Thế Âm: “Kính lạy đức Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết rằng chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi đi rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.”
Cho nên, người tu học Phật không thể xa rời thế gian cõi ta bà nầy mà thành tựu được, Bồ-tát luôn lấy chúng sanh làm đối tượng để tu tập, dấn thân thực hiện trên con đường lợi lạc cho tự thân và tha nhân cùng hướng đến và đạt được phật quả, đây là tinh thần của Đại thừa Phật giáo. Bồ-tát hóa độ vô lượng, vô biên, vô số chúng sanh mà không thấy chúng sanh nào độ cả, vì tâm của các ngài không dính mắc, không chấp tướng, như “Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy. Nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm.” [6] Nghĩa là: Nhạn bay qua mãi tầng không, bóng chìm đáy nước một dòng lạnh trôi, nhạn không để dấu mình soi, nước không lưu ảnh nhạn rơi vào lòng. Trong kinh Kim Cang, đức Phật bảo Tu-bồ-đề: “Tuy diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như thế, nhưng thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ cả. Vì sao? Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức không phải là Bồ-tát.”
Chúng ta nên biết, nói là tùy thuận, có nghĩa là vì nghiệp lực của tất cả chúng sanh trong các cõi giới, 6 nẽo luân hồi thật đáng thương không giống nhau. Đức Phật dạy tất cả đều do nghiệp mà ra. “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy.”[7] Còn đối với hàng Bồ tát nhị thừa cũng đều có khác, tất cả đều nương vào nguyện lực ánh sáng hào quang của chư Phật mà tùy thuận giáo hóa, nói chung là khiến cho mọi loài chúng sanh – con người giác ngộ thấy rõ được con đường sự thật của khổ, nguyên nhân dẫn đến khổ là do đâu? để từ đó đăng xuất vượt thoát khổ ách mà đạt đến an vui giải thoát.
Giáo pháp của đức Phật luôn tùy thuận theo duyên nghiệp của các pháp giới chúng sanh, để ứng thân hóa độ, tùy theo bịnh mà kê đơn cho thuốc, với không ngoài mục đích chính đó là làm lợi lạc vô biên vô số chúng sanh. Hễ có hằng hà sa số thế giới, có vô lượng vô biên chúng sanh, thì giáo pháp của đức Phật cũng có vô số phương tiện, vô lượng pháp môn tu. Kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện, đức Phật khẳng định với Bồ-tát Xá-Lợi-Phất: “Này Xá-Lợi-Phất, chư Phật chỉ vì một việc trọng đại lớn duy nhất mà thị hiện ra nơi đời, đó là: Khai thị chúng sanh, ngộ nhập tri kiến Phật.” Cho nên, suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh đức Đạo sư chỉ nói duy nhất có 2 điều, đó là: “Này các Tỳ-kheo, xưa cũng như nay Như Lai chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.”[8] Đây chính là bước thứ ba để người tu học Phật chúng ta đi vào ngôi nhà Phật pháp Đại thừa, đầy đủ vô lượng công đức, từ bi trí tuệ, làm lợi ích cho chính mình và tha nhân an lạc, và đó cũng là toàn bộ hệ thống của Đại thừa Phật pháp.
Tham khảo và chú thích
[1] 回頭是岸.
[2] 放下屠刀立地成佛.
[3] 内勤克念之功。外弘不諍之 德。
[4] 玉不琢,不成器; 人不學,不知義.
[5] Kinh Tạp A Hàm, tập II.
[6] Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715). [雁 過 長 空, 影 沈 寒 水, 雁 無遺 跡 之 意, 水 無 留 影 之 心].
[7] Kinh Tăng Chi (tập II).
[8] Kinh Trung Bộ (tập I).