Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

BÀI 4: Nhận Thức Về  Tự lợi Và Lợi Tha Trong Phật Giáo

A. Lời dẫn

Khi nói đến tự lợi và lợi tha điều đó cũng đồng nghĩa là luận bàn về sự lợi ích của chính ta và ích lợi của người khác, 2 quan niệm nầy cũng là thành quả của con người hành xử trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo sự nhìn nhận của thế gian về tự lợi và lợi tha, khi con người ta làm bất cứ việc gì dù lớn hay nhỏ, hễ thấy có lợi cho mình và có lợi cho người khác thì họ cho rằng đó là tự lợi và lợi tha. Hay nói khác, vấn đề tự lợi và lợi tha theo cái nhìn của thế gian là dựa trên cơ sở tham dục và phân biệt đối đãi trong cái ngã (tôi). Nhưng theo Phật giáo, giá trị tự lợi và lợi tha ở chỗ là khi người vui, người hạnh phúc thì mình cũng vui, hoan hỷ cả 2 đồng lợi lạc. Cho nên, ý nghĩa của tự lợi và lợi tha ở đây, phải là tự lợi và lợi tha đúng nghĩa, đúng chánh pháp, một cách hoàn toàn chân chính.  

B. Nội dung

1. Quan niệm tự lợi và lợi  tha theo thế gian

Tự lợi có nghĩa là chỉ chăm lo lợi ích cá nhân, vun vén tài lộc, tô bồi lợi ích cho riêng cá nhân. Những lợi ích cá nhân mà người thế gian muốn đạt được không ngoài ngũ dục, đó là: tài của (tiền tài); sắc đẹp; danh lợi (tiếng khen); ẩm thực (ăn uống) và thụy miên (ngủ nghỉ). Nói gọn là danh lợi và để đạt được những điều đó người ta tự thân nỗ lực phấn đấu; có khi còn giày vò, đọa đày tâm trí mình, làm khổ nhọc hình hài cha sanh mẹ đẻ, để đuổi bắt những gì gọi là địa vị cao sang, tinh hoa của đời sống, đó là tự lợi; và trong quá trình nỗ lực xây dựng, mưu cầu lợi ích cá nhân đó, con người đã làm giàu cho bản thân mình, cho gia đình và rộng ra là cho xã hội, quốc gia, đây gọi là lợi tha. Lợi tha được hiểu là mưu cầu lợi ích và hạnh phúc cho người khác. Qua đó, chúng ta thấy trong tự lợi đã bao hàm ý nghĩa lợi tha.

Khái niệm về tự lợi như thế, trong Phật giáo cho là sự nuôi dưỡng tự ngã, gọi là “cung dưỡng tự ngã” và lợi tha chính là chăm sóc cái ngã sở, cái sản phẩm vật chất của tôi làm ra, tạo nên, không ai có quyền hay bất cứ lý xâm phạm. Do vậy, nói 1 cách đúng nghĩa, cái gọi là tự lợi hay lợi tha chỉ là xây dựng những thứ huyễn mộng, phù du, phù vân, không phải tự lợi, lợi tha chân chính. Nhưng trong ý nghĩa tương đối của cuộc đời, nếu mỗi cá nhân đều có thể tự lợi và lợi tha chắc chắn xã hội sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, thực tế của cuộc sống đã cho thấy, không có một lợi ích của cá nhân này vừa là lợi ích của cá nhân kia, nó chỉ có nghĩa tương đối.

Về phương diện đối lập, chúng ta phải chấp nhận rằng, đôi khi tự lợi được tạo ra từ sự tổn thương của cá nhân người khác, dùng uy lực, sức mạnh quyền thế đối với người yếu kém trong xã hội. Cho nên quan niệm tự lợi và lợi tha của thế gian không ngoài 5 món dục lạc, đó là: tài, sắc, danh, thực và thụy, xem đồ biểu dưới đây:

Theo nhãn quan nhận thức của thế gian khi nói về lợi thì phổ biến rộng rãi khắp nơi, không chỗ nào mà không có, tuy nói lợi luôn hiện hữu mọi nơi, nhưng chung quy cũng không nằm ngoài vòng danh lợi và sự đối đãi. Hễ khi con người làm cái gì, việc dù việc lớn hay nhỏ, trong đầu óc liền khởi nên niệm tưởng suy nghĩ, làm như vậy có lợi gì cho bản ta hay không? và có lợi gì cho người khác hay không? Nếu xét thấy lợi ta thì ít mà lợi người thì nhiều dù chênh lệch nhau trong gang tất, có người từ chối không làm. Tư tưởng của Tuân Tử (316-236 Tr.TL) nói về lợi: “Làm cái gì mà không có lợi cho ta dù chỉ là nhỏ bằng cây kim, cọng cỏ hay 1 giọt nước, nếu không có lợi cho ta thì không làm”. Cho nên 2 loại hình tự lợi và lợi tha theo cách nhìn của thế gian đều thiết lập trên cơ sở của 3 dục, đó là: danh, lợi và cung kính hay ngũ dục (tài, sắc, danh, thực và thụy) và 8 thức (tiền ngũ thức, ý thức, mạt na thức và tàng thức hay a-lại-da thức). Nếu chúng ta đem 3 dục hay 5 dục để phối hợp với 8 thức nơi con người thì sẽ được nhận thức như sau:

+ Tiền ngũ thức tương ứng với Tài của, chủ nghĩa đế quốc – chấp mọi vật là ngã sở hữu pháp. Ẩm thực, chủ nghĩa xã hội – năng sở huân tập chủng tử 5 cảnh trần bên ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc).

+ Thức thứ 6 – Ý thức, tương ứng với ngũ dục và thần ngã (danh, cung kính)

+ Thức thứ 7 – Mạt na thức, tương ứng với tài, sắc (ngã sở hữu pháp), danh (biến kế ngã pháp), thực (năng sở huân tập chủng tử 5 cảnh trần bên ngoài), thùy (căn bản vô minh) và thần ngã (biến kế ngã pháp).

+ Thức thứ 8 – Tàng thức (A-lại-da thức), tương ứng với thực (năng sở huân tập) và thụy (căn bản vô minh).

Như vậy, rõ ràng sự tự lợi và lợi tha của thế gian bằng tinh thần tham dục, tính chất phân biệt ngã và ngã sở sai lầm, biến kế ngã chấp pháp mà hình thành. Phàm làm bất cứ việc gì cũng luôn tỷ lệ thuận theo 3 dục (danh, lợi và cung kính) hay ngũ dục (tài, sắc, danh, thực và thụy) và chịu sự chi phối dẫn dắt sai sử của 8 thức. Do đó không phải là tự lợi và lợi tha 1 cách rốt ráo, cứu cánh viên mãn được.

2. Quan niệm tự lợi và lợi tha trong Phật giáo

Trong Phật giáo quan niệm về tự lợi và lợi tha được hình thành rất sớm, ngay thời Phật còn tại thế. Kinh Trường A-hàm có ghi lại một câu chuyện về Bà la môn Lohicca.[1] Ông là một Bà-la-môn nổi tiếng, không bị người khác khinh chê, phúng tụng thông suốt ba bộ Vệ-đà, có khả năng phân biệt hết các loại kinh sách, lại giỏi về tướng pháp, xem bói toán và giỏi nghi lễ tế tự. Một hôm đức Thế Tôn du hóa đến thôn Sālavatika và nghỉ ở một khu rừng gần đó thì Bà-la-môn Lohicca đến tham vấn và tỏ ý muốn cúng dường (offer). Theo Bà-la-môn nầy thì mỗi chúng ta hãy tự cứu lấy đời mình, hãy tự tu tập để giác ngộ và giải thoát lấy mình mà không nên chia sẻ cho người khác, đừng lo cho người khác, đừng nghĩ đến lợi tha, vì rằng không ai có thể tu tập thay cho ai được, không ai có thể giác ngộ cho ai được, mỗi người hãy tự lo cho cuộc đời của mình. Đức Phật biết được tâm niệm này của Lohicca, nên sau khi thọ thực xong, đức Thế Tôn trình bày quan niệm tự lợi và lợi tha trong Phật giáo để khai thị cho Lohicca.

Đức Phật đã chỉ cho Lohicca thấy: đạo Phật vì cuộc đời khổ nầy mà xuất hiện. Sự xuất hiện đó là để chỉ ra rằng những khổ đau có mặt đều có những nguyên do của nó. Nguyên do đó chính là lòng tham dục, sân hận và si mê. Vì vô minh cho nên chúng sanh con người không nhận ra được chân tướng của vũ trụ vạn hữu, không nhận ra được bản chất của cuộc đời, và vì vậy chúng sanh phải gánh chịu những nổi thống khổ trong nhà lửa tam giới. Bằng những phương pháp tu tập và quán chiếu, chúng sanh – con người giác ngộ nhận ra được bản chất của cuộc đời và thoát ra được mọi khổ đau hệ lụy trong tam giới bất an, nhận ra bản lai diện mục, chân tâm Phật tánh của mình, đạt đến giác ngộ giải thoát. Quá trình nỗ lực hành trì vĩ đại ấy được gọi là tự lợi. Như vậy, tự lợi theo Phật giáo là tự mình tu tập để thoát khỏi những khổ đau hiện tại và đạt được giải thoát an vui, giác ngộ. Tự lợi là tự mình tu tập, quán chiếu để tự dập tắt ngọn lửa đại phiền não tham sân và si, chứng quả Niết-bàn tịch tịnh. Danh từ ‘tự lợi’ được dùng trong Phật giáo hoàn toàn không có nghĩa là mưu cầu lợi ích cá nhân bằng năm món dục: tài, sắc, danh, thực và thụy.

Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, đức tánh viên minh và đức Phật khẳng định tất cả chúng sanh đều có thể giác ngộ thành Phật như Ngài đã tu chứng. Vì vậy, cứu độ chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh vượt thoát qua biển khổ, đạt đến giác ngộ trở thành bản nguyện của tất cả chư Phật. Sự cứu độ đó chỉ có ý nghĩa như một người chỉ đường bậc Đạo sư mà thôi, và đó cũng chính là ý nghĩa của lợi tha. Lợi tha theo đúng tinh thần Phật pháp có nghĩa là chỉ đường cho tất cả chúng sanh – con người phương pháp tu tập để cùng đi đến giác ngộ giải thoát an vui; chỉ cho chúng sanh thấy rõ được đi theo con đường nầy là bị trầm luân khổ đau, còn nương theo giáo pháp tu tập là hướng đến Thánh đạo Niết-bàn, trở về với ngôi nhà Phật tánh của mình. Nói khác, lợi tha trong Phật pháp bao gồm cả 2 phương diện vật chất lẫn tinh thần; quan trọng là tinh thần – thế gian và xuất thế gian, hiện tại và tương lai; không thấy có nhân – ngã, không phân biệt kẻ làm ơn và người thọ ơn. có 2 loại lợi tha, đó là:

(a) Lợi tha bằng vật chất, tức là tài thí, có 2 thứ ngoại tài thí và nội tài thí.

Ngoại tài thí là đem những vật chất, đồ ăn, thức uống, thuốc men, tiền bạc của mình giúp người, cứu người hay vật; sửa sang đường xá, cầu cống, ruộng vườn v.v…

Nội tài thí là lấy sức lực tài năng, thời giờ, sinh mệnh của mình để giúp người, cứu người.

(b) Lợi tha trên phương diện tinh thần, tức là pháp thí, cũng có 2 thứ vô úy thí và pháp thí.

Vô úy thí là làm cho người hay vật không còn nỗi sợ hãi, lo lắng, hoang mang, khi họ đang gặp tai nạn bất an trong cuộc đời; nói 1 cách khác, chúng ta dùng đức từ bi để trấn an tinh thần của người hay vật, đồng thời đem lại sự yên ổn, an lành cho tâm hồn của họ.

Pháp thí là giảng giải giáo pháp những lời Phật dạy, khuyến khích người khác bỏ ác hành thiện, bỏ tà quy chánh, khiến cho tâm ý của mọi người hướng thiện, hướng đến quang minh, hướng đến trung đạo, hướng đến chánh thường, hướng đến sự an ổn, tỏ rõ đường tu để thoát khỏi cảnh khổ luân hồi.

Cho nên, con người muốn tu tập đạt được diệu lý thanh tịnh là phải nương vào đâu để thành tựu? Không phải sống xa rời thế gian nầy mới gọi là giải thoát đạo. Không phải vậy, chúng ta biết rằng: hoa sen mọc lên từ bùn lầy, nhưng chúng không nhiễm bởi sự ô uế của bùn dơ nước đục, chúng ta cũng từ thế gian pháp nầy mà tu tập để chuyển bát thức thành tứ trí. Thì đây là pháp trạch diệt (S. Pratisaṃkhyā-nirodha; C. 擇滅) tu hành chuyển hóa, giải thoát rốt ráo của Phật pháp đối với các pháp thế gian. Xem đồ biểu dưới đây:

    

Chúng ta biết, các pháp thế gian đều nương vào thức mà hiện hữu, mà thức thì thường hay phân biệt, so đo, tính toán, ích kỷ, hẹp hòi…, thức ở đây được ví như sóng biển, gợi lên tạo thành phiền não; còn trí thì bình đẳng, thanh tịnh, viên minh, sáng suốt, cụ túc (đầy đủ). 1 khi chúng ta đã chuyển thức thành trí thì lúc đó chứng đạt cảnh giới chân như. Có nghĩa là khi bát thức đã chuyển hóa thì các pháp hư vọng của thế gian sẽ nương vào thức mà có mặt tự quay về với sự trạch diệt, mà 1 khi các pháp hư vọng đã diệt hết rồi, thì sẽ rốt ráo xa lìa sanh tử luân hồi khổ đau, chứng đắc cảnh giới chân như và thành tựu 4 trí.

– Chuyển đệ bát thức (tàng thức) thành Đại viên cảnh trí.

– Chuyển đệ thất thức (mạt na thức) thành Bình đẳng tánh trí.

– Chuyển đệ lục thức (ý thức) thành Diệu quan sát trí.

– Chuyển tiền ngũ thức thành Thành sở tác trí.

Như Lục Tổ Huệ Năng nói:

“Đại viên cảnh trí: Tánh thanh tịnh

Bình đẳng tánh trí: Tâm không bệnh

Diệu quan sát trí: Thấy chẳng công

Thành sở tác trí: Đồng viên cảnh.”

Sau khi đã chuyển thức thành trí rồi, thì lúc nầy góp phần vào công việc phụng sự chánh pháp, ứng cơ thị hiện, trục loại tùy hình, phổ hiện sắc thân, xiển dương diệu pháp trong sự nghiệp hoằng hóa độ sanh, thì đây mới gọi là giải thoát an vui thực sự, đúng pháp, đúng nghĩa, hợp chánh đạo. Nguồn an vui nầy có những đặc tính như sau:

Ngang đây, chúng ta có thể thấy, trong Phật pháp vấn đề tự lợi và lợi tha rốt ráo cần phải đoạn dục khử ái, phá trừ phiền não, giải thoát cứu cánh viên mãn. Do đó, nói đến “lợi” trong Phật giáo là cái “lợi” chân chánh, làm lợi ích, lợi lạc; là xa lìa sự hư vọng, xa lìa sự xấu ác, xa lìa sự nghèo thiếu (ở đây nói nghèo là nghèo về tư tưởng tinh thần), xa lìa sự thống khổ, để đạt đến sự chân thật, sự tốt đẹp, sự an lạc. Tự lợi và lợi tha, tức là làm cho chính mình và tha nhân đạt đến sự an lạc lợi ích có nghĩa là vậy. Để làm sáng tỏ ý nghĩa “lợi” này, sẽ được trình bày trong 5 nguyên lý sau đây:

a. Chỉ có Phật pháp mới có sự tự lợi chân chính

Cái lợi của thế gian, là tô bồi làm giàu cho tư lợi bản thân của chính thể. Tất cả những cái lợi đó đều bị chi phối sở khiên bởi sự phân biệt cái ta và cái của ta (i, my, mine). Vì nghiệp cảm của chúng sanh con người mê mờ vô minh che lấp, ngày cũng như đêm luôn dấn thân vào những pháp hữu vi, giả tưởng mộng huyễn cho là thật có, bền lâu, nhưng khi con người nhắm mắt xuôi tay thì thân ngũ uẩn phù vân nầy cũng theo luật vô thường luân hồi trả về cho tứ đại: “…Trần thế ban cho, mỗi người hai thước đất, sao cứ mãi giật giành, câu được mất hơn thua. Dù ngôi vua, hay là đôi tay trắng, mưa nắng chôn vùi, cuộc đời hóa phai phôi…” [2] Vậy còn cái gì là ta và cái gì là của ta nữa chứ? Do con người ta chưa giác ngộ được tính lý vô thường, nên mãi rong ruổi đuổi bắt tìm kiếm cái có trên cái có, lấy cái hữu hình để tìm cầu cái hữu hình thì làm sao được, điều mà đức Phật đã dạy trong kinh Kim Cương: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.”[3] Nghĩa là: Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai. Cái tự mình vốn không thật có, vậy mà còn sớm tối lo đi tìm cái lợi, vậy thì thử hỏi cái lợi đó là dành cho ai đây? Trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã khẳng định chỉ rõ cho con người thấy được: “Con tôi tài sản tôi, người ngu sinh ưu não, tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu.”[4] Nhưng đời oái ăm thay! những sự việc chết chóc đành rành diễn bày ra trước mắt, có đó rồi mất đó, gặp người thân phút trước, phút sau thành ra người thiên cổ “Tang trí kỳ ai” (喪 致 其 哀).[5] mà con người cũng chưa tỉnh ngộ được luật vô thường biến đổi tang thương, vẫn dửng dưng thờ ơ lạnh nhạt tranh giành cái lợi khi cái chết cận kề đến với mình.

Cho nên, chỉ có Phật pháp mới có cái tự lợi chân thật, cái tự lợi chân thật nầy xa lìa các pháp tướng, không còn sự sinh diệt, còn mất, hơn thua, phân biệt người thân kẻ sơ, ngã nhân, bỉ thử, mà chỉ có tự tánh chân thật, tự tại mà thôi. Nếu ai tìm thấy được cái tự tánh chân thật ấy, thì mới có thể dứt trừ đoạn tuyệt khổ đau của thế gian, mà đạt được sự an vui giải thoát của Phật pháp. Đây mới là sự tự lợi chân chánh và duy nhất chỉ có Phật pháp mới có cái tự lợi chân chánh nầy.

b. Phật pháp lấy lợi tha làm tự lợi

Trong Phật pháp lấy lợi ích của chúng sanh để làm viên mãn hạnh nguyện cho chính mình; dùng tâm đại từ bi để hộ niệm cho chúng sanh, dùng sức phương tiện lớn để cứu độ rộng khắp muôn loài chúng sanh, khiến cho chúng sanh dứt trừ hết khổ đau, sầu não, để đạt được sự  an vui, thảnh thơi, thong dong, giải thoát. Từ đây mà thành tựu được vô lượng vô biên công đức, rồi sau mới chứng đạt quả vị Vô Thượng Bồ Đề, tức giác ngộ thành Phật. Trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Vị Bồ-tát sơ phát tâm là tự mình chưa được độ, nhưng trước lại muốn độ người khác.” Đây chính là tâm nguyện dùng sự lợi tha để thành tựu sự tự lợi, nên được gọi là: “lấy sự lợi tha chân chánh của Phật pháp để làm tự lợi”. Giá trị tinh thần lợi tha nầy được phổ quát trong dân gian, nghị lực của người mẹ khi chăm sóc nuôi nấng đứa con trẻ bụ bẫm ngây thơ (chubby); Bồ-tát vì lòng thương tưởng từ bi phải dấn thân vào đời ngũ trược ác thế để cứu độ chúng sanh – con người mong thoát khỏi sông mê, nhà lửa tam giới. Tôn giả A-nan với lòng bi mẫn cứu độ chúng sanh, nên phát lời đại thệ nguyện: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như  nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất y thử thủ Nê-hoàn”. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, tâm lượng bao dung của Bồ-tát vì chúng sanh mà xin nguyện chịu bao khổ não: “Sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng. phát đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết, nguyện đại chúng sanh, thọ vô lượng khổ, linh chư chúng sanh, tất cánh đại lạc.”[6] Nghĩa là: Sanh tử thiêu đốt, khổ não vô biên, phát tâm Đại thừa, cứu độ tất cả, nguyện thế chúng sanh, chịu vô lượng khổ, khiến cho tất cả, thảy được vui lớn. Tinh thần lợi tha nầy một lần nữa được tuyên thuyết trong Luận Đại Trượng Phu: “Thế gian vị kỷ nên lao nhọc thân tâm trong sinh tử; Bồ-tát tâm trí thảnh thơi vì thường từ bi lợi người. Người ta ngoài pháp tự lợi không có chi vui, Bồ tát ngoài điều lợi tha không có chi vui. Bồ-tát nếm được khí vị khoái lạc của sự lợi tha, nên biết lợi tha là tự lợi. Bỏ tự lợi thích lợi tha thì biết tự lợi là lợi tha, lợi tha là tự lợi, vì sự an vui lợi người là sự an lạc lợi mình”.[7] Cho nên, ý nghĩa cao đẹp nhất của sự lợi tha trong Phật pháp được phổ biến và áp dụng: “Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ, đệ tử nguyện sống cuộc đời thiểu dục, nếp sống lành mạnh an hòa, cho thân thể kiện khương, nguyện rũ bỏ âu lo, học tha thứ bao dung, cho tâm tư nhẹ nhõm.”[8]

c. Phật pháp vì lợi tha nên trước phải cầu sự tự lợi

Bồ-tát nguyện cứu độ tất cả mọi loài chúng sanh, nguyện lực tuy rất lớn lao, nhưng để làm được như ý nguyện đó thì không dễ dàng chút nào. Nếu chưa vững tâm Bồ đề mà ra dấn thân trong đời hành đạo thì gặp những cảnh chướng tai gai mắt, dễ nỗi phiền não tham sân sinh khởi. Cho nên, chỉ có trong Phật pháp mới có đủ năng lực lớn để thực hiện những chí nguyện ấy, và cũng mong cầu có được năng lực đó, mà trước tiên tìm cầu cái lợi tự mình giải thoát, nên mới nói là: “Phật pháp vì lợi tha nên trước phải cầu sự tự lợi”. Tự mình có niềm vui, an lạc, có năng lượng tu tập giải thoát, rồi mình mới chia sẻ, hướng dẫn giảng giải Phật pháp cho người khác cùng tu, cùng đi trên con đường chánh giác để trở về ngôi nhà bảo sở thanh lương. Người tu học Phật pháp khi đủ duyên ra hành đạo thì người đó phải kiện toàn các tiêu chuẩn nội điển cũng như ngoại điển. Trong Phật giáo có ngũ minh (nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh, y phương minh). Dân gian thường nói: “Cha mẹ cần phải hiểu rõ bản thân, phải khỏe mạnh và hạnh phúc thì con cái mới có được hạnh phúc.” Nghĩa là, cha mẹ sống có hạnh phúc mới có đủ năng lượng truyền tải giáo dục con cái trong dòng từ trường hạnh phúc ấy, và ngược lại. Cho nên, trong bài Sám Quy Mạng, ngài Di Sơn Thiền sư nói rằng: “…Đắc lục chủng chi thần thông, viên nhất sinh chi Phật quả, nhiên hậu bất xả pháp giới, biến nhập trần lao, đẳng Quán Âm chi từ tâm, hành Phổ Hiền chi nguyện hải, tha phương thử giới, trục loại tùy hình, ứng hiện sắc thân, diễn dương diệu pháp…” Nghĩa là: Chứng đủ sáu thần thông, một đời tròn quả Phật, rồi không bỏ lìa pháp giới, hiện vào khắp cõi trần lao, trải rộng lòng từ như đức Quán Âm, theo gương đức Phổ Hiền hành đại nguyện, phương nầy cõi nọ, tùy thuận muôn loài, ứng hiện sắc thân, tùy cơ thuyết  pháp…

Pháp sư Ấn Thuận (1906-2005) trong “Bảo Tích Kinh Giảng Ký” (trang 275) có nói: “Bồ-tát tu học Phật pháp, là vì chúng sanh”. Khi chúng ta muốn làm lợi ích chúng sanh, thì mình phải gương mẫu, như mình không làm tấm gương tốt, mà chỉ hy vọng người khác lo tu học Phật pháp, thì không dễ khiến cho mọi người sanh tín tâm. Vì vậy, chúng ta muốn lợi ích chúng sanh, thì cá nhân phải tu trì ngộ nhập, tự đối trị phiền não của mình. Vì vậy, Bồ-tát là vì lợi tha mà tự lợi, từ trong lợi tha hoàn thành tự lợi.”[9]

d. Sự tự lợi và lợi tha của Phật pháp là bình đẳng, không phân biệt trước sau

Tư tưởng Phật giáo Đại thừa, sự tự lợi và lợi tha luôn hợp nhất đều bình đẳng như nhau, trong tự lợi có lợi tha và trong sự lợi tha đã hàm chứa tự lợi. Chúng ta biết rằng, tất cả chúng sanh và chư Phật đều cùng chung 1 lý tánh thanh tịnh, ở đồng thể đại bi bình đẳng: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”. Nghĩa là: người lễ và người được lễ tánh viên minh vắng lặng. Do đó, khi làm lợi cho người khác cũng là lợi ích cho chính hạnh tu của mình, gia công trợ duyên cho con đường đạo quả giải thoát của chính mình. Trong Luận Đại Trượng Phu, ngài Ca-na-đề-bà (Kanadeva) nói: “Thế gian lợi người thì hy vọng đền trả, Bồ-tát lợi tha thì xả bỏ tất cả. Lòng từ bi rất bình đẳng, bình đẳng thương mến tất cả chúng sinh, nhưng với người oán thù Bồ-tát càng làm lợi ích cho họ. Sự hoan hỷ của Bồ-tát khi vì những người oán thù làm lợi ích, thí dụ hy sinh tánh mạng cho họ chẳng hạn, thì sự hoan hỷ ấy đến cực độ: có thế mới là rất bình đẳng, không vậy thì thật bất bình đẳng. Với người oán thù mà càng làm lợi ích, đó là xứng hợp tâm từ bi mà hành động.”[10]

Không chỉ dừng lại ở đó, hơn thế nữa, tâm Bồ-tát luôn nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng chúng sanh con người 1 cách bình đẳng nhất như, không phân biệt ngã-sở; thân-sơ; trước-sau. Sống không giận không hờn không oán trách đối với bất cứ 1 chúng sanh nào, luôn rải tâm từ bi[11] mà tế độ chúng sanh. Ngài Ca-na-đề-bà (Kanadeva) nói: “Bồ-tát đối với chúng sinh lòng thương bình đẳng, nhưng với người độc ác càng tha thiết thương xót hơn. Lòng thương của Bồ-tát thương mến chúng sinh khác nào lòng thương cha mẹ gửi nơi bầy con, nhưng lòng thương của Bồ-tát thương người ác cũng như cha mẹ lo cho đứa con hư: càng hư càng lo, càng ác càng thương. Chúng sinh oán thù đối với Bồ-tát chỉ một lòng ác, Bồ-tát từ bi đối với oán thù chỉ một lòng thương.

Thế gian được đền ân thì lòng hoan hỷ, sự hoan hỷ ấy không bằng sự hoan hỷ của Bồ-tát khi làm lợi ích cho kẻ oán thù. Thế gian chửi người, mắng người, người không trả lời thì hoan hỷ; Bồ-tát bị người chửi mà lòng không giận trả thì hoan hỷ…”[12]

Tánh lợi tha càng rộng lớn thì lợi ích càng lan xa, từ một vùng đến một tỉnh, từ một tỉnh đến một nước, từ một nước đến nhiều nước; từ người đến vật, từ vật đến cỏ cây. Tánh lợi tha nầy không những chỉ ích lợi cho người khác mà cũng ích lợi rất nhiều cho chính người làm lợi tha nữa. Nhờ lợi tha mà người ta mở rộng lòng từ bi, trau giồi trí tuệ, áp dụng có hiệu quả tánh bình đẳng của Phật.

e. Chỉ có Phật pháp mới có lợi tha chân chánh

Danh từ ‘tha’ (cái khác) là đối với ‘ngã’ (tự mình) mà nói, ngoài bản thân ngũ uẩn của chúng ta đây, thì tất cả mọi chúng sanh trong thế gian đều có thể dùng từ tha để khái quát chung, nhưng xét trên phương diện thế gian pháp thì ‘ngã’ và ‘tha’ vẫn nằm trong sự phân biệt đối đãi, hữu tình; đều thuộc phạm vi của thế gian pháp, so đo tính toán, ích kỷ, hẹp hòi, bủn xỉn, keo kiệt; thuận nghịch, sự vọng tưởng mê mờ không sáng suốt, mang tính hư vọng không thật, suy đi ngẫm lại cũng vẫn nằm trong cái có và không của thế gian, cùng chung bể khổ giống như nhau chứ có khác gì đâu! “Người hạnh phúc và người đau khổ, đều gặp nhau trắng toát ở nới này, đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc, đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may…” (Trần Đăng Khoa). Nói chung, tất cả danh lợi cung kính của thế gian đều nằm trong sự mộng tưởng hư huyễn không thật. Vì vậy, con người nếu dùng nó để làm lợi cho mình thì tin chắc 1 điều rằng là không có kết quả cứu cánh an nhiên toàn bích được, và nếu lấy chúng làm lợi cho người khác thì cũng chẳng có ích gì cả, vì ngay cái bản thể của tự lợi đã không thật, giả huyễn thì làm sao lợi tha là trường cửu an trụ vững bền được. Chúng ta phải biết, cái gì chân thật thì cái đó bất hư; cái gì là lõi cây thì cái đó sẽ tồn tại lâu dài (Yo sàro so thassati).[13] Trong kinh Niết-bàn nói: “Người còn nhiều phiền não, nhưng nếu họ hiểu được một phần ý nghĩa chân thật của Phật pháp thì có khả năng làm nơi y chỉ cho người khác.” Do đó, Bồ-tát vì lợi tha nên hành động các nhiếp pháp gọi là tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự nhiếp) không bao giờ chán mệt, than phiền, cũng như đại địa duy trì nuôi dưỡng vạn vật không khi nào mệt mỏi. Chúng ta cũng nên tu tập quán chiếu tâm như địa, cho dù có dơ sạch, nóng lạnh… cũng không buồn phiền, mà xem đó là bước đầu của việc thử thách khổ hạnh trên đường hành đạo, chúng ta đang hành Bồ-tát đạo ngay trong đời hiện tại thực tế nầy, cổ nhân có câu: “Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh. Hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương”. Cho nên, chỉ có Phật pháp mới có sự tự lợi chân chánh, từ đó suy ra được rằng, sự tự lợi nầy do tha mà có, và cũng chỉ có Phật pháp mới có cái lợi tha chân chánh. Sự lợi tha chân chánh ấy được nhìn nhận trên 3 phương diện:

+ Về nhân: Đức Phật dạy: “Bồ-tát suốt ngày hóa độ chúng sanh, nhưng không thấy có 1 chúng sanh nào được hóa độ”.

Nhận định: Nếu đứng về phương diện, “tam luân không tịch”, giữa chủ thể, khách thể và pháp cả 3 luôn vắng lặng, không chấp vào chính thể, khách thể và pháp mà mình bố thí. Còn nếu nghiêng về khía cạnh hình thức, thì Bồ-tát vì lòng đại từ đại bi thương xót chúng sanh, nên các ngài dùng nguyện lực để hòa quang đồng trần, dấn thân vào cõi hồng trần cứu độ chúng sanh ra khỏi nhà lửa, ác thú. Dưới thị nhãn của Bồ-tát nhìn chúng sanh là duyên sanh, duyên hợp, không thật tánh, nên không thấy có 1 chúng sanh nào được hóa độ. Nếu Bồ-tát còn thấy chúng sanh nào được hóa độ, tức còn nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, nghĩa là còn đối đãi, nên không phải là Bồ-tát thực thụ (thứ thiệt). Kinh Kim Cương nói: “Tu-bồ-đề! Nhược hữu Bồ-tát ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát. Phục thứ, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư Bồ-tát”.[14]

+ Về pháp: Đức Phật đã từng tuyên bố: “Như Lai suốt 49 năm thuyết pháp nhưng Ta chưa nói 1 lời nào”.

+ Về pháp hành: Bồ-tát tuy làm tất cả các Phật sự, nhưng không thấy có Phật sự nào làm cả, cho nên sớm thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, như ngài Hương Hải thiền sư (1628 – 1715) Thời Hậu Lê, Việt Nam đã nói: “Nhạn  quá  trường  không, ảnh   trầm     hàn   thủy. Nhạn  vô     di       tích      chi       ý, thủy     vô    lưu    ảnh    chi    tâm.”[15] Nghĩa là: Nhạn bay trên không, bóng chìm đáy nước, nhạn không có ý để dấu, nước không có tâm lưu bóng.  Đó là nguyên lý tự lợi và lợi tha chân chính của Phật pháp.

C. Kết luận

Thực chất không có sự khác biệt giữa tự lợi và lợi tha. Khi chúng ta tự lợi thì đã lợi tha rồi. Tự mình chuyển hóa ra khỏi khổ đau, sống an lạc, hạnh phúc thì những người xung quanh mình cũng có an lạc, hạnh phúc đồng hưởng. Nói dễ hiểu, khi cuộc sống con người có an lạc thì những người thân cũng có được an lạc. Chẳng hạn một nụ cười hoan hỷ đã xóa tan mọi ưu phiền; nhưng để lợi tha chân chính thì bản thân đương thể ấy  phải không vị kỷ, có nghĩa là phải vô ngã mới được.

Ở đây muốn nói thêm, mỗi chúng ta đều có sinh mệnh vô hạn, nhưng sở dĩ không thực hiện được là vì chúng ta quá lệ thuộc vào sinh hoạt hiện thực, bị vật dục trói buộc, không thể vươn lên lý tưởng sinh mệnh tuyệt đối được. Bởi thế, nếu muốn thực hiện được sinh mệnh tuyệt đối, cần phải vượt lên trên sinh hoạt hiện thực ràng buộc con người. Mà muốn vượt lên trên mọi sinh hoạt hiện thực thì phải quyết tâm, quyết chí điều phục dục vọng bản năng, nhất là ngã chấp, ngã dục. Điều phục được ngã chấp, ngã dục thì sinh mệnh tuyệt đối tự nó sẽ biểu hiện, vì con người lúc đó đã tự giác, đã được giải thoát. Để quá trình chuyển hóa đó đạt đến giác ngộ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực bản thân, phải có tinh thần phấn đấu mạnh mẽ nhất và bất tuyệt. Đó là ý chí tự lực, tức là tự lợi và rõ ràng, điều mà chúng ta chỉ có thể hướng dẫn người khác những phương pháp tu tập để họ cũng tự dập tắt ngã chấp, ngã dục và phiền não mà chúng ta không thể dập tắt cho họ được, gọi là: “Như nhân ẩm thuỷ, lãnh noãn tự tri”[16] Nghĩa là: như người uống nước, nóng hay lạnh tự mình biết lấy, đó là lợi tha. Cho nên, để hiểu tự lợi và lợi tha đúng pháp là khi con người đã chuyển bát thức thành tứ trí, đạt tới cứu cánh, nhất chân pháp giới, nhị lợi phổ đồng, tự – tha dung thông vô chướng ngại.


Tham khảo và chú thích

[1] Tương đương kinh Trường Bộ, 12 – Kinh Lohicca (Lohicca sutta).

[2] Lời bài hát Hai thước đất, nhạc sĩ Phạm Hưng.

[3] 凡所有相,皆是虛妄. 若見諸相非相,即見如來.

[4] Kinh Pháp Cú, kệ 62, tr. 22.

[5] Tang trí kỳ ai: Bốn chữ nầy được mượn trong câu nói của đức Khổng Tử (551-479 Tr.TL): “Hiếu tử chi sự thân: cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm.” (孝子之事親, 居則致其敬, 養則致其樂, 病則致其 憂, 喪則致其哀, 祭則致其敬). Nghĩa là: người con hiếu thờ cha mẹ, lúc ở thì hết lòng cung kính, khi nuôi thì hết sức vui vẻ, khi bịnh thì hết lòng lo lắng, khi mất thì hết sức bi ai, lúc tế thì hết mực nghiêm kính.

[6] 生死 熾 然,苦惱 無 量,發大 乘 心,普濟 一 切,願代 衆 生,受無 量 苦,令諸 衆 生,畢竟 大 樂. 

[7] Luận Đại Trượng Phu, các tr. 51-52.

[8] Quy nguyện – Làng Mai.

[9]  Phước Huệ Tập 1, các tr. 213-214.

[10] Luận Đại Trượng Phu, tr. 52.

[11] Nguyện cho tất cả chúng sanh được an vui (P. Sabbe sattā sukhitā hontu).

[12] Sđd, các tr. 52-53.

[13]  Xem thêm  Kinh Trung Bộ 1, 29 – Đại kinh Thí dụ lõi cây (Mahasaro-pamasuttam).

[14] Kinh Kim Cương.

[15]雁  過  長  空/ 影  沈  寒  水/ 雁 無 遺  跡  之  意/ 水  無 留  影 之 心.

[16] 如人飲水, 冷暖自知.

Phật Thừa Tông Yếu Luận