Phật Thừa Tông Yếu Luận Giảng Giải – Nguyên Định

BÀI 5: Phật Giáo Với Những Nhu Cầu Thiết Yếu Của Thời Đại

A. Giới thiệu

Điều quan trọng trong Phật pháp cũng như nhu cầu thiết yếu của thời đại là lời nói phải luôn phù hợp với hành động việc làm gọi là “tri hành hợp nhất”.[1] Nghĩa là: hiểu biết và thực hành phải đi đôi với nhau. Trong Văn cảnh sách, Tổ Quy Sơn luôn nhắc nhở mọi người: “Xuất ngôn tu thiệp ư điển chương, đàm thuyết nãi bàng ư kê cổ. Hình nghi đĩnh đặc, ý khí cao nhàn”.[2] Nghĩa là: nói ra phải phù hợp với kinh điển, luận bàn phải dựa theo khuôn mẫu của người xưa. Hình dáng phải trang nghiêm tề chỉnh, tâm chí phải thong dong siêu thoát. Do đó, căn cứ trên cơ sở nầy, pháp mà đức Thế Tôn thuyết ra luôn lưu xuất từ bản tâm chân như thanh tịnh, để đem lại sự giải thoát cho chúng sanh, lợi lạc nhân thiên, vạn loài. Vì vậy, nội dung bài nghiên cứu nầy, chúng ta tìm hiểu về 3 vấn đề chính của Phật pháp trong thời đại mới, đó là:

1. Các nguyên tắc của Phật pháp là nói về tính khế cơ và khế lý, chỉ thẳng vào tâm con người để chuyển hóa mọi sự khổ đau vướng mắc, cởi bỏ những ràng buộc oan khiên thành hương vị ngọt ngào hạnh phúc giải thoát trong chánh pháp. 

2. Phật giáo cần phải thích hợp với thời cơ để giáo hóa chúng sanh.

3. Tính thiết yếu của Phật pháp đối với cộng đồng xã hội và thế giới.

B. Nội dung

1. Các nguyên tắc của Phật pháp là nói về tính khế cơ và khế lý

Thế nào gọi là khế cơ? có nghĩa là phù hợp với căn cơ, căn tánh, thời cơ, hoàn cảnh, môi trường, xứ sở, cảnh giới, không gian và thời gian; phù hợp với nhân sinh cũng thế giới quan. Nói khác đi, khế cơ là hợp với cơ duyên của từng chủng loại, nhân duyên phước báu. Đức Phật phương tiện thích hợp với tất cả mọi loài mà thuyết pháp, chúng sanh đều được giác ngộ.

Thế nào gọi là khế lý? Có nghĩa là phù hợp với chân lý, đạo lý, pháp lý, lý tánh bình đẳng chân như, chánh pháp. Hay nói khác, khế lý là hợp với lý chân thật của nhất thiết pháp, là tánh tướng chân thật của muôn sự vạn vật. Do trí tuệ tuyệt đối của đức Phật tự thân chứng ngộ, rồi đem chỗ thân chứng ấy khai thị cho chúng sanh đều được chứng nhập pháp phần giống như Phật đã thành. Đó là đức Phật y theo nguyên tắc khế lý mà thuyết pháp vậy.

Tính khế cơ và khế lý bắt nguồn từ chữ “khế kinh” (契經), những lời được lưu xuất từ kim khẩu của đức Phật chân ngôn mật ngữ, xa lìa vọng tưởng, điên đảo mộng mị, mơ tưởng ảo huyền, ly tướng chấp mắc hiện tượng cảnh vật trong đời. Cho nên, chữ ‘khế’ có nghĩa là hợp. Tất cả giáo điển của đức Phật đều kiến lập trên nguyên tắc ấy.  Xem biểu đồ bên dưới.

Người học Phật phải được lợi ích chân thật, vậy lợi ích chân thật đó là gì? Đối với Phật giáo tại các nước Đông Nam Á nói chung, riêng tại đất nước hình chữ S Việt Nam thân yêu của chúng ta, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa (S. Mahāyāna), khi bàn về vấn đề cúng sao giải hạn vào dịp rằm tháng giêng Âm lịch hằng năm, không biết bắt nguồn từ lúc nào? Truy cứu về kinh tạng Nikāya thì không hề đề cập đến vấn đề nầy, nhưng trong bản kinh Đại thừa Phật giáo, Kinh Dược Sư hay nói đầy đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức Kinh, có chỉ dạy phương pháp, cách thức để cầu an cho người bệnh nan y, trong kinh chỉ dạy rằng:

“…Nếu trong lúc đó những bà con quen biết, vì người bịnh ấy, quy y với Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và thỉnh chúng Tăng đọc tụng Kinh này, đốt đèn bảy từng, treo thần phan tục mạng năm sắc thì hoặc liền trong lúc ấy, hoặc trải qua bảy ngày, hai mươi mốt ngày, ba mươi lăm ngày, bốn mươi chín ngày, thần thức người kia được trở lại như vừa tỉnh giấc chiêm bao, tự mình nhớ biết những nghiệp lành, nghiệp dữ và sự quả báo đã thọ. Bởi chính đã rõ thấy nghiệp báo như vậy, nên dầu có gặp phải những tai nạn nguy hiểm đến tánh mạng cũng không dám tạo những nghiệp ác nữa…”[3]

Phương pháp cầu an cho người bịnh khổ ấy, không chỉ đối với đương thể người bịnh thực hiện mà tất cả mọi người đều phải đồng tâm đồng lực, dị khẩu đồng âm, nhất tâm hướng về Tam bảo, hướng về đức Phật Dược Sư, cùng tụng kinh cầu nguyện, hồi hướng cho đương sự người bịnh đó, thì nhân duyên phước lành người bịnh nan y ấy nhờ nghiệp lực lành xoay chuyển mới được bình phục, kinh nầy dạy rằng:

Lúc bấy giờ, ông A Nan hỏi Cứu Thoát Bồ Tát rằng: “Này thiện nam tử, nên cung kính cúng dường Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai như thế nào? Còn đèn và phan tục mạng phải làm cách sao?”

Cứu Thoát Bồ Tát nói: “Thưa Đại Đức, nếu có người bịnh nào, muốn khỏi bịnh khổ thì quyến thuộc họ phải thọ trì tám phần trai giới trong bảy ngày, bảy đêm, tuỳ theo sức mình sắm sửa đồ ăn uống và các thứ cần dùng khác cúng dường chư Tăng, ngày đêm sáu thời, lễ bái cúng dường Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đọc tụng Kinh này bốn mươi chín biến và thắp bốn mươi chín ngọn đèn, lại tạo bảy hình tượng Đức Dược Sư, trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, mỗi ngọn lớn như bánh xe, đốt luôn trong bốn mươi chín ngày đêm đừng cho tắt; còn cái thần phan thì làm bằng hàng ngũ sắc bề dài bốn mươi chín gang tay và phải phóng sanh bốn mươi chín thứ loài vật thì người bịnh ấy qua khỏi ách nạn, không còn bị hoạnh tử và bị các loài quỷ nhiễu hại.”[4]

Tuy nhiên, tính khế cơ luôn mang tính linh hoạt uyển chuyển, làm sao chỉ thẳng vào trọng tâm đối tượng người cần nói đến. Ví dụ: có người thân quá vãng, họ sanh ra buồn rầu, sầu khổ thì chúng ta nên thuyết giảng về pháp vô thường, khổ, vô ngã. Hơn nữa, căn cơ của chúng sanh – con người có sai khác nhau, vì do phước báu và nghiệp quả của mỗi người. Có 3 hạng căn cơ đó là: bậc hạ, bậc trung và bậc thượng, tùy bịnh mà cho thuốc. Cũng vậy, tùy theo nhận thức có cao, thấp mà nói pháp, nhưng mục đích rốt ráo là chuyển mê khai ngộ ly khổ đắc lạc, phá vỡ vọng chấp sai lầm của đối tượng sở thuyết (người được nghe pháp), người nói pháp là năng thuyết. Cho nên, người xưa thường nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bên cạnh đó, tính khế lý phải làm sao dẫn dắt họ quay về quy y chánh giác, khai mở chân tâm, hiển lộ Phật tánh. Thông qua các khóa lễ thông thường như: cầu an, cầu siêu, các khóa tu v.v… Mục đích là làm cho người Phật tử cũng như người sơ cơ mới vào đạo, họ phát khởi tín tâm với Tam bảo Phật Pháp Tăng, tin vào chánh pháp, để từ đó họ đủ năng lực chuyển hóa phàm tâm thành thánh tâm hay Phật tâm, cho dù họ có gặp phải chuyện bất trắc nghịch duyên trong cuộc đời, họ cũng không thối thất Bồ đề tâm.

Cho nên, người đạo sư đóng 1 vai trò rất quan trọng trong vấn đề hướng dẫn tâm linh đưa người từ cõi vô minh mê mờ u tối bước lên ngôi nhà cao ráo giải thoát, điều đó đòi hỏi người thầy phải có đủ năng lực tâm linh, và công phu tu tập hành trì, trong 3 sự giáo hóa thì thân giáo cực kỳ quan trọng.

Tính khế lý và khế cơ luôn có sự hài hòa với nhau, giúp cho đối tượng con người sanh tâm hoan hỷ trong pháp tu, pháp học và pháp hành; giữ vững niềm tin kiên cố chắc chắn nơi Tam bảo. Ví như 1 trận mưa thì tất cả cỏ cây, hoa lá, vạn vật trên mặt đất đều nhận lãnh, nhưng tùy theo cây nhỏ thì hấp thụ ít, cây lớn hấp thụ nhiều; cũng vậy trong hội chúng, pháp thoại được nói ra tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người mà có khác. Kinh Pháp hoa, phẩm Phương tiện, khi đức Phật nói về pháp Nhất thừa thì đồng loạt cả thảy 5.000 người liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà lui ra, vì sao? Vì họ không tin, kinh nói: “Khi đức Phật nói lời đó, trong hội có các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ, cả thảy năm nghìn người, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật mà lui về. Vì sao? Vì bọn người này gốc tội sâu nặng cùng tăng thượng mạn, chưa được mà nói đã được, chưa chứng mà cho đã chứng, có lỗi dường ấy, cho nên không ở lại. Đức Thế Tôn yên lặng không ngăn cản.”[5]

Cho nên, pháp Đại thừa không dễ gì ai cũng có thể tiếp nhận được. Cái gì con người không thấy thì đừng vội tuyên bố là không có, như người mù làm sao thấy ánh sáng? Đương thời ngài Thái Hư nhận thấy Phật pháp quá suy đồi, đạo cũng như đời hiểu Phật pháp 1 cách thiên lệch, nếu có giải thích giáo lý Phật cho người thì cũng vì tư lợi cho chủ nghĩa cá nhân, chẳng đem lại lợi ích thiết thực cho số đông cộng đồng Phật giáo. Cho nên, thời thuyết pháp có giá trị cao, chuyển hóa được lòng người là áp dụng đúng nguyên tắc khế cơ và khế lý song vận.

2. Phật giáo cần phải thích hợp với thời cơ để giáo hóa chúng sanh

Một trong những đặc tính của giáo pháp là “thiết thực hiện tại” (P. Sanditthika), luôn sống động trong mọi thời đại, mọi lúc và mọi nơi. Pháp được xem như dòng pháp vũ, làm cho thân tâm con người thanh lương, tươi mát, tâm tánh nhẹ nhõm, như gió thoảng mây bay; vì lợi ích cho chúng sanh an lạc của con người nên giáo pháp luôn được khế hợp với đối tượng để giải phóng những vấn nạn khổ đau có mặt trong đời. Với tính thiết thực đó, nên Phật pháp bất ly thế gian pháp, sự liên kết giữa đời và đạo; đạo Phật có mặt để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, ước muốn của chúng sanh con người, rồi duyên theo âm thanh tiếng kêu tiếng gọi đó để xoa dịu, làm vơi đi những nỗi khổ niềm đau của kiếp nhân sinh, đồng thời chỉ cho họ phương pháp thần dược diệu lý để giải trừ căn bịnh trầm kha, thâm căn cố đế mà từ bao đời phải gánh chịu. Một khi con người giác ngộ được giáo lý Phật đà, nhận diện rõ bản chất sự thật của cuộc đời là vô thường, để từ đó tịnh hóa thân tâm. Lục tổ Huệ Năng nói: “Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp.”[6] Nghĩa là: Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp.

Nhưng khổ nỗi, đời oái ăm thay! Con người sống trong thời đại mạt pháp (S. Kali-yuga) hay thời đại suy vi, là hầu hết mọi người đều mất đi khả năng tâm linh, tinh thần minh mẫn và sự hiểu biết; tâm tánh chúng sanh nhiều loạn lạc mê muội, hay sanh lòng hủy báng, thân thường hý lộng buông lung, tâm ý ham thích mơ tưởng đủ điều, đánh mất đi chánh niệm, mãi chìm đắm trong biển khổ luân hồi sanh tử không ngừng, đọa vào các nẻo ác gian tà. Chúng ta hãy lắng nghe lời giáo huấn của Đại sư Atisha (982-1054):

Tất cả phước lành có được đều do sự giáo dưỡng của bậc Đạo sư tôn kính, nên phải luôn biết ơn Ngài. Quý vị không thể hàng phục người khác trừ khi quý vị có thể hàng phục chính mình,[ngtu là sửa lỗi chính mình, chứ k tìm lỗi chỉ trích ngkhác, đó mới thật là tu. sương trên nóc nhà mình hok quét, mà suốt ngày dòm ngó sương nóc nhà ngkhác]. Vì vậy hãy tự quán chiếu lại chính bản thân mình trước; quý vị không thể giúp đỡ người khác có được Thần thông (S. Abhijñāna) mà trong khi đó chính bản thân quý vị chưa đạt được Thần thông đó, cho nên hãy tinh tấn để thành tựu viên mãn (S. Siddhi). Khi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người ta sẽ bỏ lại tất cả tài sản những gì có được trong cuộc đời, đừng tích chứa những tài sản phi pháp trong thế gian này.

Hưởng thụ và phóng dật không đem lại giá trị đích thực cho cuộc sống, do đó hãy làm giàu cho bản thân mình bằng cách bố thí (S & P. Dāna) của cải là sự giàu có tối thượng, nhờ đó quý vị sẽ trở nên xinh đẹp ở kiếp này và hạnh phúc ở kiếp sau, phải luôn luôn giữ gìn tịnh giới (S. Viśuddha-śīla). Thái độ bất thiện tham lam, sân hận và si mê đầy xung đột và tội lỗi có rất nhiều ở kali-yuga (thời đại mạt pháp), do đó hãy tự bảo vệ chính mình bằng áo giáp nhẫn nhục, đừng chậm trễ do lười biếng gây nên, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc tinh tấn để giải thoát.

Cuộc sống con người gây nên phiền não, bởi lệ thuộc quá nhiều vào sự phóng dật xa hoa, vì vậy hãy thực hành Thiền định là diệu pháp để xóa tan màn đêm bóng tối của vô minh. Cần phải phân biệt rõ ràng giữa ý nghĩa tùy duyên với ý nghĩa tối thượng của chân lý. Này quý vị! Đừng vùi mình vào vũng lầy của luân hồi (S. Saṃsāra), mà hãy hướng về bến bờ an lạc giải thoát (S. Mokṣa), phải hiểu thấu rõ những lời dạy cao quý của bậc Đạo sư, thường xuyên quán chiếu về sinh tử như dòng sông đau khổ.”[7]

Đương thời ngài Thái Hư đại sư đã có tầm nhìn xa trông rộng, khi đứng trước cảnh nguy nan như thế, không chỉ khiến cho Phật pháp ngày càng bị suy vong, mà sợ rằng sẽ làm cho thế gian đi vào con đường tận diệt. Nên muốn giáo hóa chúng sanh – con người, Phật giáo cần phải thích hợp với thời cơ, xứ sở, nơi chốn, trên nguyên tắc ‘tùy duyên bất biến’ và ‘bất biến tùy duyên’.

3. Tính thiết yếu của Phật pháp đối với cộng đồng xã hội và thế giới

a. Phật pháp là 1 nhu cầu thiết yếu đối với những người có ý chí tinh nhuệ, thông qua tinh thần đại hùng, đại lực và đại từ bi

Thế nào gọi là đại hùng? Cái hùng của thế gian là khuất phục, điều chế cho bằng được đối phương để được danh tiếng. Tuy nhiên, đối với Phật giáo, đức Phật dạy trong kinh Pháp cú, Phẩm ngàn: “Dầu tại bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, tự thắng mình tốt hơn, thật chiến thắng tối thượng.”[8]

Thế gian kim cổ xưa nay chỉ khuất phục người bằng uy quyền và thế lực, chứ có mấy ai khuất phục nổi cái dục tình ham muốn  trong lòng của mình được đâu, gọi là “anh hùng nan quá mỹ nhân quan”.[9] Có biết bao nhiêu triều đại sụp đổ cũng vì nhan sắc của mỹ nhân, đem cả 1 giang sơn để đánh đổi 1 người mỹ nhân hồng nhan họa thủy. Chính Bồ-tát Tất-đạt-đa đã điều phục tự tâm trong sạch, thanh tịnh. Tất cả nội chướng ngoại ma đều tan tành như mây khói trước sức mạnh đại định của Ngài. Cho nên, chiến thắng tham vọng dục tình nơi chính mình, để đạt cho được sự thanh tịnh và an nhiên tự tại trước ngoại cảnh ấy mới chính là đại hùng.

Thế nào gọi là đại lực? Thói thường, con người có sức mạnh phi thường được gọi là đại lực sĩ. Nhưng theo đạo Phật, đại lực là người có sức mạnh nội tâm, có nghị lực chịu đựng, có đức nhẫn nhục khắc phục mọi hoàn cảnh, cảm hóa chẳng những cho chính mình mà còn cảm hóa được tha nhân nữa.

Vào thời đức Phật còn tại thế, chính vua A-xà-thế, Đề-bà Đạt-đa, và chàng Vô Não đã bao phen nhiều lần tìm cách hại Ngài, ấy thế mà đức Phật tâm vẫn an nhiên, chẳng buồn phiền mà còn phát tâm thương xót cảm hóa họ nữa. Cô gái giả bụng chửa để vu oan, mạ nhục Ngài trước hàng vạn thính chúng, thế mà Ngài vẫn lặng thinh và bình thản rải tâm từ bi thương xót cho chúng sanh mê muội, ám độn, nhưng cuối cùng Ngài đã độ cho cô gái đáng thương ấy. Hơn nữa, đức Thế Tôn đã gặp không biết bao nhiêu chướng duyên và nghịch cảnh, thế mà tất cả đều tiêu tan bất thành trước trí huệ và định lực của Ngài. Chính Ngài đã nói rằng: nhẫn nhục khiêm tốn không có nghĩa là khiếp nhược, mà trái lại chúng là đạo quân trung thành đưa ta đến thanh tịnh và rốt ráo. Nói 1 cách nghiêm túc, nhờ các chướng duyên trên đối với Bồ-tát Tất-đạt-đa, bằng sự tinh tấn chuyên cần nỗ lực của ngài vượt qua mọi chướng duyên ấy, để ngài mau chóng thành Phật; còn đối với chúng sanh phàm phu chưa đủ nội lực, định tuệ đẳng trì thì không nên đùa với sóng ba đào ấy. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật đã khẳng định: “Phật ngôn: Ác nhân hại hiền giả, du ngưỡng thiên nhi thóa. Thóa bất chí thiên, hoàn tùng kỷ đọa. Nghịch phong dương trần, trần bất chí bỉ, hoàn bộn kỷ thân. Hiền bất khả hủy, họa tất diệt kỷ.”[10] Nghĩa là: Phật dạy: Kẻ hung dữ hại người hiền, cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước miếng. Nước miếng ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống mình. Lại như kẻ ngược chiều gió mà tung bụi. Bụi ấy chẳng đến người khác, lại bám lấy mình. Nên chẳng thể làm hại người hiền lành được, mà tai họa sẽ trở lại cho kẻ hung ác.

Thế nào gọi là đại từ bi? Đại từ bi cónghĩa là tình thương bao la rộng lớn, bủa khắp đến muôn loài, nhân gian, đó là lòng vị tha vô bờ bến. Người có lòng đại từ lúc nào cũng để tâm thương xót và nghĩ đến người khác. Tình thương một cách bình đẳng chứ không phân biệt người thân hay kẻ sơ; dù bạn hay thù. Người có lòng đại bi lúc nào cũng muốn làm cho người khác được an vui hạnh phúc. Như lòng mẹ thương con vô bờ bến cũng có thể gọi là đại bi. Mẹ thương con mà không nghĩ đến thân mình, không hề nghĩ đến sự đền đáp. Thế nhưng khi con cái có trái nghịch bất hiếu và làm những điều tổn hại đến danh giá gia đình thì cha mẹ còn có lúc cũng buồn giận. Nhưng lòng từ bi của đức Thế Tôn thì bao la, rải khắp phổ châu sa giới, chẳng bao giờ phân biệt. Lòng từ bi của Đức Phật như ánh trăng rằm rải khắp vạn vật, bình đẳng, không phân biệt, không điều kiện. Tinh thần đại bi đó được thể hiện qua các lời đại nguyện của đức Phật A-Di-Đà, 48 đại nguyện; Bồ-tát Địa Tạng: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề.”[11] Nghĩa là: Địa ngục chưa trống không thề không thành Phật, chúng sanh độ hết mới chứng Bồ đề. Hay 12 đại nguyện cứu khổ cứu nạn của đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát, hoặc mười đại nguyện cứu chúng sanh thoát ly khổ não của đức Phổ Hiền Bồ-tát (Phổ Hiền thập đại nguyện). Cũng như lời phát nguyện đại bi của Tôn giả A-nan: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê-hoàn.”[12] Nghĩa là: Trong đời ngũ trược, tôi nguyện vào trước. Nếu còn chúng sanh nào chưa thành Phật, tôi không nhận lấy quả vị Niết-bàn. Đó là những tấm gương đại bi trong đạo Phật. Bất cứ ai trong chúng ta đây, một khi đã phát tâm Bồ-tát thì đều có tâm đại bi cứu khổ cứu nạn như các ngài Địa Tạng, Quán Âm, Phổ Hiền và Tôn Giả A-nan. Chính nhờ lòng đại bi của đức Thế Tôn mà Ngài đã giáo hóa không biết bao nhiêu là những kẻ nghịch duyên và ngay cả những người ngoại đạo, trong đó có các vị như Ca-diếp, Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất, A-nan, Nan-đà, A-xà-thế, Đề-bà-đạt-đa và Tu-bạt-đà-la.

Như vậy, với tâm đại hùng, đại lực và đại từ bi, đức Phật chẳng những tự mình giải thoát, mà Ngài còn để lại cho nhân loại và chúng sanh một triết lý và tôn giáo vĩ đại. Bất cứ ai trong chúng ta đây, nếu có đủ đại hùng, đại lực và đại từ bi thì nội tâm sẽ thanh tịnh và tự tại trước những chướng duyên nghịch cảnh của cuộc đời. Điều đó cũng đồng nghĩa là chúng ta đang cận trụ Niết-bàn giới.

Ngày nay cho thấy, con người nói chung – thân thể sức khỏe mạng căn tuổi thọ giảm dần, tinh thần yếu ớt, bản lĩnh thì bạc nhược, mức sống đạo đức ngày càng suy đồi xuống cấp, lương tâm thì bị tha hóa, sống buông thả trụy lạc vô độ, chẳng có phép tắc mẫu mực nào để cho mọi người đời sau nương tựa, noi theo. Duy chỉ có nương tựa nơi chánh pháp mới có đủ năng lực đưa chúng sanh thoát kiếp mê lầm, quay về với chân tâm Phật tánh của mình. Đây chính là nhu cầu thiết yếu quan trọng thứ nhất. Ai nói ra những lời này? ngài Thái Hư đại sư nói chứ không ai khác.

b. Phật pháp cũng là 1 nhu cầu thiết yếu để loại trừ những mê tín sâu nặng

Vấn đề mê tín, ‘tín’ có nghĩa là tin, tin mà không hiểu gì, nói gì nghe đó, lâu ngày dài tháng xâu kết lại thành quệ kệt nên mê tín nặng nề, tham giận si mê, kiêu căng lầm lỗi; phước đức may mắn ngày nay con người chúng ta gặp Phật pháp, biết tu tập, sám hối lỗi lầm, nguyện cho thân không tật bịnh, tâm không phiền não, hằng ngày an vui trong chánh đạo, pháp Phật nhiệm mầu, nguyện mau ra khỏi luân hồi tăm tối, làm cho minh tâm kiến tánh, Phật tánh của mình sáng lên, trí tuệ sáng suốt, nguyện cho chính bản thân của ta cũng như tất cả pháp giới chúng sanh đều được giải thoát đến cảnh giới an vui. Đó là tinh thần tự độ và độ tha của Phật giáo.

Chúng sanh – con người sở dĩ đau khổ, tất cả đều do thiếu trí tuệ, thiếu hiểu biết, không nhận thức được sự thật cuộc đời, cho nên dẫn đến khổ đau vẫn mãi là khổ đau, từ khổ đến khổ. Trong Trường Bộ Kinh (Digha nikaya), bài kinh 15- kinh Đại duyên (Mahànidàna sutta), đức Phật dạy A-nan: “Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử.”[13]

Nói đến mê tín thì có nhiều loại hình mê tín, như: chiêm tinh bói quẻ; đoán vận mệnh, tiền vận hậu vận của con người; rửa nghiệp oan khiên cho người khác; điều này trong kinh Di giáo, trước khi đức Phật nhập vô dư Niết-bàn, ngài đã biết trước đời sau chúng sanh mắc phải những sai lầm nầy, nên ngài đã cảnh báo (warning) trước, bây giờ chúng ta tu học theo chánh pháp để đối lại cái bịnh tà chấp mê tín ấy. Con người cần phải tu tập theo chánh tín, bằng cách nào? phát nguyện 1 lòng – dứt bỏ những sai lầm quá khứ, không đi xem bói xem quẻ nữa, không cầu cô – van cậu xin keo xin hạn, mà thay vào đó kinh kệ chuông mõ sớm hôm, sám hối nghiệp chướng, tin sâu nhân quả nghiệp báo, luân hồi, tái sinh. Làm 1 người đệ tử Tam bảo xứng đáng. Đây chính là nhu cầu thiết yếu quan trọng thứ hai của Phật giáo.

c. Phật giáo là một nhu cầu thiết yếu để chấm dứt nguyên nhân gây ra đại loạn trên thế giới

Cuộc sống con người được giữ mức thăng bằng là nhờ kiện toàn bởi 2 yếu tố đó là: vật chất và tinh thần nhằm để duy trì và phát triển, nâng tâm hiểu biết, mức sống con người, đất nước ngày càng phồn thịnh. Cho nên, giữa vật chất và tinh thần, cung và cầu làm sao cho có sự cân đối tương xứng với nhau. Chính những nguyên nhân nầy mà gây ra sự xáo trộn bất ổn cho xã hội thế giới con người. Người tu học Phật pháp cũng vậy, phải giữ tâm, an tâm như giây đàn, không quá căng mà cũng không quá chùng mới tồn tại an vui trong chánh pháp. Những sai lầm mà đức Phật đã chứng nghiệm được trong lúc ngài thực hành khổ hạnh, với 2 thái cực đó là, thái quá và bất cập hay hưởng thụ và khổ hạnh ép xác, cả 2 chẳng đưa đến kết quả giải thoát an yên, do đó ngài đã đưa ra phương pháp thực hành gọi là Trung đạo. Đây chính là nhu cầu thiết yếu quan trọng thứ ba của Phật giáo.

d. Phật giáo là nhu cầu thiết yếu để hình thành 1 nền văn hoá thế giới mới

Tinh thần tiếp biến văn hóa trong thời đại mới đã có nhiều thách thức tầm nhìn và thay đổi để đưa nền kinh tế đất nước, con người đi lên theo hướng tích cực, ngang tầm hoặc tương đương với các nước bạn 5 châu, dù vẫn biết đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta còn nhiều giới hạn về kinh tế cũng như dân số, nhưng cũng có tiếng nói uy tín trong ngôn luận xã hội thế giới. Thông qua các kỳ Sea games v.v… nhằm giao lưu kết nối sự hài hòa giữa các quốc gia trên thế giới, ngoài ra còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nữa. Phật giáo là 1 trong những tôn giáo lớn trên thế giới cũng không ngoại lệ, các trường Đại học, Học viện tầm cở quốc tế đã tổ chức những buổi hội thảo với các chủ đề tương thích, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, sản phẩm trí tuệ đáng tôn kính của con người, xây dựng 1 nền hòa bình giữa các quốc gia, cũng như tính hài hòa giữa các tôn giáo ấy.

Ngay từ buổi bình minh trên thế giới đã hình thành 3 hệ thống văn hóa lớn và lâu đời nhất đó là: văn hóa cổ Ấn-độ, văn hóa Trung Quốc và văn hóa Hy-lạp. Các nhà khảo cổ đã tìm ra cái nôi đầu tiên của Ấn-độ tại lưu vực sông Ấn, gọi là văn minh Indus (3.000-1.800 Tr. TL) còn được gọi là Văn hóa Harappa. Tại đây, người ta tìm thấy những pho tượng một người đàn ông trong tư thế suy tưởng gợi đến môn phái Yoga. Rất nhiều hiện vật được tìm thấy ở khu vực Harappa và Mohenjo có niên đại từ 3.000 đến 1.800 Tr. TL. Những tìm tòi gần đây hé mở phần nào về sự lan tỏa của nền văn minh lưu vực sông Ấn rộng lớn về miền Bắc và miền Tây xa xôi, cùng với cư dân lưu vực sông Ấn lại có quan hệ gần gũi với văn hóa Dravidian, từng phồn thịnh từ rất lâu ở miền nam ấn-độ trước khi người  dân Aryan đặt chân đến.

Theo truyền thuyết, vào khoảng từ 4.500 đến 5.000 năm trước đây, vùng phía Tây và Tây Bắc Trung Quốc, dọc theo thượng nguồn của con sông Hoàng Hà có một quần thể dân cư sinh sống và đã đạt được một trình độ văn hóa khá cao, Văn minh sông Hoàng Hà hay văn minh Hoa Hạ. Vì phần đông những cư dân này sống định cư dưới chân núi Hoa nên tiếng Trung Quốc gọi là Hoa Hạ (người sống dưới núi Hoa). Cũng theo truyền thuyết, người Hoa Hạ đã có nhiều thành tựu trong các lĩnh vực văn hóa và xã hội. Văn minh Hoàng Hà theo các nhà sử học và khảo cổ học được xem là bắt đầu từ khoảng 2.500 – 1.066 Tr.TL.

Theo các nhà sử học, Văn minh Hy-lạp được chia làm hai thời kỳ lớn: thời kỳ Tiền Hy-lạp (kéo dài từ 3.000 năm đến 1.200 năm Tr.TL) và thời kỳ Hy-lạp chính thống (từ thế kỷ XII Tr.TL đến thế kỷ thứ I Tr.TL). Nền văn hoá cổ điển của Hy-lạp, đặc biệt là về triết học, đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến La Mã cổ đại, mà đã giúp truyền bá nó đến nhiều vùng đất khác nhau của khu vực Địa Trung Hải và Châu Âu. Vì lý do nầy, nền văn hóa Hy-lạp cổ điển thường được coi là cội nguồn văn hóa mà góp phần tạo ra nền tảng cho nền văn hoá phương Tây thời kỳ cận – hiện đại, và còn được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây.

Vì thế khi chúng ta đứng trên góc độ văn hóa thế giới hiện nay để nói, thì có thể phân ra làm 2 nền văn hóa Đông Á và Tây Âu độc lập. Nhưng ở giữa 2 nền văn hóa nầy thì chúng ta thấy không có tư tưởng của 1 nền văn hóa nào làm chủ đạo cho tư tưởng của thế giới cả. Hễ anh A vừa phát biểu xong, anh B liền có quyền nêu ý kiến phản bác, anh C đứng giữa giải hòa, anh D lại theo đó đồng ý hay không chấp nhận ý kiến. Chuyện tranh giành đúng hay sai, phải hay trái thế là dẫn đến sự xung đột bất hòa giữa con người với con người; giữa quốc gia nầy với quốc gia khác, mạnh hơn nữa thì dẫn đến kết cuộc chiến tranh, mà gần đây nhất là cuộc xung đột súng ống giữa Nga và Ukraine.

Con người từ ngàn xưa với mong mỏi nguyện ước chung, ai cũng thích hòa bình, chuộng sự hạnh phúc an vui, điều mà đức Phật đã tuyên thuyết hơn 26 thế kỷ về trước, nên tôn trọng sự bình đẳng lẫn nhau, bảo vệ tinh thần hòa bình vốn có của các quốc gia, xã hội, cá nhân gia đình. Trong các bản kinh Nam truyền hệ Nikāya cũng như hệ A-hàm tương đương, đức Phật đã dạy rất rõ về cách thức để bảo vệ giữ gìn 1 đất nước vững mạnh, giàu đẹp, người dân sống an cư lạc nghiệp. Cũng như tính nhất quán thanh tịnh và hòa hợp trong cộng đồng Phật giáo, Giáo hội Tăng đoàn (Tham khảo trong Kinh Ðại Bát Niết-Bàn, Trường Bộ Kinh hay Kinh Du Hành, Trường A Hàm).

 Trên tinh thần hòa hợp, bình đẳng, xây dựng mối đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc, quốc gia; các tôn giáo cũng không ngoại lệ, đó là tạo nên sự kết nối dung hòa giữa các đạo giáo hay tôn giáo khi cùng truyền bá tư tưởng thánh thiện, đạo đức nhân bản chung với nhau trong 1 lãnh thổ đất nước, với danh xưng gọi là “tam giáo đồng nguyên” (三教同源). Tại đất nước Việt Nam thời Lý – Trần đã tạo nên sự ổn định, một sự nhất trí trong xã hội Việt Nam đương thời. Đây là một thời kỳ mà văn hoá Việt Nam được bồi bổ và xây dựng thêm những nhân tố mới, khiến cho nền văn hoá dân tộc càng phong phú và đặc sắc hơn. Cả ba tôn giáo Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo đều là những tôn giáo tôn trọng tín ngưỡng truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà, hiếu đạo, phù hợp với xã hội nông nghiệp với tín ngưỡng phồn thực rất thực tế, mang đậm tính tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau tạo nên sự cộng hưởng chung cho văn hóa Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, trong sự giáo dục đạo đức nhân cách đó, con người chỉ hoàn thiện phẩm hạnh của 1 bậc hiền hay thánh nhân, mà chỉ có thực hành theo Phật giáo, ứng dụng lời Phật dạy, con người nhận diện được bản chất bộ mặt của khổ đau, phiền não và sau đó tu tập để đoạn trừ chuyển hóa chúng, chứ không phải đào tẩu trốn thoát chúng. Đồng thời tạo nên 1 nền văn hóa thế giới mới, con người thành tựu được tuệ giác vô lậu, làm chủ thân tâm và toàn bộ quá trình vòng tròn sinh tử nầy. Đây chính là nhu cầu thiết yếu thứ tư để phát triển Phật học ngày càng lớn mạnh hơn.

e. Phật giáo là một nhu cầu cần thiết để đem lại sự bình yên lợi lạc cho con người

Chúng ta biết rằng, sở dĩ con người gặp nhiều nỗi khổ đau, vấp phải những nghịch cảnh của cuộc đời nhiều hơn thuận lợi là do chúng ta thiếu phước, nếu người mà có đủ phước đức, nhân duyên thù thắng thì cuộc sống trở nên an ổn, tâm luôn bình thản thảnh thơi giữa chốn hồng trần. Nhưng mặt khác con người sống trong thế giới biến dịch nầy, tâm bất an lo lắng trước biến cố nghịch cảnh của thiên nhiên. Vậy làm thế nào con người trở nên an yên trong đời sống ấy? Tinh thần cao quý của Phật giáo là mang lại cho chúng sanh điều không sợ hãi gọi là vô úy thí (S. Vaiśāradya), tâm an thì vạn sự an, tâm bình thì thế giới bình.

Cho nên, dù đất rộng sông dài, nỗi khổ bao la, chúng sanh vô biên thì trong Phật pháp cũng có vô lượng pháp môn tu, đức Phật tùy bịnh mà cho thuốc, tùy duyên mà hóa độ. Có điều khổ nỗi là do nghiệp cảm của chúng sanh quá nặng, có bịnh mà không muốn trị bịnh, cứ để căn bịnh tâm đó nó giày vò cắn rứt đọa đày, như vậy thì thử hỏi làm sao có được sự hạnh phúc an vui thường tại được chứ? Sở dĩ chúng sanh con người đau khổ là vì không biết mở nút thắt của sợi dây vô hình tham ái; bởi chúng sanh còn nhiều phiền não vô minh, nên không nhận được sự gia trì của chư Phật sở hộ niệm, không giác ngộ được chân tâm thường trụ bản thể viên minh sáng suốt của chính mình, do đó càng mở lưới phiền não thì ngược lại càng thắt chặt vào. Trong kinh Đại Duyên, đức Thế Tôn lại nhấn mạnh rằng: Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp Duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử.[14]

Cho nên, đạo Phật vào đời là để giải mở những oan kiết, chỉ rõ cho chúng sanh con người thấy được nghiệp nhân và nghiệp quả của mình đã gieo tạo từ vô lượng kiếp đến nay; đem lại sự bình yên lợi lạc cho đời, con người cũng như muôn loài. Đây chính là nhu cầu thiết yếu quan trọng thứ năm của Phật giáo.

C. Kết luận

Tất cả những gì mà chúng tôi đã trình bày ở trên, nói lên các nguyên tắc của Phật pháp về tính khế cơ và khế lý; Phật pháp luôn hợp thời, hợp xứ, tất cả pháp nhiễm hay tịnh đều lưu xuất từ chúng sanh tâm, y vào nhất tâm chân như mà có thánh, phàm; hễ mê thì lưu chuyển thành chúng sanh, mà giác thì hoàn diệt thành Bồ-tát, thành Phật, nhưng trước khi trở thành Bồ-tát hay Phật thì chúng ta phải hoàn thiện nhân cách, xứng đáng làm 1 con người mẫu mực đúng nghĩa, con người thứ thiệt; tâm ý ngay thẳng, ý chí vững vàng (steadfast), trực tâm hướng đến đạo tràng giúp cho chúng sanh dù hữu tình hay vô tình đều đạt đến sự bình an hạnh phúc. Đó là những gì cần thiết nhất của Phật pháp hiện hữu trong thế gian nầy.


Tham khảo và chú thích

[1] 知行合一。

[2] 出言須涉於典章。談說乃傍於稽古。形儀挺特。意氣高閒。

[3] Kinh Dược SưBổn Nguyện Công Đức, tr. 84.

[4] Như trên các tr. 85-86.

[5] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện thứ hai, tr. 63.

[6] 何期自性能生萬法 

[7] Xem http://chuamaisonvinhan.org/nhung-loi-giao-huan-cua-dai-su-atisha/

[8] Kinh Pháp Cú, kệ 103.

[9]英雄難過美人關 (even heroes have a weakness for the charms of a beautiful woman).

[10] 佛言。惡人害賢者。猶仰天而唾。唾不污天還從己墮。逆風颺塵。塵不至彼還坌己身。賢不可毀。禍必滅己。

[11] 地 獄 未 空 誓 不 成 佛, 眾 生 盡 度 方 證 菩 提.

[12] 五濁惡世誓先入、如一眾生未成佛、終不於此取泥洹.

[13] Trường Bộ Kinh (Digha nikaya), 15- kinh Đại duyên (Mahànidàna sutta).

[14] Trường Bộ Kinh, 15-kinh Đại Duyên (Mahànidàna sutta).

Phật Thừa Tông Yếu Luận