BÀI 6: Phật Pháp Với Các Vấn Đề: Pháp Khả Thuyết và Pháp Bất Khả Thuyết
A. Giới thiệu
Suốt 49 năm đức Phật thuyết pháp độ sanh, về sau những lời dạy của ngài được các vị đệ tử Thánh biên tập lại thành Tam tạng Thánh điển: kinh, luật và luận, hay 12 thể loại kinh điển, để chúng sanh – con người y theo đó làm kim chỉ nam tu tập siêu việt sanh tử, đây chính là cái có thể diễn bày của Phật pháp, gọi là “Pháp khả thuyết”, chân lý tương đối, sự thật tương đối (P. Sammuti-sacca). Và những mật ngôn không thể dùng ngôn ngữ văn tự tướng trạng, hình dáng để diễn bày, đây chính là “Pháp bất khả thuyết” hay chân lý tuyệt đối, sự thật tuyệt đối (P. Paramattha-sacca). Vấn đề nầy sẽ được trình bày trong 3 phần chính sau đây.
1. Ý nghĩa chữ “Pháp” trong Phật pháp.
2. Pháp tánh vốn ly ngôn, tuyệt đối, pháp bất khả thuyết, không thể diễn bày.
3. Pháp khả thuyết, có thể diễn bày.
B. Nội dung
1. Ý nghĩa chữ “Pháp” trong Phật pháp
Chữ “Pháp” trong Phật pháp mang nhiều ý nghĩa. Pháp (S. Dharma; P. Dhamma; E. Doctrine). Theo Phật Quang đại từ điển, Pháp có nghĩa là tất cả sự vật hữu hình gọi là sắc pháp, vô hình gọi là tâm pháp, có thể tánh gọi là hữu pháp, không thể tánh gọi là vô pháp. Các pháp sắc, tâm, hữu, vô gọi chung là Pháp giới.
Từ điển Phật học Tuệ Quang, Từ điển Đạo uyển, Pháp có các nghĩa chính như:
– Luật lệ, tập quán, thói quen, tiêu chuẩn của phép cư xử, bổn phận, nghĩa vụ, quy củ trong xã hội…
– Điều lành, việc thiện, đức hạnh.
– Đối tượng của tâm ý (pháp trần).
– Giáo pháp của đức Phật bao gồm kinh, luật và luận.
– Chân lý, thực tại tối hậu, bản thể, tự tính.
“Pháp” còn được dùng chỉ riêng về đạo lý của Phật giáo có 3 thời kỳ: Thứ nhất, thời Chánh pháp, lúc Phật nhập diệt cho đến 500 năm sau, nhờ ảnh hưởng thần lực của Phật nên người tu dễ đắc đạo. Thứ hai, thời Tượng pháp, kéo dài 1.000 năm kể từ sau 500 năm sau khi Phật nhập diệt. Nghĩa là Pháp còn tương tợ chứ không phải là chánh, dù khó nhưng cũng có nhiều người đắc đạo. Thứ 3 thời Mạt pháp, từ 1.500 năm sau khi Phật nhập diệt trở về sau, thời kỳ nầy kéo dài 1.000 năm. Người tu sanh giải đãi, biếng lười, chểnh mảng; nói nhiều nhưng thực hành công phu chẳng được bao nhiêu; ít người tinh tấn, ít người thành đạo.
Nói 1 cách cụ thể, “Pháp” được hiểu là luôn tồn tại sinh động, thấy mọi sự vật hiện tượng đang diễn ra trước mắt chúng ta, cái thấy nầy không phải là do ảo tưởng, mơ hồ, viễn vông hay mộng mị, mà chúng được kiểm soát bằng lý trí. Thật sự con người đang tiếp xúc với cái thực tại hiện tiền, chính là hơi thở – sự sống còn, chúng ta đang hiện hữu có nhau. Tính thực tại hiện tiền nầy được diễn đạt như sau:
“Không cần biết Pháp từ đâu đã tới,
Chỉ biết rằng Pháp hiện hữu trong ta,
Ta đón Pháp như đón niềm vui mới,
Như món quà Trời Đất gởi tặng ta.
Sống trong Pháp ta như quên tất cả,
Quên ưu phiền, quên hẳn cả sầu lo,
Nhưng ta biết Tuệ Nhật luôn tỏa sáng,
Pháp đến đi ngay khoảnh khắc đang là…”
Trên phương diện tổng quát: “Pháp” trong kinh điển Phật giáo có 2 nghĩa: thứ nhất là “nhậm trì tự tính”, thứ hai là “quỹ sinh vật giải”.
1. Nhậm trì tự tính ( 任持自性): Tất cả sự vật, hiện tượng luôn giữ gìn bản tính riêng của chúng, không thay đổi; các tự thể, tánh và tướng của pháp k để chúng mất đi.
2. Quỹ sinh vật giải (軌生物解): Tất cả sự vật đều duy trì tự tính riêng biệt của chúng, như những khuôn mẫu khiến người ta dựa vào đó làm căn cứ mà hiểu 1 hiện tượng nhất định. Những tiêu chuẩn của sự nhận thức, như quy định, pháp tắc, đạo lý, phạm vi của hết thảy chúng sanh, để đưa ra những phương pháp giải quyết, trị liệu phù hợp.
Như vậy, pháp chỉ chung cho hết thảy mọi sự vật, hiện tượng – cụ thể hay trừu tượng – có tự tính, bản chất riêng biệt làm căn cứ, khuôn mẫu khiến người ta nhìn vào là có thể nhận thức và lý giải được.
2. Pháp tánh vốn là ly ngôn, tuyệt đối, bất khả thuyết, không thể diễn bày
Thế nào gọi là bất khả thuyết? Bất khả thuyết (S. Avaktavya/ anabhilàpya; E. Describable/ inexpressible; C. 不可說). Nghĩa là: chân lý chỉ có thể chứng biết, chứ không thể dùng lời nói mà giải thích cho rõ được.
– Trong Thiền tông Trung Hoa, đặc biệt là Thiền công án, tham thoại đầu, có những cách giáo dục, dạy bảo cho đệ tử, đối tượng thính pháp thình lình giác ngộ, bỗng nhiên giác ngộ gọi là Hốt nhiên đại ngộ (E. Sudden enlightenment), chẳng hạn như trong những câu chuyện thiền có ghi:
Câu chuyện 1:
“Một hôm ngoại đạo mang hoa đến dâng Phật, thỉnh Phật khai thị.
Phật bảo : – Buông hoa xuống.
Ngoại đạo buông hoa.
Phật lại bảo : – Buông tay xuống.
Ngoại đạo buông tay.
Phật dạy tiếp : Buông thân xuống.
Ngoại đạo đang lừng khừng, lưỡng lự.
Phật quở : Không buông được thì gánh lên đi.
Vừa chợt nghe, ngoại đạo hốt nhiên đại ngộ.”
Câu chuyện 2:
“Một ông Tăng hỏi ngài Triệu-Châu :
– Con mới vào chùa, xin Ngài chỉ dạy:
Sư hỏi :
– Ăn cháo chưa ?
Ông ta đáp :
– Ăn cháo rồi.
Sư nói :
– Rửa bát đi.
Vừa chợt nghe, ông Tăng liền tỏ ngộ.”
Câu chuyện 3:
Câu chuyện giữa lục Tổ Huệ Năng và tu sĩ Huệ Minh.
“Giữa chốn núi non, tu sĩ Huệ-Minh thưa thỉnh
– Xin Hành-giả thuyết pháp cho tôi nghe.
Huệ-Năng nói :
– Ngươi đã vì pháp đến đây thì phải dẹp hết các duyên, chớ sanh một niệm nào, ta sẽ thuyết cho ngươi nghe.
Tu sĩ Huệ-Minh tịnh tâm giây lâu, Huệ Năng liền nói :
– “Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính trong lúc đó, thế nào là bổn lai diện mục của Minh thượng toạ?”.
Tu-sĩ Huệ-Minh chợt nghe, liền đại ngộ.”
“Một hôm Lục-Tổ Huệ-Năng hỏi đại chúng:
Ta có một vật không đầu không đuôi, không danh, không tự, không lưng không mặt, các ngươi có biết vật chi chăng?
Thần-Hội bước ra bạch : – Vật ấy là nguồn gốc của chư Phật, là Phật tánh của Thần-Hội.
Tổ nói : “Ta đã nói vật không danh không tự, mà ngươi laị gọi là nguồn gốc Phật tánh. Ngươi dù đi tới đâu, có nắm tranh che đầu, cũng chỉ thành một tông đồ trí giải mà thôi.”
Hay tổ hỏi: thế nào gọi là Phật? nếu trả lời cũng sai, mà không trả lời cũng không đúng.
Chúng ta biết, sau khi đức Thế Tôn thành đạo giải thoát vô thượng Chánh đẳng Chánh Giác, ngài tự nghĩ: Pháp mà ta chứng đạt được là chân lý tuyệt đối, không thể dùng tâm suy lường, dùng ngôn ngữ để diễn tả, chỉ có Phật với Phật mới hiểu mà thôi, hơn nữa tất cả lời nói là giả danh không thật, nên không thể hiển bày cái chân thật ấy. Cho nên, Pháp tánh là ly ngôn ngữ “bất khả thuyết”, kinh Pháp Hoa nói: “…Thôi Xá-Lợi-Phất! Chẳng cần nói nữa. Vì sao? Vì pháp khó hiểu ít có thứ nhất mà Phật trọn nên đó, chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột tướng chơn-thật của các pháp, nghĩa là các pháp: tướng như vậy, tính như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt-ráo như vậy…”[1]
Tôn giả Xá-Lợi-Phất là 1 trong thập đại đệ tử Phật “trí tuệ đệ nhất”, còn gọi là “bậc tướng quân chánh pháp”, cho dù khắp cả 10 phương ai nấy cũng giống như ngài cùng chung nhau để suy bàn, cũng không thể hiểu được trí Phật chút phần. Hàng Bồ-tát bất thối, tức Bồ-tát từ bát địa (bất động địa) trở lên, dù số lượng nhiều như hằng sa, cũng không thể họp nhau để bàn luận trí Phật được. Hàng đẳng giác Bồ-tát, như ngài Di Lặc, dù nhiều hàng muôn ngàn ức họp chung nhau lại cũng không suy lường được trí Phật.
Do đó, những điều nầy nói lên ý nghĩa, hễ còn ngôn ngữ, còn suy nghĩ thì không thể ngộ được Phật trí, mà nơi thực tại hiện tiện ngay đây và bây giờ (now and here) vắng bặt mọi suy nghĩ, ý tưởng, không khởi vọng niệm, tâm và cảnh nhất như, thì ngay đó khế ngộ được tri kiến Phật. “Vọng niệm thành sanh diệt. Chơn như bất biến thiên. Tổng trì nan tư nghì. Vô trú đối không tuyên.”
Pháp bất khả thuyết, chỉ có trí Phật cùng Phật mới thấu suốt được chỗ cùng tột nghĩ bàn. Kinh Kim Cương có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.[2] Nghĩa là: cần phải không có chỗ trụ thì cái tâm ấy mới xuất hiện. Ở đây 4 chữ đầu: “Ưng vô sở trụ”, nếu chúng ta dùng tiếng Pháp là một ngôn ngữ rất tinh tế để diễn đạt thì có thể dịch : “Il faut que vous soyez nonlocal”, hoặc tiếng Anh: “You must be nonlocal”. và cụm từ sau “Nhi sinh kỳ tâm”, trong tiếng Pháp dịch là: “pour que cet esprit apparaisse”, hoặc tiếng Anh: “for the appearing of this mind.” Như vậy, cần phải không có chỗ trụ thì cái tâm ấy mới xuất hiện, mà cái tâm ấy là tâm gì? tâm giác ngộ, là Phật tâm, là chân tâm, là chân tâm thường trụ. Tức là khi tâm xả ly mọi động niệm, không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì ngay đó tâm Phật, chân tâm Phật tánh hiện tiền. Hay nói khác đi, các pháp từ vô thủy đến nay vốn thanh tịnh ly tướng. Do đó, không thể dùng pháp hữu tướng để diễn tả pháp vô tướng được; không thể đem cái hữu hình để thuyết minh hay mô tả về cái vô hình; cũng không thể dùng pháp động để diễn tả pháp tịch tịnh; lấy pháp hữu vi để bàn luận về pháp vô vi; đem pháp hữu hạn để giải thích về pháp vô hạn, bình đẳng, bất nhị, giải thoát, chân như. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “…nhất thiết pháp tùng bổn dĩ lai ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng, tất cánh bình đẳng vô hữu biến dị, bất khả phá hoại, duy thị nhất tâm cố danh chân như.”[3] Nghĩa là: tất cả pháp từ xưa nay đều rời tướng ngôn thuyết, rời tướng văn tự, rời tướng tâm duyên, tuyệt đối bình đẳng không bao giờ biến dị, cũng không thể phá hoại, duy Nhất tâm vì thế gọi là Chân như.
Người học Phật chúng ta nên quán niệm rằng: thật tướng của các pháp là bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Như như bất động, liễu liễu thường minh. Chân như thanh tịnh ly tướng là chỉ cho bản thể tâm thanh tịnh, sáng suốt viên minh nơi mỗi chúng sanh – con người, nhưng do chúng sanh sống trong thất niệm, mãi chạy theo vọng tưởng, không thường an trụ trong chân tâm tịch tịnh nầy, nên khi vừa khởi niệm thì có thức tri phân biệt xen lẫn vào, rồi từ đó tướng ngôn ngữ, danh tự, tâm duyên dẫn dắt đưa chúng sanh đi xa và đi xa mãi Bồ đề tâm, làm cho chúng ta quên đi chính mình, ta là ai? vong thất Bồ đề tâm. Còn cái bản thể chân như là ly tướng, ly văn tự ngôn thuyết. Lục Tổ Huệ Năng nói: “…Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai”.[4] Nghĩa là: Xưa nay không phải một vật, lấy gì dính bụi nhơ.
Trong kinh Đại Bảo Tích, Pháp hội Bất Khả Thuyết Bồ-Tát thứ 57,[5] Bồ-Tát Bất Khả Thuyết sau khi thấy Phật có 32 tướng tốt, kế đến thấy Ngài hơn người về trí tuệ, về đức hạnh, là những điều vô hình không thể diễn bày được. Pháp hội này muốn nói rằng không thể nói hết tất cả hạnh của Phật, trí của Phật, nên gọi là bất khả thuyết.
Kinh Kim Cương nói: “Tu-bồ-đề! Thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp.”[6] Nghĩa là: Này Tu-bồ-đề, nói pháp đó không có pháp có thể nói ấy gọi là nói pháp.
“Nếu không y vào Tục đế thì không hiểu được Chân đế; nếu không y vào Chân đế thì khó có thể thâm ngộ Phật pháp ”. Ở đây tục đế là gì? lời nói, chữ viết, văn tự, hình tướng, ngôn ngữ …
Trong nhà Thiền hay dùng câu: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.”[7]
Kinh có ghi lại một cuộc đối thoại giữa du sĩ khổ hạnh Vacchagotta với đức Thế Tôn, và cuộc đối thoại nầy rất thiền.
Vacchagotta tới thăm Phật. Ông hỏi:
– Này sa môn Gautama, có một linh hồn hay không?
Phật im lặng không trả lời.
Lát sau Vacchagotta hỏi:
– Như vậy là không có linh hồn phải không?
Phật cũng ngồi im lặng.
Sau đó Vacchagotta đứng dậy chào và đi ra.
Sau khi Vacchagotta đi rồi, Thầy A Nan hỏi Phật:
– Tại sao đức Thế Tôn không trả lời cho Vacchagotta?
Và Phật bắt đầu cắt nghĩa…
****
Trong truyền thống thiền cũng có những cuộc đối thoại tương tự.
Có một thiền sinh tới tham vấn vị Thiền sư.
Theo truyền thống, vị thiền sinh nào được vào tham vấn đều được vị thị giả mời một chén trà.
Vị thiền sinh chắp tay hỏi:
– Con chó có Phật tánh không?
Vị Thiền sư nói:
– Uống trà đi
Sau đó có một vị thiền sinh khác đến tham vấn.
Vị này chắp tay hỏi:
– Bạch Thầy, như vậy là con chó không có Phật tánh, phải không?
Vị Thiền sư nói:
– Uống trà đi.
Sau khi vị thiền sinh thứ hai này đi rồi, vị thị giả của thiền sư chắp tay hỏi:
– Bạch Thầy, tại sao vậy? Tại sao hỏi con chó có Phật tánh hay không thì Thầy nói uống trà đi. Và khi hỏi con chó không có Phật tánh phải không thì Thầy cũng nói uống trà đi. Như vậy nghĩa là sao? Xin Thầy cắt nghĩa cho con.
Vị Thiền sư nhìn vị thị giả và nói:
– Uống trà đi.
*****
Phương pháp của Thiền là cắt đứt con đường nói năng và dập tắt khung trời khái niệm, trong đó ý thức cứ tiếp tục tư duy và đi tìm kiếm những ý niệm để cố gắng tìm hiểu thực tại (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt).
“Ngôn ngữ đạo đoạn” là cắt đứt con đường ngôn ngữ. “Tâm hành xứ diệt”, nghĩa là dập tắt vùng trời của sự suy tư bằng khái niệm, đừng để tâm ý đi tìm những ý niệm: có-không, sanh-diệt, bỉ-thử… đi tìm những ý niệm đó để mong cắt nghĩa sự thật, thì không thể nào thể nhập vào pháp tánh chân như được.
Cho nên những câu nói: “Uống trà đi, uống trà đi, uống trà đi” (your drink tea) lặp lại ba lần cho ba người, có nghĩa là: Hãy chấm dứt con đường suy tư đi, hãy dập tắt vùng trời khái niệm đi thì mới có cơ hội tiếp xúc với sự thật.
Trong câu chuyện của vị Thiền sư nầy, câu nói “uống trà đi” không những giúp cho hai vị thiền sinh cắt đứt được con đường suy tư và dập tắt được khung trời khái niệm, mà cũng giúp được cho cả vị thị giả làm được chuyện đó. và câu chuyện trong kinh Vacchagotta cũng không ngoại lệ, im lặng tức là trả lời, im lặng tức là suốt biết.
Như vậy, về phương diện chân lý tuyệt đối là ly ngôn, ly tướng, là đệ nhất nghĩa đế. Chỉ có Phật mới minh thị, thực chứng hoàn toàn; chỉ có Phật mới giác tri tận cùng nguyên ủy bản thể của Phật pháp và pháp giới tánh, do đó tất cả pháp tánh là pháp ly ngôn, bất khả thuyết – không thể diễn bày.
3. Pháp khả thuyết, có thể diễn bày
a. Về nội dung
Đứng từ góc độ khác để nói, trên phương diện tương đối – pháp khả thuyết là phương tiện, là tất đàn, pháp đối trị, đức Phật đã dùng ngôn ngữ bình thường để nói pháp. Vì là phương tiện, nên tất cả chư Phật 3 đời đều được thực hiện như thế để làm lợi lạc chúng sanh, muốn cho vạn loại chúng sanh được giải thoát, thành Phật như Phật đã thành. Kinh Pháp Hoa nói: “…Suy nghĩ việc đó rồi/ Liền đến thành Ba-Nại/ Các pháp tướng tịch diệt/ Không thể dùng lời bày/ Bèn dùng sức phương tiện/ Vì năm Tỳ-kheo nói/ Đó gọi chuyển pháp luân…”[8]
Đứng về góc độ tuyệt đối thì không thể diễn thuyết luận bàn được, nhưng trên bình diện tương đối thì có thể dùng phương tiện ngôn ngữ, nói năng, diễn bày; có thể dùng Tất đàn (S. Siddhāntas) nghĩa là sự khéo léo, uyển chuyển để thành tựu trong việc giáo hóa chúng sanh – con người. Đức Phật dạy Tứ tất đàn đó là:
1) Thế giới tất đàn: Vì sự an lạc và hạnh phúc của chúng sanh, đức Phật đã dùng phương tiện tùy thuận chúng sinh mà thuyết pháp và giảng dạy.
2) Vị nhân tất đàn: Ngài vì tùy vào căn cơ trình độ cao hay thấp, tâm lý, chủng tử của mỗi người mà dùng phương tiện này, phương tiện khác để họ dễ tiếp thu, mau tiến hóa hầu sống hài hoà an lạc.
3) Đối trị tất đàn: Ngài vì tùy thuận chỗ mê lầm và tâm bệnh của chúng sinh mà nói Pháp đối trị, như một vị Bác sỹ giỏi tùy bệnh cho thuốc để hồi phục.
4) Đệ nhất nghĩa tất đàn: Khác với 3 tất đàn trước, chỉ là phương tiện, thì Đệ nhất nghĩa tất đàn là cứu cánh và là mục đích giáo dục của đạo Phật. Khi đức Phật thấy cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục, ngài không dùng phép tương đối mà khai thị con đường Trung đạo và Nhị đế, thật tướng của các Pháp, để thuyết về cái thật tướng của vạn pháp cho chúng sanh sớm giác ngộ.
Như vậy, về diệu dụng Pháp khả thuyết do đức Phật chỉ dạy với mục đích duy nhất là làm cho chúng sanh ly khổ đắc lạc, lìa cảnh khổ để được sự an vui, giải thoát mọi triền phược, chấp mắc mê mờ. Kinh Pháp Hoa nói: “Bản hoài của đức Phật muốn khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật, nhưng vì chúng sanh trình độ, căn duyên kém, nên đức Phật khai phương tiện nói Tam thừa để hiển Nhất thừa, tức là phương tiện nói Tứ đế, thập nhị nhân duyên, lục độ để dẫn đưa chúng sanh đi đến con đường tuyệt đối là khế ngộ được Nhất thừa (Phật thừa, tri kiến Phật).
Theo kinh Giải Thâm Mật, Đại Bát Niết Bàn, đức Phật thuyết về Tam Tạng Giáo và 12 thể loại kinh điển.
Theo tinh thần Thiên Thai Trí Giả Đại Sư[9], có 5 thời giáo:
“Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,
A hàm thập nhị, Phương Ðẳng bát,
Nhị thập nhị niên Bát nhã đàm,
Pháp Hoa, Niết bàn cộng bát niên”.
Về nội dung và tư tưởng của 5 thời giáo nầy, sẽ luận bàn trong bài viết khác. Sở dĩ đưa ra 2 cơ sở trên để chúng ta thấy: sự khẳng định 1 đời thuyết pháp của đức Phật, từ Ma-kiệt-đà (S, P. Magadha) cho đến nơi nhập Niết-bàn tại thành Câu-thi-na (S. Kushinagar ), trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh, đức Phật đều dùng giáo nghĩa phương tiện để dẫn dắt chúng sanh thâm nhập Phật trí.
b. Về tác dụng
Người học Phật nên biết, tất cả 3 đời 10 phương chư Phật đều cùng chung 1 hạnh nguyện, mục đích duy nhất xuất hiện ở đời đó là nói lên, chỉ rõ, vạch mặt của khổ đau, và đưa ra phương pháp chữa trị những khổ đau đó, đem lại sự giải thoát an lạc cho chúng sanh, nếu bất cứ ai trong cõi Diêm-phù-đề nầy, hễ nỗ lực hành trì tu theo Bát chánh đạo, thì tin chắc rằng: chẳng chóng thì chầy, không sớm thì muộn, không nhanh thì chậm, không chỉ trong đời này thì đến đời tiếp theo sẽ thành tựu quả vị giải thoát như chư vị Thánh A-la-hán, nguyện lực Bồ-tát vào đời vậy.
Cho nên, đức Phật ra đời không ngoài mục đích duy nhất tối thượng là mở bày cánh cửa phương tiện để cho chúng sanh trở về ngôi nhà chánh giác, giác ngộ tri kiến Phật, kinh Pháp Hoa nói: “…các Đức Phật Thế Tôn, chỉ do 1 sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời.” “Các đức Phật Thế-Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng-sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.”[10] Căn cứ vào lời Phật dạy trên, tác dụng của Pháp khả thuyết sẽ mang 2 ý nghĩa đó là: Pháp luân và Thừa pháp.
+ Pháp luân
Pháp (S. Dharma; P. Dhamma, Nhật. Hō): trí tuệ, chân lý, đạo lý.
Luân (S. Cakra; P. Cakka; E. Wheel): bánh xe, vương quốc.
Pháp luân (S. Dharmacakra; P. Dhammacakka) có nghĩa là củng cố vương quốc trí tuệ, xây dựng vương quốc chân lý, chuyển bánh xe pháp hay chuyển pháp luân (P. Dhamma-cakka-pavattana) là quay bánh xe pháp, là sự chuyển động của bánh xe chân lý.
Chữ “Luân” là bánh xe, có khả năng lăn chuyển, lăn chuyển từ tâm người này đến tâm người khác, giáo pháp từ tâm chứng ngộ của Phật chuyển đến tâm mê lầm của chúng sanh, để chúng sanh giác ngộ giải thoát giống như Phật đã thành, cũng như bánh xe lăn từ chỗ này đến chỗ kia.
Lại nữa, chữ “Luân” cũng có nghĩa là dằn ép, lăn đến đâu ép đến đó, những gì dơ bẩn gồ ghề đều đc dằn ép. Giáo pháp Phật đến tâm chúng sanh thì tham, sân, si, phiền não, nhiễm ô, tà kiến, vô minh cũng bị dằn ép, đè bẹp làm cho tan diệt, huỷ hoại đi.
Vào năm 1956, Tiến sĩ Rhimrao Ramji Ambedkar (1891 -1956), người đứng đầu trong việc soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ, người có công lớn nhất trong việc phục hưng Phật giáo tại đất nước nầy, đã đề nghị lấy biểu tượng bánh xe của vua A-dục (Asoka, thế kỷ III Tr.TL) làm biểu tượng của Phật giáo. Từ đó, hình bánh xe có tám hoặc mười hai nan hoa (tượng trưng Bát Chánh đạo hoặc Thập nhị Nhân duyên) được gọi là Pháp luân (S. Dharmacakra; P. Dhammacakka), bánh xe của giáo lý Phật giáo. Đức Phật là vị chuyển Pháp luân, tức là vị làm quay bánh xe Pháp, giảng dạy Chân lý, đạo lý khiến cho chúng sinh được khai mở, được thấy rõ, giác ngộ và thể nhập Chân lý. Do từ những lý giải trên, Pháp luân đc hiểu với 3 nghĩa chính:
a. Pháp luân có khả năng nghiền nát cả ngũ trụ phiền não[11] khi sử dụng nó để tu hành. có nghĩa là chiếc xe chiến trận phá tan mọi nghi ngờ, trở ngại, nghiệp chướng, khổ đau của chúng sinh. cũng đc hiểu như bánh xe khi chuyển động thì có thể nghiền nát những vật trước mặt và trên mặt đường.
b. Pháp luân có khả năng đưa chúng sanh từ bến mê sang bờ giác ngộ; từ sanh tử đến an lạc giải thoát; từ hữu lậu đến vô lậu; từ chúng sanh, Thanh văn, Bồ-tát đến Phật quả. Đây là công năng, lực dụng của việc thuyết pháp. Cũng như chiếc xe có khả năng di chuyển đi đến mọi khu vực khác nhau.
c. Pháp luân là biểu thị cho sự viên mãn, đầy đủ tánh công đức, nhân quả thánh phàm, thần thông diệu dụng bất khả tư nghì. cũng như bánh xe tròn trịa, đầy đủ các căm xe, như vòng tròn mặt trời, vòng tròn mặt trăng, vòng tròn xoay của trái đất không hư, không khuyết và không tì vết, như vòng luân chuyển của nước, vòng luân chuyển của gió.
+ Thừa pháp
Về phương diện giáo môn, thừa pháp có 3 nghĩa, đó là:
a. Giáo lý thừa: có nghĩa là chỉ cho toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật pháp.
b. Hành giáo thừa: là tất cả chúng sanh, Bồ-tát qua sự tu tập theo pháp Phật sẽ có sự chuyển biến từ nhiễm ô, hữu lậu được thanh tịnh vô lậu, phiền não chướng và sở tri chướng không còn, được nhị chuyển y, có nghĩa là chuyển phiền não thành Bồ đề và chuyển sanh tử thành Niết-bàn.
c. Quả giáo thừa: pháp Phật chỉ có 1 mục đích duy nhất là làm cho chúng sanh, Thanh văn, Bồ-tát đạt đến giác ngộ giải thoát, tức thành Phật (Buddhahood). Như vậy, pháp luân có 3 lần chuyển: thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển về tứ đế (khổ, tập, diệt và đạo), gồm 12 pháp. Gọi là thập nhị hành chuyển pháp luân, như kinh Pháp Hoa nói:
“Đại thánh Chuyển pháp luân/ Chỉ bày các pháp tướng
Độ chúng sanh đau khổ/ Khiến được rất vui mừng
Chúng sanh nghe pháp này/ Được đạo hoặc sanh thiên
Các đường dữ giảm ít/ Bậc nhẫn thiện thêm nhiều.”[12]
Về Thừa pháp, có khi nói Tam thừa hoặc Ngũ thừa.
Có 1 điều căn bản chúng ta nên hiểu, tuy đức Phật nói rất nhiều phương tiện tu tập, khi nói 3 thừa hoặc 5 thừa là vì duyên theo căn cơ trình độ trí tuệ của chúng sanh – con người mà có sâu có cạn; có cao có thấp, theo đó mà đức Phật mở bày cánh cửa phương tiện để diễn thuyết dẫn vào tuệ giác Phật (Guidance and insight from the Buddha), nhưng mục đích tối hậu cuối cùng là chỉ có Nhất thừa (S. Ekāyana) tức là Phật quả mà thôi. kinh Pháp Hoa nói: “Trong cõi Phật mười phương/ Chỉ có một thừa pháp/ Không hai cũng không ba/ Trừ Phật phương tiện nói”.[13]
C. Kết luận
Qua bài học nầy giúp chúng ta hiểu về 2 vấn đề cốt lõi căn bản trong Phật pháp đó là: Pháp bất khả thuyết và Pháp khả thuyết. Có 2 hình thức nói pháp, sự hiện diện của chư Phật, chư Thánh A-la-hán, chư vị Tổ sư hay bậc tôn kính trong đời là bài thuyết pháp không lời, không thể diễn bày – bất khả thuyết,và pháp được diễn thuyết trên ngôn ngữ phương tiện chuyên chở, mượn hình thức để dẫn vào nội dung, gọi là văn dĩ tải đạo, có thể diễn bày – pháp khả thuyết. Cả 2 đều nói lên tính chất thực tại của vạn pháp hay pháp, 2 mặt của sự sống, khi hành giả đang trên con đường tu học Phật hay thực hành lời Phật dạy thì phải chấp nhận chịu sự chi phối của pháp tương đối, pháp sanh diệt biến dị, và sau khi chúng ta hoàn thiện viên mãn được nhân cách của 1 con người, bước xa hơn, tiến cao hơn là đạt đến giai vị của bậc hiền, bậc thánh, Bồ-tát và đích tối thượng thừa là Phật quả.
Do đó, pháp bất khả thuyết và pháp khả thuyết không thể tách rời nhau (bất tương ly cố), ví như nước và sóng; trí và thức; tự lợi và lợi tha; tục đế và chân đế cả 2 đều dung thông với nhau gọi là nhị đế dung thông. Nếu không có chân lý tương đối khó dẫn vào chân lý tuyệt đối. Vì vậy, cổ nhân có câu: “Đứng về mặt chân lý tuyệt đối, thì không có 1 pháp gì hết, không có tướng nói năng, giải thích, luận bàn, ly tướng ngôn ngữ, ly tướng danh tự, ly tướng tâm duyên. Nhưng đứng về mặt phương tiện thì không từ bỏ 1 pháp nào”. Hay nói: “Thật tế lý địa, bất thọ nhất trần, Vạn hạnh môn trung, bất xả nhất pháp”. Nghĩa là: về chỗ Lý tánh chân thật thì không nhận, không dính mắc dù chỉ là một mảy bụi, nhưng về cửa muôn hạnh thì việc gì cũng phải làm, không bỏ dù một việc nhỏ vậy.
Tham khảo và chú thích
[1] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện thứ hai, tr. 53.
[2] 應無所住而生其心.
[3] Luận Đại Thừa Khởi Tín, các tr. 34-35.
[4] …本 來 無 一 物, 何 處 惹 塵 埃.
[5] Xem thêm HT. Thích Trí Tịnh (Việt dịch), Kinh Đại Bảo Tích, Nxb BVH Thành Hội Tp.HCM, 1999.
[6] 須 菩 提 說 法 者 無 法 可 說。是 名 說 法。
[7] 言 語 道 斷。 心 行 處 滅.
[8] Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện, tr. 86.
[9] Thiên Thai Trí Giả Đại Sư còn gọi Đại sư Trí Khải (538-597 S.TL) tự Đức An, họ Trần ở Hoa Dung, là đệ tử đắc pháp của đại sư Huệ Tư (515-577 S.TL, tác giả Luận Đại Thừa Chỉ Quán) là tổ của tông Thiên Thai.
[10] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai, các tr. 64-65.
[11] Ngũ trụ phiền não gồm: 1- Kiến Nhứt Xứ Trú Địa, những kiến hoặc về thân kiến, biên kiến… trong ba cõi, lúc nhập kiến đạo thì đồng loạt đoạn hết. 2- Dục Ái Trú Địa, phiền não của Dục giới (cõi dục), trừ kiến hoặc và vô minh hoặc, mà mắc phải những phiền não của ngũ dục bên ngoài (ngũ dục là sắc, thanh, hương, vị, xúc). 3- Sắc Ái Trú Địa, những phiền não của sắc giới (cõi sắc), trừ kiến hoặc và vô minh hoặc, xả ngũ dục bên ngoài, mà còn mắc phải những phiền não về sắc thân mình. 4- Hữu Ái Trú Địa, những phiền não của vô sắc giới (cõi vô sắc), trừ kiến hoặc và vô minh hoặc, lìa bỏ những phiền não tham trước sắc giới, mà yêu mến thân mình. 5- Vô Minh Trú Địa, những vô minh của tất cả phiền não trong ba cõi. Vô Minh là cái tâm si ám, thể của nó không có tuệ sáng, đó là căn bản của tất cả phiền não.
[12] Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa thành dụ thứ bảy, tr. 228.
[13] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện thứ hai, tr. 72.