Suy Nghĩ Về Khái Niệm “Hoằng Pháp Lợi Sanh” – HT. Thích Liêm Chính

  A. Dẫn nhập

Mỗi khi đề cập đến hoằng pháp, người ta thường nghĩ đến vấn đề giáo dục. Giáo dục Phật học thường đặt nặng về phương diện tự lợi, hoằng pháp thì nghiêng về phương diện lợi tha, nên đã từ lâu thành ngữ “Hoằng pháp lợi sanh” đã xuất hiện trong nền văn học Phật giáo. Tuy nhiên, trong Phật giáo không có sự tự lợi nào mà không có lợi tha, hay lợi tha mà không có tự lợi. Thế nên, tự lợi – lợi tha, tự độ – độ tha hay tự giác – giác tha là những khái niệm có tính tương quan tương duyên, bổ sung và thành tựu đạo nghiệp của một hành giả trên tiến trình tìm về giải thoát và giác ngộ.
Trong bài viết nầy, chúng tôi nêu ra một vài suy nghĩ về khái niệm “hoằng pháp lợi sanh”, mà trong suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo đã đề cập đến.

B. Nội dung

Ngay từ những phút giây ban đầu, sau khi đức Phật thành đạo (08/12/589 Tr. TL), Ngài đã suy tư về vấn đề là làm sao để truyền trao những điều Ngài đã giác ngộ đến với mọi người, và những ai là người có đủ điều kiện tiếp nhận giáo lý vi diệu đó. Với một hoài bão duy nhất, đó là Ngài muốn tất cả chúng sanh, mà đối tượng chính là con người, ai nấy đều sẽ thành Phật như Ngài đã thành.

  Suốt chiều dài lịch sử Phật giáo, bắt nguồn từ vườn Lộc Uyển (Sarnath), Ngài đã thiết lập nền tảng thánh đạo qua ba ngôi báu Phật, Pháp và Tăng già, từ đó thế gian trú trì Tam bảo được thành lập. Bấy giờ trên thế gian này chỉ có 5 vị A-la-hán (S. Arhant; P. Arahat; H. 阿羅漢) và 1 Đại Sa- môn Gotama Thích-ca, sau đó không lâu một đại chúng trên ngàn người. Tất cả các Ngài đều đã nỗ lực không ngừng hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh; cho đến ngày nay chư vị tiền bối, cao tăng thạc đức đã tục Phật huệ đăng, báo Phật ân đức. Chúng ta hàng hậu bối đang thừa hưởng tất cả những tinh hoa đạo đức, giá trị tâm linh cao quý mà các Ngài đã lao tâm tổn trí để lại cho chúng ta. Vậy thì, chúng ta phải làm gì để gọi là đáp đền ân đức cao dày ấy? Đây là đạo lý mà ai cũng có thể hiểu đuợc. Đó là: “uống nước nhờ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Để thật sự đáp đền ân đức cao dày của chư Phật, chư Tổ, chúng ta hãy tự mình cố gắng vượt qua mọi khó khăn, tận lực phát huy tối đa tất cả các Phật sự mà Giáo hội đã đề ra, nhất là hai lĩnh vực hoằng pháp và giáo dục Phật học. Đây là hai yếu tố cơ bản, có thể khẳng định sự thịnh suy của Phật giáo trong hiện tại và tương lai, được như thế chúng ta mới phần nào xứng đáng là người kế thừa đạo pháp, đồng thời xứng đáng là người mang hoài bão của chư Phật, chư Tổ trực tiếp truyền trao chánh pháp cho mọi người, hầu làm cho tất cả những ai có đạo tâm, có ý chí, hiến dâng trọn cuộc đời, phát nguyện tu trì đều được hoá giải mọi phiền não, khổ đau, thật sự thành tựu giải thoát an lạc ngay trong hiện đời, trước khi thành tựu quả vị tối cao.

  Trong tinh thần đó, ngày nay ngành giáo dục Phật học được phổ cập, có thể nói khắp cả nước, hầu hết các tỉnh thành đều có những cơ sở đào tạo trung cấp Phật học, cao đẳng Phật học. Đặc biệt, Phật giáo chúng ta có 4 Học viện Phật giáo (1. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, 2. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, 3. Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế, 4. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer) đang đào tạo liên tục ở 3 miền Nam, Trung và Bắc. Hằng năm số lượng Tăng Ni sinh tốt nghiệp khá đông, trong đó những thành phần Tăng Ni sinh ưu tú cũng không nhỏ, có thể đáp ứng tất cả mọi Phật sự cho Giáo hội, bổ sung cung ứng nhân sự cho các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có ban hoằng pháp Trung ương.

Hơn thế nữa, ban hoằng pháp Trung ương cũng đã kịp thời nắm bắt thời cơ về nhân sự cũng như những nhu cầu cấp bách của thời đại, nên đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành, thường xuyên mở ra những khoá đào tạo Trung cấp và Cao cấp giảng sư, mở ra những khoá ngắn hạn nâng cao kiến thức giảng sư. Trong khi đó, các đoàn giảng sư các tỉnh thành lần lượt ra mắt. Đặc biệt, ngày 20 tháng 01 năm 2007 đoàn giảng sư TW gồm 128 thành viên đã chính thức hình thành, quy tụ khá đông những giảng sư kỳ cựu, ưu tú dày dặn kinh nghiệm, có thể nói ban hoằng pháp TW ngày nay vô cùng phong phú và đa dạng từ nhân sự đến nội dung hoạt động của ngành. Tất cả đều không ngoài mục đích tục Phật tuệ đăng, báo Phật ân đức.

  Tuy nhiên, chúng ta hãy nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật để thấy và biết rõ những gì còn hạn chế bất cập, tuyệt đối không thể chấp nhận những quan niệm tự mãn hay bằng lòng với những thành quả mà chúng ta đã có được trong những thập niên qua. Tôi muốn nói rằng: ngày nay xã hội đang phát triển về mọi mặt, kinh tế, thương mại ngày một nâng cao, văn hoá và giáo dục đào tạo đang là vấn đề bức xúc và bất cập, đạo đức truyền thống và đạo đức xã hội và gia đình đang trên đà băng hoại. Thế thì Giáo hội Phật giáo và nhất là ban hoằng pháp, ngoài chức năng truyền thống của mình như hướng dẫn quần chúng quy y Tam bảo, làm lành lánh ác v.v… cần phải có một chương trình hành động như thế nào để phù hợp với xu thế thời đại, không thể rập khuôn theo những quá trình đã có từ trước, thường gọi là xưa bày nay làm. Bởi vì, mỗi giai đoạn, mỗi trào lưu xã hội đều sản sinh những con người của thời đại ấy, phải thật sự đổi mới tư duy cách nghĩ, cách làm, sao cho phù hợp với người đương đại, nhưng không thể tách rời những định lý căn bản về vấn đề hoằng pháp lợi sanh.

Nói theo cách nói của trường phái Bát nhã là: Bất biến tuỳ duyên tùy duyên bất biến.” Hoặc Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, Phật sự môn trung bất xả nhất pháp”. Để thực hiện được điều này, theo chúng tôi, người chuyên trách hoằng pháp cần phải có những điều kiện tối thiểu như sau:   

  1. Trước nhất, làm thế nào để có một quy trình sinh hoạt hoằng pháp từ TW đến các tỉnh thành, thiết thực và cụ thể, không phải lề lối chung chung cái gì cũng thành tựu tốt đẹp mỹ mãn. Muốn thực hiện được điều này, chư tôn đức trong ban hoằng pháp TW thường xuyên hoặc định kỳ gặp gỡ chư tôn đức Tăng Ni các tỉnh thành để thành thật trao đổi kinh nghiệm, rút ra những bài học thực tiễn quý báu từ những thế hệ đi trước làm hành trang cho chúng ta và những thế hệ mai sau. Một mặt vừa khắc phục những thiếu sót sai lầm, nếu có. Mặt khác nâng cao thành quả trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh một cách đúng mức. Thứ đến, nội dung giáo trình – giáo án đào tạo giảng sư cần chú ý đến chất lượng nhiều hơn như kỹ năng diễn đạt, phương pháp giới thiệu và triển khai đề tài một cách bài bản từ đầu đến cuối, trừ khi chủ ý muốn thay đổi đề tài tuỳ theo trình độ thính chúng. Nên nhớ rằng, đào tạo giảng sư chứ không phải Phật pháp chính khoá, tất cả mọi giáo lý căn bản đều đã được đào tạo trong các cơ sở giáo dục từ sơ cấp đến cao cấp. Điều giảng sư cần phải ghi nhớ là làm thế nào phải phù hợp với tâm tư nguyện vọng cũng như khả năng trình độ, cộng với điều kiện xã hội khách quan và hạnh nguyện thực tiễn tu tập của những con người có nhu cầu Phật pháp đang đối diện với chúng ta. Làm thế nào để khơi dậy hay đánh thức cho mọi người tự mình thấy được sự cần thiết không thể thiếu chánh pháp, coi đó như là những nhu yếu cần phải có trong cuộc sống như cơm ăn áo mặc, nhất là đức tin chân chính, chỉ có chánh pháp và niềm tin mới có thể hoá giải tất cả mọi hận thù, tiêu trừ mọi khổ đau trong kiếp nhân sinh và cũng chỉ có niềm tin và chánh pháp mới có thể tự mình thành tựu đạo quả giải thoát ngay trong cuộc đời này. Ngoài ra, giảng sư còn mang trọng trách Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự. Một Phật sự không đơn giản chút nào! Làm sứ giả của Như Lai, đem những việc Như Lai đã làm truyền đạt lại cho mọi người với một hy vọng là mọi người đều được thành đạt quả vị cao nhất. Tuy nhiên, lý thì đốn ngộ nhưng sự phải tiệm tu nghĩa là không phải nói thành đạt là có thành đạt ngay, phải nỗ lực tu tập đúng theo lời Phật dạy, y pháp hành trì trải qua một thời gian nhất định tuỳ theo căn, tánh lợi độn mà kết quả mau chậm khác nhau. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tất cả Tăng Ni trong hàng ngũ xuất gia tu học chân chính đều là những giảng sư gương mẫu, nhưng để tuyển chọn một giảng sư chuyên nghiệp, ngoài việc tu tập thâm niên và học vị tương đối khả dĩ, không thể không đề cập đến những yếu tố mang tính bẩm sinh thiên phú như âm thanh truyền cảm, cử chỉ và phong cách tự nhiên, cộng với đạo lực uy nghi và đạo phong khả kính. Đây là những yếu tố khẳng định đức tin cho thính chúng, đồng thời xác lập vị trí tư cách của một giảng sư.

Thật vậy, nếu thực hiện bất cứ một công việc nào dù nhỏ hay lớn mà không có lòng tự tin thì khó có thể thành công, nếu không muốn nói là thất bại. Người đời thường nói: Nhơn vô tín bất lập. Kinh Hoa nghiêm, đức Phật dạy: “Tín vi đạo nguyên cộng đức mẫu, thành tựu nhất thiết chư thiện pháp, trừ diệt nhất thiết chư nghi hoặc, thị hiện khai phát vô thượng đạo. Do đó, giảng sư muốn đạt yêu cầu trong sự nghiệp hoằng pháp, đầu tiên phải y vào sự tin tưởng của thính chúng, một khi đã có niềm tin thì giảng sư mới có cơ sở truyền đạt tư tưởng và tiếp thu một cách trọn vẹn. 

  2. Chúng ta phải khẳng định rằng, vấn đề đào tạo giảng sư cũng chính là đào tạo một Thầy tu chân chính thật tu, thật học, ngôn hành hợp nhất, giải hạnh tương ưng. Nói cách khác, là đào tạo một bậc Sa môn đúng nghĩa, có một kiến thức tổng quát về Tam tạng Thánh giáo, cụ thể như: Ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới, Tam học: Giới, Định, Tuệ. Tứ đế: tri khổ, đoạn tập, tu đạo, chứng diệt. 12 duyên khởi: tam thế nhị trùng. Đại thể không ngoài Tứ chủng duyên khởi (Nghiệp cảm, A-lại-da, Như lai tàng (chơn như) và Pháp giới duyên khởi). Lăng Nghiêm sớ nói: Dĩ Phật thánh giáo, tùng thiển chí thâm, thuyết nhất thiết pháp, bất xuất nhân duyên nhị tự”. Nhất là phải dung thông những giáo nghĩa của tất cả các tông phái, thiết thực nhất là Thiền tông và Tịnh Độ tông. Đây là những tông phái đang thịnh hành tại Việt Nam và những quốc gia Phật giáo lân cận.

  3. Trẻ trung hoá đội ngũ giảng sư cấp tỉnh thành, nhưng không quên vấn đề hạ lạp, giới lạp; nói chung là đã có một thời gian trải nghiệm về chuyên môn. Lưu ý: riêng ban hoằng pháp TW phải là những Tôn đức Tăng Ni giáo phẩm, hạ lạp cũng như niên lạp tương đối cao, thật sự là những tấm gương tiêu biểu, không những về phương diện hoằng pháp mà tất cả các phương diện khác cũng phải được kiện toàn. Bởi vì giảng sư là sứ giả của Như Lai, ngoài công việc hoằng pháp và lợi lạc quần sanh ra, giảng sư không làm bất cứ một công việc gì khác, có chăng cũng chỉ là trợ duyên cho sự nghiệp hoằng pháp mà thôi. Ngày nay, giảng sư kiêm nhiệm quá nhiều Phật sự, để rồi không có một Phật sự nào đạt yêu cầu như sự mong muốn. Người xưa nói: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”. Nghĩa là: Hoằng pháp là việc nhà, lợi sanh là hoài bão của người xuất gia. Hoằng pháp mà không đem lại lợi ích thiết thực cho quần sanh, hoặc lợi ích quá khiêm tốn, mang tính hữu lậu thì khó có thể gọi là hoằng pháp đúng nghĩa!

  C. Thay lời kết

Với sự nhận định trên, đúng hơn là chia sẻ những ưu tư cùng chư Tôn đức, cũng có thể gọi là tìm hiểu thêm về khái niệm hoằng pháp lợi sanh. Từ đó chúng ta có cơ sở để xác định quan điểm của mình về phương diện hoằng pháp và lợi sanh, và có một chương trình hoạt động đúng đắn và thực tế về các vấn đề có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến ngành hoằng pháp. Nói cách khác, định hướng của ngành hoằng pháp sẽ tạo điều kiện cho các giảng sư thực hiện chức năng của mình một cách có hiệu quả khả quan hơn.

Nghiên Cứu