Tìm Hiểu Về Duy Thức Tông – Nguyên Định

A. Giới thiệu

Chúng sanh từ vô thỉ kiếp vì chấp có thật ngã, thật pháp mà tạo ra không biết bao nhiêu nghiệp trái oan khiên, rồi bị nghiệp chiêu cảm dẫn dắt triển chuyển trong sanh tử luân hồi. Nếu con người giác ngộ rằng: Tất cả pháp trong vũ trụ, nhân và ngã đều không thật có, chỉ do thức biến hiện ra, “mở mắt thì tâm chạy theo cảnh, còn khi ngủ thì tâm chạy theo mộng”, như cảnh trong chiêm bao, thì không còn gây phiền não, tạo nghiệp chướng nữa, tất không còn ràng buộc trong sanh tử luân hồi khổ đau.

Để phá trừ chấp thật ngã và thật pháp, giáo pháp của đức Phật có rất nhiều phương pháp để đoạn trừ, trong đó tất cả các tông phái có tông Duy thức là một pháp tu rất cần thiết, hiệu nghiệm để đi đến giải thoát. Tông này thuộc Đại thừa, phân tích vũ trụ vạn hữu đều do thức biến hiện, do tâm tạo chứ không phải cảnh vật thật có, ngoài thức không có yếu tố nào khác, nên gọi là Tông Duy thức. Vì có sự nghiên cứu tường tận, rốt ráo hành tướng các pháp nên cũng gọi là Pháp tướng tông (法相宗).

Pháp sư Huyền Trang (602-664)

B. Nội dung

1. Tông chủ

Người sáng lập ra Duy thức là Bồ Tát Di Lặc (S. Maitreya). Sau khi đức Di Lặc tu chứng Duy thức, đáp lời thỉnh cầu của ngài Vô Trước (S. Asaṅga, T. Thogs-med) nên nói luận Du Già Sư Địa (S. Yogacàrabhùmi-sātra). Sau đó, ngài Vô Trước dựa theo bộ nầy để tạo ra bộ Hiển Dương Thánh Giáo luận (S.  Ārya-śāsana-prakaraṇa-śāstra; C.  顯揚聖教論) và Nhiếp Đại Thừa luận (S. Mahāyāna-saṃgraha-sāstra). Ngài Thế Thân (S. Vasubandhu) có công rất lớn trong việc tóm tắt lại nghĩa lý Duy thức, làm ra bộ luận Duy Thức Tam Thập Tụng (S. Triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā; C. 唯識三十頌). Về sau có mười vị đại Luận Sư sớ giải Duy Thức Tam Thập Tụng làm thành mười bộ Luận chính về Duy thức.

Tại Trung Hoa vào thời Nam Bắc Triều (420589), có ngài Chân Đế Tam Tạng (S. Paramartha, 499-569) và ngài Bồ Đề Lưu Chi (S. Bodhiruci; C. 菩提流支, 562-727) đã phiên dịch các Kinh Luận về pháp tướng, nhưng dụng công chưa được hoàn toàn. Đến đời Đường, ngài Huyền Trang (C. 玄奘, 602-664) từ Trung Hoa sang Ấn Độ thỉnh kinh và tham cứu về Phật giáo. Ngài thụ giáo với Luận sư Giới Hiền (S. Śīlabhadra), trải qua thời gian mười bảy năm, Ngài rất tinh thông về Duy Thức. Sau khi trở về bổn quốc Trung Hoa, Ngài đã đúc kết lại những tinh hoa của mười bộ đại Luận dịch thành Hán văn dưới nhan đề Thành Duy Thức Luận (S. Vijĩaptimàtratàsidhi-sàstra; C. 成唯識論), Ngài còn sáng tác bộ Bát Thức Quy Cũ Tụng (C. 八識規矩頌) lập thành giáo pháp Pháp tướng.

 Đệ tử lớn của Ngài tên là Khuy Cơ (C. 窺基, 632-682) sớ giải thêm làm rõ nghĩa lý bộ Thành Duy Thức Luận dưới nhan đề Thành Duy Thức Thuật Ký [1] (C. 成唯識述記).

Như vậy, năm vị Tổ thuộc tông Duy Thức ở Ấn Độ gồm có, tông chủ: Bồ Tát Di Lặc. Kế Thừa: Bồ Tát Vô Trước, Bồ Tát Thế Thân, Ngài Hộ Pháp, Ngài Giới Hiền. Còn ở Trung Hoa có Pháp Sư Huyền Trang, ngài Khuy Cơ…

2. Cơ sở y cứ

Lịch sử truyền thừa Duy thức tông, [2] chúng ta biết Duy thức học được bắt nguồn từ thời đức Thế Tôn còn tại thế, và được phát triển cho đến hình thành 1 tông phái. Về phương diện tổng quát, có thể nói tư tưởng Duy thức có mặt hầu hết trong các kinh tạng Đại thừa. Tuy nhiên, dựa trên sử liệu sự hình thành duy thức tông, các luận gia Phật giáo đều ghi nhận rằng: Duy thức học trực tiếp dựa trên cơ sở học lý căn bản của 6 bộ kinh và 11 bộ luận sau đây:

 + Về Kinh có sáu bộ:

1. Kinh Giải Thâm Mật (S. Saṃdhinirmocana-sūtra)

2. Kinh Hoa Nghiêm hay Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (S. Mahāvaipulya Buddhāvataṃsaka Sūtra)

3. Kinh Như Lai Xuất Hiện Công Đức Trang Nghiêm

4. Kinh A Tỳ Đạt Ma (S. Abhidharma-sūtra)

5. Kinh Lăng Già (S. Laṅkāvatārasūtra)

6. Kinh Mật Nghiêm (hay Hậu Nghiêm)

+ Về Luận có mười một bộ:

1. Du Già Sư Địa Luận (S. Yogacàrabhùmi – sātra; C. 瑜伽師地論)

2. Hiển Dương Thánh Giáo Luận (S. Ārya-śāsana-prakaraṇa-sāstra; C. 顯揚聖教論) 

3. Đại Thừa Trang Nghiêm Luận (S. Mahāyānasūtralaṃkāra; C. 大乘莊嚴經論)

4. Tập Lượng Luận (S. Pramāṇasamuccaya; C.集量論)

5. Nhiếp Đại Thừa Luận (S. Mahāyāna-saṃgraha-sāstra)

6. Thập Địa Kinh Luận (S. Daśabhūmikasūtra-sāstra; C. 十地經論)

7. Phân Biệt Du Già Luận (S. Vibhaga-yogā sāstra; C. 分別瑜伽論)

8. Biện Trung Biên Luận (S. Madhyānta-vibhāga; C. 辯中邊論)

9. Duy Thức Nhị Thập Tụng (S. Vijñapti-mātratā-siddhi; C. 唯識二十頌)

10. Quán Sở Duyên Duyên Luận (S. Ālambanaparīkṣā; C. 觀所緣緣論)

11. Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận (S. Mahàyànàbhidharmasamuccaya-vyàkhyà; C. 大乘阿毗達磨雜集論)

Ngoài ra, còn có các bộ như: Tạp luận, Bách luận (S. Satasàstra; C. 百論), Duy thức tam thập tụng (S. Triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā; C. 唯識三十頌)…

Như vậy, có thể nói người có công rất lớn trong việc hoàn thiện giáo nghĩa Duy thức ở Ấn Độ là ngài Thế Thân, và xiển dương rạng rỡ Duy thức học ở Trung Hoa là Pháp sư Huyền Trang. Nên Ngài cũng chính là Thủy tổ của môn Duy Thức học ở Trung Hoa. Hơn thế nữa, người tu học Duy thức thường y cứ vào ba bộ sau:

– Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận (S. Mahàyàna-satadharmaprakàsamukha-sàstra; C. 大乘百法明門論) (Bồ Tát Thế Thân tạo, ngài Huyền Trang dịch từ chữ Phạn qua chữ Hán và HT Thiện Hoa dịch ra tiếng Việt).

– Duy Thức Tam Thập Tụng (cũng do ngài Thế Thân tạo).

– Bát Thức Quy Cũ Tụng (Ngài Huyền Trang tạo). 

3. Tôn chỉ

Tất cả các pháp hiện hữu đều do thức biến. [3] Nói đến thức (S. Vijñāna; P. viññāṇa; E. discernment) là phải có năng-sở. Ở đây, năng phân biệt là chủ thể nhận thức và sở phân biệt là đối tượng nhận thức đều là Thức và không ngoài Thức mà hiện hữu, nói như thế có nghĩa là tất cả các pháp đều do thức biến hiện.

4. Triết lý

Thuộc loại giáo lý Chủng tử duyên khởi.

“Do nhất thiết chủng thức / Như thị như thị biến / Dĩ triển chuyển lực cố/ Bỉ bỉ phân biệt sanh.” [4]  Dịch nghĩa: Do thức nhất thiết chủng/ Biến như vậy, như vậy/ Vì năng lực triển chuyển/ Kia kia phân biệt sanh.

5. Mục đích cứu cánh

Thế giới hiện tượng này, vì mê mờ chúng ta tưởng là chắc thật, nên chấp chặt vào ngã, pháp. Do đó, chủ trương của Duy Thức là phá trừ vọng chấp ngã, pháp (biến kế sở chấp) bằng cách chỉ cho chúng sanh thấy tất cả các pháp đều nương tựa nơi thức biến hiện ra (Y tha khởi), và mục đích cuối cùng là đưa chúng sanh trở về với tánh chân thành thật (Viên thành thật), tức là khi không còn chấp thật ngã, thật pháp nữa, thì lúc này hiển bày tỏ rõ được tánh chân thật của vũ trụ vạn hữu. Nói cách khác, Duy Thức học đi từ hiện tượng để tìm về bản thể (tức đi từ tướng vào tánh, dĩ tướng hiển tánh).

Thế giới hiện tượng tức là vạn sự vạn vật trong vũ trụ, tuy nhiều không thể kể xiết, nhưng được ngài Thế Thân đúc kết lại thành một trăm pháp, gọi là Bách pháp (百法), cho nên hành giả muốn chứng Duy Thức tánh phải quán một trăm pháp được phân thành năm loại lớn.

1. Tâm vương: tức là “tướng” của thức, thuộc về tâm giới. Tâm vương gồm có tám món, mỗi món như mỗi ông Vua làm chủ mỗi nước, đó là:

a. Nhãn thức

b. Nhĩ thức

c. Tỷ thức

d. Thiệt thức

e. Thân thức

f . Ý thức

g. Mạt na thức

h. A lại da thức

2. Tâm sở: tức là “dụng” của thức, cũng thuộc về tâm giới. Nói cách khác, tâm sở là tánh sở hữu phụ thuộc của Tâm Vương cũng như quần thần trong triều phụ thuộc vào ông vua. Tâm sở có tất cả 51 pháp, chia làm sáu loại:

– Biến hành tâm sở có 5: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư,  là những tâm lưu chuyển khắp tám thức Tâm Vương.

– Biệt cảnh tâm sở có 5: Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ là những tâm sở duyên mỗi cảnh khác nhau. 

–  Thiện tâm sở có 11: Tín, Tàm, Quí, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại là tâm sở lành và có công năng phát sanh những điều lành.

–  Căn bản phiền não tâm sở có 6: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến là những tâm sở gây phiên não, rối loạn cho chúng sanh.

– Tùy phiên não tâm sở có 20: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siểm, Hại, Kiêu, Vô tàm, Vô quí, Trạo cử, Hồn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri, những tâm sở này nương tựa , phát sanh từ các căn bản phiền não nói trên.

–  Bất định tâm sở có 4: Hối, Miên, Tâm, Tư, là những tâm sở không nhất định là thiện hay ác.

3. Sắc pháp: là “ảnh tượng” của thức, thuộc về sắc giới, sắc pháp là những pháp không thật, có thể hư nát và có tánh cách chướng ngại. Có 11 sắc pháp gồm năm căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) và sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp trần).

4. Bất tương ứng hành pháp: là “phận vị sai khác” của thức, là các pháp không thuộc về pháp cũng không thuộc về tâm; nhưng chúng không thể rời sắc và tâm mà có được. Thí dụ như “đắc” (得 , được) không phải là sắc cũng không phải là tâm, nhưng phải nương vào sắc và tâm mới có. Có tất cả 24 Bất tương ung hành pháp (Đắc, Mạng Căn, Chúng Đồng Phận, Dị Sanh Tánh, Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, Vô Tưởng Báo, Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân, Sanh, Trụ, Lão, Vô Thường, Lưu Chuyển, Định Vị, Tương Ưng, Thế Tốc, Thứ Đệ, Thời, Phương, Số, Hòa Hợp Tánh và Bất Hòa Hợp Tánh).

5. Vô vi pháp: là “tánh” của thức, cũng gọi là chơn như. Vô vi pháp là pháp không sanh, không diệt, không tạo tác, không thay đổi, không biến dị, xa lìa tướng hư vọng, tức là thể tánh của các pháp. Các pháp vô vi khó nghĩ bàn so sánh. Tuy vậy, để có ý niệm về thể tánh chơn như, dựa vào sắc pháp và danh tự để hình dung các pháp vô vi. Do đó, đặt thành sáu pháp vô vi sau:

1. Hư không vô vị

2. Trạch diệt vô vi

3. Phi trạch diệt vô vị

4. Bất động diệt vô vị

5. Tưởng thọ diệt vô vi

6. Chơn như vô vi

Một trăm pháp này tuy hình tướng công năng có khác nhau, chung quy cũng đều là thức cả. Thế nên, hành giả tu theo Duy thức phải thực hành năm giai đoạn gọi là năm lớp quán từ thô đến tế, từ thấp đến cao, từ phức tạp đến tinh thuần để cuối cùng chỉ còn thấy có thức tánh, tức là tâm chơn như.

Năm lớp quán gọi là ngũ trùng duy thức quán [5] đó là:

a. Khiển hư tồn thật quán: khiển hư là hủy bỏ, loại trừ hư vọng giả tạm. tồn thật là lưu trữ, bảo tồn cái chơn thật, đúng đắn. hay nói dễ hiểu là “lắng đục khơi trong”.

Con người thường chấp ngã và ngã sở là pháp chơn thật và thật hữu, luôn sống với nó một cách mật thiết, gắn vào đó cái nhìn sai lạc, méo mó dưới lăng kính vọng tưởng (S. Vikalpa, विकल्प). Vạn pháp không thể hiện hữu theo như chúng ta khái niệm, do Biến kế sở chấp mà thấy vạn hữu vũ trụ như sơn hà, đại địa đều thật có thật ngã. Hành giả tu pháp quán này nhận rõ chân lý: “ngoài tâm không có cảnh”. Tất cả pháp vô ngã vì do nhân duyên hiện khởi, không có một pháp nào tự tồn tại độc lập  “cái này sinh, cái kia sanh; cái này diệt, cái kia diệt”. Như vậy, các pháp chẳng qua cũng chỉ có trên danh ngôn, giả lập mà thôi:

“Nhất thiết pháp hữu vi

Hữu vi xứ hữu tướng

Danh ngôn nghĩa lý lập

Danh nghĩa biến kế chấp.”

Nhờ quán sát như thế mà đoạn trừ Biến kế sở chấp, hư vọng ảo tưởng như lông rùa sừng thỏ, như hoa đốm giữa hư không. Và chỉ lưu giữ lại Y tha khởi tánh, Viên thành thật tánh. Nói khác hơn, lớp quán này là phương tiện cốt yếu nhằm trừ sạch hết vọng thức phân biệt do nhận thức sai lầm, để lại nhận thức đúng đắn là tâm chân thật. Theo Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, năm lớp quán đây, pháp quán đầu tiên gọi là Sơ môn. Đạo lý duy thức sở quán này bao la, đầy đủ nên thông cả vị Tư lương và Tu chứng. Nghĩa là từ sơ phát tâm đến khi thành Phật, cũng đều y cứ pháp quán này mà chứng tự tánh ly ngôn, chơn như bất động. Đây còn gọi là Hư thật tương đối quán.

b. Xả lạm lưu thuần quán: xả lạm là xả bỏ cái tạp nhạp, phần ô nhiễm vi tế. Lưu thuần là giữ lại phần trong sạch, không cấu bợn . Ở đây nói “lạm” tức là Tướng phần (S. Nimittabhāga). Nói “thuần” tức là Kiến phần (S. Dar sanbhāga). Tướng phần (đối tượng) là ngoại cảnh, tướng trạng, hình dáng, là cảnh tượng bên ngoài sự vật, thuộc về phần sở duyên của thức. Kiến phần (chủ thể) là sự thấy biết, thuộc về phần năng duyên của thức, tánh của nó nhanh nhẹn, tự tìm đến ngoại cảnh (pháp trần), công dụng thâu nhiếp, phân biệt tướng phần. Kiến phần và tướng phần đều nương tựa vào nhau mà hiện hữu, chúng xuất hiện đồng thời và cái này tồn tại nhờ cái kia. Kiến phần không tạo ra tướng phần, đó là hai phần của thức không thể tồn tại độc lập. Ví dụ: khi ngắm nhìn bông hoa, bông hoa là tướng phần và con mắt nhìn thấy bông hoa là kiến phần.

Tu tập pháp quán này, hành giả nhận thức và xả bỏ tướng phần của vạn pháp như: nhà cửa, ruộng vườn, vật chất, xe cộ, cây cối, hoa trái v.v … Nghĩa là không còn tham đắm, chấp trước đối với các pháp. Các pháp chỉ là Y tha sanh khởi, nên giữ lại kiến phần tức là vẫn thấy, biết, nghe, ngửi v.v … nhưng không có mặt của phân biệt biến kế. Pháp quán thứ hai còn gọi là Tâm cảnh tương đối quán.

c. Nhiếp mạt qui bổn quán: Nhiếp mạt là thâu tóm cái ngọn. Quy bổn là đem ngọn trở về gốc. Hay có thể nói là làm giảm hiệu lực phân biệt để quay về với chơn tánh thanh tịnh. Ngọn được hiểu là Tướng phần và Kiến phần. Gốc là Tự chứng phần (S. Svasamvittibhāga) và Chứng tự chứng phần (S. Svasamvittisamvittibhāga). Tự chứng phần còn gọi là Tự thể phần (S. Svabhāvikabhāga), là tự tánh của tuệ giác, vốn không phân biệt, không suy lường. Còn Chứng tự chứng phần được quan niệm cần thiết giao chứng hỗ tương giữa ý niệm bản thể và hiện tượng. Như khi nhìn thấy (Kiến phần) bông hoa (Tướng phần), hình ảnh bông hoa lập tức khởi động trung tâm cảm giác não bộ (Tự chứng phần) và nhận biết đó là bông hoa gì, (hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, hoa cẩm tú cầu…) thì đây chính là tác dụng của Chứng tự chứng phần.

Vậy kiến phần và tướng phần là dụng của thức. Tại sao? Vì tướng phần là cảnh khách quan và kiến phần là tác dụng chủ quan đều thuộc nội thức. Hai phần kiến và tướng không rời gốc, do đó, phải nhất quán giữa ngọn và gốc thành một thức thể. Đến đây không còn phân biệt tướng hay kiến phần, ngọn hay gốc gì cả.

Ở giai đoạn thứ ba này, hành giả phải gạn lọc Kiến phần và Tướng phần để đưa về Tự chứng phần và Chứng tự chứng phần. Nghĩa là quán chiếu tu tập trừ vọng thức, vọng kiến, dứt sạch tác dụng phân biệt giữa tâm và cảnh, bấy giờ chơn tâm tự hiển bày. Pháp quán này còn gọi là Thể dụng tương đối quán.

d. Ẩn liệt hiển thắng quán: Ấn liệt là che giấu phần yếu kém. Hiển thắng tức là hiển bày phần ưu thắng. Liệt được hiểu là Tâm sở, thắng tức là Tâm vương. Tâm sở phụ thuộc vào Tâm vương nên gọi Tâm sở hữu pháp, tức pháp sở hữu của tâm vương. Như đã biết tâm sở có ba đặc tính:

+ Hằng y tâm khởi: Tâm sở luôn luôn y theo tâm vương mà khởi, nếu không có tâm vương thì tâm sở không dựa vào đâu sanh khởi được.

+ Dữ tâm tương ưng: Tâm sở thường tương ưng với tâm vương, vì cùng một bản chất như nhau.

+ Hệ thuộc ư tâm: Tâm sở nào hệ thuộc tâm vương nào, có đủ điều kiện như thế mới sanh khởi hiện hành.

Do có ba đặc tính này, tâm sở được xem là yếu kém. Tâm vương là chủ thể phân biệt, chủ động và tác động tâm sở làm theo mệnh lệnh của nó, nên tâm vương được coi là ưu thắng .

Hiểu được như thế, hành giả tu tập quán pháp dùng quán tri chuyển biến tất cả biến kế sở chấp, y tha khởi, kiến phần, tướng phần, v.v … ngay cả những công dụng phân biệt của tâm vương đều là liệt cẩn phải ẩn. Giai đoạn thứ tư này hành giả bỏ hết những phân biệt của tâm vương tiếp xúc bên ngoài, chỉ giữ lại phần tinh thuần . Như thế gọi là Ẩn liệt hiển thắng. Lớp quán thứ tư còn gọi là Vương sở tương đối quán.

e. Khiển tướng chứng tánh quán: Khiển tướng tức là khử trừ phần tướng (sự), để chứng được phần tánh (lý). Cả sự và lý đều là nghiệp dụng của tâm.

Bốn pháp quán đầu, tuy rốt ráo chỉ lưu giữ lại các tâm vương, nhưng thật ra tâm vương cũng có đủ sự tưởng và lý tánh. Sự tướng được hiểu là Y tha khởi và lý tánh tức Viên thành thật. Y tha khởi tánh tức nói nhất thiết pháp là duyên sinh hợp thành, chúng nương tựa vào nhau để tồn tại và hiện hữu. Vạn pháp không có tự ngã riêng biệt, sự sinh thành và hoại diệt của một pháp tùy thuộc vào các pháp khác: “Có thể nhìn thấy tự tính y tha khởi bằng cách quán sát phân biệt các duyên khởi ” (Tam thập tụng). Nếu nhận thức đúng Y tha khởi tính của sự vật thì diệt trừ được tà kiến, vọng tưởng điên đảo. Tuy nhiên, Y tha khởi chỉ là một khái niệm, được xem như phương tiện để hành giả căn cứ trên nguyên lý Duyên sinh vô ngã, phá trừ Biến kế chấp đạt đến thanh tịnh của Viên thành thật. Viên thành thật không rời Y tha khởi, lấy Y tha khởi làm cơ sở để nương tựa. Viên thành thật là sự vắng mặt vĩnh viễn Biến kế chấp nơi Y tha khởi. Do đó, Viên thành thật và Y tha khởi không phải đồng nhất hay dị biệt. Nói khiển tướng thì phải hiểu là đoạn trừ các vọng tưởng phân biệt của Biến kế chấp nơi Y tha, mới chứng được Viên thành thật. Hành giả tu pháp quán này nhằm bỏ hết tổng thể phân biệt của vọng tâm đối với ngoại cảnh, chứng được bản thể chơn như tức Duy thức tính. Quán trí này còn gọi là Sự lý tương đối quán.

Quá trình tu tập Duy thức quán, hành giả lần lượt trải qua năm quả vị là: Tư lương vị, Gia hạnh vị, Thông đạt vị, Tu tập vị và Cứu cánh vị. Quả vị Cứu cánh là Phật quả (S. Buddhatva; P. Buddhatta; E. Buddhahood) đây là cảnh giới Vô lậu, cũng gọi là Bất tư nghì, Thiện thường, An lạc, Giải thoát thân, Pháp thân … thành tựu tứ Trí:

+ Thành sở tác trí (S. Kṛtyānuṣṭhāna-jñāna; C.成所作智). Do tu quán Duy thức chuyển năm thức trước (tiền ngũ thức) thành Thành sở tác trí.

+ Diệu quan sát trí (S. Pratyavekṣaṇa-jñāna; C. 妙觀察智). Thức thứ sáu (ý thức) khi chưa tu mê chấp các pháp, khi ngộ đạo chuyển thành Diệu quan sát trí.

+ Bình đẳng tánh trí (S. Samatājñāna; C. 平等性智). vì thức bảy chấp kiến phần của thức tám làm Ngã, chỉ có ngã là nhất,  mọi ý nghĩ, hành động, lời nói… đều phục tùng cái Ngã. Khi giác ngộ rồi thì thức bảy chuyển thành Bình đẳng tánh trí.

+ Đại viên cảnh trí (S. Ādarśa-jñāna; C. 大圓鏡智). khi chứng ngộ thức thứ tám như gương lớn được lau sạch bụi vô minh phiên não, phản chiếu mười phương thế giới nên gọi là Đại viên cảnh trí.

Bốn trí trên đây, tuy có phân chia khác nhau tùy theo công năng của mỗi thứ, nhưng rốt cùng có thể gồm trong hai trí là: Căn bản trí và Hậu đắc trí.

– Căn bản trí (S. Mulajñāna; C. 根本智) hay Như thật trí là trí thể, chư Phật và chúng sanh đều sẳn có, vì trí này có thể khế hợp lý chân như mầu nhiệm, bình đẳng như thực, không có sai khác, cho nên cũng gọi là Vô phân biệt trí. Hay nói khác đi, là cái trí không do học hỏi hay tu tập mà có được. Thường nói là cái trí không thầy chỉ dạy (vô sư trí). Thí như chất vàng ròng sẵn có trong quặng nhơ. Sở dĩ nó chưa hiển lộ ra được, là vì nó còn bị những thứ nhơ bẩn phủ dầy. Như ánh trăng sẵn có trên nền trời, nhưng vì nó còn bị mây mù che ngăn làm cho ánh sáng của nó không thể hiển lộ ra được.

+ Hậu đắc trí (C. 後得智) là trí dụng. Sau khi chứng quả Thánh, được Căn bản trí rồi mới được Hậu đặc trí cũng gọi là Sai biệt trí.

C. Kết luận

Thành quả rốt ráo của người tu học Duy thức là chuyển bát thức thành tứ trí. Đứng về mặt Thể và Dụng thì bốn Trí này chỉ gồm lại làm hai, đó là: Căn bản trí và Hậu đắc trí. Khi được hai trí này hành giả đã chứng được Duy thức tánh, ngộ nhập Chơn tâm, viên thành Phật quả.

Tham khảo & chú thích

[1]. Xem thêm 《成唯識論述記》, 大正新脩大正藏經 Vol. 43, No. 1830.

[2]. Xem thêm http://chuamaisonvinhan.org/tong-quan-lich-su-truyen-thua-duy-thuc-tong/

[3]. Xem thêm HT. Thích Thiện Siêu, Thức Biến, Nxb TP. HCM, 2003.

[4]. Duy Thức Tam Thập Tụng, câu 18. [由一切種識/ 如是如是變/ 以展轉力故/ 彼彼分別生]

[5]. Xem thêm 《大乘法苑義林章》, 大正新脩大正藏經  Vol. 45, No. 1861.

Nghiên Cứu