A. Dẫn nhập
Trong cuộc sống, muốn cho xã hội-con người được yên vui, an cư lạc nghiệp, xây dựng và phát triển cộng đồng ngày càng văn minh, vững mạnh thì những thành viên trong cộng đồng đó phải tuân thủ những nguyên tắc, luật lệ nhất định ấy, bằng cách thông qua sự biểu quyết của số đông, và những người có đủ thẩm quyền. Cũng vậy, sự sinh hoạt Tăng đoàn Phật giáo, luôn lấy Giới luật làm thước đo mẫu mực. Đặc biệt, đề cao sự thanh tịnh và hòa hợp làm nền tảng để tạo thành dòng sanh mạng của Tăng già. Chúng Tăng hòa hợp là do thống nhất quyết định, và quyết định đó được ban hành bằng mệnh lệnh mà tất cả thành phần của Tăng phải tuân thủ. Vậy, làm thế nào để có được sự thống nhất ấy? Đó là chức năng của pháp Yết-ma.
Nhận thấy trong sinh hoạt Tăng đoàn, pháp Yết-ma đóng vai trò vô cùng quan trọng, mọi việc làm dù muốn thành tựu hay không cũng do đây mà ra. Vì vậy, trong bài viết này với chủ đề: “Tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của các pháp Yết-ma”nhằm ứng dụng trong đời sống Tăng đoàn. Tuy nhiên, phần nghiên cứu này, trọng tâm chuyên sâu về Luật tạng, đặt nặng về thực hành hơn là lý thuyết, và đã được quý chư Tôn đức nghiên cứu một cách rõ ràng, trong đó có các tác phẩm như: “Yết-Ma Yếu Chỉ” của Hòa thượng Thích Trí Thủ. “Pháp Yết Ma Chỉ Nam” của Hòa thượng Thích Bình Minh. “Luật Học Tinh Yếu” của Hòa thượng Thích Phước Sơn, được xem là đầy đủ để áp dụng khi cử hành các pháp sự. Dõi theo dấu bước ấy, người viết mong cầu nghiên cứu, với mục đích tự rèn luyện bản thân và muốn nhắc lại một lần nữa về ý nghĩa và tầm quan trọng của các pháp Yết-ma trong đời sống của người xuất gia.
Phạm vi đề tài này, người viết trình bày những điểm cơ bản thiết thực nhất được tập trung vào những điểm chính sau đây:
– Yết-ma trong sinh hoạt cộng đồng Tăng lữ
– Khái lược về các pháp Yết-ma
– Tác dụng của các pháp Yết-ma
Nhìn chung, khi nghiên cứu và ứng dụng các pháp sự, điều quan trọng là mỗi cá nhân bản thân chúng ta phải tự ý thức nỗ lực tu tập, giữ gìn các giới pháp đã lãnh thọ, được như vậy thì công năng của việc hành trì đó mới có giá trị đích thực trong cuộc sống. Như trong kinh Pháp Cú đức Phật đã dạy:
“Giữa ai có giới hạnh,
An trú không phóng dật,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Ác ma không thấy đường.” [1]
Một khi người hành đạo đã an trú tâm trong chánh giới, thì các chướng duyên, ác ma không đủ điều kiện cơ sở xâm nhập phá hoại được.
Nội Dung
I. Yết-ma trong sinh hoạt cộng đồng Tăng lữ
1. Khái niệm về cộng đồng Tăng lữ
Tăng, nói đầy đủ là Tăng già (S. Saṃgha; P. Saṅgha; C. 僧伽), có nghĩa là chúng hội, một cộng đồng mà các thành viên được ràng buộc lẫn nhau trong một mục đích duy nhất. Trong đời sống xã hội, bất cứ một cộng đồng nào mà các thành viên ấy cùng sống và sinh hoạt chung dưới sự chi phối của một số nguyến tắc của nội qui và kỷ luật tập thể, có những quan hệ bình đẳng hợp lý về các nghĩa vụ và quyền lợi, hướng đến một mục đích duy nhất, đều có thể được gọi là Tăng. Tuy nhiên, để phân biệt với các tổ chức Tôn giáo khác, ở đây Tăng già của Phật giáo mang hai yếu tố đặc trưng nhất đó là: tính chất hòa hợp và thanh tịnh. Nói khác, theo tinh thần Luật tạng, nếu sinh hoạt của các Tỳ-kheo không đúng theo các nguyên tắc cơ bản của pháp Yết-ma thì dù có hòa hợp, vẫn được gọi là hòa hợp trong phi pháp, và như vậy không đủ khả năng làm nền tảng cho sự phát sinh của các pháp vô lậu. Nghĩa là bản thể của Tăng-già không thành tựu.
2. Thành phần của Tăng
Tăng được quy định từ bốn vị Tỳ-kheo trở lên cùng sống trong một trú xứ, cùng thanh tịnh và hòa hợp mới gọi là Tăng. Dù trong hiện tại các vị ấy chưa chứng đắc đạo quả Niết-bàn, nhưng đời sống có một hướng đi duy nhất là phải đạt thành mục đích ấy. Như vậy, căn cứ trên nhân mà được gọi là Tăng. Chính trong ý nghĩa ước lệ này mà các pháp Yết-ma có hiệu lực để tạo thành bản thể sinh động của Tăng. Vậy, thành phần của Tăng gồm Bhikkhu (Tỳ-kheo), Bhikkhuni (Tỳ-kheo ni) đã đắc giới Cụ túc, đầy đủ giới hạnh của người xuất gia. Ngoài ra, còn có ba chúng Sikhamànà (Thức-xoa-ma-na), Samanera (Sa-di), Samaneri (Sa-di ni) được xếp vào giai đoạn dự bị, cần phải trải qua một thời gian học tập.
3. Phân loại Tăng
Tăng được phân làm ba loại chính yếu như sau: 1. Phân loại theo túc số; 2. Phân loại theo tính phái; 3. Phân loại theo trú xứ.
1. Phân loại theo túc số. Mỗi Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo ni là một thành phần của Tăng, nhưng tùy theo Tăng sự, phải hội đủ túc số tối thiểu thì bản thể của Tăng mới thành tựu. Có bốn trường hợp để hội đủ túc số Tăng .
a. Tăng gồm bốn người: Với túc số này, Tăng có thể tác pháp Yết-ma cho những sinh hoạt thông thường như thuyết giới v.v… Trừ tự tứ, thọ cụ túc, xuất tội Tăng tàn còn lại các Yết-ma khác đều có thể được tác pháp với túc số 4 người.
b. Tăng gồm năm người: Túc số này được dùng trong pháp Yết-ma truyền giới Cụ túc tại các địa phương số Tỳ-kheo ở đó quá ít và các Yết-ma khác như tự tứ. Trừ việc truyền thọ cụ túc tại các đô thị và xuất tội Tăng tàn.
c. Tăng gồm mười người: Trừ xuất tội Tăng tàn, còn lại các Yết-ma khác có thể làm với túc số 10 người này.
d. Tăng gồm hai mươi người: Túc số để xuất tội Tăng tàn, và tất cả cho pháp yết ma khác.Từ túc số hai mươi người này, có thể thực hiện bất cứ Tăng sự nào.
2. Phân loại theo tính phái. Do sự khác biệt tính phái, trên đại thể, Tăng-già được chia làm hai bộ: Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni.
3. Phân loại theo trú xứ. Phân loại chung về trú xứ thì có hai hạng Tăng: Chiêu đề Tăng là chỉ cộng đồng Tỳ-kheo không định cư lâu dài tại bất cứ trú xứ nào, và thường trú Tăng là chỉ cộng đồng Tỳ-kheo thường ở lâu tại một trú xứ.
4. Tính chất của Tăng đoàn
Hoà hợp và thanh tịnh là hai yếu tố để hình thành nên bản thể của Tỳ-kheo. Ở đây, hòa hợp là thái độ hiền hòa dung thông với mọi người. Mục đích xuất gia của mỗi Tỳ-kheo là sống cuộc sống không gia đình trong giáo đoàn Phật giáo, để giúp đỡ tương trợ nhau nhằm chứng ngộ chân lý, rồi chia sẻ những kinh nghiệm về tri thức cũng như tâm linh đã đạt được cho hạnh phúc tha nhân. Do vậy, các thành viên trong Tăng đoàn đều có khả năng chung sống hòa hợp. Tất cả tổ chức sinh hoạt như An cư, Tự tứ, Bố tát, những khóa lễ khác… đều thể hiện tính hòa hợp. Thanh tịnh là sự trong sạch thuần khiết của tâm hồn do việc hành trì Giới bổn liên hệ đến việc phát triển tuệ giác đưa đến giải thoát tối hậu.
5. Đặc điểm của Tăng đoàn
Để có sự hòa kính trong sinh hoạt Tăng đoàn, cũng như làm gương mẫu đạo đức cho con người trong xã hội, đức Phật đã dạy về sáu pháp hoà kính. Thân hòa ở chung, khẩu hòa không tranh cãi, ý hòa đồng vui, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng chia đều. Vậy Lục hòa được xem là sáu điều luật, xét trên phương diện chân đế nó cô đọng cả một kho tàng Luật tạng và giúp hành giả tiến đến con đường Giới, Định, Tuệ. Trên phương diện tục đế thì nó là tinh thần đoàn kết, hòa hợp an vui trong Tăng đoàn. Nếu một quốc gia, một thế giới hay đối với một môi trường nào cũng vậy, lục hòa chính là yếu tố nhằm giúp tồn tại sinh mạng con người. Nguyên tắc ấy vừa đầy tình thương, đầy nhân cách, đầy công bằng hợp lý và để duy trì đời sống thanh tịnh hòa hợp đó, đức Thế Tôn còn chế ra bảy Pháp Diệt Tránh để chấm dứt sự tranh cãi trong Tăng đoàn, bảy pháp ấy được tóm lại như sau: “Luật về sự hiện diện gọi là hiện tiền tỳ ni, luật về không si mê gọi là bất si tỳ ni, luật về sự thú nhận gọi là tự ngôn trị, luật về đa số gọi là đa nhân mách tội, luật về tìm tội tướng gọi là tội xứ sở và luật về sự trải cỏ ra gọi là như thảo phú địa”.
Như vậy, theo như những gì vừa được trình bày ở trên, nền tảng cho sự tồn tại của Tăng già chính là thanh tịnh và hòa hợp. Chủ đích của các pháp Yết-ma là tạo sự thanh tịnh cho các Tỳ-kheo. Người nào phạm tội, cần phải sám hối và sám hối như thế nào là như pháp, để không có sự cơ hiềm cho các Tỳ-kheo khác… đó là sự diệu dụng của pháp Yết-ma.
II. Khái lược về các pháp Yết-ma
1. Định nghĩa Yết-ma là gì?
Theo Luật Học Tinh Yếu,[2] Yết-ma (羯磨) là phiên âm từ Karma của tiếng Phạn, Hán dịch là nghiệp, hành động hay tác pháp; nói cho đủ là tác pháp biện sự, nghĩa là lập thủ tục để giải quyết một sự việc. Yếu tố căn bản để thành tựu Yết-ma là Tăng phải hòa hợp và thanh tịnh.
Theo Thực Dụng Phật Học Từ Điển,[3] Yết ma: (thuật ngữ) dịch là tác nghiệp, một cách thức tuyên cáo được dùng trong việc thọ giới, sám hối v.v… dùng lời văn này tuyên cáo để thành tựu các pháp Yết-ma. Theo Hành Sự Sao quyển thượng: Sách Minh Liễu Luận Sớ, phiên âm là nghiệp, có hành động tạo tác gọi là nghiệp, cũng phiên là sở tác. Sách Bách Luận gọi là sự, nếu tìm ước về nghĩa lý thì gọi là Biện sự. Yết-ma này phải có đầy đủ có 4 pháp. 1. Pháp: tác pháp được cử hành một cách chơn chính, được gọi là bỉnh pháp. 2. Sự: pháp Yết-ma được cử hành liên quan đến những sự thật như phạm tội hay sám hối v.v… 3. Nhân: khi thực hành pháp Yết-ma phải đúng số lượng người. 4. Giới: là kiết giới nơi thực hành Yết-ma. Hành Sự Sao quyển thượng, lại cho rằng phép Bỉnh pháp ấy có 3 loại: 1. Tâm niệm pháp; 2. Đối thủ pháp. 3. Chúng tăng pháp.
2. Nguyên nhân hình thành pháp Yết-ma
Thời đức Phật còn tại thế, trải qua những thời kỳ giáo hoá độ sanh, chúng Tăng mỗi ngày càng lớn mạnh, số lượng ngày càng đông, nên phát sinh những lậu hoặc xảy ra trong sinh hoạt Tăng đoàn, làm mất dần tính hoà hợp và thanh tịnh. Do đó để giữ vững sự thuần nhất hoà hợp giữa các Tỳ-kheo, đồng thời khắc phục những sai phạm xảy ra tương tự về sau, nên đức Phật tùy thuộc vào người sai phạm mà cho phép chế ra pháp Yết-ma. Những điều này trong Luật Ma Ha Tăng Kỳ, Luật Ngũ Phần… giải thích rất rõ ràng và chi tiết.
Trước hết, câu chuyện bất hoà xảy ra của các Tỳ-kheo tại Chiêm Ba.
“Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỳ-kheo ở Chiêm Ba tranh cãi với nhau, sống không hòa hợp. Các Tỳ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỷ-kheo:
Từ hôm nay Tăng nên làm Yết-ma…” [4]
Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác nữa xảy ra tương tự liên quan đến đời cộng đồng Tăng đoàn lúc bấy giờ và sau đó được đức Phật dạy phải cử hành pháp Yết-ma để sám hối, người vi phạm mới trở nên thành tựu thanh tịnh như pháp. Đó là chuyện của một vị Tỳ-kheo cố ý xuất bất tịnh… sau đó đức Phật cho cử hành Yết-ma làm phép Ba na đỏa.
“Đức Phật ở thành Xá-vệ, bấy giờ có một vị Tỳ-kheo cố ý xuất bất tịnh, phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không che giấu, không biết nên thế nào, hỏi các Tỳ-kheo, các Tỳ-kheo khác cũng không biết, bạch Phật. Nhơn việc này, đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Tỳ-kheo phạm Tăng-già-bà-thi-sa không che giấu như vậy, nay cho phép Tăng trao cho Tỳ-kheo kia pháp Bạch tứ yết ma…” [5]
Trên đây là hai câu chuyện nói về nguyên nhân đức Phật cho phép làm pháp Yết-ma, và về sau mỗi khi trong chúng Tăng có việc gì xảy ra, cũng tuỳ nghi áp dụng những phương thức đó để giải quyết các nghị sự trong Tăng đoàn.
3. Phân loại Yết-ma
Nói tổng quát thì Yết-ma có 3 trường hợp: Yết-ma tâm niệm, Yết-ma đối thủ và Yết-ma tăng pháp.
a. Yết-ma tâm niệm: là tự mình nghĩ và nói thành lời mà không cần có người khác nghe. Trường hợp này áp dụng cho những Tỳ-kheo sống độc cư. Theo Yết-ma chỉ nam[6] có ba loại yết ma tâm niệm:
+ Yết-ma đãn tâm niệm: pháp Yết-ma này dù có người hay không, chỉ có mình tâm niệm với mình mà thôi. Gồm 4 pháp, như sám hối về tội Đột cát la[7]…
+ Yết-ma đối thủ tâm niệm: nghĩa là pháp sự cần đối thủ với người khác mà làm, nhưng không có ai để mình đối thủ, buộc phải tâm niệm. Theo Yết-ma chỉ nam có 15 pháp, như pháp bạch An cư[8]…
+ Yết ma chúng pháp tâm niệm: việc này lẽ ra phải thực hiện giữa chúng, nhưng không có người để làm, nên phải tâm niệm. Theo Yết-ma chỉ nam có 6 pháp như pháp thuyết giới…
b. Yết ma đối thủ:[9] là mình nói cho một hay hai người khác nghe. Trường hợp này áp dụng giữa hai hay ba Tỳ-kheo, vì chưa đủ túc số Tăng. Theo Yết-ma chỉ nam[10] có hai trường hợp:
+ Yết-ma đãn đối thủ: trường hợp này có đủ túc số Tăng nhưng chỉ đối thủ. loại này có 31 pháp, một người đối trước một người hay hai người mà làm. Ví dụ: Tỳ-kheo phạm Hối quá thì đến một vị Tỳ-kheo khác để sám hối.[11]
+ Yết-ma chúng pháp đối thủ: những Tăng sự cần đối trước giữa chúng mà làm, như nội giới không có chúng để làm, nên đến hai hay ba người mà làm. Loại này có 6 pháp, như pháp sám hối xả đoạ. Ví dụ tội chứa dư y…
c. Yết-ma Tăng pháp
Áp dụng trú xứ có bốn Tỳ-kheo trở lên, được chia làm ba loại: đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ.
a. Đơn bạch (Natti Kamma): đơn là một lần; bạch là trình ra giữa đại chúng. Chỉ tác bạch một lần giữa Tăng, thì Tăng pháp được thành tựu. Theo Yết-ma chỉ nam có 44 pháp. Ví dụ pháp cho cạo tóc.
Sau khi làm lễ trước điện Phật, vị Thượng toạ bạch:
“Đại đức Tăng nghe, chú (A) muốn cầu Tỳ kheo…(P) cạo tóc, nếu Tăng phải thời mà đến, Tăng thuận nghe, cho chú (a) cạo tóc, bạch như thế, tác bạch có thành không? Chúng đều đáp rằng: Thành.” [12]
b. Bạch nhị Yết-ma (Natti dutiya Kamma): một lần bạch và một lần xin ý kiến biểu quyết. Theo Yết-ma chỉ nam[13] quy định có 78 pháp. Ví dụ pháp lần thứ hai thêm ngày tự tứ. Văn bạch như sau:
“Bạch Đại đức Tăng nghe: Thuận theo Tăng thời đã đến, Tăng bằng lòng nghe cho. Tăng ngày nay không tự tứ, đến tuần trăng sang ngày 15 sau (15/8/âl)sẽ tự tứ. Xin bạch như thế. Hỏi: Tác bạch có thành không? Đáp: thành.” [14]
c. Bạch tứ Yết-ma (Natti catuṭṭha Kamma): một lần bạch và ba lần Yết-ma (lấy biểu quyết). Trong sinh hoạt của Tăng có những sự việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự tu học của đại chúng và tiền đồ Phật pháp. Ví như việc tẫn xuất một vị nào đó; hay cho người nào thọ giới; nhận người xuất gia… Những sự việc này rất quan trọng, nên khi hỏi phải để thời gian đại chúng suy nghĩ kỹ, trước khi đưa ra quyết định; vì thế phải hỏi lui hỏi tới ba lần. Nếu đã đồng ý thì cứ theo đó mà thi hành. Theo Yết-ma chỉ nam[15] quy định có 39 pháp. Ví dụ pháp thọ giới Cụ túc. Văn bạch như sau:
“Đại đức Tăng nghe, Sa di là…này, theo Hòa Thượng Tỳ kheo thượng H. hạ P. Cầu thọ giới Cụ túc, Sa di… này, nay theo chúng Tăng xin thọ giới Cụ túc. Tỳ kheo thượng H hạ P. làm Hòa thượng Sa di…tự nói là thanh tịnh, không có các chướng nạn, tuổi đủ hai mươi, ba y bát pháp đều đủ. Tăng nay trao cho Sa di là…giới Cụ túc, Ngài thượng H. hạ P. làm Hòa thượng. Các Trưởng lão nào bằng lòng Tăng cho Sa di là… thọ giới Cụ túc, Ngài Thượng H. hạ P. Hòa thượng thì im lặng, ai không bằng lòng thì nói. Hỏi: Đây là sơ yết ma có thành không? Đáp: Thành.”[16]
4. Đối tượng và các điều kiện để Yết-ma như pháp
Trong sinh hoạt Tăng đoàn, muốn Yết-ma một việc gì thì phải có thủ tục biểu quyết. Do đó, Yết-ma còn được hiểu là một phương thức, một phương pháp hay là một thủ tục biểu quyết. Muốn biểu quyết thì cần có bốn điều kiện: nhân, pháp, sự và xứ.
1. Nhân. Bao gồm nhân cách và túc số. Nhân cách là tư cách của vị Tỳ-kheo phải như pháp, tức là thanh tịnh, không phạm giới; nếu phạm thì như pháp sám hối, đồng thời túc số Tăng phải đủ cho từng loại Yết-ma. Túc số này được quy định như sau:
Tăng gồm 4 người: túc số tối thiểu trong sinh hoạt thông thường như thuyết giới.
Tăng gồm 5 người: đây là túc số tối thiểu cho việc Yết-ma Tự tứ; ngoài ra túc số này cũng có thể truyền giới Cụ túc tại những địa phương mà ở đó số Tỳ-kheo quá ít.
Tăng gồm 10 người: đây là túc số cần thiết để truyền giới Cụ túc.
Tăng gồm 20 người: túc số cần thiết để xuất tội Tăng tàn và tất cả các pháp Yết-ma khác. Trên túc số 20 có thể thực hiện bất cứ pháp Yết-ma nào.
Khi thực hiện các pháp Yết-ma thì số người thừa không phạm, nhưng số người thiếu sẽ phạm luật.
2. Pháp. Quá trình tiến hành thủ tục Y ết-ma phải đúng như pháp. Yết-ma như pháp là Bạch phải mạch lạc, không lộn lạo; đồng thời trường hợp nào dùng Đơn bạch; Bạch nhị hay Bạch tứ phải chính xác.
3. Sự. Sự là sự việc, còn gọi y xứ; tức nói ra sự việc đem đi yết-ma, như Yết-ma sám hối; Yết-ma thọ giới… Theo Bách nhất yết-ma, gồm 101 pháp Yết-ma, nhưng tóm lại không ngoài hai loại.
a. Thành thiện Yết-ma. Loại Yết-ma để hoàn thành những công việc tốt đẹp trong Tăng như : Yết-ma thọ giới; thuyết giới; an cư; tự tứ…
b. Trừ ác Yết-ma. Loại Yết-ma xử lý các tội đột kiết la, ba dật đề, đề xá ni, thâu lan giá, Tăng tàn, ba la di.
4. Xứ. Cử hành Yết-ma cần phải có xứ sở, xứ sở này gọi là giới. Giới có hai loại: Tự nhiên giới (Tụ lạc; A lan nhã; Đạo hành giới; Thủy giới) và Tác pháp giới (Đại giới; Giới trường; Tiểu giới).
Khi tác pháp Yết-ma, Tỳ-kheo phải hiện diện trong cương giới; nếu ai đứng ngoài đường ranh cương giới; hoặc ở xa điện thoại… không xếp trong túc số Tăng.
5. Các giai đoạn tiến hành Yết-ma
Theo Phật giáo, bất kỳ một hành vi nào thuộc thân hay ngữ; tiến trình sinh hoạt của nó đều trải qua ba giai đoạn:
1. Gia hành Yết-ma (tiền phương tiện). Sau khi các Tỳ-kheo đã ổn định vị trí, một Tỳ-kheo Thượng tọa đại diện Tăng, bắt đầu hỏi và một Tỳ-kheo khác, đại diện Tăng trả lời. Tất cả các loại Yết-ma, từ Đơn bạch cho đến Bạch tứ, đều có Tiền phương tiện giống nhau. Văn tác Tiền phương tiện.
Vấn đáp 1: Hỏi: Tăng đã họp chưa?
Đáp: Tăng đã họp (nhằm xác nhận sự tập hợp của Tăng là đúng thời gian quy định)
Vấn đáp 2: Hỏi: Hòa hợp không?
Đáp: Hòa hợp (nhằmxác định yếu tính của Tăng, tức sự hoà hợp)
Vấn đáp 3: Hỏi: Người chưa thọ giới cụ túc đã ra chưa?
Đáp: Đã ra (nhằm xác định thành phần, tư cách pháp nhân của Tăng)
Vấn đáp 4: Hỏi: Các Tỳ-kheo không đến có thuyết dục không?
Đáp: Không ( xem Tăng có hoà hợp không )
Vấn đáp 5: Tăng nay hòa hợp để làm gì?
Đáp: Nói lên Tăng sự Yết-ma
(nhằm xác định mục đích của pháp Yết-ma)
2. Căn bản Yết-ma. Sau khi tác tiền phương tiện, lúc đó tùy theo từng loại khinh trọng của sự việc mà Đơn bạch; Bạch nhị hay Bạch tứ; cần phải đúng pháp thực hiện để cho Căn bản nghiệp đạo của yết ma được phát sanh, và thể yết ma của Tăng được thành tựu.
3. Hậu khởi Yết-ma. Sau khi Căn bản nghiệp đạo của Yết-ma được thành tựu, từ đó trở đi là hậu khởi Yết-ma.
Tóm lại, trong khi tác pháp Yết-ma phải thực hiện cho đầy đủ cả ba giai đoạn, không được tự tiện thêm bớt. Ví dụ: Yết-ma thuyết giới, Gia hành Yết-ma (tiền phương tiện); Căn bản yết ma (Đơn bạch) thuyết giới. Ví dụ, văn tác bạch như:
“Bạch Đại đức Tăng nghe: nay tuần trăng sáng, ngày 15 chúng Tăng thuyết giới. Thuận theo Tăng thời đã đến, Tăng bằng lòng nghe cho, hoà hợp thuyết giới, xin bạch như thế: Hỏi: Tác bạch có thành không?
Đáp: Thành” [17]
Hậu khởi yết ma: Đọc giới bổn, hồi hướng.
6. Già Yết-ma (phủ quyết)
Tăng già Yết-ma là dấu hiệu biểu hiện sự đoàn kết thống nhất ý chí của Tăng. Do đó, khi Tăng tác pháp, nếu người nào có đủ tư cách nói lên lời không chấp nhận thì Tăng sự đó bất thành. Người có đủ tư cách già Yết-ma. Có 2 trường hợp:
1. Trường hợp được già Yết-ma.
a. Tỳ-kheo thanh tịnh được kể trong túc số. Khi Tăng tác pháp Yết-ma, nếu có Tỳ-kheo thanh tịnh được kể trong túc số không chấp thuận thì Yết-ma đó phải dừng lại, không được tiến hành.
b. Người không được kể trong túc số nhưng được quyền già Yết-ma. Như trường hợp giới tử cầu thọ Cụ túc, nhưng nửa chừng thối tâm xin không thọ nữa.
2. Trường hợp không được già Yết-ma.
a. Người được kể trong Tăng số, nhưng không được quyền già yết ma. Đó là những Tỳ-kheo đang là đối tượng của yết ma ha trách; tẫn xuất; cấm đến nhà bạch y…
b. Người không được kể trong túc số và những người không liên quan. Tỳ-kheo không ở trong cương giới, người khác không liên quan đến Yết-ma, như Tỳ-kheo ni; người chưa thọ cụ túc; người phạm ba la di…
7. Phi tướng Yết-ma
Phi tướng Yết-ma là yết ma không thành tựu. Dấu hiệu cho biết Yết-ma không thành tựu căn cứ trên hai điểm là nhân và pháp. Nhân là tư cách và túc số; Pháp là quy tắc tác pháp. Từ hai yếu tố đó mà có bảy phi tướng Yết-ma.
a. Phi pháp phi tỳ ni. Sai cách thức, sai số lượng. Phi pháp: nghĩa là Yết-ma đáng Đơn bạch lại Bạch nhị… hoặc Yết-ma không theo thứ thứ (Yết-ma trước bạch sau, hoặc không đúng cách thức (bạch chứ không Yết-ma). Phi tỳ ni: Tăng không đủ túc số để tác pháp.
b. Phi pháp biệt chúng. Phi pháp như trên. Biệt chúng, nghĩa là Tăng không hòa hợp; như ở trong trụ xứ vắng mặt nhưng không như pháp gởi dục; hoặc trong giới trường mà kẻ đứng người ngồi.
c. Phi pháp hòa hợp. Tăng hòa hợp, người vắng mặt gởi dục, nhưng tác pháp Yết-ma không đúng quy cách.
d. Như pháp biệt chúng. Yết-ma như pháp nhưng Tăng không hòa hợp; người ở trong trụ xứ vắng mặt, không như pháp gởi dục.
e. Pháp tương tợ biệt chúng. Các loại Yết-ma Đơn bạch; Bạch nhị; Bạch tứ đều đúng theo tầm quan trọng của Tăng sự, nhưng tác pháp thì không đúng quy cách (yết-ma trước rồi bạch sau); biệt chúng như trên.
f. Pháp tương tự hòa hợp. Tăng hòa hợp (người vắng mặt như pháp gởi dục); pháp tương tợ như điều e.
g. Giá bất chỉ Yết-ma. Yết-ma bị ngăn cản đúng pháp, nghĩa là người ngăn đủ tư cách để ngăn và ngăn đúng pháp, nhưng Tăng vẫn tiến hành tác pháp.
Như vậy, nếu phạm vào một trong bảy phi tướng kể trên thì Yết-ma bất thành, quyết định của Tăng không có hiệu lực. Nói tóm lại, Yết-ma là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại hay dấu hiệu tan rã của Tăng. Vì tính chất quan trọng như vậy, nên việc nghiên cứu các pháp Yết-ma đối với Tỳ-kheo là cực kỳ thiết yếu. Ngang đây, một khi đã có cái nhìn căn bản về pháp Yết ma, chúng ta hãy tiếp tục nghiên cứu về tác dụng của các pháp Yết-ma trong đời sống Tăng đoàn.
III. Tác dụng của các pháp Yết-ma
1. Ý nghĩa của các pháp Yết-ma
Trong sinh hoạt Tăng đoàn, yếu tố thanh tịnh và hòa hợp làm căn bản để hình thành nên bản thể của Tăng già; quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của Phật pháp là nhờ vào pháp Yết-ma. Thông thường trong sinh hoạt cộng đồng Tăng lữ thường thực hiện các pháp Yết-ma, như: Bố tát, an cư, tự tứ, thọ giới…, nhằm xây dựng tinh thần vững chắc trong chốn Thiền môn. Ngang đây, lần lượt trình bày tóm tắc ý nghĩa của các pháp Yết-ma được xem là không kém phần quan trọng.
a. Yết-ma bố tát, thuyết giới: Tiếng Pāli là Uposatha, phiên âm Bố tát, nghĩa là trưởng tịnh, trưởng dưỡng, cận trụ, cộng trụ, thuyết giới… Nói chung, trong những ngày ấy người xuất gia cũng như Phật tử tại gia đều tập họp về trú xứ nào đó để tụng giới pháp mà mình đã thọ. Đồng thời để tự mình kiểm điểm lỗi lầm trong nửa tháng theo tinh thần tự giác tự nguyện. Mỗi lần thuyết giới là cơ hội để chư Tăng kiểm điểm lại công phu tu tập, giữ gìn giới hạnh của mình, nếu có trái phạm thì phải thành tâm ra trước đại chúng để cầu sám hối.Về thời hạn Bố tát, theo thông lệ một tháng tụng hai lần, ngày 14 và 30. Lúc ban đầu, nội dung đọc tụng Ba-La-Đề-Mộc-Xoa được rút gọn trong bài kệ :
“Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.”[18]
Nghĩa là:
Chớ làm các điều ác,
Vâng làm các điều lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Đây lời chư Phật dạy.
Sau này, khi Giới luật được hình thành thì ngày Bố tát là ngày mà các thầy Tỳ-kheo vân tập và tụng đọc toàn bộ Giới bổn.
b. Yết-ma An cư và Tự tứ: Nhằm thúc liễm thân tâm, trao dồi Tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ, chúng đệ tử xuất gia phải cấm túc an cư trong thời gian ba tháng để tô bồi công đức tu tập, và để kết thúc an cư, một trong các phận sự của Tăng phải được tiến hành đó là Tự Tứ. Đây là pháp Yết-ma nói lên ba việc: Thấy, nghe, nghi. Nghĩa là thỉnh cầu bạn đồng tu nói những lỗi lầm của mình dựa trên ba trường hợp: thấy, nghe và nghi trong suốt thời gian ba tháng. Người được thỉnh cầu sẽ nói lên những lỗi lầm của người thỉnh cầu trong tinh thần xây dựng, đó là thể hiện tính hòa hợp. Người được chỉ lỗi sẽ y theo pháp mà sám hối, đó là thể hiện tính thanh tịnh. Nếu thực hiện đúng như vậy, mới trọn phần ý nghĩa của an cư và tự tứ.
c. Yết-ma Thọ giới Cụ túc: Đặc tính pháp Yết-ma là đem lại sự an vui hạnh phúc cho mình và người, điều hoà được sinh hoạt tập thể của Tăng già, tạo niềm tin cho kẻ khác và đem lại an lạc giải thoát cho chính tự thân. Trên tinh thần đó, khi cử hành pháp Yết-ma, chính nơi sự thanh tịnh của Tăng già mà tạo thành một dòng năng lượng từ trường tâm linh tác động vào bên trong giới thể của giới tử. “Không có pháp Yết-ma sẽ không có các Tỳ-kheo đắc giới như pháp, bản thể của Tăng không thành tựu. Không có sự tồn tại của Tăng thì chánh pháp mà Phật giảng dạy không có người tu và chứng. Như vậy, có nghĩa là chánh pháp không tồn tại…”[19]
Muốn kiến lập một Tăng đoàn như pháp, trước tiên phải chú ý đến sự lành mạnh bắt nguồn từ Tăng đoàn. Trong Kiền độ thọ giới của Luật tạng đưa ra mười ba già nạn và mười khinh nạn, quy định quá trình tra xét, sát hạch tư cách thọ giới của người xuất gia, nội dung bao gồm những quy định rất nghiêm túc. Nếu như thân thể bệnh yếu, sinh lý không hoàn bị, điều kiện không đủ, trí lực thấp kém, gia đình xã hội không cho phép, ngũ quan khiếm khuyết… thì không thể xuất gia thọ giới. Các quy định này nhằm bảo đảm sự trang nghiêm của Tăng đoàn. Đồng thời để tạo sự thanh tịnh thuần khiết trong chúng Tăng, phải y cứ vào thời gian thọ giới mà phân định lớn nhỏ, khiến cho Tăng đoàn có quy củ và trật tự.
2. Tầm quan trọng của pháp Yết-ma
Sau khi đã có cái nhìn sơ bộ về các pháp Yết-ma, bây giờ chúng ta hãy xem xét về tầm quan trọng của nó để thấy được vị trí của pháp Yết-ma trong sinh hoạt Tăng đoàn.
a. Pháp Yết-ma làm nền tảng cho sự hưng thịnh Tăng đoàn
Trong một cộng đồng xã hội, sở dĩ được hưng thịnh là bắt đầu bằng yếu tố cơ bản, đó là thống nhất ý chí và hành động, cũng vậy đối với Phật giáo sự thanh tịnh và hoà hợp là yếu tố tiên quyết cho mạng mạch của Tăng già (S. Saṃgha). Tăng già có thanh tịnh và hoà hợp thì Phật pháp mới trường tồn. Trong đó, ý chí hòa hợp đưa đến hành động thanh tịnh của Tăng già chính là “tác pháp Yết-ma”, được xem như một nguyên tắc nghị sự trong tổ chức Tăng đoàn. Chính vì vậy, nền tảng của pháp Yết-ma là làm cho đời sống của Tăng già mỗi ngày càng vững mạnh và hưng thịnh. Về các chi tiết này, Trường Bộ kinh, kinh Đại Bát Niết Bàn đã nhấn mạnh rất rõ ràng ở đặc điểm bảy pháp bất thối,[20] một nguyên tắc chi phối trong sinh hoạt Tăng đoàn. Cho nên, ở đây thanh tịnh và hòa hợp là hai yếu tố rất quan trọng, kết nên mạch sống của đoàn thể Tăng già. Cũng vậy, chính sự thanh tịnh và hòa hợp này mà Đại vương Pasenadi (Ba-tư-nặc) nhiều lần chứng kiến lối sinh hoạt của Tăng đoàn phải thốt lên lời kính phục:
“…Lại nữa, bạch đức Thế Tôn, vua chúa cãi lộn với vua chúa, Sát Đế Lợi cãi lộn với Sát Đế Lợi, bà la môn cãi lộn với bà la môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, mẹ cãi lộn với con, con cãi lộn với mẹ, anh em cãi lộn với anh em…Còn ở đây, bạch Thế Tôn, con thấy các Tỳ Kheo sống với nhau thuận hòa, thân hữu, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính. Bạch Thế Tôn, con không thấy ngoài đây ra, có một phạm hạnh nào khác viên mãn thanh tịnh như vậy.”[21]
Như vậy, Tăng già Yết-ma là các quyết định của Tăng đoàn, căn cứ trên nền tảng thanh tịnh và hoà hợp. Đó là những nguyên tắc tuyệt đối phải tuân thủ và áp dụng, tùy vào các đối tượng của việc làm với ý nghĩa chính là duy trì và phát triển những hoạt động Tăng già theo định hướng đoàn kết, thanh tịnh và hoà hợp. Từ cái nhìn đó, pháp Yết-ma còn thể hiện được tình yêu thương rộng lớn đối với tất cả chúng sanh, được hiểu qua hai phương diện: một là không làm tổn hại tất cả sinh mạng; hai là cứu giúp tất cả sinh linh, và cũng là nguồn sinh lực bất tận, thức ăn đầy bổ dưỡng của Tăng già.
b. Giá trị phổ quát, tương quan pháp Yết-ma đối với Tăng đoàn
Trong đời sống cộng đồng của các Tỳ-kheo có những việc thuộc về cá nhân, và có những việc thuộc về tập thể cần phải được tác bạch trước Tăng chúng để được biểu quyết, như: việc thọ giới, ấn định cương giới, tổ chức thuyết giới, an cư, kiết hạ, tự tứ, thọ y mới, chia vật dụng v.v… rất cần thiết, phổ biến và thông dụng. Các đặc tính đó luôn có sự tương quan mật thiết lẫn nhau, nếu thiếu một trong hai điều kiện ấy thì bản thể Tăng già nhất định không thành tựu. Do vậy, chúng Tăng cần pháp Yết-ma để thành tựu giới pháp khi lãnh thọ, cũng như các Phật sự mang tính cộng đồng. Bên cạnh đó, đối với bản thân, pháp Yết-ma còn là cách thức khuyến khích cho chúng ta làm tất cả việc lành và ngăn ngừa những điều xấu ác. Góp phần làm nền tảng cho sự tồn tại của Tăng già, là sự thanh tịnh và hoà hợp cho các Tỳ-kheo. Người nào phạm tội thì phải sám hối như pháp để không có sự cơ hiềm cho các Tỳ-kheo khác.
c. Lợi ích pháp Yết-ma
Pháp Yết-ma có lợi ích rất thiết thực đối với mỗi bản thân cá nhân trong sinh hoạt cộng đồng Tăng lữ, được thể hiện qua ba vấn đề:
a. Tinh thần dân chủ. Đạo Phật là tôn giáo duy nhất xây dựng quyền lực trên sự nhất trí của tất cả thành viên. Mỗi người đều có quyền lực, tiếng nói trong mỗi công việc liên quan đến đời sống của mình.
b. Tinh thần soi sáng. Cái thấy của đại chúng bao giờ cũng sáng suốt, trọn vẹn hơn cái thấy của cá nhân. Tập hợp được trí tuệ của tập thể sẽ đưa công việc đến sự thành tựu trọn vẹn nhất.
c. Tinh thần đoàn kết. Tạo thành sự đoàn kết trong đại chúng; sự đồng tâm hiệp lực bao giờ cũng đưa đến kết quả tốt đẹp. Khi đã Yết-ma, người nào đi ngược lại với tinh thần đó tức phạm vào lỗi phá hòa hợp Tăng. Đây là tinh thần dân chủ mà sau này Quốc hội các nước phương Tây học hỏi và áp dụng. Tuy nhiên, không được trọn vẹn, bởi vì không ái ngữ và thống nhất ý chí tuyệt đối.
3. Nhận định và đóng góp
Như tất cả những gì xoay quanh pháp Yết-ma, một nguyên tắc nghị sự trong Tăng đoàn được trình bày ở trên, ngang đây có một vài nhận định và đóng góp như sau:
a. Tính nhất quán của các pháp Yết-ma
Pháp Yết-ma được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sinh hoạt đời sống của Tăng đoàn, được xây dựng trên tinh thần đoàn kết, thanh tịnh và hòa hợp. Khi đối chiếu pháp Yết-ma chỉ nam và bách nhất Yết-ma có sự khác nhau về chỉ số. Trong Pháp Yết-ma chỉ nam nêu lên tổng cộng gồm 161 pháp: đơn bạch có 44 sự việc, bạch nhị có 78, bạch tứ có 39; trong Bách nhất Yết-ma: đơn bạch 22 sự việc, bạch nhị có 47, bạch tứ có 32. Tuy nhiên, về những con số này có sự khác nhau, nhưng khi thực hành các pháp sự không có gì thay đổi. Điều đáng lưu ý, khi cử hành các pháp sự Yết-ma, như: Bố tát, an cư, tự tứ, kết và giải cương giới, yết-ma thọ giới v.v… tránh nhẫm lẫn giữa đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ; việc gì cần áp dụng pháp yết-ma nào phải đúng đắn rõ ràng, không nên lẫn lộn giữa pháp này qua pháp khác. Nếu áp dụng không đúng, sai cách thức thì kết quả không thành tựu như pháp. Người thực hiện pháp Yết-ma phải thông suốt giới luật và các nghi thức hành lễ. Nếu trường hợp vị Tăng đó không thông thì đại chúng đề cử vị Tăng khác để cử hành các pháp sự trong một trú xứ nào đó.
b. Về việc xuất gia và thọ giới
Người xuất gia là từ bỏ đời sống phàm tục để chọn con đường phạm hạnh, hướng đến một chân trời cao rộng, giải thoát, đem lại lợi ích cho bản thân và tha nhân. Nhìn về quá khứ thời đức Phật còn tại thế, khi có người nào phát tâm xuất gia, Ngài chỉ cần nói Thiện lai, Tỳ-kheo! (Ehi Bhikkhu), thì tự nhiên giới thể được thành tựu, trở thành Tỳ-kheo; còn ngày nay muốn thọ giới Cụ túc phải tác pháp bạch tứ Yết-ma, thực hiện đầy đủ các thủ tục đúng như trong Luật ấn định. Ở đây, đốivới người đệ tử từ khi xuất gia, thọ giới và người thầy luôn có sự liên đới với nhau. Sự tiến bộ hay sa đọa của một người đệ tử không những mang lại hậu quả cá biệt cho người đó, mà còn ảnh hưởng đến sự hưng thịnh và suy đồi của Phật Pháp. Cho nên, trong vấn đề truyền thọ giới xuất gia, từ Sa-di cho đến Tỳ-kheo, tư cách của người thọ cũng như phẩm chất của người truyền là những vấn đề mà Tăng có trách nhiệm chung phải kiểm nghiệm, không để cho truyền thọ một cách thiếu tính quy luật trong Tăng đoàn. Vì vậy, pháp Yết-ma khi áp dụng cho việc truyền thọ giới cần phải được Tăng chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Pháp Yết-ma là tiếng nói chung quyết định của Tăng đoàn, khi cử hành một pháp sự nào đó, phải thông qua pháp Yết-ma, một khi sự việc đó đã làm pháp Yết-ma rồi, mới được xem là đúng pháp, đại để như việc Yết-ma thọ giới cụ túc, để thành tựu pháp sự này phải kiện toàn ba yếu tố: Giới đàn trang nghiêm, giới sư thanh tịnh và giới tử chí thành; và phải có đủ tam sư thất chứng, vị dẫn thỉnh sư… (trừ trường hợp nơi có ít Tăng), nếu cử hành đầy đủ như vậy, thì mới được gọi là đúng pháp. Song, về việc thu nhận đệ tử, trong các Luật bộ quy định, người thầy phải đủ năm đức tính (1.Tuổi đạo phải đủ 10 hạ; 2. Phải biết rõ thế nào là trì, phạm, khinh, trọng; 3. kiến thức phải rộng rãi; 4. Có khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử. 5. Có khả năng đoạn tận, đoạn trừ tà kiến cho đệ tử), mới được phép nhận nuôi đệ tử, mà trước khi nhận nuôi đệ tử phải tác pháp Yết-ma trước chúng Tăng. Nhưng ngày nay có một số thầy chưa đủ mười tuổi hạ, cũng chẳng cần Yết-ma, vẫn nhận nuôi đệ tử thì sao? Thế thì, hiệu lực của Tăng già để giải quyết trường hợp này như thế nào? Nếu đúng như trong Luật thực hiện thì không khéo xảy ra sự bất hòa trong Tăng đoàn. Cho nên, có thể tuỳ theo phương tiện để áp dụng, nhưng không vượt quá xa khuôn pháp của Giới luật, cũng như nghị quyết của Tăng già.
C. Kết luận
Yết-ma là dấu hiệu cho sự tồn tại của Tăng. Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp hay không vốn có tính quyết định đến sự tồn vong của chánh pháp. Với tính chất quan trọng như thế, nên việc nghiên cứu các pháp Yết-ma là phận sự không thể sao lãng đối với đời sống của một vị Tỳ-kheo.
Pháp Yết-ma mang một giá trị phổ quát và thực tiễn, ra đời do nhu cầu thực tế của đời sống, chứ không phải là giáo điều do một đấng quyền năng nào tạo ra. Nó đem lại lợi ích cho từng cá nhân, tạo điều kiện cho cá nhân đó đạt đến Thánh quả và tạo sự hòa hợp thanh tịnh trong Tăng đoàn. Dù bất cứ thời nào và ở đâu, con người cũng có những nỗi khổ niềm đau, những thói hư tật xấu, tham lam, tranh chấp… và mong ước tối hậu của con người là muốn mình có hạnh phúc an lạc. Tầm quan trọng của pháp Yết-ma là làm thế nào để điều chỉnh hành vi con người đi theo hướng tốt; đồng thời an định tập thể, xã hội. Đối với người xuất gia, pháp Yết-ma là để chúng Tăng cử hành một pháp sự hầu đem lại lợi ích chung cho cộng đồng Tăng lữ, được xem là nguồn bảo hộ, nuôi dưỡng tâm linh cho mỗi thành viên trong cộng đồng đó. Vì lý tưởng của chúng ta là mong cầu giác ngộ, giải thoát thì không bao giờ xa rời bản thể thanh tịnh và hoà hợp mà thành tựu được.
Như vậy, để có một đời sống thanh cao, hiền thiện không phải là lý tưởng trừu tượng, xa vời… mà nó chính là đời sống lành mạnh, trong sáng, hiền hòa, giản dị ở đây và bây giờ. Chân lý, sự thật bao giờ cũng là cái thiết thực hiện tại. Một đời sống chỉ cần có tu tập, có chánh niệm, tỉnh giác thì tâm hòa có thể thành tựu ngay lập tức để đem lại hạnh phúc, an vui cho mình, cho tập thể, cho cộng đồng xã hội. Một khi đã thấy được vai trò trọng yếu sức mạnh của Tăng già, quyết định sự tồn vong của Phật pháp như thế rồi, thì mỗi người trong hàng ngũ xuất gia chúng ta phải ý thức được việc thọ giới, giữ giới và hành trì những giới pháp mà mình đã lãnh thọ, để đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân và tha nhân. Đồng thời phải hiểu được các pháp hành trong đời sống của người xuất gia. Vì mọi việc dù lớn hay nhỏ cũng phải thông qua pháp Yết-ma mới thành tựu được, như trong Luật nói: “Tác pháp do như thành biện cố”.
Ngày nay nếp sống sinh hoạt của Tăng già có khác với thời đức Phật còn tại thế, vấn đề đặt ra ở đây cho hàng đệ tử là thể nhập bằng cách nào, trong khi xã hội đang trên đà phát triển, dân trí càng cao, dĩ nhiên không thể áp dụng pháp Yết-ma một cách triệt để, nhưng chúng ta cũng đừng quên nếu không thực hiện pháp Yết-ma thì mọi việc trong nếp sống Tăng đoàn khó mà thành tựu. Cho nên, đến đây chúng ta có thể khẳng định rằng: pháp Yết-ma có tầm quan trọng rất lớn, xuyên suốt trong từng hơi thở và mao quản của mỗi người xuất gia. Đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc để thành tựu bản thể của Tăng già vậy.
Tham khảo & chú thích
[1] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, kệ 57; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr.20.
[2] HT. Thích Phước Sơn, Luật Học Tinh Yếu; TP.HCM, Nxb Phương Đông, 2006, tr.39.
[3] Thực Dụng Phật Học Từ Điển, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn tặng, 2013, tr.1713.
“羯磨(術語)譯曰作業.作授戒懺誨等業事之一種宣告式也.以由此宣告文而其事戒就故也.行事鈔上一曰:“明了論疏翻為業也,所作是業,亦翻為所作.百論云事也.若約義求,翻為辦事”.此羯磨必具四法:一,法.正舉行之作法.名之為秉法.二,事.或犯罪之事,或懺悔之事等,羯磨所行之事實也.三,人.就行羯磨而定之人數也.四,界.行羯磨處之結界也.見行事鈔上一.又其秉法有三種:一,心念法.二,對首法.三,衆僧法…”
[4] HT. Thích Phước Sơn (dịch), Ma Ha Tăng Kỳ Luật; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2011, tr.323.
[5] Tỳ Kheo Thích Đổng Minh dịch, Luật Ngũ Phần; Hà Nội, Nxb Hồng Đức, 2012, tr.315.
[6] HT. Thích Bình Minh dịch, Pháp Yết – Ma Chỉ Nam, tập 1 (quyển 1 – 6); TPHCM, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1991, tr.47-48.
[7] Ví dụ sám hối tội cười giỡn khi vào nhà bạch y: người sám hối oai nghi nghiêm chỉnh, tâm ăn năn và nói: hôm nay con phạm giới cười giỡn khi vào nhà bạch y, con xin sám hối.
[8] Trước bàn Phật, người tâm niệm an cư bạch: con Tỳ- kheo…nay nương (nói chỗ ở) an cư ba tháng đầu mùa hạ (nói ba lần).
[9] Xem phần phụ lục, hình 2.
[10] Sđd. tr.46-47
[11] Người sám hối một trong bốn hối quá nói như sau: Kính bạch Đại đức, tôi Tỳ kheo… không bệnh mà ở thôn xóm, tự tay nhận thức ăn từ Tỳ kheo ni không phải thân quyến để ăn, phạm pháp đáng khiển trách, làm điều không nên làm. Nay đối trước Đại đức xin phát lồ sám hối (nói ba lần).
[12] Hoà Thượng Thích Thiện Hoà, Giới Đàn Tăng; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2008, tr.239.
[13] HT. Thích Bình Minh (dịch), Pháp Yết – Ma Chỉ Nam, tập 1 (quyển 1 – 6); TPHCM, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1991, tr.39.
[14] Sđd. tr. 264.
[15] Sđd. tr.44.
[16] Hoà Thượng Thích Thiện Hoà, Giới Đàn Tăng; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2008, tr.100.
[17] Sđd. tr.209.
[18] 諸惡莫作, 眾善奉行, 自淨其意, 是諸佛教.
[19] Việt dịch: HT. Thích Đỗng Minh và Bí Sô Thích Tâm Hạnh, Luật Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma; TP.Hồ Chí Minh, NXB Tôn Giáo, 2007, tr.8.
[20] Xem chi tiết HT.Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường Bộ, ĐTKVN, tập I; TP.Hồ Chí Minh, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr.547.
[21] HT. Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh, ĐTKVN, tập II; TP.HCM, Nxb Tôn Giáo, 2012, tr.147.