Tổng Quan Lịch Sử Truyền Thừa Duy Thức Tông – Nguyên Định

1. Lịch sử truyền thừa Duy thức tông ở Ấn độ

Sơ khởi, những lời Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết được ghi lại trong các kinh điển Đại thừa như Hoa Nghiêm kinh kệ: “Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ứng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo.” Dịch nghĩa: Nếu ta biết tường tận về sự ham muốn, cả ba cõi sẽ thảy đều chân thật, khi xem xét sự vật hiện tượng, mọi thứ đều tùy thuộc nơi tâm. Pháp cú kinh: “Trong các Pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô  nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo.” Hoa nghiêm kinh: “Tâm như cộng họa sư, họa chủng chủng ngũ uẩn, nhất thiết thế gian trung, giai do duy tâm tạo”. Dịch nghĩa: Tâm như nhà họa sư, ngũ uẩn từ tâm sinh, hay vẽ những thế gian, đều do tâm tạo tác. Tương truyền, sau Phật Niết-bàn (S. Buddha-nirvana) khoảng 900 năm có Bồ tát Di Lặc (S. Maitreya Bodhisattva) đã giảng giải năm bộ luận:

+ Du Già Sư Địa Luận (S. Yogacàrabhùmi-sātra; C. 瑜伽師地論)

+ Phân Biệt Du Già Luận (S. Vibhaga-yogā sāstra; C. 分別瑜伽論)

+ Đại Thừa Trang Nghiêm Luận (S. Mahāyānasūtralaṃkāra; C. 大乘莊嚴經論)

+ Biện Trung Biên Luận (S. Madhyānta-vibhāga; C. 辯中邊論)

+ Kim Cang Bát Nhã Kinh Luận (S. Vajraprajna-sutra sastra; C. 金剛般若經論)

Dựa vào những pháp thoại của Đức Phật và y vào tư tưởng căn bản của năm bộ luận trên, các luận Sư đời sau tập thành hệ thống tư tưởng Duy thức và cuối cùng hoàn thành một tông phái với tên gọi là: Đại thừa duy thức pháp tướng tông (大乘唯識法相宗). Tuy nhiên Duy thức tông ở buổi đầu có tên là Du-già tông (瑜伽宗), phần lớn là y vào quán pháp Du-già. Về sau, Ngài Vô Trước (S. Asaṅga), một luận sư tên tuổi của Đại thừa Phật giáo, đã kết hợp vô cùng khéo léo và trọn vẹn hệ tư tưởng của các bộ luận trước để hoàn thành học thuyết ấy qua các bộ luận như: Hiển Dương Thánh Giáo luận (S. Ārya-śāsana-prakaraṇa-sāstra; C. 顯揚聖教論), Đại Thừa A-Tì-Đạt-Ma luận (S. Mahāyānā-abhidharma- sāstra; C. 大乘阿毗達磨論), đặc biệt Nhiếp Đại Thừa luận (S. Mahāyāna-saṃgraha-sāstra), có thể nói bộ này là một kiệt tác trong đời Ngài. Nội dung vô cùng phong phú và rất súc tích, góp phần đưa tư tưởng duy thức trở thành tông phái. Không những thế, Duy thức vừa đóng vai trò Triết học duy thức luận, vừa là tư tưởng chỉ đạo tư duy kiểu Duy tâm luận cho những bộ luận và hệ phái khác của Đại thừa sau này.

Từ thời Đức Thế Tôn cho đến Ngài Di Lặc và Vô Trước, những khái niệm về Duy thức, Duy tâm đã được xác lập đúng vị trí. Về sau, khi ngài Thế Thân (S. Vasubandhu) từ bỏ Tiểu thừa theo Đại thừa, Ngài đã hệ thống hóa những yếu điểm về lý Duy thức trong Luận Du Già thành tư tưởng học lý Duy thức và truyền bá sâu rộng. Những trước tác trọng yếu của Ngài gồm có: A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (S. abhidharmakośa-śāstra; C. 阿毗達磨俱舍論), Duy thức tam thập tụng (s. Triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā; C. 唯識三十頌), (s. Viṃśatikā-vijñapti-mātratā-siddhi, c. 唯識二十論), Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn luận (S. Mahāyāna-śatadharma-prakāśamukha-śāstra; C. 大乘百法明門論) v.v…

Về phương diện giải thích và lập luận: ngoài các vị Bồ-tát trên, còn có mười đại Luận sư như:

  1. Hộ Pháp (Dharmapala)
  2. Đức Huệ (Gunamati)
  3. An Huệ (Sthiramati)
  4. Thân Thắng (Bandhusri)
  5. Hoan Hỷ (Nanda)
  6. Tịnh Nguyệt (Suddhacandra)
  7. Hỏa Biện (Citrabhāna)
  8. Thắng Hữu (Visesamitra)
  9. Thắng Tử (Jinaputra)
  10.  Trí Nguyệt (Jñācandra)

Tuy nhiên, chủ yếu là ngài Hộ Pháp (Dharmapala), luận sư cũng đã đóng góp công sức tự tưởng không nhỏ trong quá trình hình thành Đại thừa duy thức tông.

2. Lịch sử truyền thừa Duy thức tông tại Trung Hoa  

Do sự giao lưu văn hóa giữa các nước lân cận ngày một dễ dàng hơn, nên Phật giáo nói chung Duy thức học nói riêng cũng được truyền sang Trung Hoa, tuy không sớm hơn các học phái khác nhưng cũng đã được giới học giả Phật giáo Trung Hoa trân trọng tiếp nhận như một trân bảo vào thời điểm một ngàn năm sau Phật Niết bàn. Đến thời đại Lục Triều (220 – 589) [1] có các Ngài như Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci), Lặc Na Ma Đề (Ratnamati), Chân Đế (Paramartika)… lần lượt dịch thuật Bảo Tánh luận (S. Ratnagotravibhagaśāstra), Tam Vô Tánh luận (S. Trinisvabhàva-śāstra), Đại Thừa Duy Thức luận (Mahāyānavijña-śāstra) và Nhiếp Đại Thừa luận (S. Mahāyāna-saṃgraha-sāstra), với hoài bảo hoằng dương chánh pháp và nêu cao tư tưởng của Bồ tát Vô Trước (S. Asaṅga), Thế Thân (S. Vasubandhu), và đây cũng là nhân tố chính bắt nguồn cho nền văn học Phật giáo Trung Hoa hình thành, cũng như Đại thừa pháp tướng tông hưng khởi mà công lao to lớn nhất được biết đến là ngài Huyền Trang (玄奘, 602-664).

Trong giới nghiên cứu Phật giáo, không ai không biết đến ngài Huyền Trang như là một học giả uyên bác, tinh thông tam tạng. Sự chịu dựng gian nạn trên bước đường Tây du thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa.[2] Bắt đầu từ Đường Thái Tông niên hiệu Trịnh Quán thứ 3 (629), suốt mười bốn năm học hỏi, nhất là tại chùa Nalanda, Ngài đã hạnh ngộ Luận Sư Giới Hiền (S. Śīlabhadra), vị Thầy khả kính đã tận tình dạy dỗ tất cả yếu chỉ của Phật pháp qua các bộ luận trứ danh như Du Già Sư Địa luận (S. Yogacàrabhùmi-sātra; C. 瑜伽師地論), Hiển Dương Thánh Giáo luận (S. Ārya-śāsana-prakaraṇa-sāstra; C. 顯揚聖教論), A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (S. Abhidharmakośa-śāstra; C. 阿毗達磨俱舍論) và các bộ luận có liên quan đến Duy thức học. Khi về nước, Ngài đã mang theo vô số kinh luận , trong đó chủ yếu là kinh luận Phật giáo Bộ phái cũng như Đại thừa . Ngoài ra, Ngài còn đem về Trung Hoa những sách Thiên văn, Địa lý, Thi thơ, Lễ giáo, Bốc phệ v.v… riêng Phạn bản (Sanskrit) gồm có 657 bộ tại Hoàng Phước tự phiên dịch. Đến đời Cao Tông (628-683), tại Từ Ân tự và Ngọc Hoa tự tổng phiên dịch 75 bộ – 1.335 quyển. [3]

Kế thừa sự nghiệp của Thầy, Khuy Cơ (窺基, 632-682) một cao đệ của ngài Huyền Trang đã trước tác bộ Thành Duy Thức Luận Thuật Ký (成唯識述記) 20 quyển và những bộ luận khác có liên quan đến Duy thức như: Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương(大乘法苑義林章) Gồm 7 quyển hoặc 14 quyển, Thành Duy Thức Luận Chưởng Trung Xu Yếu (成唯識論掌中樞要), Du Già Sư Địa Luận Lược Toản (瑜伽師地論略纂) Gồm 16 quyển v.v … tất cả đều góp phần xiển dương Pháp tướng duy thức tông ngày càng hưng thịnh về mặt giáo nghĩa cũng như tông phái. Đại thừa pháp tướng tông đến giai đoạn này có thể nói không những địa vị ngang hàng với các tông phải có trước như Hoa Nghiêm tông, Niết bàn tông v.v … mà còn chi phối về mặt tư tưởng “Nhất Thiết Pháp duy tâm, vạn pháp duy thức.” Cũng chính vì thế, sau này hệ tư tưởng của Hoa Nghiêm và Niết bàn, dù muốn hay không cũng phải sáp nhập vào Duy thức tông  (S. Vijñaptimātravādin; C. 唯識宗) và Thiên thai tông (天台宗). Đây là một thực trạng mở đầu cho sự suy tàn của Địa luận tông (地論宗) và Nhiếp luận tông (攝論宗) và cuối cùng trên diễn đàn văn học Phật giáo tại Trung Hoa hai tông này không còn xuất hiện.

Đến Đường Võ Tông (814-846) một trong tam Võ: Ngụy Thái Võ, Châu Võ Đế và Đường Võ Tông – Sử Phật giáo gọi là “Tam Võ nhất tông chỉ ách”  hay Tam Võ Nhất Tôn pháp nạn”, vì nghe lời sàm tấu nên đã ra tay đàn áp Phật giáo. [4] Tất cả kinh điển, tự viện và tự khí đều bị sung công, Tăng Ni hoàn tục vô số, có thể nói đây là giai đoạn đen tối nhất của Phật giáo Trung Hoa. Đồng thời lịch sử văn hóa Trung Hoa thật sự bước vào giai đoạn suy tàn, xã hội nhiễu nhương hỗn loạn, dẫn đến sự kế thừa của Duy thức học cũng không ngoại lệ.

Ngài Khuy Cơ viên tịch, đệ tử đắc pháp là Huệ Chiểu (651-714), Ngài Huệ Chiểu biên soạn Thành Duy Thức Liễu Nghĩa Đăng (成唯識論了義燈) 13 quyển để phụng trì chính nghĩa. Trong giai đoạn này có Sa môn Viên Trắc (613-669) giảng Thành Duy Thức ở chùa Tây Môn, so với ngài Khuy Cơ có chỗ khác biệt, nên Ngài soạn bộ Năng Hiển Trung Biên Huệ Nhật luận (能顯中邊慧日論) 4 quyển để truyền bá Duy thức học.

Sau đó, ngài Trí Châu được sự đích truyền Pháp tướng tông nổi dòng pháp Ngài Huệ Chiếu phát huy giáo nghĩa của tông này. Ngài trước tác Thành Duy Thức Luận Diễn Bí (成唯識論演秘) 7 quyển hoặc 10 quyển và Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Sớ (因明入正理論疏).

Đến thời cận đại có Đại sư Thái Hư (1889-1947) chấn chỉnh nền giáo dục Tăng già, chủ yếu là tịnh độ hóa nhân gian, chấn hưng Phật giáo, chỉnh đốn giáo đoàn Phật giáo hầu thích ứng với thời đại. Cạnh đó, Ngài cũng đã ra sức hoằng truyền Duy thức học, nhờ vậy giáo lý Duy thức dần dần khởi sắc. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam sau này.

3. Sự truyền bá Duy thức học ở Việt Nam

Theo các sử liệu chúng tôi có được [5] đều cho biết rằng Duy thức tông cũng như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn, Tịnh Độ, Luật tông v.v … tại Việt Nam, tất  cả đều được phát huy. Tuy nhiên, không được thịnh hành theo từng tông phái có sự truyền thừa nghiêm mật như Phật giáo Trung Hoa. Bởi lẽ đất nước Việt Nam luôn bị phân hóa và lệ thuộc ngoại bang, bao nhiêu văn hóa và đạo đức của đất nước đã bị hủy hoại và lung lạc tận gốc rễ suốt một ngàn năm Bắc thuộc! Ngoài yếu tố khách quan, những yếu tố chủ quan cũng đã góp phần không nhỏ vào sự băng hoại tư tưởng nhân bản của Việt Nam, trong giai đoạn đen tối như thế, thử hỏi Phật giáo làm sao tránh khỏi tan thương!

May mắn thay! vào thập niên 30 của thế kỷ XX, chư vị Cao tăng Việt Nam đã có một cơ hội thuận tiện duy nhất để chấn chỉnh Phật giáo, thể theo phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa của Ngài Thái Hư Đại Sư v.v… Từ đây giáo nghĩa của các tông phái Phật giáo như Duy thức tông, Thiên tông và Tịnh độ tông lần lượt được giới Tăng già và Cư sĩ lưu tâm học hỏi và truyền bá.

Các vị có công lao đóng góp trong việc nghiên cứu dịch thuật và truyền bá Duy thức học ở Việt Nam, trước hết phải kế đến Hòa Thượng Huyền Cơ, sau khi du học ở Trung Hoa, Ngài đã mở trường dạy Duy thức học tại chùa Hưng Ký – Hà Nội. Kế đến là Hòa Thượng Trí Độ (1894-1979) – người dịch bộ Thành Duy Thức luận của Ngài Huyền Trang sang Việt ngữ để giảng dạy và lưu truyền Duy thức học. Về sau, các vị Cao tăng cũng như giới Cư sĩ đã dịch thuật, chú giải, biên soạn để góp phần truyền bá Duy thức học, đồng thời làm tài liệu cho hậu học nghiên cứu và học tập như các vị Hòa Thượng: Thích Thiện Hoa (1918-1973), Thích Thiền Tâm (1925-1992), Thích Nhất Hạnh (1926-2022), Thích Thiện Siêu (1921-2001), Thích Từ Thông (1927-nay), Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897-1969), v.v… và hiện nay Duy thức học đang được giảng dạy phổ biến tại các trường Phật học ở Việt Nam.

Tóm lại, như đã trình bày ở trên về Lịch sử truyền thừa Duy thức tông, ngang đây chúng ta không cần phải lặp lại.Trong kinh Pháp hoa, phẩm phương tiện, đức Phật nói lời khẳng định với Bồ tát Xá-lợi-phất: “Này Xá-lợi-phất, chư Phật chỉ vì một việc trọng đại lớn duy nhất mà thị hiện ra nơi đời (cõi người), đó là “khai thị chúng sanh, ngộ nhập tri kiến Phật”. Vì thế, các Đức Như Lai thuyết pháp, khai thị vô số nhân duyên thí dụ, vô số phương tiện, ngôn ngữ văn tự, pháp môn tu, đều tùy thuận thích nghi từng căn cơ trình độ tu tập của chúng sanh. Duy thức học, một pháp môn như bao nhiêu pháp môn khác, do Đức Phật khai thị thành những phần giáo, hòa hợp trong Tam tạng Thánh điển. Về sau, các vị Tổ sư như Bồ tát Di Lặc, Vô Trước, Thế Thân, Huyền Trang, Khuy Cơ, Huệ Chiểu v.v… phát huy tư tưởng Duy thức, hình thành và hệ thống thành một trong tám tông phái của Đại thừa Phật giáo, được truyền bá ở Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam, v.v… và thịnh hành nhất là tại Trung Hoa; Phật giáo Việt Nam, chư vị tiền bối, tôn đức đã dày công bằng tất cả tâm lực, nguyện lực và trí lực để phiên dịch, chú giải, giảng dạy truyền bá duy thức học trong các Phật học viện.

Tham Khảo & chú thích

A. Việt ngữ

[1]. Thời đại Lục Triều, còn gọi Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều: Tào Ngụy (220-265); Tấn (265-420); Lưu Tống (420-479); Nam Tề (479-502); Lương (502-557); Trần (557-589).

[2]. Xem Ts. Lê Sơn (biên dịch), Đại Đường Tây Vực Ký – Bút Ký Đường Tăng, Nxb Phương đông, 2007.

[3]. Xem Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism In China: A Historical Survey, Princeton University Press, 1964, các tr. 235-238.

[4]. Xem Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism In China: A Historical Survey, Princeton University Press, 1964, các tr. 215-216.

[5] Budden Gyoshi, Buddhism inVietnam, Ph.D. Thesis. Columbia Pacific University, 1991, tr. 78, viết theo Phật quốc ký của Nghĩa Tịnh: “Ðại thừa Ðăng (大乘燈), được Phật giáo Ấn Ðộ biết đến qua tên Mahāyānapradìpa, người Ái châu (nay là Hà nội), thuộc Trung bộ Việt Nam […]. Ông du hành sang Phật quốc […], giỏi tiếng Phạn, dã giảng Duyên sinh luận (Yuan sheng lun, Nirdanasastra) và một số kinh luận khác cho Tăng đoàn tại đây. Ðã từng giúp Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) những buỗi đầu khi nhà du hành lừng danh này mới đến Ấn Ðộ. Sau, ông sang Trung Hoa”, có lẽ theo lời mời của Huyền Trang, ngụ tại Từ Ân tự (Tz’u-yin temple), để cùng với Khuy Cơ phụ tá Huyền Trang trong công tác dịch thuật. Các bộ sử Trung Hoa chép tên ngài là Ðại Thừa Quang. Học giả Lê Mạnh Thát đã chứng minh Ðại Thừa Quang chính là Ðại Thừa Ðăng của Việt Nam.

[6]. Thích Thiện Hoa, Duy Thức Học, Thành Hội Phật Giáo Việt Nam Ấn Hành, PL 2536-1992.

[7]. Thích Trí Quang (dịch giải), Kinh Giải Thâm Mật, Nxb Tp.HCM, 1994.

[8]. Thích Trí Quang (dịch giải), Nhiếp Luận, Nxb Tp.HCM, 1995.

[9]. Thích Tâm Thiện, Tâm Lý Học Phật Giáo, Nxb Tp.HCM, 1998.

[10]. Thích Thiện Siêu (dịch và chú), Luận Thành Duy Thức, Nxb Tôn giáo, 1999.

[11]. Thích Thiện Siêu, Đại Cương Luận Câu Xá, Nxb Tôn giáo, 2000.

[12]. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Pháp Hoa, Tp.HCM, Nxb Tôn giáo, 2001.

[13]. Thích Trí Tịnh (dịch),  Kinh Hoa Nghiêm, Nxb Tôn giáo, 2021.

[14]. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, 2006.

[15]. Hạnh Viên (dịch), Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương đông, 2007.

[16]. Ts. Lê Sơn (biên dịch), Đại Đường Tây Vực Ký – Bút Ký Đường Tăng, Nxb Phương đông, 2007.

[17]. Thích Tuệ Sỹ (dịch), Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Nxb Phương đông, 2008.

[18]. Nguyễn Huệ (dịch), Luận Du Già Sư Địa (tập 1, 2, 3, 4), Nxb Hồng đức, 2013.

[19]. Quảng Minh (dịch và chú giải), Biện Trung Biên Luận, Nxb Hồng đức, 2015.

[20]. Quảng Minh (dịch và chú giải), Nguyễn Minh Tiến (hiệu đính), Đại thừa Trang nghiêm Kinh luận, Nxb Liên Phật Hội, 2017.

A. Hán ngữ

[21].《唯識三十論頌》CBETA 電子版, 大正新脩大正藏經 Vol. 31, No. 1586.

[22].《大乘百法明門論》CBETA 電子版, 大正新脩大正藏經 Vol. 31, No. 1614.

[23].《究竟一乘寶性論》CBETA 電子版, 大正新脩大正藏經 Vol. 31, No. 1611.

[24].《三無性論》CBETA 電子版, 大正新脩大正藏經 Vol. 31, No. 1617

[25].《成唯識論了義燈》CBETA 電子版, 大正新脩大正藏經 Vol. 43, No. 1832.

[26].《成唯識論演祕》CBETA 電子版, 大正新脩大正藏經 Vol. 43, No. 1833.

[27].《因明入正理論疏》CBETA 電子版, 大正新脩大正藏經 Vol. 44, No. 1840.

Nghiên Cứu