I. Dẫn nhập
Sau khi chuyển Pháp luân tại Vườn nai (Isipatana), lúc bấy giờ Tăng đoàn đã có 60 vị A-la-hán đầu tiên, [1] đức Phật khuyến khích chư Thánh đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người.” [2] Đây là bản hoài cứu khổ độ sanh của đức Phật. Bản hoài đó đã trở thành lý tưởng sống, nhiệm vụ và trách nhiệm của người con Phật là truyền tải thông điệp tinh thần hướng thượng giải thoát đến cho muôn loài, chúng sanh, con người.
Trong xu thế đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế; Giáo hội ngày càng lớn mạnh, nhiều ban ngành ra sức phấn đấu vươn lên hầu nắm bắt và áp dụng có chọn lọc, các công nghệ truyền thông, kỹ thuật số và những phát minh khoa học ứng dụng trong tất cả các phương diện sinh hoạt xã hội. Sau đây, xin có vài lời nhận định liên quan trực tiếp đến vấn đề hoằng pháp thời Phật còn tại thế và hoằng pháp thời hiện đại.

II. Nội dung
Nói đến hoằng pháp người ta thường nhắc đến phương ngôn cổ đức đã đề ra: “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”. Đã là bản hoài và gia vụ thì tất nhiên chúng ta là những người con Phật nói chung, đều có bổn phận hoằng truyền chánh pháp, chỉ khác nhau là trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Nhìn về quá khứ, đức Như Lai sau khi thành đạo, Ngài đã đến Lộc Uyển (Sarnath) và tại đây lần đầu tiên Ngài đã Tam chuyển Tứ đế pháp luân. [3] Một giáo lý căn bản của Tam Thừa Thánh Quả, đồng thời giáo pháp này cũng là nền tảng của nhơn-thiên thừa và tam hiền thập Thánh nói chung. Đặc biệt, thời giáo này đã xác lập Tam Bảo (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo). Nghĩa là chính thức khẳng định đạo Phật đang hiện hữu trên cuộc đời. Sau khi năm vị trong nhóm Kiều-trần-như (Koṇḍañña) đã chứng đạo quả A-la-hán (Arahant), bấy giờ đức Như Lai mới đề cập đến vấn đề hoằng pháp, truyền trao giáo pháp mà Ngài đã giác ngộ và giải thoát cho tất cả mọi người. Có thể nói đây chính là vấn đề nền tảng cho công cuộc hoằng pháp của Phật giáo từ ngàn xưa cho đến nay. Nói khác, các Ngài đã chứng đắc đạo quả, sau đó mới đem những gì tự thân đã chứng ngộ truyền trao cho chúng sanh, khai thị Phật tánh để thể nhập tri kiến Phật. Chính vì thế, sau mỗi lần thuyết giảng, thính chúng đều chứng đắc quả vị, tối thiểu là pháp nhãn tịnh, [4] tương đương kiến đạo vị. Nói như thế không phải đòi hỏi giảng sư (hoằng pháp viên) trước khi truyền trao chánh pháp phải chứng đắc đạo quả như các vị Thánh tăng, mà là để chúng ta nhìn lại quá trình tu học của chính mình; sau đó quyết tâm phấn đấu mong có một đức tính ưu việt, từ lý thuyết đến thực hành, từ lời nói đến việc làm phải đi đôi với nhau, ngôn hành hợp nhất hay hành giải tương ưng. Hãy nói những gì người ta cần, không phải trình bày những gì mình hiểu biết, bởi Phật giáo chủ trương thực tiễn tu tập, nhờ đó mới đưa đến sự giác ngộ và giải thoát. Đó cũng chính là bản hoài và gia vụ của những người được mệnh danh là người Phật tử. [5]
Truyền thống Phật giáo cho chúng ta thấy những người tu sĩ, trước nhất và trên hết là phải am tường một cách triệt để về giáo nghĩa Tam Vô Lậu Học, mà đứng đầu là giới học. Trong tất cả học giới thì phạm hạnh [6] là trên hết. Nếu tam học không trang nghiêm và phạm hạnh không thanh tịnh thì hãy khoan nói đến vấn đề hoằng pháp. Bởi vì, tham ái là vô minh trụ địa, một trong ngũ trụ địa, [7] thường gọi là căn bản vô minh (mūla-avidyā) của tất cả mọi vấn đề, chính nó là nguồn gốc của sanh tử luân hồi trong tam giới “tam giới sanh tử, dục vi đệ nhất”. Một khi những vấn đề trên được khắc phục một cách tương đối thì sự hiện diện của một giảng sư ở bất cứ nơi nào dù chưa thuyết giảng giáo pháp cũng có thể đem lại lợi ích tâm linh cho thính chúng và mọi người. Bởi vì, thuyết pháp được thực hiện qua hai hình thức thân giáo và khẩu giáo, trong đó thân giáo thường đưa đến những kết quả bất ngờ được gọi là “hoát nhiên đại ngộ”. Cho nên, thân giáo được xem là một biểu tượng mẫu mực gây ấn tượng sâu đậm để cảm hóa tha nhân, là bài pháp vô ngôn nhằm chuyển hóa biết bao con người quay về bến giác. Tự thân của người mang sứ mệnh hoằng pháp phải luôn tu dưỡng bản thân, hoàn chỉnh nhân cách của mình để làm thước đo mô phạm cho mọi người xung quanh. Nếu như không có một đời sống mẫu mực thì không thể tạo cho đồ chúng niềm tin tưởng và khiến họ thực hành theo những gì mình hướng dẫn, con đường giáo hóa sẽ khó mang lại kết quả như ý.
Hơn thế nữa, vị giảng sư cần giữ đúng năm điều về việc thuyết pháp của mình: 1. Thuyết pháp theo thứ lớp, từ thấp đến cao; 2. Thuyết y theo các pháp môn của kinh điển; 3. Thuyết vì lòng từ bi, muốn lợi ích cho mọi người; 4. Thuyết không vì lợi ích của mình, không mong được đền đáp và 5. Không chê người, khen mình.
Kinh Ưu-bà-tắc giới 2 còn triển khai việc thuyết pháp gồm 16 điều cần nhớ: 1. Thuyết giảng tùy thời; 2. Thuyết giảng hết lòng; 3.Thuyết giảng theo thứ tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao;4. Thuyết giảng một cách hòa hợp; 5. Thuyết giảng đúng theo nghĩa lý; 6. Hoan hỷ thuyết giảng; 7. Tùy ý thuyết giảng; 8. Không khinh thường thính chúng; 9. Không la mắng thính chúng; 10. Nói đúng như pháp; 11. Nói pháp lợi mình và lợi người; 12. Nói pháp không tán loạn; 13. Nói hợp nghĩa; 14. Nói chân chính; 15. Nói xong thời không kiêu mạn; 16. Nói xong không cần quả báo về sau.
Kinh Đại Pháp cự Đà-la-ni 13 thì vị giảng sư nói pháp phải có tâm nhẫn nhục thương xót, ái ngữ và khiêm hạ; nếu ôm lòng giận ghét hoặc hơn thua thì sẽ mắc đại trọng tội; nếu thuyết với tâm từ bi thì sẽ thành tựu công đức to lớn, khiến Phật pháp trụ thế lâu dài.
Ngày nay Giáo hội đang đối diện với nhiều lãnh vực xã hội, đòi hỏi người tu sĩ nhất là giảng sư phải hội đủ những kiến thức thời đại, tiếp cận những phát minh khoa học truyền thông, kỹ thuật số. Chính vì sớm nhận ra điều này, nên chư Tôn Đức thường bâng khuâng và nóng lòng yêu cầu một vị giảng sư phải hội đủ bao nhiêu điều kiện từ ngoại hình, âm thanh, sắc tướng, bằng cấp tác phong đĩnh đạt uy nghi v.v… một khi các yếu tố này được trang bị tương đối hoàn thiện, rồi dấn thân thực hành sứ mạng hoằng pháp lợi sanh.
Từ nhận định trên, chúng ta có thể khẳng định:
Điều thứ nhất, trước khi trở thành một giảng sư chuyên nghiệp, phải tôi luyện ý chí chịu đựng vô vàn thử thách, rèn luyện đức tính kiên nhẫn. Chúng ta hãy nhìn lại tấm gương thuyết pháp của ngài Phú-lâu-na (Punna), một trong mười đại đệ tử của đức Phật, được tôn xưng là thuyết pháp đệ nhất. Khi được cử đi giáo hóa phương xa, nơi hiểm trở và con người độc ác. Ngài đã trả lời đức Phật rằng: “…Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunapa ranta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con,… có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy…” [8] Với ý chí kiên định và sự nhẫn nại như thế, chắc chắn không Phật sự nào mà không thành tựu.
Điều thứ hai, một giảng sư chuyên nghiệp phải thông thạo nội điển cũng như ngoại điển. Trong đó, phải nghiền ngẫm suy tư và hành trì những giáo lý căn bản nhất là Tứ nhiếp pháp, Bát chánh đạo; và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền thông kỹ thuật số, để truyền tải đến cộng đồng nhiều bài pháp hay, ý nghĩa cuộc sống ích đạo lợi đời; các môn tâm lý giáo dục, ngoại ngữ – Anh ngữ, Hoa ngữ, Cổ ngữ (nếu khả năng biết ngoại ngữ càng nhiều thì càng tốt) v.v… vừa để nghiên cứu các tác phẩm có liên quan đến Phật giáo nước ngoài, vừa nâng cao kiến thức chuyên môn cho một giảng sư, đặc biệt là giới thiệu văn học và tư tưởng Phật giáo cũng như văn hóa của Quốc gia để thế giới có một cái nhìn chính xác về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và con người Việt Nam. Không những thế, giảng sư phải am hiểu tường tận về ý nghĩa “ứng phó đạo tràng”, có thể thực hiện nghi lễ tán tụng và sắp đặt các lễ tiết một cách tương đối chuẩn mực.
III. Thay lời kết
Nhìn về tương lai, để phát triển và xiển dương giáo pháp trong thời hiện đại, vị giảng sư phải hội đủ hai đức tính như đã trình bày trên. Đồng thời nâng cao và đạo tạo những nhân tố mang tính kế thừa để dấn thân phục vụ, ra sức gánh vác nhiệm vụ góp phần xây dựng Giáo hội, phát huy mạnh mẽ phương châm: “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” để hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sinh. Có như thế công việc hoằng pháp của chúng ta mới được thành tựu mỹ mãn.
Tham khảo & chú thích
[1]. 5 vị tôn giả nhóm Kiều-trần-như, tôn giả Da-xá và 54 người bạn (5 + 1 + 54 = 60).
[2]. Thích Minh Châu (dịch) (1993), Tương Ưng Bộ I, chương 4, Tương ưng ác ma, phần Bẫy sập, VNCPHVN ấn hành, tr. 104.
[3]. Tứ Đế có 4 loại: sanh diệt tứ đế, vô sanh tứ đế, vô lượng tứ đế và vô tác tứ đế. Theo Đại sư Trí Khải của tông Thiên Thai y cứ vào kinh Niết-bàn 5, phẩm Đức vương, cùng ý nghĩa trong bốn câu kệ: “Nhân duyên sở sinh pháp, ngã thuyết tức thị không, diệc danh vi giả danh, diệc danh trung đạo nghĩa” mà thành lập riêng bốn loại Tứ đế từ cạn đến sâu không đồng, phối hợp cùng bốn giáo tướng Tạng, Thông, Biệt, Viên lại thành.
[4]. Pháp nhãn tịnh hay pháp nhãn (Dharmacakṣus) cũng gọi Tịnh pháp nhãn, Thanh tịnh pháp nhãn. Có nghĩa là chỉ cho con mắt có khả năng thấy suốt chân lý các pháp mà không nghi ngờ, không bị chướng ngại.
[5]. “Con từ miệng Phật sinh ra, từ pháp hóa sinh và được pháp Phật, nay mới biết mình thật sự là con của Phật, có thể thành Phật” (Tùng Phật khẩu sanh, tùng pháp hóa sanh, đắc Phật pháp phần, cố danh Phật tử). Thích Trí Tịnh (dịch) (2007), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.100.
[6]. Phạm hạnh (Brahmacariyā), nghĩa là đạo đức mô phạm chuẩn mực, thanh tịnh.
[7]. Ngũ trụ địa cũng gọi Ngũ trụ địa phiền não, chỉ cho 5 phiền não: Kiến nhất xứ trụ địa, dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa, hữu ái trụ địa và vô minh trụ địa. Vì 5 thứ phiền não này là chỗ nương tựa, chỗ cư trú của hết thảy phiền não và lại hay sinh ra các phiền não khác, cho nên gọi là trụ địa.
[8]. Đại Tạng Kinh VN, Trung Bộ Kinh (tập III), Kinh Giáo giới Phú-lâu-na, tr.605.