Tây Tạng (T. Bod, བོད་།) còn được gọi là “nóc nhà của thế giới” (roof of the world; 世界屋脊), nằm ở vùng Trung Á có diện tích rộng khoảng 471.660 km2, với độ cao trung bình 4.900 mét (16.000 feet) phía bắc núi Hy-mã-lạp-sơn (Himalaya). Phía tây giáp miền bắc Ấn-độ; phía đông và bắc giáp Trung Quốc; phía nam giáp các vương quốc Nepal, Bhutan, bắc Miến Điện và đông bắc Ấn-độ. Thủ đô Lhasa với dân số 40.000 trên tổng số dân Tây Tạng là 6 triệu người, trong đó có khoảng 18% Tăng và 2% Ni. Ngoài ra, còn có khoảng 1,5 triệu dân Tây Tạng đang sống lưu trú tại nhiều quốc gia khắp nơi trên thế giới.
Trước khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng, phần đông người dân theo đạo cổ truyền gọi là tôn giáo Bön (T. བོན་།), họ tin vào thuyết ma quỷ, thần linh bản địa. Khi bị ma quỷ quấy phá, họ phải nhờ đến các thầy pháp, phù thủy cúng bái mới được yên ổn. Vào thế kỷ VI S.TL, Phật giáo được giới thiệu vào Tây Tạng thông qua hai người vợ Bhrikuti Devi (T. Lha-cig khri-btsun, ལྷ་ཅིག་ཁྲི་བཙུན་།, tk VII S.TL) và Văn Thành (文成, 625-680 S.TL) của vua Songtsen Gampo (609-650 S.TL). Không bao lâu, sau đó vua Songtsen Gampo đã xiển dương phát triển đạo Phật trở thành quốc giáo và thành lập một loạt cơ sở tu viện Phật giáo trên khắp khu vực, đồng thời giới thiệu các học giả Tây Tạng nghiên cứu về Phật học, tiếng Phạn (Sanskrit) để phiên dịch các kinh điển từ Phạn ngữ sang Tạng ngữ.
Trải qua nhiều thế kỷ, Phật giáo Tây Tạng kết hợp với các nguồn giáo lý của đức Phật đã được trao truyền từ bậc Đạo sư đến đệ tử, và trong vô số dòng truyền thừa có năm tông phái chính: Nyingmapa, Sakyapa, Kagyupa, Kadampa và Gelugpa. Một trong năm tông phái có tầm ảnh hưởng mạnh nhất là Gelugpa, nhờ vào sự cải cách truyền bá và phát triển của ngài Tông-khách-ba (Tsongkhapa Losang Drakpa, 1357-1419). Về sau, tông phái nầy có sức lan tỏa mạnh mẽ đến khắp nơi, không chỉ trong đời sống tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, xã hội của người dân mà còn ảnh hưởng đến cả trong triều đình vua chúa Tây Tạng lúc bấy giờ.
Một khía cạnh khác trong cuộc sống cộng đồng Tây Tạng, mỗi nơi đều mang một nét đặc trưng riêng. Trong đó, mô-típ nổi bật nhất là có những bức tường của các bánh xe cầu nguyện (S. Chakra; T. Khor-lo, འཁོར་ལོ་།; E. Prayer wheel; H. 經綸; Kinh luân) được ghi những câu Thần chú, và những người xoay chúng được cho là đang gửi những lời cầu nguyện vì phúc lợi của tất cả chúng sinh. Những lá cờ cầu nguyện với câu Thần chú ngắn gọn hoặc những lời cầu khẩn được viết trên chúng bay trong gió, mỗi chuyển động thể hiện một nguyện ước làm lợi lạc cho tha nhân. Chúng ta có thể quan sát các tu viện và đền thờ với nhiều mô hình khác nhau ở khắp mọi nơi. Nhiều người đi qua đều tham gia vào các hoạt động gắn liền với thực hành Phật giáo. Có thể nhìn thấy một người phụ nữ trên đường đi chợ đang cầm chuỗi hạt cầu nguyện và nhẹ nhàng niệm chú; một nhóm trẻ em đang lễ lạy trước một ngôi tu viện, một dòng người đang di chuyển chậm rãi quanh bức tường của các bánh xe cầu nguyện và mỗi người quay lại khi họ đi qua. Do đó, Phật giáo chính là huyết mạch đã thấm nhuần vào hơi thở và mao quản của cộng đồng, ảnh hưởng của nó được nhìn thấy trong tất cả các khía cạnh cuộc sống hằng ngày của người dân Tây Tạng.
Trong bối cảnh lịch sử, về nguồn gốc: Tây Tạng đã tiếp nhận Phật giáo từ Ấn-độ vào khoảng tiền bán thế kỷ VII S.TL, khi Đạo sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) thành lập các tu viện tông phái Nyingmapa dưới thời trị vì của vua Trisong Detsen (755-797 S.TL) và việc thành lập Phật giáo bắt nguồn từ các tông phái Ấn-độ. Đồng thời, tông phái đốn ngộ (頓悟) của Trung Quốc có phần khác với tông phái tiệm ngộ (漸悟) của Phật giáo Ấn-độ, họ cũng cố gắng tạo dựng đôi chân vững chắc của mình trên “vùng đất tuyết”, nhưng cuối cùng người thầy Phật giáo Trung Quốc – Hòa thượng Ma-ha-diễn (和尚摩訶衍)đã thất bại hoàn toàn trong cuộc tranh luận với vị học giả Phật giáo Ấn-độ – Đại sư Liên Hoa Giới (Kamalaśīla), đó cũng là một dấu son trong lịch sử Phật giáo ở Tây Tạng, vì điều nầy quyết định con đường mà Tây Tạng sẽ theo Phật giáo trong tương lai. Mặc dù không được ghi nhận trong hồ sơ lịch sử của Tây Tạng, nhưng cũng không làm giảm tầm quan trọng của nó.
Nhiều thế kỷ trôi qua, Phật giáo Tây Tạng đã hồi sinh sau một cuộc đàn áp bởi vị vua khét tiếng Langdarma (803-842 S.TL), các tông phái mới hơn đã đưa ra những ý tưởng mới, nhưng tông phái cũ (Nyingmapa) tiếp tục ảnh hưởng không chỉ đến trí tuệ dân gian mà còn đến các tầng lớp quý tộc cũng như những người theo tông phái nầy, cho đến khi tông phái Gelugpa được giới thiệu bởi Đại sư Tông-khách-ba, đó là sự cải cách và hình thành của một tông phái mới. Tại sao nhu cầu thực sự thành lập tông phái nầy, lại được người sáng lập Tông-khách-ba cảm nhận khi ngài đã thông thạo tất cả các triết lý thời bấy giờ thông qua các tông phái thịnh hành khác? Vai trò của Rendawa (1349-1412) trong cuộc đời giáo dục và triết học của Tông-khách-ba được thể hiện rõ ràng trong các tác phẩm mà Tông-khách-ba đã viết. Trên thực tế, khi chúng ta có một cái nhìn xuyên suốt về cuộc đời khổ hạnh của Đại sư Tông-khách-ba, dường như ngài có uy lực hơn nhiều so với cuộc sống an cư của mình, khi tên tuổi của ngài trở nên nổi tiếng hơn cả bản thân của chính mình. Lang thang trong việc tầm sư học đạo, thức ngộ bản tâm thông qua các cuộc tranh luận, thỉnh cầu những bậc thầy có kinh nghiệm để truyền đạt kiến thức và thực hành pháp sự lễ nghi. Tất cả những điều nầy tạo nên một đạo phong đĩnh đạc của Đại sư Tông-khách-ba mà nhiều nhà nghiên cứu đã được truyền cảm hứng từ ngài. Hơn nữa, đóng góp lớn nhất của Đại sư Tông-khách-ba đó là khởi xướng giáo lý “Lam-rim” (T. ལམ་རིམ་།). Tông-khách-ba trong thời gian nghiên cứu đã tham gia tranh luận với hầu hết các bậc thầy của tông phái Phật giáo thịnh hành ở Tây Tạng, ngài nhận thấy rằng: tranh luận là cách tốt nhất để phát triển trí tuệ của một người. Vì vậy, ngài đã tập trung vào việc nghiên cứu các tư tưởng trong trật tự của tông phái để viết thành 18 tuyển tập, trong đó đại luận nổi tiếng nhất có tên “Lam-rim chen-mo” (T. ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་།), cố gắng áp dụng tất cả những lời dạy minh triết của đức Phật để hướng đến một cuộc sống thánh thiện và đức hạnh theo Luật tạng. Các thế hệ tiếp theo đã kế thừa sự nghiệp cao cả của ngài, nâng cao phương pháp giáo dục theo trình tự logic và chặt chẽ, được vận dụng bằng các thao tác kỹ năng thiện xảo mang đậm chất trí tuệ.
Về nghệ thuật và văn hóa Tây Tạng, rất đa dạng và phong phú, thể hiện sự tinh tế công phu trong quá trình huấn luyện tu tập và chuyển hóa tâm. Từ những bức tượng Phật, Bồ-tát, Thần, Lạt-ma được trang trí một cách tỉ mỉ, và tìm thấy tại các tu viện cho đến những tác phẩm được tạo thành từ gỗ và thiết kế đa dạng trên thangka, được phổ biến trong mọi đồ vật và diện mạo của cuộc sống hằng ngày. Nghi lễ, thiền định và âm nhạc là những nhân tố để cấu thành niềm tin Phật giáo, kết nối sự truyền thừa từ bậc Đạo sư đến đệ tử.
Các kiến trúc của tu viện nổi tiếng linh thiêng, được thiết kế tỉ mỉ và tinh tế, tạo nên một bầu không khí thư thái, hài hòa, đóng vai trò nổi bật trong văn hóa tôn giáo và bản sắc của Phật giáo Tây Tạng. Các tu viện đôi khi giống như các trường Đại học hơn là nơi thờ tự, với đội ngũ giáo sư uyên bác và những sinh viên tu sĩ siêng năng cầu thị. Trong mỗi tu viện có thể sử dụng những bản kinh, luận riêng của các tác giả khác nhau gọi là sổ tay tu viện (T. Yig-cha, ཡིག་ཆ་།). Những lời dạy của các bậc Mật sư được coi là sự bảo vệ chống lại những quan niệm sai lầm trong việc hiểu và thực hành Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa.
Bánh xe thời gian luôn xoay quanh trục của nó và Tây Tạng trải qua nhiều thay đổi trong đời sống xã hội, văn hóa và tôn giáo; họ gặp vô số khó khăn trong sự thịnh vượng tại thời điểm suy tàn, từ Triều đại nầy sang Triều đại khác với một loạt mười vị vua, từ Tùng-Tán-Cán-Bố (Songtsen gampo, 609-650 S.TL) cho đến vị vua khét tiếng Langdarma (803-842 S.TL), nhưng Phật giáo vẫn đứng vững và tồn tại đến ngày nay. Đó là sự khó khăn của những con người có lòng tín tâm (S. Adhyāśaya; T. Lhag-bsam, ལྷག་བསམ་།; E. Confidence; H. 信 心) ủng hộ yêu thích Phật giáo của các vị hộ pháp vương (S. Dharmapāla-rājā; T. Chos-skyong sman, ཆོས་སྐྱོང་སྨན་།; H. 護法王) lãnh đạo, cũng như những người có niềm tin vững chắc và trách nhiệm của các bậc thầy truyền giáo như Đại sư Liên Hoa Sinh, Liên Hoa Giới, Tịch Hộ và Atisha v.v… Chúng ta có thể nói rằng, những vị Tạng vương và các học giả Ấn-độ đã chuẩn bị nơi để thiết lập và truyền bá niềm tin Phật giáo ở Tây tạng. Việc thành lập Tu viện Samye được coi là một yếu tố tuyệt vời trong cuộc chinh phục Phật giáo nơi đất tuyết.
Khi bắt đầu đến Tây Tạng, ngài Tịch Hộ (S. Śāntarakṣita; T. Zhi-ba ‘tsho, ཞི་བ་འཚོ་།) và ngài Liên Hoa Sinh (S. Padmasambhava; T. Pad-ma ‘byung-gnas, པད་མ་འབྱུང་གནས་།) giới thiệu một niềm tin và triết lý mới, làm cho họ phải đối mặt với một cơn thịnh nộ hung hãn của quần chúng, cũng như những người quý tộc. Điều rất tự nhiên là một tôn giáo ngoại lai, không thể chuyển đổi những tập tục để thuyết phục được người bản xứ. Bön (T. བོན་།) được xem là quốc giáo của Tây Tạng trước khi Phật giáo truyền vào, nơi đây đã có cả một hệ thống với các nghi quỹ (S. Kalpa-sūtra; H. 儀軌) thực hành tôn giáo. Người Tây Tạng đầu thế kỷ VII S.TL, họ làm lễ tế thần và thờ cúng các linh hồn, mặt trời, mặt trăng, núi, sông, cây cối v.v… sự mê tín đó nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức, suy nghĩ, tâm lý, lối sống và lễ nghi của họ. Những vị Tạng vương đã nỗ lực thay đổi suy nghĩ của người dân lúc bấy giờ, điều nầy đã dẫn đến những cuộc bạo loạn xảy ra thường xuyên bất đồng về tư tưởng.
Do đó, giải pháp tốt nhất đối với Phật giáo phải hòa đồng với tôn giáo Bön (T. བོན་།), phù hợp với nhiều nghi thức tập tục tín ngưỡng của tôn giáo nầy; tương truyền rằng, ngài Tịch Hộ đã phải chạy trốn sang Nepal khi lần đầu tiên đến nơi ấy. Người Tây Tạng đã e ngại vì ngài Tịch Hộ (S. Śāntarakṣita; T. Zhi-ba ‘tsho, ཞི་བ་འཚོ་།) cùng với tôn giáo mới của mình đã mang đến một điềm xấu cho họ. Không chỉ vậy, ngay cả sự truyền giáo của ngài Liên Hoa Sinh đến Tây Tạng trong một thời gian rất ngắn ngủi. Ở mọi nơi và mọi lúc, trong suốt các thế kỷ VII, VIII và IX S.TL, Phật giáo hầu như phải luôn đối mặt với sự phẫn nộ của quần chúng và một vài vị vua Tây Tạng. Sự phản đối nầy đối với dòng Phật giáo mới ở Tây Tạng xảy ra trên ba khía cạnh: 1- từ các vị tu sĩ của tôn giáo bản địa Bön (T. བོན་།), 2- từ các tầng lớp quý tộc và 3- từ một số vị vua hiếu chiến. Chúng ta thấy, Phật giáo có thể phát triển ở Tây Tạng vào thế kỷ VIII S.TL và sau đó, khi có những cuộc xung đột tôn giáo xảy ra; từ vụ ám sát Langdarma (T. Glang dar-ma, གླང་དར་མ་།, 803-842 S.TL), Phật giáo đã bị suy sụp ở Tây Tạng trong hai thế kỷ. Tuy nhiên, rất may là đã được hồi sinh vào năm 1042, khi ngài Atisha đến và sau đó ngài đã trở thành một nhà truyền giáo uy danh.
Trong hai thế kỷ VII – VIII S.TL, Phật giáo và các vị vua lúc bấy giờ cũng như những người cải đạo được khởi xướng trong nền minh triết giáo lý Phật đà, thực hành bởi các vị thầy ở Ấn-độ và Trung Quốc. Vì vị trí địa lý mà Tây Tạng thường xuyên có một loạt các học giả Phật giáo từ Ấn-độ, Trung Quốc, Khotan và Kuchi v.v… tất cả những học giả và tu sĩ nầy đã cố gắng hết sức để mang đến cho người Tây Tạng một tư tưởng siêu phàm, và một nền văn hóa đầy màu sắc tâm linh.
Chính nhờ giáo lý giải thoát của Phật đà, mà người Tây Tạng đã có được một nền văn học Phật giáo của riêng mình vô cùng rộng lớn, định hình tâm trí của họ thông qua văn hóa và văn minh. Đóng góp lớn nhất của tư tưởng và văn hóa Phật giáo đối với người Tây Tạng là tạo ra một hệ thống “chữ viết”, và một tôn giáo siêu phàm với các tu viện đầy màu sắc và biểu tượng thần diệu. Không chỉ vậy, người Tây Tạng còn có năng khiếu về nghệ thuật và thủ công, chúng được xem là một nền triết lý đặc biệt; văn hóa tinh thần đạo đức cũng cực kỳ tinh tế. Người Tây Tạng xứng đáng với mọi sự đánh giá cao và ngưỡng mộ, vì họ bảo tồn triết lý và văn hóa của chúng, trong suy nghĩ và cuộc sống của họ. Mọi khía cạnh trong đời sống Tây Tạng đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng và văn hóa Phật giáo; từ đó các loại hình nghệ thuật tôn giáo, mạn-đà-la, thangka, kiến trúc, hội họa; văn hóa, âm nhạc, nghi lễ cũng như nơi tôn trí các vị Tạng vương v.v… đều thể hiện – phản ánh tâm linh rạng rỡ, và sự thanh thản đầy cảm hứng mang đậm chất trí tuệ Phật giáo.
Khi Phật giáo trở thành quốc giáo, đã tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ, không chỉ dựa trên niềm tin mà còn liên quan đến các khía cạnh nghệ thuật, văn hóa, phong tục tập quán v.v… Phật giáo Tây Tạng cuối cùng cũng đã lan rộng sang các nước Mông Cổ, Nepal và Trung Quốc, nơi nó nhận được sự bảo trợ của các Hoàng đế, đặc biệt trong các Triều đại nhà Nguyên (1260-1368) và nhà Minh (1368-1644).
Phật giáo Tây Tạng kế thừa một số truyền thống của Phật giáo Ấn-độ xưa, cũng như sự hưng thịnh của các tu viện (Tây Tạng từng là nơi có các tu viện Phật giáo quan trọng nhất trên thế giới), một triết lý giáo dục tinh vi và các nghi thức thực hành Mật tông nghiêm túc. Vào thời gian kế tiếp, truyền thống của các tông phái được phổ biến rộng rãi, đồng thời kết hợp một phong cách tốt của các vị thần bản địa vào những tu viện Phật giáo đang phát triển. Với việc thành lập các tông phái Nyingmapa, Kagyupa, Sakyapa, Kadampa và Gelugpa. Tông phái Nyingma đại diện cho làn sóng truyền bá Phật giáo Ấn-độ cổ điển đầu tiên vào Tây Tạng, bắt đầu từ thế kỷ VII – VIII S.TL. Tông phái Kagyupa, Sakyapa và Kadampa đại diện cho làn sóng truyền bá thứ hai của dòng truyền thừa Phật giáo cổ điển từ Ấn-độ, bắt đầu từ thế kỷ XI S.TL. Tông phái Gelugpa đại diện cho một truyền thống riêng biệt hình thành vào cuối thế kỷ XIV. Năm truyền thống nầy đều có chung một mục tiêu, cụ thể là phát triển một cái nhìn toàn diện – sâu sắc về bản chất của tâm (S & P. Citta) và pháp (S. Dharma; P. Dhamma), dựa trên tinh thần từ bi (S. Maitrī-karuṇā; T. Jampa-nyingjé, བྱམས་པ་སྙིང་རྗེ་།) để mang lại những lợi lạc cho tất cả chúng sinh, con người.
Mặc dù các tông phái có cùng chung mục đích – hướng con người đến sự thánh thiện thoát tục, nhưng mỗi truyền thống đều có một sự kế thừa riêng biệt trong dòng dõi truyền miệng văn học, nghệ thuật, và được truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, mà không bị phá vỡ kể từ thời điểm biểu hiện đầu tiên. Trong vô số dòng dõi của mỗi truyền thống nầy, tồn tại một loạt các hệ thống phát triển nội tâm đa dạng và đã được ứng dụng; một kho tàng văn hóa đồ sồ về những hiểu biết triết học rất rõ ràng, tinh tế – cùng với những loại hình nghệ thuật, nghi lễ cũng như kỹ năng của chúng được phổ biến khắp nơi.
Đặc biệt, đối với các dòng truyền thống đó, về sự vượt trội hơn trong nội hàm của nó, phải nói đến hệ thống các đức hạnh của tông phái Gelugpa, được thành lập bởi bậc thầy tôn kính từng xuất hiện ở Tây Tạng với danh hiệu Tông-khách-ba (T. Tsongkhapa losang drakpa, ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ་།), và được các đệ tử của ngài truyền thừa gọi là Lạt-ma. Sau đó, tông phái nầy được chia thành hai dòng dõi gọi là Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama) và Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama). Điều tốt nhất cho Phật giáo Tây Tạng là tổ chức của Lạt-ma nhập thể. Phật tử Tây Tạng tin rằng các vị thầy từ bi được tái sinh hết lần nầy đến lần khác, trong mỗi đời được xác định khi họ còn trẻ và được tiếp nhận với tư chất – tình trạng tái sinh trước đó. Tây Tạng đã có một số vị Lạt-ma như vậy, người nổi tiếng hàng đầu là đức Đạt-lai Lạt-ma thứ V, La-bốc-tạng Gia-mục-thố (T. Ngawang-lobsang-gyatso, ངག་དབང་བློ་བཟང་།, 1617-1682) trở thành người lãnh đạo của Tây Tạng năm 1642, dưới sự hướng dẫn của ngài, đã cho trùng tu cung điện Potala vĩ đại ở Lhasa, đây cũng là Thủ đô của đất nước Tây ạng.
Hơn bao giờ hết, bánh xe không chỉ được dùng để vận chuyển mà còn tạo ra những lời cầu nguyện. Đối với Tây Tạng dù là người lớn tuổi hay nhỏ tuổi, cũng như bất cứ lúc nào và ở đâu, họ luôn thực hành câu Thần chú “Án Ma Ni Bát Mê Hồng” (S. Oṃ maṇi padme hūṃ; T. ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་།). Do đó, điều nầy đã gợi lên cho chúng ta thấy, về sự kết nối nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo trong nhiều thế kỷ đã có ảnh hưởng nhất định trong đời sống hằng ngày của người dân Tây Tạng. Bên cạnh đó, với sự hiện diện của một vị Phật sống như đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV cũng đủ làm cho vùng cao nguyên nhỏ yên tịnh Dharmsāla trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng thế giới, thu hút mọi người từ khắp nơi trở về để cùng nhau tu học, hành hương chiêm bái cũng như luôn tỏ lòng tôn kính đối với đức Đạt-lai Lạt-ma và tôn thờ các thánh tích của đức Phật. Dharmsāla đã thực sự trở thành một vùng đất linh thiêng, một cõi thánh thiện và là nơi tâm linh yên bình trên thế giới.