Bát bảo cát tường (S. Aṣṭamaṅgala; T. Bkra-shis rtags-brgyad, བཀྲ་ཤིས་རྟགས་བརྒྱད་།) là một bộ gồm tám biểu tượng của sự cát tường, được tìm thấy trong Phật giáo và truyền thống Ấn-độ khác, chúng thường dùng làm đồ trang trí tại các tu viện hoặc nhà ở. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng xác định những biểu tượng này là hóa thân của đức Phật. Tám biểu tượng đó là:
1. Bánh xe Pháp (S. Suvarṅacakra; T. Chos-kyi-‘khor-lo, ཆོས་ཀྱི་འཁོར་ལོ་།) tượng trưng cho những lời dạy của đức Phật và là nguồn gốc của giá trị tinh thần, sự viên mãn, từ bi và giải thoát. Tứ diệu đế được ghi lại trong kinh Chuyển pháp luân (P. Dhammacakkappavattana-sutta; H. 轉法輪經), bài pháp đầu tiên đức Phật đã thuyết cho năm anh em Kiều Trần Như (S. Kauṇḍinya).
“…và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư Thiên cõi đất này lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, dù là Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời...” [1]
Ngoài ra, bánh xe Pháp thường được mô tả có tám nan, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo (S. Āryāṣṭāṅgamārga; P. Ariya aṭṭhaṅgika magga; H. 八正道) (hình 1).
2. Cây dù quý báu (S. sitātapatra; T. Gdugs-mchog, གདུགས་མཆོག་།)hay chiếc ô (lọng) thiêng liêng, biểu tượng cho sự bảo vệ khỏi các thế lực xấu hại hoặc bệnh tật. Giống như cách mà một chiếc dù che nắng bảo vệ một người khỏi sức nóng của mặt trời, chiếc dù che quý báu bảo vệ một người khỏi bệnh tật, tổn hại và những trở ngại. Cũng vậy, như cây Bồ-đề là nơi tôn nghiêm mà từ đó Bồ-tát thành đạo, thì chiếc lọng che nắng để mọi người tận hưởng bóng mát che chở từ chư Phật, chư đại Bồ-tát và bậc thầy Guru tâm linh (hình 2). Theo truyền thống Tây Tạng tùy thuộc vào cấp bậc, địa vị của những nhân vật khác nhau được hưởng những chiếc lọng khác nhau, những người lãnh đạo tôn giáo được hưởng một chiếc lọng lụa và những bậc vua chúa được hưởng một chiếc lọng có thêu lông công. Những nhân vật tôn kính như đức Đạt-lai Lạt-ma được hưởng cả hai.
3. Chiếc bình châu báu (S. Nidhighaṭa; T. Bum-pa, བུམ་པ་།) biểu tượng cho tuổi thọ, sự giàu có, dồi dào, sung túc và thịnh vượng, đáp ứng mọi mong muốn về tinh thần và vật chất của một người. Mỗi người đều có “cái bình đựng châu báu” trong mình, bởi vì chúng sanh đều có Phật tánh (S. Buddhatā; H. 佛性) rộng lớn như đại hải để đạt đến Phật quả (hình 3).
4. Hoa sen (S. Padma; T. Pad-me, པད་མེ་།) tượng trưng cho lưỡi của đức Phật. Biểu tượng nổi bật của Phật giáo, hầu hết các bức tượng và tác phẩm điêu khắc của các vị Phật và Bồ-tát được miêu tả là ngồi trong tư thế thiền định trên một đài hoa sen. Trên thực tế các vị Phật và Bồ-tát được cho là sinh ra từ hoa sen.
Hoa sen biểu thị cho sự thật và tinh khiết cũng như lòng từ bi và tất cả những đức tính hoàn hảo (hình 4). Sự nở rộ của hoa sen tượng trưng cho đỉnh cao của vẻ đẹp và sự phong phú trong trạng thái của Phật quả, giá trị vô song của cuộc sống.
5. Biểu ngữ chiến thắng (S. Kundadhvaja; T. Rgyal-mtshan, རྒྱལ་མཚན་།) tượng trưng cho kim thân của đức Phật, biểu thị sự chiến thắng tất cả các bất đồng, bất hòa hoặc chướng ngại và đạt được hạnh phúc. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể vượt qua những chướng ngại phát sinh từ ngũ uẩn và vượt qua bóng tối của tham, sân và si trong cuộc sống hằng ngày (hình 5). Như tuyên ngôn của đức Phật, sau khi giác ngộ ở dưới cội Bồ-đề, được mô tả trong kinh Pháp Cú:
“Lang thang bao kiếp sống,
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.”
“Ôi! Người làm nhà kia,
Nay ta đã thấy ngươi,
Ngươi không làm nhà nữa,
Ðòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan,
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.” [2]
Nói cách khác, Phật giáo đồng nghĩa với chiến thắng và hoan hỷ, biểu ngữ chiến thắng là một tuyên bố thành công.
6. Song ngư vàng (S. Kanakamatsya; T. Gser-nya, གསེར་ཉ་།) tượng trưng cho đôi mắt của đức Phật, thể hiện sự không sợ hãi, tự do và giải thoát. Chúng ta có thể vượt qua đại dương đau khổ để đến bờ hạnh phúc của sự giác ngộ một cách không sợ hãi. Hành trình giác ngộ không bao giờ là một hành trình đơn độc, bởi vì chúng ta luôn tiếp nhận nguồn năng lượng trí tuệ của chư Phật, Bồ-tát mở lối dẫn đường trên lộ trình giải thoát (hình 6).
7. Nút thắt bất tận (S. Śrīvatsa; T. Dpal-be’u, དཔལ་བེའུ་།) tượng trưng cho trí tuệ của đức Phật (hình 7). Biểu thị sự phụ thuộc lẫn nhau hoặc liên kết với nhau của các học thuyết và pháp, có nghĩa là sự bất khả phân của học thuyết Tánh không (S. Śūnyatā; T. Stong-pa nyid, སྟོང་པ་ཉིད་།) và Duyên khởi (S. Pratītyasamutpāda; T. Rten-cing ‘brel-bar ‘byung-ba, རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བ་།; H. 縁 起). Nó cũng đại diện cho bản chất của cuộc sống là bất sanh bất diệt, vô thủy vô chung. Những lời dạy của đức Phật được kết tinh từ nguồn trí tuệ vô hạn và lòng từ bi vô biên, bản chất của sự thật là Nhất thể, tất cả chúng ta đều được kết nối trong một tấm vải cuộc sống được dệt đa dạng.
8. Vỏ ốc xà cừ (S. Śaṅkhavarta; T. Dung-dkar gyas-‘khyil, དུང་དཀར་གཡས་འཁྱིལ་།) trắng cuộn bên phải (hình 8) tượng trưng cho pháp âm sâu lắng, du dương của lời dạy đức Phật. Trong Phật giáo, những bài pháp thoại là mang thông điệp truyền bá tư tưởng hướng thượng giải thoát của đạo giác ngộ, thông qua việc chia sẻ và đối thoại với mọi người. Bằng cách tiếp cận này, chúng ta tạo ra một tầm nhìn sẽ đánh thức Phật tánh bên trong con người hướng tới sự giác ngộ tối thượng.
“Tú-Vương-Hoa! Nếu ông thấy có người thọ trì kinh này, phải dùng hoa sen xanh đựng đầy hương hột rải trên người đó. Rải xong nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu quyết sẽ lấy cỏ trải ngồi nơi đạo tràng, phá các quân ma, sẽ thổi ốc pháp, đánh trống pháp, độ thoát tất cả chúng sanh ra khỏi biển sanh, già, bệnh, chết. Cho nên người cầu Phật đạo thấy có người thọ trì kinh điển này, nên phải sanh lòng cung kính như thế.” [3]
Ngày nay vỏ ốc xà cừ được dùng trong nghi lễ Phật giáo Tây Tạng, trong quá trình thực hành nghi lễ được sử dụng như một nhạc cụ.
Như vậy, tám biểu tượng cát tường được sử dụng rất phổ biến trong nghệ thuật và trang trí Tây Tạng. Chúng thường được vẽ trên các đồ vật Phật giáo linh thiêng, đồ nội thất bằng gỗ chạm khắc, đồ kim loại trang trí, đồ gốm sứ, tấm tường, thảm cũng như những vật phẩm cúng dường trong các tu viện Jokhang, cung điện Potala v.v… các biểu tượng thu hút dòng năng lượng tích cực của sự thịnh vượng và hài hòa trong đời sống thánh thiện.
Tham khảo & chú thích
[1]. Tương Ưng Bộ kinh (saṃyutta nikāya) (Tập V), Thiên Ðại Phẩm, Chương XII, Tương Ưng Sự Thật.
[2]. Kinh Pháp Cú (kệ 153, 154), Thích Minh Châu (dịch),Nxb Tôn giáo, 2006, tr. 46.
[3]. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Thích Trí Tịnh (dịch), Nxb TP.HCM, 2000, các tr. 500-501.