1. Lời dẫn
Việc theo dõi thời gian, không biết trước đây con người đã y cứ vào dụng cụ gì để tính toán, ngoài các phương pháp dựa trên bóng mặt trời, các ngôi sao, đồng hồ cát, đồng hồ nước, v.v…? Dẫu cho thời gian có tồn tại hay không, nhưng những khái niệm này không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của con người chúng ta. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một loại dụng cụ đo thời gian được gọi là liên hoa lậu.
2. Định nghĩa
Liên hoa lậu là tên gọi Hán-Việt, được viết: 蓮花漏. Trong đó, ‘liên hoa’ (蓮花) có nghĩa là hoa sen, tiếng Anh là lotus; còn ‘lậu’ (漏) về từ loại là một động từ, có nghĩa rò rỉ, nhỏ giọt, thấm, dột, bỏ sót… Đỗ Phủ (712-770 stl) nói: “Sàng đầu ốc lậu vô can xứ” (床頭屋漏無乾處). Nghĩa là: Đầu giường nhà dột không chỗ nào khô. ‘Lậu’ là danh từ, có nghĩa đồng hồ nước. Vậy, liên hoa lậu ở trong ngữ cảnh này được hiểu là đồng hồ nước thiết kế theo kiểu mô hình hoa sen, và đây cũng là một loại đồng hồ cổ.
3. Nguồn gốc
Trước khi có đồng hồ, ở Trung Quốc cổ đại người ta đã sử dụng đồng hồ nước gọi là ‘lậu hồ’ (漏壺), có nghĩa là: Bình đựng nước hay chậu đựng nước, trên chiếc bình có khắc các mực nước, dưới có lỗ cho nước nhỏ giọt, xem mực nước còn lại trên bình mà biết giờ khắc, tính toán thời gian. Nói một cách dễ hiểu hơn, chiếc đồng hồ nước có cắm một cây thước tiêu chuẩn, gọi là mũi tên vào trong chậu. Mũi tên được thiết kế có giá đỡ và nổi trên mặt nước. Khi nước chảy ra khỏi bình, mũi tên chìm xuống để biểu thị thời gian, được gọi là “bình đồng hồ thoát nước” hay “đồng hồ mũi tên chìm”. Loại còn lại là khi nước chảy vào bình và mũi tên nổi lên biểu thị thời gian gọi là “bình đồng hồ nhận nước”hay “đồng hồ mũi tên nổi” (hình 1).
Hầu hết các chiếc bình đều là bình đơn (lẻ), đã được các nhà khảo cổ khai quật ở Trung Quốc và Ai Cập. Tại Trung Quốc những chiếc bình đơn có từ đầu thời Tây Hán (207 ttl-25 stl) đã được tìm thấy ở Hưng Bình, Thiểm Tây, Hà Bắc và Nội Mông, v.v… Vào cuối thời Tây Hán, những chiếc bình đồng hồ được xếp chồng lên nhau, nước từ trên chảy ra được dùng để bổ sung nước cho chiếc bình bên dưới nhằm cải thiện sự ổn định của dòng nước. Trong triều đại Đông Hán (25-220 stl) có nhà thiên văn học trứ danh tên là Trương Hành (張衡, 78-139 stl) đã phát minh ra hỗn thiên cầu với mô hình cánh quạt chạy bằng nước, sau đó chúng tiếp tục được cải tiến qua nhiều thế kỷ, mãi cho đến khi ngài Nhất Hạnh (683-727 stl) đồng kết hợp với kỹ sư quân sự Lương Linh Toản (梁令瓚, 690-757 stl) và những người khác cùng thời đã cải thiện nó một lần nữa, mới được chính thức áp dụng. Điều này được trình bày chi tiết trong “Thiên văn chí” (天文志) của Cựu đường thư (舊唐書),[1] kể lại rằng: Thiết bị của họ tạo ra không chỉ thể hiện chuyển động của thiên cầu, mặt trời và mặt trăng mà còn có hai hình tượng bằng gỗ sẽ đánh trống theo mỗi khắc (刻) (một khắc tương đương 15 phút), cùng kết hợp với chuông rung báo theo giờ, cứ mỗi một ‘thìn’ (辰) (một thìn tương đương hai giờ) thì chuông tự rung.
“Trung Quốc Thông Sử” (中國通史) có ghi rằng:[2] Chiếc đồng hồ điểm báo tiếng chuông đã tồn tại trước thời của ngài Nhất Hạnh. Vào triều đại nhà Tống trong “Lạc bang văn loại” (樂邦文類) đề cập rằng, trong thời Đông Tấn, có các thầy đệ tử của đại sư Huệ Viễn (慧遠 , 334-416 stl) đã tạo ra một liên hoa lậu (蓮花漏), bao gồm một bông hoa sen bằng gỗ với mười hai cánh được bao quanh một cơ chế làm cho một cánh hoa nở ra, khi mỗi một ‘thìn’ đi qua[3] (hình 2).
Để ca ngợi về sự sáng tạo này, vào thời nhà Đường, ngài Thần Thanh (神清, sống khoảng tk thứ IX) có lời tán thán: ‘Cách làm này chính xác không kém gì đồng hồ mặt trời’ (晷景無差), và chỉ ra trong chú thích cuối trang rằng, ngài Huệ Yếu là người rất thành thạo về máy móc cơ động, đã tạo ra một con chim gỗ có thể bay đến hàng trăm bước. Lại nữa, trong “Nam hải ký quy nội pháp truyện” (南海寄歸內法傳), ngài Nghĩa Tịnh (義 淨, 635-713 stl) đã viết rằng, phương pháp tính giờ của người Ấn Độ cổ đại là sử dụng một loại đồng hồ nước có lỗ nhỏ ở dưới đáy đặt một cái bát đồng, khi nước chảy đầy bát đồng đó thì nó sẽ tự chìm xuống. Nghĩa là cách sử dụng đồng hồ nước này rất đơn giản, bao gồm một chiếc bát bằng đồng có một lỗ nhỏ ở đáy được đặt trong một chậu hay bể nước lớn, và mỗi lần chiếc bát chìm xuống, một tiếng chuông sẽ vang lên. Khi nó chìm xuống và chạm vào đáy, đó là thời gian cố định có thể là khoảng 30 phút chẳng hạn, nó tùy thuộc vào vật liệu làm ra và kích thước của chúng (hình 3).
Nói về sau khi bát đầy nước, nó sẽ tự chìm xuống, nhằm biểu thị độ dài của một ‘cổ’ (鼓), tức là một trống, nó tương đương với 45 phút. Trong trường hợp này, bốn bát biểu thị một thời (時), tương đương 3 giờ, và 8 thời (giờ) bao gồm một ngày và đêm.[4] Ngược lại, phương pháp của Trung Quốc là chia một tấm bảng gỗ thành một trăm đơn vị, đặt nó thẳng đứng trong một chậu đồng và khi nước chảy vào, tấm bảng sẽ nổi lên trên mặt nước, có khắc hình mười hai con giáp của cung hoàng đạo chỉ ra mỗi trong số mười hai thời (mỗi thời ở đây là hai giờ).[5] Phương pháp tính thời gian bắt nguồn từ Ấn Độ đã thúc đẩy các vị Tăng Trung Quốc kết hợp chúng với các công nghệ Trung Quốc để cải thiện độ chính xác của các hoạt động tự canh tác trong nội viện. Do đó, đồng hồ nước có khả năng tự động chỉ ra mỗi khoảng thời gian là hai giờ.
Trong triều đại nhà Đường, việc đồng hồ nước bắt đầu được giới thiệu rộng rãi đến công chúng, được ghi lại trong cuốn “Đường ngữ lâm” (唐語林) kể lại rằng: tại Lô sơn (廬山), ngài Linh Triệt (靈澈, 746-816 stl) đã phát hiện một liên hoa lậu, việc này cho là đã được truyền lại từ ngài Huệ Viễn (慧遠).[6] Điều đó có thể xảy ra khoảng nửa thế kỷ sau sự viên tịch của đại sư Nhất Hạnh. Vì vậy, đồng hồ nước chắc hẳn đã được sử dụng ở tu viện liên tục kể từ thời Đông Tấn. Nhưng đến thời nhà Nguyên (1271-1368) điều không được may mắn xảy ra là liên hoa lậu đã bị thất lạc, sau đó nó được Quách Thủ Kính (1231-1316) khôi phục như dạng ban đầu hình hoa sen và được sử dụng thống nhất.
4. Cấu tạo và hoạt động
Vào thời nhà Tống (960-1279) trị vì lúc bấy giờ là vua Tống Nhân Tông (1010-1063) có xuất hiện một nhân vật rất nổi tiếng về thiên văn, hội hoạ lẫn thơ ca hiệu là Yên Túc (燕肅, 961-1090) đã chế tạo ra liên hoa lậu (đồng hồ nước hoa sen) và được sử dụng phổ biến cho toàn quốc. Chiếc đồng hồ nước hoa sen này là một dạng đồng hồ nổi, có hai chậu cấp nước gọi là khoang trên và khoang dưới. Có một lỗ tràn bên cạnh khoang dưới cung cấp nước cho chậu theo hướng mũi tên, được nối lần lượt với ống tiết kiệm nước bằng đồng, ống phun tre và hai ống giảm nước, sau đó là hai ống hút theo tên gọi hiện đại ngày nay. Chúng được sử dụng nguyên lý xifông để xả nước vào chậu và cho chảy dần dần vào chậu, miễn sao cho chiều cao của mực nước trong chậu không thay đổi. Tốc độ dòng nước trong chậu không đổi trong cùng khoảng thời gian và thời gian được đo tương ứng (hình 4).
Để giải thích rõ hơn về điều này, trong “Thanh tương tạp ký” (青箱雜記) nói rằng, mô hình mới lấy mảnh gỗ nổi có khắc 100 khía và chia nó thành bốn đoạn, mỗi đoạn 25 khía (4 đoạn x 25 khía = 100 khía). Tổng cộng có 64 bề mặt, vậy nên 100 khía được chia thành 1.000 phần.[7] Từ đó chúng ta có thể thấy liên hoa lậu của Phật giáo vượt trội hơn so với đồng hồ nước thông thường. Vào năm Sùng Trinh (崇禎) thứ 11 (1638) của triều đại nhà Minh, để tạo ra một chiếc đồng hồ nước tinh xảo hơn được đặt bên trong lưu vực của chánh điện thờ Phật, và chiếc đồng hồ sẽ nổi lên mặt nước vào những thời điểm nhất định. Đồng hồ cũng sẽ tự động đánh chuông và trống để thông báo thời gian, giống như hỗn thiên cầu bằng đồng của ngài Nhất Hạnh.[8]
5. Liên hoa lậu trong thơ ca
Cuối thế kỷ thứ IX stl, liên hoa lậu xuất hiện nhiều lần trong thơ Đường, tiêu biểu nhất là trong bài “Phụng hòa lỗ vọng đồng du bắc Thiền viện” (奉和魯望同游北禪) của Bì Nhật Hưu (皮日休, 834-883 stl). Hai câu thơ: “Ngâm đa cơ chuyển liên hoa lậu, tọa cửu trọng phần Bá tử hương” (吟多幾轉蓮花漏, 坐久重焚柏子香). Tạm dịch: Lời kinh tiếng mõ liên hoa chuyển, ngồi đợi trọn phần Bá tử hương. Bài thơ này minh họa rằng liên hoa lậu (đồng hồ nước hoa sen) được sử dụng để tính toán thời gian trong quá trình Thiền định tại các Thiền viện vào thời đó, và các nghi lễ tôn giáo như đốt hương được thực hiện theo chức năng báo giờ. Chúng ta biết trong các dòng truyền thừa của ngài Nhất Hạnh (683-727 stl), đại sư Phổ Tịch (651-739 stl) và thiền sư Hoằng Cảnh (634-712 stl) đều là những bậc thiền sư nổi tiếng và cũng là nhà thiên văn học của triều đình vào thời bấy giờ, nên việc mà các ngài kết nối mối liên hệ mật thiết với liên hoa lậu trong các Thiền viện là điều đương nhiên chứ không có gì phải xa lạ.
Đến với bài thơ “tự biệt ” (叙别) của Đường Ngạn Khiêm (唐彥謙, ?- 893). Có hai câu “Tiều cổ dạ xúc liên hoa lậu, thụ âm dao nguyệt giao ly tẩu” (譙鼓夜促蓮花漏, 樹阴摇月蛟螭走). Tạm dịch: Nghe tiếng trống trong đêm lòng thúc giục, khoảng thời gian báo hiệu canh giờ. Ánh trăng rọi luồn qua kẽ lá, loài thuồng luồng chạy kiếm tìm nơi. Hai câu thơ nói lên nỗi niềm bịn rịn trước lúc chia tay, lòng cảm thấy nỗi sầu luyến nhớ khi kẻ ở người đi. Tâm trạng dường như chưa bao giờ có sự chia ly, mà giờ đây sao có lời từ biệt? và hình tượng ánh trăng đêm xuyên qua từng kẽ lá, nhằm ngụ ý muốn nói lên dòng thời gian vô tận, không thể đem ra để cân đo đong đếm được. Ánh trăng chỉ xuất hiện vào ban đêm, khác với mặt trời vào ban ngày. Dẫu cho có ngày hay đêm đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là quy luật tuần hoàn tự nhiên, không bao giờ thay đổi. Sự thật của vũ trụ là thế, dù năng lực của con người có mạnh mẽ đến chừng nào cũng đừng mong ảo tưởng bẻ cong quy luật vận hành ấy. Do đó, tùy theo dòng nghiệp thức của mọi sinh linh có lúc ẩn lúc hiện để tồn tại trong thế giới huyễn hoá này.
Tuy nhiên, trong mối tình tương giao người tri kỷ, trọn cả năm chờ đợi bạn hiền mong ngày hội ngộ tương phùng, để tay trong tay cùng chén rượu mừng đầu năm với biết bao tâm tình hoài niệm. Mao Bàng (毛滂, 1056-1124) đã bày tỏ lòng mình trong bài thơ “Ngọc lâu xuân” (玉樓春). Hai câu thơ “Nhất niên trích tận liên hoa lậu, bích tỉnh Đồ Tô trầm đống tửu” (一年滴盡蓮花漏, 碧井酴酥沉凍酒). Tạm dịch: Một năm dài đồng hồ sen nhễu, rượu Đồ Tô giếng ngâm không thiếu. Cho nên, ở đây ý tác giả muốn nói tình bạn tri kỷ là một thứ gì đó mà nó vượt ra ngoài vòng đối đãi của cải vật chất tạo ra. Dẫu có rượu ngon, hoa đẹp, đàn hay mà thiếu vắng bạn hiền thì những thứ đó đều trở thành vô nghĩa.
Có thể nói hình ảnh liên hoa lậu được đưa vào thơ văn nhằm thể hiện sự kết nối tính tương thuộc giữa thiên nhiên và con người chúng ta là một. Bởi lẽ cuộc sống là một dòng chảy luân lưu bất tận. Trong ý nghĩa đó, Đào Vọng Linh (陶望龄, 1562-1609) đã bày tỏ tình cảm của mình qua bài thơ “Lãm kính thất thủ” (覽鏡七首). Hai câu thơ “Lục thời tự lễ liên hoa lậu, mỗi nhật thân niêm ấn tự hương” (六時自禮蓮花漏, 每日親拈印字香). Tạm dịch: Sáu thời lễ bái Phật đúng giờ, tự tay dâng cúng hương thơm mỗi ngày. Câu thơ thể hiện sự tín tâm hướng về đời sống xuất gia của tác giả. Dù đứng trước mọi nghịch cảnh cuộc đời, nhà thơ rất bình tĩnh đối mặt với tuổi tác của mình, và không sợ người khác cười nhạo về việc mà mình đang theo đuổi con đường lý tưởng xuất gia. Thực hiện những lời cầu nguyện cao quý đó, với tâm thành khẩn thiết hằng ngày đúng giờ lễ bái, dâng hương cúng dường lên chư Phật chứng minh và sự kiên trì trong pháp hành ấy. Không chỉ dừng lại ở đó, nhà thơ còn miêu tả môi trường tu hành thanh tịnh trên núi, trong sự giải thoát xả ly. Hòa mình vào thiên nhiên, nơi khung cảnh yên bình mà sâu lắng thế.
6. Lời kết
Đồng hồ nước hoa sen là một trong những dụng cụ đo thời gian vào thời kỳ Trung cổ, mà về sau các nhà khoa học đã trải qua nhiều lần cải tiến thiết kế và đưa ra những ý tưởng khéo léo, chế tác ra đồng hồ tinh tế và chính xác hơn. Liên hoa lậu không chỉ dùng để theo dõi thời gian trong cuộc sống hằng ngày, mà còn thể hiện sâu sắc mang đậm chất thơ ca lãng mãn, nhằm phản ánh đời sống hiện thực của con người.
Tham khảo
1. Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển, Nxb Dân Trí, 2019.
2. 大正藏 第 47 冊 No. 1969B 樂邦文類.
3. 大正藏 第55冊. No. 2125 南海寄歸內法傳.
4. 大正藏 第28冊. No. 0593 法華經文句輔正記.
5. 大正藏 第49冊. No. 2038釋鑑稽古略續集.
6. 舊唐書. 卷三十六 志第十六 天文下.
7. Bai Shouyi (白壽彝). Zhongguo tongshi 中國通史, Volume 6. Shanghai: Shanghai renmin chubanshe 上海人民出版社, 2007.
8. 王讜(撰), 唐語林 (8 vol.), 商務出版, 1935.
9. Qingxiang zaji青箱雜記 (10 juan). Compiled by Wu Chuhou 吳處厚 (d.u.) in 1087. Reference made to Qingxiang zaji 青箱雜記, collated and punctuated by Li Yumin 李裕民. Beijing: Zhonghua shuju 中華書局, 2012.
Chú thích
[1] Xem 舊唐書. 卷三十六 志第十六 天文下.
[2] Bai Shouyi (白壽彝). Zhongguo tongshi 中國通史, Volume 6. Shanghai: Shanghai renmin chubanshe 上海人民出版社, 2007, tr. 1576.
[3] 大正藏 第 47 冊 No. 1969B 樂邦文類 (Lạc bang văn loại) nói rằng: ngài Huệ Viễn có một người đệ tử tên là Pháp Yếu, vị này có thể khắc gỗ thành hoa sen mười hai cánh và trồng nó trong nước làm cơ chế. Việc mở mỗi cánh hoa đánh dấu của một ‘thời’ (thời khoá). Không có gì khác biệt so với đồng hồ nước, do đó khi tụng kinh chư Tăng sẽ không quên thời gian. Vì vậy, Đạo tràng của ngài được đặt tên là ‘Liên xã’. (遠公有弟子名法要, 能刻木為十二蓮華, 植於水中用以機關. 凡析一葉是一時, 與刻漏無差, 俾禮念不失時, 因此名其社為‘蓮社’也).
[4] 大正藏 第55冊. No. 2125 南海寄歸內法傳. [又復西國大寺皆有漏水, 並是積代君王之所奉施, 並給漏子為眾警時. 下以銅盆盛水, 上乃銅椀浮內. 其椀薄妙可受二升, 孔在下穿水便上湧, 細若針許量時准宜. 椀水既盡, 沈即打鼓]. Ngoài ra, các tu viện lớn ở vùng đất phía Tây đều có đồng hồ nước do các vị vua hiến cúng trong quá khứ. Cái ‘phễu’ (fannel) hay ‘lậu tử’ (漏子) cũng được tặng để giúp các vị Tăng tiện việc theo dõi thời gian. Phần bên dưới các chậu đồng được sử dụng để lấy nước, với chiếc bát đồng được đặt nổi ở trên. Các bát mỏng và tinh tế, giữ hai lít (升, thăng) (khoảng 0,6 lít tại thời điểm làm dấu) nước. Có những lỗ hổng trong bát mà nước có thể chảy lên trên, các lỗ hẹp như kim để thời gian được đo chính xác. Sau khi các bát đổ đầy nước, chúng tự chìm xuống cho đến khi có tiếng trống báo hiệu được vang lên.
[5] 大正藏 第28冊. No. 0593 法華經文句輔正記. [晷刻者日影也, 刻者周禮有挈壺氏, 掌漏刻懸一壺而成, 水下安示水器, 壺有小孔, 漏滴其水於下器中, 器內有竪木, 刻為百刻, 水浮竪木, 其刻漸出, 竟一日夜百刻方盡, 仍於木上為二獸形, 以正十二時, 也今國家用之]. Trong thuật ngữ ‘quỹ khắc’ (晷刻) có nghĩa là đồng hồ mặt trời (sundial). Chữ ‘quỹ’ (晷) đề cập đến bóng mặt trời và ‘khắc’ (刻) liên quan đến ‘khiết hồ thị’ (挈壺 氏) trong ‘chu lễ’ (周禮), người giám sát đồng hồ nước. Đây là một cái ‘thùng’ (器) được làm bằng cách treo chiếc bình (壺) dưới nước để chỉ ra mực nước. Có những lỗ nhỏ trong chiếc bình mà nước sẽ nhỏ giọt vào thùng bên dưới. Trong thùng có một tấm gỗ thẳng đứng với một trăm đơn vị được khắc vào nó. Khi bảng dâng lên trên, các rãnh dần dần nổi lên và sau cả ngày lẫn đêm, tất cả một trăm đơn vị sẽ nổi lên. Ngoài ra, còn có hình ảnh của 12 con giáp trên bảng chỉ ra mười hai thời (時). Điều này được sử dụng bởi các Quốc gia thời nay.
[6] Theo “Đường ngữ lâm” (唐語林) nói vào thời nhà Đường có một vị Tăng sĩ pháp hiệu là Linh Triệt (靈澈, 746-816) rất lỗi lạc uyên bác, ở quận Việt (越), đã phát hiện một liên hoa lậu tại Lô Sơn, ngài liền báo cho Vy Đan (韋丹, 753-810) là ủy viên giám sát (觀察使) ở tỉnh Giang Tây. Lúc đầu, ngài Huệ Viễn nghĩ rằng, sống trên núi không có đồng hồ nước, nên đã làm một chiếc bình bằng lá đồng, hình hoa sen, đặt vào chậu nước, nước thấm qua các lỗ ở đáy. Khi nước đầy nửa chừng thì chiếc bình bị chìm xuống. Trong vòng một ngày đêm, nó sẽ chìm mười hai lần, đóng vai trò như một phương pháp thời khoá tu tập cá nhân mang tính tham khảo tạm thời. Nhưng nó vẫn chính xác cho dù mùa đông và mùa hè ngắn hay dài, thậm chí khi bầu trời mây mù u ám hoặc tối tăm, cũng không có gì khác biệt. [越僧靈澈, 得蓮花漏於廬山, 傳江西觀察使韋丹. 初, 惠遠以山中不知更漏, 乃取銅葉制器, 狀如蓮花, 置盆水之上, 底孔漏水. 半之則沈. 每晝夜十二沈, 為行道之節. 雖冬夏短長, 雲陰月黑, 亦無差也]. Xem 王讜(撰), 唐語林 (8 vol.), 商務出版, 1935. Ngài Linh Triệt cũng là một bậc thầy Luật tạng nổi tiếng, người đã viết 21 quyển “Luật tông dẫn nguyên” (律宗引源), được ghi lại nơi tiểu sử của ngài trong “Tống Cao tăng truyện” (宋高僧傳): “其道行空慧, 無慚安遠, 復著《律宗引源》二十一卷, 為緇流所歸”.
[7] Xem Qingxiang zaji 青箱雜記 (10 juan). Compiled by Wu Chuhou 吳處厚 (d.u.) in 1087. Reference made to Qingxiang zaji 青箱雜記, collated and punctuated by Li Yumin 李裕民. Beijing: Zhonghua shuju 中華書局, 2012.
[8] 大正藏 第49冊. No. 2038釋鑑稽古略續集. “… Cung điện đồng hồ nước cao khoảng 6m hoặc 7m, bao gồm một tủ gỗ đựng một cái chậu, có nước chảy xuống. Trên nóc tủ có một Điện thờ Tây phương tam Thánh (A Di Đà, Amitābha; Quán Thế Âm, Avalokiteśvara và Đại Thế Chí, Mahāsthāmaprāpta). Ở giữa là ‘ngọc nữ’ (kanyā-ratna) cầm những chiếc que chỉ thời gian, nổi lên trên mặt nước vào thời điểm thích hợp. Ở bên trái và bên phải có hai vị thiên thần mặc áo giáp vàng, một người cầm chuông, người kia cầm một chiếc chiêng, mà hai nhân vật này sẽ đánh vào mỗi canh giờ (thời gian hai giờ báo hiệu 1 lần) trong đêm”. [… 宮漏約高六七尺, 為木櫃, 藏壺其中, 運水上下. 櫃上設西方三聖殿, 櫃腰設玉女, 捧時刻籌, 時至輒浮水而上. 左右列二金甲神人, 一懸鐘, 一懸鉦, 夜則神人自能按更而擊].