Ý nghĩa ‘Cùng tử’ trong kinh Pháp Hoa

 “Gã cùng tử tha phương cầu thực,

Hạt minh châu bất thức đáng thương,

Quay về nương bóng Pháp vương,

Ưu phiền giải thoát an nhàn nơi đây”.

Vâng, với bao nỗi niềm khắc khoải trong lòng của con người là luôn mong cầu có một cuộc sống an vui hạnh phúc, nhưng phải chăng những thứ hạnh phúc mà chúng ta đang cần tìm đó, nào là nhà đẹp xe sang, gấm vóc sa sô… hay sao? Xin thưa, nếu cho là phải, thì khác nào thừa nhận mình là một gã ‘Cùng tử’ (daridra-puruṣasya) truyền thống nghèo vẫn mãi nghèo mà thôi. Bởi vì sao nói như vậy, giá trị đích thực mà chúng ta đang đi trên con đường đã chọn là không phải nằm ở những thứ đó. Tuy nhiên, cuộc sống cần phải có cái ăn cái mặc, nhưng không quá câu nệ thiên nặng về chúng.

Phần nhiều với mẫu số chung, con người sống ở đời luôn hướng ngoại tầm cầu hỷ lạc hạnh phúc nơi này chỗ khác, có mấy chăng những ai trong chúng ta đây đã từng điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười. Hãy nhìn vào gia tài Pháp bảo mà mình đã có, để hun đúc gầy dựng trang điểm lại cho ngôi nhà Pháp thân của chúng ta được huy hoàng xán lạn, còn không được như vậy thì khác nào như một người có của báu mà không biết cách sử dụng, cứ lang thang rày đây mai đó làm khách phong trần mãi, ngày cách quê hương muôn dặm trình hay chỉ là người đâu tá quê nhà chưa tỏ, tuổi bao nhiêu tên họ là gì? Cho nên chúng ta nghèo vẫn cứ mãi nghèo, nghèo một cách tự nguyện, nghèo truyền thống, nghèo trong nhung lụa ấm êm mà nào có hay có biết bao giờ.

Thế nên, khi nhìn vào hiện tại trong mỗi con người chúng ta đây, ai cũng có đầy đủ một trữ lượng hạnh phúc rất lớn, cho dù có rơi vào hoàn cảnh nào đi nữa thì nó cũng không mất đi. Nhưng khổ nỗi vì chúng ta không biết cách nhận diện được hạnh phúc ấy, nên chúng ta phải chịu khổ đau, phải lang thang trong chốn hồng trần, nửa cho nửa nhận nửa nào là tôi. Vậy hạnh phúc sự giàu sang, không còn nghèo nữa, thoát kiếp nghèo rồi của mỗi con người nằm ở đâu? không đâu xa cả, nằm chính trong lòng tay của chúng ta ngay đây và bây giờ, nếu như chúng ta nhận diện được nó. Điều đó cũng giống như đức Phật đã kể một câu chuyện trong kinh Pháp Hoa rằng: Có một gã ‘Cùng tử’ lang thang phiêu bạt giang hồ sống trong hoàn cảnh nghèo khó, mà không biết trong chéo áo của mình có một viên ngọc quý vô giá, và một ngày kia khi gã ‘Cùng tử’ đã tìm thấy viên ngọc quý giá của mình rồi, thì liền trở thành ông Trưởng giả giàu sang huy hoàng. Chúng ta cũng vậy, vấn đề là phải có phương pháp để giúp chúng ta nhận diện được hạnh phúc của chính mình, để thấy rằng cuộc đời này tươi đẹp và có ý nghĩa biết bao.

Đối với vai trò của người tu học Phật, hơn nữa là một Hoằng pháp viên, niềm thao thức lớn nhất trong việc phụng sự Chánh pháp, là làm sao để thâm hiểu được trí tuệ Như Lai, thể nhập vào pháp tánh Chơn như, còn nếu không được như vậy, thì khó mà hoài mong giúp người độ đời, đem niềm vui cho tha nhân lợi vật, bởi vì sao? chính bản thân còn chưa có pháp lạc, huống hồ chi lấy đâu ra niềm pháp lạc ấy mà ban tặng cho người cho đời được chứ? Thật ra pháp Phật được xem như là dược phẩm đa năng có công dụng chữa trị biết bao trăm ngàn thứ bệnh cho con người, nhưng khổ nỗi đời oái ăm thay! con người chúng ta cứ ngỡ mặt làm lơ với căn bệnh si truyền kiếp của mình từ đời này qua kiếp nọ, rồi than thân trách phận, Phật thánh không linh, trời thần không hiển; cũng như người cầm chìa khóa kho báu trong tay mà không biết cách mở cửa vào kho báu ấy, đó là điều thật đáng trách tự thân vô cùng.

Người tu học Phật chúng ta hằng ngày đã từng nghe lời Phật dạy trong kinh, từng học nơi quý chư tôn Thiền đức, những bậc thầy cao cả truyền trao, lại được nhắc nhở lặp đi lặp lại rất nhiều lần về ba món tham, sân, si – chúng được xem là cội gốc của phiền não mà từ đó phát sinh ra nào là hỷ, nộ, ái, ố, mừng, giận, hờn, buồn, vui, v.v… nhưng mỗi khi có sự bất như ý muốn đối với bản thân mình, thì xin thưa lúc này đôi khi quên mất mình là ai, ta là ai mà còn trần gian thế? không kìm nén được nỗi nóng giận uất ách đó, vậy thì thử hỏi kho tàng Pháp bảo Giới, Định, Tuệ trong con người của chúng ta đây rong chơi nơi miền lạc cảnh nào rồi? Thế mà đối với một chút điều không hài lòng cỏn con chẳng đáng là bao mà chúng ta còn vượt qua không nổi, thì xin thưa đây không phải là gã nghèo ‘Cùng tử’ trong Chánh pháp đó hay sao? Bởi vì chúng ta không biết cách sử dụng viên ngọc quý để hóa giải những rắc rối nỗi khổ niềm đau ấy.

Vậy, làm cách nào để xóa đi căn bịnh si truyền kiếp, nghèo truyền thống đó? Trong niềm khát khao thao thức lớn của người tu học Phật chúng ta, điều quan yếu là tự thân của mỗi người hãy thực tập chánh niệm pháp Phật với những gì mà mình đã học, thì sự an lạc giải thoát đó có hiệu quả tức thời. Nếu chúng ta thực tập thiền trong một giờ thì sự hỷ lạc thiền liền có mặt, và cũng vậy chúng ta hành thiền trong một ngày, một tháng, kể cả một năm thì tin chắc rằng niềm pháp hỷ luôn theo chúng ta trong từng hơi thở thời gian, và ngang đây chúng ta cũng mạnh dạn tự tuyên bố với chính mình rằng: “Từ nay tôi thoát kiếp nghèo rồi, tôi không còn nghèo nữa, tôi không phải là gã ‘Cùng tử’ trong Chánh pháp, mà tôi là Trưởng giả của kho tàng Pháp bảo Như Lai.”

Tóm lại: Niềm thao thức suy tư đối với mỗi Hoằng pháp viên, thông qua hình ảnh thân phận của gã nghèo cùng có viên ngọc quý trong chéo áo, như được mô tả trong kinh Pháp Hoa. Nhằm khơi dậy nhắc nhở cho chúng ta biết rằng, mỗi người ai cũng có đầy đủ trí tuệ, đức tướng của Như Lai. Không nên tự ti cho mình là phàm phu hạ liệt mà ngỡ mặt làm lơ với kho tàng chánh pháp – những gì mình đã có. Bằng cách hãy vận dụng năng lực kiên định của chính mình, để chuyển hóa từ một gã nghèo ‘Cùng tử’ mà bước lên ngôi vị vinh quang bậc Trưởng giả nắm giữ kho tàng Pháp bảo vậy.

 

 

 

 

 

 

 

Nghiên Cứu