Thần chú Lục Tự Đại Minh hay Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn: Án Ma Ni Bát Mê Hồng (S. Oṃ maṇi padme hūṃ; T. ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ་།) có rất nhiều ý nghĩa, là Thần chú tối cao trong số tất cả các Thần chú, phát sinh từ sức mạnh của lòng từ bi và trí tuệ của đức Quán Thế Âm Bồ-tát (S. Avalokiteśvara-bodhisattva; T. Spyan-ras-gzigs, སྤྱན་རས་གཟིགས་།), ngài là hiện thân trí tuệ tổng hợp của tất cả chư Phật.
Chữ ‘Án’ (ཨོ, oṃ) là chỉ cho tất cả thân của đức Phật. Ở đây người ta có thể hiểu ‘Án’ (ཨོ, oṃ) là tánh thể của chư Phật trong ba đời. Vì vậy, bất cứ khi nào xướng tụng điều tối cao này giữa tất cả các âm thanh, có nghĩa là đang cầu nguyện sự gia hộ của chư Phật, chư đại Bồ-tát, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta nhớ và quay về với Phật tánh của mỗi người. Âm tiết tối cao đó tạo cho chúng ta nhân duyên thù thắng để trở thành Phật. Khả năng phát sinh do các âm tiết tiếp theo ‘Ma Ni’(མ་ནི, maṇi) quý báu và ‘Bát Mê’(པ་དྨེ, padme) hoa sen. Sự quý báu tượng trưng cho Bồ-đề tâm (S. Bodhicitta; T. Byang-chub kyi-sems,བྱང་ཆུབ་ཀྱི་སེམས་།). Chỉ có tâm giác ngộ mới có thể đáp ứng nguyện ước của mọi người, giống như một viên ngọc như ý đáp ứng nhu cầu bên ngoài của tất cả chúng sinh; Bồ-đề tâm cũng vậy, lòng từ bi của đức Quán Thế Âm Bồ-tát đáp ứng nhu cầu bên trong của tất cả chúng sinh. Hoa sen tượng trưng cho trí tuệ, giống như hoa sen đẹp và thanh khiết mọc lên từ bùn lầy, trí tuệ tương tự sinh ra từ tâm trí không bị ô nhiễm bởi những suy nghĩ bình thường; sự hiểu biết về thật tánh của pháp là hoàn toàn trong sáng và rõ ràng vượt lên trên mọi hiểu biết của phàm tục.
Cuối cùng là chữ ‘Hồng’ (ཧཱུྃ, hūṃ) có phẩm chất bất biến và thống nhất. Tính bất biến là phẩm chất của tâm kim cương và phẩm chất của tâm kim cương này thể hiện sự kết hợp của lòng từ bi và Tánh không, đó là thể tính Tánh không của đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Điều này có nghĩa là phẩm chất bất biến trong tâm của đức Quán Thế Âm Bồ-tát không bao giờ dao động và luôn luôn mang lại lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh. Thân thể hoàn toàn trọn vẹn của đức Phật tồn tại trong chữ cuối ‘Hồng’ (ཧཱུྃ, hūṃ), biểu tượng của sự bất biến và hợp nhất của trí tuệ và lòng từ bi, từ đó hình thể hoàn hảo phát sinh thân Phật được biểu thị bằng ‘Án’ (ཨོ, oṃ).
Nói một cách thực tế, khi chúng ta trì tụng Thần chú “Án Ma Ni Bát Mê Hồng”, chúng ta đang thể hiện đặt niềm tin và lòng tôn kính đối với đức Quán Thế Âm Bồ-tát và chư Phật, đang nương tựa vào chúng tìm kiếm sự bảo hộ cho tất cả chúng sinh, phát xuất Bồ-đề tâm, thanh tẩy phiền não, đóng cửa sáu nẻo luân hồi. Mặt khác, khi một người trì tụng Thần chú “Án Ma Ni Bát Mê Hồng”, người đó phải quán tưởng với sự tập trung và chú ý nhất tâm vào đức Quán Thế Âm Bồ-tát, mỗi câu niệm giống như nói “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát”, hãy nghĩ về sự thanh tịnh đó.
Một cách suy nghĩ khác về điều này, chữ ‘Án’ (ཨོ, oṃ) là sự tích tụ của ngũ trí [1] (S. Pañca-jñāna; T. Ye-shes-lnga, ཡེ་ཤེས་ལྔ་།) và ngũ thân [2] (S. Pañca-kāya; T. Sku-lnga, སྐུ་ལྔ་།); ‘Ma Ni’(མ་ནི, maṇi) là viên ngọc quý và ‘Bát Mê’(པ་དྨེ, padme) có nghĩa là hoa sen, sự quý báu và hoa sen là tên của đức Quán Thế Âm Bồ-tát và chữ ‘Hồng’ (ཧཱུྃ, hūṃ) là nguyện lực của ngài để bảo hộ chúng sinh khỏi đau khổ trong sáu cõi trầm luân. Do đó, khi chúng ta trì tụng Thần chú có nghĩa là đang tụng “hiện thân của ngũ thân và ngũ trí; sự quý báu và hoa sen, xin nguyện cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau trong sáu cõi luân hồi”.
Như vậy, đây chắc chắn là một câu Thần chú đã được trì tụng rất nhiều trong kinh điển và mật điển. Đối với việc trì tụng Thần chú, mỗi người chúng ta không thể tìm được câu nào sâu sắc hơn. Cho nên, điều quan trọng nhất đối với hành giả là phải thực hành nghiêm túc và nỗ lực tinh tiến để trì tụng Thần chú này.
Tham khảo & chú thích
[1]. Ngũ trí (S. Pañca jñānāni; T. Ye-shes-lnga, ཡེ་ཤེས་ལྔ་།) là năm loại trí, được trình bày theo Mật giáo, đó là: 1. Pháp giới trí (S. Dhamadhātu-jñāna) (theo Kim cương thừa Pháp giới trí thuộc về Đại Nhật Như Lai, ở trung tâm); 2. Đại viên cảnh trí (S. Ādarśa-jñāna) (thuộc về Bất Động Như Lai, ở phương Đông); 3. Bình đẳng tánh trí (S. Samatā-jñāna) (thuộc về Bảo Sanh Như Lai, ở phương Nam); 4. Diệu quan sát trí (S. Pratyavekṣaṇa-jñāna) (thuộc về A-Di-Đà Như Lai, giáo chủ cõi Tây phương cực lạc thế giới) và 5. Thành sở tác trí (S. Kṛtyānuṣṭhāna-jñāna) (thuộc về Bất Không Thành Tựu Như Lai, ở phương Bắc). Ngũ trí này có thể chuyển thành “Tam thân”, trong đó hai trí tuệ đầu tiên (1. Pháp giới trí; 2. Đại viên cảnh trí) gộp lại thành Pháp thân (S. Dharma-kāya; T. Chos-sku), trí tuệ thứ ba và thứ tư (3. Bình đẳng tánh trí; 4. Diệu quan sát trí ) nằm trong Báo thân (S. Saṃbhoga-kāya; T. Longs-sku), và trí tuệ cuối cùng (5. Thành sở tác trí) được định nghĩa là hóa thân (S. Nirmāṇa-kāya; T. Sprul-sku).
[2]. Ngũ thân chỉ năm loại thân của một vị Phật, đó là: 1. Pháp thân (S. Dharma-kāya; T. Chos-sku); 2. Tự tánh thân (S. Svabhāvika-kāya; T. Ngo-bo-nyid-sku); 3. Trí thân (S. Jñāna-kāya; T. Ye-shes chos-sku); 4. Báo thân (S. Saṃbhoga-kāya; T. Longs-sku) và 5. Hóa thân (S. Nirmāṇa-kāya; T. Sprul-sku).