Ý Nghĩa Tên Gọi Của  “Ngôi Chùa” Dưới Góc Độ Lịch Sử

1. Lời dẫn

Về danh tự hay tên gọi của ngôi chùa hầu như đều thống nhất từ trước tới nay, và ai cũng hiểu rõ đó là một tập hợp kiến trúc làm nơi để thờ Phật và tu tập. Chùa được xem là nét đẹp văn hóa tâm linh của những ai theo truyền thống Phật giáo, cũng là nơi gửi gắm niềm tin của con người hướng đến đời sống thánh thiện, phúc lạc, bình an.

Trên tinh thần đó, ngôi chùa đã gắn liền với hồn dân tộc, lịch sử của bao đời; mang đậm chất thơ ca thường tán dương xướng tụng: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” (Huyền Không).

Trong bài viết này, chúng tôi trình bày trên phương diện nghiên cứu lịch sử từ các nguồn thư tịch, sử liệu.

2. Định nghĩa

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia[1]: Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng. Chùa được xây dựng phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á như Trung QuốcNhật BảnViệt Nam và thường là nơi thờ Phật. Tại nhiều nơi, chùa có nhiều điểm giống với chùa tháp của Ấn-độ, vốn là nơi cất giữ Xá-lợi và chôn cất các vị đại , thường có nhiều tháp bao xung quanh. Chùa là nơi tiêu biểu cho Chân như, được nhân cách hóa bằng hình tượng một đức Phật được thờ ngay giữa chùa. Nhiều chùa được thiết kế như một Mạn-đà-la, gồm một trục ở giữa với các vị Phật ở bốn phương. Cũng có nhiều chùa có nhiều tầng, đại diện cho Ba thế giới (tam giới), các cấp bậc tiêu biểu cho Thập địa của Bồ-tát. Có nhiều chùa được xây tám mặt đại diện cho Pháp luân hoặc Bát chánh đạo.

Chùa còn là nơi tập trung của các sư, tăng -ni, tu hành và thuyết giảng đạo Phật. Tại nơi này, mọi người kể cả tín đồ hay người hữu duyên đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ tôn giáo.

Cụm từ “Chùa chiền” theo Hán-Việt còn có nghĩa là “tự viện”, là một nơi an trí tượng Phật và là chỗ cư trú tu hành của quý Tăng, Ni. Ngày nay trong thực tế, chùa được gọi bằng cả từ Hán-Việt phổ thông như “tự”, “tu viện”, “thiền viện” “thất”, “am”, “cốc”…

3. Tên gọi khác

Ngoài tên gọi “chùa” (tự), còn gọi với các danh tự khác: Già Lam (伽 藍), Bảo Sát (寶刹), Phạm Vũ, Tu Viện, Tự Viện, Thiền Viện, Tịnh Xá (Vihāra), Phật sát, Phật điện, Phật đường, Phật khám, Phật sát, Phật tự, Tăng phòng, Tăng viện, Tăng xá, Thiền già, Thiền trai, Thiền xá, Tự môn, Tự quán v.v…

4. Nguồn gốc

Chữ  Tự (寺), ngày nay chữ này được dùng đứng sau làm thành tố chính (trung tâm ngữ) để kết hợp với một từ định danh nào đó (định ngữ) tạo thành một cụm danh từ, nêu tên gọi một ngôi chùa cụ thể, như Vĩnh An Tự, Từ Đàm Tự, Xá Lợi Tự v.v… gọi với danh xưng như thế ai cũng hiểu; “Tự” nghĩa là chùa. Nhưng trong ngôn ngữ Trung Quốc cổ đại thì nghĩa của “Tự” không phải là chùa, mà “Tự” vốn là từ để chỉ cơ quan làm việc cụ thể của bộ máy chánh quyền phong kiến. Hay nói cách khác, “Tự” cũng có thể được xem như là Đại sứ quán, Lãnh sứ quán, nơi tiếp đón các khách ngoại quốc (foreign) thời xưa cũng như ngày nay.

Căn cứ theo Sách Hán thư[2] chú: “Phàm phủ đình sở tại giai vị chi tự”. Nghĩa là: nói chung nơi làm việc của phủ đình đều gọi là Tự. Khang Hy tự điển chú khá rõ điều này: “Hán dĩ Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ vi cửu khanh. Hậu ngụy dĩ lai danh tuy nhưng cửu nhi sở lị chi cục vị chi Tự. Nhân danh Cửu tự.” Nghĩa là: Đời Hán lấy Thái thường, Quang lộc, Huân vệ úy, Thái bộc, Đình úy, Đại hồng lô, Tông chính, Tư nông, Thiếu phủ làm Cửu khanh. Ngụy trở về sau tuy vẫn để như cũ nhưng các sở cục thì gọi là Tự. Vì vậy mà thành tên cửu Tự thay cho cửu Khanh.

1- Thái thường tự  (太常寺), là cơ quan phụ trách nắm giữ việc tông miếu lễ nghi, kiêm quản văn hoá giáo dục.          

2- Quang lộc tự (光祿寺), là cơ quan phụ trách việc cung cấp và nấu rượu lễ, đồ lễ, đồ ăn trong các bữa tế tự, triều hội, yến tiệc cung đình, yến tiệc ân vinh Tiến sĩ.

3- Huân vệ úy (勲衛尉), do triều Tần mới thiết lập, thống lĩnh võ sĩ canh giữ trong và ngoài cung.

4- Thái bộc tự (太僕寺), phụ trách các trách nhiệm trông coi, nuôi cấp ngựa, giữ gìn những xe ngựa của hoàng tộc (vua và các hoàng tử) và điều hành các mục súc (đồng cỏ để nuôi ngựa) trên toàn quốc.

5- Đình uý (廷尉), nắm giữ hình phạt, là vị trưởng quan tư pháp tối cao của cả nước.

6– Đại hồng lô hay Hồng lô tự (鴻臚寺), phụ trách việc thể thức lễ nghi trong các bữa yến tiệc dành cho những sứ đoàn từ các triều hoặc nước khác đến. Ngoài ra, Hồng lô tự còn phụ trách việc xướng danh các vị tân khoa tiến sĩ đậu kỳ thi Đình. Hồng lô tự gồm có 2 thự (quan nha) là:

+ Điển khách thự (典客署), cơ quan phụ trách việc tiếp đón và lo cho các sứ đoàn đến từ các nước.

+ Ti nghi thự (司儀署), cơ quan phụ trách việc an táng dành cho các vị đại thần trong triều đình.   

7- Tông chính (宗正),  phụ trách sự vụ của tông tộc hoàng thất và ngoại thích.

8- Tư nông hay Điển khách (典客), chủ quản sự vụ của dân tộc thiểu số, phụ trách những những sự việc như nghinh đón tiếp đãi.

9– Thiếu phủ (少府), nắm giữ việc tu bổ cung điện, tông miếu, lăng tẩm cùng những công trình trọng yếu khác.

5. Giấc mơ của Vua Hán Minh Đế (25-75 S.TL)

Vậy, tại sao từ Tự chỉ một sở cục cụ thể được chuyển hẳn sang nghĩa là chùa? Đây là nguyên nhân lịch sử, đánh dấu mốc đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Liên quan đến giấc mơ của Hán Minh Đế húy Lưu Trang (25-75 S.TL) là vị vua đầu tiên đã giới thiệu Phật giáo đến Trung Quốc.

Theo thuyết niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10.[3] Niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 (67 S.TL) đời Vua Minh Đế nhà Hậu Hán, có một đêm vua nằm mộng thấy người vàng, hào quang rực rỡ, từ phương Tây[4] tới làm rạng rỡ cả cung đình (place). Vì vậy, nhà vua đoán biết có Phật ở phương Tây tức Ấn-độ, do đó Vua sai tướng Thái Hâm, Vương Tuân, Tần Cảnh và phái đoàn gồm 18 người, đi đến phương Tây để thỉnh tượng Phật về thờ.

Trên đường đi đến Ấn-độ, ngang qua Tukhàra (Đại Nhục Chi), phái đoàn đã gặp hai bậc Phạm Tăng là Ca-Diếp-Ma-Đằng (Kāśyapa Mātaṇga) và Trúc-Pháp-Lan (Dharmaraksa) đang chở kinh và tượng Phật bằng Bạch Mã (ngựa trắng) đi về phía Đông. Khi các Tăng nhân cùng kinh, tượng, về đến kinh đô, triều đình chưa chuẩn bị kịp chỗ ở riêng, nên cho ở tạm trong Hồng Lô Tự (một cơ quan trong Cửu khanh). Sau đó nhà vua mới cho xây dựng nơi tôn kính trang nghiêm hơn, gọi là Chùa để thờ Phật và các Tăng nhân tu tập. Kiến trúc xây dựng theo kiểu mẫu dinh thự của quý tộc đương thời. Sau đó, chùa được xây dựng ngày càng nhiều cũng theo kiểu mẫu nhà ở của địa phương.

Nhân vì kinh và tượng Phật được mang về trên lưng ngựa trắng nên đặt tên chùa là Bạch Mã (Bạch Mã Tự). Tự là chỗ đầu tiên cho Tăng nhân tạm trú khi đến Trung Quốc, nên được chuyển sang làm thành tố chính để gọi tên cho ngôi chùa: Bạch Mã Tự (C.  白馬寺 ; E. White Horse Temple), ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại kinh đô Lạc Dương (洛陽)[5] Trung Quốc.

Khi hai Ngài và phái đoàn về đến Trung Quốc, vua Hán Minh Đế lấy làm hoan hỷ, mừng rỡ, liền sắc dựng chùa Bạch Mã để thờ Phật và làm nơi để hai Ngài dịch Kinh.

Ngài Ca-Diếp-Ma-Đằng (Kāśyapa Mātaṇga) quê ở Trung Ấn, Ngài học giỏi, nhớ lâu, đạo hạnh trác tuyệt, siêu việt và Ngài thường trì tụng kinh Kim Quang Minh (Suvarṇa-prabhāsa-sūtra)

Ngài Trúc-Pháp-Lan (Dharmaraksa) cũng là người Trung Ấn, giới luật rất tinh nghiêm, sạch như băng tuyết; cả hai Ngài đều trú ngụ chùa Bạch Mã ở Trung Quốc để dịch kinh.

Các tác phẩm của hai Ngài dịch gồm sáu bản kinh, đó là: Pháp Hải tạng kinh (法海藏經), Phật bổn hạnh kinh (佛本行經), Thập địa đoạn kết kinh (十地斷結經), Phật bổn sinh kinh (佛本生經), Nhị bách lục thập giới hợp dị (二百六十戒合異), và Tứ thập nhị chương kinh (四十二章經) hay Phật thuyết tứ thập nhị chương kinh (H. 佛說四十二章經; E. The Sutra in forty-two sections spoken by the Buddha). Tuy nhiên, chỉ duy nhất Tứ thập nhị chương còn tồn tại, còn 5 bản trước bị thất lạc. Nhìn vào các bản kinh của hai Ngài phiên dịch, cũng đủ để thấy rằng, Phật học Đại thừa của hai Ngài uyên thâm bác lãm đến chừng nào và hạnh nguyện Bồ-tát tuyên dương chánh pháp của hai Ngài rạng rỡ xán lạn như thế nào?

6. Thay lời kết

Từ những nguồn thư tịch như đã nói ở trên, chúng ta có thể thấy nghĩa của chữ Tự (chùa) chỉ về ngôi chùa – nơi trang nghiêm thờ Phật cũng như sự tu tập công phu của các hành giả, và luôn gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh con người hướng tâm đến Phật địa (đất Phật, cảnh giới Phật). Hơn thế nữa, khi gọi tên “tự” (ngôi chùa) là khởi lên niệm thiện, lan tỏa nguồn năng lượng từ trường tâm linh mang vẻ ấm áp, thân thương, gần gũi và đậm chất tư duy trong nền Phật giáo Á Đông.

“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm,
Chuông hôm gió sớm trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi,
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa”.

(Nguyễn Bính)

Tham khảo

1. Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Mâu Tử, tập I, Tu Thư Vạn Hạnh, 1982.

2. Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, THPG TP.HCM, 1991.

3. Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, tập I, NXB VHTT, Hà Nội, 1996.

4. Thích Hành Trụ, Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.

5. Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism in China: A historical survey, Princeton University Press, New Jersey, 1964.

6. Erik Zürcher, The Buddhist Conquest of China: The Spread and Adaptation of Buddhism in Early Medieval China, Printed in the Netherlands, 1972.

Chú thích

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chùa. 23/07/2019.

[2] Hán thư (漢書) là một tài liệu lịch sử Trung Quốc cổ đại viết về giai đoạn lịch sử thời Tây Hán, từ năm 206 Tr.Tl đến năm 25. Đôi khi, sách này cũng được gọi là Tiền Hán thư (前漢書) để phân biệt với cuốn Hậu Hán thư ( 後漢書), viết về giai đoạn Đông Hán từ năm 25 đến năm 220 S.TL, do Phạm Diệp viết trong thế kỷ thứ V. Kể từ sau Sử ký, cuốn Hán thư là cuốn sử đồ sộ nhất, vì vậy nó được liệt vào một trong Nhị thập tứ sử – 24 bộ sử nổi tiếng và lớn nhất Trung Quốc. Ngoài ra, Hán thư cũng được liệt vào hàng Tứ sử kinh điển, sánh với Tứ thưNgũ kinh; bên cạnh có Sử ký, Hậu Hán thư và Tam Quốc Chí.

[3] Xem Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Thành Hội PG Tp.HCM, 1991, tr.25-26. 

[4] Phương Tây ở đây là chỉ về hướng Tây Vức, Thiên Trúc, tức ngày nay là Ấn-độ.

[5] Kinh đô Lạc Dương là một trong ba Trung tâm Phật giáo lớn nhất vào thời nhà Hán. 1- Trung tâm Bành Thành thuộc vùng hạ lưu Dương tử ở phía Đông Trung Hoa; 2- Trung tâm Lạc Dương tại kinh đô nhà Hán; 3- Trung tâm Luy Lâu (Tonkin) thuộc địa phận Giao Châu (Việt Nam ngày nay) về phía Nam Trung Hoa.

Nghiên Cứu